Viện phương đông

3 năm trước

Về việc thành lập tỉnh Thái Bình

VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỈNH THÁI BÌNH

Nhà nghiên cứu văn hóa

Nguyễn Thanh

Powered by Froala Editor

Nguyễn Thanh - sinh năm 1948

Nơi sinh: xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Hội viên hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Hội viên hội Nhà báo Việt Nam.

Hội viên hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Hội viên hội VHNT Thái Bình. 

Nhà nghiên cứu văn hóa.

1968 – 1974, bộ đội lái xe Trường Sơn. 

1975 – 1979, học khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

 


          Sau khi ra trường ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy môn Hán Nôm, rồi đảm nhiệm chức Chủ nhiệm bộ môn Hán Nôm, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội (1980 – 1988).  Trong thời gian này, ông được cử sang đại học Phnôm pênh Cam pu chia làm chuyên gia dạy tiếng Việt một năm ( 1984-1985).

          Năm 1988, ông được Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Bình mời đảm nhiệm chức Trưởng phòng Nghiên cứu, sau đó làm Giám đốc sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Bình. Năm 2008, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu khi ở tuổi sáu mươi.

          Là một người lính từng  kinh qua nhiều gian khổ ở chiến trường, khi trở về hậu phương ông đã tích cực học hành và làm việc theo phong cách người lính. Dù được dào tạo về chuyên ngành Hán – Nôm, ông vẫn luôn dành nhiều tâm huyết cho nghiên cứu văn hóa dân tộc. Bởi vậy, sau 8 năm giảng dạy tại một trường đại học lớn hàng đầu của đất nước, ông vẫn quyết tâm trở lại quê hương với tình yêu văn hóa làng quê sâu nặng. Điều khiến cho nhiều đồng nghiệp bất ngờ là, từ một ông đồ có vẻ mực thước và khô khan, khi trở về quê hương, ông lại nhanh chóng nhập cuộc và trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng của tỉnh với một sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ: Ông đã viết hơn30 kịch bản sân khấu, kịch bản phim, đồng thời tham gia soạn lời hát văn, hát ca trù cho nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng.

          Ngoài ra, ông còn là tác giả của hơn 10 đầu sách nghiên cứu về các lĩnh vực văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống ở Thái Bình, tiêu biểu như: Nhận diện văn hóa làng Thái Bình, Hương ước Thái Bình, Hội làng Thái Bình, Nghề thủ công truyền thống Thái Bình, Hội đền Đồng Bằng và tục hát văn, Lê Quý Đôn tiểu sử và giai thoại… là đồng chủ biên, đồng tác giả hơn 20 đầu sách, tiêu biểu như Từ điển Thái Bình, Tài liệu địa chí Thái Bình, Trạng nghè ở Thái Bình, Danh nhân Thái Bình, Địa danh Thái Bình xưa và nay, Văn hóa vùng đất Lạng hương Mần, Văn hóa làng Động Trung... Ông cũng đã công bố nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, lịch sử tại các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. 

          Do có nhiều đóng góp trong nghiên cứu văn hóa và sáng tác văn học, ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng khoa học của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và của tỉnh Thái Bình. 

 

* * *

VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỈNH THÁI BÌNH

          Vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, sau khi đã bình định xong toàn cõi Đông Dương, chính quyền thực dân Pháp đã thiết lập nhiều tỉnh mới theo quy mô phù hợp để dễ bề quản lý. Trong bối cảnh đó, ngày 21 – 3 – 1890 Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình. 

          Điều 1 của nghị định này nêu rõ: “Nay thành lập lấy tên là Thái Bình một tỉnh mới gồm phủ và phân phủ Thái Bình và phủ Kiến Xương tách ra từ tỉnh Nam Định và huyện Thần Khê tách khỏi tỉnh Hưng Yên sẽ sáp nhập lại về hành chính vào phủ Thái Bình”. 

          Trong một tài liệu gửi về bộ Thuộc địa Pháp để báo cáo về việc thành lập tỉnh Thái Bình, Toàn quyền Đông Dương Jun lơ Pát ki ê (Jules Georges Piquet) đã lý giải: “Dân vùng này ngoan ngạnh, khó trị, phải thành lập một tỉnh riêng để cử quan công sứ cai trị”. 

          Bối cảnh lịch sử Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX và sự quật khởi đấu tranh rộng khắp của các tầng lớp nhân dân Thái Bình do các  văn thân, sỹ phu yêu nước làm thủ lĩnh từ khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam đến trước, trong và sau phong trào Cần Vương (trước và sau năm 1885) đã cho thấy rõ hơn nhận định của Toàn quyền Đông Dương về người dân Thái Bình là có cơ sở.

