Viện phương đông

3 năm trước

'Sửa sai' sách Tiếng Việt Cánh Diều lớp 1: Càng sửa càng sai?

Dù hoạt động lấy ý kiến dư luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bộ sách Cánh diều đã khép lại nhưng vẫn còn đó nhiều ý kiến xung quanh bộ sách giáo khoa này. Sáng 21/11, phóng viên báo tienphong.vn đã có buổi phỏng vấn Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt về những vấn đề dư luận quan tâm lúc này: 

Powered by Froala Editor

TPO - Theo quy định dự thảo tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều lấy ý kiến dư luận đến hết ngày hôm qua, 20/11 trước khi Bộ GD&ĐT thẩm định lần cuối. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến về tài liệu này. 


Nói về tài liệu bổ sung, điều chỉnh ngữ liệu của sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Cánh diều, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết:


Qua những dữ liệu đưa ra để sửa có thể nói  người biên soạn tiếp tục mắc nhiều sai lầm. Cách chỉnh sửa của bộ sách Cánh diều cho thấy những người biên soạn đang  phá vỡ tính hệ thống của bộ sách.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt 


Thứ nhất, có thể thấy giữa tranh minh họa và nội dung bài tập đọc không liên quan lô gic với nhau, như bài 3 (Phố Thợ Nhuộm) và bài 63 (Kết bạn). Nội dung của câu văn miêu tả “phố tấp nập” nhưng ảnh minh họa lại chỉ thấy phố xá lưa thưa vài bóng người hoặc vắng tanh vắng ngắt.

Thứ hai, ngôn ngữ diễn đạt của người viết trong mỗi câu văn cho thấy, người viết không biết cách để tạo ra bối cảnh phù hợp trong giao tiếp tiếng Việt. Ví dụ, ngay đoạn mở đầu của bài 3, tác giả viết: Thủ đô có phố Thợ Nhuộm. Vậy thủ đô ở đây là thủ đô nào? Đối với trẻ em, đây là câu rất mơ hồ. Đó còn chưa kể, câu văn miêu tả rất vụng vì đọc xong thấy cộc lốc: “phố tấp nập và đẹp lắm”. Lẽ ra phải viết: “phố lúc nào cũng tấp nập và rất đẹp”…mới đúng là văn miêu tả.

Đến bài “Chăm bà” người đọc lại thấy rất phản cảm khi đọc câu văn: “Thắm thì đưa sữa cho bà”. Tại sao không dùng “bưng sữa cho bà hay pha sữa cho bà”? Hành động đưa sữa cho thấy sự vô cảm, dửng dưng trong hành động của người cháu.

Thứ ba là đã là văn dùng giảng dạy thì phải chặt chẽ, lô gic, nhưng hiên tượng phi lô gic lại khá phổ biến ở các bài. Chẳng hạn, các bài tập đọc như: “ Sáng sớm trên biển” hay “Kết bạn”.

Tôi nhắc lại, trước hết, cần hiểu rằng, chức năng của một cuốn sách dạy Tiếng Việt không phải chỉ là dạy chữ, ghép vần một cách máy móc mà phải dạy tiếng Việt có tính bài bản ngay từ đầu.

        Theo tinh thần đó thì việc đưa ra ngữ liệu chỉnh sửa như vừa rồi coi như là thất bại hoàn toàn.

          Bởi vì, cho đến lúc này, những người biên soạn không tìm ra được lối thoát mà chỉ giải quyết sai lầm bằng cách vá víu theo “kiểu đầu cá vá đầu tôm”. Càng sửa, càng thấy nhiều lỗ hổng trong tư duy của chính người biên soạn. Nói đơn giản là, đó là cách lấy cái sai này để thay thế cho cái sai khác. Trong khi đó, yêu cầu của việc dạy Tiếng Việt là phải đảm bảo tính chuẩn mực. Người biên soạn đã không biết dùng ngôn ngữ chuẩn mực thì sao lại đòi hỏi người dạy phải sáng tạo ra chuẩn mực mới dựa trên khung chương trình? Đó là kiểu tư duy áp đặt theo lối quan phương. Nó không phải là thứ tư duy khoa học. Đổ vạ cho giáo viên để trốn tránh trách nhiệm là việc rất không nên, nói thẳng là không được làm!

 

Từ những phân tích như vậy, theo ông số phận cuốn sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều sẽ nên như thế nào?

    Theo tôi, về mặt chất lượng, cuốn sách đã không đạt được các yêu cầu cần có. Việc đưa ra ngữ liệu để chỉnh sửa như vừa rồi lại càng không đạt. Dạy tiếng Việt mà dạy như thế chỉ làm cho tiếng Việt trở nên tối nghĩa, rối loạn, không đúng với bản chất của tiếng Việt. Các nhà chức trách cần phải nhận ra sự thực đó, không nên tiếp tục kéo dài tình trạng như hiện nay mà phải dừng ngay, càng sớm càng tốt để khỏi làm khổ học sinh và phụ huynh.

NGHIÊM HUÊ


 

----------

Link trên báo tienphong.vn:


https://www.tienphong.vn/giao-duc/sua-sai-sach-tieng-viet-canh-dieu-lop-1-cang-sua-cang-sai-1752980.tpo?fbclid=IwAR2aJZpL8xNR6-TsVSws6eZ8qpaNkphzzgESehjxXgQiY2OC3joNGxEdCjc

Powered by Froala Editor