Viện phương đông

9 tháng trước

NHÀ VĂN - HỌA SĨ TRẦN NHƯƠNG Hữu Đạt

Ở tuổi tám mươi, mọi hoạt động của nhà văn chưa ngừng nghỉ. 

Powered by Froala Editor

   

NHÀ VĂN - HỌA SĨ TRẦN NHƯƠNG

    Hữu Đạt

Trong giới nhà văn Việt Nam, có nhiều người vừa là nhà văn vừa là họa sĩ, nhưng người mà tôi gần gũi nhất và có nhiều kỷ niệm nhất trong số đó là nhà văn quê Phú Thọ, ông là nhà văn – họa sĩ Trần Nhương.








Tôi quen ông từ trước những năm 1990 khi ông còn là thiếu tá “Phó” Trưởng phòng Văn nghệ Nxb QĐND (Thực ra, ở Nxb không có chức ấy, tôi gọi thế vì có lần đại tá Đỗ Gia Hựu nói vui với tôi: Đây là “phó” của anh). Thời ấy, do việc xuất bản cuốn tiểu thuyết “Ngọn lửa tình yêu” mà tôi quen với đại tá Đỗ Gia Hựu – trưởng phòng, một “bà đỡ” có duyên giúp cho nhiều nhà văn rồi khôn lớn, trưởng thành; từ đó tôi thành người thân thiết của Phòng Văn nghệ. Cuốn tiểu thuyết của tôi do nữ nhà văn Vũ Thị Hồng biên tập. Vào năm 1987, trước khi đi Nga, tôi được xuất bản một lúc hai bộ tiểu thuyết. Đó cũng là một kỷ lục thời bấy giờ vì thời đó bao cấp, việc xuất bản một cuốn sách gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp chứ không phóng khoáng như bây giờ, cứ có tiền là dễ dàng tin được. Tiểu thuyết “Ngọn lửa tình yêu”  của tôi in ở Nxb Quân đội với tia ra 16 000 bản, có lẽ là giấc mơ vàng so với xuất bản sách hiện nay (thông thường chỉ 1 000 bản). Cuốn thứ hai là tiểu thuyết “Phôn Na ky ry” (Nxb Phụ nữ) với số lượng phát hành tương tự. Cuốn này về sau Nhà văn Dương Duy Ngữ muốn giới thiệu tôi dự giải Văn học Mê Công (vì viết về chiến tranh diệt chủng CPC) nhưng tôi chỉ còn một bản gốc nên ngại đánh máy/photo và không tham gia. Nhưng có lẽ, viết về cuộc chiến tranh diệt chủng thì đây là một cuốn tiểu thuyết viết sâu nhất về số phận con người trong thảm họa Pôn pốt. Còn cuốn “Ngọn lửa tình yêu” của tôi lại có may mắn khác. Thời đó, Liên Xô chưa tan vỡ nên hàng năm có các cuộc trao đổi sách Quân đội, mua theo tiền Nhà nước. Vì thế, khi sang Nga, tôi rất vui thấy nó đã có mặt ở một số hiệu sách và thư viện Matxcơva. Đó là cuốn tiểu thuyết viết về làng du kích kháng chiến Vật Lại, một địa danh nổi tiếng phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội trong chiến tranh chống Pháp.

