Viện phương đông

3 năm trước

GS.TSKH Nguyễn Hàm Dương - ông "lái súng" cỡ bự

GS.TSKH Nguyễn Hàm Dương là một trong chuyên gia hàng đầu về "Ngôn ngữ học Thần kinh". Ông sinh năm 1930 tại Nam Định, mất năm 1992 tai Tp Hồ Chí Minh. Để kỷ niệm 18 năm ngày mất của ông, BBT trân trọng giới thiệu chân dung của gs  được trích từ  Hồi thứ nhất trong cuốn "Văn khoa chân dung ký" của nhà văn Hữu Đạt

Powered by Froala Editor

Hồi thứ nhất

Hoàng Xuân Nhị đại phá “nhân văn”.

Nguyễn Hàm Dương qua Thái Lan buôn súng.

II. Giáo sư Nguyễn Hàm Dương –

một ông lái súng cỡ bự..

          Vào năm 1978, một lần tôi đang ngồi đọc sách trong căn phòng giấy dầu mới được phân thì đám trẻ trong xóm nhao nhao chạy lại:

          - Chú ơi, có ông Tây nào đang vào nhà chú đấy!

          Tôi ngạc nhiên và cảm thấy hơi sờ sợ. Thời đó, việc quan hệ với người Tây được qui định rất nghiêm ngặt. Tất cả các cán bộ, nếu tiếp xúc với người Tây phải báo cáo trước với tổ chức và phải có từ hai người trở lên. Vi phạm điều này, coi như bị một cái án vô hình.

Tôi chưa từng quan hệ với một ông Tây nào, cớ sao ông lại đến nhà tôi? Tôi vội vàng gấp sách lại và đi ra cửa. Từ phía đầu hồi tiến lại là một “ông Tây” đội mũ phớt, cao gần thước tám, miệng tươi cười. Thỉnh thoảng ông dừng lại xoa đầu một đứa trẻ khiến cả đám nhao nhao:

-         Ơ hơ, ông Tây nói tiếng Việt giỏi quá!

Đám trẻ bám theo ông Tây đến tận cửa nhà tôi rồi reo to:

-         Chú ơi, ông Tây hỏi nhà chú đấy.

Tôi ngẩng lên thì hoá ra đó là giáo sư Nguyễn Hàm Dương, tổ trưởng bộ môn Ngôn ngữ học. Ông tìm đến tôi vì có chuyện của tổ.

Đó là những năm tôi làm thư ký tổ bộ môn. Thư ký tổ bộ môn và tổ trưởng công đoàn được gọi vui là mõ. Thư ký thì mỗi tháng hai kỳ phải đạp xe (dạo đó không có xe máy) đến từng nhà các thầy để phát lương, phải lo nhận kế hoạch giờ giảng từ khoa ném xuống rồi lên kế hoạch đi báo cho từng thầy. Nghĩa là, đồng thời làm chức năng của anh giáo vụ. Còn tổ trưởng công đoàn thì chuyên lo việc nhận hàng phân phối từ trường, từ khoa xuống phân cho cán bộ sao cho thật công bằng, hợp lý. Hàng hoá thời đó rất thiếu, mỗi đợt phân hàng phải tổ chức nhúp phiếu, phải thảo luận có khi mất nửa ngày trời. Dù tài thánh cũng không thực hiện được cái sự công bằng trong sự phân chia, bởi hàng hoá đã thiếu lại không cùng loại. Mỗt đợt, những thứ quí hiếm phải mất nhiều thời gian để tìm ra giải pháp giải quyết. Tôi nhớ nhất, một đợt phân phối toàn khoa Văn được 5 chiếc áo măng tô, loại hàng bây giờ gọi là hàng “si đa”. Ban chấp hành công đoàn khoa họp với các tổ mất một buổi sáng mới xong cái việc phân bổ. Lúc đầu tổ ngôn ngữ được khoa phân cho một chiếc măng tô tàu tàu, kẻ ca rô. Lý do: vì chiếc này chỉ hợp với người còn trẻ nên các tổ khác chê, sợ nhận về thì phức tạp. Chẳng lẽ lại phân cho cán bộ già. Như thế thì không hợp. Còn phân cho cán bộ trẻ thì tiêu chuẩn định ra là ít nhất phải công tác ở khoa được 15 năm. Xem ra vào cái khung ấy, đưa chiếc áo này về bộ môn ngôn ngữ là hợp hơn cả.

