Viện phương đông

3 năm trước

Giáo sư Hoàng Trọng Phiến - nhà khoa học lãng mạn xứ Quảng

Giáo sư Hoàng Trọng Phiến được mệnh danh là một người lãng mạn vào bậc nhất. Sự lãng mạn của ông là nguyên nhân sinh ra nhiều câu chuyện giai thoại độc đáo mà nhiều năm sau những dư âm của nó chưa phai nhạt trước các thế hệ học trò.

Powered by Froala Editor

Hồi thứ 9:

Bùi Duy Tân đổ nước mộng giường

Hoàng Trọng Phiến vén màn tế độ

(Nghiệt như Tân ngân như Phiến).


I. Phó giáo sư Bùi Duy Tân:

Người nuối tiếc khoa Văn nhiều nhất (kỳ sau)


II. Giáo sư Hoàng Trọng Phiến:

Nhà khoa học lãng mạn xứ Quảng

luôn hành trình cùng những giai thoại. 

 

          Trong các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Việt Nam, giáo sư Hoàng Trọng Phiến được mệnh danh là một người lãng mạn vào bậc nhất. Sự lãng mạn của ông là nguyên nhân sinh ra nhiều câu chuyện giai thoại độc đáo mà nhiều năm sau những dư âm của nó chưa phai nhạt trước các thế hệ học trò.

          Ông sinh năm 1932 tại Hoà Vang, Quảng Nam cũ (nay thuộc Đà Nẵng). Đó là một vùng đất nghèo nhưng nổi tiếng vì thời nào cũng sinh ra các bậc anh tài. Mới 13 tuổi, ông đã hăng hái tham gia cách mạng. Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông xung phong vào du kích rồi hoạt động trong vùng địch hậu và được kết nạp Đảng lúc mới 17 tuổi. Ngay từ những năm tháng tuổi trẻ này, ông đã làm đến thường vụ Đoàn Thanh niên Quảng Nam Đà Nẵng. Cứ theo con đường chính trị mà thẳng tiến, chắc ông đã lên tới chức Uỷ viên Trung ương. Nhưng sau 1954, ông tập kết ra Bắc vào học Đại học Tổng hợp. Cuộc đời lại rẽ ngoặt sang hướng khác. Ông trở thành nhà nghiên cứu ngôn ngữ học và cuối cùng trở thành giáo sư của ngành này.


          Khi còn công tác ở vùng địch hậu Quảng Nam, do chủ trương phát triển cán bộ lâu dài, Hoàng Trọng Phiến may mắn được Tỉnh uỷ Quảng Nam cho đi học trung học cơ sở, rồi học trung học phổ thông tại trường Lê Khiết, Quảng Ngãi. Đó là trường phổ thông cấp III Quảng Ngãi, Liên khu V trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đây là một ngôi trường nổi tiếng đã cung cấp cho đất nước nhiều bậc nhân tài kiệt xuất. Trong đó có các nhà lãnh đạo, các nhà văn, nhà khoa học như: Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Hạnh, nhà văn Vũ Hạnh, nhà văn Nguyên Ngọc... Bởi thế, mỗi khi nhắc đên quê hương, giáo sư Hoàng Trọng Phiến thường bộc lộ niềm tự hào sâu sắc. Mỗi lúc cao hứng, ông thường hay nói tới một cụm từ làm ông kiêu hãnh “trai xứ Quảng”. Còn nhắc tới ngôi trường thân yêu này, ông không quên nhớ tới những người thầy cũ của mình. Ông kể, thời cấp III, ông đã từng học văn mà người giảng là giáo sư như: Lê Đình Kỵ (sau này là cán bộ giảng dạy khoa ngữ Văn), Lê Trí Viễn (sau này là cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Hà Nội). Còn môn toán thì học những người như giáo sư Hoàng Tuỵ...

          Ngày chúng tôi mới vào năm thứ nhất, khi chưa dự giờ của giáo sư Hoàng Trọng Phiến thì đã được nghe nhiều câu chuyện giai thoại về cuộc đời công tác và giảng dạy của ông. Có một cụm từ mà cả sinh viên Việt Nam và nước ngoài thường dùng để khu biệt ông với các thầy khác trong trường. Đó là cụm từ “rất Hoàng Trọng Phiến”.

 Các giai thoại được tạo nên quanh ông nhìn chung đều biểu lộ sự yêu quí của những thế hệ sinh viên với người thầy thuộc bậc “nhị tiền bối” (thế hệ thứ hai) của giới nghiên cứu ngữ học trong trường và cũng là của Việt Nam. So với lịch sử của khoa Ngữ Văn thì ông lại là sinh viên tốt nghiệp khoá I, mà có người gọi là thế hệ thứ nhất, tính theo niên đại khoá học.

          Giai thoại thứ nhất là giai thoại ông “làm công tác tư tưởng” cho sinh viên khi làm bí thư Đoàn. Nếu nói tới lịch sử Đoàn thanh niên Cộng sản của trường Đại học Tổng hợp (cũ) thì ông kể như là thủ lĩnh đầu tiên. Còn nhớ, năm 1956, trường Đại học Tổng hợp được thành lập. Lúc đầu, tổ chức Đoàn thanh niên còn chia thành hai khối: khối khoa học tự nhiên và khối khoa học xã hội. Hoàng Trọng Phiến làm bí thư Liên chi Đoàn khối Khoa học Xã hội còn Hoàng Hữu Như làm bí thứ Liên chi Đoàn khối Khoa học Tự nhiên. Năm 1957, tổ chức Đoàn được sáp nhập làm một. Ông được cử giữ chức bí thư Đoàn trường. Lịch sử đã ghi nhận ông là vị bí thư Đoàn đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp. Thế mà, về sau, trong nhiều ngày kỷ niệm thành lập Trường, chẳng mấy ai lại nhớ tới cái việc đó. Thành ra ông rất buồn phiền. Ông bảo “Lý ra những ngày như thế này họ phải mời mình”. Nhưng ông đâu có biết, những chuyện như thế bây giờ rất thường tình. Mấy tuần trước, người ta đang đồn ầm lên về việc làm “nhân văn” của vị hiệu trưởng với đồng nghiệp trong vụ không cho anh K. cán bộ giảng dạy khoa Sử lên lương đúng hạn chì vì người vợ sau của anh có đứa con thứ hai. Mà lại có con trong hoàn cảnh Quốc hội vừa ra luật về vấn đề sinh đẻ. Luật thì cho phép, nhưng chỉ thị lại không cho (đó là chưa nói, chỉ thị còn ra sau luật rất nhiều). Khi dừng việc lên lương của anh K, vị hiệu trưởng giải thích trong một cuộc họp có đủ bá quan văn võ “ở ta, chỉ thị là luật” thì mọi người mới ngớ ra. Trình độ của hiệu trưởng một trường đại học cỡ lớn Quốc gia mà hiểu luật như thế thì trên thế giới có lẽ chỉ Việt Nam mới có. Thế thì, có lẽ phải phải làm lại toàn bộ Từ điển tiếng Việt cho phù hợp với trình độ cán bộ quản lý của ta rồi. Nếu không ngữ nghĩa của các từ “luật”, “chỉ thị”, “nhân ái, nhân văn” sẽ luôn bị người ta hiểu sai. Các cán bộ, nhân viên sẽ không hiểu được “tấm lòng”, “tính nhân văn cao cả” trong đạo quản lý của các vị thủ trưởng!

