Viện phương đông

3 năm trước

Với "Cuộc chiến mười ngàn ngày" nhà thơ đã bảo vệ độc lập, chủ quyền và lịch sử của dân tộc bằng ngôn ngữ thơ ca!

Trong quá trình thực hiện cuộc Tọa đàm lần 2 về trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày", chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng TS. Lê Mạnh Luân, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Uzbekistan. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông là một người lính lái xe Trường Sơn. Sau ngày thống nhất đất nước, ông tiếp tục sự nghiệp đèn sách tại trường Đại học Tổng hợp, rồi trở thành cán bộ ngành Ngoại giao trên cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Uzbekistan  .

Powered by Froala Editor

Dưới đây là cuộc trao đổi của chúng tôi với Đại sứ Lê Mạnh Luân về trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày":

PV: Xin chào tiến sĩ Lê Mạnh Luân. Chúng tôi xin phép được trao đổi với ông về trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày". Như ông đã đọc, sau Chương 7 Mái trường đại học là chương nói những người lính lên đường ra mặt trận. Chúng tôi được biết, trước đây ông cũng là một người lính Trường Sơn, xin ông cho biết suy nghĩ, cảm xúc của mình khi đọc chương này?

TS.Lê Mạnh Luân: Khi đọc trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày", đặc biệt là chương 7 của nhà thơ Hữu Đạt tôi rất xúc động. Bởi, nói một cách vắn tắt thì tôi là người trong cuộc. Chương 7 nói về các lớp học trò rời ghế nhà trường ra mặt trận, về tình cảm của những sinh viên với những người bạn của mình khi lên đường nhập ngũ, và về những lá thư, những thông tin của người chiến sĩ ở mặt trận gửi về cho bạn học. Những dòng thơ ấy đã thể hiện được tâm trạng của chúng tôi thời bấy giờ.

Năm 1971, tôi học xong lớp 10 là hăng hái lên đường nhập ngũ.Tôi là lính lái xe suốt 5 năm ở chiến trường.

 

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hoàn thành nghĩa vụ, năm 1977 tôi lại trở về  học và trở thành sinh viên của đại học Tổng hợp, và cũng đã ở ký túc xá Mễ Trì. Cho nên, những điều mà nhà thơ Hữu Đạt viết về ký túc xá Mễ Trì, về cảnh quan và con người ở ký túc xá Mễ Trì đều là những hình ảnh đã từng gắn bó với chúng tôi. Chúng tôi là những sinh viên từng mặc áo lính theo học ở trường Tổng hợp nên rất xúc động về những dòng thơ viết về những thế hệ học sinh, sinh viên tạm gác bút nghiên ra mặt trận của nhà thơ Hữu Đạt.

PV: Chương viết về những người lính với hình ảnh đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” có gợi lại cho ông ký ức sâu đậm nào không ạ?

TS.Lê Mạnh Luân: Những đoạn thơ viết về các thế hệ nối tiếp nhau ra mặt trận đã phản ánh đúng tâm trạng và cuộc sống của những người lính chúng tôi. Bản thân tôi là một người lính lái xe Trường Sơn. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã dành hẳn 1 bài thơ, là bài “Tiểu đội xe không kính” để viết về những người lính lái xe chúng tôi. Trong trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" của nhà thơ Hữu Đạt, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh của mình:

Những chàng trai khoác trên mình áo lính

Khuất sau xe trong gió cuốn bụi đường

Trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" đã phản ánh đúng bằng thơ ca cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu của những người lính. Và trong những ngày tháng chiến tranh ấy, có một sự kiện khiến tôi không bao giờ quên. Đó là sự hi sinh của đồng đội tôi trong trận đánh vào thị xã Phan Rang, giờ thuộc tỉnh Ninh Thuận. Trong tháng 3, tháng 4 năm 1975, đơn vị tôi đưa các chiến sĩ thuộc Quân đoàn 2 hành tiến, chiến đấu dọc theo đường  từ Quảng Trị vào tận Sài Gòn. Xe chúng tôi chở bộ binh nên cứ khi nào đến các cứ điểm của địch là bộ đội lại xuống xe tiến công. Sau khi giải phóng các cứ điểm đó thì chúng tôi lại đón các chiến sĩ ấy để tiếp tục hành quân.

