Viện phương đông

3 năm trước

TỪ HÁN VIỆT và vấn đề giải pháp (2) - Hữu Đạt

Tác giả bài viết này quan niệm, dạy chữ Hán và dạy từ Hán Việt là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Muốn cho học sinh viêt đúng tiếng Việt, không nhất thiết phải bắt trẻ em học chữ Hán. Vấn đề qua trọng là giải nghĩa từ Hán Việt để cho học sinh có thể hiểu được cách sử dụng nó trong giao tiếp

Powered by Froala Editor

  

TỪ HÁN VIỆT và vấn đề giải pháp (2)

(Bài đã in trên báo Văn nghệ)

                                                  Hữu Đạt (*)

 

          Từ Hán Việt chiếm một tỷ lệ rất lớn trong kho từ vựng của tiếng ta. Nhưng vì đa phần đó là những từ ngữ biểu thị các khái niệm trừu tượng nên việc sử dụng nó không phải dễ. Hơn thế, do chưa nắm vững được mặt nội dung ngữ nghĩa của nó nên xuất hiện khá nhiều hiện tượng sử dụng sai, đôi khi tới mức tùy tiện, khiến cho nhiều nhà nghiên cứu phải lên tiếng phê phán. Do vậy, có một nhu cầu cấp thiết đang đặt ra: Cần phải có một giải pháp như thế nào đối với loại từ này?

          Có khá nhiều ý kiến cho rằng, muốn khắc phục được tình hình sử dụng từ Hán Việt tùy tiện và bừa bãi như hiện nay cần phải có một giải pháp triệt để, nhằm giải quyết vấn đề từ gốc. Có một số người còn khẳng định, hiện nay rất cần tiến hành dạy chữ Hán đại chà ở bậc học phổ thông. Chẳng hạn, tác giả Dương Văn Khoa viết "Đã đến lúc phải dạy chữ Hán ở bậc học phổ thông" và ông cố chứng minh cho tính cấp thiết của việc này với mục đích nhằm bảo vệ và giữ gìn truyền thống văn hoá dân tộc. Thậm chí, ông còn nhấn mạnh, nếu học sinh không được học chữ Hán sẽ không biết viết đúng tiếng Việt và không hiểu được di sản văn hóa dân tộc. Ông phát biểu: “Tôi lo vài chục năm sau, khi lớp người có chữ Hán hoặc chịu ảnh hưởng của chữ Hán qua đi chắc chắn lớp con cháu của chúng ta sẽ gặp khó khăn nhiều khi phải tiếp cận với các di chỉ văn hoá của tổ tiên để lại, lý do là lớp trẻ hôm nay nói và viết thường theo thói quen không cần biết nghĩa đích xác, nội dung tiếng và chữ mình phát ra mang ý nghĩa gì? Sự này có là bởi họ không được học chữ Hán". Từ đó nảy sinh quan điểm: Nếu không cho học sinh học chữ Hán có nguy cơ bị mất gốc và không giữ được văn hoá truyền thống dân tộc (chẳng hạn ý kiến của nhà văn Bùi Bình Thi).

          Các ý kiến nêu trên đã gây ra không ít băn khoăn cho các nhà giáo dục. Nếu không thực hiện điều đó, phải chăng là không có ý thức dân tộc? Mà làm thì liệu đó có phải là một giải pháp mang tính khoa học hay không?