Mọi việc xong xuôi rồi, anh Văn Cảnh nhận áo về bàn với tôi sẽ phân cho Nguyễn Thiện Giáp. Thời điểm đó, trong bộ môn Ngôn ngữ học, ngoài các giáo viên lớn tuổi thì bậc trung niên chỉ có ông là chưa đi Tây lần nào. Tôi thấy anh Văn Cảnh nói cũng hợp lý nên ủng hộ ngay. Nhưng anh Cảnh dặn tôi đừng nói ngay vì phòng khi khoa có sự thay đổi. Lúc đầu vị chủ tịch công đoàn khoa  đặt vấn đề ưu tiên chiếc áo này cho thầy Đỗ Đức Hiểu. Ông là phó chủ nhiệm khoa nhiều năm, cống hiến nhiều, sức khoẻ yếu. Nếu trời rét có chiếc áo này mặc thì sức khỏe sẽ đảm bảo, khoa sẽ được nhờ.

Khi vị chủ tịch công đoàn đặt vấn đề thì thầy Đỗ Đức Hiểu cả cười. ông nói mặc chiếc áo đó trẻ quá không hợp, nên phân phối cho người khác. nhưng không hiểu thế nào, sau khi phân phối, một số “cố vấn” đã thuyết phục ông, hôm sau vào khoa, ông lại đồng ý nhận chiếc áo này. Thế là tổ ngôn ngữ được đổi cho chiếc khác, giá 11000 đồng. Chiếc kẻ ca rô giá những 15000 đồng.

Buổi đầu tiên của tuần sau đó, phó chủ nhiệm Đỗ Đức Hiểu mặc chiếc áo ca rô đó vào chào cờ, cả khoa ai cũng tấm tắc khen đẹp. Ông yên tâm và từ đó mỗi mùa rét đến ông lại mắc chiếc áo này. Còn chiếc áo 11.000 đồng thì có số phận đặc biệt. Đem về, tổ bộ môn không ai nhận lấy vì nó thủng 5 chỗ ở vạt trước. Áo vừa cũ lại vừa xấu. Tổ lại toàn những người đi Tây. Hy vọng giáo sư Giáp lấy, nhưng giáo sư Giáp chê. Anh Văn Cảnh phải nhận vì anh là tổ trưởng.  Lúc đầu anh Cảnh ngần ngừ, vì tuy chiếc áo chỉ có 11.000 đồng nhưng lại bằng một phần sáu tiền lương tháng của cán bộ mới ra trường( lương khởi điểm đại học lúc đó hết tập sự hai năm được 64.00 đồng). Được mọi người động viên, anh đồng ý hưởng “cái đặc ân” này. Nhưng mặc được ba hôm, anh Cảnh đem đến phòng tôi bảo: “Này, thôi ông lấy đi. Nói thật là mình hết tiền rồi. Còn ít đồng lần này phải dem về cho vợ. Cái áo này đại hàn mặc ấm lắm”.

