Viện phương đông

13 ngày trước

Bàn về văn hóa sinh thái văn chương PGS.TS Trần Lê Bảo ĐHSPHN

  Lâu nay những nhà lý luận văn học tập trung nghiên cứu những vấn đề của nội  bộ văn chương như nội dung và hình thức, ký hiệu, cấu trúc… trong tác phẩm văn chương. mà quên rằng con người còn cần sự cân bằng về cả vật chất và tinh thần, cả những giá trị truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế…

Powered by Froala Editor

                                              Bàn về văn hóa sinh thái văn chương

                                                                PGS.TS Trần Lê Bảo ĐHSPHN

 

1. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin, đã gợi mở cách tiếp cận liên kết nhiều ngành khoa học khác nhau, đặc biệt trong khoa học xã hội và nhân văn. Được sự gợi ý của văn hóa sinh thái, một ngành khoa học lâu nay quan tâm đến mối quan hệ tương tác của mọi sinh thể trong đó có con người và xã hội loài người với môi trường sống, các nhà khoa học văn chương đã hướng sang nghiên cứu mối quan hệ của văn chương với môi trường sống. 

       Lâu nay những nhà lý luận văn học tập trung nghiên cứu những vấn đề của nội  bộ văn chương như nội dung và hình thức, ký hiệu, cấu trúc… trong tác phẩm văn chương. mà quên rằng con người còn cần sự cân bằng về cả vật chất và tinh thần, cả những giá trị truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế… Nhiều vấn đề của văn học với văn hóa sinh thái còn bị xem nhẹ hoặc bị bỏ qua. 

        Từ thập niên 70 thế kỷ XX trở lại đây, các nhà khoa học văn chương đã quan tâm tới mối quan hệ rộng lớn hơn của văn chương với văn hóa, của khoa học văn chương với vấn đề văn hóa sinh thái. Bởi văn chương là sản phẩm tinh thần của con người và xã hội loài người. Nhưng con người và xã hội loài người lại là sự phát triển cao của môi trường tự nhiên. Muốn hay không con người và xã hội loài người cũng không thể tách khỏi môi trường sống, hệ sinh thái của chính mình. 

2. Từ sinh thái học tự nhiên đến sinh thái học xã hội (sinh thái học nhân văn) 

2.1 Sinh thái học tự nhiên

a. Khái niệm sinh thái hay môi trường sống thường được hiểu ở ba cấp độ: Một là môi trường được hiểu là toàn bộ thế giới vật chất với tất cả sự đa dạng muôn vẻ, luôn vận động và biến đổi và tồn tại khách quan, hay còn được gọi là thế giới khách quan – giới tự nhiên. Đó là môi trường trái đất, hay môi trường toàn cầu. Hai là môi trường được hiểu là môi trường sống – phần thế giới vật chất đã và đang tồn tại sự sống. Môi trường này được gọi là sinh quyển – ngôi nhà chung của mọi sinh vật trên trái đất, kể cả con người và xã hội loài người. Môi trường sống còn được gọi là môi trường sinh thái tự nhiên. Ba là môi trường còn được hiểu là môi trường sống của con người và xã hội loài người, bao gồm sinh quyển và xã hội loài người, còn được gọi là môi trường sinh thái nhân văn. 

b. Định nghĩa chung nhất về Sinh thái học là khoa học nghiên cứu mối quan hệ qua lại và sự tác động lẫn nhau giữa cơ thể sống với môi trường xung quanh nó, hay nói một cách bao quát và chính xác hơn là mối quan hệ qua lại và sự tác động lẫn nhau giữa các hệ thống vật chất sống ở cấp độ cơ thể và trên cơ thể với môi trường sống. (xin xem Văn hóa sinh thái nhân văn – Trần Lê Bảo chủ biên nxb Văn hóa Thông tin 2001 trang 11-12)

