Viện phương đông

3 năm trước

Tọa đàm khoa học kỷ niệm ngày 19-8

Tọa đàm khoa học nhân 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến

Powered by Froala Editor

       Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công chúng tôi xin gửi đến bạn đọc Bài viết về buổi Tọa đàm khoa học nhân 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến (năm 2015) và đoạn trích Chương IV Trường ca "Cuộc chiến mười nghìn ngày" của nhà thơ Hữu Đạt. Cùng với đó là một số bài viết của các nhà văn, nhà nghiên cứu Văn học về tập trường ca này.
(Tập trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" được viết theo thơ hình họa. Nhà phê bình Trần Mạnh Tiến (PGS.TS ĐHSP Hà Nội) từng coi nhà thơ Hữu Đạt là người đi tiên phong trong sáng tác thơ "cấu hình" ở Việt Nam) 


* * *

         Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến, cũng là ngày Quốc phòng toàn dân, vào hồi 14 giờ chiều ngày 19 tháng 12 năm 2016, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia, Hà Nội, đã tổ chức tọa đàm khoa học xung quanh tập trường ca Cuộc chiến 10 ngàn ngày của tác giả - hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam Nguyễn Hữu Đạt.

       Hội trường tầng 3, nhà E với gần 200 chỗ ngồi chật kín bởi các thầy cô giáo, sinh viên các khoa Ngôn ngữ học, Văn học, Việt Nam học. Đặc biệt đến dự cuộc tọa đàm còn có nhà giáo lão thành, giáo sư sử học cao niên Vũ Dương Ninh, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cùng đại diện Ban chủ nhiệm các khoa Văn học, Ngôn ngữ học, Sử học, Triết học, Hội Cựu chiến binh nhà trường và đông đảo các báo đài Trung Ương và Hà Nội.

     Mở đầu cuộc tọa đàm, GS.TS Phạm Quang Minh đã có lời phát biểu cảm ơn tác giả Hữu Đạt, tác giả bản trường ca, cùng toàn thể các thầy cô giáo, các diễn giả cuộc tọa đàm, đặc biệt là các cử tọa sinh viên, những người mà theo giáo sư Hiệu trưởng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Theo ông, những hình thức tương tự như cuộc tọa đàm này sẽ góp phần quan trọng bồi đắp lý tưởng cho các thế hệ sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước, hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn lịch sử hào hùng một thời của dân tộc.

 

GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu tại tọa đàm.

         Tâm sự về quá trình hình thành bản trường ca – lịch sử Cuộc chiến mười ngàn ngày, nhà giáo – nhà thơ Hữu Đạt bộc bạch rằng, cảm hứng của ông đến từ chính những trang sử hào hùng của dân tộc. Thế hệ của ông sinh ra và lớn lên trong hai cuộc chiến tranh, những mất mát, đau thương và sự dũng cảm quật cường của những người con đất Việt, khiến ông xúc động không thể không viết. Là một nhà thơ, nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo, ông bày tỏ lòng cảm ơn đối với các thế hệ cha anh, những người đã làm nên chiến công của một thời, góp phần quan trọng vào việc đánh đuổi hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Cuộc chiến mười ngàn ngày được cấu trúc trong 12 chương, bắt đầu với “Khát vọng mùa thu” (chương 1), qua “Ngày toàn quốc kháng chiến” (chương 2), “Mãi mãi Điện Biên” (chương 3), “Khi chúng tôi lớn lên” (chương 4), “Cuộc đối đầu lịch sử” (chương 5), “Những người Mẹ” (chương 6), “Mái trường đại học” (chương 7), “Những ngôi làng” (chương 8), “Trận đánh cuối cùng” (chương 9), “Đất nước chuyển mình” (chương 10), “Thách thức” (chương 11) và cuối cùng là chương mang tên “Thế hệ chúng tôi” (chương 12).