Tôi đành vét túi lấy tiền đưa cho Cảnh. Anh sung sướng ra mặt. Tôi mặc thử, thấy cũng vừa. Tuy nhiên, áo này chỉ mặc vào ban đêm. Ban ngày phải treo vào tủ vì mặc thì những chỗ rách rất lộ. Ban đêm, trong ánh đèn lấp loang, áo màu xanh đen nên trông lại có vẻ mới và đẹp. Chiếc áo này, thỉnh thoảng anh Trần Hinh vẫn sử dụng đi sang Nhạc viện Hà Nội vào buổi tối để chơi với một cô bạn đồng hương. Cô này chơi đàn thập lục rất hay. Lúc đầu tôi cũng cả mừng vì nghĩ là họ sẽ thành đôi uyên ương, mình cũng dự một phần đóng góp. Nhưng về sau họ chia tay nhau, tôi buồn quá, cứ nghĩ không biết vì lý do gì, hay do cô nghệ sĩ này đã phát hiện ra anh mặc chiếc áo thủng năm chỗ mượn của tôi?  Nhưng tôi được một đặc ân. Vì có công lấy chiếc áo, anh Văn Cảnh đã tiến cử tôi làm thư ký tổ và người được giữ lại sau tôi phải làm tổ trưởng công đoàn. Giữa hai ông “mõ” tổ thì anh thư ký dù sao cũng đỡ vất hơn. Anh “mõ” công đoàn thì dính vào nhiều chuyện tỉ mẩn lắm: nào chia thuốc lá, săm xe đạp, nan hoa, xích, líp… nào chia kim, chỉ, khăn mặt, áo may ô, vải phế phẩm, đường, sữa, lõi chăn bông, phanh, phuốc xe đạp, bếp dầu, chậu nhôm…rồi ngày tết phải chia lá dong, miến đao, bánh đa nem, gạo nếp, đậu xanh… phải xắn tay áo chia cá khô, chặt xương lợn gói ra thành từng phần đem đến cho từng người trong tổ, nhất là các thầy già. Như thế, anh thư ký tổ vẫn còn sạch sẽ, tươm tất chán. Thế hệ bây giờ khó tin là có chuyện như thế. Nhưng đó là sự thực. Một sự thực mà thế hệ các bậc thầy đã từng trải qua, phải nêm trải qua nhiều năm tháng, mà lúc nào cũng ca lên bài ca hạnh phúc rất ngọt ngào. Lúc sinh thời,nhìn cảnh chia chác vui vẻ quá, thầy Nguyễn Văn Khoả dạy Văn học Phương Tây đã lảy Kiều thành một câu rất vui:

                                            Bắt cởi trần phải cới trần.

                                   Cho may ô mới được phần may ô.

   Còn trong khoa thì có bài ca dao:

                                             Một yêu anh có may ô

                                    Hai yêu anh có cá khô ăn dần

                                            Ba yêu rửa mặt bằng khăn

                                    Bốn yêu anh có lõi chăn để dành.

                                           Năm yêu xe đạp có phanh

                                     Sáu yêu khói trắng lượn quanh bếp dầu

                                            Bảy yêu anh có chỉ khâu

                                    Tám yêu anh có mái đầu bạch kim.

                                            Chín yêu anh có búa liềm

                                     Mười yêu anh được sống riêng một phòng (*).

          Hôm đó, giáo sư Nguyễn Hàm Dương đến nhà tôi  chỉ có hai việc: Một, ông yêu cầu tôi thông báo gấp kế hoạch giảng dạy cho tất cả các giáo viên. Hai, tiện thể, ông nhận lương luôn cho tôi đỡ phải đạp xe ra nhà. Trong hai việc đó, việc thứ hai đối với tôi là một diễm phúc. Bởi vì, khi Văn Cảnh làm thư ký, ông chưa một lần nào cho Cảnh  cái đặc ân  ấy. Việc cán bộ trẻ đi đưa lương cho các thầy được coi là một thử thách, một sự rèn luyện của cán bộ mới ra trường. Cũng chỉ việc đưa lương mà Cảnh bị kiểm điểm nhiều lần, từ chuyện nọ sang chuyện kia, đến mức “cái sảy nảy cái ung” rồi Cảnh bỏ khoa mà đi.

