Viện phương đông

3 năm trước

Dịch thuật Camus ở Việt Nam

DỊCH CAMUS Ở VIỆT NAM: SÁNG TẠO HAY TRUNG THÀNH VỚI PHONG CÁCH TÁC GIẢ?

Trần Hinh

Trường ĐHKHXH & NV, HN

Powered by Froala Editor


Dịch thuật bấy lâu nay luôn được coi là một công việc khó khăn và phức tạp. Khó khăn vì nó đòi hỏi ở người dịch nhiều kĩ năng: vừa phải làm chủ được vốn ngoại ngữ cần thiết, phải nắm vững tiếng mẹ đẻ, lại vừa phải có được cái nền văn hóa chung, rộng và sâu. Không những thế nó còn phức tạp vì người dịch buộc phải tuân thủ những đòi hỏi khắt khe của công việc hết sức “nhạy cảm” này: ngoài những tiêu chí chung “tín, đạt, nhã”, còn vô khối những vấn đề “xung đôt” nảy sinh trong quá trình dịch thuật. Với riêng chuyện dịch văn chương, chúng tôi nhận thấy còn có những đòi hỏi khát khe hơn. Vấn đề phong cách tác giả liệu có được tôn trọng với một bản dịch? Sáng tạo hay chỉ là “trung thành” một cách “nô lệ” với tác phẩm gốc? Dấu ấn cá nhân của người dịch trong tác phẩm nên được bộc lộ với “liều lượng” như thế nào? Dựa vào thực tế dịch Albert Camus ở Việt Nam, bản tham luận của chúng tôi sẽ tập trung vào lí giải vai trò quan trọng của phong cách tác giả trong một bản dịch. Do Camus là một trường hợp khá đặc biệt: ông là nhà văn hiện sinh, người được coi là tiêu biểu nhất trong nền văn chương tư tưởng ở Pháp những năm 40 của thế kỉ trước. Với số lượng tác phẩm để lại không nhiều, nhưng Camus lại là một trong số nhà văn nước ngoài được dịch ở Việt Nam tương đối đầy đủ. Qua trường hợp cụ thể này, chúng tôi hi vọng có thể trao đổi để làm rõ thêm một quan điểm về việc dịch văn học. 

    Trước hết để làm rõ những vấn đề cơ bản của bài viết, chúng tôi muốn được định vị Camus ở hai điểm cơ bản: thứ nhất, không hoàn toàn giống Sartre (được coi là chủ soái của chủ nghĩa hiện sinh Pháp những năm 40, một nhà triết học thứ thiệt), thậm chí có lúc đối địch với Sartre, sáng tác của Camus vẫn nằm trong vệt chủ nghĩa hiện sinh (trong sự so sánh giữa Sartre và Camus đã có nhà nghiên cứu ví von rằng “Nếu Sartre là nhà tư tưởng ngay trong văn chương, thì Camus thực sự là một nghệ sĩ ngay khi phát biểu những luận điểm hiện sinh” ); thứ hai, về mặt phong cách, đặc biệt là phong cách trong tiểu thuyết, cũng chính nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào từng nhận xét có lí rằng: “Cũng như vậy ta có thể tìm thấy những lối viết rất khác xa nhau qua hai cuốn Người xa lạ và Dịch hạch của Camus. Vậy mà những sáng tạo quy tụ lại ở một cá tính vẫn giống như một bức tranh toàn cảnh của nghệ thuật thế kỉ này” . Không hiểu rõ hai đặc điểm rất cơ bản này, việc dịch Camus chắc chắn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc tiếp nhận của người đọc.


    Camus được dịch ở Việt Nam tương đối sớm, bởi lẽ chỉ ngay sau khi những tác phẩm có giá trị đầu tiên của ông ra đời, đặc biệt ngay sau khi ông được tuyên dương Nobel văn học vào năm 1957, chỉ vài năm sau đó, ngay ở Việt Nam xa xôi đã xuất hiện những bản dịch và cả các công trình nghiên cứu, giới thiệu về ông (xin xem phần niên biểu dịch thuật và giới thiệu Camus ở Việt Nam phần cuối bài viết).  

