Viện phương đông

4 tháng trước

Dự trắc học và Nguyên lý Tam tài PGS.TS Trần Lê Bảo

Con người ở phương Đông qua quá trình lịch sử, đã xây dựng cho mình một hệ thống khoa học dự báo vô cùng phong phú như xem Thiên mệnh, phong thủy, tướng số, kinh Dịch, nhân diện học thủ tướng học… 

Powered by Froala Editor

                                                                                   

                                   Dự trắc họcNguyên lý Tam tài 

                                                          PGS.TS Trần Lê Bảo -

  1.  Về khái niệm Dự trắc học

       Dự trắc học là khoa học liên ngành, dựa trên các căn cứ, các dữ liệu của khoa học chuyên ngành để đưa ra những dự báo về bản chất, quá khứ hiện tại và tương lại của một sự kiện hoặc một đối tượng nhất định.

 1.1 Đối tượng nghiên cứu của dự trắc học là con người hoặc các sự kiện trong quá trình phát triển nhằm mục tiêu tìm ra bản chất của con người và dự báo sự phát triển của nó theo nhu cầu nhất định của xã hội.

 1.2 Phương pháp nghiên cứu dự trắc học

 a. Trước hết là phương pháp liên ngành. Chúng ta cần phương pháp này bởi những nguyên nhân sau:

 * Bản thân đối tượng là con người, một tổng thể phức tạp và tinh vi với nhiều mối quan hệ với tự nhiên và xã hội. Sự tương tác này tạo ra rất nhiều dữ liệu để các khoa học dự báo có thể tham khảo và đưa ra những đoán định khác nhau.

* Mặt khác các phạm trù Thiên Địa Nhân lại vô cùng rộng lớn. liên quan đến nhiều ngành khoa học mới có thể dự báo được. Con người ở phương Đông qua quá trình lịch sử, đã xây dựng cho mình một hệ thống khoa học dự báo vô cùng phong phú như xem Thiên mệnh, phong thủy, tướng số, kinh Dịch, nhân diện học thủ tướng học… Những phương pháp riêng này cũng có thể đưa ra những đoán định nhất định về con người. Tuy nhiên để có thể khẳng định tính chính xác cao của các khoa học này cũng còn là một vấn đề phải bàn. Điều này trước hết tùy thuộc vào việc bao quát và lựa chọn các dữ kiện có đầy đủ và chính xác không. Mặt khác quan trọng hơn là phải có một người “Thầy” tài giỏi, am hiểu về khoa học dự báo trên cơ sở các dữ kiện, có thể đưa ra những đoán định chính xác kiểu như Khổng Minh, Trần Đoàn của Trung Quốc, hay cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm của Việt Nam. Tuy nhiên những thiên tài này là hãn hữu như sao buổi sớm, chỉ có những bậc thầy đoán định ở độ chính xác 70% đã là giỏi (chẳng hạn trong “Dự án khảo sát tìm mộ liệt sĩ của Cậu Liên người Hải Dương”, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký xác nhận độ chính xác 70% của dự án trong nhiệm thu đề tài do GS Phan Đăng Nhật chủ trì). Vì vậy việc dùng phương pháp liên ngành để tìm thêm dữ kiện của các chuyên ngành khác bổ sung là hết sức cần thiết. 

* Ngoài ra với một thầy dự trắc, bất ngờ gặp đối tượng mà chưa hề có thông tin để đoán định, rất cần lựa chọn một trong những phương pháp của phương pháp liên ngành để hỗ trợ đoán định. Chưa biết năm sinh tháng đẻ của đối tượng chắc xem tử vi bất lực, chưa biết điều kiện môi trường cảnh quan, chắc phong thủy cũng khó nói. Lúc này chắc chỉ còn dựa vào “quan hình sát sắc” của thuật xem tướng, hay “độn quẻ” mới có đôi phần dự báo về đối tượng. Vậy nên thầy dự trắc cần được trang bị kiến thức và phương pháp của nhiều ngành dự trắc mới có thể “dĩ bất biến ứng vạn biến” trước các đối tượng khác nhau, trong nhiều tình huống khác nhau.