          Một vài cán bộ trẻ các tổ khác lúc đó hiểu lầm cho việc Văn Cảnh chán khoa ra đi là do giáo sư Nguyễn Hàm Dương. Thực tế không phải như vậy, mặc dù câu chuyện mới nghe lại có vẻ như thế. Số là một lần, vì Văn Cảnh về quê không kịp đưa lương ra nhà cho giáo sư Dương. Hôm sau, ông gởi vào cho Cảnh một bức thư ngắn chỉ có mấy chữ:”Anh Cảnh, anh định để cho tôi chết đói à?”. Bức thư ấy Cảnh cho một số người đọc với sự bực bội ra mặt. Dạo đó, anh có chuyện khúc mắc với một cán bộ cùng khoá, lại gặp cảnh vợ con ở nhà đang túng bấn. Thế là hai, ba ngày anh không ra trình diện tổ trưởng. Thực ra, Nguyễn Hàm Dương cũng chẳng thèm để ý gì vì tính ông vốn nghệ sĩ, kinh tế lại  thuộc loại khá giả. Ông viết cho vui và nhắc nhở vậy thôi. Thế nhưng, một số người trong tổ lại nêu ra kiểm điểm thành ý thức trách nhiệm. Thời bao cấp, cán bộ nhàn rỗi, rất thích  ngồi kiểm điểm nhau. Nếu lâu lâu không được kiểm điểm nhau thì người ta gần như ở trong trạng thái không chịu được, vì thấy cuộc sống cứ thiếu thiếu đi cái gì.  Có những người nghiện kiểm điểm đến mức nếu khoảng một tháng không thấy ai bị nêu ra thì thắc mắc: “ dạo này bộ môn ta hữu khuynh ông ạ…”.

          Từ chuyện không chịu đưa lương, Văn Cảnh bị truy cứu nhiều chuyện 

khác như: Hay trốn về quê thăm vợ, buổi trưa đi lại mạnh trên hành lang làm mất giấc ngủ của người khác…Cảnh ức lắm. Một lần, trong cuộc họp Đoàn thanh niên, Cảnh đứng lên giơ tay tát thẳng vào mặt một cán bộ đồng nghiệp vì nghi anh này “ thọc gậy bánh xe”. Chuyện càng ầm ỹ lên vì năm đó có một sự kiện tày trời: trong một cuộc đại hội ở Thanh Hoá, vị bí thư Đoàn thanh niên đã tát vào mặt Bí thư Tỉnh uỷ ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Văn Cảnh cũng là người Thanh Hoá. Có người bóng gió nói đó là những sự kiện “mang tính chính trị”. Các cuộc họp lại liên tiếp bùng ra. Từ bộ môn đến chi đoàn thanh niên…Văn Cảnh rơi vào tình trạng u buồn. Phần thì cảnh vợ con ở quê khó khăn, phần thì họp hành mãi về những chuyện lằng nhằng ấy. Anh kiên quyết ra đi. Tôi lấy sự chân tình bạn bè mà can ngăn thế nào cũng không được. Chuyện đó rất dài, nay không nói nữa!

          Lại nói về giáo sư Nguyễn Hàm Dương. Ông là con người có chất nghệ sĩ và “rất a ma tơ” nên chẳng bao giờ để ý các chuyện vặt. Văn Cảnh làm đơn xin đi với lý do khó khăn gia đình, ông hạ bút ký ngay. Ông cũng không nhớ cái lá thư ông viết cho Cảnh và càng không biết Cảnh đã “ bị hành” bởi cái sự trời ơi đất hỡi ấy. Quanh sự vô tư của ông có rất nhiều chuyện. Nhưng chuyện tôi nhớ nhất là khi học năm thứ nhất, lúc đầu lớp tôi được bộ môn phân ông làm chủ nhiệm, Ngày 20-11, chúng tôi đến chúc mừng ông thì ông hỏi:

-  Lớp các cậu, ai chủ nhiệm nhỉ?

Một người bạn trong lớp trả lời:

- Chính là thầy ạ.

Ông cười hồn nhiên:

- Thật à? 

Cả bọn đồng thanh:

-         Vâng!