 

          Các diễn giả tham gia tọa đàm, đại diện cho các nhà khoa học đến từ các khoa Văn học, Lịch sử, Ngôn ngữ học đã tập trung trao đổi về những thành công trong nội dung và hình thức của bản trường ca. Giáo sư sử học Vũ Dương Ninh cho rằng, không có cách gì tốt hơn về việc truyền tải những bài học lịch sử qua những vần thơ hấp dẫn và dễ nhớ như trong bản trường ca của Hữu Đạt. Giảng viên chính Trần Hinh tập trung phân tích những thành công về mặt hình thức của tập trường ca qua cấu trúc và lối viết thơ hình họa của tác giả. Cùng ý tưởng này, PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa bổ sung hệ thống hình tượng hóa trong trường ca là biểu trưng cho văn hóa truyền thống lâu đời. Từ hệ thống biểu tượng này, nhà thơ muốn truyền đạt, chiến thắng của dân tộc Việt Nam là chiến thắng của nền văn hóa dân tộc với văn hóa thực dân và văn hóa thực dụng kiểu Mỹ. Đây là chiều sâu trong thơ hình họa của Hữu Đạt. PGS. TS Phạm Thành Hưng liên hệ với thơ thị giác ở Anh và khẳng định, những bài thơ thị giác trong Trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày của Hữu Đạt đã được viết rất công phu. Đó cũng là một thành công đáng kể của tác giả. Nhà giáo Bùi Việt Thắng thì nhấn mạnh, ông thích cái giọng tâm tình, thủ thỉ, những lời thơ đầy ân tình của Hữu Đạt. PGS.TS Phạm Quang Long không đi thẳng vào tập trường ca, mà qua những câu chuyện thú vị trong những chuyến công tác ngoại giao với một số người Mỹ, về cách hai bên hiểu về cuộc chiến của nhau, mới thấy hết được những đóng góp của dòng văn chương viết về chiến tranh. Một diễn giả đại diện cho sinh viên, những người rất trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường thì ngoài cảm nhận về tính hấp dẫn của bản trường ca, còn bộc bạch những cảm xúc của thế hệ ngày nay đối với những trang sử hào hung của dân tộc qua những vần thơ của thầy Hữu Đạt.

 

 Nhà văn Bùi Việt Thắng nhận xét về lời thơ trong trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày".


          Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, đồng thời cũng là một cựu chiến binh, khẳng định, tuy không am hiểu nhiều về trường ca, nhưng đọc và nghe những ý kiến trong buổi tọa đàm, ông đã hiểu được sâu sắc tấm lòng và tài năng của người viết. Với tư cách là người phụ trách công tác chính trị và công tác sinh viên, lại là người trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức buổi tọa đàm này, khẳng định thêm một lần nữa, đây là một hoạt động rất hữu ích với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

 

Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu nhận xét về tập trường ca của Hữu Đạt


 

Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả - Nhà thơ Hữu Đạt.

 

--------

Trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày

Trích Chương IV: Khi chúng tôi lớn lên


Khi chúng tôi lớn lên

Vùng chiến tuyến vẫn còn phi chiến sự

Mà phảng phất đâu đây ngọn lửa

Cuộc chiến tranh như một trận đối đầu

Không chỉ ở trong lòng nước nhỏ

Mà chính là các cường quốc đụng nhau

Nào có biết ai chọn ta điểm tựa

Thúc ta lên làm người lính đi đầu (*)

Ta mê mải hát trong vòng lý tưởng

Tuổi trẻ hồn nhiên nào có tính gì đâu

Nghĩ đơn giản xót cơn đau nước mất

Đảng bảo đi là tình nguyện cùng nhau

Không nuối tiếc tuổi xanh

Không đắn đo lựa chọn

Xếp bút nghiên

Cùng bạn ta đi

Súng khoác vai

Nhòa nụ cười tuổi trẻ

Tay vung lên theo nhịp bước quân hành

Đời chinh chiến trên vai ba thế hệ

Một tiếng chào

đồng chí

bố cùng anh

 

Ta gọi nửa phía bên kia là giặc

Cũng đầu đen, cũng máu đỏ đồng bào

Nhưng nhận thức đã biến thành ý thức

Cuộc thù này ta phải chém bằng dao

Và dàn trận hai bên đại bác

Vẫn rú gầm hăng hái nã vào nhau

Nửa căm uất phía bên kia cộng sản

Nửa hận thù trước một lũ ngụy quân

Súng đọ súng hai bên bờ lý tưởng

Mà bên trong huynh đệ lại tương tàn

 

Chúng tôi lớn lên

trong một thời khắc nghiệt

Phải nhận rõ trắng đen

đâu bạn đâu thù

Toàn thế giới chia thành hai thái cực

Chiến tranh ngầm đang trong cuộc chạy đua

(*) Ý thơ Tố Hữu

Các nước lớn đang chuyển giao vũ khí

Muốn ta xông lên cầm lấy ngọn cờ

Không thể khác

Ta bước vào thế trận

Lòng vô tư không tính cuộc bán mua

Và tổ quốc biến thành cuộc chiến

Quyết một phen phân rõ được thua.

