Viện phương đông

3 năm trước

Tọa đàm khoa học kỷ niệm ngày 19-8: bài viết của PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa

MỘT CHẶNG ĐƯỜNG BA THẾ HỆ HÀNH QUÂN 

Nguyễn Xuân Hòa

                                                                       (Hội Nhà văn Hà Nội)

Powered by Froala Editor

         

Từ thuở xa xưa thời Văn Lang - Âu Lạc dân tộc Việt Nam đã tỏ rõ là một cộng đồng gắn kết, сó bản lĩnh, biết đùm bọc thương yêu nhau, tạo dựng cuộc sống. Họ biết nắm chặt tay nhau khống chế thú dữ hung ác, thiên nhiên khắc nghiệt để sống. Bản lĩnh người Việt trong dòng máu Lạc Hồng tự ngàn xưa vẫn chảy, và trong những thời khắc của lịch sử họ đồng lòng đứng lên gìn giữ từng tấc đất nơi sinh tồn của cha ông để lại. Chặng đường hành quân của Cuộc chiến mười ngàn ngày mà lịch sử trao cho ba thế hệ hành quân là chặng đường của những hi sinh, tổn thất cả xương máu lẫn sức người sức của để tiếp nối truyền thống tổ tiên quyết không để mất non sông gấm vóc hình chữ S, quyết không cúi đầu khi giặc ngoại xâm đe dọa. Khát vọng sống trong độc lập tự do, mưu cầu hạnh phúc của người dân nước Đại Việt xưa và nước Việt Nam ngày nay tự nhiên như hít thở không khí trong lành, như cơm ăn nước uống mỗi ngày.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa (bên trái) cùng nhà thơ Hữu Đạt


Trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày của Hữu Đạt như một bức tranh phác họa chặng đường tiếp nối trong tiến trình văn hóa của dân tộc tự ngàn xưa, nay đang ở giai đoạn của thời giao lưu, hội nhập với văn minh nhân loại. Một chuỗi những hình ảnh mang dấu ấn hào hùng của thời đại Hồ Chí Minh đậm nét nhân văn hiển hiện trước mắt người đọc, từ Cách mạng mùa thu tháng Tám 1945, qua hai cuộc kháng chiến trường kì đánh Pháp và đánh Mĩ đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước, những năm tháng hàn gắn vết thương chiến tranh, đất nước chuyển mình Đổi mới, rồi hôm nay còn phải đương đầu với những thách thức trong xây dựng nền kinh tế. Thế hệ sinh ra trong trận mạc và sinh ra sau chiến thắng 30/4/1975 là thế hệ được lịch sử trao cho sứ mệnh tiếp nối dựng nước và giữ nước với những gương mặt thông minh, cương quyết đầy quả cảm đang mang lại niềm tin cho đất nước. Vẽ lại một khung cảnh diễn tiến kéo dài của cuộc chiến chinh mười nghìn ngày không ngưng nghỉ bằng thơ rất dễ sa đà vào đơn điệu, nhưng Hữu Đạt đã níu kéo người đọc qua phong cách thơ kể chuyện tự nhiên, giàu hình ảnh, cuốn hút. Có thể dùng trường ca này làm một cuộn phim truyện lịch sử   bằng nhiều khổ thơ và đoạn thơ trong trường ca mang tính điện ảnh rõ nét với những hình ảnh sống động, khái quát, lấy nền là những khúc quân hành, những điệu hát quan họ, những điệu Lý qua cầu, những lời hát ru của những người mẹ ở hậu phương; qua đó người đọc có thể hình dung một môi trường sống, chiến đấu, sát cánh bên nhau của nhân dân ta đánh đuổi giặc thù, giành độc lập tự do, xây cuộc đời mới: Những câu thơ như mẹ vẫn hát câu đò đưa ví dặm/ Cha ngồi buồn lật trang sách Nho gia/ Đêm nô lệ tối đen vầng trăng khuyết/ Vọng tiếng người xưa/ Ai cứu nước non nhà? Dân tộc ta đã từng trải qua gần một thế kỉ sống trong đêm dài nô lệ, nay đã có Đảng phất ngọn cờ Giải phóng dân tộc. Hình ảnh Bác Hồ ở lán Nà Lừa và hình ảnh Quốc dân Đại hội ở Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa vào mùa thu năm 1945 làm nức lòng quân và dân cả nước rất phù hợp để đưa lên màn ảnh với lời bình bằng thơ: Dưới lán lá Tuyên Quang/ Một ông già tóc bạc/Đã ung dung triệu Hội nghị Diên Hồng/ Cả nước gọi ông bằng Bác/ Hình ảnh Người là hình ảnh núi sông.