Những lần như thế, tôi nhìn ông cũng rất làm ái ngại. Để động viên, tôi thường trỏ sang thầy Nguyễn Xuân Lương “Thì đây, cựu (Q) bí thư Đảng uỷ Trường, kiêm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ nhưng có ai mời đâu?”. Những lúc đó, Hoàng Trọng Phiến cảm thấy được an ủi. Ông dường như quên đi cái việc “đối xử” đã xảy ra. Tuy nhiên, nhớ tới những ngày xa xưa thuở ấy, ánh mắt ông vẫn lung linh một niềm tự hào. Nhân thể lúc ông đang phấn chấn buông hồn mình sống trong hoài niệm, tôi mới hỏi ông về cái chuyện giai thoại ông “Làm công tác tư tưởng với sinh viên ở trong màn” có đúng không ? Ông cười ngất và khẳng định đó là chuyện có thật. Có thật một trăm phần trăm. Thấy thế tôi phục lắm. Bởi vì mãi tới những năm 70 của thế kỷ trước, quan niệm của xã hội vẫn hết sức khắt khe. Dạo đó, đôi nào có tình ý với nhau mà ngồi tâm sự trong màn thì chẳng những xung quanh xì xào đủ chuyện mà có khi còn đem nhau ra lớp, ra chi đoàn kiểm điểm. Vô phúc cho kẻ nào để cho “đội cờ đỏ” của Khoa bắt được thì chắc chắn sẽ  được “tuyên dương” ngay vào buổi chào cờ thứ hai đầu tuần. Đó là những năm tháng “đội cờ đỏ’ vẫn còn phát huy mọi mặt tác dụng của nó trong giám sát giờ tự học, lao động vệ sinh. Nhiều thành viên tích cực của đội này sùng sục suốt đêm ngày và tạo thành những chiến công rạng rỡ.

          Trong bối cảnh như thế mà Hoàng Trọng Phiến là một cán bộ giảng dạy, lại là bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Trường lại dám chui hẳn vào màn của một nữ sinh viên để “làm công tác tư tưởng” thì là một sự kiện quá khinh suất. Đương thời có lẽ chỉ có ông mới dám làm. Mà tài nhất là làm mà không bị kiểm điểm lại còn được biểu dương. Chỉ tiếc, cái việc làm này lúc đó không được “nhân giống” để tiến hành đại chà mà chỉ là một hiện tượng cá biệt. Nó tạo nên phong cách riêng của giáo sư Hoàng, một phong cách phóng túng, không chịu “gò mình” hay “ép xác”. Tất cả chỉ vì do cái tâm hồn lãng mạn của ông mà ra. Cuộc đời ông có nhiều vinh quang, nhưng không ít cay đắng cũng chính bởi cái chất tố này. Nếu như chất lãng mạn chính là “nguồn cội” tạo nên một con người có cuộc sống nội tâm phong phú, nó lại là cái lá chắn luôn giương ra trên lối đi của cuộc sống quan trường. Cả đời Hoàng Trọng Phiến chỉ làm đến chủ nhiệm khoa rồi lại trở về với nghiệp của anh cán bộ giảng dạy, mặc dù ông là người có thâm niên cách mạng thuộc loại khá cao. Đôi lúc vui vui, ông vẫn nói “Mình lẽ ra phải là Trung ủy  Uỷ viên Trung ương) từ lâu rồi mới phải. Mình là Trung uỷ thì đất nước có lợi nhiều lắm”. Tôi đùa ông “Có lẽ thầy không lên được vì từ cái phốt chui vào màn nữ sinh viên để làm công tác tư tưởng”. Ông chau mày, tủm tỉm  “Tầm bậy. Chuyện đó tôi được biểu dương đó chú mày ạ. Ngoài Hoàng Trọng Phiến ra, hồi đó không ai có thể làm được”.

          Tên người nữ sinh đó đến nay vẫn còn là điều hoàn toàn bí mật. Chị ở khoa nào cũng không ai rõ. Chỉ biết, thời ấy, chị trẻ lắm, lại rất xinh. Chẳng hiểu do yêu đương thế nào, cuối cùng chị tuyệt vọng, bỏ cơm không ăn đã mấy ngày. Nghe sinh viên trong lớp đồn, chị sẽ tuyệt thực để tự sát. Các bạn trong lớp đến động viên. Lớp trưởng, rồi bí thư chi đoàn đến động viên. Thế nhưng chị vẫn nằm lỳ trong màn không dậy, quyết không ăn để tìm đến cái chết làm tiếng chuông báo hiệu cho những cuộc tình tương lai. Nhận được tin khẩn báo, hơn mười một giờ đêm, chàng bí thư trẻ Hoàng Trọng Phiến vội xuống ngay phòng sinh viên. Nghe các thuộc cấp báo cáo, ông biết nếu cứ “vờn vờn” ở ngoài sẽ chẳng có hiệu quả vì đối tượng đã tỏ ra quyết chí lắm rồi. Trước cái chết của một đoàn viên, ông nảy ra ý nghĩ, dù phải kỷ luật thì cũng phải cứu lấy mạng sống của cô. Một người đẹp như thế chết sẽ uổng biết bao!