          Con người và xã hội là những hệ thống vật chất sống, tồn tại trong sinh quyển với tư cách là những cơ thể hoàn chỉnh. Từ đó hoàn toàn có thể đưa ra một định nghĩa về sinh thái học, đó là khoa học nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa xã hội loài người và sinh quyển. Điều này có nghĩa là sinh thái học đã tiến từ nghiên cứu mối quan hệ giữa “cơ thể với môi trường” sang nghiên cứu mối quan hệ “con người với tự nhiên”, “xã hội với sinh quyển”. Sinh thái học đến đây đã mở rộng lĩnh vực nghiên cứu ra ngoài môn sinh vật học thuần túy đến những lĩnh vực của cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như: nhân học, văn hóa, triết học, văn học nghệ thuật… 

2.2 Sinh thái học – xã hội hay Sinh thái học - nhân văn là khoa học nghiên cứu mối quan hệ qua lại và sự tác động lẫn nhau giữa xã hội và tự nhiên, những quy luật hoạt động của sinh quyển và sự vận dụng một cách có ý thức những quy luật sinh thái học đó vào hoạt động thực tiễn nhằm đảm bảo những những điều kiện cần thiết cho sự phát triển bền vững của xã hội và tự nhiên. Sinh thái học - nhân văn nằm trên điểm giáp ranh giữa các khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội. Bản chất của nó nằm ngay trong lĩnh vực tác động qua lại giữa xã hội và tự nhiên, giữa con người và sinh quyển. 

       Cơ sở khoa học tự nhiên của sinh thái học - nhân văn là nghiên cứu những quy luật sinh thái học, cấu trúc, chức năng, cơ chế hoạt động của sinh quyển. Đó là những quy luật thể hiện tính trật tự, tính tự điều chỉnh, tự tổ chức, tự bảo vệ tự làm sạch của chu trình trao đổi chất, năng lượng, thông tin của sinh quyển, trong sự thống nhất và gắn bó với chu trình sinh học của tự nhiên.

       Cơ sở khoa học xã hội của sinh thái học - nhân văn là những tri thức của con người về các hiện tượng xã hội và những quy luật phát triển của chúng có liên quan đến mối quan hệ giữa con người và tự nhiên như các cách tổ chức, quản lý, khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên… nhằm bảo vệ môi trường sống cho xã hội.

       Khía cạnh khoa học kỹ thuật của sinh thái học – nhân văn là nghiên cứu sự tác động của kỹ thuật – công nghệ lên môi trường sống cả mặt tích cực cũng như tiêu cực, để tìm ra những biện pháp tối ưu trong việc sử dụng kỹ thuật - công nghệ, nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu đối với môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của cả môi trường tự nhiên và xã hội.  

        Từ những năm 70 của thế kỷ XX, khi nhân loại thức nhận ra môi trường sinh thái của toàn cầu bị khủng hoảng, Những nội dung trên cũng chính là những vấn đề cấp bách đang được đặt ra cho nhân loại. Cần xử lý hài hòa mối quan hệ qua lại và sự tác động lẫn nhau giữa con người, xã hội và tự nhiên vì sự phát triển bền vững cho hành tinh này được đặt ra.

        Vào đầu thập niên những năm 1980, Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (IUCN) đã đề xuất khái niệm phát triển bền vững (PTBV). Đến năm 1987, khái niệm này đã được Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) do Gro Harlem Brundtland định nghĩa trong bản báo cáo mang tựa đề là “Tương lai chung của chúng ta”: “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại nhưng không tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu của chính họ.” 

          Sau đó Liên Hiệp Quốc đã triệu tập các hội nghị quan trọng như: Hội nghị Rio de Janeiro gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất (năm 1992), hội nghị tại Johannesburg 2002 với tên gọi là “Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững”... tạo ra sự đồng thuận của các nước thành viên trước sự khủng hoảng môi trường toàn cầu, nhằm giải quyết hài hòa giữa sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống. 