Hình ảnh Bác - lãnh tụ Hồ Chí Minh trong ngày Khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hiện thân của một đất nước độc lập tự do: Trời thu rộng nắng Ba Đình tỏa sáng/ Bác đọc Tuyên ngôn giữa muôn triệu đồng bào/ Khai sinh nước Việt Nam từ bàn tay đế quốc. Bác Hồ cũng là hình ảnh của một vị lãnh tụ đầy bản lĩnh, một lòng một dạ lo cho dân cho nước hiện lên chân thật trong giờ phút nước sôi lửa bỏng những ngày đầu Toàn quốc Kháng chiến năm 1946: Bác Bộ phủ ngày cuối năm giá rét/ Bác ngồi trầm ngâm hàng tiếng sau bàn/ Lo tính cuộc chống chèo cho vận nước/ Trán Bác mỗi ngày lại thêm một nếp nhăn...

Đảng và Bác đã nhìn xa trông rộng: Phải bảo toàn lực lượng để trường kì kháng chiến. Trung đoàn Thủ đô anh dũng giằng co chiến đấu với giặc Pháp, nhưng rồi theo lệnh trên đã rút lui chiến lược lên chiến khu với lời hẹn nhất định sẽ có ngày trở về Thủ đô: Đêm Hà Nội ngút trời lửa cháy/ Đoàn quân đi trong tiếng nghẹn ngào/Bỏ lại sau lưng những phố phường nham nhở/ Khóc âm thầm trong ánh đạn hỏa châu

Họ ra đi và đã giữ lời hứa với người ở lại là sẽ mang chiến thắng trở về. Cùng với nhân dân cả nước, cùng với các đoàn dân công khắp các nẻo làng quê, các anh bộ đội cụ Hồ đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, chấn động địa cầu và trở về Thủ đô yêu dấu giữa những ngày thu sau chín năm trường đánh giặc: Một đội quân chỉ có mấy mươi người/ Nay đã thành những binh đoàn chủ lực/ Thắng Điện Biên rồi hùng dũng tiến về xuôi/ Hà Nội hôm nay ngợp trời trong nắng mới/ Năm cửa ô náo nức đón quân về/ Một lời hẹn chín năm không mấy ai tin nổi/ Qua thương đau vẫn giữ trọn lời thề.

Cuộn phim qua trường ca tiếp tục với những hình ảnh đau thương Đất nước đã hóa thành hai nửa/ Tổ quốc đau chia cắt một dòng sông/ Bờ vĩ tuyến bên tê là giặc/Bờ bên ni lúa vẫn xanh đồng... Đó là lúc thế hệ thứ hai chúng tôi lớn lên và hiểu rằng trước mắt dù Tổ quốc vẫn còn chia cắt, nhưng nhân dân hai miền Nam Bắc vẫn chôn chặt lời Bác dạy trong lòng: Dù có chết cũng phải giành độc lập/ Cho núi sông thành một giải nối liền/ Nếu phải đốt Trường Sơn thành ngọn đuốc/ Toàn dân thề vẫn phải quyết xông lên.

Thấm nhuần và tự hào với truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông từ thuở mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng trăm con, thế hệ thứ hai chúng tôi lớn lên và biết yêu quý gìn giữ từng thước đất, từng tấc biển của giải đất Việt Nam hình chữ S: Ý thức với Biển Đông từ thuở ấy/ Đã thấm vào từng ngọn núi, cỏ cây/ Và nhịp đập trái tim từng thế hệ/ Hoàng Sa, Trường Sa sóng nước trời mây ... Mỗi tấc đất này/ Là nước mắt mồ hôi/ Không thể để quân thù cướp mất...

Miền Bắc - hậu phương vững chắc của miền Nam đánh Mĩ. Trong những năm tháng chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ miền Bắc vừa chi viện cho miền Nam Thành đồng Tổ quốc, vừa hiên ngang chống trả máy bay Mĩ trong 12 ngày đêm lịch sử: Mấy nghìn năm/ Ta chưa quỳ gối bao giờ/ Một lần nữa lật thêm trang Lịch sử/ Mười hai ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không/ Hà Nội đứng trên thế ngàn năm vẫn vững/ Kiêu hãnh ung dung, đây con cháu Lạc Hồng. Những người mẹ, những người cha, những người con và những người cháu - ba thế hệ cùng hành quân, góp sức dựng xây cuộc đời mới, nhưng không bao giờ họ có thể quên những hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, những chiến sĩ không tên, nhất là các bà mẹ anh hùng đã chịu nhiều đau thương mất mát vì cuộc sống tươi đẹp hôm nay; thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba chúng tôi được vào trường đại học rèn giũa kiến thức phục vụ cho công cuộc kiến thiết đất nước luôn ghi nhớ công ơn cha anh, nguyện sống xứng đáng với lời thề non nước, với những người mẹ sinh con ra và tiễn đưa con đi đánh giặc, những người mẹ “còn một lai quần còn đánh giặc Mỹ”, những người mẹ in dấu ấn đẹp trong lòng mỗi chúng ta: Bao cái khó nhận về vòng tay mẹ/ Nỗi nhọc nhằn gánh chịu mấy mùa đau/ Chồng đi trận khi vẫn còn xanh tóc/ Lúc ra quân tóc đã bạc trắng đầu/ Đêm thom thóp chập chờn trong giấc ngủ/Mơ thấy con chết trận chẳng trở về...Và không thể nào kể xiết được những hi sinh mất mát xoáy sâu vào từng ngóc ngách mỗi gia đình mà người chịu đau đớn  trước hết vẫn là người mẹ, người vợ: Bao người mẹ mất con/ Bao trẻ thơ khóc mẹ/ Biết bao người vợ trẻ/ Thức trắng đêm trong nỗi nhớ chờ chồng/ Ông hành quân/ Cha hành quân/ Cháu cũng hành quân... 

Nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học thế hệ chúng tôi cũng hành quân lên đường đánh giặc, bảo vệ Tỏ quốc, bởi yêu nước là chọn đúng thời điểm khi Tổ quốc cần là có mặt để được cống hiến, để được góp phần làm nên chiến thắng chung của cả dân tộc: Cùng đất nước viết thêm nhiều trang sử/ Rất oai hùng và cũng rất đau thương... Bao con chữ ngổn ngang rơi trên lớp/ Tiền tuyến gọi cuộc hành quân tiếp bước; và vì thế mà dân tộc Việt Nam đã thắng: Ta đánh địch bằng hành trang súng đạn/ Và cả bằng bình rượu, túi thơ/ Đêm chiến dịch nóng như lửa đốt/ Cuộc hò hẹn ba mươi năm/ Vui khấp khởi từng giờ. 

Những thước phim tiếp tục làm lay động tâm hồn thế hệ tương lai với những hình ảnh chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, Sài Gòn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, tràn ngập niềm vui chiến thắng: Ta trong thế đi lên không gì ngăn lại được/ Cuộc chiến gian lao hơn chục ngàn ngày/ Máu đã đổ trên từng tấc đất/ Để nối đường chiến dịch đến hôm nay... Suốt cuộc chiến chục ngàn ngày không nghỉ/ Ngày hôm nay là trận đánh cuối cùng/ Trận đánh làm bàng hoàng nước Mĩ/ Đất nước vui tưng bừng/ Trong Đại thắng Mùa xuân.

Nhớ Di chúc Bác Hồ “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”, nhân dân ta  vững tin bước vào thời kì Đổi mới, đoàn kết bên nhau cùng làm giàu: Đất nước hết chiến tranh/ Trong đời sống có bao điều bề bộn/ Không thể hát những bài ca khoai sắn/ Phải vươn lên giành lấy sang giàu... Phút cam go dẫn đường lên Đổi mới/ Trước muốn cứu dân phải tự cứu mình/ Toàn dân lắng nghe những lời thâm cốt nhất/ Đồng chí Trường Chinh, đồng chí Nguyễn Văn Linh/ Lại tiếp bước một chặng đường lịch sử/ Tem phiếu xóa đi, thông thoáng thị trường...

Nhưng những thách thứ mới lại xuất hiện: Trong tiếng reo vui của những ngày Đổi mới/ Ta không khỏi lo thế nước, vận nhà/ Hết toan tính để thoát ra nghèo đói/ Lại bắt đầu lo thói sống xa hoa. Lại nhớ đến nao lòng một thời nghèo đói mà sống với nhau ân tình, ân nghĩa: Ai cũng lo giữ gìn phẩm chất/ Động vào một đồng của công/ Đã cảm thấy mình là tội ác; hoặc: Ta luyến tiếc cái thời/ Ai cũng giữ gìn để sống sạch trong/ Người với người thương nhau/ Trong từng câu hát đối/Đã một thời những ai nói dối/ Đều không có chỗ dung thân.

Thế mà: Thời kinh tế thị trường bây giờ đã khác/ Đi tới đâu cũng chỉ thấy nói tới tiền. Nhưng trước những thử thách và trở ngại nhân dân ta và thế hệ thứ hai, thứ ba chúng tôi tin vào đường lối đúng dắn của Đảng: Tin vào Đảng ta sẽ giành thắng lợi/ Hai cuộc chiến gian lao ta đã thắng kẻ thù/ Không có lí bây giờ ta chùn bước/ Dẫu đây cũng là cuộc chiến cam go.

Lời thơ dung dị phảng phất hồn nước âm vang truyền thống là mặt mạnh của trường ca. Nhiều khổ thơ, đoạn thơ trong trường ca bản thân nó mang tính hình ảnh cũng là một gợi ý để có thể xây dựng một kịch bản thơ cho một cuốn phim truyện lịch sử. Tập trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày của Hữa Đạt đã tái hiện được không khí hào hùng, bi thương của một thời đã qua, mang lại một hơi thở trong trẻo của thời đại mới. 

                                              Thanh Xuân Bắc tháng Sáu năm 2014 

                                                                                 NXH

 

Powered by Froala Editor