Viện phương đông

3 năm trước

Bùi Việt Thắng và Trần Hinh, hai hội viên Hội nhà văn của Viện Văn hóa và Phương Đông

            Bùi Việt Thắng đi vào "từ điển" của khoa Ngữ Văn với câu "Nhu như Bùi" trong tình thương mến của bạn bè. "Nhu" không có nghĩa là "nhu nhược" mà là biểu hiện của một tính cách ôn hòa. Điều này cũng được thể hiện ngay trong các trang viết của anh.  

            Nước Pháp vỗ Trần Hinh có vài tháng mà làm cho anh khác hẳn đi. Da trắng hơn. Dáng người đi lại xem ra cũng đường bệ, tự tin hơn nhiều. Bây giờ thì Trần Hinh hay cởi trần chứ không mặc áo lót như trước vì ngực, lưng đã đầy đặn, mỡ màng hơn, không xương xẩu như thời ăn vã cá thuở nào


Powered by Froala Editor

Cuốn “Văn khoa chân dung ký” của Hữu Đạt được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho xb từ năm 2006, đến nay vẫn có nhiều bạn đọc yêu thích và tìm đọc. Để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc với tác giả, trong mục “Nhân vật - sự kiện”, chúng tôi sẽ trích đăng dần dần một số chương liên quan đến các nhân vật của Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông và một số chân dung mà nhiều thế hệ sinh viên từng ngưỡng mộ.

 

Hồi thứ mười lăm

Trần như Hinh. Tình như Thu. Nhu như Bùi…

(trích “Văn khoa chân dung ký”, Nxb Hội Nhà văn )

 

          Tôi muốn dùng hồi kết để viết đôi dòng về bạn bè cùng trang lứa cùng những kỷ niệm với một số thầy chưa có dịp viết thành những hồi riêng. Lứa chúng tôi thuộc lớp cán bộ thuộc lớp sau, tuy là còn trẻ nhưng năm nay cũng đã ngoại ngũ tuần. Đây cũng là lực lượng kế tục, giữ vai trò trọng trách trong khoa khi đất nước bước sang thời kỳ Đổi mới.

          Khoá chúng tôi năm đó được giữ lại 5 người, gồm: Tôi, Trần Hinh, Lý Hoài Thu, Hà Văn Đức, Nguyễn Văn Nam và Phan Quý Bích. Trừ Nguyễn Văn Nam có nhà ở Hà Nội, còn lại 4 chúng tôi đều ở nhà tập thể tại ký túc xá Mễ Trì. Riêng anh Phan Quý Bích là cán bộ đi học, được ưu tiên ở gác xép, còn chúng tôi đều ở tập thể.

          Ngày chúng tôi mới ở lại, Phòng Tổ chức cán bộ “rèn” chúng tôi ghê lắm. Suốt mấy tháng trời, trước khi nhận công việc chuyên môn, chúng tôi phải đi quét vôi quanh hội trường và làm những việc chân tay để "rèn luyện" tư tưởng, tác phong. Đến lúc về khoa, mỗi người lại được giao một việc. Tôi và Hà Đức được cử làm trợ lý chính trị, đúng ra là "trợ lý của trợ lý chính trị" Lê Văn Quán. Hàng tuần, vào thứ hai, giáo sư Lê Văn Quán vào khoa tổ chức cho sinh viên chào cờ, giao ban. Chúng tôi phải có mặt bên cạnh ông như là các vệ sĩ số một. Ông là người hăng hái. Trời mùa đông rét căm căm, nhưng thứ hai nào ông cũng vào khoa từ trước 6 giờ. Hôm nào chúng tôi nhãng quên mà giờ ấy chưa thức dậy là bị ông phê bình cho sát sạt.

          Trần Hinh và Lý Hoài Thu được cử làm trợ lý tư liệu. Mỗi tuần hai buổi, hai người này phải cho sinh viên mượn sách theo lịch trình giống như nhân viên thủ thư thực sự. Họ không phải dậy sớm, nhưng lại phải trực hành chính cả ngày. Tuy nhiên, buổi trưa bao giờ họ cũng được ngủ rất ngon vì không dính dáng gì tới các chuyện khác. Còn chúng tôi thì không mấy trưa không bị Lê Văn Quán xách đi. Ông sùng sục khắp nơi. Lúc đi "bắt" mấy sinh viên đánh bóng chuyền trong giờ nghỉ trưa, lúc vào phòng xem ai còn nói chuyện. Có hôm, sau mười một giờ ông còn bắt chúng tôi cùng ông đi kiểm tra nội vụ, yêu cầu các phòng tắt đèn và không được nói chuyện lúc đêm khuya. Trong sinh viên lúc đó lại có nhiều bộ đội phục viên hay giải ngũ. Họ rất bất bình việc này. Có người phản ứng ra mặt khiến chúng tôi thật ngán ngẩm. 

          Tuy cuộc sống lúc đó với chúng tôi rất hà khắc, nhưng chất lãng mạn lại tràn ngập trong tâm hồn. Không phải chỉ mấy anh em chúng tôi mà cả mấy cán bộ ở khoá trên nữa, đều có những giờ phút thăng hoa rất lạ lùng. Chiều chiều, mỗi khi đi ăn cơm ở bếp ăn tập thể về, tất cả bọn lại đứng trên gác 4 nhà C2 trước cửa phòng tôi. Không có ai quản ca. không có người xem hát. Vậy mà chúng tôi cứ say sưa hát hết bài này đến bài khác. Những người tham dự trong các cuộc biểu diễn văn nghệ này thường có: Bùi Việt Thắng, Nguyễn Văn Cảnh, Phạm Quang Long, Trần Nho Thìn, Trần Hinh, Hà Văn Đức và tôi. Những bài được chúng tôi yêu thích là những bài hát cách mạng như: "Hành khúc ngày và đêm", "Trường sơn Đông, Trường sơn Tây", "Con kênh xanh xanh", "Giải phóng mìên Nam"… và những bài "nhạc xanh" như: "Chiều Matxcơva", "Cây thuỳ dương", "Ca chiu sa", "Ngôi sao ban chiều", "Con ếch xanh", "Ngôi nhà trắng"… Có một điều rất lạ là, dù sống trong cảnh "cơm tập thể, giường cá nhân", bụng lúc nào ăn xong cũng chỉ mới lưng lửng, vậy mà ai cũng rất yêu đời. Nói cho đúng, nhờ yêu đời mà chúng tôi mới vượt được lên để sống và làm việc một cách hăng say, không bị "mòn gỉ" ra như anh giáo Thứ trong "Sống mòn".

          Sở dĩ bạn bè hay kéo lên trước phòng tôi vì đó là gác tư, mùa hè thường có gió lộng, rất mát. Điều quan trọng nữa là phòng chúng tôi thường có món đặc biệt với biệt danh "cá luộc Trần Hinh". Đây là thứ "của độc" có lẽ cả hai toà nhà Văn Sử không một ai có.

