Viện phương đông

3 năm trước

Trích dẫn thành ngữ, tục ngữ trên báo chí hiện đại – chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại

Việc trích dẫn các thành ngữ và tục ngữ trên báo chí cũng có thể đem đến tác dụng không kém các hình tượng văn học, trong việc gây ảnh hưởng đối với người đọc. Bởi lẽ ẩn dấu đằng sau những câu thành ngữ và tục ngữ đó là những hình ảnh sinh động của một hiện tượng, sự việc, cũng có thể là những câu chuyện có đầy đủ các nhân vật, trình tự diễn ra và những bài học răn dạy người đời. 

Powered by Froala Editor

Trích dẫn thành ngữ, tục ngữ trên báo chí hiện đại – chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại  

                                                        Nguyễn Thị Thanh Hương (*) 


 

Báo chí hiện đại thường đề cập đến nhiều vấn đề mang tích chất “nóng hổi, cập nhật”, tưởng chừng không mấy liên quan đến những thành ngữ xuất hiện từ “ngày xửa ngày xưa”. Nhưng trong thực tế ta luôn bắt gặp những thành ngữ tục ngữ trên các trang báo, ở mọi thể loại, mọi thành phần của bài báo. Nhìn từ một góc độ dụng học, trích dẫn thành ngữ có thể góp phần tạo nên sự liên kết trong văn bản báo. Từ góc độ phong cách học, trích dẫn thành ngữ có tác dụng như như một phương thức biểu cảm giúp nhà báo thể hiện quan điểm đối với thông tin đang được đề cập tới.

Theo Loenz A.L. và Vivian J. “Trích dẫn, nếu được dùng đúng chỗ, có thể đem đến sự sống động cho câu chuyện” (“Quotations, used correctly, can give life to a story”). Trên thực tế, việc trích dẫn đã trở nên một việc làm rất bình thường trên báo nói chung và báo tiếng Việt nói riêng, dường như là chuyện đương nhiên.   

Trích dẫn trực tiếp, được nhìn nhận trong mối quan hệ đẳng kết với các thành phần khác trong phát ngôn là hình thức “dùng những sản phẩm ngôn ngữ do sự sáng tạo của người khác để góp phần tạo ra sản phẩm của mình” (Dương Văn Quảng), vì vậy phần “vay mượn” chỉ có chức năng “trang điểm” hay phụ hoạ cho những lí lẽ của tác giả. 

Trích dẫn phải là kết quả của quá trình lựa chọn có chủ kiến và được cân nhắc một cách kĩ lưỡng (vì số lượng rất hạn chế) của người làm báo trong số rất nhiều hành văn có sẵn. Nói cách khác, “trích dẫn là một yếu tố thông tin vì khi được đặt vào một chu cảnh khác thì đương nhiên nó mang một ý nghĩa khác” và ý nghĩa đó phục vụ cho một mục đích khác của người trích dẫn. 

Harkrider quan niệm rằng: lời trích dẫn trực tiếp thường dùng cho những mục đích sau:

  • Thêm độ tin cậy cho các sự kiện của câu chuyện 
  • Thêm độ hấp dẫn và quan trọng cho câu chuyện bằng lời nói chính xác của nhân vật.

 

Trên thực tế, lời trích dẫn trực tiếp có thể làm được nhiều hơn những mục đích nêu trên. 

  • Trên góc độ cú pháp, lời trích dẫn trực tiếp được coi như việc dùng những ý tưởng của người đi trước, đồng hay trái quan điểm, để thể hiện những gì phóng viên muốn trình bày. Nhưng từ góc độ ngữ nghĩa, bản thân những từ hoặc ngữ được lựa chọn là một phần thông điệp của người viết gửi đến người đọc và có thể được coi là sự thể hiện quan điểm, thái độ của người viết.
  • Lời trích dẫn trực tiếp bổ sung những yếu tố chứa đựng thông tin và tạo ra màu sắc đặc trưng, tính cập nhật, xác thực, và phạm vi mang tính nhân văn cốt yếu cho bài báo, vì thế tạo nên điểm nhấn và sự nổi bật của nó. 
  • Lời trích dẫn trực tiếp giúp tạo nên phong cách riêng cho ngôn bản.

 

Từ góc độ phong cách học, thành ngữ và tục ngữ là biện pháp tu từ từ vựng rất phổ biến trong mọi ngôn ngữ, được coi là cách sử dụng các cụm từ cố định một cách đặc biệt. 

Thành ngữ là những câu nói không nhằm mục đích để hiểu theo nghĩa thông thường, đồng thời ý nghĩa của một thành ngữ thường rất khác với ý nghĩa của từng chữ một trong câu.

Tục ngữ là câu ngắn gọn, có cấu trúc ổn định, đúc kết kinh nghiệm sống, đạo đức, tri thức của một dân tộc dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền.

