Viện phương đông

12 ngày trước

Tiếng Việt từ TK 17: các thanh hỏi ngã trong chữ quốc ngữ và giọng Sài Gòn (phần 47A) Nguyễn Cung Thông

Cách phân bố thanh điệu trong từ láy tiếng Việt (để cho hài hoà thanh điệu – tone harmonisation) cũng cho thấy thanh hỏi ở vị trí cao. Quy tắc bổng (âm vực cao) chi phối từ láy có một âm tiết đầu mang thanh ngang, sắc, hỏi thì âm tiết đi cùng cũng mang thanh hỏi

Powered by Froala Editor

Phần 2

Trích từ bài viết "Tìm hiểu về thanh điệu trong tiếng Việt" của tác giả Thao LePhuong trang https://www.academia.edu/28296416/TIM_HI%E1%BB%82U_V%E1%BB%80_THANH_DI%E1%BB%86U_TRONG_TI%E1%BA%BENG_VI%E1%BB%86T 

2.2 Tương quan giữa âm Hán Việt và Việt cũng cho thấy các thanh ngang, hỏi, sắc và nặng, huyền, ngã đều liên hệ với nhau[1] - phản ánh các âm cùng âm vực:

2.2.1 Hỏi, sắc, ngang

bản (bổn)  vốn - có tác giả gọi dạng này là Hán Việt Việt hoá

kỉ  ghế

ảm  ám (u ám)

giảm  kém so với giam  khám

cẩm  gấm

khẩn  khấn

xảo/khảo  khéo

khổ  khó

khẳng  khứng (chẳng khứng/VBL ~ không muốn)

phủ  (cái) búa - để ý phù  là bùa, phụ  trong cách dùng quả phụ 寡婦 ~ goá (hoá) bụa

chủ  chúa

phế  phổi

thố  thỏ

tán  tản (tan)

tứ  tư

khố  kho

thán  thanh (than thở)

hoang  vắng (hoang phế)

...v.v...

2.2.2 Ngã, nặng, huyền


[1] Các phụ âm đầu kêu (hữu thanh/voiced/A) có tần số thấp (td. từ 250 Hz đến 4000 Hz) nên thường đi cùng với thanh huyền, nặng, ngã (âm vực thấp) như mã, ma, mạ, vũ, vụ, vu, nga, ngã, ngạ, la, lã, lạ ... Còn các phụ âm đầu vô thanh (voiceless/A) như h, ch, th, ph, kh, k/c có tần số cao (td. từ 2000 Hz đến 8000 Hz) nên thường đi cùng với thanh ngang, hỏi, sắc (âm vực cao) như như hô, hổ, thô, thổ, thố, phô, phổ, phố ...v.v... Lớp từ Hán Việt lâu đời hơn/Tiền HV có thể không theo khuynh hướng trên, td. nghiên nghiễn nghiền nghiến, nghi ngờ ngợ ngỡ..



 VBL trang 225: đỗ ~ đậu

lợi  lời, lãi

vãn  muộn

vạn  vàn, man (VBL), muôn (VBL)

tự  chữ

tự  chùa

nhị  nhì

hạ  hè

cận  gần

vụ  mù (sương mù)

vụ  mùa

sự  thờ (VBL sự thượng đế ~thờ ꞗua tlên)

...v.v...

2.3 Cách phân bố thanh điệu trong từ láy tiếng Việt (để cho hài hoà thanh điệu – tone harmonisation) cũng cho thấy thanh hỏi ở vị trí cao. Quy tắc bổng (âm vực cao) chi phối từ láy có một âm tiết đầu mang thanh ngang, sắc, hỏi thì âm tiết đi cùng cũng mang thanh hỏi.

2.3.1 Từ láy có một âm tiết đầu mang thanh ngang hay thanh hỏi: lơ lửng (VBL), đo đỏ, nho nhỏ, da dẻ, dai dẳng, dư dả, đon đả, nham nhở, thong thả, thon thỏ, thơ thẩn, sa sả, vui vẻ, xây xẩm, leo lẻo, châu chấu, đom đóm, bươm bướm, sung sướng, tim tím, trăng trắng, ra rả, răng rắc, răm rắp … So với hả hê, hở hang, lẻ loi, mỏng manh, mở mang, rủ rê, nể nang... So với xang xác (VBL), xa xác (VBL) có cấu trúc [thanh ngang + thanh sắc]; 