          Từ khi thực dân Pháp tiến đánh Bắc kỳ lần thứ hai vào năm 1882, phong trào vũ trang chống Pháp đã diễn ra sôi động, liên tục ở các phủ huyện thuộc địa bàn Thái Bình. Tấm gương Đình nguyên Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890), quê làng Trình Phố nay thuộc xã An Ninh huyện Tiền Hải sớm bãi quan, lập căn cứ chống Pháp ở Phú Thọ rồi trở thành thủ lĩnh Cần Vương chống Pháp số một của Bắc Kỳ đã có ảnh hưởng lớn đến sự nổi dậy kháng Pháp của các văn thân, sỹ phu yêu nước ở Thái Bình. Tiêu biểu nhất là các phong trào vũ trang của Tạ Hiện, quê làng Quang Lang (Thái Thụy); Bang Tốn, quê làng Hoàng Nông (Hưng Hà); Nguyễn Mậu Kiến, quê làng Động Trung (Kiến Xương); Phạm Huy Quang, quê làng Phù Lưu (Đông Hưng); Đốc Nhưỡng, quê làng Đô Kỳ (Hưng Hà); Đốc Đen, quê làng Yên Lũ (Đông Hưng)… Các phong trào này không chỉ liên kết với nhau chống Pháp trên toàn địa bàn Thái Bình mà còn lan tỏa và liên kết với các phong trào vũ trang chống Pháp khác ở các tỉnh thuộc Bắc Kỳ. Năm 1883, khi quân Pháp tiến đánh thành Nam Định thì Nguyễn Doãn Cử (1821 - 1890), quê làng Dũng Nghĩa, nay thuộc xã Duy Nhất huyện Vũ Thư và Nguyễn Hữu Bản (1841 - 1883), quê làng Động Trung, nay thuộc xã Vũ Trung huyện Kiến Xương đã cùng một số sỹ phu yêu nước khác tử thủ giữ thành. Chính Nguyễn Doãn Cử đã vẽ bản đồ hoạch định một khu đề kháng chống Pháp gần như  tương tự với bản đồ tỉnh Thái Bình khi thành lập tỉnh. 

          Có lẽ, cũng cần phải thấy rõ hơn về lịch sử hình thành đất đai và đặc điểm cư dân Thái Bình để có thêm những cơ sở lý giải về tính tất yếu lịch sử của sự ra đời một tỉnh mang tên Thái Bình vào cuối thế kỷ XIX.

          Theo các nguồn sử liệu thì địa danh Thái Bình với tên gọi phủ Thái Bình, gồm phần lớn đất đai tỉnh Thái Bình ngày nay xuất hiện từ năm Ứng Thiên thứ 12 (1005) đời vua Lê Long Đĩnh với sự kiện đổi tên đất Đằng Châu thành phủ Thái Bình. Đương nhiên, trước khi xuất hiện địa danh Thái Bình thì quá trình khai phá đất đai, mở làng, lập ấp ở vùng đất này đã diễn ra từ hàng nghìn năm trước công nguyên và tên gọi, địa dư, diên cách của các phủ, lộ, huyện, làng, xã  đã trải nhiều đổi thay theo sự biến thiên của các triều đại.

          Là một vùng đất được hình thành từ một bãi bồi phù sa ven biển với địa hình tương đối bằng phẳng có hệ thống sông ngòi chằng chịt, thuận lợi cho việc gieo trồng lúa nước và đánh bắt thủy hải sản. Chính do lợi thế này nên từ cổ xưa đã có sức hút mạnh mẽ các luồng cư dân từ nhiều vùng miền tìm về khai phá và sớm có nền kinh tế nông nghiệp phát triển để trở thành “kho người, kho của”. Mặt khác do được giới hạn bằng ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển với những cửa sông lớn đổ ra biển nên Thái Bình có vị thế chiến lược quan trọng về quân sự, chính trị của đất nước. Ngoài sứ mệnh là vị trí tiền tiêu luôn phải thường trực chống chọi với mọi đạo quân xâm lược tiến đánh từ biển đông vào, vùng đất Thái Bình còn là nơi những bậc anh tài tựa dựa để lập nghiệp đế vương. 