Việc trích dẫn các thành ngữ và tục ngữ trên báo chí cũng có thể đem đến tác dụng không kém các hình tượng văn học, trong việc gây ảnh hưởng đối với người đọc. Bởi lẽ ẩn dấu đằng sau những câu thành ngữ và tục ngữ đó là những hình ảnh sinh động của một hiện tượng, sự việc, cũng có thể là những câu chuyện có đầy đủ các nhân vật, trình tự diễn ra và những bài học răn dạy người đời. Những liên tưởng có thể dựa trên các mối quan hệ:

  • Địa điểm: môi và răng, bùn - ao (Môi hở răng lạnh. Ném bùn sang ao)  
  • Nhân – quả: hở – lạnh, nhịn – lành, hiền – lành (Ở hiền gặp lành)
  • Nhượng bộ: đau – chờ (Đau đẻ còn chờ sang trăng)
  • Thời gian: vừa – vừa (Vừa đấm vừa xoa)
  • Tương phản: một – chín (Một miệng kín chin miệng hở)

Trích dẫn bộ phận là một phương thức rất có hiệu quả nếu các từ và ngữ được trích dẫn đáp ứng được những điều kiện sau: 

  • Đủ ngắn để có thể được nhận biết với tư cách như một thành phần câu.
  • Phải phù hợp, ăn khớp, “chắp dính” một cách lôgic với các thành phần khác của câu xuất hiện trước và sau chúng ở mọi bình diện: từ vựng, cú pháp và ngữ nghĩa.
  • Phải được chọn lọc kĩ để có thể được người đọc chấp nhận: phải nổi bật và giúp làm cho câu văn trở nên ấn tượng hơn. 
  • Trích dẫn bộ phận là cách “ghép nối” những từ, ngữ được lấy từ những ngữ cảnh vốn đã được chấp nhận trong xã hội hay trong tiềm thức của người đọc. Trong ngữ cảnh mới của ngôn bản, chúng được chấp nhận chủ yếu là nhờ sự liên tưởng của người đọc không chỉ với nghĩa của một từ, một ngữ, mà cả một câu chuyện với đầy đủ các nhân vật, các tình tiết và những điều răn dạy, những bài học từ câu chuyện đó. 
  • Các thành ngữ và tục ngữ, xuất hiện dưới dạng trích dẫn bộ phận bộ phận, nếu được sử dụng một cách lôgic, có tính nghệ thuật sẽ đem lại hiệu quả vượt xa bất kì sự miêu tả hay tường thuật nào, bởi lẽ nó đáp ứng được cả hai yêu cầu của ngôn ngữ báo chí. 

Bài viết nàychủ yếu quan tâm đến việc sử dụng các thành ngữ và tục ngữ dưới dạng trích dẫn trực tiếp bộ phận trong các bài báo được đăng tải trên các báo khá phổ biến hiện nay như Lao động, Nhân Dân, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội Mới, Dân trí, Vnexpress, Vietnamnet, v.v. nhằm tìm hiểu vai trò của việc sử dụng các thành ngữ và tục ngữ vốn được hình thành và sử dụng từ hàng ngàn năm nay trong việc thông tin về những vấn đề của thế kỉ 21 

 

  1. Một số đặc điểm của các thành ngữ và tục ngữ được trích dẫn trong các bài báo
    1. Vị trí xuất hiện của các thành ngữ và tục ngữ trong các bài báo 

Trong các báo hiện nay ở Việt Nam, thành ngữ và tục ngữ được dùng dưới hình thức trích dẫn trực tiếp bộ phận xuất hiện ở hầu hết tất cả các vị trí của bài báo: ở tiêu đề báo, lời dẫn, phần nội dung, và lời kết. 

Vd.      Rối như... canh hẹ!

Đừng để trăm dâu đổ đầu tằm

Đừng để “té nước theo mưa”

Cố tình tham bát bỏ mâm

Đừng để “nước đến chân mới nhảy”

Đừng “ăn xổi, ở thì”

Vừa đấm vừa xoa

(Các thành ngữ nêu trên đều xuất hiện ở tiêu đề của bài báo.)

 

  1. Vai trò của các thành ngữ và tục ngữ trong các bài báo 

Thành ngữ và tục ngữ có thể được sử dụng với tư cách của các thành phần câu khác nhau, đặc biệt là chủ ngữ, định ngữ, vị ngữ và bổ ngữ.

Vd.      Vì đó là tấm lòng của con người với con người, là nét đẹp văn hoá “lá lành đùm lá rách”. 

            Vừa mới ‘tay bắt mặt mừng’ hôm trước ở Nha Trang, hôm sau lại ….

(…) vẫn còn khoảng cách "một trời, một vực" so với thực trạng ô nhiễm môi trường ... 

… "cuộc cách mạng" phá vỡ thói quen hút thuốc lá đã thành "thâm căn cố đế". 

 

  1. Cấu trúc của các thành ngữ và tục ngữ được trích dẫn trong các bài báo

Các thành ngữ và tục ngữ thường có các kiểu ngắt nhịp: trên yếu tố vần, trên cơ sở vế, trên cơ sở đối ý, theo tổ chức ngôn ngữ thơ ca, có cấu trúc cân đối, tạo nên nhịp điệu, dễ thuộc dễ nhớ. Các kiểu suy luận thông thường trong thành ngữ và tục ngữ: liên hệ tương đồng, liên hệ không tương đồng, liên hệ tương phản, đối lập, liên hệ phụ thuộc hoặc liên hệ nhân quả. Hình tượng của thành ngữ và tục ngữ là hình tượng ngữ ngôn được xây dựng từ những biện pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ... , có hình ảnh sinh động gắn liến với cuộc sống hàng ngày.