b. Cần xem xét đối tượng hoặc sự kiện trong không gian và thời gian nhất định để đoán định. Không phải ngẫu nhiên trong bói Dịch người ta cần xem ba bước của quẻ là quẻ sinh – quẻ biến – quẻ thành từ đó mới đoán định. Ở đây có sự tôn trọng một quá trình trong khi dự báo. Chẳng hạn khi khảo sát dấu vân đầu các ngón tay, người dự báo trên cơ sở mã vân mà đưa ra những đoán định về bản chất con người trong hiện tại và trong tương lại. Song quá trình sống mỗi cá thể còn phải tiếp xúc với nhiều cá thể khác, nhiều tình huống khác, khiến các dấu vân tay có thể bị thay đổi như tai nạn ở tay. Quan trọng hơn trong “Thủ tướng học” (môn học xem tướng tay) người ta lại quan tâm khảo sát lòng bàn tay với những đường chỉ tay, các “gò”, cũng như màu sắc trong lòng bàn tay. Từ những thông tin trên lòng bàn tay này người ta có thể biết sức khỏe, tư tưởng tình cảm, cuộc sống vui buồn sướng khổ, giầu nghèo… của đối tượng nhiều hơn cả thông tin trên vân 10 đầu ngón tay. Vậy thì những đoán định của 10 đầu ngón tay có hiệu quả hơn đoán định trên cả lòng bàn tay? Thêm nữa, vân ngón tay ít biến đổi, nhưng đường chỉ trong lòng bàn tay có quá trình biến đổi, lúc ấy những dự báo cho cả một đời người từ vân trên 10 đầu ngón tay, chắc cũng không còn đảm bảo độ chính xác cao. Bởi lẽ xem tướng số bao giờ cũng có câu “Đức năng thắng số”; hoặc Bác Hồ cũng từng nhấn mạnh yếu tố giáo dục của xã hội: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Cho dù nói đến yếu tố Đức hay yếu tố giáo dục đối với mỗi đối tượng dự báo, thì cũng đều phải trải qua một quá trình dài lâu, con người mới tạo dựng được Đức, hay tiếp thu một hệ thống giáo dục tốt để trở nên người lương thiện.

2. Dự trắc học và thuyết Tam Tài

      Dự trắc học luôn cần những dữ liệu từ các ngành khoa học thần bí khác, hoặc các quy luật khác nhau để đưa ra những đoán định chính xác về một đối tượng. Thuyết Tam Tài – Thiên Địa Nhân là một thuyết tổng hợp và toàn diện có thể đưa lại những đoán định chính xác về một đối tượng

2.1 Thuyết Tam Tài

2.1.1 Tam Tài là Thiên Địa Nhân. “Phần Hệ từ trong Kinh Dịch nói: Kinh Dịch đã bao gồm đầy đủ những phạm trù rộng lớn Thiên Đạo, Địa Đạo và Nhân Đạo thành Tam Tài – Thiên Địa Nhân”. (Từ Hải Hợp đính bản tháng 2 năm Dân Quốc thứ 126 tr11)

        Số ba là con số linh thiêng, hoàn hảo thể hiện cấu trúc vững chắc của vũ trụ. Hình ảnh cái “kiềng ba chân” là nguyên lý bền vững quan trọng trong cơ cấu ba điểm của kiến trúc không gian. Nghệ thuật nhiếp ảnh có quy tắc vàng: 1 và 3 tạo nên bố cục hoàn hảo của tác phẩm. Hội họa có ba mầu cơ bản đỏ vàng xanh làm nền tảng cho dải mầu ngũ sắc biến hóa. Phật giáo có Tam hoa tụ đỉnh, Đạo giáo có Tam thiên, Tam giới. Cơ đốc giáo có Chúa ba ngôi... 

         Kinh Dịch cũng nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật” (Lão Tử chương 42) nghĩa là: Đạo sinh 1, một sinh 2, hai sinh 3, ba sinh vạn vật. Tại sao “Tam sinh vạn vật”? Đáp án có thể tìm thấy trong Kinh Dịch: Tam Tài là ba yếu tố Thiên Địa Nhân, ba yếu tố cơ bản tổ thành cấu trúc vũ trụ. 

      Các nhà nghiên cứu phương Đông luôn đánh giá cao Kinh Dịch: Thánh nhân xưa làm Kinh Dịch để thuận lẽ tính mệnh. Chu Dịch (là một tên khác của Kinh Dịch) lấy Càn Khôn làm đầu, lấy Âm Dương làm mạch, lấy Tam Tài làm giường mối.

       Thêm nữa, số 3 là số thiếu dương, số 9 là số thái dương. Số thiếu dương là số dương đang phát triển, còn số thái dương là số dương cực thịnh chuẩn bị biến đổi theo quy luật tiêu trưởng. Tài còn có ngĩa là mầm cây. Như vậy Tam tài còn có nghĩa là ba mầm non, ba căn nguyên đang trong quá trình phát triển.

2.1.2 Bản chất và chức năng từng yếu tố trong Tam Tài – Thiên, Địa, Nhân 

a. Thiên 

* Theo quan niệm phương Đông, Thiên là trời, là khoảng không gian bao quanh trái đất. Từ mặt đất, con người có thể quan sát được mặt trời mặt trăng và các vì sao, để rút ra những tín hiệu hay quy luật về sự biến đổi của thế giới tự nhiên có liên quan đến con người và xã hội loài người.

       Từ xa xưa khoa học thiên văn đã ra đời, những người hiểu biết về thiên văn được gọi là nhà chiêm tinh học. Những nhà chiêm tinh được sùng bái như là các vị thánh, ngay cả vua chúa cũng tôn trọng và phải hỏi ý kiến tư vấn từ họ. Và họ được tôn xưng với chức danh cao quý là quốc sư.