2.3.2 Từ láy có một âm tiết mang thanh sắc: bướng bỉnh, cứng cỏi, gắng gỏi, gắt gỏng, khấp khởi, kháu khỉnh, hắt hủi, hóm hỉnh, hiểm hóc, hớn hở, lắt lẻo, lấp lửng, láu lỉnh, mát mẻ, nhảm nhí, phấp phỏng (so với phập phồng âm vực thấp), rẻ rúng, rác rưởi, tấp tểnh, trắng trẻo, vất vưởng, vớ vẩn, vắng vẻ (VBL), xấp xỉ, xó xỉnh, xối xả … So với tỉnh táo, thẳng thắn, gởi gắm … nỏn na/nón na (VBL) …v.v…

2.3.3 Từ láy có một âm tiết mang thanh huyền (âm vực thấp) thì âm tiết đi cùng là huyền, ngã, nặng như sồ sỗ (coi sồ sỗ/VBL), rình rịch (đi rình rịch/VBL), buồn bã, gần gũi, liều lĩnh , lầm lỗi , lầm lũi, gìn giữ, tầm tã, suồng sã , rầu rĩ, thờ thẫn, hờ hững, xoàng xĩnh, phè phỡn , bừa bãi , thừa thãi, nghề ngỗng, lừng lẫy , ruồng rẫy, lờ lững, đằng đẵng , mò mẫm, nhàn nhã, nhọc nhằn, cộc cằn ... So với lãng mạn, lũ lụt , hãm hại, nhẫn nhịn, lễ lộc, lỗi lạc, rũ rượi ...

Các từ láy ba hay bốn cũng có khuynh hướng cùng âm vực như sạch sành sanh, lủng ca (cà) lủng củng ...v.v... Một số 'ngoại lệ' có thể giải thích phần nào do thời gian xuất hiện sau này, khi có sự thay đổi của âm vực (thanh ngã trở nên cao hơn thanh hỏi) để cho ra cấu trúc [thanh ngang + thanh ngã] thay vì theo cấu trúc truyền thống [thanh ngang + thanh hỏi]: khe khẽ, lam lũ, ngoan ngoãn, nông nỗi, trơ trẽn, ve vãn ...v.v…

So sánh với các trường hợp từ láy vào thời VBL với cấu trúc [thanh nặng + thanh hỏi] như

lặng lẻ (VBL) trở thành lặng lẽ (tiếng Việt hiện đại) 

tục tỉu (VBL)  > tục tĩu     

lạnh lẻo (VBL) > lạnh lẽo     

đẹp đẻ (VBL) > đẹp đẽ      

mạnh mẻ (VBL) > mạnh mẽ    

ràu rỉ (VBL) - rầu rĩ với cấu trúc [thanh huyền + thanh hỏi] cho thấy huyền/hỏi âm vực thấp. 

Nhưng để ý sạch sẽ đã hiện diện vào thời VBL (mục sạch, VBL trang 669). Cấu trúc từ láy thời VBL là một chủ đề không đơn giản và rất thú vị cần được khai triển sâu xa hơn, nhưng không nằm trong phạm vi bài này.

2.4 Khảo sát một nhóm gồm 395 từ dùng dấu hỏi và ngã trong VBL thì ta thấy rằng  

a) 70 từ phân biệt hỏi/ngã như ngỏ - ngõ, lẻ - lẽ (mlẽ, nhẽ), mở - mỡ, nhủ - nhũ, nhản - nhãn, nổi - nỗi, chử - chữ, sải - sãi, vẻ - vẽ, bảo - bão, cổ - cỗ, sẻ - sẽ, bể - bễ, mủ - mũ, hỉ - hĩ ….Sự phân biệt hỏi ngã của các từ này vẫn còn hiện diện trong tiếng Việt hiện đại. b) 291 trong 395 từ khảo sát chỉ dùng dấu hỏi chứ không dùng dấu ngã: td. chỉnh, lỉnh, vả, kẻ, đỉ, nghỉ, dưởng, dả, đẻ, bải, bổn, ảnh, đải, đỏ, kẻm, hổn, hủ, giả, ghẻ, gả, mỉn, mảy, phẩu, quỉ, rẩy, vỉ, vửa, trủng ... Số từ dùng thanh hỏi trong nhóm từ khảo sát là 361/395 = 91.4%. 