          Món cá luộc của Trần Hinh là loại cá bạc má hoặc cá chích to gần bằng hai ngón tay. Cá được luộc kỹ, phơi khô, mùi rất thơm, có thể để hàng nửa năm không bị mốc. Lúc đầu, không mấy ai để ý đến thứ của độc này vì thỉnh thoảng Trần Hinh mới bỏ ra uống bia. Nhưng rồi có một hôm, sau khi chúng tôi hát rã cả cổ những bài hát không có ai đặt hàng, bỗng Hà Đức reo lên:

          - Hình như nhà Trần Hinh mới gửi ra món cá luộc. Có lẽ ta ăn nếm thử xem.

          Mọi người thấy ý kiến hay liền ủng hộ. Trần Hinh không có lý do thoái thác, bèn đem cả gói cá luộc ra. Gói cá chừng 2 kg. Ban đầu ai cũng nghĩ, "nếm" giỏi lắm chỉ hết vài lạng. Nào ngờ, càng ăn càng ngon, các thầy nếm một lúc đã bay 2 kg cá. Trong tờ gói giấy báo chỉ còn vài cái vảy trắng sót lại. Cá ngon, các thầy xơi luôn cả vảy. Tôi chợt thấy cặp mắt Trần Hinh có vẻ xót xa. Xót xa mà vẫn nở nụ cười, một nụ cười hình chữ nhật.

          Cuộc "nếm" thử đã tạo thành thói quen. Hôm nào hát mà không ăn vã cá lại sinh ra thèm. Thành ra, lần nào Trần Hinh nhận được quà cá luộc từ trong quê gửi ra cũng phải hiến cho đội văn nghệ. Ăn vã cá xong các thầy hát càng hăng. Có khi một lúc cuốn hàng chục bài, thậm chí hát hết cả các bài quen thuộc thì lại hát vòng lại. Bây giờ hát chỉ còn là cái cớ. Nguyên nhân chính là, còn món cá luộc ở đó thì chẳng ai chịu về.

          Cái câu "Trần như Hinh…" có rất nhiều nghĩa. Thứ nhất, vận vào họ để tạo ra nhịp và vần nối vào câu sau. Thứ hai, hàm ý nhắc tới các vụ ăn vã cá luộc. Và thứ ba, có ý nhắc tới chuyến đi Pháp của Trần Hinh. Dạo đó được đi nước ngoài thì hồi hộp lắm. Nhất là đi một nước tư bản. Trần Hinh nhận được quyết định đi Pháp, cũng học theo các thầy, giữ bí mật như đánh trận. Đến nỗi tôi thường chơi với Trần Hinh, ở cách mấy phòng mà mãi tới hôm cuối cùng, Trần Hinh tổ chức liên hoan, thấy ầm ầm tôi mới biết. Tâm lý của người được đi tư bản lúc đó kỳ lạ lắm. Sợ cả hàng xóm, sợ cả bạn bè…không phải vì họ không tốt mà họ vô ý nói phô ra, có đứa nào xấu bụng, lao lên phòng tổ chức cán bộ một cái đơn. Thế là đi toi hết. Hoãn lại để điều tra, xác minh… Một cuộc hoãn lại, thời gian vô định không biết đến bao giờ….

          Cho nên tôi chỉ biết chính thức việc Trần Hinh đi Paris khi vợ Trần Hinh sang mời, nhưng đúng vào giờ đi dạy nên tôi cũng không dự được bữa liên hoan vui vẻ này. Sau ngày Trần Hinh ra đi tôi thấy rất trống trải bởi vì trước sân nhà tập thể giờ đây chẳng còn cái cảnh trà dư tửu hậu vào mỗi buổi chiều hay những đêm sáng trăng. Mỗi lúc rỗi rãi tôi lại phải lên tận nhà C5 để cùng anh Nguyễn Đình Bưu, Nguyễn Thanh uống trà hoặc luận bàn thế sự. 

          Trần Hinh đi được mấy tháng trở về đã đem lại một niềm vui cho cả xóm. Anh có chiếc ti vi to nhất, sang nhất phục vụ cho những trận bóng đá tưng bừng và những đêm văn nghệ cuối tuần vào thứ bảy. Nước Pháp vỗ Trần Hinh có vài tháng mà làm cho anh khác hẳn đi. Da trắng hơn. Dáng người đi lại xem ra cũng đường bệ, tự tin hơn nhiều. Bây giờ thì Trần Hinh hay cởi trần chứ không mặc áo lót như trước vì ngực, lưng đã đầy đặn, mỡ màng hơn, không xương xẩu như thời ăn vã cá thuở nào. Hàng xóm thấy anh chiều nào cũng mặc chiếc quần soóc trắng, ngả chiếc giường xếp ra nền sân đất dưới giàn mướp, đọc sách rất phởn phơ. Thỉnh thoảng lại giơ tay vỗ đen đét lên bắp đùi cứ như thể là có rất nhiều muỗi, nên mới có thơ rằng:

Đùi ai ra sức phô men sứ

Gọng kính bằng vàng  bỏ nơi nao

Trang sách hững hờ soi giàn mướp

Giậu thưa, gió thoảng nhẹ đưa vào

Mặc xác cho đời đua chen vội

Ta còn đủng đỉnh với trăng sao…

          Tính Trần Hinh vẫn thế. Đủng đỉnh đi giữa cuộc đời. Anh nhàn hạ trong mọi ý nghĩ vì rất thấm thía cái sự phi lý nhờ đọc văn học Pháp và nghiên cứu  khá kỹ về nhà văn Camus. Anh nghiền ngẫm từ cuối thế kỷ XX sang thế kỷ XXI để cuối cùng đã viết một cuốn sách chuyên luận về tác giả này.

          Trong khu tập thể ngày ấy, Lý Hoài Thu là một người hay nhập cuộc với đám chúng tôi trong các cuộc tán phét về văn chương. Tính Thu nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ, đôi khi lại "làm duyên' trong cách nói năng nên anh em mới gán cho chữ "Tình như Thu". Chữ "Thu" bắt vần với chứ "nhu" tạo nên câu nối tiếp "Nhu như Bùi…". Bùi ở đây là Bùi Việt Thắng. Anh là một người ít nói, hay nhường nhịn tới mức nhu mì. Ở gần Bùi, sẽ thấy anh là người "rủm rỉm" nhưng đậm đà tình cảm, mặc dù bề ngoài anh có vẻ ít nói và hơi khó gần.

          Kỷ niệm đầu tiên giữa chúng tôi và Bùi là lần Hội khoa ở Ký tác xá Mễ Trì. Hôm đó, gặp mặt xong, Bùi xách một chiếc máy ảnh mời tôi, Hà Đức, Trần Hinh và Lý Hoài Thu vào Phùng Khoang chụp ảnh. Đi giữa cánh đồng mênh mông, lũ chúng tôi lăn lê, bò toài đủ mọi động tác để cho Bùi bấm máy hy vọng có những kiểu ảnh nghệ thuật. Đi miết từ trưa đến chiều tối bụng đói mòm, chúng tôi đã lấy được nhiều cảnh đẹp, nhiều pha chụp độc đáo. Nhưng đến hôm sau, Bùi vào đem theo một khuôn mặt thất vọng: Khỉ quá, tôi quên lắp phim… Thế là cả bọn cười ồ. Chúng tôi mất một ngày rong ruổi, nhưng không sao. Ảnh không có nhưng miễn là có chụp. Thế cũng quí lắm rồi.