Lí do nào khiến việc dịch Camus ở Việt Nam kịp thời và nhanh chóng như thế? Rất đơn giản: có lẽ trước tiên vì ông là nhà văn Nobel, một giải thưởng văn chương được coi là có uy tín trên thế giới; thứ hai, đây là một trong nhà hiện sinh nổi tiếng nhất trong văn học Pháp, tư tưởng và lối viết của Camus khá phù hợp với một nền văn chương “tư tưởng” như ở nước ta. Đặc biệt hơn, ở phía Nam trước thời điểm những năm 60 của thế kỉ trước, ảnh hưởng của nền văn chương hiện sinh đến từ phương Tây nói chung và từ nước Pháp nói riêng là rất lớn. Có thể khẳng định, gần như tất cả các sáng tác của Camus, bao gồm tiểu luận, khảo cứu, tiểu thuyết và kịch đều đã được dịch sang tiếng Việt tương đối đầy đủ. Tuy nhiên cũng có thể thấy, phần lớn các tác phẩm của Camus đều chủ yếu được dịch và xuất bản ở phía Nam trước thời điểm 1975. Điều này hoàn toàn có thể giải thích: do hạn chế về mặt tư tưởng, Camus vốn được coi là một trong những chủ soái của chủ nghĩa hiện sinh, việc dịch thuật tác phẩm của ông ở phía Bắc bị coi là “cấm kị”. Trong khi đó, ở phía Nam, thậm chí Camus còn được dịch và giới thiệu nhiều hơn Jean Paul Sartre, tác giả được coi là quan trọng nhất trong phong trào hiện sinh những năm 40-50.

Tính “tư tưởng”, mà cụ thể ở đây là tư tưởng “hiện sinh” đã được thể hiện như thế nào trong các bản dịch tác phẩm của Albert Camus? Cứ nhìn ngay vào nhan đề các tác phẩm của ông, người đọc cũng có thể khẳng định được, yếu tố này luôn luôn được các dịch giả (cả phía Nam và phía Bắc) lưu ý. Những cái tên tác phẩm như Huyền thoại Sisyphe, Bề trái và bề mặt, Ngộ nhận, Giao cảm, Người phản kháng, Kẻ xa lạ, Dịch hạch, Sa đọa…rõ ràng đã nói lên được phần nào tư tưởng hiện sinh của Albert Camus. Dù có lúc không tự nhận mình là một nhà hiện sinh đích thực, nhưng xuyên suốt các tác phẩm trong cả cuộc đời của mình, Camus không ngừng ám ảnh, day dứt về thân phận con người với biết bao đau khổ, ưu tư, lo lắng về trách nhiệm trước cuộc đời. Cái phi lí đã trở thành đề tài chủ yếu trong các tiểu luận triết học, các tác phẩm văn học của Albert Camus từ những trang tùy bút, đến văn xuôi (tiểu thuyết và truyện ngắn) và kịch. Không phải ngẫu nhiên, ngay từ tác phẩm đầu tiên Bề trái và bề mặt, cho đến tác phẩm cuối cùng Lưu đày và Quê nhà, từ cách đặt đầu đề, dường như Camus đã cố tình bộc lộ tính phức hợp hiện sinh trong bản chất cuộc sống con người. Bản chất cuộc sống con người, trong cái nhìn hiện sinh của Camus luôn tạo ra những điều nghịch lí: bề tráí/ bề mặt, đau khổ/ hạnh phúc, trung thành/ bội phản, vương quốc/ lưu đày, nghi ngờ/ xác tín, chấp nhận/ phản kháng…Tính triết học, tư tưởng được thể hiện rất rõ ngay trong nhan đề tác phẩm của Albert Camus. Những dịch phẩm Albert Camus sang tiếng Việt, nếu thể hiện được điều đó chúng tôi cho rằng đã có được thành công nhất định. Và như thế, ngoại trừ nhan đề Người dưng (dịch từ nguyên tác L’Étranger) của Dương Tường (lẽ ra phải dịch chính xác: Kẻ xa lạ hay Người xa lạ), tập tùy bút Noces có người dịch là Hôn lễ, nhưng theo chúng tôi phải là Giao cảm mới đúng, L’Exil et le royaume có bản dịch là Lưu đày và Vương quốc (theo chúng tôi chính xác hơn nên dịch Lưu đày và quê nhà); một vài dịch phẩm có phần phóng tác của Bùi Giáng (Dã tràng xe cát dịch từ nguyên tác Le Mythe de Sisyphe…), về cơ bản hầu hết các bản dịch Albert Camus khác (khoan hẵng bàn đến mức độ tín, đạt, nhã như các nhà lí luận dịch thuật yêu cầu) đều đã thể hiện được tương đối chính xác ý đồ tư tưởng của nhà văn.