            Từ đó nghiên cứu v nhân văn, các nhà khoa học đã quan tâm nghiên cứu về văn hóa sinh thái: kinh tế học sinh thái, chính trị học sinh thái,  nhân loại học sinh thái, văn hóa học sinh thái, mĩ học sinh thái, nghệ thuật học sinh thái, văn học sinh thái… và sinh thái trở thành một quan điểm, một thế giới quan mới để người ta nhìn nhận mọi vấn đề liên quan đến con người.  

           Như vậy việc nghiên cứu sinh thái văn chương ra đời cũng là hợp quy luật tinh thần thời đại và việc đổi mới lý luận phê bình văn chương. 

3. Sinh thái học văn chương 

3.1 Nghiên cứu sinh thái văn chương, đã từng được các học giả phương Tây và Trung Quốc nói đến, tuy nhiên điều này còn mới ở Việt Nam. Về quan điểm phê bình sinh thái có thể thấy có ba quan điểm tiêu biểu như sau:

a. Ở nhiều nước phương Tây hiện nay tập trung vào vấn đề dùng tư tưởng sinh thái để đánh giá văn học trong việc thể hiện vấn đề sinh thái, khẳng định vài trò của tự nhiên, xét lại quan điểm con người là trung tâm từ thời Khai sáng. 

b. Quan niệm “lấy tư tưởng quả đất làm trung tâm để phê bình văn học”, chủ yếu “nghiên cứu mối quan hệ của con người và môi trường vật chất xung quanh” như quan niệm của nhà phê bình sinh thái Mĩ Cheryll Glotfelty trong sách Văn bản phê bình sinh thái (1996), đã nêu ra: “Phê bình sinh thái nghiên cứu mối quan hệ con người và môi trường vật chất xung quanh. Cũng giống như phê bình nữ quyền từ góc độ giới tính mà phê bình ngôn ngữ và văn học. Phê bình Mác xít đem phương thức sản xuất và tự giác giai cấp làm nguyên tắc đọc hiểu văn bản, thì phê bình sinh thái lấy tư tưởng quả đất làm trung tâm để phê bình văn học.” (Dẫn theo Vương Nhạc Xuyên[3]). Đây là cách quan niệm của một số nhà phê bình sinh thái văn học Mỹ và Trung Quốc.

c. Quan niệm vận dụng tư tưởng sinh thái để xem xét quan hệ giữa văn học và môi trường, văn hóa tinh thần xã hội như một vấn đề sinh thái, xem đời sống tinh thần xã hội là bối cảnh của sáng tạo văn học, không tập trung vào quan hệ con người và tự nhiên, như ở quan niệm thứ hai.    

       Quan điểm này đã được đề xuất trong sách của hai tác giả Mĩ P. K. Bock Văn hóa đa nguyên và tiến bộ xã hội (nxb Nhân Dân Liêu Ninh dịch in 1988), F. Plog và Bates Diễn tiến văn hóa và hành vi của nhân loại (nxb. Nhân dân Liêu ninh, 1988), tác giả Nhất Mai Trác Trung Phu Sinh thái sử quan về văn minh (Thượng Hải, nxb Tam Liên, 1988), Nghiên cứu sinh thái học văn học – hài kịch của sinh tồn của tác giả Joseph W. Meeker, 1972. Ở đây văn nghệ được xem như một sinh thể, các yếu tố của môi trường văn hóa tinh thần có tác dụng nuôi dưỡng, tác động đến văn nghệ gọi là môi trường sinh thái văn nghệ. Con người là động vật văn hóa, vì có sự tương tác của ba cơ chế thích nghi sinh thái học: 1. cơ chế động lực tự duy trì sinh tồn của bản thân con người; 2. con người đòi hỏi một xã hội có giá trị sinh tồn cho nó; 3. con người thúc đẩy sự nhận thức các hiện tượng có quy luật của thế giới. Ba cơ chế này có giá trị phổ quát để giải thích sự ra đời của văn hóa, và đó cũng là mấu chốt của tính phổ biến của văn hóa và văn học nghệ thuật nói chung. (Dẫn theo Trần Đình Sử Phê bình sinh thái tinh thần trong nghiên cứu văn học hiện nay)

