Viện phương đông

3 năm trước

Từ lý‎ luận về di sản văn hóa suy nghĩ về Lễ hội Dâng trâu tế Trời ở huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa

Từ lý luận về di sản văn hóa suy nghĩ về Lễ hội Dâng trâu tế Trời ở huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa

 

                                                             PGS.TS Trần Lê Bảo

                                              Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Powered by Froala Editor

(Ảnh: baothanhoa.vn) 


1. Quan niệm về lễ hội     

          Lễ hội là bộ phận của văn hóa phi vật thể, là sinh hoạt văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú, có quá trình ngưng tụ những giá trị văn hóa trong trường kì lịch sử, thể hiện diện mạo tinh thần của cộng đồng dân tộc.

          Lễ hội có cội nguồn lâu đời và phát triển ngày càng hoàn thiện, ngày càng thâm nhập sâu vào cuộc sống xã hội. Xa xưa nhất là những phong tục sùng bái nguyên thủy, liên quan đến tín ngưỡng và cấm kị, nội dung mang đầy màu sắc lãng mạn của thần thoại, trong đó có cả ảnh hưởng của tôn giáo nguyên thủy, tiếp đó nhiều nhân vật lịch sử có công với cộng đồng và quốc gia dân tộc cũng được sùng bái trong các lễ hội, tất cả ngưng tụ, dung hợp, tạo thành cảm quan lịch sử sâu sắc trong nội dung lễ hội.

          Trong thời đại ngày nay, ở Việt Nam chính trị ổn định, kinh tế phát triển,văn hóa và khoa học kĩ thuật đều tiến bộ, quan hệ quốc tế mở rộng, đặc biệt là quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản về phát triển văn hóa nói chung và văn hóa lễ hội nói riêng… đã là những tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lễ hội ở Việt Nam. Lễ hội hiện nay đã chuyển dần từ những sùng bái nguyên thủy đầy màu sắc mê tín được “giải thiêng”, tất nhiên vẫn giữ những yếu tố tâm linh và thành kính, yếu tố thiêng của đối tượng trong lễ hội, trở thành sinh hoạt văn hóa đa sắc thái gồm cả văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó yếu tố vui chơi và hưởng thụ ngày càng được quan tâm nhiều hơn.

          Lễ hội Dâng trâu tế Trời nằm trong hệ thống phong phú và đa dạng của lễ hội Việt Nam, đặc biệt là hệ thống lễ hội liên quan đến việc dùng trâu làm vật hiến tế có mặt ở nhiều nơi trên khắp đất nước, từ dâng trâu, hiến trâu đến chọi trâu, đâm trâu, chém trâu... Lễ hội Dâng trâu tế Trời vừa mang những nét chung của những lễ hội trên vừa mang sắc thái độc đáo của người Thái ở Như Xuân Thanh Hóa. Khôi phục khai thác và bảo tồn những giá trị tiêu biểu của lễ hội này chẳng những giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn, thể hiện khát vọng sống của cộng đồng cư dân nơi đây mà còn nhằm phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập với cả nước và khu vực.

          Lễ hội Dâng trâu tế Trời thuộc di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy tiếp cận lễ hội này từ góc độ lý thuyết về di sản văn hóa cũng có thể minh định và khám phá được  những giá trị khoa học mới.

2. Những giá trị của lễ hội Dâng trâu tế trời từ lý thuyết về "di sản văn hóa"

          Lễ hội là một loại di sản văn hóa đa giá trị: giá trị lịch sử, giá trị sinh thái văn hóa, giá trị văn hóa diễn xướng, giá trị đạo đức, giá trị triết lí, giá trị văn học... Tuy nhiên từ lí luận về di sản văn hóa, có thể thức nhận chân giá trị của lễ hội từ ba góc độ: thời gian, sáng tạo cấu trúc và mối quan hệ chỉnh thể của lễ hội với các thành tố khác của văn hóa.

          Trên cơ sở lí luận về di sản văn hóa, chúng ta có thể xác định hướng nghiên cứu giá trị “di sản” của lễ hội. Đó là lịch sử được kế thừa, là sinh thái văn hóa, các nghi thức lễ và hình thức hội, giao lưu và quảng bá của lễ hội...

2.1 Từ thuộc tính thời gian của di sản văn hóa, xác định giá trị của lễ hội

a. Di sản văn hóa là một loại di sản của quá khứ, nhưng trước hết nó có tính hiện tại

          Có thể nói, bất kì một loại di sản văn hóa nào cũng đều có tính thực tại, mới có thể trở thành di sản. Cái gọi là “di sản” chính là một sự vật (sự việc) nào đó tồn tại từ trong quá khứ được “chuyển di” tới hôm nay. Như vậy, giá trị của di sản văn hóa sẽ không chỉ là giá trị lịch sử, mà quan trọng là giá trị hiện tại của nó. Nhận thức được thuộc tính thời gian của di sản văn hóa có thể đem lại những hiểu biết mới về di sản văn hóa, cũng như giá trị của lễ hội nói riêng.

          Trước hết cần nhận thức kết cấu thời gian liên tục của di sản văn hóa. Những nhận thức về giá trị thực tại của di sản văn hóa, chủ yếu vẫn xuất phát từ nhu cầu, lập trường, quan niệm của con người hiện tại xác định nội hàm văn hóa và đối tượng cần được bảo hộ của ngày hôm nay. Nhưng giáo lí nhà Phật ở phương Đông lại nhấn mạnh cách nhận thức bao quát cả hiện tại và tương lai: Muốn biết nguyên nhân đời trước, hãy nhìn những thụ hưởng ngày hôm nay; muốn biết kết quả trong tương lai, hãy xem những hành vi hiện tại. Hiện tại của chúng ta chính là kết quả của quá khứ, tương lai của chúng ta chính là kết quả của hiện tại. Chỗ đứng ở hiện tại đã ngầm chứa cả ba giai đoạn quá khứ, hiện tại và tương lai. Cho nên chúng ta không những nhận thức tính hiện tại của di sản văn hóa từ thời điểm hiện tại để khẳng định giá trị lịch sử của di sản văn hóa mà còn phải nhận thức di sản văn hóa từ hiện tại hướng về tương lai.

