Viện phương đông

3 năm trước

Chèo xịn Thái Bình

Xưa và nay, khi nói về nghệ thuật chèo của Việt Nam nhiều người vẫn tôn vinh Thái Bình là đất chèo, là một trong những nôi chèo của Việt Nam.  

Powered by Froala Editor

CHÈO XỊN Ở ĐẤT CHÈO

                                                          Nguyễn Thanh

                                                          Nhà nghiên cứu văn hóa



       Xưa và nay, khi nói về nghệ thuật chèo của Việt Nam nhiều người vẫn tôn vinh Thái Bình là đất chèo, là một trong những nôi chèo của Việt Nam. Bởi vì, căn cứ vào những tư liệu hiện còn, hầu như các nhà nghiên cứu đều đã thống nhất khẳng định nghệ thuật chèo ra đời ở vùng châu thổ Bắc Bộ và định hình ở tứ trấn: Đông, Đoài, Nam, Bắc, tương đương với tên gọi của các chiếng chèo tứ xứ: xứ Đông, xứ Đoài, xứ Nam, xứ Bắc. Chèo Thái Bình nằm trong chiếng chèo xứ Nam mà vẫn được gọi là chèo Nam.

            Giáo sư Hà Văn Cầu, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về nghệ thuật chèo của Việt Nam và cũng là người Thái Bình đã cho biết sách Hý phường phả lục của Trạng nguyên Lương Thế Vinh viết vào thế kỷ XV đã chép về các vị tổ nghề chèo, trong đó có Đào Văn Só, quê ở đất Đằng châu (nay thuộc vùng đất của các tỉnh Hưng Yên và Thái Bình), Đặng Hồng Lân quê ở Đa Cương hương (nay thuộc vùng đất phía bắc tỉnh Thái Bình), Đào Nương quê ở huyện Thuỵ Anh… ba vị này đều là bạn nghề sống vào thời Đinh (thế kỷ X). Tuy nhiên, cho đến nay chưa nhiều người được tiếp xúc với văn bản sách Hý phường phả lục.

          Thuở trước, tục thờ tổ nghề hát vốn thường được diễn ra ở đình của các làng chèo hoặc ở nhà các ông Trùm của mỗi gánh chèo. Lệ tế tổ chèo trước đây thường được những người hành nghề chèo duy trì hàng năm. Đình làng Hoàng Quan nay thuộc xã Đông Cường huyện Đông Hưng thờ Thành hoàng làng là tổ nghề hát, dân làng vẫn gọi là bà Đầu, bà Đào hoặc bà Đào Nương. Làng Đống nay thuộc xã Đông Các huyện Đông Hưng xưa có gò Con Hát. Làng Thượng   Liệt nay thuộc xã Đông Tân xưa có đường Con Hát.

          Sách Tiên Hưng phủ chí do Phạm Nguyên Hợp biên soạn vào năm 1928 đã xếp ca hát (hát chèo và hát ca trù) là một nghề của phủ Tiên Hưng. Ngày nay các làng xã thuộc phủ Tiên Hưng có khá nhiều nghệ sỹ hoạt động chèo nổi danh trong nước, trong tỉnh. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ hội truyền thống của hầu hết các làng ở Thái Bình đều được duy trì theo định lệ “sáng rối, tối chèo”.

        Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, trong khi nghệ thuật chèo ở nhiều tỉnh sa sút vì bị các loại hình sân khấu khác như tuồng, cải lương lấn át thì ở Thái Bình các gánh chèo vẫn tồn tại và phát triển. Khi nói đến những tác gia có công đầu trong việc chấn hưng chèo đầu thế kỷ XX, giới nghiên cứu sân khấu không thể không nhắc đến Nguyễn Thúc Khiêm (1878 - 1941) quê làng Hoàng Nông, nay thuộc xã Điệp Nông huyện Hưng Hà, Thái Bình với hơn 40 tác phẩm gồm kịch bản chèo và khảo luận về nghề chèo.

       Từ những thành quả điều tra, sưu tầm, nghiên cứu của giới nghiên cứu sân khấu trong, ngoài nước suốt hơn nửa thế kỷ qua về chèo ở Thái Bình và bằng thực tế hoạt động chèo đã và đang tồn tại, phát triển sống động trên đất Thái Bình, bằng quá trình tác động của chèo Thái Bình với sân khấu chèo cả nước trong nhiều thập kỷ qua cho phép chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định Thái Bình là đất chèo, là một trong những cái nôi sinh ra nghệ thuật chèo.