3.2 Theo chúng tôi quan niệm, nghiên cứu sinh thái văn chương phải quan tâm cả môi trường sinh thái vật chất và môi trường sinh thái tinh thân, môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường sinh thái xã hội. Các yếu tố này đều nên được coi trong như nhau. Sở dĩ có quan niệm này vì những lý do sau đây.

a. Trước hết về quan niệm sinh thái văn chương phải được nhìn từ bản thân khái niệm môi trường sinh thái. Môi trường sinh thái chính là môi trường sống của mọi sinh thể, loài người cũng là một sinh thể cho dù phát triển cao, cũng không thể nào thoát ly được môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường sinh thái xã hội.

b. Về cơ sở triết học, quan niệm của chủ nghĩa Mác về văn hóa sinh thái có nêu ra ba vấn đề:

* Một là tính thống nhất vật chất của thê giới, “Tự nhiên vốn dĩ là vật chất; con người là sản phẩm trực tiếp và cao nhất của tự nhiên; xã hội là bộ phận đặc thù của tự nhiên, được tách ra hợp quy luật trong quá trình tiến hóa lâu dài và phức tạp của tự nhiên, và xã hội còn là sản phẩm của sự tác động lẫn nhau giữa người với người.” (C.Mác) (xin xem Văn hóa sinh thái nhân văn – Trần Lê Bảo chủ biên nxb ĐHSP 2005 tr 35). Hai là nguyên lý về sự phụ thuộc và quy định lẫn nhau giữa mối quan hệ con người với tự nhiên và con người với con người trong quá trình lịch sử tự nhiên. Mác đã nhận định trong “Hệ tư tưởng Đức”: “những quan hệ nhất định đối với tự nhiên, là do hình thái xã hội quyết định và ngược lại” (Sách đã dẫn tr 36) 

* Ba là quan niệm về vai trò chủ thể tích cực của con người trong việc điều khiển mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Mác và Ph.Ăngghen cũng khẳng định: “Giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người… Sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người liên hệ khăng khít với tự nhiên, điều đó chẳng qua chỉ có nghĩa là tự nhiên liên hệ khăng khít với bản thân tự nhiên, vì con người là bộ phận của tự nhiên” (Sách đã dẫn tr38). Tuy nhiên con người là sự phát triển cao của tự nhiên với khối óc biết tư duy và đôi tay lao động sáng tạo đã tác động trở lại tự nhiên theo mục đích của mình, sáng tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần phục vụ nhu cầu sống ngày càng cao của xã hội. Chính vì vai trò chủ thể tích cực và khát vọng nâng cao đời sống mà con người và xã hội đã nhiều lần vi phạm nguyên lý phụ thuộc và quy định lẫn nhau của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và nhất định “tự nhiên sẽ lạnh lùng trả thù con người”. Vai trò chủ thể tích cực của con người trong việc điều khiển mối quan hệ giữa con người và tự nhiên chính là: “Chúng ta nhận thức được quy luật của tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác” (Ph.Ăngghen) (Sách đã dẫn tr 41)

c. Sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội

           Bản chất của vấn đề văn hóa sinh thái là mối quan hệ giữa Tự nhiên – Con người - Xã hội. Với tư cách là một thực thể tự nhiên – xã hội, con người cần được xem xét trong tương quan với hai loại môi trường sinh thái là sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội. Vì vậy nghiên cứu sinh thái văn chương không thể không xem xét mối quan hệ “tay ba” này. Tức là xem xét văn học phản ảnh mối quan hệ của con người với môi trường sinh thái tự nhiên và mối quan hệ của con người đối với môi trường sinh thái xã hội.