c) 34 trong 395 từ khảo sát chỉ dùng dấu ngã chứ không dùng dấu hỏi: td. những, lễ, hữu (hỡu), giữ, dỗ, vỗ, quãng, rưỡi, thĩ, xã, thễ ... Như vậy số từ dùng dấu ngã trong 395 từ khảo sát bên trên (VBL) là 104 hay 104/395 = 26.5%. Theo GS Hoàng Phê ("Dấu hỏi hay dấu ngã" Trung tâm tự điển học, tháng 1 năm 1996) thì trong 1270 âm tiết tiếng Việt với dấu hỏi hoặc với dấu ngã, trong đó có 793 âm tiết (chiếm 62%) viết dấu hỏi, 477 âm tiết (38%) viết dấu ngã. Thành ra, sau gần 400 năm, phần trăm dùng dấu ngã đã tăng từ 26.5 đến 38 hay +11.5 (%). Điều này cho thấy thanh ngã đã phát triển để tiếng Việt thêm phong phú[1] cho đến nay. Một kết quả của khuynh hướng nâng cao của thanh ngã (từng là âm vực thấp) là trường hợp ngả ngã: ngả ba, ngả tư từng dùng dấu hỏi, nhưng bây giờ còn có các dạng ngã ba, ngã tư ...

2.5 Một trường hợp đáng chú ý là âm đà: chữ Nôm là Theo cụ Huỳnh Tịnh Của (ĐNQATV, sđd) thì đà là đã ‘nói theo vận’: td. đà rồi ~ đã rồi, đà có ~ đã có, đà phải ~ phải rồi. Tuy VBL không có ghi[2] đà mà chỉ ghi dạng đã (đã qua, xong) nhưng âm đà từng hiện diện trong các tài liệu Nôm rất cổ như 

身它歇累身𢧚

Thân đà hết lụy thân nên nhẹ (Quốc Âm Thi Tập - Ức Trai Di Tập 13a)

...

后羿𧡊𩈘姮娥 張弓𢏑 離它拯當

Hậu Nghệ thấy mặt Hằng Nga. Giương cung muốn bắn, le đà chẳng đang (Thiên Nam Ngữ Lục 92a) - đã phải đọc là đà cho hợp vần - xem thêm các thí dụ bên dưới của Truyện Kiều.

...

Ngay cả đến thời cụ Nguyễn Du, Truyện Kiều với 3524 câu đã dùng chữ đã (chỉ quá khứ) 265 lần và đà xuất hiện 35 lần:

𪰛它簪技𤭸淶包𣇞

Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ (câu 70) - đã phải đọc là đà cho hợp vần bằng

韶光𠃩𨔿㐌外𦒹𨑮

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi (câu 40) - đã chữ Nôm là 

...v.v...

Tuy đà (một dạng của đã) không còn thấy dùng nữa trong tiếng Việt, nhưng các cách dùng trên cho thấy thanh ngã đã từng liên hệ với thanh huyền đà hay cùng một âm vực thấp. Để cho dễ nhớ quy tắc hài thanh trầm bổng (huyền-ngã-nặng/ngang-hỏi-sắc - theo âm vực cũ a và b trong mục 2.1.7 bên trên), ta thường ghi nhớ hai câu lục bát sau:

Em huyền mang nặng ngã đau

Anh ngang sắc thuốc hỏi đầu bớt chưa (hay ~ Anh ngang sắc thuốc hỏi đau chỗ/thế nào)

3. Tiếng Việt đến đồng bằng sông Cửu Long 

3.1 Thời VBL ra đời thì ranh giới phía Nam của VN nằm trong khu vực Quy Nhơn - xem bản đồ An Nam của LM de Rhodes bên dưới (năm 1651/1653). Đặc biệt là địa danh Quy Nhơn (de Rhodes ghi là Quinhin - nhơn đọc là nhin theo VBL trang 552 như nhin sâm, nhin đức, nhin danh cha ...), ở ngay cực Nam cùng với các tên Ran Ran, dinh pho an, mà Quy Nhơn vẫn còn là địa danh cho tới ngày nay. Điều này có phải ngẫu nhiên hay không? Ảnh hưởng của Quy Nhơn như thế nào mà còn để lại dấu ấn cho đến hiện tại? Đây là những điểm cần phải tìm hiểu sâu xa hơn từ các góc độ khác nhau như ngôn ngữ, dân tộc học cùng lịch sử hình thành Đàng Trong và Nam Bộ ... Chủ đề này không nằm trong phạm vi bài viết 47A.


[1] Tuy nhiên vẫn chưa tận dụng hoàn toàn tiềm năng của thanh hỏi ngã, như vẫn chưa dùng các dạng cã (so với cả), khã (so với khả), thã, thạ (so với thả) ...v.v... Ngoài ra, tiếng Việt vẫn còn phát triển thanh điệu (td. thanh ngã) liên tục cho đến nay chứ không phải đã hoàn tất vào TK 12 như the học giả Haudricourt trong bài viết “De l’origine de la ton de Vietnamien” Journal Asiatique 242:69-82.