           Cho đến nay, trong tâm thức của nhiều người dân trong cả nước thì chèo là "đặc sản" của Thái Bình. Chỉ có điều là do phương tiện ghi âm, ghi hình những năm trước đây chưa phổ biến nên những giọng hát, lối hát của các lớp nghệ nhân chèo trước đây thường ít được bảo lưu. Có chăng chỉ được miêu thuật, lưu truyền bằng chữ viết.

      Mặt khác, cũng cần phải thấy rằng nghệ thuật chèo vốn được phát triển theo hệ thống mở. Mở cả về không gian phát triển và hình thức diễn xướng. Cũng một làn điệu, một tích trò nhưng mỗi vùng, mỗi gánh thậm chí là mỗi nghệ nhân lại có lối hát, lối diễn khác nhau. Chính vì thế mà không nên quá cực đoan mà cho rằng làn điệu này, tích trò nọ chỉ nơi này mới có hoặc chỉ nơi này mới hát đúng, diễn đúng còn nơi khác không đúng. Đương nhiên, trong một chừng mực nào đó, những người am hiểu chèo cổ vẫn có thể nhân biết thế nào là chèo "xịn", thế nào là chèo cải biên…Không ít nhà nghiên cứu chèo cũng đã khổ công tìm kiếm xem chèo ở đất chèo Thái Bình có nét gì khác biệt với chèo tứ xứ không nhưng chung cục cũng chỉ tìm ra một vài nét riêng về âm nhạc, một vài vở diễn có những mảng trò riêng còn lại cái sáng tạo có thể xem là nét riêng có ở chèo Thái Bình chính lại là cách "bẻ làn, nắn điệu" trong những hoàn cảnh cụ thể đến mức tài hoa của các nghệ nhân để mỗi nghệ nhân, mỗi gánh, mỗi làng chèo tạo được những mảng miếng riêng khi hành nghề. Đó chính một trong những yếu tố tạo ra nét độc đáo ở chèo Thái Bình.

       Ngay sau ngày miền Bắc được giải phóng (1954), các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở Trung ương trong đó có Đoàn chèo Trung ương được thành lập. Đến năm 1959 các tỉnh trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ đồng loạt thành lập đoàn chèo của tỉnh mình. Ở trung ương, ngoài đoàn chèo còn có Ban nghiên cứu chèo được thành lập. Ngay sau ngày thành lập Ban nghiên cứu chèo Trung ương đã mời các nghệ nhân chèo tứ chiếng về Hà Nội để "khai thác" bằng cách ghi chép, ghi âm, quay phim lưu lại các vở diễn, các trích đoạn, các làn điệu chèo do các nghệ nhân thực hiện. Cùng với việc làm đó là mời các nghệ nhân tham gia tập huấn, truyền nghề cho các thế hệ diễn viên đang hoạt động trong các đoàn chèo chuyên nghiệp của cả nước. Trong số hơn 50 nghệ nhân chèo ở các địa phương được Ban nghiên cứu chèo Trung ương mời lên để ghi âm ghi hình có 20 nghệ nhân chèo ở Thái Bình, chưa kể 5 nghệ nhân đã tham gia Đoàn chèo Trung ương vào năm 1959. Trong số này, người cao tuổi nhất là nghệ nhân Nguyễn Mầm sinh năm 1895, người ít tuổi nhất là nghệ nhân Vũ Thị Từ (tức Hữu) sinh năm 1921, có những nghệ nhân thực sự đáng tôn vinh là bậc đại thụ của ngành chèo ở thế kỷ XX như Nguyễn Mầm, Nguyễn Tích, Tống Văn Ngũ (tức Năm Ngũ), Trần Văn Linh (tức Hai Sinh), Cao Kim Trạch…