Sau khi sách xuất bản, Phòng Văn nghệ cho một chuyến xe chở tác giả và các cán bộ Phòng Văn nghệ về thăm quê hương Vật lại để biếu sách, sau đó cả đoàn rẽ về quê tôi chơi ở Phú Cường, một xã nằm bên sông Hồng đối diện thành phố Việt Trì (nay là địa danh đầu cầu Văn Lang nối Hà Nội và tỉnh Phú Thọ). Trong chuyến trở lại Hà Nội, tiện xe, tôi nhờ chở giúp một chiếc tủ đứng mua ở quê về ký túc xá Mễ Trì. Lúc đó, xã hội rất nghèo nàn. Tôi được phân một phòng ở rộng 18 mét vuông, lợp giấy dầu. Vì phòng hẹp nên lúc đưa tủ vào rất khó khăn. Hơn nữa, đúng vào lúc mưa như trút nên các sĩ quan trên xe người nào người nấy đều ướt sũng quần áo, mặc dù ai cũng mặc áo mưa quân đội. Nhìn hình ảnh các sĩ quan hì hục khiêng cái tủ gỗ, tôi lại nhớ đến thời học sinh được chứng kiến các anh bộ đội giúp dân ở quê nhàThật cảm động khi nhìn đại tá Đỗ Gia Hựu, thiếu tá nhà văn Trần Nhương, cùng các sĩ quan (nhà văn Dương Duy Ngữ, nhà văn Vũ Thị Hồng, và đại úy- cán bộ biên tập Lê Huy Hòa), khi cả năm người bước qua những vũng bùn lép nhép trước cửa khu tập thể, đưa bằng được chiếc tủ vào trong nhà giữa lúc trời mưa. Tôi thấy tình “quân – dân” sao mà đẹp thế! Hỉnh ảnh đó lưu mãi trong ký ức của tôi đến tận bây giờ.

Từ đó tôi trở thành cộng tác viên tích cực của Phòng Văn nghê. Có những buổi gặp mặt quan trọng, chẳng hạn như buổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và nói chuyện tôi cũng được mời tham gia và chụp ảnh chung với Đại tướng. Ngoài ra, tôi còn luôn nhận được sự cổ , khuyến khích để tham gia các trại sáng tác của Nxb Quân đội, Nxb Công an cũng như của Hội Nhà văn Việt Nam. Bộ tiểu thuyết hai tập “Các con đại tá” của tôi được rất nhiều bạn đọc hâm mộ cũng được Phòng Văn nghệ Nxb QĐ làm bà đỡ, in năm 1996, do nhà văn Dương Duy Ngữ biên tập, với số lượng phát hành đến 20.000 (hai mươi ngàn) bản. Từ năm đó, dường như nhà văn Trần Nhương và Nhà văn Dương Duy Ngữ và tôi năm nào cũng cùng đi trại sáng tác, cùng với các nhà văn như Xuân Thiều, Nam Hà, Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Tôn Ái Nhân, Tô Đức Chiêu, Đào Thắng, Đình Kính, Nguyễn Đình Chính, Lê Thị Mây, Vũ Thị Hồng ... và các nhà viết kịch nổi tiếng như Tất Đạt, Hoài Giao ... (phía dưới là các bức ảnh của tác giả và các nhà văn ở Trại sáng tác). Các anh lúc nào cũng coi tôi như một người bạn văn gần gũi, tâm giao, ngoài chia sẻ các  chuyện bếp núc văn chương còn chia sẻ không ít những chuyện riêng tư: Chuyện tình yêu thời trẻ, chuyện gia đình, con cái…

Khi từ nước Nga về phép lần thứ nhất, tôi đến thăm gia đình nhà văn Trần Nhương. Anh mới mua được một căn hộ lắp ghép rộng khoảng 40 mét vuông ở Thái Thịnh (còn gọi là Thịnh Quang) - khu Láng Hạ, nằm ngay bên bờ mương. Anh mừng rỡ khi tôi đến. Sau một hồi lâu chuyện trò tôi bỗng nhìn lên bàn thờ nhà anh và giật mình. Vì thân nhau, tôi kéo anh ra nói nhỏ: “Tôi nói câu này bác đừng giật mình nhé. Bàn thờ nhà  bác hình như có vấn đề. Có lẽ ... “hơi động”. Bác nên chuyển hướng và làm cái khác đi để tránh hạn”. Nhà văn Trần Nhương là quân nhân nên dường như tỏ vẻ không tin lắm. Sau lần ấy, khoảng hai năm sau tôi về phép, anh được lên chức Trưởng phòng Văn nghệ với hàm trung tá thay đại tá Đỗ Gia Hựu đã về hưu. Có lẽ vì thế, anh được được Nhà nước phân một căn hộ có hai phòng ở gần cửa hàng gạo, cạnh sân bay Bạch Mai, thuộc làng Khương Thượng, còn đại tá Đỗ Gia Hựu được phân căn hộ mới ở khu Vĩnh Hồ.