Đến Phan Rang, khi đang trên Quốc lộ 1 thì máy bay địch bất ngờ xuất hiện và tấn công vào đoàn xe. Chúng tôi được lệnh tản ra 2 bên cánh đồng ven quốc lộ để tránh hỏa lực của địch. Nhưng do địch tấn công bất ngờ, địa hình lại trống trải, nhiều đồng đội của tôi đã hi sinh do không kịp thoát ly khỏi xe để tìm chỗ trú ẩn. Khi máy bay địch rút đi, chúng tôi quay lại xe và chứng kiến đồng đội mình hi sinh. Khi đó chúng tôi rất đau xót. Thời điểm đó là ngày 16 tháng 4 năm 1975, chỉ cách ngày toàn thắng có nửa tháng nữa thôi. Rất nhiều đồng đội của chúng tôi đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đúng như Hữu Đạt đã viết:

Đau nhói trong tim những người đồng chí

Phải tiễn anh đi ngày toàn thắng cuối cùng

Thương chị quá bao tháng năm  chờ đợi

Mong mỏi anh về ngày đoàn tụ hậu phương

Nhưng không kịp nữa rồi

Đời chàng trai chinh chiến

Đã ra đi thanh thảnh đến tột cùng

Chết giản dị trong sắc màu áo lính

Chiếc ba lô hàng ngày vẫn đang khoác trên lưng

Mặc dù đau xót, chúng tôi đã nén cảm xúc lại, tiếp tục xông lên, và đánh trận cuối cùng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 giải phóng Sài Gòn. Đây là ký ức không thể nào quên với tôi. Dù đau thương nhưng sự hi sinh của đồng đội chúng tôi đã góp phần vào thắng lợi cuối cùng của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Những ngày tháng hào hùng đó, chúng tôi, những người lính lái xe đưa xe chở bộ đội vượt mưa bom đạn lửa của quân thù, tiến về Sài Gòn với tinh thần quyết chiến quyết thắng theo mệnh lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Đó là những ngày tháng không bao giờ quên!

PV: Chúng tôi được biết, sau khi tốt nghiệp ĐHTH Hà Nội và hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, TS công tác trong ngành ngoại giao. Như vậy có thể nói, từ mặt trận có bom đạn khói lửa, bác lại tham gia một mặt trận mới, mặt trận không tiếng súng - mặt trận ngoại giao, để giữ gìn chủ quyền đất nước và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Xin TS cho biết thêm về các hoạt động của mình giai đoạn này.

TS.Lê Mạnh Luân: Sau ngày đất nước thống nhất, tôi tiếp tục đi học và trở thành người cán bộ của Đảng và nhà nước. Từ một người lính lái xe Trường Sơn, sau quá trình học tập trên giảng đường , tôi trở thành một cán bộ ngoại giao, tiếp tục có cơ hội mới được góp phần sức lực của mình vào công cuộc xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của toàn Đảng toàn Dân, theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Khi được Đảng và Nhà nước phân công làm nhiệm vụ ngoại giao ở vị trí đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Uzbekistan, tôi nhận thức rõ rằng, ngày trước chúng tôi chiến đấu để giành độc lập tự do,  giờ đây, tham gia vào hoạt động ngoại giao - cũng là hoạt động xây dựng và bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc, hơn nữa, còn góp phần hợp tác với các nước để giữ gìn hòa bình của nhân loại. 

Theo tôi, đây là một sự kế tục đầy ý nghĩa. Tôi cũng không nghĩ mình lại được thực hiện 2 nhiệm vụ vô cùng ý nghĩa và có tính kế tục như vậy.