Bàn sâu hơn về một số câu chữ nằm trong vệt tư tưởng của Albert Camus, chúng ta vẫn thấy vẫn còn những vấn đề có thể tranh luận. Chẳng hạn, chữ révolté như trong nhan đề một tiểu luận khá quan trọng của nhà hiện sinh Camus L’homme révolté , nên dịch như thế nào thì chính xác hơn: nổi loạn hay phản kháng? Đây cũng là một từ “chìa khóa” không chỉ nói lên “tính tư tưởng” trong sáng tác của Camus mà còn thể hiện được thái độ, phong cách, tính trách nhiệm công dân của nhà văn vùng Địa Trung Hải. Chúng tôi cho rằng, dù chỉ một chữ nhưng nó lại có vai trò rất quan trọng trong tư tưởng của một nhà văn triết luận như Albert Camus. Một chữ thôi những nó phải được cân nhắc một cách kĩ càng, nếu người dịch không muốn làm sai lệch tư tưởng của tác giả. Phản kháng (la révolte) – từ chìa khóa trong giai đoạn sáng tác thứ hai có vai trò quan trọng ngang bằng với từ phi lí (l’absurde) trong giai đoạn sáng tác thứ nhất.

Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy hai vấn đề chủ chốt trong các giai đoạn sáng tác của Camus, phi lí (hay cái phi lí) được đặt ra ở thời kì đầu (trong Huyền thoại Sisyphe), phản kháng (hay nổi loạn) được đề xuất ở giai đoạn sau (trong tác phẩm L’homme révolté) đều thể hiện rất rõ bước phát triển trong hệ tư tưởng hiện sinh của tác giả. Nên nhớ rằng, cùng là hiện sinh, nhưng Sartre và Camus rất khác nhau, cũng như cả hai ông không hoàn toàn giống với những nhà hiện sinh cùng thời cũng như  trước đó (Malraux, Marcel, Gide, Simone de Beauvoir, Kierkegaard, Jaspers, Heidegger, Chestov…). Trong cấu trúc cơ bản, cái phi lí của Camus đã chứa đựng yếu tố phản kháng. Ông giải thích nó như sau: “Phản kháng là một hành động dũng cảm và sự sáng suốt vì nó nhìn sự vật bất hợp lí một cách rõ ràng. Phản kháng còn là một hành động cô đơn vì nó hiếm hoi và thường chỉ mang tính chất cá nhân” . Triết luận về sự phản kháng cũng được Camus thể hiện trong hầu khắp các tác phẩm cả trước, trong và sau thời kì ông công bố chính thức tác phẩm L’homme révolté. Camus cho rằng, nghệ thuật không chỉ thể hiện cái phi lí, mà còn thể hiện cả sự phản kháng. Chính từ đây đã hình thành ở Camus hệ thống mĩ học đánh dấu một tiến bộ trên cái có trước bằng sự tích hợp của một số yếu tố mới. 