          Sau này, khi sang Matxcơva, tôi và Bùi thỉnh thoảng có nhắc lại kỷ niệm này. Nó như là một ky ức của thời gian khổ, nghèo nhưng mơ mộng và thật đáng yêu.

          Bùi học khoá 14. Anh là người duy nhất được giữ lại của khoá này. Năm 1986, anh và Trần Nho Thìn cùng được cử đi Liên xô thực tập. Lúc đầu Thìn ở Khác cốp sau mới về Matxcơva. Bùi thì thực tập tại trường đại học Lô mô nô xốp, gọi tắt là MGU. Nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam chơi chữ gọi chệch đi là trường Mờ gù. Bởi vì học xong mấy năm ở đây ra nếu không gù lưng sẽ bị mờ mắt. Bùi được ở trong một căn phòng rộng chừng 12 mét, nhưng lại có cả toa lét, tủ đựng quần áo, nên khá chật. Đó là phòng 418, zôn G. Trước khi lên đây, phải đi vào một chiếc thang máy cổ lỗ sĩ, nặng nề như cỗ xe tăng. Những lúc vội thường rất bất tiện.

          Trước khi tôi bay sang nước Nga, người bạn đời của Bùi thông báo, anh đang ốm, lúc nào cũng đòi về. Cô phàn nàn, sao người ta sang Nga thì béo khoẻ ra, còn Bùi thì lúc nào cũng thấy ốm quặt quẹo. Tôi hứa với cô, khi sang Mát sẽ cố động viên để làm thay đổi cuộc sống của Bùi. Phu nhân của anh lấy làm tin tưởng lắm. Cô gửi tôi một số quà như lố cầu, son, phấn…Cái thời nửa trăng nửa đèn ấy, người Việt Nam được hưởng một chế độ siêu lợi nhuận mà nói ra bây giờ cũng chẳng mấy ai tin. Chỉ cần 9 lố cầu (mỗi lố có 12 quả địa cầu bằng nhựa to bằng quả táo ta) bạn có thể đổi lấy một chiếc tủ lạnh Saratov. Một lố chì nhũ zởm (loại chì nhũ gia công làm bằng đất sét) có thể đổi được hai chiếc bàn là. Chỉ tiếc hải quan hai nước không cho đem nhiều chứ nếu cho đem tự do, chắc hẳn người Việt Nam sẽ giàu lên nhanh chóng.

          Bùi nhận được quà của vợ, rất phấn khởi. Anh có mặt ở chỗ tôi ngay buổi tối đầu tiên khi tôi đặt chân tới Matxcơva. Xa nhau đã hai năm, biết bao chuyện để nói. Chuyện khoa, chuyện trường, chuyện nước Nga… chuyện nào cũng đều có sức hút cả. Tiễn chân Bùi, tôi hẹn cuối tuần sẽ sang khu ký túc xá của anh.

          Dạo đó mới vào tháng 11, nhưng trời lạnh và tuyết rơi rất nhiều. Cả con đường từ tôi sang chỗ Bùi, tuyết rơi trắng xoá, dày xốp như chiếc chăn bông khổng lồ trải trên đường. Những chỗ gần đường, tuyết đóng thành băng, còn trong các khu rừng cây, tuyết dày đến hơn nửa mét. Trường MGU âm u như toà lâu đài cổ nằm giữa đỉnh núi Lênin. Bốn phía có 4 toà tháp, đồng thời cũng là 4 cổng ra vào có cảnh sát và thường trực gác suốt ngày đêm. Muốn vào được các zôn, có thể đi qua cổng chính hoặc qua các cổng phụ. Tuy nhiên đều phải đăng ký thủ tục trước khi xuất trình giấy tờ cho cảnh sát nhận mặt và kiểm tra.

          Vì hẹn trước nên Bùi xuống cổng thường trực để đón tôi. Anh đội chiếc mũ lông, khoác áo măngtô dạ, đi giày lông, nên mới gặp tôi không nhận ra. Trông anh hao hao như người Ấn Độ, chỉ có đôi mắt là nhỏ, nhanh và có vẻ hơi đa tình.

          Bùi dẫn tôi qua sân, nơi có những tảng băng dày màu xanh ngọc giống như những chiếc bánh đa trong chuyện cổ tích xếp chồng lên nhau. Hôm đó, gió rất mạnh, ù ù quất trên cành cây, thỉnh thoảng lại làm tung những bông hoa tuyết bám trên những cành nhánh khẳng khiu quanh những thân cây khô khoẳng. Mùa đông, bầu trời Matxcơva rất buồn.

          Để đến được zôn G, chúng tôi phải đi vòng vèo qua nhiều ngõ ngách, hun hút dưới tầng 1, hệt như một cái hang chuột khổng lồ. Toà nhà chính là một cái tháp nhọn cao mấy chục tầng, nằm ở chính giữa. Khắp bốn phía không biết bao nhiêu là hành lang. Không biết một sinh viên nào của ngành toán lý đã ngồi tính nhẩm, nếu đi hết các hành lang trong toàn trường MGU thì tổng đường dài của nó bằng từ Hà Nội tới Huế. Bùi rất hãnh diện khi được là một thành viên của toà nhà này. Tuy nhiên, chính cái cuộc sống tịch mịch của nó lại là nguyên nhân cướp đi trong tâm hồn Bùi những phần tươi sáng nhất. Nói cho chính xác thì lúc này Bùi đang sống trong niềm vinh quang thảm hại. Anh tiều tuỵ gần như một ông già. Không bia. Không rượu. Không thuốc lá. Nhịp sống của anh chỉ còn lại là chiếc bánh mì, ít bơ và thịt gà đông lạnh.

          Nghe Bùi tâm sự về quãng đời gần hai năm ở MGU mà lòng tôi thảng thốt. Hoá ra Bùi bị đau bụng sau khi đến Mát được 6 tháng. Anh đã đi khám, chiếu chụp khắp nơi mà không phát hiện nó là căn bệnh gì. Chỉ thấy Bùi gầy rộc đi, Bụng có thứ gì lạ là reo vui một khúc giao hưởng. Anh ăn kiêng khem không kém gì người đàn bà ở cữ.

          Bữa cơm rất tẻ vì Bùi không uống được bia. Bia uống một mình, cũng giống như uống nước lã, chẳng có nghĩa vị gì. Qua quýt cho xong bữa, chúng tôi chuyện gẫu với nhau.

          Đêm ấy tôi ngủ lại MGU. Căn phòng chật chội chỉ còn gần chục mét là khoảng trống vừa đủ kê chiếc đi văng và chiéc bàn làm việc. Hai người nằm chung trên đi văng thì không được rồi. Để khách nằm đất thì không tiện. mà để chủ nằm thì khách cũng không yên vì chủ đang là bệnh nhân. Chúng tôi đùn đẩy nhau, ai cũng nhận phần mình nằm đất. Cuối cùng Bùi nghe tôi, anh nằm trên đi văng còn tôi trải đệm ra nằm.