          Thế là ông giơ tay vén màn người đẹp và không ngần ngại chui tọt ngay vào chiếc màn cá nhân, ngồi bên cạnh cô nữ sinh hoa khôi đã toan tự vẫn kia. Không ai biết ông “làm công tác tư tưởng” cho cô nữ sinh thế nào, chỉ biết sau chừng gần một tiếng thì các bạn nữ trong phòng nghe thấy bạn mình khinh khích cười. Nụ cười tưởng như không bao giờ còn trên bờ môi ướt mọng đầy gợi cảm của cô. Hôm sau, cô ăn cơm và lại cắp sách tới lớp như thường lệ.

          Sau cái vụ ấy, tiếng tăm Hoàng Trọng Phiến nổi như cồn. Chẳng ai nghĩ tới việc lỷ luật ông vì ông đã làm được một việc to lớn quá. Cứu được một số mệnh thoát khỏi bàn tay tử thần. Ông được biểu dương cũng phải. Về việc này, đời sau đã có thơ vịnh rằng:

Vén tay chạm tới Động đào

Sao không cho tỏ lối vào thiên thai

Mấy thời đã gặp tóc mai

Mấy thời má phấn mấy ai má hồng?

Phải chi giữa chốn tang bồng

Sao không sâu đến tấc lòng làm ghi.

Người đâu gặp làm chi

 Trăm năm biết có duyên gì hay không? 

          Vì trước khi học, chúng tôi đã nghe được một số giai thoại nên khi học giờ ông chúng tôi tò mò lắm. Phải nói ông là một người có khả năng hùng biện. Với giọng nói hùng hồn, lại thêm những tri thức Nga học, ông đã làm choáng ngợp những thằng học trò nhà quê chúng tôi về nhiều vấn đề ngoài cái chuyên môn hẹp  là ngữ học. Trong giờ dạy, ông thường kể chuyện nhiều về nước Nga. Qua những mẩu chuyện của ông, chúng tôi hình dung nước Nga như là một thiên đường. Nơi đó có những cánh rừng dương bạt ngàn. Về mùa đông, khắp nơi mênh mông tuyết trắng. Cái màu trắng tinh khiết đến nỗi có cảm tưởng nuốt nó vào miệng là có cảm giác mát ngọt. Qua những lời bất tận của Hoàng Trọng Phiến, cả bọn con trai trong lớp há hốc mồm tưởng tượng như trước mắt mình có một bầy tiên nữ. Đó là các cô nữ sinh viên người Bạch Nga, Ucraina...cô nào cũng mặc váy xanh, áo trắng, tóc vàng xoã bên vai, mắt xanh biếc màu xanh của sông Von ga. Phải nói, Hoàng Trọng Phiến là người yêu nước Nga đến vô bờ. Nước Nga không chỉ là một trung tâm khoa học cực lớn của thế giới mà còn là nơi chắp cánh cho tâm hồn lãng mạn vô cùng bay bổng của ông. Nó bay tới đâu, chỉ ông mới biết. Nhưng chắc chắn, trong giờ học nó hiện lên thấp thoáng trong nhiều cua dạy mà ông đã lên lớp chúng tôi. Cả trong môn phong cách học lẫn môn ngôn ngữ học đại cương. Tôi nhớ lắm, thời ấy, khi giảng ngôn ngữ học đại cương, ông không dùng sách tiếng Việt. Trước mặt ông chỉ có một cuốn sách tiếng Nga dày cộp. Ông dùng nó để truyền dạy trực tiếp cho chúng tôi.Ông bảo, ông là người đầu tiên giới thiệu lý thuyết ngôn ngữ học đại cương và giới thiệu Xtepanov ở Việt Nam. Tôi nhớ không nhầm thì đó là cuốn “obsee jazưkaznanie” của Xtepanov (xuất bản tại Matxcơva). Về sau, ông còn giới thiệu  thêm cuốn “Jazưk kak sistemno-strykturnoe obrazovanie” của V.M. Solnsev (xuất bản tại Matxcơva 1977). Tôi lấy làm phục lắm. Mỗi buổi tối sau khi nghe giờ ông giảng về, tôi cứ nằm mơ về nước Nga. Mơ mãi rồi cuối cùng cũng thành sự thật. Tới thời cải tổ tôi đã được lên máy bay để tới nước Nga thiên đường mà ông đã miêu tả một thời.

          Khi giảng các môn chuyên ngành cho chúng tôi, Hoàng Trọng Phiến thường tự hào, ông là một trong các phó tiến sĩ đầu tiên “được đào tạo bài bản” tại Liên xô. Ông bảo, trong lĩnh vực nghiên cứu ngữ pháp, ở Việt Nam ông chỉ đứng sau Nguyễn Tài Cẩn, nghĩa là ông là nhân vật số hai của ngành. Việc xếp hạng ngôi thứ trong ngành thực ra là chuyện rất khó, nhưng đó cũng là một cách nhìn. Chúng tôi hiểu ông nhấn mạnh mấy chữ “được đào tạo bài bản” là muốn nói, thực ra Nguyễn Tài Cẩn đã bảo vệ phó tiến sĩ trước ông, nhưng đó là thành quả của việc đi chuyên gia. Còn ông thuộc diện cử đi nghiên cứu sinh trong nước, sang bên đó chỉ có việc học tập, nghiên cứu mà thôi.

          Trong lĩnh vực nghiên cứu cú pháp ông là một người có thâm niên khá lâu, lại đào tạo rất nhiều thế hệ học trò. Kể như ông cũng là tác giả đầu tiên có một cuốn sách cú pháp khá dày dặn (nghiên cứu về câu) là cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt (câu)” (Nxb ĐH&THCN. H. 1980). Thế nhưng, trong một cuốn sách về lịch sử nghiên cứu Việt ngữ, ông lại không được nhắc đến với tư cách là một tác giả. Điều này khiến ông rất buồn và cũng có nhiều lời xì xào về cả chuyên môn và nhân tình thế thái. Lý ra, một cách khách quan, dù cuốn sách hay dở thế nào, thậm chí chép lại của người khác chăng nữa thì nó cũng phải được kể đến mới đúng lẽ đạo. Nhưng thời thế biến đổi, mọi giá trị biến thiên thì việc đó cũng chẳng có gì lạ. Chẳng cứ gì nội dung ở phần ngữ pháp mà ngay phần nghiên cứu về phong cách học thì cuốn sách này cũng tỏ ra một sự quá non nớt trong việc tiếp nhận các tri thức hiện đại và thành tựu nghiên cứu của phong cách học tiếng Việt. Trong phần này người đọc chỉ được giới thiệu một vài nhà nghiên cứu với các phương pháp nghiên cứu đã quá lỗi thời và lạc hậu, trong khi đó còn có nhiều tác giả và các công trình hiện đại thì không được đề cập. Điều này chẳng nên bận tâm nhiều, vì khoa học bao giờ cũng tự chứa đựng tính khách quan và trung thực của nó, bất chấp sự chủ quan của mỗi người. Đó là chuyện rất dài, nay không nói nữa. 