Xung quanh chữ  phản kháng ( la révolte) của Albert Camus, từ trước tới nay vẫn tồn tại một số cách hiểu khác nhau. Phần lớn các nhà nghiên cứu và dịch giả, khi chuyển dịch thuật ngữ này, đều lựa chọn thuật ngữ tiếng Việt tương ứng: nổi loạn. Sự lựa chọn này ít nhiều có lí do của nó. Dịch giả Trần Thiện Đạo còn giải thích rõ quan niệm của ông khi dùng chữ nổi loạn (mặc dù trước đó ông cũng từng dùng chữ phản kháng). Trần Thiện Đạo cho rằng, chữ nổi loạn nói được đầy đủ và đúng đắn hơn ý đồ của Camus. Bản thân chúng tôi lại nghĩ khác. Quả thật, danh từ la révolte trong tiếng Pháp có thể hiểu theo nhiều nghĩa: nổi loạn, phản kháng, khởi nghĩa. Những nội dung cơ bản trong tác phẩm của nhà văn hiện sinh Camus cũng mang đầy đủ cả ba yếu tố này. Tuy nhiên, khi chuyển dịch nó sáng một ngôn ngữ khác, mà cụ thể ở đây là tiếng Việt, chúng ta buộc phải lựa chọn cái tối ưu nhất, sao cho người đọc Việt Nam hiểu được đúng bản chất của vấn đề. Bởi lẽ, ở Việt Nam, vấn đề tư tưởng hay ý thức hệ luôn luôn được coi trọng, thậm chí “cực kì quan trọng”. Vì lẽ đó, ở thời điểm trước 1975, phần lớn các nhà nghiên cứu và dịch giả phía Nam như Bùi Giáng, Nguyễn Văn Trung, Hoàng Văn Đức (và ngay cả Trần Thiện Đạo trước đó) đều dùng chữ phản kháng. Trong khi, ở phía Bắc, thậm chí tới thời điểm trước khi văn học đổi mới (1986), do thái độ đối với các nhà hiện sinh đã được xác định khá rõ ràng, nên đa số các dịch giả và nhà nghiên cứu đều dùng chữ nổi loạn. Hướng nghiên cứu và dịch thuật ở miền Bắc lúc bấy giờ chủ yếu nhằm phê phán tư tưởng nổi loạn của các nhà hiện sinh, trong đó có Camus. Tuy nhiên, tư tưởng đó cũng đã dần có sự thay đổi, nhất là từ khi văn học đổi mới. Cái nhìn của các nhà nghiên cứu và dịch thuật cũng đã “cởi mở” hơn. Dù rằng tác phẩm L’homme Révolté của Camus chưa chính thức được dịch và xuất bản ở phía Bắc, nhưng trong các công trình nghiên cứu giới thiệu, phần lớn các nhà nghiên cứu đều đã sử dụng từ phản kháng. Điều đó là có lí. Trong quan điểm riêng có tính cá nhân, chúng tôi tán đồng với quan điểm này. Vì mặc dù, như đã nói ở trên, trong chữ dùng của Camus có đầy đủ các yếu tố phản kháng, nổi loạn, khởi nghĩa (người dịch có quyền sử dụng cả ba nghĩa đó), nhưng trong tiếng Việt, nếu chọn dịch nổi loạn hay khởi nghĩa, cũng đều không thể hiện được đúng ý đồ tác giả. Thực sự, Camus suy nghĩ vấn đề này một cách nghiêm túc. Nó cho thấy thiện chí của ông khi đề cập các vấn đề chính trị, xã hội đương thời. Trong tác phẩm của mình, nhà văn hiện sinh Pháp đã trình bày vấn đề một cách hệ thống. Một cách chính xác Người phản kháng là một tiểu luận thiên về chính trị. Không phải ngẫu nhiên, ông chỉ cho xuất bản tác phẩm này, sau khi trở về từ nước Nga, sau những nghiền ngẫm về mô hình xã hội Nga dười thời Staline, mà ông có cơ hội được nhìn tận mắt. Ở phần đầu cuốn sách, Camus đề cập vấn đề cơ sở lí thuyết của của việc “giết người” (le meurtre). Phần tiếp theo là những liệt kê mang tính chủ quan của ông về các vụ giết người trong lịch sử nhân loại. Ông đi từ Kinh Thánh, qua những truyền thuyết, các tư tưởng Hy Lạp, La Mã, đến các cuộc cách mạng thời hiện đại. Trung tâm luận điểm của Camus trong tác phẩm này là sự phản kháng. Thực ra vấn đề này đã được đề cập ngay từ Huyền thoại Sisyphe. Nhưng ở Huyền thoại Sisyphe, nhà văn chỉ đặt trọng tâm ở các yếu tố phi lí (irrationnel), bởi ý thức thức tỉnh và đòi hỏi được thức tỉnh nhờ vào sự tiếp xúc này, phản kháng là hữu hiệu nhất cho ý thức cái mà nó chống lại” . Đến Người phản kháng, Camus mới thật sự đặt trọng tâm tren yếu tố ý thức, sự khao khát sáng suốt đối lập với mọi cái tăm tối. Ở Huyền thoại Sisyphe, ý thức được thức tỉnh, sau đó phản kháng, đến Người phản kháng, sự phản kháng đã vỡ tung ra “ý thức đến chói lòa cùng phản kháng” (la conscience vient au jour avec la révolte).