     Quan sát bầu trời, con người phương Đông đã thấy được mặt trời, mặt trăng và nhị thập bát tú tức là 28 ngôi sao ở bốn phương trên bầu trời, mỗi phương có 7 ngôi sao. 7 ngôi sao phương Đông gồm: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vỹ, Cơ. 7 ngôi sao phương Bắc gồm: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích. 7 ngôi sao phương Tây gồm: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm. 7 ngôi sao phương Nam gồm: Tinh, Quỷ, Liễu, Tỉnh, Chương, Dực, Chuẩn.

      Chiêm tinh học ngày nay dựa trên quan sát sự di chuyển của các ngôi sao và các vật thể trong trụ mà có thể đưa ra những dự báo về tai hoạ của nhân loại như động đất và số người tử vong, hoặc tình hình bệnh dịch trên hành tinh này…

* Những chủ thể của bầu trời

       Từ những nhận thức còn ấu trĩ về bầu trời, lại sợ hãi và chưa thể giải thích về các hiện tượng dữ dội của tự nhiên hùng vĩ, tôn giáo của con người đã sinh ra, thần thoại của loài người cũng sinh ra để giải thích và chinh phục tự nhiên bằng tưởng tượng. Những vị thần đầu tiên và hệ thống đẳng cấp của các thần ngự trị giới tự nhiên cũng sinh ra. 

      Phật gia chúng tiên: Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni còn gọi là Phật Như Lai. Phật Di Lặc đệ tử của Thích Ca Mâu Ni. Tiếp đến là các vị Bồ tát gánh vác những chức năng riêng của Phật Tổ như: Quan Âm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát. Ngoài ra còn có: Đạt Ma Tổ Sư, Thiện Tài Đồng Tử, Tế Điên hòa thượng...

       Đạo gia chúng tiên: Ngọc Hoàng đại đế, còn gọi là Ngọc Hoàng, một trong Tứ Ngự của Đạo giáo (Tứ Ngự là bốn vị Thiên Đế: Ngọc Hoàng đại đế, Trung Thiên Tử Vi Bắc cực, Thái Hoàng đại đế. Câu trần thượng cung Nam Cực Thiên Hoàng đại đế và Thừa Thiên Hiệu Pháp hậu thổ Hoàng địa chí), sau trở thành vị thần tối cao được dân gian xưng tụng. Vương Mẫu nương nương. Thái Thượng Lão Quân là tôn xưng của Lão Tử. Ngoài ra còn có Chân Võ đại đế - Bắc Đế Chân Võ đế quân – Hắc đế - Huyền Vũ, Trương Thiên sư – Trương Đạo Lăng…

      Ngoài ra còn có vô số thần dân gian: Thần Tài, Táo quân, Thành Hoàng, Long Vương, Thần Phúc, Thần Y, Thần Cửa, Thần Thổ địa, Lỗ Ban tiên sư, Nguyệt thần, Lộ thần, Thần Thanh Long, thần Bạch Hổ…

* Thuyết Thiên mệnh

       Các vị thần trên Trời đã được tôn vinh và được sắp xếp thành hệ thống theo mô hình xã hội phong kiến dưới trần gian. Bên cạnh đó là quyền năng của các vị thần cũng rất đa dạng. Đáng chú ý là thuyết Thiên mệnh đi cùng với những quan chiêm bốc (những người có khả năng bói toán, dự báo).

- Thiên mệnh là mệnh trời, hay “Thiên ý” tức là ý trời, là nói tới quyền năng to lớn của trời đối với đất đai và xã hội loài người. Trời có thể giáng tốt lành, cũng có thể giáng tai họa xuống đất đai, đặc biệt con người và xã hội.

        Nguyên nhân của sự ra đời thuyết Thiên mệnh có thể thấy mấy lý do sau: 

       Từ quan niệm “Thiên nhân cảm ứng”, “Thiên nhân nhất thể”… Trời chi phối toàn diện về nhân thế, đất cũng chế ước sự sống của con người, con người cũng có cát hung. Cũng vì quan niệm này mà thời cổ các thiên tử thường đi đến các vùng núi thiêng làm lễ tế Trời, Đất, để cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xã hội thái bình.

      Từ quan niệm “Túc mệnh” nghĩa là quan niệm con người có số kiếp, mỗi người có số phận khác nhau thể hiện ý trời, “Sinh tử do mệnh, phú quý tại Thiên” (Sống chết do mệnh, giầu sang do Trời). Điều đem lại sự khác nhau này chỉ “gọn trong tám chữ” (giờ, ngày, tháng, năm sinh, gồm đủ can chi để lập lá số Tử vi hoặc lập quẻ). Quan niệm này đã chi phối quan niệm sống, tính cách và sự lựa chọn lối sống của mỗi con người phương Đông, đặc biệt ở Trung Quốc. Nếu quá tin vào số mệnh sẽ dẫn đến “cam phận”; có người hoàn toàn phủ nhận số phận nên tự thân vận động; có người nửa tin nửa ngờ… 

      Từ quan niệm sùng bái sức mạnh siêu nhiên dẫn đến con người coi nhẹ sức mạnh bản thân. Điều này phổ biến ở tôn giáo của các nền văn hóa dân tộc. Việc sùng bái quỷ thần, sùng bái sức mạnh siêu nhiên, thờ cúng tổ tiên… đã làm cho con người hoài nghi sức mạnh bản thân; trong ứng xử người quân tử thường tỏ ra khiêm nhường, tự hạ thấp mình so với tiền kiếp, tiền bối; không ít người giấu kín tài năng, trí tuệ để tránh họa thị phi thậm chí họa sát thân.