          Một sai lầm rất cơ bản của các quan niệm trên là các tác giả của nó không phân biệt chính xác thế nào là là tiếng mẹ đẻ và thế nào là ngoại ngữ. Tất cả những ai đã dạy Ngữ văn ở đại học đều gặp một sự thực hoàn toàn khác hẳn. Sự thực đó là: Trong các sinh viên học chữ Hán và biết chữ Hán thì chỉ có một số ít những người thực sự giỏi, thực sự chịu đọc ngữ văn hiện đại mới có khả năng diễn đạt tốt tiếng Việt; còn lại phần lớn các sinh viên đều ở trong tình trạng viết tiếng Việt hiện đại rất kém. Thực tế này còn tồn tại cho tới cả những người có trình độ ở bậc cao: bậc Sau đại học. Cụ thể là, trong số các học viên cao học, nghiên cứu sinh làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ về ngành ngôn ngữ thì các học viên thuộc các khối Anh, Nga, Pháp…thường có khả năng diễn đạt tiếng Việt tốt hơn các học viên thuộc khối Hán Nôm. Trong khối này, chỉ  có một số rất ít các học viên là biết viết tiếng Việt tương đối khá, còn đa số phải có sự gia công của người thầy rất nhiều mới có thể qua được các lỗi về văn phong. Nghĩa là, muốn cho luận án đảm bảo được mặt văn phong khoa học thì cả học viên và người hướng dẫn phải mất khá nhiều công sức. Điều đó cho thấy, việc nói và viết đúng tiếng Việt hoàn toàn không phụ thuộc vào việc người ta có biết chữ Hán hay không. Thậm chí, biết chữ Hán mà không tiếp cận được với tiếng Việt hiện đại thì còn có nguy cơ nói và viết kém hơn cả người không biết chữ Hán.

          Vì sao vậy?

         Vì học chữ Hán, trước hết, phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Với một thời lượng đào tạo có hạn, trong những năm ở đại học, sinh viên bị hút vào đó mất nhiều thời gian không còn có điều kiện để trau dồi tiếng Việt hiện đại. Sau khi tốt nghiệp, tuy đã đạt được trình độ khá về Hán Nôm nhưng tri thức về tiếng Việt lại bị thiếu rất nhiều. Cái lỗ hổng khá lớn này đã làm cho sinh viên rất lúng túng khi phải diễn đạt các vấn đề phức tạp cũng như các khái niệm khoa học hiện đại trong nghiên cứu.Như thế việc học chữ Hán có ích gì và có những thiệt thòi gì?

          Không ai nói rằng, học chữ Hán là không có ích. Nhưng có ích với ai và trong hoàn cảnh nào thì lại là một vấn đề. Theo chúng tôi, chắc chắn rằng, việc học chữ Hán không hề có ích với tất cả mọi người. Trái lại, nếu đem dạy đại chà cho học sinh phổ thông theo cách mà một số người đề nghị thì còn là một mối nguy hiểm khôn lường. Bởi như thế, chúng ta sẽ ném vào đó không biết bao nhiêu sinh lực và quĩ thời gian mà cuối cùng lại không đem lại giá trị sử dụng thực tế. Lý do rất đơn giản: đâu phải tất cả mọi người đều cứ biết chữ Hán thì mới bảo vệ được nền văn hoá truyền thống của chúng ta? Cũng như người Ai Cập muốn bảo vệ nền văn hoá truyền thống của mình không nhất thiết phải bắt tất cả các thế hệ học sinh học thứ chữ của Ai Cập cổ đại. Ta ngó sang Trung Quốc là một nước lớn sẽ thấy ngay vấn đề. Họ cũng bảo vệ văn hoá truyền thống, nhưng họ không đưa vào dạy ở phổ thông các loại chữ Triện, chữ Hán cổ (chữ Hán phồn thực/ văn ngôn) mà chỉ dạy thứ tiếng mà ta gọi là tiếng Trung, tức tiếng Hán hiện đại (tiếng Hán bạch thoại) mà thôi. Nếu một học sinh Trung Quốc ngày nay khi cắp sách tới trường mà lại học cả chữ Hán Văn ngôn và Hán Bạch thoại thì đương nhiên không còn thời gian đâu để tiếp cận các loại khoa học khác. Như thế cả đời chỉ đi học chữ mà thôi! Chính vì thế, ở Trung Quốc đã có nhiều Hội nghị bàn về việc La tinh hóa tiếng Trung. Theo PGS,TS Phùng Siêu (Đại học Ngoại ngỡ Thượng Hải) cho biết, ít nhất từ 1960 đến nay, ở Trung Quốc đã có 3 Hội nghị Khoa học lớn bàn về vấn đề này.... Vậy sao người Việt Nam ta lại đi hô hào để bắt con em  mình học thứ chữ Hán cổ ấy ? Rõ ràng đây là quan niệm rất sai lầm và hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Chúng ta không thể từ một vài quan niệm sai lầm này mà đưa các thế hệ trẻ vào cuộc thí nghiệm chơi.  