          Rõ ràng cả hai loại tâm thức trên đều xuất phát từ những nhu cầu của con người trong điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể, đánh giá, khẳng định giá trị của di sản văn hóa trong đó có lễ hội. Lễ hội trở thành di sản văn hóa của ngày hôm nay chính là do con người của thời hiện tại, men theo thời gian lịch sử, luôn phát hiện và làm phong phú thêm nhiều giá trị mới của lễ hội. Do đó có thể thấy, “di sản văn hóa” về mặt thời gian, không chỉ là một loại tồn tại từ quá khứ nối dài tới hôm nay, mà còn là loại tồn tại từ hôm nay hướng về cả quá khứ và tương lai.

b. Từ thuộc tính thời gian của "di sản văn hóa" xác định giá trị Lễ hội Dâng trâu tế Trời

          Nhu cầu sống và khát vọng chống lại thiên tai, để có cuộc sống no ấm của người Thái Tây bắc nói chung và người Thái Như Xuân nói riêng chính là cội nguồn của lễ hội Dâng trâu tế Trời.

          Huyền thoại của người Thái kể rằng: người Thái di cư đến Thanh Hóa tìm đất sinh sống, lập ra Mường Chiềng Ván và các Mường khác. Nhưng cuộc sống luôn phải đối phó với thiên tai, cơm không đủ ăn, áo không có mặc... người dân mong muốn có người tài giỏi đứng ra làm chủ vùng đất để giúp họ làm ăn, sinh sống. Họ cử người lên Mường Trời (Mường Pha) xin vua Trời (Pò Pha) cho người xuống cai quản vùng Mường Chiềng Ván rộng lớn. Vua Trời cử người anh xuống Mường Chiềng Ván. Người anh xuống làm vua Mường Chiềng Ván(Tạo Ló Ỳ). Ông dạy dân cách đối phó với thiên tai, biết làm tên nỏ, đan lưới, dệt vải, làm nương,... từ đó người dân nơi đây sống yên bình, vui vẻ, cuộc sống ngày càng phồn thịnh hơn. Vua Mường (Tạo Ló Ỳ) đã nhận người dòng họ Cầm là con cháu và chọn một người có uy tín của dòng họnày thay mình cai quản vùng Mường Chiềng Ván. Ông trở về Mường Trời vào một đêm rằm tháng 7, từ trên đỉnh đồi Pú Pỏm (đồi Tròn). Để tưởng nhớ công ơn của vua Trời (Pò Pha) và vua Mường Chiềng Ván (Tạo Ló Ỳ), người dân Mường Chiềng Ván cử người Thái họ Cầm được coi là con cháu của trời, đứng ra thờ Trời, hàng năm vào rằm tháng 7 lại tổ chức lễ Dâng trâu trắng tế vua Trời. Tại đồi Pú Pỏm, nơi Tạo Ló Ỳ bay về trời, nhân dân đã dựng một ngôi đền 9 gian, có kết cấu kiểu nhà sàn, lợp mái tranh gồm 9 gian đại diện cho 9 Mường có người Thái sinh sống, tổ chức lễ Dâng trâu trắng tế Trời. Đền Chín Gian ngày nay được phục dựng trên đồi Pú Pỏm thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa.

          Câu chuyện trên đã giải thích cội nguồn mở đất của người Thái, từ tín ngưỡng sùng bái vua Trời (Pò Pha) và Tạo Lò Ỳ - vua Mường Chiềng Ván,người anh hùng văn hóa, có công dạy dân cách chống lại thiên tai để có cuộc sống ấm no. Câu chuyện còn giải thích địa vị dòng họ Cầm như sự kế thừa hợp thức của vua Trời, đồng thời giải thích cội nguồn đền Chín Gian và lễ hội Dâng trâu trắng cúng Trời. Cũng từ huyền thoại trên ta còn thấy khát vọng chinh phục thiên nhiên và tâm thức hướng về nguồn cội của cộng đồng người Thái Như Xuân.

          Huyền thoại được bảo lưu trong tâm thức dân gian, còn những không gian văn hóa thiêng như đồi Pú Pỏm, nơi vua Mường bay về trời; đền Chín Gian, không gian thiêng ngưng tụ tâm thức sùng bái Trời của chín mường có người Thái sinh sống; lễ hội Dâng trâu trắng tế Trời diễn ra hàng năm, đã là những di sản quá khứ, xác định cội nguồn văn hóa Thái mà còn là nơi bảo lưu và trao truyền các giá trị văn hóa Thái theo dòng thời gian lịch sử cho tới hôm nay. Cho dù năm tháng có qua đi, ngôi đền Chín Gian có lúc bị tàn phá, lễ hội có lúc thăng trầm,thì huyền thoại về cội nguồn của lễ hội Dâng trâu cúng Trời vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt thời gian, không gian gắn kết các cộng đồng người Thái nơi đây.