      Hệ quả từ những quan niệm trên là thuật chiêm bốc (thuật bói toán, ngày nay  gọi là khoa học dự báo) rất thịnh hành trong mọi tầng lớp xã hội, từ xưa tới nay, để đáp ứng nhu cầu con người cũng muốn biết số phận của mình sẽ diễn ra thế nào, vua cũng muốn biết chính sự quốc gia mình cai quản sẽ đi đến đâu… Thuật chiêm bốc cũng phát triển mạnh về các cách thức, phương tiện bói toán khác nhau như: bói bằng mai rùa, bằng cỏ thi, chiêm tinh, chiêm mộng, Dịch quái, tướng thuật, phong thủy thuật…   Sau này có thuật ngũ hành, can chi kỷ niên pháp, Thái Ất, Kỳ môn Độn giáp, Kiến Trừ… Tử Bình, Quái ảnh, Chiết tự, Sấm ngữ, lý luận tướng pháp phát triển mạnh mẽ…

      Các thuật chiêm bốc dù ở trường phái nào cũng đều phải dựa vào các thông tin, dữ liệu, hoặc phù hiệu để tìm ra đáp án cho con người và sự kiện. Thông thường có năm loại phù hiệu: văn tự, ngôn ngữ, đồ hình, đường nét và mầu sắc. Tuy nhiên muốn luận đoán chính xác cần hai yếu tố là thông tin chính xác và tài năng thầy chiêm bốc. Do vậy địa vị thầy chiêm bốc giỏi được sùng bái, coi là người có khả năng giao tiếp giữa trời và người.

b. Địa

* Địa là đất. Khái niệm đất trước hết được xác lập bằng phương vị đông tây nam bắc, sau đó là hệ thống khí vận hành trên mặt đất theo chu kỳ bốn mùa xuân hạ thu đông. Tiếp đến là hệ thống khí vận hành trong lòng đất mà các nhà phong thủy quen gọi là long mạch – mạch hình dáng con rồng. Các khái niệm trên đều bao hàm cả khí âm dương và ngũ hành.

         Về chức năng của đất, quẻ Khôn biểu tượng của đất. Kinh Dịch đã nói: “Khôn hậu đức tái vật” nghĩa là đức dầy của Khôn có thể mang vác che chở cho muôn loài. Khôn tượng trưng cho đất, cho mẹ cho âm tính... Như vậy đất là môi trường sống của muôn loài trong đó có con người và xã hội. Đất trước hết cung cấp không gian sống cho con người. Đất cung cấp nguyên nhiên vật liệu để con người tạo ra sự sống ngày một tốt đẹp hơn và Đất còn là “thùng chứa rác” khổng lồ khi con người sản xuất và sinh hoạt thải ra.

* Khí của đất – “Lục nguyên”

         “Lục nguyên” là 6 khí: Phong, Hỏa, Thấp, Thử, Táo, Hàn. Ở đây bàn về quy luật biến hóa thông thường của 6 khí trong 60 năm (một hoa giáp). Trên cơ sở thiên can để định vận, địa chi để định khí, phối hợp vận và khí sẽ suy ra đặc điểm khí hậu và bệnh tật từng năm. Từ những hiểu biết về khí hậu và bệnh tật từng năm các thầy thuốc và mỗi người có thể đưa ra những hướng phòng bệnh, đề có thể nâng cao sức khỏe.  

* Khí của đất trong nhà ở

        Chất lượng của cuộc sống của mỗi con người và mỗi gia đình được quyết định bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên theo các nhà phong thủy phương Đông, chất lượng cuộc sống này được quyết định bởi hoàn cảnh địa lý nơi gia đình trú ngụ và cấu trúc nhà ở của mỗi gia đình.

        Cấu trúc nhà ở của một gia đình phải hợp thành thể một thể thống nhất với hoàn cảnh địa lý sở tại, tức là làm sao để ngôi nhà ở có thể hấp thu tốt nhất tinh hoa (hoặc địa khí) của hoàn cảnh địa lý xung quanh. 

       Để cụ thể hóa lý luận này, các nhà phong thủy đã có những so sánh sinh động và dễ hiểu: Ngôi nhà của một gia đình cũng giống như một cơ thể con người. Cổng cửa lớn giống như cái miệng, thu nạp linh khí của trời đất. Phòng của chủ nhân giống như tim gan ở vị trí trung tâm của ngôi nhà. Hành lang chính từ cổng, cửa lớn thông tới phòng chính của nhủ nhân như khí quản của người, thông đến thư phòng, gian bếp nhà về sinh… giống như kinh mạch hoặc huyết quản của con người. Tất cả cần lưu chuyển thông đạt chính xác. Cửa và lối đi thông đạt chính xác sẽ quyết định cát hung, họa phúc của phòng chủ nhân. Nếu không chính xác, địa khí xấu sẽ thâm nhập, ảnh hưởng bất lợi đến trường sinh học của phòng chủ nhân. Điều này cũng ngăn cả địa khí tốt khó có thể thâm nhập vào phòng chủ, làm cho chủ nhân cũng bị mất đi những điều hay, điều tốt.