Có ai nghĩ nhát dao binh lửa

Sẽ cứa đau thân thể một con người

Mỗi gia đình đều lạc chồng lạc vợ

Anh em và con cháu chia phôi

(hình chiếc lư đồng)

Đường tập kết anh đi

Qua núi rừng xa lắc

Người ở lại hướng về miền Bắc

Người ra đi ngoảnh lại phía trời Nam

Khác chi chuyện Âu Cơ thuở trước

Bọc trứng trăm con sinh đất nước Hồng Bàng

Cuộc tiễn biệt như vòng tròn lịch sử

Đợi bao giờ cho hết hai năm?

Đêm thăm thẳm

lắng nghe

Tổng tuyển cử

Hiệp định Giơne vơ

ai đã phạm lỗi lầm?

 

Đau nhói ngàn năm hai bờ Bến Hải

Dẫu thắng cuộc ta vẫn còn nhớ mãi.

Một kẻ thù núp bóng dưới màu hoa

Họ muốn giết ta bằng ngọt ngào huynh đệ

Những khẩu hiệu chói chang

Đến tận mỗi ngôi nhà

Phút chờ đợi hòa bình

được thay bằng họng súng

Một nứa nước

đổ xuống đường như sóng

Những cuộc biểu tình

chấn động đất thành đô

(hình đồng hồ cát)

Quằn quại gió reo trên những tán dừa

Nhức nhối bầm đen trên từng thớ đất

Khắp miền Nam máu đổ như mưa

Những nhà tù mọc lên như nấm

Tiếng thét gào oán hận họ Ngô

Luật 59 gầm lên trong xích sắt

Những xe tăng chà sát xóm làng

Những hàng rào kẽm gai nhọn buốt

Cắt ngang  dòng cả những con kênh

 

Máy chém. kéo lê qua từng ngõ nhỏ

Người kháng chiến năm xưa

phải chịu trả thù

Có người bị thiêu trên ngọn lửa

Có người thây bị kéo lết sau xe

Cuộc đọ sức giữa hai dòng chủ nghĩa

Đã bùng lên cuộc đồng khởi Bến Tre

Thà chết vinh còn hơn sống nhục

Tay nắm tay giữ trọn câu thề

Dù phải đốt cả Trường Sơn thành ngọn lửa

Vẫn đứng lên quyết không chịu sống qùi..

 

Chúng tôi lớn lên

Đất nước đã tưng bừng trong cuộc chiến

Lạ làm sao câu hát tiễn người thân

Lại có cả niềm vui… dù ra trận

Có thể mai chưa chắc đã quay về

Vì lý tưởng đã say hai thế hệ

Cháy trong lòng những đám trẻ trai quê

Rằng đánh giặc là vinh quang

Là sứ mệnh

Lịch sử giao cho, ai nỡ chối từ?

Những câu nói bình thường

bỗng hóa thành ngạn ngữ

“ Ta /thế hệ thanh niên con cháu Bác Hồ

Được ra trận, đó là niềm kiêu hãnh

Bốn nghìn năm lịch sử đang chờ!”