          Có điều rằng, cũng theo thời gian lịch sử, lễ hội Dâng trâu cúng Trời cũng đã có những thay đổi theo quan niệm và nhu cầu của con người hiện tại. Chủ thể lễ hội vốn là người Thái, nay đã có sự tham gia của chính quyền, có sự quản lý của hệ thống văn hóa, không gian lễ hội được mở rộng quy mô hơn, mục đích của lễ hội cũng được gắn vào nhiều ý nghĩa mới hơn; khách thể tham dự lễ hội cũng đông đảo và đa dạng hơn, không phải chỉ riêng người Thái Như Xuân mà còn nhiều cộng đồng dân tộc khác trong và ngoài khu vực tham gia, chưa kể khách thập phương theo những "tour du lịch" văn hóa lễ hội, đến trải nghiệm và chiêm ngưỡng. Tất cả đều là minh chứng cho sự phát triển và biến đổi của lễ hội trong thời đại mới và dự báo những thay đổi cả tích cực lẫn tiêu cực cho hiện tại và tương lai của lễ hội Dâng trâu tế Trời.

          Lễ hội ngày nay cũng đã đem lại nhiều giá trị mới cho cộng đồng cư dân địa phương và có thể cả quốc gia. Chẳng hạn "lễ hội chọi trâu" trong hệ thống lễ hội Dâng trâu, đã đem lại nhiều giá trị mới về kinh tế, văn hóa, xã hội trực tiếp cho địa phương trong thời đại hiện nay. Về kinh tế, trước hết lễ hội này thu hút đông đảo khách thập phương đến tham dự, đem lại nguồn ngân sách lớn cho địa phương. Đặc biệt những con trâu sau khi tham gia chọi nhau, nhờ tâm linh hóa mà giá trị một cân thịt cũng tăng đột biến, là một nguồn lợi không nhỏ trong quy trình của lễ hội. Ngoài ra "ăn theo" lễ hội chọi trâu là một loạt các ngành dịch vụ tín ngưỡng, dịch vụ sinh hoạt vật chất và tinh thần cho khách thập phương, đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương cũng là nguồn thu tài chính không nhỏ... Mặc dù lễ hội Dâng trâu cúng Trời tại Như Xuân còn mang nhiều nét văn hóa thuần phác, chưa xảy ra hiện tượng thương mại hóa cực đoan như một số lễ hội Chọi trâu ở một số nơi khác, nhưng cũng cần có những chỉ đạo để lường trước hiện tượng thương mại hóa cực đoan của lễ hội liên quan đến tín ngưỡng Dâng trâu.

          Như vậy theo dòng thời gian, những giá trị văn hóa cội nguồn của lễ hội Dâng trâu tế Trời được sinh ra do nhu cầu và khát vọng sống của người Thái Như Xuân nói riêng và của cộng đồng tộc người Thái nói chung, đã chuyển dịch theo dòng thời gian và được con người hiện tại chủ yếu vẫn là chủ thể người Thái Như Xuân, xác định thêm những giá trị mới vừa bảo lưu truyền thống vừa phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hôm nay và mai sau.

2.2 Lễ hội Dâng trâu tế Trời từ thuộc tính sáng tạo của “di sản văn hóa”

          Bản thân lễ hội cũng như các di sản văn hóa khác, không chỉ là sự tồn di của quá khứ trong hiện tại, mà còn được hiện tại cấu trúc lại. Như vậy di sản văn hóa không chỉ được kế thừa mà còn được tái sáng tạo. Tính sáng tạo của di sản văn hóa nhìn chung có thể thấy từ ba phương diện sau: Gắn những ý nghĩa mới cho lễ hội, phương thức lý giải và tiếp cận mới, cấu trúc lại lễ hội.

a. Di sản văn hóa luôn  có ‎‎ý nghĩa thời đại

          Cái gọi là “di sản”, kì thực là những xác nhận được đưa thêm vào giá trị của di sản, từ nhu cầu của con người và yêu cầu luôn biến đổi theo xu hướng hiện đại hóa cuộc sống. Vì vậy “di sản văn hóa” cũng luôn được “tái sáng tạo”.

          Ngày nay trong lễ hội Dâng trâu tế Trời, vẫn có những khát vọng xưa chinh phục thiên tai, mơ ước cuộc sống no đủ cho bản Mường, những tâm linh xưa tưởng nhớ người có công dạy dân cách sinh sống, hoặc tham gia vui chơi trong hội gắn kết cộng đồng người Thái sau những ngày tháng lao động vất vả... đến nay vẫn còn, nhưng đã được con người hiện tại đưa thêm quan niệm mới phù hợp với thời đại. Ngoài những giá trị truyền thống, lễ hội Dâng trâu tế Trời đã chuyển dần từ những sùng bái nguyên thủy đầy màu sắc tín ngưỡng bản địa, đã trở thành sinh hoạt văn hóa đa sắc thái gồm cả văn hóa, thể thao, du lịch kể cả kinh tế, trong đó yếu tố vui chơi và hưởng thụ ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Một số trò chơi hoặc hành vi tín ngưỡng mới được lồng ghép vào lễ hội như thi người đẹp, thả chim bồ câu, chơi bóng chuyền, kể cả những phương thức truyền thông mới cũng được vận dụng đầy hiệu quả trong lễ hội, làm cho lễ hội Dâng trâu vừa hoành tráng về quy mô, về không gian vừa hợp lý về thời gian.

          Mặt khác lễ hội Dâng trâu tế trời trước đây chủ yếu khép kín trong vùng 9 mường người Thái sinh sống, ngày nay lễ hội này trở thành lễ hội mở không chỉ cho người Thái Như Xuân mà còn cho cả những người Thái trong khu vực Tây Bắc Thanh - Nghệ có quan tâm tới cội nguồn tộc người Thái và rộng hơn là cho khách thập phương đi du lịch, tham quan văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng và cả du xuân trẩy hội... Thông qua những quan niệm mới và hình thức hoạt động mới, di sản văn hóa lễ hội Dâng trâu tế Trời được "tái sáng tạo" theo nhu cầu mới của thời đại.

b. Cách thức tiếp cận và lý giải di sản văn hóa lễ hội

          Bản thân phương thức lí giải, tiếp cận di sản văn hóa trong đó có lễ hội, vốn đã mang tính sáng tạo chủ quan của chủ thể tiếp nhận qua năm tháng và tâm thức văn hóa thời đại. Điều này cho thấy lễ hội cũng như tác phẩm nghệ thuật vừa “thuộc về” lại “không thuộc về” tác giả sáng tác ra nó.