[2] Tự điển Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) có ghi đà (~ jam/L hàm ý đã rồi).





Rất hiếm tài liệu về thanh điệu 'giọng Nam Bộ' vào thời trước, tuy nhiên có một vài tài liệu đáng chú ý – td. tập sách chép tay ghi từ vựng tiếng Đàng Trong - La Tinh “Lexicon Cochin-sinense Latinum” của LM Josepho Maria Morrone - được giao cho trung úy hải quân Mỹ John White (1782-1840) ở Sài Gòn trước khi ông này rời Việt Nam trở về Mỹ năm 1820. Tài liệu này sau đó được xuất bản vào vào năm 1838 bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1760-1844), trong bài viết “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing”, xuất bản bởi The American Philosophical Society (M’Carty and Davis). Cùng xuất hiện với tài liệu này là bảng từ vựng tiếng Đàng Trong - tiếng Pháp (Vocabulaire domestique Cochichinois Francais) chép tay, trong đó LM Morrone có ghi thanh điệu tiếng Việt (Đàng Trong) trang 2 - xem hình chụp bên dưới - để ý tác giả ở cuối trang ghi nơi viết là ở Sài Gòn, ngày 12 tháng 12 năm 1819. Trong tài liệu này thì thanh ngang được ghi bằng nốt la và thanh hỏi cao hơn thanh ngã một nốt nhạc[1], tác giả cũng ghi rõ trong trang 1 là giọng Đàng Trong có 6 thanh a, á, à, ả, ạ, ã.


[1] Có thể LM Morrone đã ghi lại thanh điệu từ một 'ốc đảo thổ ngữ' ở Nam Bộ, td. một làng Công Giáo di cư đến? Không thấy ông ghi chi tiết, nhưng từ tựa đề của tài liệu là Vocabulaire domestique Cochichinois Francois, cũng như nơi soạn tài liệu này là ở Sài Gòn - ta có cơ sở để kết luận các thanh điệu (qua nốt nhạc) là giọng Nam Bộ - dù có thể là từ một 'ốc đảo', nhưng phạm vi ảnh hưởng của 'ốc đảo' này rất lớn, đủ để cho Morrone ghi lại như đại diện cho toàn thể Cochichinois.

 

Trích từ Cochin-Chinese & French vocabulary = Vocabulaire Cochin-Chinois et Français : Catholic Missionary at Saigon in Cochin-China, 1819. : Morrone, Joseph Maria, Rev. : Free Download, Borrow, and Streaming : Internet Archive 

Vào năm 1838, LM Taberd (1794-1840) cũng cho ta thấy các thanh điệu qua nốt nhạc trong phần đầu của tài liệu DICTIONARIUM ANAMITICO-LATINUM in năm 1838. Tài liệu (tự điển Việt - La Tinh, thường gọi là tự điển Taberd) này thật ra là bản cập nhật từ tự điển Việt - La Tinh của LM Pierre Pigneau de Behaine (1741-1799) soạn vào khoảng 1772/1773. Điều đáng chú ý là các tài liệu này phản ánh tiếng Đàng Trong (so với Đàng Ngoài) vì các vị này hoạt động ở miền Nam chứ không phải ở Đông Kinh. Tuy ghi là tiếng An Nam, nhưng thật ra đa phần là tiếng Đàng Trong như một đoạn trích từ tự điển Taberd cho thấy LM ý thức rất rõ phương ngữ các vùng qua cách dùng blả - trả và lời - mlời:

Trích từ trang nomfoundation.org/nom-tools/Taberd-Dictionary?p=fulltext&item=2&view=12&uiLang=en




Thanh điệu tiếng Việt (Đàng Trong) - trích từ nomfoundation.org/nom-tools/Taberd-Dictionary?p=fulltext&item=2&view=10&uiLang=en 

LM Taberd dùng nốt nhạc son cho thanh ngang, so với LM Morrone dùng nốt la cao hơn một bậc. Tuy nhiên, thanh hỏi vẫn cao hơn thanh ngã một bậc dù bắt đầu giống nhau ở cùng nốt son. Có thể xem các thanh điệu Taberd là thanh điệu Morrone giảm một nốt nhạc.

Tóm lại, dựa vào các nốt nhạc của Taberd và Morrone, ta có thể đề kết luận là giọng Nam (Đàng Trong) từng có 6 thanh điệu và có khả năng phân biệt được thanh hỏi và ngã.

Powered by Froala Editor