Viện phương đông

3 năm trước

Sáng tác thơ

Làng đâu

Hữu Đạt

Powered by Froala Editor


Công cuộc hiện đại hóa, đô thị hóa đã làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê. Làng lên phố, nhiều giá trị văn hóa truyền thống mai một dần. Những trăn trở về sự mất mát ấy được thể hiện rõ nét qua từng câu chữ trong hai bài thơ Làng đâu Ta tìm của nhà thơ Hữu Đạt.

Chúng tôi xin gửi đến bạn đọc hai bài thơ này:


Làng đâu


Thoắt một cái làng biến thành tỷ phú

Ruộng đồng xưa nay hóa những con đường

Dự án mới biến đồng quê thành phố

Gạch cát, xi măng lấp dần chữ Quê hương

 

Nay tất cả đã hóa thành đô thị

Người khắp nơi tứ xứ đổ về

Tiền vung vãi quăng ra mua và bán

Làm ồn ào náo động một vùng quê

 

Nhà ai cũng khoe tiền bán đất

Tiền đền bù, tiền lời lãi chia nhau

Rồi hỉ hả sắm sanh, xây dựng

Đi đến đâu cũng biệt thự nhà lầu

 

Thói quen mới ăn tiêu xả láng

Tiền nhiều rồi ai còn thích trồng rau

Làng quê cũ nghèo trong rơm rạ

Nay ao chuôm cũng hóa sang giàu?

 

Lớp lớp đàn em thích cuộc đời phố xá

Ham rong chơi, cờ bạc đỏ đen

Đầu phố, cuối thôn nhà hàng mọc kín

Bóng ca ve lờ lượn dưới ánh đèn

 

Ngôi làng cũ năm xưa không còn nữa

Nhiều gia đình mất nghiệp phải tha phương

Đêm thăm thẳm trong màn trời chiếu đất

Triệu phú tay không bỗng thành kẻ đứng đường

 

Tiếng gào xé màn đêm u uất

Làng đâu ? Làng đâu ? thuở ngày xưa ?

Hãy cho ta trở về thời chân đất

Trong nắng hanh hao đứng hóng mát cổng chùa

 

Hãy trả lại những mảnh đời vất vả

Mái ngói, giếng khơi, cặm cụi nhọc nhằn

Nghèo nhưng sạch, không cần chi vội vã

Sống bình thường tránh xa bả hư danh



Ta tìm…

Thượng Hải 11-2010


Ta tìm ngọn gió xiêu xiêu

Cỏ may rối cả một chiều díu dan

Hồn em như hoa bạch đàn

Đậm hương nhưng có nồng nàn đắm say?

Ta tìm ngọn gió heo may

Đi lang thang suốt những ngày mùa đông

Gặp mùa hoa cải bên sông

Lạnh từ gió bấc, gió đông lạnh về

Ta tìm ngọn gió se se

Nửa đêm ớn lạnh, bốn bề chống chênh

Ta tìm trong chốn phiêu linh

Chỉ nghe thấy tiếng tim mình đập thôi

Giật mình mưa tóa lưng trời

Chợt đâu trong gió thấy lời mẹ ru

Ta tìm ngọn gió ngày xưa

Để ta về với tuổi thơ một thời


-------------------


Lời bình của Trần Lê Bảo:

              Hai bài thơ “Làng đâu” và “Ta tìm” mặc dù mỗi bài đề cập đến nội dung khác nhau nhưng cùng mạch tiếc nuối, đau xót vì những giá trị văn hóa tốt đẹp, bị phôi pha, bị biến đổi dữ dội bởi văn minh vật chất.

             Tiêu đề bài thơ Làng đâu cũng là một dấu hỏi lớn gửi đến mọi người.Tác giả đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Viêt Nam là công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra quá nhanh, quá mạnh, làm thay đổi toàn bộ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần ở Việt Nam. Con người chạy theo sùng bái vật chất. Đồng tiền ngự trị cả lên nhân phẩm và lương tâm.

             Hệ lụy của các loại "hóa" trên đã làm thay đổi cả đời sống vật chất và những giá trị văn hóa tinh thần vốn tốt đẹp của con người Việt Nam xây dựng ngàn năm nay, bị thay đổi bị hủy hoại nghiêm trọng. Tác giả nghe từ trong tâm mình "Tiếng gào xé màn đêm u uất" và câu hỏi "Làng đâu?" được láy lại hai lần và biết bao kỷ niệm tuổi thơ cũng bị cướp đi rồi? Những câu hỏi vang vọng trong không gian, thời gian và trong lương tri con người! Ai trả lời cho những câu hỏi này? Ai chịu trách nhiệm về sự hủy diệt văn hóa này? nếu như con người chỉ chạy theo văn minh vật chất? ..

             Bài thơ khép lại với lời cảnh tỉnh: "nghèo nhưng sạch", "sống bình thường tránh xa bả hư danh" 

            Tuy nhiên đây là mâu thuẫn ngàn đời nay, con người cố lý giải mà mãi chưa thoát ra được. Đó là mâu thuẫn giữa phát triển văn minh vật chất mà quên gìn giữ và nâng cao các giá trị văn hóa tinh thần. Lịch sử nhân loại là như vậy. Ba trăm năm của chủ nghĩa tư bản là ba trăm năm văn minh vật chất được đổi mới rất nhiều. Nhưng cũng là ba trăm năm của sự tàn phá môi trường cả tự nhiên và xã hội. Chẳng thế mà UNESCO đã nhắc nhở: Thế kỷ XXI là thế kỷ của văn hóa. 

               Thời đại văn minh vật chất, không ai còn muốn "an bần lạc đạo" vốn là triết lý cao đẹp xưa. Con người vẫn phải làm ra của cải vật chất nhiều hơn để nâng cao đời sống vật chất. Tuy nhiên tuyệt đối không thể bỏ quên việc nâng cao đời sống tinh thần bảo vệ những giá trị nhân văn tốt đẹp.Vấn đề quan trọng ở đây là những người quản lý đất nước cần có đủ năng lực điều hành hài hòa giữa việc phát triển kinh tế với an sinh xã hội và an toàn môi trường dưới ánh sáng điều tiết của văn hóa con người. Chỉ có như vậy đất nước mới phát triển bền vững và những ngôi làng mới luôn vang lên khúc âu ca; mới trả lời được câu hỏi Làng đâu? vọng lên từ nối đau đời chất chứa trong lòng tác giả bài thơ!


Powered by Froala Editor