          Cũng như vậy, theo quan niệm về sự phát triển của di sản văn hóa, lễ hội vừa “thuộc về” lại “không thuộc về” một cộng đồng cư dân, vì nó luôn biến đổi theo sự biến đổi của con người và xã hội; mặt khác lễ hội cũng đã “không thuộc về” mà lại “thuộc về” những nhà nghiên cứu văn hóa, những người cần đi sâu lí giải nó theo quá trình sáng tạo của quy luật nhận thức và quy luật mỹ học của văn hóa.

          Chẳng hạn từ lâu người Nhật Bản đã dùng khái niệm “Tài sản văn hóa hữu hình” và “Tài sản văn hóa vô hình” để lí giải “di sản văn hóa”. Người Nhật cho rằng Lễ hội bao gồm cả “Tài sản văn hóa hữu hình” và “Tài sản văn hóa vô hình”. Trong khi Việt Nam và Trung Quốc lại dùng khái niệm "văn hóa vật thể" và "văn hóa phi vật thể" và xếp lễ hội vào loại văn hóa phi vật thể. Trung Quốc và Việt Nam đều quan tâm đến "hình thái học", nhưng lại quan tâm hơn tới tài liệu và nội dung của lễ hội. Do ảnh hưởng của quan niệm “hình thái”, Trung Quốc và Việt Nam coi trọng việc miêu tả quá trình nghiên cứu lễ hội như: nghiên cứu “hình thái” văn hiến của việc sưu tập tài liệu, in ấn quảng bá; khảo sát nội dung lễ hội bao gồm toàn “kịch bản” lễ hội, quan tâm nhiều tới việc miêu tả nội dung và thứ tự từng hạng mục trong lễ và hội... Mặc dù vậy, tất cả đều thể hiện tính sáng tạo của di sản văn hóa thông qua cách thức tiếp cận và lí giải khác nhau.

          Cũng có nhiều cách tiếp cận và lý giải khác nhau về lễ hội Dâng trâu tế Trời. Có thể tiếp cận so sánh những lễ hội liên quan đến việc dâng trâu, hiến trâu, chọi trâu, đâm trâu... Tất cả dường như có cùng loại hình với hành vi tín ngưỡng "Dâng trâu", nhưng mỗi nơi trên đất nước Việt Nam những hành vi tín ngưỡng này lại có những biến thể khác nhau. Lí giải những nét tương đồng và dị biệt này chắc chắn sẽ đem lại những giá trị mới.

          Gần gũi nhất là so sánh lễ hội đền Chín Gian ở Như Xuân Thanh Hóa với lễ hội đền Chín Gian ở bản Khoẳng xã Châu Kim huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An. Hai lễ hội Dâng trâu tế Trời này tưởng như có cùng "kịch bản" từ cội nguồn lễ hội, đối tượng thờ cúng, vật hiến tế, thời gian không gian lễ hội... Nhưng đi sâu vào người ta cũng có thể tìm thấy những sai biệt hấp dẫn cần được lý giải.

          Cả hai lễ hội này đều có tín ngưỡng Dâng trâu tế Trời diễn ra tại đền Chín Gian, hệ thống hát khắp, hát nhuôn trong nghi thức lễ, hệ thống hát múa trong hội như hát thơ, hát giao duyên (hắp bảo xảo), và những trò chơi dân gian phổ biến của cộng đồng người Thái như kéo co, vật dân tộc, ném còn, nhảy sạp, mùa vòng, đánh cồng chiêng, khua luống, uống rượu cần, thi bắn nỏ, đẩy gậy… về cơ bản là giống nhau.

          Tuy nhiên đi sâu vào hai lễ hội ở hai không gian khác nhau cũng có những nét khu biệt. Trước hết đối tượng thờ cúng, ngoài hai nhân vật được thờ là vua Trời (Pò Phahay Thẻn Phạ) và Tạo Ló Ỳ (vua Mường) lễ hội đền Chín Gian Quế Phong còn thờ nàng Xi Đả (con gái vua Trời). Sự xuất hiện của vua Mường Tạo Ló Ỳ cũng được lý giải bằng những truyền thuyết khác nhau. Tạo Ló Ỳ ở Như Xuân là con trai lớn của vua Trời (Pò Pha), được vua cha cử xuống hạ giới giúp dân Thái. Còn Tạo Ló Ỳ ở Quế Phong lại là con trai lớn của Tạo Mường Luang Prabang (kinh đô cũ của nước Lào) bị người em ghen ghét giết chết quẳng xác xuống sông Mã. Ló Ỳ được một con quạ khoang quắp lọ thuốc đến cứu sống lại, lại được dân địa phương tôn làm Tạo Mường. Nhân chuyện đó, Ló Ỳ đặt tên cho vùng đất này là mường Cả Giả (Mường Quạ cứu) (nay thuộc xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa Thanh Hóa). Vì nhớ thương mẹ già, Ló Ỳ trao quyền cho người khác, tìm đường về Luông Pha Bang nhưng chàng lại lạc vào vùng người Thái ở Mường Tôn. Dân lại tôn làm Tạo Mường, sau đó Tạo Mường Ló Ỳ mở mang thêm tám mường nữa như các truyền thuyết khác kể...