  1. Cấu trúc đối xứng, và nghĩa đối ngược: 

Vd.      tiền mất tật mang (tiền 1  tật, mất 1  mang)

đầu voi đuôi chuột (đầu 1  đuôi, voi 1chuột)

  1. Cấu trúc lặp kết hợp với đối nghĩa

Vd.      dở khóc dở cười (khóc 1  cười)

vừa đấm vừa xoa (đấm 1  xoa)

một trời, một vực (trời 1  vực)

"bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" (mặt 1  lưng, đất 1  trời)

  1. Cấu trúc song song, tương đồng

Vd.      bờ xôi, ruộng mật ("bờ” tương ứng với “ruộng”,  “xôi" với “mật")

văn ôn, võ luyện ("văn” tương ứng với “võ”, “ôn” tương ứng với “luyện")

chân lấm tay bùn ("chân” tương ứng với “tay”, “lấm” liên quan tới “bùn")

thay da đổi thịt (“thay” tương đương với “đổi”, “da” tương đương với “thịt”)

thắt lưng buộc bụng (“thắt” đồng nghĩa với “buộc”, “lưng” tương ứng/ đối với “bụng”)

  1. Yếu tố tương đương kết hợp với đối

Vd.      lắm tài nhiều tật (“lắm” đồng nghĩa với “nhiều”, “tài” đối nghĩa với “tật”)

nước sôi lửa bỏng (“sôi” đồng nghĩa với “bỏng”)

mèo bắt chuột con (“bé” đồng nghĩa với “con”

lời ra tiếng vào (“lời” đồng nghĩa với “tiếng”

đến nơi đến chốn (“nơi” là từ đồng nghĩa với “chốn”

  1. Sự kết hợp từ tạo nên nhịp điệu:

Vd.      con học thóc vay (" học” vần với “thóc ")

tứ cố vô thân ("cố” vần với “vô ")

 

  1. Trích dẫn thành ngữ và tục ngữ tạo sự liên kết trong văn bản báo

Từ góc độ dụng học, trích dẫn thành ngữ và tục ngữ có thể góp phần tạo nên sự liên kết trong văn bản báo. 

Dựa trên nguyên tắc của trích dẫn trực tiếp bộ phận chủ yếu dựa trên quan hệ đẳng kết: dùng một từ hay cụm từ (có thể có hoặc không có cùng nội dung với chủ đề đang được đề cập) vào một ngữ cảnh mới với tư cách chỉ là một thành tố của câu. 

Sự liên kết có thể được thiết lập dựa trên mối liện hệ giữa các thành phần trong một thành ngữ hay với các yếu tố bên ngoài, giữa các phần của một bài báo.

  1. Dùng để thay thế cho một thành phần của một câu trong ngữ cảnh mới 

Một thành ngữ và tục ngữ có thể được dùng để thay thế cho một thành phần của một câu trong ngữ cảnh mới. Cách đơn giản và an toàn nhất là dùng thành ngữ được trích để nói về một chủ đề gần gũi với chủ đề của thành ngữ.

  Vd.    Và cũng không ít người quan điểm theo kiểu "nước nổi, bèo nổi": nước ngập bao nhiêu nâng nhà đến đấy, ... 

Sự liên tưởng dựa trên nét tương đồng giữa “nhà” và “bèo” so với “nước” không khó để có thể nhận ra, nhất là khi bài báo đang nói về vùng nước lũ. 

 

  1. Trích dẫn một bộ phận của câu 

Do các thành ngữ, tục ngữ là những cụm từ khá dễ nhớ, có cấu trúc rất chặt chẽ, cân đối, nên chỉ cần đọc hoặc nghe thấy vế trước, người đọc đều có thể dự đoán được nội dung vế còn lại. Các nhà báo thường dựa vào mối liên kết tồn tại trong bản thân các thành ngữ và tục ngữ này để tạo nên một sự liên tưởng với vấn đề bài báo đang đề cập tới mà không nhất thiết phải trích nguyên văn. Không chỉ tiết kiệm câu chữ mà còn nhằm tạo yếu tố bất ngờ hay hài hước, tạo sự trì hoãn gây hồi hộp, hay cho người đọc khoảng thời gian vừa đủ để suy đoán, nhà báo có thể chỉ trích một vế của thành ngữ và tục ngữ. Dùng hàm ngôn để thay cho hiển ngôn.

Vd.      … có người còn quan niệm "tiên học lễ" chỉ dành cho học sinh bậc thấp, còn với các em lớn thì chỉ tập trung "học văn". 

Thành ngữ "tiên học lễ, hậu học văn" có cấu trúc song song, kết hợp với đối giữa hai cặp từ "tiên” và “hậu”, "lễ” và “văn". Người đọc không mấy khó khăn khi dựa vào vế đầu của câu “Thậm chí, có người còn quan niệm "tiên học lễ" chỉ dành cho học sinh bậc thấp,…” với hai dữ kiện "tiên học lễ" và “học sinh bậc thấp” để dự đoán nội dung của phần còn lại sẽ liên quan đến "học văn" và “học sinh bậc cao”

  1. Trích vế đầu của thành ngữ 

Vd.      Vụ việc … để công luận thấy được những "cái kim trong bọc" của nạn loạn giải hiện nay. 

Bằng việc trích phần đầu "cái kim trong bọc" của câu "cái kim trong bọc lâu ngày cùng thò ra" tác giả khiến người đọc liên tưởng đến phần còn lại “lâu ngày cùng thò ra". Tuy nhiên, vế sau được thay bằng một động từ có nghĩa liên quan “thấy được” (vì “thò ra" nên “thấy được” giúp tác giả đạt được mục đích một cách khéo léo).   