Nhà văn Trần Nhương trầm ngâm kể lại với tôi: “Lần ông đi phép, không ngờ nhà tôi gặp hạn nặng thật ông ạ, nhưng may quá được các cụ phù hộ nên thằng Đoàn nhà tôi không chết”. 

Tôi giật cả mình. Cháu Đoàn là con đầu của nhà văn Trần Nhương. Theo nhà văn kể lại, cháu vào quân ngũ và học Trường sĩ quan Hậu cần. Một lần đi chặt cây hộ thầy để chống bão, chẳng may cháu bị một cái cây lớn đổ xuống và đè vào trúng mặt, máu mủ rớt rãi ứa đầy miệng. Rất may lúc đó cháu được bác sĩ Trường hút hết đờm, dãi từ miệng và mũi Đoàn rồi đưa đi cấp cứu. Cháu Đoàn phải nằm điều trị tại Viện 05 ở Sơn Tây mất 6 tháng mới hồi phục.

Khi tôi về nước hẳn, nhà văn Trần Nhương chuyển về làm việc ở Hội Nhà văn. Anh rời khỏi quân đội vì muốn được phóng khoáng đi lại, khỏi phải gò bó thời gian kiểu quân ngũ. Anh được phân công làm việc ở văn phòng Hội, thời nhà văn Hà Phạm Phú làm Chánh văn phòng (Chức này sau chuyển giao cho nhà văn Nguyễn Trí Huân, rồi tiếp theo là nhà văn Tô Đức Chiêu) với chức Phó ban Quỹ Văn học (thay nhà văn Ngọc Trai về nghỉ hưu), rồi chuyển làm công tác xây dựng Nhà bảo tàng Hội Nhà văn. Cũng nhiều việc lắm, nhưng không biết anh có học thêm Tại chức ở Trường ĐH Mỹ thuật hay tự học, nhưng những lần đi dự Trại sáng tác ở Đồ Sơn tôi thấy anh thường đem theo bút vẽ. Có lần, ở Trại sáng tác (khoảng năm 1996-1997) tôi thấy một nhà viết kịch nữ rất trẻ có dáng người cân đối và khả ái vô cùng. Cô ở ngay phía sau phòng tôi, nhưng tôi không dám làm quen. Thế mà anh lại có duyên đến mức, chỉ một bữa cùng ăn cơm chiều, rồi tối qua phòng cô uống trà, anh đã có một bức họa khỏa thân mê ly lắm. Tôi không biết cô có nằm làm mẫu cho anh hay là anh tưởng tượng. Nhưng dù thế nào thì đó là bức tranh khỏa thân thể hiện nét đa tài của nhà văn Trần Nhương. Tôi may mắn được là người đầu tiên xem bức tranh và nỗi ám ảnh về bức tranh ấy khiến tôi tạo dựng ra vị họa sĩ biệt tài có tên Ngô Hải Kế trong tiểu thuyết “Quái nhân” (Nxb Hội Nhà văn, 2013), chỉ khác là, nhà văn họa sĩ Trần Nhương thì đẹp trai con nhân vật của tôi thì răng hơi vổ và bị vợ ly dị vì chính bộ răng này.

Một điểm nổi bật ở nhà văn Trần Nhương là khao khát được cống hiến. Vì thế, khi chuyển sang công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, anh đã lập một website riêng có tên “trannhuong.com”(năm 2006). Đây là một trang web cá nhân nhưng “phổ” của nó rất rộng, bao quát nhiều vấn đề xã hội được giới nhà văn và dân chúng rất quan tâm, trong đó có vấn đề về Bô-xit Tây Nguyên. Trang web của anh được coi là một hiện tượng của giới nhà văn hiện đại, bởi đó là một tờ báo chỉ có mình anh vừa làm phóng viên, vừa làm Tổng biên tập nhưng có sức hút mạnh mẽ với nhiều trang mục đa dạng, được làm rất bài bản theo cách của một nhà báo từng trải với nghề. Trong đó, Trần Nhương vừa khoác vai một phóng viên xông xáo, vừa khoác vai một nhà văn lính, quyết chiến bảo vệ cái đẹp, bảo vệ chân lý, bảo vệ quyền lợi cho dân tộc. Trên tinh thần đó, trang trannhuong.com liên tục xuất hiện các bài phản biện mang tính xã hội mang tinh thần công dân. Mặc dù nhiều bài có tính phê phán quyết liệt, không né tránh, nhưng ngôn từ vẫn giữ đúng chừng mực: Phê phán theo tính xây dựng chứ không nhắm vào đả kích cá nhân. Do đó những tư tưởng của anh đã nhận được sự ủng hộ đông đảo. Cho đến nay, trannhuong.com đã có khoảng 30 triệu lượt người truy cập. Đó là một hiện tượng rất hiếm và có tính nổi bật về vai trò của nhà văn trong các hoạt động xã hội đóng góp xã hội.