       Lý thuyết phong thủy này ngày càng được con người hiện đại tiếp thu, còn làm dấy lên trào lưu nghiên cứu phong thủy rầm rộ ở nhiều địa phương, đặc biệt ở các quốc gia phương Đông. Mọi người có nhận thức mới về nơi ăn chốn ở của mình, coi lý luận ấy là nội dung chủ yếu của khái niệm “địa lợi”.    

       Lý thuyết phong thủy có nhiều trường phái, lại có những yếu tố huyền bí; còn phải bao quát nhiều dữ kiện liên quan đến một ngôi nhà, cũng như sự phù hợp của mệnh ông chủ đối với ngôi nhà. Vì vậy lý thuyết này không chỉ thần bí mà còn vô cùng phức tạp trong cấu trúc cụ thể của ngôi nhà và cả những cảnh quan bên ngoài tác động tới ngôi nhà. Từ đó, các nhà phong thủy cũng đưa ra hàng trăm lời khuyên và lời cảnh báo cát hung đối với cấu trúc bên trong và cảnh quan bên ngoài ngôi nhà.   

      Chẳng hạn trong “Dương trạch tam yếu” nhấn mạnh đến ba yếu tố cơ bản của nhà ở đó là “Môn chủ táo” (môn là cửa, chủ là sơn chủ, hướng của lưng ngôi nhà, táo là vị trí và hướng bếp của ngôi nhà).

      Các nhà phong thủy còn đưa ra “Linh cảm về gia trạch” bao gồm bốn từ “lạnh, ấm, khô, vắng”. Chẳng hạn ngôi chùa trên núi cao nhất định phải vắng vẻ; ngược lại trụ sở công ty nếu vắng vẻ lại không hay. Tóm lại cần “lạnh” thì nên lạnh, cần “ấm” thì nêm ấm…

       Trên đây là mối quan hệ tới tốt xấu của cấu trúc ngôi nhà đối với cảnh quan môi trường và vận mệnh tốt xấu của chủ nhà. Tuy nhiên còn vấn đề lớn hơn là mối quan hệ giữa con người tài giỏi và khu vực đất thiêng mà người ta quen gọi là địa linh nhân kiệt.

* Địa linh nhân kiệt hay nhân kiệt địa linh

      Núi sông linh tú và nhân vật kiệt xuất. Cụm từ này chỉ khí linh tú nơi sinh ra nhân vật kiệt xuất, trở thành nơi danh thắng; đồng thời cũng chỉ ra nơi núi sông linh tú cũng có thể xuất hiện nhân tài kiệt xuất. Đây là một vấn đề quan trọng đối với sự phát triển trường tồn của một quốc gia dân tộc, mà dự báo học cần quan tâm.

c. Nhân

* Nhân là yếu tố con người. Con người là sự phát triển cao của đại tự nhiên là trời và đất. Tuy nhiên con người chỉ thực sự trở thành con người khi họ sống trong cộng đồng là xã hội loài người. “Con người là tổng thể của các mối quan hệ xã hội” (C.Mac). Tuy nhiên con người và xã hội của mình muốn tồn tại và phát triển tuyệt đối không thể bỏ qua mối quan hệ với đại tự nhiên là trời và đất. Song trước hết phải khảo sát mối quan hệ giữa người với người của dự trắc học.

       Từ góc độ huyết thống, mối quan hệ giữa người và người trước hết được tính từ gia đình, gia tộc; tiếp đến quan hệ xã hội có từ nghề nghiệp, hội đoàn đến làng xã rồi đến quốc gia quốc tế. Những mối quan hệ này đều có những tiêu chí đạo đức nhất định để con người mỗi thời đại phải tuân thủ noi theo. Đây cũng là những tiêu chí mà dự trắc học không thể bỏ qua được. Chẳng hạn hai tiêu chí đạo đức Hiếu và Trung luôn được các triều đại cổ vũ, khiến con người có thể quên cả sinh mệnh vì nó. Mặt khác những mối quan hệ này luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn giữa quyền lợi và nghĩa vụ, được và mất buộc con người phải lựa chọn trong những hoàn cảnh cụ thể, thậm chí phải bỏ tiêu chí này để giữ được tiêu chí khác. Chẳng hạn nàng Kiều trong thơ Nguyễn Du, trước cảnh “Lạ gì những thói sai nha, làm ra bức hại chẳng qua vì tiền”, đã bị đặt vào sự lựa chọn “Bên Tình bên Hiếu bên nào nặng hơn”, Kiều đã phải dấn thân “Ré ra để thiếp bán mình chuộc cha”. Đây cũng chính là bước đầu tiên của cuộc đời chìm nổi 15 năm đau thương, thanh lâu hai lượt thanh y hai lần của nàng Kiều trinh trắng. 