Ta tự nâng ta hóa thành tột đỉnh

Niềm tự hào vượt quá cả trong mơ

Để cầm súng bước vào trận đánh

Chỉ biết tiến công không lùi lại bao giờ

 

Với Tổ quốc

Máu xương ta không tiếc

Dẫu tuổi xanh phải chôn giữa rừng già

Gió thời đại biến ta thành xung kích

Ta dấn thân vào cuộc chiến tự lòng ta

Bao đứa trẻ mới chào đời đã hát

Những lời ca thấm đẫm máu và hoa

Bao em thơ khi còn trong bụng mẹ

Sẽ chẳng bao giờ còn được gọi tiếng “cha”

Gió vẫn thổi trên cánh đồng hoang vắng

Những vùng quê bao đứa trẻ chết già…

 

Chúng tôi lớn lên

Mây thổn thức giữa đôi bờ ước vọng

Những bãi bồi nối những giấc mơ xanh

Triền cát trắng ngàn năm không cũ kỹ

Trăng đầu thôn sóng sánh nước sông Hồng

Bao hò hẹn chưa đến kỳ đã vội

trút lỡ làng sau mấy bụi tre xanh

Những chàng trai khoác trên mình áo lính

Khuất sau xe trong gió cuốn bụi đường

Để lại nửa hoàng hôn màu nước mắt

Của biết bao cô gái tuổi lấy chồng

Nay phút chốc sững người như hóa đá

Anh đi rồi liệu biết có về không?

Đêm nức nở giấc mơ hồng xám lại

Mùi chiến chinh vơ vẩn bóng trăng rằm

Không còn nữa sự nguyên lành trong trắng

Lọn tóc thề ngang nhát kéo sau lưng

Tuổi mới yêu vắt ngang đời vết sẹo

Nuôi niềm tin lay lắt lá thu già

Khắp thôn xóm những mùa đông góa bụa

Mà mùa xuân sao cứ mãi còn xa

 

Để dấu hỏi lưng mẹ già còng mãi

Theo nỗi buồn trong mắt những người cha…

 

Chúng tôi lớn lên

Hiểu đất nước qua những bài lịch sử

Mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng trăm con

Một nửa vác cung tên lên núi

Một nửa đi khai phá những bưng biền

Ý thức với Biển Đông từ thuở ấy

Đã thấm vào từng ngọn núi, có cây

Và nhịp đập trái tim từng thế hệ

Hoàng Sa, Trường Sa sóng nước trời mây

Vẫn cùng trong dải đất hình chứ S

Máu cha ông đổ xuống đã bao đời

Các thế hệ cháu con

nhớ lời nguyền  sông núi

Mỗi tấc đất này

Là nước mắt, mồ hôi

Không thể để quân thù cướp mất

Dù một chút màu xanh lơ lửng ngang trời

Không để chúng giẫm lên từng hạt cát

Dầu còn non từ lúc mới sinh phôi

Những bài học

Thuở hồng hoang khi còn chưa có chữ

Lời ông cha truyền lại

khúc ca dao

Mẹ vẫn hát những đêm dài mộng mị

Dòng sữa nuôi con hóa những giọt máu đào

Câu ca cũ nhưng tình người không cũ

Ngàn vạn đời vẫn hai chữ: thương nhau

Tình làng nước như cây bầu cây bí

Nghĩa vợ chồng

Như ông Bếp bên nhau

 

Dẫu thời cuộc thăng trầm biến đổi

Thì cây đa bến cũ, tình người

Vẫn là cái làm nên sông núi

Và trường tồn cùng Đất nước em ơi!

  

Chúng tôi lớn lên

mê mải tuổi học đường đầy ước vọng

Trang giấy trắng như cuộc đời trinh trắng

Thắp niềm tin với những ước mơ xa

Bạn mong muốn mai mình thành bác sĩ

Đem tình thương

chữa bệnh đến muôn nhà

đẻ cuộc sống

Mọi người luôn khỏe mạnh

Đứa trẻ mới ra đời cũng đỏ thịt thắm da

 

Tôi mơ ước mình thành nhà chế tạo

Làm cho dân những cỗ máy con tàu

Ruộng đất sẽ được cày bằng máy kéo

Đường dù xa nhưng vẫn thấy gần nhau

(hình chiếc lọ hoa lùn)

Và bạn gái cùng quê

muốn mình thành thi sĩ

Viết những bài thơ rực rỡ ngôn từ

Đem trái trăng tròn sang nước Mỹ

Đời vui làm một cuộc viễn du

Nhưng thế hệ chúng tôi

Đã nhiều người dang dở

Bao ước mơ hoài bão

đã không thành

Song không tiếc vì lòng mình hiểu rõ

Sẽ làm gì khi đất nước chiến tranh

 

 

Powered by Froala Editor