d. Sinh thái vật chất và sinh thái tinh thần 

        Nói đến văn chương, trước hết phải nói đến nhà văn, bạn đọc, những con người cụ thể của một gia đình, một thời đại, một cộng đồng xã hội, họ trước hết phải sinh sống, tồn tại như một thực thể sinh học – xã hội. Họ cũng phải ăn, mặc ở, hít thở không khí trong lành… tóm lại là không thể thoát ly môi trường sinh thái vật chất, như có nhà thơ đã từng nói “cơm áo đâu đùa với khách thơ”; họ cũng phải tiếp nhận những tri thức, những mô thức ứng xử của cộng đồng, những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng mình và của nhân loại, họ cũng có những ước mơ, khát vọng sống cao đẹp mang tính nhân văn… đó là môi trường sinh thái tinh thần của cộng đồng và thời đại, để rồi mã hóa nó trong tác phẩm, đứa con tinh thần của mình gửi đến bạn đọc. Bạn đọc cũng là những thực thể sinh học – xã hội họ cũng chịu tác động của cả sinh thái vật chất và sinh thái tinh thần ở những thời đại khác nhau, để có thể tiếp nhận và giải mã tác phẩm văn chương. Họ không chỉ cần đời sống vật chất ăn mặc ở, đi lại, mà còn cần cả đời sống tinh thần với tư tưởng thẩm mỹ của thời đại, những định hướng về chính trị, những giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng… tất cả tạo thành môi trường sinh thái vật chất và sinh thái tinh thần bao quanh họ, quy định sự tiếp nhận văn chương của họ.

         Vì vậy nghiên cứu phê bình sinh thái văn chương cần quan tâm cả về sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội, sinh thái vật chất và sinh thái tinh thần, cũng như mối quan hệ giữa các loại sinh thái này. Thật ra sự chia tách các loại sinh thái vật chất và sinh thái tinh thần để nghiên cứu văn chương nói riêng và văn hóa nói chung chỉ có tính tương đối, mà cả hai loại này có quan hệ tương tác với nhau và có thể chuyển hóa lẫn nhau.       

4. Phương pháp nghiên cứu văn chương trong tương tác với môi trường sinh thái 

          Phê bình sinh thái văn chương đòi hỏi phải xem văn chương trong mối quan hệ gắn bó với sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội, sinh thái vật chất và sinh thái tinh thần. Những mối quan hệ sinh thái này đã là cội nguồn nuôi dưỡng mọi sáng tạo của văn chương, đồng thời văn chương cũng tác động trở lại môi trường sinh thái sinh ra nó. 

         Phương pháp nghiên cứu chủ yếu của phê bình sinh thái văn chương là phương pháp nghiên cứu liên ngành, trước hết là liên ngành của ba ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật; phương pháp nghiên cứu văn hóa, phương pháp nghiên cứu hệ thống, phương pháp nghiên cứu xã hội học… 

5. Nghiên cứu sinh thái văn chương trong tương quan giữa sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội. 

5.1 Vai trò của Tự nhiên hay sinh thái tự nhiên đối với con người và xã hội

        Sinh thái tự nhiên là  toàn bộ thế giới vật chất với tất cả sự đa dạng muôn vẻ, luôn vận động và biến đổi và tồn tại khách quan, hay còn được gọi là thế giới khách quan – giới tự nhiên. Đó là môi trường trái đất, hay môi trường toàn cầu.

      Từ góc độ chức năng, trước hết tự nhiên đã đem lại không gian sống, không gian sinh hoạt cho con người. Tiếp đến tự nhiên là nguồn sống của con người, trước hết nhờ tác động vào tự nhiên con người mới có thể đảm bảo đời sống vật chất ăn, mặc, ở, đi lại. Thứ ba, tự nhiên là “thùng rác khổng lồ” tiếp nhận những chất thải sinh hoạt và chất thải sản xuất của con người và xã hội. Rõ ràng con người không thể tách khỏi sinh thái tự nhiên, nguồn sống của chính mình và tự nhiên ở đây trong tính hiện thực của nó, trước hết phải là sinh thái vật chất. 