* Làm sao để biết Nhân hòa

        Nhân hòa là mối quan hệ phù hợp, hài hòa giữa con người với con người trong quá trình ứng xử hướng về sự đồng thuận, tốt đẹp. Tuy nhiên trong thực tiễn, mỗi con người là một cá thể có những tố chất, những mong muốn khác nhau trong những điều kiện cụ thể về gia đình và vị thế xã hội rất khác nhau. Vì vậy các nhà tư tưởng phải đưa ra những tiêu chí đạo đức, để kiểm nghiệm và dự đoán con người thông qua nội tâm và hành vi hướng con người về những hòa hợp trong đại cục xã hội. Những nhà khoa học thần bí phương Đông cũng đưa ra những cách thức để tìm đến nhân hòa. Có nhiều cách nhưng chúng tôi chỉ lựa chọn mấy cách thức tiêu biểu phục vụ cho việc giữ hài hòa giữa con người và con người, mà các nhà dự báo học cũng phải dựa vào đây để dự báo số phận con người.

* Cách thức lựa chọn bạn đồng nghiệp và bạn làm ăn

      Người Trung Quốc có câu: Hợp thì đến không hợp thì đi. Trong việc lựa chọn bạn đồng nghiệp và bạn làm ăn, dựa vào năm sinh là một phương pháp khả quan. Chẳng hạn người ta có thể dưa vào Tam hợp hoặc Nhị hợp của năm sinh để lựa chọn bạn đồng nghiệp hay bạn làm ăn. Tam hợp có các tuổi: Thân Tý Thìn, Dần Ngọ Tuất, Hợi Mão Mùi, Tỵ Dậu Sửu. Nhị hợp có: Ngọ Mùi, Tỵ Thân, Thìn Dậu, Mão Tuất… Kể cả việc lựa chọn bạn đời theo năm sinh cũng tìm được sự hòa hợp như trên. Trong quan hệ gia đình, dựa theo năm sinh người ta cũng tìm được quan hệ hài hòa giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em… Đây là một trong những tiêu chí xem xét quan hệ tốt xấu, được mất trong dự báo học

* Nghiên cứu Đấu pháp tâm thuật” – biết âm mưu của người khác.

         Trong quan hệ xã hội, một mặt người ta hướng về nhân hòa, nhưng cuộc sống vốn đầy mâu thuẫn, xung đột, nên con người luôn cần tìm hiểu tâm lý đối phương để có cách ứng xử phù hợp. Vả chăng trong lịch sử đầy biến động của nhân loại, để tồn tại và phát triển, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia đều xuất hiện những nhân tài, tổng kết kinh nghiệm, trí tuệ trong cộng đồng, đứng dậy dẫn dắt cộng đồng vượt qua mọi mâu thuẫn khó khăn gian khổ, đi đến thắng lợi. Đó là người tài biết ứng xử Tam tài, biết mưu lược lớn. Bậc thầy của những người tài này phải kể tới Quỷ Cốc Tử, hay Quỷ Cốc tiên sinh

       Quỷ Cốc Tử là người thuộc thời đại Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Quốc. Ông là người tinh thông Nho, Y, Lý. Số, mở rộng phát triển Dịch học, Binh học (cách hành binh bày trận khôn khéo), Du thuyết học (biết rộng hiểu rõ địch ta, lý lẽ mạnh yếu, thời thế của mình, buông lời hùng biện, thuyết phục cảm hóa người nghe), Xuất thế học (bảo toàn chân tính, luyện thuốc nuôi mình, đạo dẫn thành tiên). Tương truyền ông có nhiều đệ tử là những kỳ nhân xuất chúng của các triều đại như: Tô Tần, Trương Nghi, Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Quản Lộ, Dã Hạc…

       Cũng tương truyền Tôn Tử có 36 kế. Quỷ Cốc Tử đưa ra 72 biến pháp để phá vỡ 36 kế. Đời sau gọi là “Quỷ Cốc đấu pháp Tâm thuật”. Bảy mươi hai phép này, trong động có tĩnh, trong tĩnh có động. “Biến sinh ra sự, sự sinh mưu, mưu sinh kế, kế sinh nghị, nghị sinh thuyết, thuyết sinh tiến, tiến sinh thoái, thoái sinh chế (chế ngự con người và sự việc)”. Quỷ Cốc cho rằng thiên hạ vốn không có việc gì khó, mọi chuyện là do con người bày đặt, bố trí, chỉ cần nghiên cứu thực tiễn thì có thể đạt được mục đích của mình. Phương pháp dự báo của Quỷ Cốc vô cùng khoa học.