Sau một lát yên lặng, ông cầm lên tay một chiếc đĩa:

-  Nghe nhạc hả? Các cậu thích nhạc gì? Nhạc vàng nhé!

Chúng tôi tròn xoe mắt nhìn nhau. Tuần nào chi đoàn thanh niên không nhắc nhở chuyện cấm nghe nhạc vàng. Vậy mà thầy chủ nhiệm đã không nhắc nhở chuyện đó lại còn “nói giáo cho giặc”. Trả lời sự thắc mắc đó của chúng tôi, bản nhạc”vàng” đã vang lên trong máy với khúc điệu lả lướt. Ông nghe với vẻ chăm chú rồi hỏi:

- Hay không?

 Cả lũ chúng tôi im thít, không một đứa nào dám trả lời. Bản nhạc dứt, có một khoảng trống im lặng đáng sợ. Phá tan sự yên lặng ấy, anh bạn họ Bành trong lớp tôi, người Việt gốc Hoa, khen con gái ông một câu chết người: 

-  Con gái thầy đẹp quá. Giống thầy quá. Giống nhất ở đôi mắt trố.

Chúng tôi chỉ còn muốn lặn xuống đất. Cứ ngỡ giáo sư Nguyễn Hàm Dương sẽ sầm mặt lại mà mắng, nhưng ông chỉ cười hề hề rồi nói:

-  Thế hả!

Ông không hề giận anh chàng họ Bành kia mà sau này biết anh ta bị bệnh thần kinh ông vẫn hỏi: Cậu ta dạo này thế nào?

          Nguyễn Hàm Dương là con người như vậy. Ông sống thoải mái, yêu đời và là một người rất khéo tay. Căn phòng của ông ở gác 2, phố Điện Biên Phủ chỉ cách nhà của thi sĩ Huy Cận, Xuân Diệu có vài nhà, lúc nào cũng giống như một quán nhạc chiều. Phòng tuy hẹp, nhưng được ngăn ra bằng các ống trúc, tiện rất khéo tay. Chỗ uống nươc, chỗ làm việc của ông đều thanh nhã, lịch thiệp với cách bài trí gọn gàng. Dọc trên các bức tường là những bức ảnh phong cảnh thiên nhiên Nga và ảnh nghệ sĩ. Nghe nói, dạo mới từ Liên xô về nước, ông và cô  Oanh yêu nhau chỉ vì ông nhảy van rất giỏi. Cô Oanh khi đó là một trong bốn hoa khôi đệ nhất Hà Thành. Cô con một nhà tư sản cỡ lớn, có biệt thợ số 2 Hàng Khay. Cứ theo thông lệ thì việc thành hôn của hai người không thể được tổ chức “duyệt” bởi ông là đảng viên, cô Oanh là con nhà tư sản.Lấy nhau như thế sẽ ảnh hưởng chính trị. Nhưng ông là loại cán bộ “đặc biệt” nên chi bộ đã họp và ông Tôn Gia Ngân (nguyên phó chủ nhiệm khoa Văn) kiến nghị lên cấp trên duyệt cho ông với lý do: Ông là người có thể cảm hoá được con gái nhà đại tư sản để cô tiến bộ, đi theo con đường vô sản. Thế mới gọi là:

                                         Khen cho con mắt tinh đời

                                  Cuộc tình vang cả đất trời thủ đô

                                          Tự bao giờ đến bây giờ

                                   Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.

          Có được vinh hạnh ấy chính vì ông có một cuộc đời hoạt động cách mạng thật hiển hách. Trong tiểu sử của ông, người ta rất vì nể vì có một thời ông từng là một lái súng cỡ bự , chuyên chuyển vũ khí đạn dược từ đất Thái Lan về phục vụ cho cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ..