          Khi tắt điện, phòng Bùi yên tĩnh một cách lạ lùng. Không có một tiếng động nào có thể lọt qua hai lần cửa. Sau lớp kính dày nơi cửa sổ, nhìn ra bầu trời chỉ thấy một quầng sáng nhờ nhờ, đục đục. Thứ ánh sáng của đèn điện bị chìm ngập trong tuyết, nó lạnh lẽo và âm u. Tôi có cảm tưởng như phòng của Bùi là một chiếc quan tài nằm trong khu âm phủ. Thảo nào, Bùi sống ở đây mới có sáu tháng mà trí lực tiêu hao, xác hồn tiều tụy. Gặp tôi, anh không khác nào nắng hạn thấy mưa rào. Từ nay, anh có thêm một người để bầu bạn, chia sẻ, không phải sống lầm lũi một mình như kẻ lữ hành cô đơn.

           Những ngày sau đó, Bùi thường sang DOM 5. So với MGU, DOM 5 quả là một nơi đô hội. Nó sầm uất giống như Hàng Đào, Hàng Ngang, lúc nào cũng tấp nập những người. Sống ở đây, buồn không có chỗ để buồn, vì suốt ngày, người Việt khắp nơi đổ về, vào ra, buôn bán. Hàng từ Khác cốp đến. Hàng từ Ba lan sang. Hàng từ Mát đánh đi khắp các ngả: Hung ga ri, Bun ga ri, Tiệp khắc, Đức…Nếu không ra khỏi ốp hoàn toàn không có cảm giác mình đang ở nước ngoài.

          Khi đến DOM 5 chỉ hai ngày là tôi tạo được đường dây mật thiết giữa các anh em khoa Văn cũ gồm tôi, Bùi và Hà Chính Chuyên. Chúng tôi thường ăn cơm với nhau và thường ôn lại những chuyện đời và các kỷ niệm xưa cũ. Thời gian này Trần Ngọc Vương chưa xin được lên Mát. Trần Nho Thìn thì ở Konkovơ nhưng ít khi đến Đôm 5 vì đang vướng bận một số việc ngoại vụ. Cũng có một số người không hiểu Hà Chính Chuyên, coi anh là kẻ gàn gàn, cục cục. Nhưng gần Chuyên mới thấy anh là người rất tình nghĩa, nhiệt tình với bạn bè. Cái mà tôi phục nhất ở Chuyên chính là tính quyết liệt của lý trí. Dường như, anh đã nói hay nghĩ tới việc gì là quyết tâm làm cho bằng được. Dù có phải trả giá thế nào anh cũng không lùi bước. Chính vì thế, mà chỉ trong vòng vài năm, có lúc Chuyên là triệu phú, có lúc lại phải chạy vạy, ăn vay. Tôi tuy nghèo hơn Chuyên nhưng có lúc lại là chủ nợ của anh đến cả gần năm trời. Nói cho đúng, có lúc Chuyên trở về với hai bàn tay trắng, không còn cả tiền ăn. Những lúc ấy, tôi trở thành người cứu rỗi. Chuyên rất quí tôi, đến nỗi ngày giỗ cụ thân sinh, anh nhờ tôi lo cho cả phần thắp hương cúng vái. Bao giờ cũng thế, anh làm cỗ xong xuôi mới chạy lên gác gọi tôi xuống với câu nói vui mà rất chân tình: "Mời thấy xuống cúng cho tôi một bài".

          Chỗ tá túc chính của Bùi là phòng 611, nơi tôi ở. Nhưng hôm nào Bùi sang, tôi làm việc trên Viện chưa về thì Bùi xuống tầng 5, vào phòng 522 ngồi đợi. Thỉnh thoảng, vợ Bùi gửi từ trong nước được vài thứ hàng, Bùi lại mang sang chỗ tôi nhờ giải quyết. Nhờ sự giao lưu  mà Bùi tươi tỉnh hẳn lên. Bùi như một cái cây đang héo khô, nay dần tươi trở lại, cành nhánh ra hoa. Nụ cười héo hắt nở trên môi hôm nào nay bừng lên một sức sống mới.

          Thương Bùi sống trong cảnh cô quạnh, tôi hẹn mỗi tuần sẽ sang ngủ một tối với Bùi, thường là vào thứ tư hoặc thứ năm. Những hôm tôi sang, Bùi rất vui, chuẩn bị nấu nướng rất khí thế. Mới có một, hai tháng mà Bùi khác hẳn. Anh không còn cái vẻ ủ dột, yếm thế mà nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn lên. Có hôm anh đi cả chặng mấy trăm cây số để tìm mua bisevton, một loại thuốc đi ngoài rất công hiệu, gửi về cho vợ. Với mặt hàng này, anh là một chuyên gia có hạng. Những khách qua Mát, muốn đem tiền về đều phải chuyển qua đường hàng hoá, nên mặt hàng của anh rất có giá. Nó là thứ hàng lãi suất rất cao, mà đem theo người lại nhẹ, vô cùng tiện lợi.

          Thấm thoắt thế mà đã đến ngày giáp Tết. Sáng ngày Ba mươi âm lịch, Hà Chuyên rủ tôi xuống ốp công nhân ở mãi tận ngoại ô. Anh bảo chỉ đi một ngày thôi để tối còn về đón giao thừa ở ký túc xá. Chúng tôi khởi hành luc 7 giờ. Trời rét căm căm, nhưng chui xuống Metro là coi như vào một phòng điều hoà nhiệt độ. Chỉ khoảng hơn hai tiếng chúng tôi đã ra tới vùng ngoại ô Matxcơva và vào một ốp công nhân của người Việt. Ở đây, không khí đón tết rất là vui vẻ. Ngay dưới chân ốp, một cây đào lớn đang được dựng lên. Các nam nữ công nhân khéo tay đã mua về những loại giấy màu và cắt dán những bông hoa vô cùng xinh xắn đến nỗi người không tinh ý sẽ không phân biệt được hoa giả. Người quen của Hà Chuyên đón chúng tôi rất nhiệt tình. Chúng tôi đi qua vài căn phòng và ngạc nhiên khi thấy phòng nào cũng hương khói nghi ngút, bàn thờ long trọng bởi mâm ngũ quả. Gần khu vực nhà ăn, một tốp thanh niên nam đang sắn tay mổ lợn. Tiếng lợn bị chọc tiết kêu eng éc gợi lại cái cảnh đón tết ở quê nhà, làm cho không khí của Năm Mới thêm tưng bừng náo nhiệt.

          Cỗ Tất niên ở miền viễn xứ đầy đủ các món sở thích của người Việt: tiết canh, lòng lợn, bánh chưng xanh… Thì ra người Việt Nam đi đâu cũng để lại cái dấu ấn văn hoá của mình khi đón Xuân. Ăn Tết tập thể xong, họ bắt đầu nhảy múa và ca hát. Các bạn Nga cũng nhiệt tình tham gia các tiết mục khiến cho đêm 30 rất đỗi tưng bừng.

          Mãi tới gần 10 giờ đêm tôi và Hà Chuyên mới ra Metro để về. Bằng giá nào chúng tôi cũng phải về kịp đón Giao thừa trong ký túc xá. Chuyến tàu lao đi trong màn đêm. Lúc này, trong toa khách chỉ còn rất ít người. Chúng tôi gặp ba nữ công nhân trẻ chừng 18 tuổi cũng cùng ngồi một toa. Tôi hỏi thăm, sao sắp đến Giao thừa mà các bạn trẻ còn đi đâu? Họ trả lời, chúng em sang với chị gái ở một ốp cách đây 600 cây số. Có lẽ không kịp, đành phải đón Giao thừa trên tàu. 