     Năm 1995, Viện Âm nhạc và Múa thuộc Bộ Văn hoá Thông tin đã phối hợp với sở Văn hoá Thông tin và Thể thao Thái Bình triển khai dự án điều tra, sưu tầm khôi phục một số làng chèo cổ truyền của Thái Bình. Kết quả điều tra cho thấy, trước Cách mạng Tháng Tám - 1945, ở Thái Bình ngoài những làng có tổ chức hát chèo, diễn chèo theo lối " cây nhà, lá vườn" không ra ngoài hành nghề kiếm sống thì có tới 46 phường, hội, gánh chèo do các ông trùm đứng ra thành lập, duy trì hoạt động trong và ngoài tỉnh để sinh sống bằng nghề chèo. Các đơn vị này được phân bố trên địa bàn tỉnh như sau: Vũ Thư 13; Đông Hưng 9; Hưng Hà 8; Kiến Xương 6; Thái Thuỵ 4; thành phố Thái Bình 4; Quỳnh Phụ 2. Mỗi phường, hội, gánh đều có "đất diễn" riêng ở một số hội làng trong và ngoài tỉnh.

    Nếu nói đến các làng chèo nổi tiếng trên đất chèo Thái Bình, không thể không điểm đến ba làng Hà Xá (Hưng Hà), Khuốc (Đông Hưng) và Sáo Đền (Vũ Thư) mà có người vẫn gọi là ba chiếng chèo cổ của Thái Bình. Đương nhiên, trước năm 1945 ở Thái Bình không chỉ có ba làng chèo trên. Thực tế điền dã cho thấy sân khấu chèo đã phát triển đến mức khá phổ biến ở Thái Bình. Các làng Tống Văn, Ô Mễ, Bo nay thuộc thành phố Thái Bình. Các làng Thanh Nê, Thanh Tân, Đồng Xâm, Đồng Vàng, Động Trung nay thuộc huyện Kiến Xương. Các xã Thuỵ Hà, Thuỵ Phong, Thuỵ Hồng của huyện Thái Thuỵ. Các xã An Lễ, An Vũ, Quỳnh Hải của huyện Quỳnh Phụ…   đều có những gánh chèo với những ông trùm, những đào kép, những tay nhạc, những mảng trò được xa gần biết tiếng.

     Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hầu hết các gánh chèo không còn điều kiện tồn tại như trước. Trong khí thế xây đời sống mới của những ngày đầu độc lập, nhiều xã đã thành lập được đội văn nghệ diễn cả chèo và tuồng. Kháng chiến chống Pháp ập đến, nhiều nghệ nhân chèo đã tham gia công tác tuyên truyền như nghệ nhân Cao Kim Trạch đã gây dựng đội chèo xã Thái Sơn huyện Thái Thuỵ. Một số nghệ nhân đã tham gia đoàn văn công quân khu Tả ngạn. Ở vùng giải phóng, các chiến sĩ tuyên truyền vẫn dùng chèo làm phương tiện cổ vũ kháng chiến và làm công tác địch vận.

       Sau năm 1954, phong trào hát chèo, diễn chèo đã trở thành phổ cập ở nhiều làng xã trong tỉnh. Năm 1959, đội Văn công nhân dân của tỉnh Thái Bình được thành lập mà lực lượng nòng cốt là những người từng hành nghề chèo. Do phong trào hát, diễn chèo phổ biến nên đội ngũ diễn viên, nhạc công được tuyển dụng vào đội thời ấy hầu hết là những người có tài năng và giầu tâm huyết, lại được các nghệ nhân lớp trước dốc tâm truyền nghề nên nhiều người đã thành danh. Năm 1967, Đoàn Chèo Thái Bình được thành lập và đã sớm khẳng định được vị thế của một đoàn chèo trên đất chèo. Một số vở chèo cổ mang tính kinh điển chèo đã được Đoàn chèo Thái Bình dàn dựng, khôi phục khá thành công như Trương Viên, Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Tấm Cám, Tống Trân Cúc Hoa…  

      Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, ở Thái Bình có hai đoàn chèo chuyên nghiệp là đoàn chèo Thái Bình và đoàn chèo Tỉnh đội. Các đội văn công xung kích  phục vụ cơ sở và phục vụ các chiến trường cũng chủ yếu là hát chèo và diễn các hoạt cảnh chèo ngắn.

      Từ sau năm 1975, nghệ thuật chèo ở Thái Bình tiếp tục được chấn hưng và phát triển. Đoàn chèo chuyên nghiệp của tỉnh có đất diễn để khẳng định mình, được tỉnh chú trọng đầu tư về mọi mặt, là đoàn chèo mạnh trong sân khấu chèo chuyên nghiệp của cả nước. Năm 2004 đoàn được nâng cấp thành Nhà hát. Bằng các hoạt động chuyên môn phong phú, đa dạng với chất lượng cao, Nhà hát chèo Thái Bình đã tiếp tục khẳng định và nâng cao vị thế của một đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp ở đất chèo để cả nước đã  thừa nhận: nói đến chèo là phải nói đến Thái Bình. Nói đến chèo chuyên nghiệp, chèo xịn thì không thể không nhắc đến Nhà hát chèo Thái Bình.