          Giáo sư Nguyễn Hàm Dương quê ở Nam Định. Ông thoát ly gia đình rất sớm và tham gia hoạt động cách mạng từ trước 1945. Địa bàn hoạt động của ông là các tỉnh miền Đống Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong nhiều năm, ông rong ruổi        khắp các vùng sông nước mênh mang với biệt hiệu  người lái súng, hoạt động sâu trong vùng địch kiểm soát. Với cương vị là người chỉ huy nhưng phải trá hình, ông hoạt động theo phương thức: “Ban ngày làm em, ban đêm làm anh”. Nói về cái sự hiển hách, như thế chẳng mấy ai bằng.

          Nhưng người ta ấn tượng hơn cả là trong lý lịch của ông có một sự kiện: ông là người đã từng đưa Chủ tịch Hoàng thân Xu va nu vông vượt qua sông Mê công, thoát khỏi cuộc truy kích của giặc Pháp. Nhắc tới tên ông, người ta luôn cảm thấy kinh cẩn như nhắc tới một lão tiền bối trong các phim chưởng. Theo giáo sư Nguyễn Cao Đàm kể lại, thời kỳ giáo sư Dương còn đang học đại học ở Liên xô ( năm 1956 –1962) ông Đàm là người phụ trách khối đồng hương. Một lần đi phép về Hà Nội, ông Đàm gọi điện nhắn cho ông Phan Trọng Tuệ là có quà và thư của Nguyễn Hàm Dương gửi về. Thế là lập tức vợ chồng Phan Trọng Tuệ thân chinh đến gặp Nguyễn Cao Đàm và mời ông tới ăn cơm. Lúc đó, Nguyễn Cao Đàm mới biết, Nguyễn Hàm Dương từng là chiến hữu, là anh em kết nghĩa với tướng Phan Trọng Tuệ, một vị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Phó Thủ tướng Chính phủ sau này.

          Vì có uy danh lớn như vậy nên suốt mấy năm sống và học tập tại Liên xô, Nguyễn Hàm Dương được hưởng một đặc cách mà không mấy ai có. Theo tình hình chính trị lúc đó, các sinh viên Việt Nam không được tiếp xúc thoả mái với các sinh viên nước ngoài. Khi nào tiếp xúc, bắt buộc phải có ba người. Đặc biệt không được đi chơi riêng với nữ sinh Tây. Nhưng riêng Nguyễn Hàm Dương thì luôn phóng túng. Ông vẫn đi chơi với bạn Tây dù chỉ có hai người. Buổi tối có khi về nhà rất muộn, nhưng không một ai dám kiểm điểm.

          Trong khoa Văn trước đây, ông là người đi Tây, sống ở Tây nhiều nhất. Một lần, ở Hà Nội, không may trời trở gió, ông tỏ rất khó chịu, cứ phải lấy ông dầu gió ra để ngửi. Tôi tỏ ý ái ngại cho ông, thì ông lắc đầu

          - Cơ thể mình chỉ thích hợp với khí hậu Tây thôi cậu ạ. Về nước, mình không quen thấy khổ lắm.

Nghe xong câu ấy, Nguyễn Thanh (nay là giấm đốc Sở Văn hoá Thái Bình) cứ nhìn tôi tủm tỉm cười. Khí hậu và đời sống Tây ai mà không thích, không hợp kia chứ?

          Tuy sống ở trong nước không nhiều, nhưng ông lại có mặt vào những thời điểm gian nan nhất. Thời sơ tán ở Đại Từ Thái Nguyên, ông và nhiều nhà giáo trong tổ bộ môn đã lội suối trèo đèo để hướng dẫn sinh viên làm một sông trình nghiên cứu tập thể cỡ lớn: Nghiên cứu ngôn ngữ Tày-Nùng. Sau điểm mốc này, tình hình nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc ít người ở Việt Nam lật sang trang mới. Với những tư liệu quí thu thập được trong các chuyên đi điền dã, tổ Ngôn ngữ học của Khoa Văn Đại học Tỗng hợp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, đã xây dựng xong bản đồ ngôn ngữ Tày-Nùng và dựng lại nó trên một bộ sa bàn rộng hơn chiếc phản. Trong nhiều năm, mỗi khi Kỷ niệm ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nó được lấy ra trưng bày như là một sản phẩm của đường lối: kết hợp nghiên cứu khoa học với phục thực tế. Nó cũng là niềm hãnh diện của tổ bộ môn, được nhắc đi nhắc lại trong hàng trăm cuộc họp. Đến nay vẫn còn dư âm.