          Sử sách còn lưu truyền: vào thế kỷ thứ VI, Lý Bí đã từ vùng đất này mà dấy nghĩa, tập hợp binh lương, đánh đuổi giặc Lương, khai đế, xưng vương, lập ra nước Vạn Xuân. Vào thế kỷ thứ IX, khi đất nước lâm vào tình thế loạn 12 sứ quân, Trần Lãm đã chọn vùng đất Bố Hải khẩu để cát cứ rồi trở thành sứ quân mạnh nhất. Khi Đinh Bộ Lĩnh nổi dậy ở Hoa Lư, biết rõ vị thế của sứ quân Trần Lãm và địa thế của Bố Hải khẩu đã tìm về nương náu sau được Trần Lãm nhận làm con nuôi, sau giao cả binh quyền, từ đó có đủ thế lực để dẹp yên các sứ quân khác, lập ra nước Đại Cồ Việt. Bố Hải khẩu cũng từng là đất thiêng để các vị vua anh minh triều Lý chọn làm nơi cày ruộng tịch điền khuyến khích việc nông tang. Đáng chú ý hơn cả là Thái Bình xưa còn có đất thiêng Tinh Cương – Hải Ấp để họ Trần chọn làm nơi định cư, trở nên giầu có, tạo dần thế lực mà sáng nghiệp đế vương và dựa vào đất này mà hưng nghiệp và giữ nghiệp. 

          Theo dòng chảy của lịch sử, từ buổi đầu công nguyên đến nay, trên các trang sử chống ngoại xâm của dân tộc, những tên đất, tên người của Thái Bình đã xuất hiện như những dấu son. 

          Khi thành lập tỉnh thì Thái Bình có 80 vạn dân. Đến năm 1929 đã lên đến một triệu người. Theo nhãn quan của người Pháp thì tỉnh Thái Bình là một tỉnh đông dân, có vị thế quan trọng. Một học giả người Pháp đã viết trong tác phẩm Chú thích về tỉnh Thái Bình: "Tỉnh Thái Bình, theo tên gọi Hán Việt có nghĩa là "yên ổn hoàn toàn", có 1 triệu dân, là một trong những tỉnh lớn nhất và quan trọng nhất của Bắc kỳ, đó là một điều không ai chối cãi được… Nếu như con số 1 triệu dân được thừa nhận, người ta nhận định tính Thái Bình là một trong những miền đông dân nhất của quả đất…"

          Về một phương diện nào đó, có thể coi việc hoạch định địa giới để thành lập tỉnh Thái Bình với bốn bề sông biển là một sự tính toán mang giá trị khoa học cao. Đương nhiên, nếu tính toán chỉ vì nguyên nhân: “Dân vùng này ngoan ngạnh, khó trị, phải thành lập một tỉnh riêng để cử quan công sứ cai trị” thì người Pháp đã thất bại. Bởi vì từ sau khi thành lập tỉnh, lần lượt hàng loạt công sứ Pháp vốn giầu năng lực đàn áp các phong trào yêu nước đã được cử về nhậm chức ở Thái Bình nhưng phong trào yêu nước chống Pháp bằng các hình thức khác nhau vẫn diễn ra sôi nổi, liên tục ở đất này. Trong hơn hai thập niên đầu thế kỷ XX, các nhà yêu nước ở Thái Bình đã năng nổ đi tiên phong trong các phong trào Đông Du, Việt Nam quang phục hội, Đông Kinh nghĩa thục…Chính vì vậy, Thái Bình đã trở thành địa chỉ quen thuộc để các văn thân, sỹ phu yêu nước ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ tìm đến giao lưu, đàm đạo về thế sự, thời cuộc. Đó chính là một trong những tiền đề quan trọng để người Thái Bình sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác Lê nin và trở thành những "hạt giống đỏ" đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ươm gieo. Đó cũng chính là tiền đề để Đảng bộ Thái Bình sớm ra đời và lãnh đạo nhân dân Thái Bình đi trọn các chặng đường cách mạng trên hành trình 90 năm với biết mấy dấu son, biết bao kỳ tích mang dấu ấn Thái Bình.

          Từ sức bật của truyền thống, từ những bài học lịch sử trong tiến trình 130 năm hình thành và phát triển, tỉnh Thái Bình ngày một thêm xứng với tên mình. 

 

                                                                   Nguyễn Thanh

                             (Thôn 4, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình)

                             ĐT: 0913291121

                             Email: nguyenthanhhannom@gmail.com


-----------


Nguồn tài liệu chính và ảnh về các mục từ giáo họ:

Giaophanthaibinh.org 

Website Giáo PhậnThái Bình

Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình, Nxb Hồng Đức

Nhận diện văn hóa làng Thái Bình – Nguyễn Thanh, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội - 2010.

Powered by Froala Editor