PV: Trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" đã bám rất sát với bước đi của dân tộc trong những năm tháng chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và những năm tháng đổi mới sau cuộc chiến. Qua cuộc trò chuyện này, chúng tôi thấy một sự thú vị, đó là không rõ có phải đây là sự trùng hợp hay không khi trường ca dường như “áp” riêng cho ông?

TS.Lê Mạnh Luân: (Cười) Không phải ông ấy viết riêng cho tôi đâu mà ông ấy viết cho cả dân tộc, nhưng lại áp được vào rất nhiều con người cụ thể, và lại phản ảnh được không những cái chung của nhiều thế hệ, của dân tộc mà còn phản ánh cuộc đời cụ thể của rất nhiều con người. Đặc biệt như chúng tôi là những người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ cả dân tộc đứng lên giành độc lập thống nhất đất nước thì lại trùng hợp như thế.

PV: Chúng tôi xin phép được hỏi thêm một ý nữa. Ngày nay, trên mặt trận ngoại giao, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương là sứ mệnh thiên liêng. Trong trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" có một chương các câu thơ được thể hiện thành hình bản đồ Việt Nam, thống nhất. Trên cương vị là một nhà ngoại giao lâu năm, qua hình thức thơ được thể hiện như vậy có gợi lên cho ông những suy nghĩ gì về hoạt động ngoại giao không ạ?

TS.Lê Mạnh Luân: Tôi không phải là nhà nghiên cứu thơ ca nhưng tôi thấy thơ của Hữu Đạt viết vừa mang tính ngôn ngữ nghệ thuật lại vừa có hình thức thơ mang dáng hình đất nước, chúng ta thì tôi thấy trường ca này đã thể hiện được cả tầm về chính trị, cả tầm về văn học nghệ thuật. Cho nên, có thể nói "Cuộc chiến mười ngàn ngày" đã thể hiện được đó là một trường ca có ý nghĩa về lịch sử của đất nước chúng ta. Trường ca này ngoài tính nghệ thuật còn là một tiếng nói khẳng định độc lập chủ quyền của Việt Nam đối với những lãnh thổ không thể tách rời mà từ hàng ngàn năm nay nhân dân ta không ngừng đấu tranh để giữ gìn và bảo vệ.

Chúng tôi đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền bằng hoạt động đặc thù của ngành ngoại giao.


 Còn nhà thơ Hữu Đạt bảo vệ độc lập, chủ quyền và lịch sử của dân tộc bằng ngôn ngữ thơ ca. Các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên mặt trận ngoài giao nhiều khi diễn ra trong thầm lặng và công chúng không phải ai cũng tiếp cận được, còn thơ ca thì có thể đến được với đông đảo bạn đọc một cách nhanh chóng và dễ dàng, như những câu thơ:

Ý thức với Biển Đông từ thuở ấy

Đã thấm vào từng ngọn núi, có cây

Và nhịp đập trái tim từng thế hệ

Hoàng Sa, Trường Sa sóng nước trời mây

Vẫn cùng trong dải đất hình chữ S

Máu cha ông đổ xuống đã bao đời

Các thế hệ cháu con

nhớ lời nguyền  sông núi

Mỗi tấc đất này

Là nước mắt, mồ hôi

Không thể để quân thù cướp mất

Dù một chút màu xanh lơ lửng ngang trời

Không để chúng giẫm lên từng hạt cát

Dẫu còn non từ lúc mới sinh phôi

PV: Vâng, đúng là như vậy ạ. Xin cám ơn TS đã cùng tham gia cuộc trò chuyện này với chúng tôi. Kính chúc TS luôn mạnh khỏe, tiếp tục công hiến công sức và trí tuệ của mình cho các hoạt động ngoại giao nước nhà!

Minh Châu thực hiện

Powered by Froala Editor