          Sau giai đoạn nghiên cứu ngôn ngữ Tày-Nùng, Nguyễn Hàm Dương đi bảo vệ luận án Phó tiến sĩ ở Liên xô (nay là tiến sĩ). Về nước giảng dạy ít lâu, ông trở lại Đại học Lômônôxốp làm thực tập sinh cao cấp rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (nay là tiến sĩ khoa học). Đứng về bằng cấp, ông là tiến sĩ khoa học đầu tiên của ngành Ngữ học Việt Nam và là một trong số những người rất hiếm hoi đạt được học vị như vậy cho tới tận bây giờ trong ngành chuyên môn của mình. Tuy trong nghiên cứu, người ta hầu như không thấy tên tuổi của ông xuất hiện, ngoài một vài bài nghiên về ngữ âm hay chuẩn hoá. Ông cũng là người không hề có sách hay giáo trình. Thế nhưng khi xét phong học hàm giáo sư, người ở trong nước còn phải chạy xuôi chạy ngược, còn ông đang ở nước ngoài mà mọi việc vẫn diễn ra tuần tự như tiến, đủ thấy tầm vóc của ông là như thế nào. Người ta đồn rằng, ông hoạt động nhiều năm, có bạn bè chiến hữu toàn là loại quan chức cỡ bự, đi vắng thì vẫn có người đứng ra lo đủ, chẳng phải bận tâm điều gì. Gần đây, khi Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam làm một cuốn từ điển về các nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học Việt Nam, tiêu chí đưa ra là người được đưa vào từ điển phải có công trình, có sách xuất bản. Nhưng riêng ông, lại là một trường hợp ngoại lệ. Người ta cân nhắc   mãi, cuối cùng vẫn đưa ông vào…

          Nhiều người ví Nguyễn Hàm Dương là nhà chiến lược, giống như  Viện sĩ  Viện Hàn lâm Khoa học Nga B.M. Xônxep. Nhưng Xônxep thì viết khá nhiều, trong đó có cuốn sách nổi tiếng “ Jazưk kak sistemno-struktyrnoe obrazovanie” mà nhiều nhà Ngữ học Việt Nam đã biết. Còn giáo sư Nguyễn Hàm Dương thì hầu như không viết. Tâm lực của ông chủ yếu dành cho việc giảng dạy và điều hành chiến lược phát triển bộ môn. Lúc còn ở Hà Nội, ông trực tiếp giảng dạy môn Ngôn ngữ học thần kinh (aphazi) và môn Ngữ âm học thực nghiệm, ngôn ngữ học tâm lý.. Trong nhiều năm ông hợp tác với Viện 103 và Viện Tai-Mũi-Họng nghiên cứu nguyên nhân và phương pháp khắc phục một số bệnh mất ngôn. Thời ông đi Liên xô, ông đã ngoại giao và xin về cho khoa Văn một số máy móc như đèn chiếu, máy quang phổ…để tiến tới xây dựng Phòng ngữ âm thực nghiệm. Chỉ tiếc là. sau nhiều lần di chuyển toàn bộ số máy móc này đã trở thành những cục sắt gỉ và cái sa bàn –bản đò ngôn ngữ Tày- Nùng cũng biến thành củi mục vì không có ai bảo quản.