Vd.      Nhưng xin hãy nhớ rằng "già néo đứt dây", đừng nên ép quá sức chịu đựng, kẻo có ngày ... 

("già néo” tương đương với “ép quá”, không khó khi phỏng đoán vế thứ hai “đứt dây"  (mặc dù không cần phải nói cụ thể tương đương “quá sức chịu đựng”)

Vế đầu của câu "ăn trông nồi” giúp người ta liên tưởng đến vế sau “ngồi trông hướng”, và người đọc cũng không quá bất ngờ khi vế sau được thế bằng một cụm từ tương đương. (“ngồi” tương đường với "đi”, “hướng” tương đường với “đường", và   "trông” để nhận ra “đúng”)

Vd.      Điều quan trọng là đã dạy người ta "ăn trông nồi" thì cũng phải làm sao để họ biết "đi đúng đường". 

Ngân hàng liệu có “tham bát…”?

  1. Trích vế sau của thành ngữ

Thành ngữ “ném đá ao bèo" (ở ví dụ dưới đây) chỉ một việc làm ít có tác dụng. Nên khi đọc “giờ này khi "ao bèo" đã lặng sóng”, người đọc đương nhiên sẽ liên tưởng đến “lãng quên chuyện cũ” (được đề cập tới ở cuối câu) và cũng không ngạc nhiên với chi tiết “mắt trước mắt sau” và "lặn không sủi tăm" ở cuối bài báo, cách xa thành ngữ thứ nhất. 

Vd.      …, giờ này khi "ao bèo" đã lặng sóng, các phòng khám "có yếu tố nước ngoài" lại được mở ra vô tội vạ trong khi các cơ quan quản lý dường như đã lãng quên chuyện cũ ….

Nhiều nơi, …, bác sĩ ngoại mắt trước mắt sau "lặn không sủi tăm"... 

Tương tự, tiêu đề báo dùng vế sau “đuôi chuột” của thành ngữ làm định ngữ cho danh từ “bệnh” 

Vd.      … lý do nào cũng không thể biện minh cho căn bệnh "đuôi chuột" ấy. 

Người đọc sẽ ngay lập tức liên tưởng đến vế đầu của thành ngữ “đầu voi”. Đây có thể được coi như cách tạo liên kết giữa các đoạn, hay các ý trong một bài báo. 

Hay như trong câu 

Vd.      Phát biểu ấy của người lãnh đạo cao nhất Hà Nội … hẳn đã làm "mát dạ" nhiều người, …". (phần cuối của "mát lòng mát dạ")

Cần lo nhiều hơn cho “...cái mâm”

  1. Trích cả hai vế tại các vị trí khác nhau

Mối liên hệ giữa "mất bò" và "làm chuồng" trong thành ngữ “mất bò mới lo làm chuồng”được sử dụng rất sáng tạo bằng việc thay từ “mới lo” bằng cụm từ “người ta mới xem xét lại chuyện”

Vd.      Khổ thế đấy, khi "mất bò", người ta mới xem xét lại chuyện "làm chuồng", rồi viện dẫn những lý do. 

  1. Sử dụng một vế, biến đổi vế còn lại 

Hiện tượng thú vị nhất là tạo nên mối liên tưởng bằng cách chỉ sử dụng một phần, một vế của câu thành ngữ; vế còn lại được thế bằng từ hoặc ngữ cùng loại nhưng khác nghĩa chỉ điều đang được bài báo đề cập tới. Cách làm này vừa tiết kiệm, vừa tạo sự hài hước cho bài báo.

Vd.      Nếu cứ kiểu "việc của ai, người ấy làm" như thế, thì cái chuyện "trăm dâu đổ đầu... nông dân" vẫn còn khó tránh khỏi! 

Dựa trên mối liên hệ đối xứng “nói” và “làm”, “đàng” và “nẻo”, nhà báo đã thay từ “nói” bằng từ “Đăng ký”. Vì vậy, chỉ cần nhìn thấy về đầu “Đăng ký một đàng” (mặc dù không chính xác như trong thành ngữ gốc), người đọc đã có thể đoán được phần còn lại của tiêu đề báo.  

Vd.      Đăng ký một đàng... làm một nẻo! 

Ngăn chặn “té nước theo giá, tát nước theo lương”

Sẻ chia nguồn “thực” giúp sĩ tử “vực đạo”

 

  1. Thay đổi trật tự từ 

Việc thay đổi trật tự từ dẫn đến thay đổi chức năng trong câu cũng được áp dụng trong trường hợp sau: “kẻ cắp bà già gặp nhau” (bộ phận của chủ ngữ “bà già” trở thành bổ ngữ trong ngữ cảnh mới). Nhưng quan trọng hơn là tác giả tạo được sự liên tưởng bằng cách so sánh nhân vật “C” và “bọn khủng bố nước ngoài” với “kẻ cắp” và “bà già”. Bên cạnh đó, thành ngữ này được sửa đổi “chút it” dựa trên các nguyên tắc lặp từ (tương tự như kiểu câu: ăn trông nồi, ngồi trông hướng hay “cõng rắn cắn gà nhà”) tạo nên một hiệu ứng mang tính tích cực.