         Quỷ Cốc cho rằng “Mưu kế trí lược mỗi cái có hình dạng của nó, hoặc vuông hoặc tròn hoặc âm hoặc dương”. Trong 72 phép biến, Quỷ Cốc dạy con người tài giỏi muốn xoay chuyển càn khôn (phép thứ 2) cần “giữ vững ý chí, tinh thần, thì sẽ có uy lực. Có uy lực ắt bên trong mạnh, bên trong mạnh thì không ai địch nổi”. Cần quyền biến trong ứng xử (phép thứ 4, phép thứ 8, thứ 10,11,12,13, 32…) Trong tấn công cần giành thiên thời, thiên cơ (phép thứ 5, thứ 9), đánh vào lòng người, thu phục nhân tâm, dùng tâm hệ trọng hơn dùng binh, quyết giữ chính nghĩa (phép 17,18, 20, 28, 29, 39, 40, 41, 49, 50…). Những phép biến này bao quát được cả thiên thời địa lợi và nhân hòa để tạo thành sức mạnh cho con người và điều khiển cả quốc gia thiên hạ.

* Ngoài ra còn có nhiều cách thức để biết con người hướng về nhân hòa như: 

          Thuật chuẩn đoán mạch của Trương Thái Tố. Trong sách “Thái Tố mạch quyết”, ông cho rằng chỉ cần nắm vững bí quyết mạch Thái Tố, chẳng những có thể chẩn đoán được bệnh, mà còn biết được họa phúc, thọ yểu, sang hèn, lành dữ của con người… Khoa học này phục vụ trực tiếp cho dự báo học và việc dưỡng sinh tâm thể. 

         Thuật chuẩn đoán tên người, còn gọi là “Tính danh học”. Khổng Tử nói: “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận” (Danh không chính thì lời nói không thuận).  

           Họ tên chính là một dạng phù hiệu đại diện cho con người. Vì vậy phù hiệu  này có thể ảnh hưởng đến vận mệnh tốt hay xấu của mỗi con người. Thiên thuộc dương, địa thuộc âm, trời đất âm dương giao hòa sinh ra vạn vật. Đây là Lý của trời đất, tạo hóa. Tên của con người không phải chỉ là ý nghĩa của mỗi người mà còn bao hàm cả lý số trời đất, tạo hóa. Vì vậy họ tên mới được chia thành Thiên Địa Nhân. Họ là Thiên cách, tên là Địa cách, chữ cuối cùng của họ và chữ đầu tiên của tên là Nhân cách. Tổng cộng các nét cả họ và tên là Tổng cách. Lấy số nét Tổng cách trừ đi số nét của Nhân cách thì được Ngoại cách. Tam tài Thiên Địa nhân là nền tảng của các cách.                           

         Danh tính học cho rằng: Họ là đại biểu của Tiên Thiên, tên là đại biểu của Hậu Thiên. Cần phân tích ý nghĩa của họ và tên từ góc độ Lý, Khí; lại phải đối chiếu họ tên với lành dữ của các yếu tố âm dương, và năm tháng ngày giờ sinh; nghiên cứu sự phối hợp của ngũ hành và sự xếp đặt của Tam tài – Thiên Địa Nhân. Để có dữ liệu xem xét này, tất nhiên phải dùng cách tính họ tên theo theo số nét của chữ ghi họ và tên…

* Muốn hiểu biết nhân sự có thuật dự đoán theo bát quái (Bát quái thần toán tâm thuật)

       Bát quái thần toán tâm thuật là cách gieo quẻ, có thể nhanh chóng dự đoán kết quả cát hung của một sự việc nào đó theo Kinh Dịch.

       Việc gieo quẻ có nhiều cách như căn cứ vào thời gian (ngày, giờ, tháng, năm), vào kích thước đồ vật, vào số chữ, số tiếng, màu sắc quần áo… dựa trên tám con số tương ứng với tám quẻ, lập ra quẻ thượng, quẻ hạ và quẻ biến. Từ đó có thể đưa ra các dự báo về kết quả tốt hay xấu công việc theo đáp án của 64 quẻ.

3. Mối quan hệ gắn bó của Tam tài trong dự báo học

        Phần trên bài viết tách ra từng tài trong Tam tài để tìm hiểu chức năng từng tài này. Tuy nhiên giữa chúng có mối quan hệ gắn bó khó mà phân tách được. Điều này các nhà dự báo học cần nắm vững để có thể đưa ra những dự báo chính xác hơn.

3.1 Với đại tự nhiên trong đó có Trời và Đất, con người và xã hội loài người đại diện cho chữ Nhân luôn phải tuân thủ những quy luật của Trời và Đất. Bởi lẽ đây là một sự lệ thuộc, một quan hệ máu thịt, tất yếu nhân quả không thể tách ra được. Đơn giản là con người và xã hội loài người cũng như muôn vật sống, đều cần một môi trường sống tốt lành để sinh tồn và phát triển. Tuy nhiên trong quá trình lao động sản xuất, con người ngỡ rằng với trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng cao, con người có thể khống chế, tác động lại mạnh mẽ đến môi trường Trời Đất, làm cho nó bị ô nhiễm nặng nề… Mỗi khi con người tuyên bố chiến thắng tự nhiên là một lần tự nhiên lại lạnh lùng trả thù con người. Đó là cái giá con người và xã hội của mình phải trả mà đại tự nhiên mang lại: những động đất, sóng thần, nước biển dâng, nhiệt độ trái đất đang cao dần lên… Điều này cho thấy sự gắn bó chặt chẽ giữa Thiên Địa Nhân cần được giải quyết hài hòa mà các nhà dự trắc học không thể không dựa vào ba yếu tố Tam Tài để có thể đưa ra dự báo hướng tới sự phát triển bền vững cho con người và xã hội của mình.