          Nhìn vào dáng người to cao, vạm vỡ của ông. ai cũng tưởng ông là người có sức khoẻ vô địch. Thời sơ tán Đại Từ, ông cũng đã từng nổi tiếng là cây rượu bậc nhất của khoa. Ai cũng nhớ, ông có sở trường là rất thích ăn thịt dê và tiết canh dê. Thời ấy, mỗi lần liên hoan tổng kết tổ bộ môn, ông thường đầu trò việc vật dê để làm thịt. Giống dê tuy nhỏ mà khoẻ, lại hôi. Muốn làm thịt ngon, trước khi cắt tiết phải vật nhau với nó làm cho nó vã hết mồ hôi thì thịt mới thơm.Tổ ngôn ngữ có người khoẻ như “tướng Giáp” mà vật dê vẫn không đổ. Nhiều lần ông phải ra tay. Ông là người nấu nướng rất khéo. Khách mời địa phương đến thưởng thức món dê của ông cũng phải cảm phục.

          Sau này đi Tây, sức khoẻ của ông trở nên sa sút vì có nhiều chuyện. Trong đó có chuyện ông ăn quá bổ. Một người cùng đi với ông phải kêu lên:

          - Trời đất ạ, người ta uống sữa tươi hàng ngày đã đủ béo rồi.Ông Dương nhà ta lại còn đun lên, cô sữa như người ta nấu thuốc Bắc, ba hộp chỉ lấy lưng bát để uống. Vậy làm sao không đái tháo đường.

          Khi mới về nước, hầu như chẳng mấy ai biết chuyện này. Tình cờ, một lần cùng đi dạy trên gác 4 nhà Liên hợp ( toà nhà chính của Đại học tự nhiên hiện nay) ông gọi tôi ra:

-  Này cậu, đứng che cho mình một lúc.

Theo lệnh ông, tôi dùng cái lưng khiêm tốn của mình che cho cái bộ phận vĩ đại của ông. Ông tụt quần ra, lấy tiêm, tự chọc vào đùi. Tôi nhìn thấy mà rùng hết cả mình. Xong xuôi, ông cười cười:

- Xong rồi, cám ơn cậu nhé. Bệnh tháo đường thỉnh thoảng cứ phải chơi một phát mới yên.

          Sau khi giải phóng miền Nam một thời gian, ông cùng một số giáo sư trong khoa Văn tình nguyện đi Nam để xây dựng và phát triển khoa Ngữ văn trong Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Vì bệnh đái tháo đường, mới ngoài 60 xuân, ông đã vĩnh biệt đồng nghiệp và các thế hệ học trò để ra đi trong tình tiếc thương vô hạn. Các thế hệ sau, mỗi lần nhắc tới ông là một lần nhắc tới một nhân vật tiền bối. Một người thầy mà trong đó có sự tích hợp nhiều yếu tố. Ông quả là bậc anh hùng. Trong huyết quản ông có chất giang hồ của sông nước Cửu Long, có máu anh hùng lãng tử của “anh Hai” Nam Bộ. có nhà Khoa học được đào tạo theo kiểu Nga-xô, có óc chỉ huy của một vị tướng. Cuộc đời ông tuy không dài lắm, nhưng thật đã “đủ mùi ca ngâm”, chẳng thiếu thứ gì. Bởi thế đời sau mới có thơ rằng:

                                                     Vẫy vùng sông nước Cửu Long

                                        Cứu Hoàng thân thoát qua vòng hiểm nguy.

                                                      Học hàm, học vị ai bì?

                                          Tày- Nùng một thuở mấy kỳ nổi danh

                                                    Ngoài thì công toại danh thành.

                                           Trong thì bảy chữ tám vành kém ai ?(**)



-----------------------------------   

(*) Có tóc bạch kim là đã lớn tuổi, lương cao. Có “mác búa liềm” là đã được vào Đảng, dễ đi nước ngoài. Có phòng riêng: cán bộ được phân riêng một phòng không phải sống chung với người khác.

(**) Bảy chữ là: Đẹp trai, lãng tử, con nhà giàu. 8 vành là: Vợ đẹp, con khôn. Nhà lầu, xe hơi.


 

 

 


 

Powered by Froala Editor