Tôi vẫn động viên giáo sư Hoàng Trọng Phiến, điều quan trọng không phải là chỗ mình có được cuốn sách này hay cuốn sách kia nhắc đến hay không. Quan trọng là ở tinh thần lao động và những đóng góp thực sự với nghề, với đời. Có không được kể đến trong cuốn sách nọ thì ông vẫn cứ là Hoàng Trọng Phiến với tầm vóc thực của mình. Và ông vẫn cứ là bậc thầy của những người làm nên nó. Sách của ông vẫn cứ được lưu giữ trong thư viện Quốc gia. Đó mới chính là lịch sử và cũng là điều quan trọng nhất.

Trong tâm trí tôi, bất luận thế nào ông vẫn là người thầy. Một người thầy thực sự đã từng giảng bài cho mình trên lớp, tạo cho mình những kiến thức rất quan trọng từ khi mới bước chân vào nghề. Bởi thế, tôi luôn tâm niệm, nếu trong cuộc sống dù ông có làm điều gì không phải với mình thì phản ứng cũng nên chỉ có giới hạn. Rất may, ông chưa làm việc gì quá trong ứng xử với tôi. Hai thầy trò sau bao nhiêu năm vẫn còn giữ lại những tình cảm đã có của cái thuở ban đầu.


Nói về sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu. Không thể không xếp giáo sư Hoàng Trọng Phiến vào bậc chưởng lão của khoa. Đôi lúc nói chuyện với tôi, ông vẫn hay vỗ vào ngực mình rất mạnh bày tỏ niềm tự hào, rằng ông là con người có rất nhiều cái “đầu tiên”: Người đầu tiên được đào tạo phó tiến sĩ ngữ học một cách bài bản, người đầu tiên giảng ngôn ngữ học đại cương ở Việt nam, người đầu tiên giới thiệu Xtepanov, người đầu tiên xây dựng ngành tiếng Việt cho người nước ngoài, chủ nhiệm đầu tiên của khoa tiếng Việt. Duy chỉ việc, ông là người đầu tiên “làm công tác tư tưởng” theo quan niệm “….”  thì ông không nói tới. Về việc làm chủ nhiệm khoa tiếng Việt đầu tiên, không phải vì tôi là học trò mà tâng bốc giáo sư Hoàng Trọng Phiến. Tôi đã từng cật vấn ông, khoa tiếng Việt được hình thành từ năm 1968 sao ông lại có thể là vị chủ nhiệm đầu tiên? Ông giả thích: Đúng là, khoa tiếng Việt được hình thành từ năm 1968. Nhưng lúc đó chỉ có người phụ trách vì nó còn hoàn toàn phụ thuộc vào khoa Ngữ văn. Năm 1973, mới chính thức có chủ nhiệm khoa và ông được bổ nhiệm làm chủ nhiệm đầu tiên. Sợ tôi nghi ngờ cả “cái đầu tiên” về việc xây dựng ngành tiếng Việt cho người nước ngoài, ông cho biết thêm: khi ông thôi không giữ chức chủ nhiệm khoa, người ta gửi đến cho ông một tấm bằng khen và giải thưởng về sáng kiến xây dựng ngành dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Đến nay, ông hiện vẫn còn lưu giữ làm kỷ niệm.

Phải nói rằng, thời đó làm chủ nhiệm khoa Tiếng Việt sang và “to” lắm, chứ không như bây giờ. Khoa này đóng trụ sở tại trường Đại học Bách khoa, tách biệt khỏi trường Đại học Tổng hợp, có tài khoản riêng (mà lại lớn) nên nó như một trường riêng. Mọi người vẫn đùa, làm chủ nhiệm khoa này không khác gì tổng thống một quốc gia riêng, có đủ quyền sinh quyền sát. Hoàng Trọng Phiến những ngày đó oai lắm. Mỗi khi ông nói, bay theo lời nói của ông là đô la, là hơi rượu Uýt ki và hơi thuốc lá ngoại. Cần tiền thì ông cho tiền. Nhiều Hội nghị khoa học thường mượn cơ sở ở khoa Tiếng Việt để được ông hỗ trợ thêm cho phần tài chính. Học sinh làm luận văn với ông, nếu đề tài nào mà có thể phục vụ cho việc dạy tiếng, ông ký “xoẹt” một cái là có tiền đánh máy (thời đó chưa có vi tính nên đánh máy đã là ước mơ của sinh viên. Gần một trăm phần trăm chỉ có luận văn viết tay). Tôi may mắn làm luận văn với ông, luận văn sau được đánh máy thành 4 bản. Ông cho tôi một bản, đến nay vẫn giữ làm kỷ niệm.

Ngẫm ra đời nào có tiền cũng oai. Có tiền cho người khác càng oai hơn nữa. Hoàng Trọng Phiến đã sống một thời oai hùng như thế suốt những năm bao cấp gian khổ từ 1973 đến 1984, khi ông mắc phải một sự vụ đáng tiếc và thôi giữ chức chủ nhiệm. Bây giờ nhìn lại thấy rất buồn cười. Nhưng thời đó nó là một sự kiện chấn động dư luận, đúng như một vở kịch vui nước ngoài “Chuyện không có gì mà ầm ỹ thế”. Tuy nhiên, muốn lý giải đúng đắn nguyên nhân của sự vụ này cùng những hậu quả của nó, cần phải trở lại những vấn đề mấu chốt trong cá tính và phong cách của ông.