3.2 Từ góc độ nhân bản, con người khi sinh ra Tạo hóa đã cho cái gọi là “Bản mệnh”, theo quan niệm phương Đông bản mệnh con người có từ giai đoạn Tiên Thiên (nằm trong bụng mẹ) và giai đoạn Hậu Thiên (khi ra khỏi bụng mẹ) tiếp xức với Tam Tài. Theo khoa học hiện nay bản mệnh con người kéo dài tối đa 200 tuổi. Vậy thì số phận con người được cấu tạo thế nào? Số phận con người có thể nhìn thấy từ hai góc độ. Một là hằng số, gồm phần không đổi. Hằng số này ở mỗi con người cũng khác nhau do tiền đề về phúc đức tổ tiên, về gia đình, nơi sinh sống… Từ góc độ sinh học đó là gien di truyền. Ở sinh vật gien này chủ yếu mang tính vật chất. Nhưng ở con người, gien này mang cả tính vất chất và tinh thần. Ở góc độ tinh thần gien con người bao gồm cả trí tuệ, tư tưởng tình cảm… sự bảo lưu gien tinh thần đã tạo nên hằng số truyền thống tốt đẹp của gia đình dòng họ, thậm chí cả làng. Chẳng thế mà có nhà nhiều con tiến sĩ, có cả làng nổi tiếng nhiều tiến sĩ… góp phần tang cường “nguyên khí” Quốc gia.       

        Bên cạnh hằng số là biến số. Đó là những yếu tố về tự nhiên và xã hội tác động trở lại hằng số. Điều này cho thấy bản mệnh không chỉ là những yếu tố ổn định truyền thống, mà còn chịu sự tác động mạnh mẽ trở lại từ những yếu tố Thiên Địa Nhân của biến số. Chẳng hạn một anh nông dân, nếu anh ta chỉ yên phận trong lũy tre làng thì cả cuộc đời anh ta chỉ biết yên phận với cảnh “con trâu đi trước cái cầy đi sau”. Nhưng cũng anh nông dân này, nếu lên thành phố anh ta có thể trở thành nhà buôn, người kỹ sư, nhà giáo dục hay nhà quản lý, thậm chí trở thành nhà lãnh đạo; nếu bị tha hóa cũng có thể trở thành tướng cướp… Như vậy cho thấy môi trường sống (Thiên Địa) và sự lựa chọn của con người (Nhân) đã làm thay đổi mạnh mẽ số phận mỗi con người, cái biến số đã làm thay đổi hằng số.   

           Vì vậy, cụ Nguyễn Du từng nói: “Cho hay muôn sự tại trời”, nhưng cụ cũng viết: “Xưa nay nhận định thắng Thiên cũng nhiều”.

3.3 Bộ não điện tử. 

        Cho dù ngày nay con người có thể sáng tạo người máy có bộ não điện tử cho phép tính toán ngàn phép tính trong mấy giây vượt xa khả năng tính toán của con người; có thể dự cảm và thực thi công việc của con người, kể cả sức mạnh của người máy cũng hơn con người. Và cha đẻ người máy còn dự cảm chiến tranh nếu như người máy bị con người có tham vọng xấu sai khiến. Mặc dù có những ưu điểm do khoa học kỹ thuật sản xuất ra, song người máy vẫn là người máy, không phải là con người. Nó có thể dự báo nhưng không thể tiếp tục đi sâu vào tâm linh con người để khải ngộ những điều thần bí định hướng cho con người và xã hội của mình hướng về Chân Thiện Mỹ. 

         Tóm lại, con người phương Đông coi Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa là ba yếu tố cơ bản quyết định mọi thành công trong mọi sự việc. Vì vậy con người muốn mưu việc lớn nhỏ đều cần nắm Thiên thời, chiếm Địa lợi và thu được Nhân hòa. 

         Vấn đề Dự báo học muốn đạt hiệu quả cao không thể không dựa vào thuyết Tam tài, coi đó là những căn cứ khoa học để đưa ra những dự báo chính xác, để hiểu bản chất sự việc và con người nhằm phục vụ nhân sinh tốt đẹp.

          Để có được những hiệu quả trong cách ứng xử của con người với Tam tài, nhân loại nói chung và những nhà khoa học phương Đông đã đưa ra nhiều loại khoa học dự báo dựa trên lý thuyến âm dương và nguyên lý tam tài. Những khoa học này có những phần thần bí, song cũng có những cơ sở khoa học đáng tin cậy cần được khám phá học hỏi và làm rõ hơn.

 

 


 

Powered by Froala Editor