          Nói xong, tự nhiên cả ba cô nước mắt đều ứa ra. Bỗng nhiên, tôi thấy nhớ nhà một cách cồn cào.

           Đoàn tàu băng đi. Lúc chui trong lòng đất, lúc lại hiện ra giữa các khe đồi cao. Ngoài cửa sổ mênh mông tuyết trắng. Trước mắt tôi bỗng bị mờ nhoà. Xen lẫn trong tôi là cảnh của hiện tại và cảnh đón Tết ở quê hương. Bây giờ, cái xóm nhỏ Mễ trì bắt đầu hiện lên. Dãy nhà giấy dầu lụp xụp. Giậu mồng tơi phơ phất lá non. Con đường nhỏ dẫn ra vòi nước công cộng. Tiếng í ới của bà con đang chuẩn bị Tết….Không biết lúc này các con tôi đang ngủ hay vây quanh mẹ nấu bánh chưng xanh? Tôi nhớ, mỗi năm Tết đến, các con tôi thường lẽo đẽo theo tôi đi chúc tết khắp các nhà trong dãy tập thể. Văn thường được bố dắt đi, còn Thuỳ thì được bế. Đến khi Thuỳ lũn tũn biết đi thì bao giờ cũng thích chạy tung tăng một mình…

          Tưởng tượng tới cảnh đoàn viên trong ngày Tết nước mắt tôi cũng ứa ra lúc nào không hay. Khi về tới ký túc xá, tôi viết ngay bài thơ "Đêm giao thừa ở Matxcơva" giữa lúc mọi người đang tưng bừng nhảy múa trên sàn nhảy ở tầng 1. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là trong cuộc nhảy tưng bừng này lại có cả Trần Nho Thìn. Tôi không nghĩ là một người dạy văn học Cổ như anh lại có thể sống náo nhiệt đến thế. Anh nhảy hăng say, tuy điệu thức chẳng mấy gọn gàng vì anh hơi to béo. Lúc đó tôi đang mải hóa trang nên không kịp ra bắt tay anh. Gọi là hóa trang cho oai, chứ thực ra tôi đang loay hoay với bộ tóc và râu giả để vào vai “Ngọc Hoàng”, một vở lịch vui tôi vừa kịp hoàn thành khi mới chân ướt chân ráo đặt chân tới Mátxcơva do yêu cầu của Ban Tổ chức. Tôi bị lôi kéo vào không khí kịch trường là bởi anh Lân Cường, một chuyên gia về khảo cổ học, quá nhiết tình với công việc đón Giao thừa. Tôi vừa viết kịch bản lại vừa làm đạo diễn nên chọn ngay cái vai thống soái là Ngọc Hoàng quyền uy. Còn Lân Cường, tôi phân cho vai ông Táo cùng với một người nữa. Vở kịch chỉ có ba diễn viên, ấy vậy mà làm khuấy đảo cả Hội trường, khiến các bạn Tây cũng vỗ tay ầm ĩ…

          Khi sân khẩu hạ màn, tôi chạy ra thì Trần Nho sinh đã biến mất khiến tôi không kip mời anh đến đón Tết vào sáng hôm sau.

          Sau khi đi hết các phòng trong ký túc xá Viện Hàn Lâm, chúng tôi trở về phòng tổ chức làm cơm đón Năm Mới. Trong bữa tiệc đầu xuân, ngoài tôi, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Văn Hằng còn có Bùi Thị Diệp và Bùi Việt Thắng, Khi rượu khai xuân vừa rót ra, mọi người cụng ly để chúc mừng sức khoẻ, tôi liền hắng giọng đọc bài thơ "Đêm giao thừa…" vừa mới viết. Không hiểu xúc cảm do xa nhà hay do nghĩ thương mấy cô gái trẻ trên tàu mà giọng tôi trầm hẳn xuống:

 Em đành đón Giao thừa trên tàu.

Nỗi nhớ quê hương làm em muốn khóc.

Ngoài cửa sổ mênh mông màu tuyết

Ở quê nhà tiếng pháo đã sang xuân.

 

Em xa nhà đã được mấy năm?

Mấy Tết xa quê để bạn bè mong nhớ

Bên bếp nhà em nồi bánh chưng luộc giở

Mẹ em ngồi thức đến sang canh…

 

Ôi! Những người con xa quê hương

Khi Tết đến sao cồn cào nỗi nhớ

Hoa đào nở nhà  ai trước ngõ

Cành mơ vàng day dứt gió hương bay.

 

          Một điều không ngờ đã xảy ra. Tôi vừa đọc tới đó thì Nguyễn Văn Hằng bỗng oà khóc. Rồi đến Diệp. Đến Bùi. Ai cũng khóc nức nở như một đứa trẻ con, khiến tôi thật sững sờ. Nước mắt lưng tròng tôi lao vào nhà tắm. Ngoài kia, bữa tiệc ngổn ngang thịt rượu bị bỏ chỏng chơ. Bài thơ đã làm cho cuộc vui bị phá tan tành.

          Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là một người trầm lặng như Bùi mà cũng khóc bừng lên một cách bồng bột. Sau khi lau nước mắt, anh bảo: "Đúng là sức mạnh của thơ ca".

          Trong thời kỳ cùng nhau nghiên cứu và học tập ở Matxcơva, tôi và Bùi có rất nhiều kỷ niệm. Có những đêm, tôi thuê taxi chở Bùi rong ruổi khắp thành phố, hết hai trăm đô la khiến Bùi vừa nể vừa ái ngại. Chính vì thế, Bùi vẫn gọi đùa tôi là "người hùng" của DOM5. Nhưng nếu Bùi biết, trong cái ký túc xá của tôi còn vô vàn các anh hùng hảo hán thì việc đi taxi một đêm hết một, hai trăm đô chỉ là chuyện bình thường. Cho dù, với mặt bằng kinh tế trong nước lúc đó thì chuyện này cũng là chuyện tày trời. Sau này, ngay cả Trần Ngọc Vương về Mát rồi thì tôi vẫn là nơi Bùi hay lui tới hơn cả. Theo lịch trình cũ, cứ tối thứ tư hoặc thứ năm là tôi lại sang chỗ Bùi. Ngoài việc lo tư liệu viết luận án, làm thêm kiếm chút thu nhập trong điều kiện giá cả sinh hoạt ngày càng tăng cao, tuần nào tôi cũng dành riêng một, hai tối để viết. Cuốn tiểu thuyết "Hai đầu của bức thư tình" được tôi viết tranh thủ trong những ngày sống ở DOM 5 và phòng 418, zôn G, của Bùi. Đó là cuốn sách gây khá nhiều sóng gió cho dư luận vào thời điểm năm 1991, khiến cho tôi suýt bị trục xuất về nước và Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cũng bị lao đao với rất nhiều cuộc họp kiểm thảo. Trong đó những người trực tiếp phải liên luỵ là nhà văn Nguyễn Phan Hách, trưởng phòng Văn nghệ (nay ông là Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn) và nữ nhà văn Lê Minh Khuê, người trực tiếp biên tập cuốn tiểu thuyết nói trên.