Vd.      Tuy nhiên, “kẻ cắp gặp bà già”, trong khi bọn khủng bố nước ngoài lợi dụng C. để tuyên truyền, …, thì C. lại in truyền đơn ra, … 

Hiện tượng thú vị nhất là tạo nên mối liên tưởng bằng cách chỉ sử dụng một phần, một vế của câu thành ngữ; vế còn lại được thế bằng từ hoặc ngữ cùng loại nhưng khác nghĩa chỉ điều đang được bài báo đề cập tới. Cách làm này vừa tiết kiệm, vừa tạo sự hài hước cho bài báo.

Vd.      Nếu cứ kiểu "việc của ai, người ấy làm" như thế, thì cái chuyện "trăm dâu đổ đầu... nông dân" vẫn còn khó tránh khỏi! 

Dựa trên mối liên hệ đối xứng “nói” và “làm”, “đàng” và “nẻo”, nhà báo đã thay từ “nói” bằng từ “Đăng ký”. Vì vậy, chỉ cần nhìn thấy về đầu “Đăng ký một đàng” (mặc dù không chính xác như trong thành ngữ gốc), người đọc đã có thể đoán được phần còn lại của tiêu đề báo.  

Vd.      Đăng ký một đàng... làm một nẻo! 

 

  1. Trích dẫn thành ngữ và tục ngữ như các phương thức biểu cảm trong văn bản báo 

Từ góc độ phong cách học, trích dẫn thành ngữ có tác dụng như các phương thức biểu cảm giúp nhà báo thể hiện quan điểm đối với thông tin đang được đề cập tới.

Không chỉ tạo ra liên kết văn bản dựa trên cấu trúc, các liên tưởng giữa các dữ kiện trong các thành ngữ và các vấn đề trong xã hội hiện đại, các tác giả đã tận dụng mọi thành tố trong thành ngữ để thể hiện thái độ của mình.

 

  1. Thể hiện thái độ của mình thông qua việc lựa chọn từ ngữ 

Trước hết phải nhấn mạnh rằng, bản thân việc lựa chọn từ, ngữ trong miêu tả, giải thích hay bình luận đã là một cách thể hiện thái độ của người viết. Bởi lẽ một trong những đặc điểm nổi trội của các thành ngữ tục ngữ là gắn với một hình ảnh cụ thể nào đó. Bản thân các hình ảnh có được nhờ sự liên tưởng của người đọc đã là một ẩn dụ đem lại hiệu quả hơn bất kì sự mô tả thông thường nào đem lại. 

Vd.      Giờ đây, vị bộ trưởng “thấp bé nhẹ cân” trong chính phủ Italia đang thực hiện ... (hàm ý: “dáng người bé nhỏ” hay “có ít thế lực”) 

… một cuộc cạnh tranh thông qua một kỳ thi giữa “thanh thiên bạch nhật” là một cách thức tìm kiếm nhân tài cho quốc gia, ... (hàm ý: “công khai” hay “nhiều người chứng kiến”) 

Các thành ngữ tục ngữ được sử dụng chủ yếu để thay thế cho các từ loại đa dạng:

  1. Danh ngữ 

Vd.      Đeo mác "sạch" nhưng bán hàng không sạch, tương tự "treo đầu dê bán thịt chó" là vi phạm đạo đức kinh doanh, ... 

  1. Động ngữ 

Vd.      …, cô giáo Giữa dù đang rất khó khăn nhưng vẫn cố “thắt lưng buộc bụng” để nhận nuôi một em học sinh... (Hàm ý: tiết kiệm tiền) 

  1. Định ngữ 

Vd.      Nhiều gia đình … lâm vào hoàn cảnh "dở khóc dở cười" như thiếu đồ ăn, thiếu nước uống... (Hàm ý: rất khó khăn)

  1. Trạng ngữ 

Vd.      Nông dân ta chân lấm tay bùn, suốt ngày ngoài đồng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", chuyện thị trường, những yếu tố khách quan tác động, ... (Hàm ý: rất vất vả) 

 

  1. Nêu ý kiến bình giá 

Các thành ngữ tục ngữ có thể được dùng để nêu ý kiến đánh giá với tư cách một lời bình.

Vd.      Hậu quả tai hại hơn là lòng tin của người tiêu dùng vào những địa chỉ tin cậy ấy đã bị xâm hại, giảm sút. "Con sâu làm rầu nồi canh", thông tin trên khiến cả những siêu thị, cửa hàng khác (chưa kiểm tra) cũng bị liệt vào diện nghi ngờ. 

(“địa chỉ tin cậy ấy” tương ứng với “Con sâu”, “nồi canh" tương ứng với “cả những siêu thị, cửa hàng khác (chưa kiểm tra)”, “làm rầu” tương ứng với “bị liệt vào diện nghi ngờ”. Thành ngữ trên có thể tương ứng với trạng từ dùng để bình luận “chớ trêu thay”)

Ý kiến bình luận có thể đạt được thông qua các phương thức tu từ chính:

  1. Cách nói so sánh

Vd.      Những chiến dịch giải tỏa chợ cóc đang như “bắt cóc bỏ đĩa” và ... (với nghĩa làm việc không có hiệu quả) 

Chương trình "tham" quá, thiết kế theo kiểu "con rô cũng tiếc, con diếc cũng thương" nên tất cả đổ dồn vào đầu học trò. 