          Không gian thiêng ở hai tỉnh tất nhiên phải khác nhau về địa danh. Tuy nhiên việc lựa chọn không gian thiêng để thờ cúng đều có những huyền thoại giải thích. Đền Chín gian Như Xuân được đặt trên đồi Pú Pỏm – nơi vua Mường về trời. Đền Chín gian Quế Phong lại do con quạ khoang tha xương trâu ở đền cũ thả xuống đồi Pú Căm (Núi vàng), tục gọi là Pú quái (núi trâu). Cả hai đền Chín gian ở Như Xuân và Quế Phong đều lựa chọn một quả đồi để xây dựng theo yếu tố phong thủy. Cả hai ngôi đền đều có tên là “Tến xớ quai” (đền hiến trâu) hay đền Chín gian (Tến Cảu hoong), một số địa danh khác liên quan đến truyền thuyết lễ hội cũng có tên giống nhau như “Mường Tôn” - nơi có đền chín gian, bến “Tà Tạo”, bến “Tà Phạ” nơi tắm trâu hiến tế…

          Nguyên nhân dựng đền Chín gian cũng khác nhau. Đền Chín gian ở Như Xuân được dựng lên để tưởng nhớ công ơn của vua Trời (Pò Pha) và Tạo LóỲ (vua Mường); còn đền Chín gian Quế Phong được chọn đất và dựng mới do "thiên tai" - một con rồng đến cắp mất con trâu cái trắng tế trời của Mường Tôn. Cấu trúc không gian thiêng nơi đây còn có thêm ngôi đền hai gian thờ Phật và thờ Bác Hồ.

          Vật hiến tế cũng là một đối tượng thú vị khi so sánh hai lễ hội đền Chín Gian. Cả hai lễ hội đều lấy con trâu làm vật hiến tế. Đây là nét văn hóa độc đáo của người Thái. Biểu tượng con trâu trước hết là con vật thiêng được Pò Phạ gửi xuống giúp người Thái lao động sản xuất, con trâu còn là cội nguồn của các dân tộc Tây Bắc trong đó có người Thái. Con trâu là chuẩn mực đánh giá giàu nghèo trong xã hội. Con trâu gắn bó mật thiết với đời sống vật chất và tinh thần của người Thái. Vì vậy con trâu là vật thiêng được sử dụng làm vật hiến sinh trong các dịp tế lễ lớn như: tạ ơn vua Trời cầu mong cho bản Mường sản xuất thuận lợi, nhà nhà yên ổn; hoặc cúng lễ trong đám tang nhà giàu, chức dịch hay bậc cao niên... Nếu như ở lễ hội đền Chín Gian Như Xuân vật hiến tế là con trâu tơ trắng khỏe mạnh cùng với 9 con lợn, 90 con gà choai, 90 cặp cá khô, 01 chum rượu cần có 9 ống hút, thì ở đền Chín Gian Quế Phong việc lựa chọn 9 con trâu lại phức tạp hơn. Riêng Mường Tôn, nơi có đền thờ Chín Gian phải dâng con trâu cái trắng, hai mường Mường Quáng và Mường Puộc phải dâng hai con trâu đực trắng, các mường còn lại đều dâng trâu đen. Chỉ riêng những con số lễ vật hiến sinh cũng thể hiện quan niệm triết học thô sơ của cộng đồng dân tộc Thái cả hai nơi. Những con số 9 trong lễ vật dâng hiến ở lễ hội đền Chín Gian Như Xuân có cội nguồn từ tư duy cổ xưa về vũ trụ của con người phương Đông mang nhiều ý nghĩa thiêng về con số 9 rất cần được giải mã tìm ra những lớp nghĩa sâu kín vốn đã bị lớp bụi thời gian che phủ. Sự quy định về số lượng và màu sắc trâu ở lễ hội đền Chín gian Quế Phong cũng là những ẩn số đầy thú vị cần lý giải. Chẳng hạn vì sao ba mường chính lại dâng ba con trâu trắng một con cái hai con đực, điều này có nét tương đồng với số lượng táo quân hai ông một bà, được quan niệm dân gian giải thích bằng tư duy thời mẫu hệ, người phụ nữ được coi trọng hơn.

          Như vậy cách tiếp cận so sánh đã có thể đem lại những nhận thức mới về lễ hội Dâng trâu tế Trời vốn cùng gốc cùng loại hình lễ hội của người Thái nhưng đã có những biến thể khác nhau mang nhiều màu sắc đa dạng. Rõ ràng ở đây lễ hội đền Chín Gian Như Xuân vừa “thuộc về” lại “không thuộc về” một cộng đồng người Thái, vì nó luôn biến đổi theo thời gian cùng sự biến đổi của con người và xã hội; mặt khác lễ hội cũng “không thuộc về” mà còn “thuộc về” cả những nhà nghiên cứu cần lí giải nó theo quá trình sáng tạo của quy luật nhận thức và quy luật mỹ học của văn hóa. Chính điều này tạo nên tính sáng tạo của di sản văn hóa lễ hội.

c. Tính sáng tạo được thể hiện ở nhu cầu cấu trúc lại lễ hội

          Di sản văn hóa là những di tồn từ trong lịch sử, nhưng con người hiện tại luôn có ý thức sưu tập, chỉnh lí, nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa. Qua đó có nhiều sáng tạo trong cả quan niệm lẫn hành vi thực hành lễ hội. Vì vậy, khi ta xác nhận thuộc tính cấu trúc của di sản văn hóa, không chỉ thấy nội hàm của tính sáng tạo, mà còn cần năng lực hoạt động của người nghiên cứu chủ động thâm nhập thực tiễn. Từ đó lại khái quát tổng hợp theo một hệ thống nhất định, dựng dậy diện mạo một lễ hội vừa hoành tráng về không gian, vừa liên hoàn về thời gian. Những hình thức này cứ trở đi trở lại theo mùa vụ trồng trọt và chu kì năm tháng của đời người, cứ thế bảo lưu và sáng tạo cả nội dung và hình thức lễ hội. Sự bảo lưu và sáng tạo này luôn hòa quyện song hành, trở thành di sản văn hóa cho mai sau.