Ở thời điểm 1951, khi tác phẩm Người phản kháng của Camus được in ra, Sartre cùng nhóm Temps Modernes phản kháng kịch liệt. Người đứng đầu trường phái hiện sinh Pháp đã nói với Camus những lời lẽ mỉa mai, khinh mạn: “Nếu cuốn sách của anh chỉ chứng minh một cách đơn giản sự không thong thạo triết học của anh? Nếu nó chỉ là một mớ kiến thức thu lượm vội vã, học lỏm (seconde main) […]. Nếu anh lí luận không đúng lắm? Nếu những tư tưởng của anh hời hợt và tầm thường? […]. Tôi không dám khuyên anh nên đọc cuốn Hữu thể và Hư vô (L’Eetre et Le Nesant) e rằng việc dọc sẽ gây hiểm hóc cho anh: anh ghét những khó khăn trong tư tưởng” . Quả là, về sự “thông thái triết học”, Camus không thể so sánh với tác giả của Hữu thể và Hư vô. Thêm nữa, trong Người phản kháng, Camus lại đưa vào đó quá nhiều vấn đề lịch sử, chính trị, mà ở thời điểm 1951, thật khó tìm được những tiếng nói thống nhất của nhiề người, trong đó có Jean Paul Sartre và nhóm Temps Modernes. Sự thiếu chặt chẽ trong tư tưởng, lập luận của Camus là hoàn toàn có thể hiểu được. Quả là những ý kiến của ông xung quanh các vấn đề hết sức “nhạy cảm” này, ít nhiều có màu sắc cực đoan, siêu hình. Nhưng phải thừa nhận ở Camus sự thiện ý. Theo ông, đứng trước sự phi lí của cuộc đời, phản kháng là cần thiết, là phương thức hữu hiệu nhất để vượt qua than phân phi lí: “Tôi phản kháng, vậy thì chúng ta cùng tồn tại” (Je me révolte donc nous sommes). Đây là một trong những quan điểm cốt lõi của Camus trong tiểu luận Người phản kháng và cũng là minh chứng quan trọng thể hiện tính tích cực trong tư tưởng và hành động của Camus. Rõ ràng, nói tới sự phản kháng, Camus không hề phát ngôn một cách cá nhân, hồ đồ. Ông không tách mình ra khỏi cái chung cộng đồng, lại càng không coi hành động phản kháng của mình là một thứ nổi loạn, vô chính phủ. Với ông phản kháng của mỗi cá nhân có tác dụng gắn kết mọi người. Sự phản kháng ấy là cần thiết để tất cả mọi người cùng thức tỉnh. Nếu đặt quan niệm này của Camus trong thời điểm sáng tác Dịch hạch, ta sẽ lại càng hiểu rõ hơn ý đồ tư tưởng của nhà văn. Từ phi lí đến phản kháng, chính là con đường tất yếu từ cô đơn đến tập hợp. Sáng tạo nghệ thuật, theo Camus, cũng chính là một hành động phản kháng. Hành động phản kháng giúp cho nghệ thuật tìm được chỗ đứng của mình trong cuộc sống hiện đại. Phản kháng không phải là để quay lưng với tự nhiên mà là để tập hợp những yếu tố phân tán trong tự nhiên: “Điêu khắc là hình thức cách điệu hóa sự vận động. Âm nhạc là nét lướt của sự hỗn độn dựa trên âm điệu của tự nhiên nhằm làm thỏa mãn tâm hồn và trái tim con người. Người họa sĩ phong cảnh tập hợp bằng sự lựa chọn của anh ta những dấu vết tản mác trong tự nhiên và mang đến cho nó sự thống nhất…” . Điều đặc biệt nhất trong tiểu luận Người phản kháng của Albert Camus, chúng tôi cho rằng, đó là việc ông gắn hành vi phản kháng với sự sáng tạo nghệ thuật. Camus dành riêng một phần trong Người phản kháng để trình bày ý kiến riêng của mình về khái niệm phản kháng – sáng tạo (la révolte créatrice). Theo ông, phản kháng, trước tiên là ý thức của cá nhân chống lại diều kiện nhan sinh. Bản thân con người tự ý thức được cuộc sống xung quanh mình. Đó là tiền đề quan trọng dẫn đến ý thức phản kháng. Từ phản kháng cá nhâ sẽ dẫn đến phản kháng cộng đồng. Hành vi sáng tạo của người nghệ sĩ thực chất cũng là một hành vi phản kháng. Bởi lẽ, thực chất cuộc sống của cả tự nhiên và xã hội không phải lúc nào cũng thực hiện theo ý muốn, nên việc người nghệ sĩ phản ánh hiện thực đó vào trong tác phẩm của mình đã hàm chứa sự sáng tạo. “Tác phẩm phi lí bắt chước cuộc sống hàng ngày, còn tác phẩm phản kháng có trách nhiệm “tha hóa hiện thực và sáp nhập vào nó tiếng nói phản kháng chung của nhân loại” …

    Cuối cùng, việc dịch Camus ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một vấn đề khá quan trọng khác, đó là với một nhà văn khá phức tạp về phong cách như ông, khi chuyển nghĩa tác phẩm của ông sang một ngôn ngữ khác, giữ được sự toàn vẹn về phong cách nhà văn là một điều vô cùng quan trong. Xung quanh vấn đề này, quả cũng có nhiều cái để bàn. Chúng tôi chỉ muốn tập trung vào một số ý cơ bản. Chủ yếu cũng chỉ trao đổi qua thực tế dịch thuật.

    Về phong cách Camus, sách vở và các công trình nghiên cứu đã nói đến rất nhiều. Chúng tôi chỉ xin được tóm gọn một số vấn đề cơ bản: thứ nhất, phải khẳng định, tuy số lượng tác phẩm để lại không nhiều, nhưng Camus là một nhà văn vừa “đa phong cách” và cũng vừa không cố công tạo ra phong cách; thứ hai, trong lối viết, Camus chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Hemingway, một nhà văn có phong cách “điện tín” trong lối viết; thứ ba, trong cách hành văn, Camus thông thường cấu trúc câu vô cùng ngắn gọn, ông ít sử dụng liên từ (conjontion) như là một yếu tố nối kết các thành phần câu. Tóm lại ông luôn muốn tạo ra những văn bản trung tính, để cho người đọc tự sáng tạo, không áp đặt người đọc.