Ở trên, ta mới chỉ được biết đến một giai thoại vui nói lên cái tư tưởng “nghĩ sao làm vậy” và tinh thần lãng mạn của ông trong cái giải pháp ít có của một người quản lý. Vụ cứu cô nữ sinh hoa khôi đại thắng đã làm cho ông thiếu bài học cảnh giác với người đời để chịu một cảnh “oan gia” trong cái năm nghiệt ngã ấy. Đó là vì, khi ông làm chủ nhiệm khoa tiếng Việt, vì gần gũi với các học trò nên học trò rất thích lại yêu ông lắm. Học trò từ nước ngoài mới đến, học trò từ khoa ông về nước nghỉ hè, nghỉ phép...thường lui tới chỗ ông. Khi họ biếu ông chai rượu Tây, khi biếu ông tút thuốc lá ngoại. Đó toàn là những thứ đắt tiền, nay kinh tế đất nước đã hết nghèo thì thấy bình thường lắm. Nhưng thời đó, người ta nhìn ông giống như đang sống ở thiên đường. Cán bộ trong trường phải họp cả buổi để chia nhau vài bao thuốc Tam Đảo, Tam Thanh phân phối thế mà ông suốt ngày toàn hút thuốc ngoại có đầu lọc. Mùa hè, cán bộ trong trường chen lấn nhau mà mua bia sinh tố của ông Lân Dũng (loại bia tự chế) thế mà ông lại toàn sài bia lon của Anh quốc hay Hung ga ri. Trong các bữa nhậu đãi nhau, cán bộ phải uống thứ rượu sắn mua chui vừa chua vừa đau đầu ông lại toàn nhâm nhi rặt những rượu Na pô lê ông hay Theacher... Bề ngoài nhiều người nể ông, nhưng bên trong làm sao tránh được những người đang ngấm ngầm ghen ghét? Đã từ lâu, ông lọt vào tầm ngắm của nhiều đối thủ đang có ý cạnh tranh với mình. Nhận  thuốc lá ngoại của sinh viên Nhật Bản, nhận rượu mạnh của học trò châu Âu...Đó là những cái tội mà với Hoàng Trọng Phiến, đó chỉ là các chuyện vặt. Ông sống ở Tây nhiều, thầy trò biếu nhau ba thứ vớ vẩn đó có gì đáng nói? Ông chẳng những không thèm giấu kín mà còn oang oang kể cho bạn hữu, hôm kia cậu A từ ....tới cho ông mấy bao thuốc hút rất hay, tuần trước, cô B từ.... tới cho chai rượu uống rất khá. Ông không biết là có những kẻ đã ghi âm lại cả những chuyện này. Chỉ còn chờ cơ hội đến là làm một trận đánh “tiêu diệt”.

Có rất nhiều tình tiết và giai thoại xung quanh cái sự vụ xảy ra với ông. Đại để, một ngày kia, nghe nói, có mấy học sinh nước ngoài (hình như là người Paletxtin) sắp về nước. Họ vốn là các học trò cưng của ông và đã được ông đào tạo bốn năm nay vừa mới tốt nghiệp. Để kỷ niệm tình thầy trò, mấy sinh viên Paletxtin băn khoăn không biết lấy gì để tặng thầy. Một anh học trò chợt nhớ ra, mấy lần đến chơi nhà, thầy muốn đãi học trò nước đá đều phải chạy ra phố mua. Lừng lững một chủ nhiệm khoa mà lại không có tủ lạnh. Tốt nhất là tặng lại thầy chiếc tủ lạnh cũ mà họ mua từ lúc mới sang. Như thế rất tiện lợi. Chở về nước thì không được rồi, công chở sẽ gấp chục lần mua tủ mới. Bán lại cũng phiền phức vì phải tìm người mua, mà cũng chẳng được là bao...ý kiến đó được trình lên. Chủ nhiệm Phiến gật gù. Ông vốn tính thoải mái, lại quen nếp nghĩ từ nước ngoài. Chuyện đó rất nhỏ. Dạo còn học ở Liên xô, thầy trò tặng nhau chiếc tủ lạnh mới cũng là chuyện thường. Huống hồ đây là chiếc tủ cũ.

Nghĩ thế, Hoàng trọng Phiến phảy tay đồng ý. Một buổi tối mùa hè, mấy chàng sinh viên quí thầy liền dùng xe ô tô chở thẳng chiếc tủ lạnh tới khu tập thể khu Láng B, cách rạp chiếu bóng Đống Đa chừng gần một km. Đó là nhà ở của giáo sư Hoàng Trọng Phiến. Hôm đó, mất điện, trời sáng trăng. Mấy sinh viên hì hục khiêng chiếc tủ kỷ niệm vào nhà thầy. Mấy anh học trò “dài lưng tốn vải” có khi nào lao động, nên vừa mó tay làm mồ hôi đã đầm đìa sau lưng. Mồ hôi ra thì phải tắm. Tắm đâu? Làm gì có nhà hàng! Về ĐH Bách Khoa thì xa quá. Giáo sư Hoàng tặc lưỡi, thì tắm luôn phía sau nhà cũng được. Dẫu sao thì đó cũng chỉ là những học trò của ông.

Ở khoa tiếng Việt, các sinh viên bao giờ cũng phải tắm trong phòng, có bốn tường kín bao quanh, nay được tắm ngoài trời thì thật lấy làm sảng khoái. Có lẽ lần đầu tiên từ ngày sang nước Việt họ được thưởng thức cái cảnh tắm mát dưới đêm trăng nên ai cũng nói cười thoải mái. Họ vừa tắm, vừa hô hố cười làm vang động cả khu tập thể khiến bao người phải tò mò. Có lẽ phải báo công an thôi. Làm sao lại có sự ngược đời thế được? Thói quen tư duy của người Việt bấy lâu nay chỉ quen với việc “Ta phục vụ Tây” chứ chưa bao giờ lại có chuyện “Tây phục vụ Ta” như thế cả. Ngay từ lúc mấy chàng sinh viên Paletxtin hì hục khiêng tủ lạnh vào nhà giáo sư Hoàng người ta đã thấy lạ rồi. Nay lại thấy mấy ông Tây cởi trần dội nước ào ào nơi bể nước dưới bóng cây thì có khác nào cái sự kiện người Việt Nam lên sao Hoả.