          Cấu trúc của “di sản văn hóa” vốn được coi trọng vì nó là kết quả của thực tiễn điền dã. Thông qua hoạt động thực tiễn, công tác bảo hộ di sản văn hóa chẳng những được phát huy, mà còn là thước đo khách quan, đối với sự sáng tạo của lí luận cũng như hoạt động lễ hội, mới được phát hiện và tổng kết.

          Lễ hội Dâng trâu tế Trời diễn ra ở đền Chín Gian Như Xuân Thanh Hóa đã trải qua những năm tháng thăng trầm. Là một lễ hội mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống cộng đồng tộc người Thái xứ Thanh, nhưng vào những thập niên đầu thế kỷ XXI về trước, lễ hội này không được thực hiện theo mô hình và các bước như xưa. Các mường không tham gia vào cúng tế, dâng lễ nữa. Công việc này được 5 hộ dân sống quanh đồi Pú Pen thực hiện vào mùng một Tết âm lịch hàng năm. Đền 9 gian cũng đã không còn, người dân chỉ dựng cái miếu nhỏ bằng tre để duy trì việc cúng bái. Vì vậy, việc phục dựng và duy trì lại lễ Dâng trâu tế Trời là nguyện vọng hết sức chính đáng của nhân dân xã Vạn Xuân nói riêng và nhân dân trên địa bàn huyện Như Xuân và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

          Để làm sống lại những giá trị văn hóa của lễ hội Dâng trâu trong đời sống tinh thần của cộng đồng tộc người Thái, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cho Ủy ban Nhân dân huyện Như Xuân và các ngành liên quan, phục dựng không gian thiêng của ngôi đền Chín Gian, phục dựng và bảo tồn hoạt động thiêng của lễ và những sinh hoạt vui chơi của hội, trên cơ sở nội dung và hình thức truyền thống kết hợp với nhu cầu của đời sống xã hội và tình hình phát triển kinh tế địa phương. Tất cả được cấu trúc lại để vừa đảm bảo tính truyền thống vừa phù hợp với hiện đại. Đây là việc làm cần thiết, chẳng những làm mới lại những giá trị văn hóa của lễ hội mà còn phát huy được giá trị truyền thống của lễ hội, giá trị di sản văn hóa dân tộc, đồng thời đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái Như Xuân nói riêng, và của nhân dân Thanh Hóa nói chung.

          Bên cạnh đó,qua lễ hội, các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương cũng được đẩy mạnh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”được thực hiện tốt. Lễ hội cần kết nối với ngành du lịch, xây dựng chương trình du lịch, giới thiệu du lịch tâm linh, du lịch văn hóa của lễ hội Dâng trâu tế Trời, cùng những sản phẩm văn hóa mang đậm sắc màu dân tộc Thái của huyện Như Xuân cũng như của tỉnh.

          Cũng thông qua lễ hội, những loại hình nghệ thuật, thể thao và các trò chơi dân gian, nhiều môn nghệ thuật, trò diễn... được phục hồi. Điều này có tác động sâu sắc đến tình cảm, góp phần xây dựng tính cách, tâm hồn Việt Nam, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt. Tất cả những vấn đề trên đều cần được cấu trúc lại làm cho lễ hội Dâng trâu vừa đảm bảo tính thiêng trong phần lễ vừa đảm bảo tính lạc quan vui vẻ trong phần hội, vừa hoành tráng về không gian vừa hợp lý về thứ tự lớp lang của thời gian.

2.3 Từ thuộc tính tồn tại của chỉnh thể “di sản văn hóa”

          Sự tồn tại mọi sự vật, hiện tượng đều có nguyên nhân và nằm trong tổng thể của nhiều mối quan hệ. Từ nguyên lí hệ thống, mọi sự vật và hiện tượng đều nằm trong một tổng thể hoàn chỉnh, có thể định hình, vận động và phát triển. Vì vậy khi xem xét sự tồn tại của mọi sự vật khách quan, không thể không quan tâm tới những mối quan hệ bên trong và bên ngoài, tạo thành tính chỉnh thể của sự vật, hay hiện tượng ấy.

          Khi nhận thức lễ hội như một di sản văn hóa, chúng ta không chỉ quan tâm bản thân sự tồn tại của di sản văn hóa, mà cần coi trọng không khí của thời đại và phương thức sinh tồn của di sản văn hóa. Mọi lễ hội không hề tồn tại đơn lập. Lễ hội Dâng trâu tế Trời chính là sản vật của quan hệ mật thiết giữa quan niệm nội tại và phương thức cuộc sống. Phần lễ của hội luôn thể hiện quan niệm tín ngưỡng suy tôn về vua Trời (Pò Pha) và Tạo Ló Ỳ (vua Mường), người đã có công dạy dân phương thức sinh tồn cùng với tinh thần sùng bái và hướng về cội nguồn. Quan niệm của hội thể hiện ở những làn điệu hát múa, hát thơ, hát giao duyên (hắp bảo xảo) cùng những trò chơi đậm sắc màu văn hóa Thái, không chỉ làm cho con người thêm lạc quan yêu đời, còn là cơ hội để gắn kết cộng đồng trong tính thiêng của lễ, tăng cường tính dân chủ, tính cộng đồng nơi bản Mường. Hội còn thể hiện khát vọng sống tốt đẹp hồn thuần, đậm chất nhân văn của cộng đồng người Thái Như Xuân.