       Từ góc độ lịch sử, bằng trí tuệ và đôi tay lao động sáng tạo, con người dần giảm bớt sự lệ thuộc vào thế giới tự nhiên. Ba trăm của chủ nghĩa tư bản đã minh chứng cho việc con người tác động mạnh mẽ vào môi trường sinh thái để có cuộc sống văn minh hơn. Nhưng cũng là lúc thiên nhiên lạnh lùng trả thù con người. Con người thức nhận ra: không thể phát triển bằng bất cứ giá nào, kể cả sự hủy hoại môi trường sống của chính mình. 

         Sinh thái tự nhiên ở đây trước hết phải là những núi sông, cây cỏ hoa lá, sơn cầm điểu thú, đất đai thảo nguyên… ở trong tự nhiên. Tự nhiên ở đây còn phải kể tới tự nhiên thứ hai do con người sáng tạo ra, như ruộng đồng, ao đầm, cây trái, đình chùa miếu mạo… Vì vậy mới có định nghĩa: văn hóa là tự nhiên thứ hai do con người sáng tạo ra, ngoài tự nhiên thứ nhất.

5.2  Tuy nhiên tự nhiên cũng không còn là tự nhiên khi có con người và xã hội “can thiệp” vào. Sự can thiệp này bằng cả những biện pháp vật chất và tinh thần.

       Tự nhiên là khách thể đối với con người là chủ thể. Núi sông hùng vĩ, hoa cỏ tươi đẹp chỉ trở thành đối tượng thẩm mỹ khi con người phát hiện ra vẻ đẹp của nó, thậm chí phú cho tự nhiên một linh hồn bằng cách đặt ra những huyền thoại về nó như một Hạ Long hay động Hương Tích.

       Nếu văn chương chỉ quan tâm tới sinh thái tinh thần như: triết học, tín ngưỡng, tôn giáo… mà quên đi, hoặc không bàn tới tự nhiên thì khó có thể tưởng tượng cội nguồn của sinh thái tinh thần sẽ thiếu sức sống tới mức nào. Đó là mối quan hệ cơ bản giữa Tự nhiên – Con người – Xã hội.

       Tự nhiên trước hết là nguồn sống của con người. Biết bao tác phẩm văn chương viết về mối quan hệ của con người với tự nhiên vì sự sống của cả hai bên. Những “Ông già và biển cả” của Heminhue,  Hoài niệm sói của Giả Bình Ao, Tôtem Sói của Khương Nhung… là những tác phẩm xuất sắc viết về cuộc đấu tranh khốc liệt giữa con người và tự nhiên đều cùng vì sự sống. Đó là cuộc xung đột của con người đối với thế giới tự nhiên. Nếu như trong“Ông già và biển cả” môi trường sống là biển cả chủ thể của biển là cá mập, thì trong Hoài niệm sói hay Tôtem Sói môi trường sống lại là núi rừng và thảo nguyên, chủ thể của núi rừng hay thảo nguyên lại là sói. Trong những môi trường sinh thái biển cả núi rừng hay thảo nguyên luôn diễn ra cuộc chiến sinh tử giữa con người và muôn loài theo kiểu mạnh được yếu thua. Đó là cuộc đối đầu trước hết về sinh thái vật chất. Tuy nhiên bên cạnh đó còn là cuộc đối đầu về sinh thái tinh thần. Trước hết các loài vật như cá mập, chó sói trong những tác phẩm trên cũng được nhân hóa, cũng có trí khôn, biết hợp sức để chiến đấu như đàn sói trong Tôem Sói biết cả chiến thuật tấn công, biết hợp sức bầy đàn, biết làm cho môi trường thảo nguyên “cân bằng sinh thái”, thậm chí Sói trở thành biểu tượng sức mạnh của thảo nguyên, thành thần linh tôn thờ của cư dân thảo nguyên, trở thành “văn hóa sói tính” đối lập với “văn hóa cừu tính”… Nhưng trên hết vẫn là lời cảnh tỉnh của nhà văn Khương Nhung đối với việc phá hoại môi trường sống của muôn loài trên thảo nguyên khi đô thị hóa diễn ra tràn lan ở nơi đây. Rõ ràng sinh thái vật chất và sinh thái tinh thần, sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội luôn gắn bó mật thiết với nhau.