  1. Phép đối với hàm ý mỉa mai

Vd.      …, khi mà các "thượng đế" rốt cuộc vẫn còn đang giữ... phần lưỡi của con dao sắc. (xuất phát từ “nắm đằng chuôi/ cán”)

  1. Phép thế tạo sự hài hước

Vd.      Nhưng dường như "lời hứa gió bay" nên đến bây giờ giá sữa vẫn vậy, ... (© "lời nói gió bay" – “hứa” và “nói” có thể coi là từ đồng nghĩa) 

“Ngực lép không được lái xe”: Bộ GTVT nói “gà”, Bộ Y tế nói “vịt”! (xuất phát từ “ông nói gà, bà nói vịt”)

  1. Chèn thêm từ để tăng thêm biểu cảm 

Vd.      … dường như tại các bãi xe "phép vua vẫn thua lệ làng". 

  1. Thêm yếu tố bình giá của tác giả hoặc viết dưới dạng câu phủ định tạo nghĩa đối lập hay đồng tình

Vd.      Không thể bình chân như vại 

(hàm ý: Không thể coi như không có chuyện gì xảy ra)

Hay     Ðúng là "vừa đấm vừa xoa". 

Do được dùng trong các bài báo chủ yếu với mục đích thể hiện thái độ của người viết, thành ngữ tục ngữ thường xuất hiện ở các bài báo thuộc các thể loại như bình luận, phóng sự, hay nêu ý kiến về một vấn đề. Dạng ngữ cố định này hầu như không xuất hiện ở thể loại tin, nơi sự chính xác của thông tin là yêu cầu đầu tiên cần phải đạt được.  

 

  1. Sự kết hợp các yếu tố truyền thống và hiện đại trong trích dẫn thành ngữ, tục ngữ trên báo

Ngoài khả năng “tiết kiệm câu chữ” vốn luôn luôn là một đòi hỏi trong việc đưa tin một cách ngắn gọn của mọi thể loại báo chí, việc trích dẫn thành ngữ, tục ngữ trên báo luôn được coi là sự sang tạo của từng phóng viên. Sử dụng được một cụm từ cố định thường chỉ bao gồm từ 3 đến 8 từ để thay thế cho cả một câu chuyện, một điển cố hay kinh nghiệm đúc kết qua bao đời của nhân dân đã khó, sử dụng cụm từ đó đưa vào ngữ cảnh mới, để nói về những câu chuyện tưởng chừng hoàn toàn chẳng liên quan đến chuyện xưa lại càng khó hơn. Điều này đòi hỏi các phóng viên không những chỉ có kiến thức sâu rộng, mà còn khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt. 

 

  1. Dựa vào sự tương đồng giữa thành ngữ, tục ngữ với chủ đề của bài báo

Việc trích dẫn thành ngữ, tục ngữ an toàn nhất và thông thường nhất là sử dụng các cụm từ có liên quan trực tiếp đến chủ đề đang được đề cập.

  Vd. 

Thành ngữ được trích dẫn

 

Vấn đề được đề cập trong bài báo

  • lá lành đùm lá rách, uống nước nhớ nguồn

Æ

Tri ân gia đình chính sách

  • xếp hàng, sống lâu lên lão làng, tre già măng mọc, cây cao bóng cả,lấy tre đè măng, kính lão đắc thọ

 

Nỗi khổ tâm của kẻ sĩ

  • Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, Tiên học lễ, hậu học văn

 

Giáo dục học sinh biết ứng xử có văn hóa

  • treo đầu dê bán thịt chó

 

Bán hàng không sạch

  • "bình" có mới nhưng.... "rượu" thì vẫn cũ

 

Người tiêu dùng

  • bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, Hòn đất mà biết nói năng...!, chân lấm tay bùn

 

Nông dân thua thiệt

  • con học thóc vay

 

Những khoản thu ở trường phổ thông

  • Văn ôn, võ luyện

 

Tránh bị động mùa mưa lũ

  • đồng tiền bát gạo

 

Đầu tư

  • đất chật, người đông

 

Lớp học mầm non

  • đêm nằm, năm ở

 

Nhà ở cho công nhân

  • chỉ tận tay, day tận trán

 

Quản lý doanh nghiệp

  • cưa sừng làm nghé

 

Kiểu tóc của ngoại trưởng Mỹ

  • rổ rá cạp lại

 

Tái hôn

  • tiền mất tật mang

 

Quản lý phòng khám đông y, sản xuất bánh Trung thu giả

  • bờ xôi, ruộng mật

 

Quy hoạch tổng thể thành phố

  • dở khóc dở cười

 

Bị động mùa mưa lũ

  • bán phấn buôn son

 

Các cô gái bán hoa

  • tiện đâu mua đấy

 

Dịch giải tỏa chợ cóc

  • Đói, đầu gối phải bò

 

Đi làm ăn xa nhà

  • Vừa đấm vừa xoa, vuốt mặt không nể mũi

 

Quan hệ đối ngoại giữa Mỹ và Israel 

  • ăn chưa no, lo chưa tới

 

Hôn nhân tuổi vị thành niên

  • cũng la lết quả dưa

 

Chữa bệnh 

  • trọc phú học làm sang

 

Dịch vụ cưới

  • Đánh bùn sang ao, tứ cố vô than

 

Đất khai hoang

  • ngồi trên đống lửa

 

Địa lý thu mua sữa

 

  1. Sử dụng các thành ngữ, tục ngữ mang nghĩa phổ quát chung

Các câu thành ngữ, tục ngữ mang tính chất phổ quát, có khả năng sử dụng cho nhiều chủ đề là dạng có tần số xuất hiện nhiều nhất. Tuy không thể hiện được nhiều lắm khả năng sáng tạo của phóng viên, nhưng cũng không gây nguy hiểm do đây là những câu liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của một số lượng lớn người dân trong xã hội nên cũng dễ được chấp nhận.