Giữa lúc thời buổi còn có quan niệm rất nghiêm ngặt trong việc quan hệ và tiếp xúc với người Tây, việc người Tây tắm ào ào trong nhà giáo sư Hoàng đương nhiên phải được công an quan tâm. Với những người khác thì khi tiếp xúc với người Tây bao giờ cũng phải có ba người, tức có một người khác chứng kiến. Cứ cho giáo sư Hoàng là chủ nhiệm có được nới lỏng hơn một chút thì ông có thể tiếp khách Tây tự do hơn, thậm chỉ chỉ có một mình. Đằng này Tây lại phục vụ ông, lại tắm ào ào trong nhà ông...

Được công an hỏi thăm, giáo sư Hoàng phải làm bản tường trình. Thật là “cái sảy nảy cái ung”. Từ câu chuyện chiếc tủ lạnh cũ của mấy anh học trò Paletxtin, sự việc xoay chuyển sang một tình thế khác. Những cuộc họp kiểm điểm bắt đầu được tổ chức liên miên. Giáo sư Hoàng bắt đầu lâm vào thế trận. Con người nghệ sĩ trong ông làm sao có thể lường hết được bụng dạ con người? Ông bị tấn công từ mọi phía. Mới hôm qua ông còn là người nhiều ưu điểm thế, hôm nay đã trở thành con người gánh trên vai đủ mọi thứ tội lỗi. Thật không khác nào Từ Hải chết đứng giữa chốn sa trường. Luận về sự kiện này, đời sau mới có thơ vịnh rằng:

Rằng, Hoàng là đấng anh hùng

Bấy lâu quen thói vẫy vùng kém ai

Biết đâu đúng, biết đâu sai

Mà nay chết đứng giữa đài vinh quang

Khéo thay duyên phận bẽ bàng

Mặt còn ngơ ngẩn dạ càng ngẩn ngơ

Biết bao giờ đến bây giờ

Lại xem hoa nở lại chờ trăng lên.

Từ một sự kiện vu vơ đã dẫn đến một trận chiến dai dẳng. Cuối cùng, Hoàng Trọng Phiến phải từ giã khoa tiếng Việt để trở lại khoa Ngữ Văn. Ông không còn được sống những ngày thoả chí tang bồng “Mình riêng, riêng một biên thuỳ” nữa. Cũng chẳng còn có cơ hội để “xem hoa nở” và “chờ trăng lên”, ông trở về khoa trong vòng tay của các thế hệ học trò để hưởng cảnh đoàn viên như Thuý Kiều sau 15 năm lưu lạc. Nét mặt buồn thăm thẳm, ông về chốn cũ, tuần hai buổi đi dạy trong tâm trạng “ Đi về này vẫn lối này năm xưa”.

           Nhờ có vị Hiệu trưởng đồng hương Phan Hữu Dật và một số bạn bè giúp đỡ, sau khi cái sự vụ “chết người” ấy lắng đi một thời gian, Hoàng Trọng Phiến được cử đi chuyên gia dạy tiếng ở Nhật Bản. Thế là từ cái sự không may, ông lại trở thành người may mắn. Nỗi buồn cũ qua đi thảng thốt như một giấc chiêm bao, niềm vui mới đang lại. Mỗi buổi sáng, giờ đây ông lại “xem hoa nở” ở nước “Mặt trời mọc” và “chờ trăng lên” từ phía biển Đông. Thời kỳ này ông lẫy lừng là người lắm tiền, kể như đã được gọi là người giàu nhất khoa. Bởi thế, mới có cái vế câu “ngân như Phiến” là muốn nói tới cái sự tiền nhiều như nước của ông. Tất nhiên, ngoài cái nghĩa đó, “ngân như Phiến” còn thể hiện một nội dung khác. Đó là phong cách giảng dạy của ông. Lại nhớ, mỗi lần ông giảng dạy môn phong cách học tiếng Việt trên lớp, giọng ông thường ngân nga lắm. Nhất là mỗi khi ông đọc thơ, người nghe có cảm tưởng là cái chuỗi âm thanh từ trong miệng ông phát ra giống như làn sóng lượn, vỗ vờn ì oạp bên màng nhĩ. Có lúc rì rào như cơn gió nhẹ thổi bên hàng bạch dương, có lúc lại sôi nổi như khúc nhạc giao hưởng tới phút cao trào. Những lúc ấy chỉ thấy mắt Hoàng giáo sư ngây ngất. Ông như quên mất cả thời gian, không gian, tâm trí như hút cả vào tiếng vang huyền diệu sau mỗi dòng, mỗi chữ. Vui nhất là khi giảng về thủ pháp so sánh, ông thường dùng biện pháp “trực quan sinh động” khiến sinh viên há hốc mồm về sự bất ngờ. Có lần, hăng say giảng bài trong một lớp có gần 100 sinh viên, ông bước chậm rãi trong lối đi giữa lớp và đọc ngân nga câu ca dao:

Cổ tay em trắng như ngà

Đôi mắt em sắc như là dao cau.

          Bất ngờ, ông cầm lấy bàn tay của một cô nữ sinh giơ cao lên và nói “trắng như ngà là cổ tay này”. Cả lớp sững sờ. Ông tài tình thật. Cứ tưởng ông giảng bài thì chẳng chú ý tới cái gì, vậy mà ông đã chọn đúng một bàn tay của cô gái đẹp nhất. Bàn tay thon thả, búp măng, trắng và thật gợi cảm.