          Để thấy tính toàn diện và tổng thể của lễ hội đền Chín Gian, cần đặt nó trong hệ thống lễ hội Dâng trâu tế Trời của người Thái diễn ra ở nhiều nơi phía Tây Thanh Hóa - Nghệ An, tiêu biểu như Như Xuân,Thường Xuân, Quế Phong. Bởi cội nguồn của lễ hội là tục dâng Trâu là tâm linh cầu xin và tạ ơn Trời Đất cho mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi, bản Mường no ấm, người người yên ổn. Cho dù truyền thuyết có những dị bản thì cốt lõi vẫn là từ một nguồn cội tâm thức văn hóa dân gian tục dâng trâu của tộc người Thái. Và không gian thiêng đền Chín Gian diễn ra lễ hội, đều có ở các khu vực này. Lễ hội Dâng trâu này cũng cần được mở rộng đến các lễ hội có tục hiến trâu, ăn trâu, đâm trâu, chém trâu, chọi trâu để thấy được những nét tương đồng và dị biệt của cùng loại hình lễ hiến sinh con trâu với những nét tương đồng và dị biệt, đồng thời thấy cả những giao lưu tiếp nhận văn hóa của các tộc người trong và ngoài khu vực.

          Những giá trị văn hóa cao đẹp của lễ hội Dâng trâu tế Trời tự nó cũng khẳng định được vị thế và tầm ảnh hưởng trong cuộc sống hiện tại và mai sau. Quan trọng hơn, trong thời đại mới, khi mà xã hội đang có xu thế chuyển từ xã hội sản xuất sang xã hội tiêu dùng, lễ hội Dâng trâu tế Trời nói riêng và hoạt động văn hóa nói chung, cần trở thành “sản nghiệp văn hóa” của tỉnh Thanh Hóa và Quốc gia như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã và đang thực thi cơ chế này. Nhờ cấu trúc và chức năng của “sản nghiệp văn hóa”, người ta vừa bảo tồn, sáng tạo những giá trị của di sản văn hóa, vừa quảng bá và thương mại hóa những yếu tố văn hóa, để đảm bảo kinh tế cho việc bảo tồn và phát triển bền vững của “sản nghiệp văn hóa”.

          Cũng vì những lý do trên, lễ hội Dâng trâu tế Trời cần được quảng bá trên nhiều phương tiện truyền thông, với nhiều hình thức khác nhau. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của lễ hội Dâng trâu được giới thiệu với khu vực và thế giới. Những đặc sắc về đất nước con người Việt Nam đã góp phần tăng cường “sức mạnh mềm văn hóa” trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

3. Những biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội Dâng trâu tế Trời

3.1. Nâng cao nhận thức về vai trò của di sản văn hóa lễ hội Dâng trâu tế Trời.

          Muốn bảo tồn và phát huy tốt những giá trị và chức năng của lễ hội Dâng trâu, trước hết cần nâng cao hiểu biết của chủ thể di sản tộc người Thái và toàn xã hội về lĩnh vực này. Từ đó mới có cơ sở điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Cần nâng cao nhận thức về mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, mối quan hệ giữa bảo tồn phát huy giá trị di sản lễ hội Dâng trâu với việc phát triển kinh tế- xã hội, nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của mối quan hệ hai chiều nói trên, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập khu vực.

(Ảnh: vanhoadoisong.vn)


          Để có thể bảo tồn và phát huy giá trị giá trị di sản lễ hội Dâng trâu, cần gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nên đặt lễ hội Dâng trâu trong tổng thể di sản văn hóa Như Xuân, nhằm phát triển kinh tế du lịch – loại hình kinh tế không khói như: du lịch văn hóa, du lịch tín ngưỡng tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

          Quan tâm đẩy mạnh truyền thông và giáo dục, nâng cao dân trí và cả quan trí về bảo tồn và phát huy giá trị giá trị di sản lễ hội Dâng trâu. Bởi lẽ giá trị di sản văn hóa là cơ sở để giáo dục truyền thống, lựa chọn những giá trị văn hóa mới và là động lực tinh thần của xã hội.

          Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tuyên truyền về giá trị vật thể và phi vật thể, cũng như vai trò của di sản lễ hội Dâng trâu huyện Như Xuân. Trên cơ sở những nhận thức và tư duy mới, các cấp lãnh đạo và người dân mới thấy hết những giá trị tiềm ẩn quý giá của di sản này; đồng thời mỗi người tùy theo vị thế, sẽ có những việc làm thiết thực, trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Dâng trâu.

          Để các giá trị của lễ hội Dâng trâu thấm sâu vào đời sống nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên, các hoạt động truyền thông cần được tiến hành thường xuyên và đa dạng hóa, về cả nội dung lẫn hình thức tuyên truyền, để có thể hấp dẫn nhiều cá nhân tổ chức tham gia bảo tồn di sản văn hóa. Chẳng hạn tổ chức các lễ hội, các hội thảo khoa học, các tuần lễ văn hóa… liên quan đến di sản lễ hội Dâng trâu.

3.2. Tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch bảo tồn và phát huy hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn huyện Như Xuân

          Quy hoạch lễ hội Dâng trâu cần được xây dựng, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của huyện Như Xuân, đặc biệt phải gắn với quy hoạch phát triển du lịch và dịch vụ, diễn ra trong không gian văn hóa huyện Như Xuân và mở rộng ra cả những khu vực lân cận. Để làm được điều này, ngành văn hóa cần có sự phối hợp với các ngành chức năng của địa phương và cả trung ương, để khảo sát lại hiện trạng, tiến hành phân loại, sắp xếp thứ tự, đánh giá đúng về các giá trị của di sản, để có hướng bảo tồn và phát huy phù hợp.

          Ngoài ra còn cần quan tâm tới quy hoạch liên vùng, trước hết là các khu vực có đồng bào Thái sinh sống sau đó mở rộng ra cả huyện và tỉnh theo những mục tiêu khác nhau, để có thể xây dựng được “bản đồ di sản” trong không gian văn hóa vùng. Từ đó xây dựng chiến lược có tính khoa học, trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nơi đây; tránh những việc làm manh mún tùy tiện, thiếu tổ chức, thiếu quy mô và thiếu cả luận chứng khoa học, dẫn đến những sai lầm không đáng có.