    Những đặc điểm phong cách này thể hiện rõ ràng trong tất cả các loại hình sáng tác của Camus. Với các tiểu luận triết học, Camus là một nghệ sĩ trong những suy tư triết lí của mình. Các tạp văn và tùy bút của Camus đậm đặc “cái hàng ngày” và ngập tràn cảm xúc (không phải ngẫu nhiên, các nhà nghiên cứu đều thống nhất ở sự giản dị tới mức như cố tình không làm phong cách của Camus). Trong khi đó, ở những tác phẩm văn xuôi hư cấu (rất ít khi được dán nhãn hiệu thể loại ở trang bìa: kí, truyện ngắn hay tiểu thuyết?), thì mỗi tác phẩm dường như lại thể hiện một nét phong cách riêng: Người xa lạ là lối viết văn trung tính, điện tín và giật cục, Dịch hạch có sự phối hợp giữa văn phong cách tiểu thuyết và kí sự, và Sa đọa là một thứ văn bạch thoại rất gần với phong cách kịch. Với những đặc điểm trên, dịch tác phẩm Albert Camus rất cần có sự am hiểu và tôn trọng văn phong của tác giả. Thực tế các bản dịch Việt văn Camus đã và đang ở tình trạng nào? Tôi cho rằng, thật khó chỉ ra một cách đầy đủ và chi tiết vì chúng ta không có trong tay đầy đủ các bản dịch. Chúng tôi chỉ xin được phép trao đổi về một vài cách dịch được coi là “cá tính”, nhưng xin nói rõ không nhằm ý phê phán, mà chỉ muốn nêu lên một thực trạng, qua đó muốn bày tỏ quan điểm riêng của mình về vấn đề dịch văn chương. 

Tôi đồng ý quan điểm của đa số dịch giả cho rằng sự sáng tạo trong dịch thuật, nhất là dịch văn chương luôn là điều tối cần thiết. Từ quan điểm đó, tôi cũng tán đồng với cố nhà thơ Bùi Giáng khi cho rằng: “Dịch văn là sáng tạo trở lại một áng văn trong một ngôn ngữ khác. Dầu dịch một cuốn sách hay dịch một đoạn, một câu thôi, dầu dịch hay, dầu dịch dở, cũng không cách gì thoát khỏi vòng yêu sách của tái tạo. Nguyên tác càng sâu thẳm, sự tái tạo càng phức tạp hơn” . Trong số những người dịch Camus ở Việt Nam, có lẽ Bùi Giáng là một trong số ít dịch giả để lại nhiều bản dịch nhất (xin xem ở phần thư mục dịch thuật). Là một nhà thơ nhưng khi chọn dịch Camus, Bùi Giáng lại chọn chủ yếu những tác phẩm tiểu luận triết học, vốn bị coi là “quá khó” của nhà hiện sinh. Tư chất nhà thơ cũng giúp Bùi Giáng “thăng hoa” ít nhiều trong các bản dịch Camus. Theo chúng tôi hiểu, sự “thăng hoa ấy” chính là sáng tạo. Tuy nhiên,“sự sáng tạo” của nhà thơ Bùi Giáng có khi cũng đi “quá đà”. Ví dụ, ông dịch nhan đề tiểu luận Le Mythe de Sisyphe là Biển Đông xe cát (bỏ hẳn cái nhan đề vốn đã dược chọn lọc rất kĩ càng của Camus). Theo tác giả Huyền Châu , ở chương “Cung thành Sisyphe”, đoạn Camus bàn về tư tưởng của Saint Éxupẻry, ông dừng lại với lí do: “Cung thành bản thảo không may bị cháy mất. Xin thay thế tiếp bằng một ít bài thơ”. Không phải chỉ với riêng việc dịch Camus, mà với các bản dịch những nhà văn khác, Bùi Giáng đôi khi cũng “xử sự” như thế. Sự đam mê thái quá đã làm dịch giả quên mất bản gốc, đặc biệt cũng không chú ý nhiều đến phong cách nhà văn. Điều đó đã hạn chế rất nhiều đến sự tiếp nhận văn chương không phải từ bản gốc mà qua các bản dịch.