           Phong cách Hoàng Trọng Phiến là thế. Cái quán ngữ mà học trò các thế hệ vẫn đùa ông là “rất Hoàng Trọng Phiến” đã trở thành cụm tính từ mang bản sắc riêng không thể trộn lẫn với ai. Cũng vì yêu quí ông mà từ ông đã sinh ra rất nhiều giai thoại. Dạo tôi còn đang học đã nghe sinh viên các khoá trên kể một giai thoại vui về thầy rằng, lần đi coi thi ở Nghệ An ông đã gãi nhầm. Quả là mới nghe, khó ai hình dung nó ra làm sao. Nhưng khi tôi ở lại tổ bộ môn, thì một lần tôi đã được nghe chính ông kể lại giai thoại này với sự sảng khoái đặc biệt. Ông nói, dạo chiến tranh, mỗi lần thầy trò phải kéo nhau vào tận Nghệ An coi thi đại học là cực lắm. Cực mà vẫn vui. Cái vui của thầy trò khoa Văn khiến nhiều khoa khác phải thèm. Thuở ấy, tàu xe không hiện đại như bây giờ. Do phải vận chuyển binh lính, vũ khí vào Nam, tàu dành cho hành khách rất thiếu. Thầy trò khoa Ngữ Văn phải ngồi trong “toa đen” (loại toa chở đồ không có nghế ngồi). Tàu đi có vài trăm cây số mà rất lâu, phải tới mấy đêm ngày. Lúc mới lên tàu, thầy trò vừa ăn bánh mì vừa trò chuyện rất là rôm rả. Nhưng tàu chạy quá nửa đêm, gần về sáng thì ai nấy đều mệt và nằm lăn ra ngủ. Có khi thầy trò gối cả lên nhau mà không biết là nam hay nữ, thầy hay trò. Giấc ngủ vô tư đưa mọi người vào cõi mộng theo nhịp lắc lư của con tàu chạy trên đường ray. Mùa hè, trời nóng âm âm. Cái nóng làm cho người ta bức bối, ngứa ngáy. Quãng gần sáng, Hoàng Trọng Phiến bỗng thấy đùi của mình ngứa dữ dội. Ông ngủ lơ mơ, bèn thò tay xuống gãi. Lạ thay, càng gãi ông lại càng thấy ngứa hơn trước. Tay ông càng lia mạnh hơn. Gãi mãi, tới lúc trời hửng sáng, ông mở mắt bỗng giật mình thấy hai bàn tay mình đầy máu. Sợ quá ông suýt hét lên thì chợt nhìn xuống thấy một vế đùi trắng muốt của cô nữ sinh gác lên chân mình. Cô gái đang tuổi thanh niên nên ngủ li bì như chưa bao giờ được ngủ. Nóng quá, cô vén quần tới đùi mà không biết, vẫn ngáy như kéo bễ. Hoàng Trọng Phiến kinh ngạc nhìn thấy hai đùi của cô có rất nhiều vết xước rỉ đầy máu. Lúc ấy ông mới nhận ra đó là những vết móng tay mình cào. Hoá ra ông gãi nhầm đùi cô. Thảo nào ông càng gãi càng ngứa, mà cô sinh viên nữ thì ngủ rất ngon. Cô là La Thị E...nữ sinh năm thứ tư. Theo miêu tả của Hoàng giáo sư thì đó là một cô gái có nước da trắng ngần, hồng hào, đẹp một cách dễ sợ.

           Có thể nói, trong nhiều năm tháng ở đại học, chỗ nào xuất hiện Hoàng Trọng Phiến là ở đó có tiếng cười. Các cô giáo trẻ mà nghe ông tán giai thoại thì sướng lắm. Sướng nhưng cứ giả vờ quay đi làm như không thấy, không nghe. Hôm nào chấm thi mà vắng ông là các cô lại thấy buồn, đôi khi hỏi vu vơ “hôm nay sao không thấy thầy Phiến đi nhỉ”.

            Xét cho cùng thì trong con người của nhà khoa học xứ Quảng này, cái chất nghệ sĩ vẫn là tố chất cơ bản làm nên toàn bộ sự nghiệp và cuộc đời ông. Nếu tố chất này có điểm mạnh là làm cho cuộc đời ông luôn bay bổng, khoáng đạt thì nó lại giết chết con đường thăng tiến theo bậc quan trường mà ông đã lận đận trả giá nhiều phen. Tuy nhiên, cuối cùng thì tất cả đều chẳng có nghĩa gì ngoài cái tâm, cái thực mà đời mình có được. Dù truân trải, ông vẫn đi qua mọi cửa ải để đạt tới niềm mơ ước của mình. Gửi lại sau lưng ông là những năm tháng đáng yêu của những kỷ niệm vui buồn. Trong đó, đôi lúc hứng lên ông vẫn nhắc lại với niềm say sưa và tự hào tột bực.

          Sống với giáo sư Hoàng Trọng Phiến nhiều năm, tôi được chứng kiến nhiều kỷ niệm lý thú về  ông. Vui nhất là một lần tôi nghe ông giảng say sưa về Tố Hữu. Ông đọc ngân nga “Cả nước ôm em bên giường nệm trắng”. Tôi nghe ông bình đoạn thơ đó khá dài, với lòng nhiệt tình cao độ. Khi ông ra khỏi lớp, tôi ghé tai nói nhỏ “Ban nãy ở trong lớp kia, thầy đã đọc nhầm. “Cả nước bên em, chứ không phải cả nước ôm em” thầy ạ”. Ông trợn tròn mắt rồi cười như nắc nẻ “Chu cha, thế hả? Mình đọc vậy hả? Bên em mới đúng chứ. Cả nước mà ôm em thì em cũng chết mẹ...”. Rồi ông lại cười vang, cười rất sảng khoái.

          Tuy là bậc thầy loại cao niên, nhưng ông không bao giờ xa cách các thế hệ học trò. Gần ông bao giờ cũng tìm thấy một tình cảm hoà đồng, chia sẻ. Nhưng vì tính cách thoả mái, cho nên đôi khi ông lại “lâm trận” một cách tình cờ mà không lường trước hậu quả của nó. Những năm đầu của thập kỷ 90, tôi đang làm nghiên cứu sinh, tình cờ tôi đọc được một bài trên báo Tiền phong có liên quan đến ông. Bài báo không viết thẳng tên mà viết lơ lửng về một  giáo sư có tên Hoàng Trọng P...chuyển một lúc một công te nơ với 300 chiếc xe hon da  từ Tokyo về nước. Hà Nội xôn xao lên. Ai cũng bảo đó là Hoàng Trọng Phiến của khoa Văn. Thực ra, ai đi nước ngoài mới hiểu. Chuyện mua xe chuyển về nước là chuyện bình thường. Một chuyên gia làm việc ở nước Nhật một năm thì đã có đủ số tiền mua hàng trăm chiếc xe bãi rác. Nhưng muốn chuyển thì phải đủ chuyến. Không đủ thì phải huy động bạn bè. Vì mọi người tin cậy Hoàng Trọng Phiến nên lấy tên ông làm chủ Công te nơ. Thế rồi với ông nó lại là tai hoạ.