          Trong quá trình làm quy hoạch tổng thể, không thể không quan tâm tới mối quan hệ giữa di sản vật thể và phi vật thể. Bởi lẽ trong lễ hội Dâng trâu hai loại di sản này luôn gắn bó mật thiết khó mà tách biệt.

3.3. Xây dựng và huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản chùa Chín gian và lễ hội Dâng trâu

          Nguồn lực ở đây được quan tâm là nguồn kinh phí, cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nguồn lực này bao gồm: Ngân sách nhà nước, các khoản thu từ hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản, tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong ngoài nước. Như vậy muốn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản lễ hội Dâng trâu, không chỉ dựa vào kinh phí của nhà nước, mà cần xã hội hóa, huy động các nguồn lực kinh tế, liên doanh liên kết, trong và ngoài nước, thu hút đầu tư…

          Vì vậy cần có sự tập trung chỉ đạo quản lý và phân phối ngân sách sao cho phù hợp, với từng đầu việc cụ thể của ngành văn hóa, đặc biệt cần bố trí một khoản ngân sách phục vụ việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trọng điểm.

          Ngoài ra cần có kế hoạch bảo trợ, trang bị phương tiện làm việc, cho các hoạt động sáng tạo bảo tồn các di sản văn hóa lễ hội Dâng trâu, đồng thời nên thành lập “Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa” trong đó có lễ hội của huyện hay của tỉnh, để có thể xã hội hóa thu hút nguồn kinh phí phục vụ cho việc bảo tồn di sản văn hóa lễ hội.

3.4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyên môn trong nghiệp vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản lễ hội Dâng trâu nói riêng

          Chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, có ý nghĩa quyết định đối với kết quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, từ các việc nghiên cứu, đánh giá, thống kê, phân loại di sản văn hóa trong toàn huyện Như Xuân nói riêng và trong tỉnh Thanh Hóa nói chung.

          Đặc biệt đối với việc bảo tồn và phát huy di sản lễ hội Dâng trâu là một hoạt động đòi hỏi chuyên môn cao, vì vậy huyện cũng như tỉnh cần khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nghiên cứu, sưu tầm bảo quản, trao truyền và giới thiệu di sản văn hóa lễ hội Dâng trâu với bạn bè trong nước và thế giới.

          Để có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội Dâng trâu, không thể không quan tâm tới nguồn nhân lực - đội ngũ những người làm công tác văn hóa. Thực tiễn cho thấy, cán bộ văn hóa chuyên trách ở địa phương phải là người am hiểu di sản văn hóa trên địa bàn, là người tiên phong trong công tác tuyên truyền về giá trị di sản lễ hội Dâng trâu, cũng là người có khả năng tham gia vào việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, bảo tồn phát huy giá trị di sản lễ hội này ở địa phương; đồng thời kết nối với các cá nhân, các đơn vị trong và ngoài nước, nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản lễ hội dâng Trâu ở địa phương. Họ chính là nhân tố thúc đẩy việc giao lưu, tiếp biến văn hóa, làm cho văn hóa tộc người Thái và văn hóa các tộc người khác trong khu vực và trên đất nước Việt Nam cùng phát triển đa dạng, phong phú.

          Vì vậy cần coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho nguồn nhân lực trên, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần cho họ, đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ huyện Như Xuân đến tỉnh Thanh Hóa.

          Tóm lại từ lý thuyết về di sản văn hóa có thể nhận thức nhiều mặt khác nhau về cội nguồn, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của lễ hội Dâng trâu tế Trời của tộc người Thái huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa. Cũng từ những thức nhận này đã đặt ra những nhiệm vụ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Lễ hội Dâng trâu. Điều này chẳng những đáp ứng nguyện vọng hưởng thụ văn hóa của cộng đồng địa phương mà còn góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, gắn kết đồng bào các dân tộc xứ Thanh.

 

 

Tài liệu tham khảo chính

1. Toan Ánh (1999), Hội hè đình đám Việt Nam. Nxb TP Hồ chí Minh.

2. Trần Lê Bảo (2016), Văn hóa Việt Nam (Một số vấn đề về văn hóa Việt Nam và văn hóa Việt Nam hiện đại). Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội .

3. Hoàng Hằng. Lễ hội Dâng trâu trắng – giá trị văn hóa cần được phục dựng và gìn giữ. www.baothanhhoa.vn, số176 1684.

4 Nguyên Mai. Báo Mới. Về đất sáu Thanh, thăm đền Chín Gian, đợi ngày hội mở. https: //baomoi.comve dat sau thanh tham den chin gian c/24444533.

5. Thảo Nguyên (2017). Lễ hội Dâng trâu tế Trời và câu chuyện đền Chín gian trên đồi Pú Pỏm vanhoadoisong.vn, số ra ngày 12/3. 

6. Quản Phong (2009), Thế nào là giá trị di sản văn hóa phi vật chất (Hà vị phi vật chất văn hóa di sản đích giá trị). Văn hóa di sản dữ Quảng Đông văn hóa phát triển chiến lược (Chiến lược phát triển văn hóa di sản và văn hóa Quảng Đông). Tạp chí Văn hóa di sản, số 2.

7. Lê Trung Vũ (2006), Hội Thánh Gióng. Nxb Khoa học Xã Hội. 

8. Báo Nghệ An (2010), Lễ hội đền Chín gian (Nghệ An) – nét tín ngưỡng độc đáo vùng cao, số ra ngày 29/3.

 

 

 

 


Powered by Froala Editor