Thứ nhất, chữ Hán không phải là chữ của người Việt ta. Thứ hai, loại chữ Hán ta đang bàn ở đây là loại chữ Hán cổ - một thứ văn tự không phải dùng để giao tiếp mà là loại văn tự thuộc loại tử ngữ (nhìn theo quan điểm giao tiếp). Khi đào tạo ở bậc phổ thông, người ta chỉ có thể đưa ngoại ngữ vào chương trình  dạy các loại sinh ngữ mang tính giao tiếp quốc tế (Chẳng hạn như: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, và cả tiếng Hán hiện đại mà ta quen gọi là tiếng Trung  với tư cách là một ngoại ngữ). Đó là các thứ tiếng có giá trị trong ngoại giao, có khả năng tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật chứ không ai lại đi dạy cái thứ “tử ngữ”, một thứ văn tự hoàn toàn không còn có khả năng giao tiếp trong đời sống thường nhật mà chỉ được dùng làm phương tiện nghiên cứu. Làm như vậy chỉ làm khổ học sinh mà lại không đem đến ích lợi gì.

          Về nguồn gốc, chữ Hán là chữ của người Hán chứ không phải của người Việt. Trước hết, nó là một ngoại ngữ. Nhưng vì giữa Việt Nam và Trung Quốc có những điều kiện lịch sử đặc biệt, thứ ngoại ngữ này đã biến thành một công cụ dùng để sáng tác văn chương, hoặc ghi chép các sự tích trong các đình chùa, miếu mạo của nhiều thế hệ người Việt đến mức, tới nay, nhiều người ngộ nhận nó như là ngôn ngữ mẹ đẻ. Sự ngộ nhận này làm cho có một số người khẳng định, học chữ Hán là một điều tất yếu phải có đối với người Việt Nam. Từ đó, họ kêu gọi cần khẩn thiết đưa ngay vào chương trình giáo dục “để tránh nguy cơ đánh mất chính mình, đánh mất nền văn hoá truyền thống của dân tộc...”.

Trước hết, chúng ta cần nhớ, không phải chỉ từ khi có chữ Hán thì người Việt mới có nền văn hoá. Mặt khác, nền văn hoá truyền thống cũng không chỉ được thể hiện qua chữ Hán. Nghĩa là trước khi chữ Hán xuất hiện ở Việt Nam thì người Việt đã có một kho tàng đồ sộ các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện thần thoại, ngụ ngôn, cổ tích… Hơn nữa, văn hoá còn là một di sản phong phú bao gồm nhiều lĩnh vực như điêu khắc, hội hoạ, hoa văn, nghệ thuật, kiến trúc … Tất cả những cái đó hoàn toàn không phải chỉ do chữ Hán mà có được! Văn hóa, về bản chất, đó là tích tụ những trí tuệ lao động của người Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, từ các sáng tạo văn chương nghệ thuật… đến lăng tẩm, miếu mạo, đình chùa... (văn hóa vật thể). Vậy lý do gì có thể kết luận: Không biết chữ Hán là có nguy cơ không bảo vệ được nền văn hoá dân tộc? Kết luận như thế là rất nhầm lẫn trong phép suy lý, đem cái bộ phận mà thay thay thế cho cái toàn thể. Nhầm giữa văn tự là một loại ký hiệu ngôn ngữ dùng để biểu đạt tư tưởng với văn hoá trong tính cách là một sản phẩm tinh thần và sản phẩm vật chất được con người tạo nên trong quá trình lao động. Hơn nữa, hiểu như vậy là chưa thấm thía bài học xương máu của cha ông. Đâu phải ngẫu nhiên, ngay từ ngày xưa các bậc đại trí thức của nước nhà đã nghĩ tới một cái mầm hoạ của việc dùng chữ Hán phổ biến trong dân chúng. Trong hoàn cảnh bị đô hộ của phong kiến phương Bắc, với chính sách đồng hoá của ngoại bang, chữ Hán là văn tự bắt buộc phải dùng trong giao tiếp Nhà nước, trong chế độ khoa cử của các triều đại phong kiến Việt Nam. Trí thức người Việt  muốn tiến thân, muốn làm quan phải dùi mài kinh sử theo con đường này. Nhưng chính các vị Nho gia thời ấy đã nhận ra rằng, nếu muốn bảo vệ văn hoá dân tộc, không muốn bị mất gốc thì người Việt phải có chữ viết riêng. Do đó, từ thế kỷ XIII, chữ Nôm đã xuất hiện và trở thành công cụ sáng tác không thể thiếu được của các nhà Nho yêu nước, mở đầu là Hàn Thuyên. Về sau, các bậc đại thi hào dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… ngoài các tác phẩm chữ Hán đều có một sự nghiệp văn thơ viết bằng chữ Nôm rất đồ sộ. Đặc biệt là Hồ Xuân Hương, một thi sĩ làm thơ bằng chữ Nôm đã đạt tới trình độ siêu đẳng mà người đời sau vẫn tôn thờ gọi là "bà chúa của thơ Nôm".