  Vd.

Thành ngữ được trích dẫn

 

Vấn đề được đề cập trong bài báo

  • hữu danh vô thực

Æ

Ban hành Pháp lệnh Thủ đô 

  • thay da đổi thịt

 

Làng Pác Bó

  • kẻ cắp gặp bà già

 

Những chiêu thức của bọn khủng bố

  • Đăng ký một đàng... làm một nẻo

 

Bội thực... Nhà xuất bản

  • lời hứa gió bay

 

Giá sữa

  • Con sâu làm rầu nồi canh

 

Lòng tin của người tiêu dùng

  • quá tam ba bận

 

Bóc, xóa quảng cáo rao vặt

  • trăm thứ bà rằn

 

Chiến dịch “rửa tường”

  • thất điên bát đảo

 

Chống tin đồn

  • nước sôi lửa bỏng

 

Quản lý đô thị, vệ sinh môi trường

  • dẫm chân tại chỗ

 

Chương trình "Sữa học đường"

  • đến đầu đến đũa

 

Dẹp loạn tin nhắn

  • nước đến chân

 

Thi công công trình

  • già néo đứt dây

 

Người tiêu dùng tẩy chay hàng kém chất lượng

  • trọn vẹn đôi đường

 

Quản lý xe cá nhân để chống ùn tắc

  • thâm căn cố đế

 

Cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng

  • thắt lưng buộc bụng

 

Giáo viên miền núi

  • điếc không sợ súng

 

Sự vô trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp 

  • bình chân như vại

 

Trách nhiệm của cơ quan quản lý

  • đánh trống bỏ dùi

 

Thực hiện phong trào

  • giậm chân tại chỗ

 

Thúc đẩy phát triển kinh tế

  • mớ bòng bong

 

Thủ tục hành chính

  • lỗ hà ra lỗ hổng

 

Đồng vốn tiết kiệm

  • đôi bên cùng có lợi

 

Vi phạm Luật Giao thông

  • nhắm mắt làm liều

 

Cơ quan chức năng địa phương

  • đau tiếc thân, lành tiếc của

 

Nông dân tiêu thụ nông sản

  • cười ra nước mắt

 

Nông dân trồng cây

  • lực bất tòng tâm

 

Ngành GD-ĐT

  • Trống đánh xuôi, kèn có thổi ngược

 

Nói và làm

  • ngậm đắng nuốt cay

 

Văn hóa tiêu dùng

  • đá thúng đụng niêu

 

Nỗi lo khi nhận thiếp mời 

  • tay xách, nách mang, khăn gói quả mướp

 

Kỳ thi tuyển sinh ĐH – CĐ

  • gọt chân cho vừa giầy, lên bờ xuống ruộng

 

Sống trung thực

 

  1. Dựa vào sự liên tưởng không tương đồng hoặc đối lập  

Là dạng trích dẫn khó nhất, nhưng cũng hay nhất vì nó thể hiện được sự sáng tạo, tính độc đáo trong văn phong của từng phóng viên, dạng trích dẫn thành ngữ, tục ngữ dựa vào sự liên tưởng không tương đồng hoặc đối lập đòi hỏi người viết phải có khả năng quan sát tinh tế để phát hiện ra những chi tiết độc đáo để có thể đưa một cụm từ tưởng chừng không liên quan đến điều đang được đề cập tới. Công việc này cũng được coi là “con dao hai lưỡi”, bởi nó có thể được người đọc chấp nhận một cách thích thú và đem lại sự thành công vượt xa sự mong đợi của người viết, ngược lại nó có làm hỏng bài báo và dẫn đến sự hiểu lầm tai hại.  

Ví dụ: thành ngữ “Một tiền trâu, ba tiền thừng” được sử dụng để ám chỉ việc bỏ một số tiền lớn để xin biển số đẹp khi đăng kí xe là sự liên tưởng độc đáo, khiến người đọc thú vị, bởi câu chuyện cái thừng để xỏ mũi trâu (vốn chỉ xảy ra ở nông thôn) lại được nói tới trong các thành phố hiện đại những vẫn khiến người đọc chấp nhận một cách “tâm phục khẩu phục”

  Vd.