       Nếu chỉ quan tâm tới sinh thái tinh thần mà quên đi sinh  thái vật chất, thì không thể lý giải được tư duy thơ phương Đông. Nếu chỉ có triết học, mỹ học, tôn giáo mà không có sinh thái tự nhiên thì sẽ khó có tư duy thơ Đường. Đã có ý kiến cho rằng: “Thi thành thảo thụ giai thiên cổ” Bài thơ làm xong, cây cỏ đều sống mãi. Cái gọi là sinh thái tự nhiên đã được sinh thái tinh thần thi hóa mà trở nên bất tử. Trong tư duy nghệ thuật thơ Đường, nhiều mối quan hệ được dựng lên, nhưng mối quan hệ tình và cảnh được coi là mối quan hệ cơ bản, tiêu biểu. Cảm xúc tình cảm trữ phát trong tâm nhà thơ chỉ có thể bộc lộ qua hình ảnh cảnh vật tự nhiên bên ngoài. Cảnh vật tự nhiên ở đây đã mang cảm quan của tác giả, từ những cây cối, tiếng chim hót, làn gió thổi, tất cả không chỉ miêu tả mùa vụ năm tháng mà còn mang tậm trạng con người. Thi hào Nguyễn Du từng nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” cũng chính là đề cập đến quan hệ tình và cảnh, quan hệ sinh thái vật chất và sinh thái tinh thần.

       Huống chi có những đề tài thơ nếu không có sinh thái vật chất, sinh thái tự nhiên sẽ khó mà ra đời được. Những vần thơ điền viên, sơn thủy, xem ra chỉ miêu tả tự nhiên. Một loại là miêu tả tự nhiên sơn thủy, một bên là miêu tả tự nhiên thứ hai do con người sáng tạo ra. Cả hai loại đề tài nầy đều có vẻ đẹp của tự nhiên. Thơ sơn thủy nặng về miêu tả vẻ đẹp hùng tráng, kỳ vĩ của cảnh đẹp núi sông. Thơ điền viên lại nặng về miêu tả cảnh đẹp hồn hậu ấm áp tình người nơi thôn dã. Nhưng thơ điền viên ngoài vẻ đẹp đồng quê, còn là nơi tìm lại tự do tự tại của nhà thơ khi quan trường đầy hiểm ác. Đấy là chưa nói tới những bài thơ Thiền, các nhà thơ dùng thơ nói thiền. Triết lý thiền sâu kín, nhiều chỗ tăm tối như công án thiền. Vì vậy các nhà thơ phải dùng cảnh để mã hóa tư tưởng thiền. Nếu không hiểu biết những “mã tự nhiên” được khái quát hóa thành biểu tượng, thì thơ thiền đời Đường hay thơ Haiiku Nhật Bản chắc khó có thể thực hiện được những bài thơ mang phong cách thiền.  

            Tóm lại, nghiên cứu sinh thái văn chương là một vấn đề mới và lý thú của phê bình văn học hiện nay. Những vấn đề được nêu ra có những tranh luận cũng là tất nhiên, khi có những quan niệm khác nhau về việc vận dụng lý luận sinh thái vào nghiên cứu văn chương. Nghiên cứu sinh thái văn chương cần có cái nhìn toàn diện và tổng thể cả về sinh thái tự nhiên, sinh thái xã hội, lẫn sinh thái vật chất và sinh thái tinh thần. Đó là những yếu tố quan trọng trong quá trình nghiên cứu sinh thái văn chương. Phương pháp nghiên cứu sinh thái văn chương có nhiều nhưng đầu tiên phải kể tới là nghiên cứu liên ngành.      