Trường hợp thứ hai tôi cũng muốn nhắc lại ở đây là trường hợp bản dịch Người dưng (từ nguyên gốc L’Étranger) của một dịch gỉa từng có nhiều kinh thành tựu . Trong số các tác phẩm của Albert Camus được quan tâm ở Việt Nam, có lẽ đây là tác phẩm được dịch nhiều nhất (cho đến nay đã có tới 7 bản dịch khác nhau). Đa số các bản dịch đều chuyển ngữ nhan đề L’Étranger thành Người xa lạ (hoặc Kẻ xa lạ). Nhan đề đó đã nói được đầy đủ ý tưởng của Albert Camus, với tư cách một nhà hiện sinh. Đặc biệt hơn, dù chỉ là một tác phẩm ngắn (chưa tới 200 trang loại sách khổ nhỏ của Nhà Folio), nhưng các công trình bàn luận về nó thì nhiều vô kể. Jean Paul Sartre, chủ soái phong trào hiện sinh ở Pháp những năm 50 đã bỏ công viết Cắt nghĩa Người xa lạ, công trình nghiên cứu L’Étranger hay nhất tính đến lúc này. Về mặt phong cách, Người xa lạ cũng được coi là tiêu biểu nhất của Camus. Sartre từng nhấn mạnh: “Mỗi câu văn là một khoảnh khắc hiện tại […]; câu văn sắc cạnh không nhòe, khép cứng lại, cách biệt với câu sau bằng một quãng hư vô. Mỗi câu trong Người xa lạ là một hòn đảo” . Camus coi lối viết ngắn gọn, đanh sắc của mình trong Người xa lạ là một cách tiếp nối “dòng văn chương tư tưởng” trong văn văn học Pháp những năm đầu thế kỉ XX. Vì thế khi dịch tác phẩm của ông, dù “sáng tạo” đến mấy, người dịch cũng nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc ấy. Sự thêm bớt hay thay đổi bất cứ một câu chữ nào, đặc biệt những câu chữ “có tính chất chìa khóa” là không thể. Tôi chỉ xin nhắc lại một ví dụ nhỏ như sau. Trong đoạn văn mở đầu Người xa lạ Camus viết: “Ạujourd/hui, maman est morte. Ou peut-être hier, je ne sais pas”, một dịch giả đã chuyển cụm câu ngắn gọn trên trong bản tiếng Việt : “Mẹ tôi tịch hôm nay. Hoặc có thể hôm qua cũng nên, tôi chả biết nữa”. Trong đoạn chuyển ngữ rất ngắn này, dịch giả này đã “sáng tạo” gần như toàn bộ. Chẳng hạn “maman” chỉ nên dịch là “mẹ”, ông thêm đại từ sở hữu “tôi” (mẹ tôi); “morte” cũng chỉ nên dịch đơn giản “chết” thì ông lại sử dụng một từ vốn chỉ sử dụng trong cách nói của nhà Phật “tịch” (mẹ tôi tịch); cụm “je ne sais pas”, lẽ ra chỉ nên ngắn gọn “tôi không biết” thì ông lại kéo dài ra “hoặc có thể là hôm qua cũng nên, tôi chả biết nữa”. Những ví dụ như thế còn có thể tìm trong nhiều trang khác của bản dịch Người dưng. Điều đó khẳng định một người dịch dù có kinh nghiệm và đã từng có nhiều thành công cũng không có nghĩa là không thất bại trong một bản dịch cụ thể - một bản dịch rất cần đến sự hiểu biết nhất định phong cách nhà văn của dịch giả. Thực tế này còn được chỉ ra rõ hơn nữa ngay trong quá trình dịch thuật tác phẩm văn chương, nếu chúng ta so sánh bản dịch Người dưng với các bản dịch Người xa lạ. Chẳng hạn, trong nguyên bản L’Étranger, Camus viết: “Je peux dire qu’au fond l’été a très vite remplacé l’été”, cũng chính dịch giả này tuy không sửa lại, nhưng ông tỏ ra “nghi ngờ” câu văn trong nguyên bản, nên đã ghi chú ở dưới: “Bản tiếng Pháp chúng tôi dùng chắc có một lỗi nhà in. Theo chúng tôi đáng lẽ phải là “Mùa hè đã rất mau chóng thay thế cho mùa xuân”. Vì chưa có dịp đối chiếu với bản nào khác, chúng tôi vẫn để nguyên” . Tôi cho rằng nếu hiểu rõ phong cách tác giả, người dịch sẽ không bao giờ sai lầm tương tự như thế…

Dịch là một công việc khó khăn, thầm lặng, đòi hỏi sự hy sinh, vì bản thân người dịch chỉ là créateur thứ hai trong quá trình sáng tạo một văn bản mới. Tuy nhiên chúng tôi vẫn bảo lưu ý kiến rằng, sự “sáng tạo” phải có giới hạn. Bản sắc của văn bản gốc bao giờ cũng phải được bảo lưu. Điều đó đòi hỏi người dịch phải biết sự giới hạn của mình. Càng am hiểu sâu sắc ý đồ tư tưởng và phong cách của tác giả, thì anh ta lại càng có nhiều khả năng tạo ra được những văn bản thuyết phục. Sáng tạo trong dịch thuật không có nghĩa là làm mất đi bản sắc ban đầu của văn bản gốc. Đặc biệt với các bản dịch tác phẩm văn chương, đó là một nguyên tắc, thiết tưởng, không cần phải bàn cãi..


