Viện phương đông

3 năm trước

Tranh luận về phương án chỉnh sửa “sạn” trong sách giáo khoa

Theo báo cáo Chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD) Nguyễn Đức Thái gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), 4 bộ SGK lớp 1 mới do NXBGD tổ chức biên soạn có nhiều lỗi xin được chỉnh sửa.

Bài đăng trong Mục Giáo dục trên báo nhandan.com:

Powered by Froala Editor

Hàng loạt lỗi khác nhau trong các bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, đang được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xin chỉnh sửa. 

Chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD) Nguyễn Đức Thái vừa ký báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) kết quả rà soát bốn bộ SGK lớp 1 mới do NXBGD tổ chức biên soạn, với nhiều hạt “sạn” xin được chỉnh sửa trong cả bốn bộ.

Theo báo cáo, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc rà soát lỗi và đăng ký bản quyền SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, NXBGD đã mời các nhóm tác giả phối hợp đội ngũ biên tập viên, Ban Tổng biên tập của nhà xuất bản rà soát, kiểm tra toàn bộ bốn bộ SGK. Ngoài ra, NXBGD cũng cân nhắc, tiếp thu những phản hồi từ giáo viên, phụ huynh thông qua báo chí để điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp.

Description: Hàng triệu bản sách giáo khoa sẽ phải “vứt đi” do chỉnh sửa “sạn” khi tái bản? -0

Nhiều ngữ liệu điều chỉnh trong SGK lớp 1 mới của bốn bộ sách, trong đó có ngữ liệu về thỏ, chim yểng... gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua.

Kết quả rà soát bộ sách lớp 1 Kết nối tri thức với cuộc sống phải chỉnh sửa nhiều nhất trong hơn 37 trang, gồm SGK tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2) và SGK Giáo dục thể chất 1. Trong đó, SGK tiếng Việt 1 (tập 1) sửa ở 18 trang. Một số lỗi cụ thể như: ngữ liệu “sách đâu ếch học bài?” trang 129 được đề nghị sửa thành “sách đâu em học bài?”; cắt giảm ngữ liệu “hàng bưởi ra bông trắng muốt” trang 152. Đối với SGK tiếng Việt 1 (tập 2) sửa lỗi khoảng 16 trang. Một số lỗi cụ thể như: Ngữ liệu “Thỏ có (…) vừa dài vừa to” trang 23 được đề nghị thành “Thỏ có đôi tai (…)”; chỉnh yêu cầu từ “nghe viết” thành “nhìn viết” ở một số trang… SGK Giáo dục thể chất 1 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng được NXBGD đề xuất sửa lại ở ba trang 32, 88, 89…

Đối với bộ SGK lớp 1 Chân trời sáng tạo phải sửa lỗi ở bảy trang SGK môn tiếng Việt 1 (tập 1) và môn tiếng Anh. Trong đó SGK tiếng Việt 1 (tập 1) sửa lỗi ở năm trang. Một số lỗi cụ thể như ngữ liệu “lần đầu đi qua cầu khỉ” trang 139 được đề nghị sửa thành “lần đầu đi câu cá”; bốn tranh minh họa cũng phải sửa lại. SGK tiếng Anh 1 Family and Friends (Nationnal Edition)-Student Book sửa trang 47 và 53 một số câu và hình vẽ.

Đối với bộ sách lớp 1 Cùng học để phát triển năng lực sửa lỗi trong khoảng hơn 24 trang. Trong đó, SGK tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2) sửa lại ở khoảng chín trang, tiếng Anh 1 sửa lại ở khoảng 8 trang và Giáo dục thể chất 1 sửa lại ở khoảng 7 trang. Điển hình trong SGK tiếng Việt 1 (tập 2) là đoạn trích bài “Ngày em đến trường” phải điều chỉnh viết lại cho hay.

Đối với bộ sách lớp 1 Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục sửa lỗi ở một trang trong SGK tiếng Việt 1 (tập 1) phải điều chỉnh nội dung văn bản  do ngữ liệu không đúng trong thực tế.

Trong báo cáo gửi Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBGD Nguyễn Đức Thái đề xuất những điểm xin được chỉnh sửa trong lần tái bản các bản mẫu SGK sắp tới để phục vụ năm học 2021-2022.

Theo TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, trong quá trình triển khai chương trình, biên soạn SGK, việc các tác giả và nhà xuất bản lắng nghe, tiếp thu các ý kiến là bình thường. Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, NXBGD đã có báo cáo bước đầu. Khi nhận được báo cáo, Bộ GD-ĐT đã triển khai các bước tiếp theo, rà soát và gửi hội đồng thẩm định. Hiện nay, Hội đồng thẩm định đang thảo luận, xem xét trên nhiều yếu tố; thậm chí có cả những đối thoại với tác giả về các nội dung liên quan để thống nhất công bố những vấn đề cần điều chỉnh trong SGK của NXBGD. “Nếu theo điều 9 của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT thì những nội dung báo cáo, NXBGD đang đề xuất lên theo hướng  chỉnh sửa cho lần tái bản năm sau”- TS Thái Văn Tài cho biết.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, với hàng loạt các lỗi phải chỉnh sửa ở cả bốn bộ SGK lớp 1 của NXBGD, vì sao không biên soạn tài liệu chỉnh sửa ngay để phục vụ việc dạy và học của năm học 2020-2021 mà phải đợi đến năm học 2021-2022 để tái bản? Nếu đợi đến năm học 2021-2022 tái bản thì năm học 2020-2021 sẽ phải dạy học theo SGK có hàng loạt “sạn”, “lỗi”.

Bên cạnh đó, việc có năm bộ SGK lớp 1 nhưng chỉ có một bộ biên soạn tài liệu chỉnh sửa còn bốn bộ chỉnh sửa khi tái bản sẽ tạo nên sự không công bằng trong biên soạn giữa các nhà xuất bản cũng như không công bằng đối với giáo viên và học sinh khi sử dụng các bộ SGK khác nhau để dạy và học. Mặt khác, nếu không có tài liệu chỉnh sửa mà chỉ khi tái bản mới chỉnh sửa thì sẽ không thể tái sử dụng được cho năm sau.

Trong khi giá bán SGK lớp 1 mới cao, việc không thể tái sử dụng sẽ gây thiệt thòi cho học sinh học sinh vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn. Điều đó đi ngược với phong trào vận động học sinh tặng lại SGK cũ của NXBGD từng triển khai…

GIANG SƠN - HOA LÊ

 

Powered by Froala Editor