Thành ngữ được trích dẫn

 

Vấn đề được đề cập trong bài báo

  • Cuốc xẻng từ dưới phát lên, đường sữa từ trên phát xuống

Æ

Khen thưởng  người dân

  • khoảng tối chân đèn

 

Cục Hàng không tuyên chiến với kiểu làm ăn kém hiệu quả và thiếu trách nhiệm

  • nước nổi, bèo nổi, bình chân như vại

 

Sự khan hiếm nguồn nước do biến đổi khí hậu, ô nhiễm và sự tăng dân số

  • Con voi chui qua lỗ kim

 

Vi phạm trật tự xây dựng

  • nấm mọc sau mưa, "lặn không sủi tăm

 

Quản lý phòng khám đông y

  • mất bò mới lo làm chuồng

 

Xây hồ chứa nước

  • mạnh ai nấy làm, sự đã rồi

 

Quản lý thị trường

  • đầu voi, đuôi chuột

 

 

  • Thêm "dầu vào lửa", giọt nước tràn ly, cái kim trong bọc

 

Ô nhiễm môi trường

  • phép vua vẫn thua lệ làng

 

“Quyền lực”... Trông xe

  • trong lũy tre làng, mèo bé bắt chuột con

 

Khoanh vùng lợi ích

  • Rối như... canh hẹ!, con rô cũng tiếc, con diếc cũng thương

 

Việc phân ban trong giáo dục

  • Đá ném ao bèo, từ trên trời rơi xuống

 

Công tác quản lý thực phẩm sạch

  • thua keo này, bày keo khác

 

Thi đại học

  • người trần, mắt thịt

 

Rút ruột công trình

  • đánh bùn sang ao, bắt cóc bỏ đĩa

 

Dịch giải tỏa chợ cóc

  • cá phải ướp muối

 

Sự gương mẫu của lãnh đạo

  • ăn trông nồi ngồi đúng hướng

 

Phạt vi phạm giao thống

  • tát nước theo mưa, đục nước béo cò

 

Tăng giá phi lý

  • Đánh bùn sang ao, tứ cố vô thân

 

Đất khai hoang

  • con gà đẻ trứng vàng

 

Cột điện quá tải ở thành phố 

  • lời ra tiếng vào

 

Nạo vét hồ Gươm

  • mất bò mới lo làm chuồng

 

Sàn vàng

  • cha chung

 

Tiến độ các dự án

  • đếm cua trong lỗ

 

Đầu tư

  • miếng da lừa

 

Xây dựng sân gôn

  • ăn xổi, ở thì

 

Văn hóa kinh doanh

  • thắt lưng buộc bụng, bóp mồm bóp miệng

 

Thưởng tết

  • hòn đất ném đi, hòn chì ném lại

 

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

  • cơm với cá như mẹ với con

 

“Giải cứu” hàng nội

  • vô thưởng vô phạt

 

Minh bạch trong kinh doanh

  • nhắm mắt nuốt liều, đầu voi, đuôi chuột, chìm xuồng

 

Dùng hóa chất ngoài danh mục cho phép trên rau

  • mỡ nó, rán nó

 

Tiêu cực trong kinh doanh

  • vẽ đường cho hươu chạy

 

Vụ lấp mộ

  • thả gà ra để đuổi

 

Lắp ráp xe máy ngoại, nhưng lại cấm xe máy để vỉa hè

  • cốc mò cò xơi

 

Ngành Điện, than

  • té nước theo mưa, vượt trước đón đầu

 

Điều chỉnh giá & lương

  • Một tiền trâu, ba tiền thừng

 

Biển số xe

  • Còn nước, còn tát, tan đàn xẻ nghé

 

Bóng đá

 

Vốn tôn trọng quá khứ và truyền thống, những người Người dân Việt Nam luôn coi các câu thành ngữ, tục ngữ là một phần của di sản văn hóa dân tộc. Trong cuộc sống hàng ngày, không khó khăn để nghe thấy những câu thành ngữ, tục ngữ được sử dụng mọi nơi, mọi lúc, mọi đối tượng sử dụng ngôn ngữ, về mọi chủ đề, cả trong nước và quốc tế. 

Việc thành ngữ, tục ngữ xuất hiện với tần số lớn trên báo chí một lần nữa khảng định tính tự nhiên và phổ biến trong việc sử dụng hiện tượng ngôn ngữ này. Hơn thế nữa, việc sử dụng các thành ngữ, tục ngữ đúng lúc, đúng chỗ, mang tính sáng tạo và với mục đích bình giá còn giúp mang lại hiệu quả vô cùng to lớn trong việc định hướng dư luận một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và mang tính hài hước. Điều này không những đáp ứng được cả hai tiêu chí của các văn bản báo: cung cấp thông tin và giải trí, mà còn một lần nữa khảng định rằng việc trích dẫn thành ngữ, tục ngữ góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ truyền thống, quá khứ của dân tộc trong cuộc sống hiện đại.

 

Tài liệu tham khảo

  1.  

Nguyễn Đức Dân, Ngữ dụng học tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 

  1.  

Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (2000), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa

  1.  

Nguyễn Đức Dũng (2001), Viết báo như thế nào?, Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội.

  1.  

Nguyễn Hữu Đạt (2000), Phong cách học và các phong cách chức năng tiếng Việt, Nxb VHTT, Hà Nội. 

  1.  

Nguyễn Thiện Giáp (1999), Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

  1.  

Nguyễn Thiện Giáp (2000), Ngữ dụng học Việt ngữ, Nxb ĐHQG, Hà Nội.  

  1.  

Harkrider, J. (1997), Getting started in Journalism, National Textbook company.

  1.  

Loenz A.L., Vivian J., News Reporting and WritingAllyn and Bacon 1996

  1.  

Dương Văn Quảng (2000), “Trích dẫn trong báo chí”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, Viện thông tin KHXH, 2000(6). tr.15-21.

  1.  

Viện Ngôn ngữ học (1996), Từ điển giải thích thành ngữ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

          ---------------------------------------   

 (*) PGS.TS. Học viện Báo chí và Tuyên truyền

             

Powered by Froala Editor