Tài liệu tham khảo chính

1. Trần Lê Bảo (chủ biên) Nguyễn Xuân Kính, Vũ Minh Tâm, Phạm Thị Ngọc Trầm Văn hóa sinh thái nhân văn, nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 2001. 

2. Trần Lê Bảo (chủ biên), Hoàng Văn Chúc, Vũ Minh Tâm, Phạm Thị Ngọc Trầm, Văn hóa sinh thái nhân văn, (có bổ sung) nxb ĐHSP. Hà Nội 2005. 

3. Lưu Đức Hải và Nguyễn Ngọc Sinh, Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững, nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2001.

4. Hồ Chí Hồng. Nghiên cứu phê bình sinh thái phương Tây, nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh, 2006.

5. Vũ Quang Mạnh Môi trường và con người – sinh thái học nhân văn  nxb ĐHSP. 2011. 

6. Lỗ Khu Nguyên. Không gian phê bình sinh thái, ĐHSP Hoa Đông xb, 2006.

7. Phạm Thị Oanh: “Mối quan hệ con người - tự nhiên và phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay”, nxb Chính trị Quốc gia, 2013. 

8. Trần Đình Sử Phê bình sinh thái tinh thần trong nghiên cứu văn học hiện nay.

9. Nguyễn Quang Thái, Ngô Thắng Lợi: “Phát triển bền vững ở Việt Nam: Thành tựu và cơ hội thách thức và triển vọng”, nxb Lao động Xã hội, 2007.

Phụ lục

         Thuật ngữ sinh thái học được nhà sinh vật học người Đức E.Hecken nêu ra trong công trình “Hình thái học toàn thể của cơ thể” công bố năm 1866. Năm 1935 sinh thái học hình thành tại các nước Anh, Mĩ nằm trong khoa sinh học[1] Ở phương Đông, các nhà nghiên cứu Trung Quốc sau thời kỳ cải cách mở cửa, có dịp tiếp cận với nhiều tri thức phương Tây, vào thập niên dầu của thế kỷ XXI họ bắt đầu nghiên cứu về môi trường sinh thái và văn chương, tiêu biểu như Lỗ Khu Nguyên (Không gian phê bình sinh thái, Đại học sư phạm Hoa Đông xuất bản, 2006), Hồ Chí Hồng (Nghiên cứu phê bình sinh thái phương Tây, nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh, 2006). Vương Nhạc Xuyên (Văn học sinh thái và phê bình văn học sinh thái. Học báo Đại học Bắc Kinh, số 2, năm 2009). Ở Việt Nam đã có cuốn Văn hóa sinh thái nhân văn của nhóm tác giả: Trần Lê Bảo chủ biên, Nguyễn Xuân Kính, Vũ Minh Tâm, Phạm Thị Ngọc Trầm, nxb Văn hóa - Thông tin, 2001. Năm 2005 cuốn Văn hóa sinh thái nhân văn của nhóm tác giả: Trần Lê Bảo chủ biên, Hoàng Văn Chúc, Vũ Minh Tâm, Phạm Thị Ngọc Trầm được chỉnh sửa để phục vụ cho việc giảng dạy Môi trường ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (nxb ĐHSP). Năm 2011 có cuốn Môi trường và con người – sinh thái học nhân văn của Vũ Quang Mạnh (nxb ĐHSP). Cho tới nay hơn 100 năm sau, ý nghĩa của ngành khoa học sinh thái đã vượt khỏi phạm vi bản thân sinh học, đối tượng nghiên cứu cũng được mở rộng, phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu cũng được hoàn thiện và hiện đại hóa một cách đáng kể.

 

 

 

Powered by Froala Editor