          Có thể nói, người xưa đã có ý thức tự tôn dân tộc rất cao trong việc giới hạn phạm vi hoạt động của chữ Hán. Có lý nào, ngày nay ta lại làm cái việc ngược đời là, bắt tất cả con em chúng ta ở lứa tuổi phổ thông phải học cái loại văn tự quá phức tạp này trong khi nó không phải là văn tự của quốc gia? Làm như vậy, ta sẽ đi ngược lại xu thế lịch sử. Muốn có được giải pháp đúng trong việc khắc phục tình trạng sử dụng bừa bãi từ Hán Việt, trước hết cần phân biệt khái niệm từ  chữ. Thực tế, từ Hán Việt và chữ Hán là hai khái niệm khác hẳn nhau. Từ Hán Việt là đơn vị ngôn ngữ thuộc kho từ vựng vủa tiếng Việt, do người Việt sáng tạo ra. Còn chữ Hán là một loại hình văn tự của người Trung Quốc. Không nhất thiết cứ phải biết chữ Hán mới hiểu được từ Hán Việt. Ngược lại, giỏi chữ Hán mà không giỏi tiếng Việt còn tai hại hơn nữa!

Muốn giúp cho học sinh hiểu đúng từ Hán Việt thì quan trọng là cần dạy các nét nghĩa khác nhau của từ được sử dụng trong các văn cảnh giao tiếp khác nhau. Chẳng hạn, đứng trước các từ như : học sinh, học trò  không nên bắt trẻ em phải nhớ nó được viết bằng chữ Hán như thế nào, nghĩa từ nguyên ra sao mà cần  dạy các nghĩa cơ bản của hai từ tố sinh trò để có thể sử dụng nó. Cụ thể, đó là 2 từ tố  cùng chỉ người đi học, nhưng khác nhau ở khả năng kết hợp. Có thể nói : “lưu học sinh”, “nghiên cứu sinh”, “thực tập sinh”chứ không thể nói “lưu học trò”, “nghiên cứu trò”, “Thực tập trò”. Xét về khả năng độc lập của các từ tố thì: từ tố “trò” có khả năng độc lập, còn từ tố “sinh” thì không độc lập. Do đó có thể nói: “Thầy ra thầy, trò ra trò” mà không thể nói “Thầy ra thầy, sinh ra sinh”…

Cho nên, về mặt khoa học, trong tương lai, muốn khắc phục được tình trạng tùy tiện trong cách sử dụng từ Hán Việt ta cần làm các việc sau: 

1) Lập một từ điển tần số để chọn các từ Hán Việt được sử dụng thường xuyên nhất trong đời sống và trong khoa học. 

2) Lựa chọn các từ phù hợp với lứa tuổi để dạy cho học trò theo các cấp từ thấp đến cao. 

3) Chỉ dạy theo cách giải thích nghĩa từ trong giao tiếp.

4) Chỉ dạy từ nguyên hay chữ Hán với một số ít học sinh đi theo khoa học chuyên ngành Hán Nôm.


------------------------ 

(*) PGS.TS, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông, nguyên Giảng viên Cao cấp ĐHQG Hà Nội.

 

 

           

                                                                                                                     

 

 

Powered by Froala Editor