          Theo ông Nguyễn Phan Hách kể lại thì ở trong nước lúc đó, ông và nữ nhà văn Lê Minh Khuê đã phải "chịu trận" khá căng thẳng. Đến cuộc họp thứ 28, khi nữ nhà văn Lê Minh Khuê sắp giải trình một báo cáo dài 14 trang thì có tin chính thức nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Liên xô bị tan vỡ. Thế là mọi cuộc họp được đình lại và số phận cuốn tiểu thuyết coi như được an bài. Ngày tôi trở về đến thăm nhà văn Nguyễn Phan Hách, ông tươi cười nói với tôi "Chúng ta đã đụng đến một tảng băng lớn như dãy Hy ma lay a trong lúc nó vừa sụp đổ. Ông cần ghi nhớ toàn bộ sự kiện dó đẻ sau này viết hồi ký văn học". Tôi chưa có thời gian viết lại những trang hồi ký sống động cùng các bạn bè về các sự kiện đáng nhớ trong những quãng đời sáng tác của mình. Tuy nhiên tôi cũng muốn nói thêm vài lời về nữ nhà văn Lê Minh Khuê.

          Số là trước khi bay sang Nga, tôi có gửi đến nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cuốn tiểu thuyết có tên "Phía sau giảng đường". Chị Lê Minh Khuê là người biên tập cuốn  sách này. Trong bản nhận xét biên tập, chị đánh giá đây là một cuốn viết rất sâu sắc về trí thức Việt Nam hiện đại, cần sớm cho xuất bản. Nhưng khi bản thảo được chuyển đến Giám đốc, Tổng biên tập - nhà văn Nguyễn Kiên thì ông lại nhận xét ngược lại. Ông phê: cuốn sách này đánh sập toàn bộ kiến trúc thương tầng của Chủ nghĩa Xã hội. Chị Khuê mời tôi đến trao đổi. Chị nói, theo nhà văn Nguyễn Kiên, tôi cần phải sửa lại 5 điểm cơ bản. Nghĩa là cần chuyển nội dung sang chiều hướng ca ngợi chứ không phê phán nhiều như bản thảo hiện nay. Có như vậy mới đảm bảo mặt chính trị. Chứ nếu để in như thế này thì đó là cuốn sách đánh thẳng vào thượng tầng của Chế độ.

          Tôi nhún vai mỉm cười rồi trả lời:" Nếu thế tôi lại thành nhà văn Nguyễn Kiên chứ không phải là tôi nữa. Cho tôi rút về, lúc nào có điều kiện sẽ tính sau".

          Tôi sang Nga được hơn một năm thì một hôm nhận được thư của nhà văn Lê Minh Khuê gửi từ trong nước sang nhắn tôi: gửi gấp bản thảo "Phía sau giảng đường" về để chị in. Bây giờ trong nước Đổi mới rồi chứ không trói buộc như trước nữa. Thư chị sang đúng vào lúc tôi sắp về nghỉ phép. Thế là, vừa về tới Hà Nội, tôi đã tức tốc đến gặp chị ngay. Bản thảo "Phía sau giảng đường" được chị cho đánh máy khoảng một tuần thì xong. Chị phấn khởi nói: "Lần này thì không có trục trặc gì nữa. Bản thảo đang lên "bông 1" rồi". Trong lúc đang phấn chấn chị lại bảo: "Chúng tôi muốn đặt anh viết cho một cuốn về Liên xô. Trong nước hiện nay đang có nhiều tranh cãi về nhiều vấn đề của nước Nga và cộng đồng người Việt bên đó". Tôi mỉm cười trả lời: "Tôi đã có bản thảo rồi". Nhà văn Lê Minh Khuê tròn mắt. Chị không tin, cứ tưởng tôi nói đùa. Nhưng sau thấy tôi nói giọng nghiêm túc, chị hỏi: "Có thể cho tôi mượn xem được không". Tôi đồng ý.

          Tôi giao bản thảo cho Lê Minh Khuê và lo chuyện làm nhà, coi như là bạn bè đọc chơi với nhau chứ chưa có ý định xuất bản. Nhưng khoảng 10 ngày sau, chị Khuê thông báo cho tôi: Nhà xuất bản sẽ in cuốn "Hai đầu của bức thư tình". Tôi hỏi: "Thế cuốn "Phía sau giảng đường " thì sao?". Chị nói: "Sẽ in cả hai cuốn. Nhưng sẽ in cuốn "Hai đầu của bức thư tình trước, rồi in gối luôn cuốn kia". Tôi khấp khởi mừng thầm.

          Khi cuốn sách ra đời, lúc đầu không gây ra rắc rối gì. Có một bài viết của anh Lê Đắc Đô, vốn là cán bộ giảng dạy văn học khoa Ngữ Văn đăng trên báo Văn nghệ. Anh đánh giá cuốn sách có nội dung hiện thực phong phú, hấp dẫn bạn đọc. Bài viết không tạo ra luồng tranh luận nào. Cứ tưởng mọi sự sẽ chìm đi. Nhưng đùng một cái, sau hai tháng khi cuốn sách ra đời, thì từ Đại sứ quán Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết tại Hà Nội đã gửi Công hàm tới Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ, phản ứng quyết liệt. Nội dung bức Công hàm tôi không được trực tiếp đọc, nhưng sau nghe kể lại, có nội dung rằng: Cứ theo tác giả thì Liên xô sẽ tan vỡ ?.

          Thời bấy giờ tuy Liên xô đang tiến hành cải tổ, nhưng tư tưởng cách mạng về Chủ nghĩa Xã hội dường như là một nguyên lý bất di bất dịch. Rất may là, tình hình trong nước đã biến đổi rất nhiều. Cuộc Đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt xã hội ở Việt Nam làm cho cách nhìn nhận về tác phẩm văn học cũng khác hơn. Tuy vậy với sức ép từ phía Sứ quán, Nhà xuất bản Hội Nhà văn vẫn phải tổ chức các cuộc họp, thậm chí phải tổ chức Hội đồng giám định cấp cao để đánh giá lại tác phẩm. Chính sự kiện này lại làm cho thị trường bừng lên một cơn sốt. Theo anh Trần Nho Thìn cho biết, khi anh về phép ở Hà Nội, giá cuốn tiểu thuyết "Hai đầu của bức thư tình" đã bị đẩy lên rất cao, gấp hơn hai lần cả bộ Đông Chu Liệt Quốc. Vì vậy Anh Thìn không bỏ tiền  ra mua mà đi xếp hàng vào thư viện Quốc gia để đọc. Nhưng ở đây người đọc cũng rất đông, đến nỗi anh Thìn phải nhờ một người quen mới "chen ngang" được và đọc mất 3 hôm trong đợt nghỉ phép tại Hà Nội.

          Lúc đầu tôi cứ tưởng anh Trần Nho Thìn nói đùa, nhưng khi anh Mai Quỳnh Nam đi phép sang cũng thông báo cho tôi một tin tương tự như thế, tôi mới tin. Anh nói: "Ở Hà Nội người ta đang tìm đọc sách của ông như đọc Lê Văn Trương ngày xưa". Lúc đó tôi mới  hiểu ra những biến cố đang xảy ra xung quanh cuốn tiểu thuyết của mình.