           Mấy thập niên qua, trên đường đổi mới và hội nhập, phong trào hát chèo, diễn chèo trong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh được phát triển sang một thời kỳ mới. Tiếng trống chèo lại rộn rã trong những đêm hội làng. Trong số hơn 400 hội làng truyền thống ở Thái Bình lần lượt được khôi phục thì rất ít hội thiếu vắng tiếng trống chèo. Trong các đại hội hoặc hội nghị của các cấp, các ngành từ cơ sở đến tỉnh thường có chương trình văn nghệ chào mừng với các tiết mục chèo theo quy mô của từng hội nghị.Việc dạy hát chèo, diễn chèo được các địa phương trong tỉnh coi là một hoạt động trong công tác xây dựng đời sống văn hoá.

      Từ đầu thập kỷ 80 trở lại đây, cùng với việc hệ thống nhà văn hoá  từ tỉnh, huyện đến xã, thôn lần lượt được hình thành và đi vào hoạt động, các đội Thông tin lưu động cấp huyện ra đời đã tạo cho hoạt động chèo có điều kiện phát triển. Nhu cầu tự biên, tự diễn, nhu cầu giao lưu, liên hoan chèo trong công chúng từ thôn xã đến cơ quan, doanh nghiệp ngày càng phổ biền.

      Trường Văn hoá nghệ thuật của tỉnh, nay là trường Cao đẳng VHNT Thái Bình  đã khẳng định được "thương hiệu" đào tạo diễn viên, nhạc công chèo cho cả nước. Ngoài việc cung cấp những tài năng chèo cho nhiều đoàn chèo chuyên nghiệp, trường còn đào tạo nâng cao kỹ năng chèo cho các đoàn chèo Yên Bái, Hà Nam, Hưng Yên…Ngoài đào tạo diễn viên, nhạc công chèo hệ cao đẳng, trung cấp, nhà trường còn kết hợp với các huyện mở các lớp sơ cấp chèo để cung cấp những hạt nhân chèo cho cơ sở. Thế mạnh trong đào tạo chèo của nhà trường là có các nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú chèo ở Thái Bình tận tuỵ truyền nghề.

      Những năm gần đây, việc mở lớp dạy hát chèo thường xuyên được các địa phương trong tỉnh duy trì vào dịp nông nhàn được đông đảo các lứa tuổi hào hứng tham gia. Việc dạy hát chèo trên sóng phát thanh truyền hình của tỉnh cũng thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo khán, thính giả trong và ngoài tỉnh. Câu lạc bộ chèo được thành lập ở nhiều thôn làng. Đó chính là cơ sở để Thái Bình cung cấp những tài năng chèo xịn cho cả nước. Hiện nay, hầu hết các nhà hát, các đoàn chèo chuyên nghiệp trong nước đều có người Thái Bình. Có không dưới 50 nghệ sĩ chèo của cả nước được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú vốn là người Thái Bình.

      Do đặc điểm hình thành đất đai và cư dân, Thái Bình là nơi hội tụ sắc thái văn hoá của nhiều vùng miền mà rõ nét nhất là sự hội tụ các sắc thái văn hoá của cư dân đồng bằng sông Hồng. Nghệ thuật chèo xưa và nay vẫn sâu rễ, bền gốc ở vùng quê từng được gọi là đất chèo. Đó là sự đóng góp đáng trân trọng của Thái Bình trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

          Hẳn là, trên con đường hội nhập của đất nước, ngọn lửa chèo Thái Bình sẽ được thắp sáng thêm, thắp sáng mãi và Thái Bình sẽ giữ mãi được chất chèo riêng có của đất chèo để những người sành chèo trong nước, ngoài nước muốn xem chèo xịn thì phải tìm về Thái Bình. Bởi lẽ, người dân miền quê này thường vẫn thề nguyền: “Bao giờ Thái Bình hết lúa thì mới hết chèo”.



 

Powered by Froala Editor