-------


THƯ MỤC DỊCH THUẬT CAMUS Ở VIỆT NAM

1. Trần Thiện đạo dịch (1960), Người đàn bà ngoại tình (truyện ngắn), Nguyễn Văn Trung dịl’êsch, in trên Tuần báo Sáng tạo, số tháng 12; Gió về, in – vốn là một nhà trong Tập san Văn.

2. Trần Phong Giao dịch (1963), Sứ mệnh văn nghệ hiện đại, NXB Giao Điểm, S.

3. Trần Phong Giao dịch (1965), Những người trung thực (kịch), Tập san văn.

4. Trần Phong Giao & Vũ Đình Lưu dịch (1965), Lưu đày và quê nhà (tập truyện ngắn)NXB Giao điểm, S.

5. Dương Kiền & Bùi Ngọc Dung dịch (1965), Người xa lạ (tiểu thuyết)NXB Đời Nay.

6. Võ Lang dịch (1965), Người xa lạNXB Thời Mới.

7. Hoàng Văn Đức dịch (1966), Dịch hạch (tiểu thuyết), NXB Thời Mới.

8. Trần Thiện Đạo dịch (1967), Bề trái và bề mặt (tiểu luận), NXB Giao Điểm, S.

9. Biển đông xe cát (Huyền thoại Sisyphe), NXB An Tiêm, 1969

10. Tuấn Minh dịch (1970), Kẻ xa lạNXB Sống Mới.

11. Võ Văn Dung dịch (1971), Dịch hạchNXB Dịch Giả.

12. Bùi Giáng dịch (1972), Ngộ nhận (kịch), NXB An Tiêm.

13. Lê Hoàng Dân & Mai Vi Phúc dịch (1973), Kẻ xa lạ, NXB Trẻ.

14. Trần Phong Giao dịch (1974), Sứ mệnh văn nghệ hiện đại, NXB An Tiêm.

15. Nguyễn Trọng Định dịch (1989), Dịch hạch, NXB Văn học.

16. Vũ Đình Phòng dịch (1992), Nơi lưu đày và Vương quốc (tập truyện ngắn), NXB HNV.

17. Dương Tường dịch (1995), Người dưng, NXB Văn học.

18. Vũ Đình Phòng dịch (1998), Người đàn bà ngoại tình (in trong tập Truyện ngắn nước ngoài chọn lọc), NXB QĐND.

19. Vũ Đình Phòng dịch (1998), Kẻ phản bội, Những người câm (in trong Truyện ngắn chọn lọc tác giả đoạt giải Nobel), NXB HNV.

20. Lê Hoàng Dân dịch (2001), Kẻ xa lạ,  NXB Hội Nhà Văn.

21. Nguyễn Văn Dân dịch (2002), Kẻ xa lạ (in trong Văn học phi lí), NXB Văn hóa Thông tin.

22. Trần Thiện Đạo dịch (1972), Sa đọa (truyện kể), NXB Giao Điểm, in lại tại NXB HNV, 2002.

23. Nguyễn Văn Dân dịch (2002), Một lập luận phi lí và huyền thoại Sisyphe (tiểu luận triết hoc),  in trong Văn học phi lí, NXB Văn hóa Thông tin.

24. Trần Thiện Đạo dịch (2004), Giao cảm & Bề trái và bề mặt (tiểu luận), NXB Văn hóa Thông tin.

25. Bùi Giáng dịch, Bạo chúa Caligula, NXB Võ Tánh.

26. Bùi Giáng dịch, Mùa hè, Con người phản kháng (tiểu luận tùy bút), in trong Sương Tì Hải, NXB Phú Vang 1966, NXb An Tiêm, 1972, NXB HNV, 2008.

27. Dương Linh dịch (2004), Người đàn bà ngoại tình, Jonas hay công nghiệp người nghệ sĩ, Đá mọc, in trong Tuyển tập truyện ngắn tác giả đoạt giải Nobel, NXB HNV.

                                

Powered by Froala Editor