          Rắc rối hơn cả là sự kiện xảy ra ở Mát. Một hôm, cô N là sinh viên cũ của tôi vốn là cháu ruột đồng chí bí thư Đảng uỷ sứ quán qua phòng 611 thông báo: "Em thấy bác em nói thầy sắp bị trục xuất về nước cùng với 2 sinh viên trường MGU". Qua câu chuyện tôi mới biết đây là quyết định của Sứ quán Việt nam tại Liên xô. Thế thì không được! Tôi phải làm cho ra nhẽ. Tại sao lại có việc đánh đồng cuốn tiểu thuyết của tôi với tờ báo bất hợp pháp ở Mát? Người nào đưa ra quan niệm này ? Nhân một cuộc họp trên sứ, tôi đã chất vấn vài đồng chí có trách nhiệm. Tôi nói rằng, tờ báo của sinh viên trường MGU là hiện tượng phi chính trị, bất hợp pháp. Bởi nó ra đời khi chưa có giấy phép xuất bản và do một nhóm sinh viên manh động đòi đấu tranh cho vấn đề đa nguyên. Còn sách của tôi do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in, có giấy phép xuất bản đàng hoàng. Việc phản ánh hiện thực trong tác phẩm tuy là của riêng nhà văn, nhưng đã được Nhà nước kiểm duyệt. Như vậy việc phê phán nó phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của học thuật.

          Tôi yêu cầu ai ký vào văn bản cho tôi về nước phải tổ chức họp báo công khai để tôi phát biểu ý kiến và đối thoại. Nếu không, tốt hơn hết là cứ đợi tin chính thức trong nước vẫn chưa muộn…

          Sự mạnh mẽ và kiên quyết của tôi khiến cho vị lãnh đạo sứ quán cũng phải cân nhắc lại vấn đề. Chưa một ai ký vào bản quyết định buộc tôi phải về nước thì Liên xô tan vỡ. Thế là cái bản án vô hình mà người ta định kết tội tôi cũng đương nhiên tan thành khói mây.

           Sau đó, nhiều bạn bè Liên xô bắt tay tôi. Họ nói, hoá ra tôi đúng. Nhưng phấn khởi nhất là vị giáo sư hướng dẫn tôi, ông Iuri jacovlevich Plam. Ông mừng ra mặt. Có thể nói là ông đã thở phào. Bởi vì, ngày chúng tôi (gồm tôi, Ngô Thế Vinh và Nguyễn Văn Hằng) vừa đến Liên xô thì ông đã hỏi ngay: "Xin lỗi cho tôi hỏi, trong 3 anh, ai là nhà văn?". Thú thực, hôm đó tôi hơi ngỡ ngàng. Trong lý lịch tôi không khai mục này. Vậy làm sao ông biết được? Nhưng không thể từ chối, tôi đứng lên. Ông nhìn tôi hồi lâu rồi bảo: "Anh phải hứa với tôi, trong 4 năm ở Liên xô, anh không được viết tiểu thuyết. Có như vậy thì tôi mới nhận hướng dẫn anh. Khi anh bảo vệ luận án rồi, về nước thích viết gì về nước Nga hay viết gì về chúng tôi thì viết". Tôi gật đầu hứa với ông. Ông lại bảo: "Sở dĩ tôi muốn nói như vậy vì tôi biết, nhà văn thường làm việc rất hăng say. Mà anh thì cần phải giữ sức khoẻ!".

          Thế nhưng tôi đã không làm trọn lời hứa với thầy, bởi tôi nghĩ, tôi sẽ quyết tâm làm cùng một lúc hai nhiệm vụ. Ai ngờ, viết cuốn sách về nước Nga, tôi lại rơi vào một hoàn cảnh thật oái oăm! Sau cái vụ tai hoạ ấy, Thầy Plam lại quí tôi hơn. Ông cho tôi số điện thoại nhà riêng. Cũng từ đó tôi được phép đến nhà. Theo các anh chị sang trước tôi, đó là một trường hợp khá đặc biệt. Bởi từ trước đến nay, ông chưa bao giờ cho một ai trong nghiên cứu sinh đến nhà mình.

          Như vậy, cuối cùng mọi việc ở Matxcươva đối với tôi lại may mắn. Tôi không bị thầy Plam quở trách bất cứ một tiếng nào. Ông lại còn gần gũi tôi hơn. Điều thú vị hơn là sách của tôi được chuyền tay và được sinh viên trường Đại học Sư phạm Lê nin ở  Metro Vernatxkoe soxe đọc tập thể. Ở Pháp và ở Mỹ cũng đã có bài giới thiệu về cuốn tiểu thuyết này.

          Tuy nhiên, ở trong nước, tôi lại gặp một việc không may. Cuốn "Phía sau giảng đường" đã không được xuất bản như dự định. Nó phải đình lại một lần nữa. Mãi cho tới năm 1997, nó mới được xuất bản tại Hà Nội. Tính từ lúc hoàn thành bản thảo đến lúc nó tới được bạn đọc phải mất đúng 10 năm. 9 năm sau đó, năm 2006, tác phẩm này được chuyển thể thành tác phẩm sân khấu tại thành phố Hồ Chí Minh.

          Tôi muốn tóm tắt vài nét xung quanh cuốn "Hai đầu của bức thư tình" cùng các nhân vật có liên quan đến nó, vì đây là một tác phẩm được tôi viết trong thời kỳ sóng gió nhất của nước Nga, đồng thời nó là một kỷ niệm khá sâu sắc giữa tôi và Bùi. Nếu như khi tôi đến Mát, Bùi như một cây khô được xanh tốt trở lại nhờ quan hệ bạn bè và nhờ các hoạt động giao lưu thì Bùi cùng là một nguồn động viên không nhỏ đối với tôi. Anh đã cùng tôi chia sẻ những chuyện vui buồn và thường cổ vũ bằng một câu rất khích lệ "Người rất bận ngày ngày vô tận". Quả thực, nếu không quyết tâm thì chắc chắn tôi đã không có những tác phẩm như thế. Trong cảnh ồn ào, náo nhiệt của DOM 5 người ta dễ bị cuốn vào sức hút của đồng tiền và nhiều niềm vui bồng bột khác. Tôi đã chắt chiu từng chút thời gian để không tiêu phí đi những năm tháng tuổi trẻ tại xứ người. Và quan trọng hơn, quyển sách có thể còn nhiều điều phải bàn luận nhưng chắc chắn nó là một sự kiện đánh dấu những ngày cuối cùng của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Liên xô.