Về chuyên môn, trên trang web của anh cũng có nhiều bài viết khá sâu khi bàn luận về văn học, về chân dung một số văn nghệ sĩ hiện đại. Có những số còn trích đăng các sáng tác mới của các nhà văn. Bên cạnh đó, giống như một số tờ báo khác, anh vẫn có những chuyên mục làm thư giãn bạn đọc như mục như “khúc kha khúc khích”. Đây là chuyên mục vui, tếu, mang chất tình đời nên di dỏm, đôi khi hài hước, ỡm ờ một chút, bông lơn một chút. Nó có tác dụng bồi dưỡng thêm đời sống tinh thần phong phú của con người.

Trần Nhương tham gia sáng tác nhiều thể loại. Thơ anh, lúc về già, càng viết càng sâu lắng, nhiều bài đậm đà chất thế sự hoặc nhân sinh theo kiểu “gừng càng già càng cay”. Ở lĩnh vực tiểu thuyết, đến cuốn “KIM CỔ KỲ KOẶC KÝ”, anh đã tạo ra được một bút pháp mới có tính hòa trộn nhiều phong cách, nhưng nổi bật là bút pháp biếm họa. Cái làm người ta, nhất là bạn đọc lớn tuổi, phải day dứt nhiều, đó chính là những lớp nghĩa hàm ẩn anh gửi gấm vào các hình tượng. Đọc sách xong, gấp lại, người ta thấy vang vang đâu đó lời cảnh tỉnh, lời băn khoăn mơ hồ, xa xôi, nhưng lại rất gần, rất sống động. Với tư cách là một chuyên gia giảng dạy về môn phong cách học ở đại học, tôi cho rằng, cuốn sách này mở ra một hướng mới trong nghiên cứu thi pháp, đó là vấn đề thời gian và không gian xã hội học của tiểu thuyết. Nó là tài liệu quí cho nghiên cứu không gian xã hội học trong sáng tác văn học.


         Về năng lực họa sĩ, tôi không dám nêu nhận xét của một nhà chuyên môn, bởi ở lĩnh vực này tôi ít trải nghiệm, nhưng việc anh tổ chức 4 cuộc triển lãm tranh cá nhân thành công là một dấu ấn lớn trong lòng người xem của dân thủ đô. Có lần gặp nhau ở Hội Nhà văn, anh rất mừng nói với tôi là, anh mới bán được mấy bức tranh cho nước ngoài. Tôi cũng mừng lắm khi nhìn thấy người bạn vong niên có những thành tựu mình không ngờ tới. Đến nay, tranh Trần Nhương đã đi vào nhiều bộ sưu tập tranh trong nước và Quốc tế. Đó là cái giá rất cao, bõ công anh lăn lộn bao tháng ngày vất vả để phát hiện ra cái vẻ đẹp của đất trời và con người từ con mắt của nhà họa sĩ kiêm thi sĩ. Tôi đặc biệt đánh giá cao các bức tranh vẽ hoa và vẽ phong cảnh mùa thu của anh. Nó gợi cho người xem cái vẻ đẹp Á Đông khá quyến rũ. Chính vì thế, đây cũng là những bức tranh tô thắm thêm truyền thống văn hóa Việt Nam và phương Đông.









Ở tuổi tám mươi, mọi hoạt động của nhà văn chưa ngừng nghỉ. Sau khi về hưu, anh chuyển sang làm việc cho báo Người Cao tuổi. Đến tận bây giờ anh vẫn là nhà báo “trẻ trung” cả trong bút lực và khả năng tiếp cận xã hội.



 

     

Powered by Froala Editor