          Bùi về nước trước tôi. Anh đi vào "từ điển" của khoa Ngữ Văn với câu "Nhu như Bùi" trong tình thương mến của bạn bè. "Nhu" không có nghĩa là "nhu nhược" mà là biểu hiện của một tính cách ôn hòa. Điều này cũng được thể hiện ngay trong các trang viết của anh. Là một nhà phê bình văn học, nhưng anh hầu như không tham gia vào các cuộc tranh luận gay gắt mà thiên về lối viết bình luận nhẹ nhàng. Trong cuộc sống, Bùi ít nói, nhưng đôi khi có những câu đùa dí dỏm rất đáng yêu. Một lần tôi đùa anh: "Chị em nói Bùi có bộ ria đẹp nhất khoa". Anh tủm tỉm: "Đẹp nhưng không có ích". Khi nói chuyện với giới nữ, Bùi thường rủ rỉ nhưng là cái rủ rỉ chết người. Nó đã làm nên mối tình lâm ly với T như tôi đã kể trong chương viết về giáo sư Lê Chí Quế. Mãi tới giờ, tôi vẫn không quên cái giờ khắc lúc tờ mờ sáng, khi Bùi trở về với hai con mắt mòng mọng. Hình như cả đêm Bùi và T đã khóc bên nhau. Một mối tình thật phiêu lãng, đầy chất thơ. Họ không thể quay ngược số phận. Tất cả đã an bài. Nhưng cái chữ "tình" trong trái tim thì cứ lung linh mãi một thời.

          Những năm tháng sống ở Mễ Trì với thế hệ chúng tôi mãi mãi là một ký ức đẹp đẽ. Các thế hệ sau này đến đây thì xung quanh đã đều trở thành phố phường. Nhưng dạo chúng tôi học, cả khu ký túc chỉ như một cái chòm nhỏ nằm giữa bốn bề đồng lúa mênh mông. Từ đường Nguyễn Trãi đi vào phải đi qua một cái hồ nước rất rộng. Gần đó có một hố bom sâu và một đầm hoa súng. Mùa hè, những đôi trai gái yêu nhau thường đi dạo quanh chiếc đầm này vào lúc chiều tà. Họ ngắt tặng nhau những bông hoa trong đầm còn tươi màu hương và hát cho nhau nghe những bài nhạc xanh lãng mạn. Đêm đến, trăng toả chiếu mênh mông trên thảm lúa vàng. Dọc những hàng cây, từng đôi sinh viên nam nữ khoác tay nhau bước đi dìu dặt. Họ vừa ôn bài vừa nói với nhau những lời thủ thỉ của tình yêu.

          Sau này, những bạn bè của thế hệ chúng tôi lần lượt đi khỏi ký túc xá, nhưng ký ức về Mễ Trì vẫn mãi mãi là những kỷ niệm đẹp nhất cùng những hình ảnh về khoa Ngữ Văn. Riêng tôi, khi xa Mễ Trì đã viết một bài thơ khá dài được đăng nhiều lần và được tuyển in trong tập "Thơ nhà giáo". Tôi xin phép được dùng bài thơ đó để khép lại các trang viết của cuốn sách này.

 

Nhớ Mễ Trì.

 Ôi! Nhớ quá những ngày xa ký túc

Đêm mưa buồn thấm cả những trang văn

Tóc thầy cũ nay bắt đầu đã bạc

Bạn bè quanh tôi trán đã lộ nếp nhăn

 

Xóm nhỏ thân yêu một phần đời tôi sống

Nay xa rồi lại càng thấy thân thương

Những giận hờn và bao điều cay đắng

 Cả niềm vui cũng theo gió ra đồng

 

Sao nhớ quá bao người thân thuở ấy

Cuộc đời đi lên từ những đói nghèo

Dẫu có đua chen thì rồi cũng vậy

Đời thì buồn mà tiếng cười cứ trong veo.

Đêm!

Đã bao đêm rồi tôi thức

Vẫn nghe như tiếng Quan họ vọng về.

Bạn tôi vẫn hồn nhiên

hay hát cười cho quên đời cay đắng

Cây bàng trở mình rụng lá xuống lối đi…

 

Bạn tôi hỡi! Những con người đau khổ

Đâu chỉ trong trang sách của Huy gô ?

Mà có cả những mảnh đời đổ vỡ

Lạnh mái nhà sau mỗi một cơn mưa

 

Xóm Mễ Trì ơi nay xa cách

Các thầy tôi người mất người còn

Mấy chục năm trời thời gian chiu chắt

Tím cả cổng trường những cánh bằng lăng

 

Những cơn mưa xa… nắng quái chiều mùa hạ

Có con thuyền nào lại rẽ lối sang ngang

 Đời vẫn thế chẳng có gì to tát (*)

Mà những ai duyên phận lại lỡ làng?

 

Sao nhớ hết bao buồn vui sướng khổ

Mấy ai ngờ lại có phút chia ly

Dù xa cách trái tim nay vẫn hát

Xóm nghèo xưa thương mến lắm Mễ Trì

 

Tên gọi lắm ao hồ lúa gạo

Nhưng bây giờ chỉ toàn những bê tông

Mặt đất cũng không còn chỗ thở

Còn đâu đồng lúa lên đòng?

Để mỗi năm hai mùa thi cử

Bao cuộc hẹn hò dìu dặt dưới đêm trăng?

 

Tạm biệt nhé từ đây xa cách

Bao niềm thương gửi lại bến bờ

Tôi vẫn nhớ đêm nào mình hát

Tiếng đàn bầu và giọng bạn ngâm thơ

 

Bạn tôi hỡi dẫu cuộc đời đắng chát

Phút mộng mơ vẫn có lối ta về

Ai cóp nhặt ánh trăng vàng vụn vỡ

Nỗi buồn làm dan díu cả lối đi

 

Đời nối tiếp bao chặng đường khó nhọc

Cảnh hợp tan như giấc mộng can qua

Nghìn năm nữa ánh trăng xưa vẫn thức

Thời gian qua không một chút hững hờ

 

Đám trẻ Mễ Trì bây giờ đã lớn

Có đứa bây giờ cũng đã biết yêu

Trang sách ngỏ mở ra trước mặt

Nhân thế nỗi đau chúng có biết nhiều?

 

Xóm Mễ trì xưa nay thành lối phố

Có một người thầy giờ đã về hưu

Tôi còn nhớ bài thơ "Con chuột"

Nỗi đau thời gian còn đến bây giờ

 

Thế hệ chúng tôi mỗi người mỗi ngả

Chỉ tụ hội về trong những mùa thi

Bên cái nóng oi nồng mùa hạ

Ôn thuở ngày xưa: ký túc Mễ Trì

 

Đời vẫn đẹp như trong câu hát

Tình dẫu buồn khi phải chia ly

Trái mận thì chua, trái sung thì chát

Dẫu xa nhau vẫn nhớ phút đi về

 

Mỗi lúc cô đơn tôi vẫn nghe bạn hát

Ai thương mến nhau qua những miếng trầu

Có lẽ nào

Tình chỉ đẹp trong câu Quan họ

Còn cuộc đời lại quá lắm nỗi đau?

 

Bạn hát nữa đi! Khúc thương khúc nhớ

Dìu dặt làm gì cho khổ người đi

Dùng dằng lắm nên đời nhiều dang dở

Mây có bay đi, gió vẫn lại quay về

 

Tạm biệt nhé! Mễ Trì ơi, đi nhé.

Ai tiễn bạn mình chén rượu tràn ly?

Những trang sách giữa ngổn ngang trăn trở

Đêm lặng thầm gió lùa qua thành phố

Trong giấc mơ, bạn vẫn thấy tôi về…

           

----------------------------------------  

(*) Ý thơ Hữu Thỉnh.

 

 

 

 

 

 


Powered by Froala Editor