          Tuy ông không bận tâm về bài báo đó, nhưng nghe nói sau này, khi xét phong chức danh cho ông, người ta vẫn ấn tượng. Do đó, việc phong chức danh của ông cũng trầy trật lắm. Tôi nhớ cái lần đó, sau khi làm hồ sơ xong, ông rất hy vọng. Ông vẫn tự xếp mình vào bậc cây đa, cây đề của ngành. Các thế hệ học trò của ông đều đã được cả rồi. Mà họ có giỏi giang gì hơn cho cam. Có người cả đời chỉ viết được một cuốn sách, thậm chí không viết được một cuốn sách nào cũng đều đã nhận giáo sư. Chẳng lẽ ông lại không được? Thế nhưng sự thật phũ phàng lại đến với ông. Lần ấy ông không được. Lý do tại sao, tôi không biết. Chỉ biết khi gặp tôi, ông bảo: “Tôi căm thù chuyện phong giáo sư chú ạ”. Ông nói câu đó xong, ngân ngấn nước mắt. Trên đường tản bộ từ trường ĐHKHXH&NV đến nhà hàng Nam Hải, ông nghẹn ngào nói với tôi “Vợ tôi bảo, thằng X, thằng Z chúng nó lừa anh. Chúng chẳng tốt gì với anh đâu”. Tôi nghe mà sởn cả người. “Thằng X, thằng Z” đều là học trò cũ của ông. Lẽ nào tình đời lại đến nước ấy ?

         Nỗi buồn về chuyện nhân tình thế thái trong chuyện xét phong học hàm đã gặm nhấm tâm hồn nghệ sĩ của “người hùng” xứ Quảng khiến một lần ông làm tôi sợ hoảng hồn. Lần ấy, ông bảo tôi “Tôi sẽ gửi chú một bức thư”.  Lúc đầu, tôi nghĩ, đó là thư ông phản ứng về chuyện học hàm muốn nhờ qua tôi. Chả là thời gian đó, chuyện học hàm của tôi cũng bị rắc rối ở Hội đồng chức danh Ngành, tôi đã viết một loạt bài báo phê phán quyết liệt làm chấn động cả ba miền Trung Nam Bắc. Có rất nhiều người không quen biết đã gửi tới tôi những bức thư, những hồ sơ liên quan đến nhiều chuyện tiêu cực xảy ra trong giới khoa học. Hoàng Trọng Phiến có đọc một số bài của tôi, bắt tay với vẻ thất vọng: “Chú mày anh hùng. Dũng cảm đấy. Tôi không đủ bản lĩnh như chú. Tôi sợ chủ tịch Hội đồng chức danh Ngành ta lắm”. Tôi cười bảo “Thầy đã ngần ấy tuổi, còn sợ gì? Em không sợ. Chân lý vẫn phải là chân lý.Em sẽ tham gia trận chiến này tới cùng. Dù phải 5 năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa...”. Ông lại nói “Chú phải chịu trận với vị Chủ tịch Ngành hết khoá này”. Tôi cười “Không sao, sức em còn dẻo dai lắm. Đạn hãy còn nhiều. Mới bắn trung cao và đại cao thôi. Sau này em sẽ nã tên lửa. Với ai chứ với em thì em không ngán...”. Cũng hay, về sau chuyện học hàm của tôi cũng được giải quyết trong sự êm ả với sự đồng thuận 100%. Bởi vậy cuộc chiến tự nó đã tới hồi kết thúc. Đó là câu chuyện rất dài, nay không nói nữa.

           Lại nói về bức thư của Hoàng Trọng Phiến. Nó chứa đầy sự bí ẩn. Ông bảo tôi “Chỉ khi tôi chết, chú mới được giở bức thư này ra”. Tôi rất lấy làm lạ. Cật vấn mãi, ông mới nói thực “Tôi định tự sát chú ạ. Trong thư tôi viết: Hoàng Trọng Phiến tự sát vì háo danh”. Trời đất hỡi, có thể nào tin được không? Vì chuyện phong chức danh mà thầy mình đến cơ sự này ư? Tôi bảo ông “Việc gì thầy phải làm thế ? Người ta sẽ hiểu sai mình. Chức danh xét cho cùng là lao động. Mình lao động đến đâu thì hưởng tới đó. Chẳng phải xin ai cả”. Nhưng ông lắc đầu. Ông nói, ông không còn sức lực nữa, mệt mỏi quá rồi. Tôi bỗng chạnh lòng thương ông. Ôi, con người của bao “cái đầu tiên” giờ lại về đích cuối cùng. Âu cũng là số phận.

           Thời gian đó, nỗi ám ảnh về học hàm đã làm cho Hoàng Trọng Phiến lúc nào cũng có vẻ mặt buồn nản, thất vọng, đôi khi tự ty. Con người “hùng” của đất Quảng Nam, tham gia cách mạng từ ngày mới lập nước, vị phó tiến sĩ đầu tiên về ngữ học của nước Cộng hoà Dân chủ gần như biến mất trong ông. Thay vào đó là con người của sự mệt mỏi, hoang mang, pha đôi chút yếm thế. Hỡi ôi! “Thời oanh liệt nay còn đâu”.  Nhiều đêm tôi nằm mơ thấy những giấc mơ kinh hoàng. Tất cả, tất cả chỉ vì cái bức thư tuyệt mệnh mà ông hé lộ. Tôi mơ. Một đêm trăng sáng. Tiếng hát ngân nga vọng về từ một bến sông. Trong căn phòng ở khu B tập thể Láng, tôi thấy Hoàng Trọng Phiến nằm duỗi cẳng trên một chiếc bàn dài. Quanh ông phủ đầy hoa. Những bông hoa thơm ngát hái về từ đầm sen. Những bông hoa thơm ngát hái về từ đỉnh núi Đại Từ Thái Nguyên. Hoa kết thành từng vòng, lớp lớp, tôn người ông lên cao mãi. Ông nằm đó, mắt khép chặt, miệng ngưng thở. Không một ai dám khóc to. Những đoàn người lần lượt đi vòng quanh người quá cố, nước mắt lưng chòng, chùi vội đi. Không ai muốn làm kinh động tới sự yên tĩnh của ông trong cói vĩnh hằng. Họ gật đầu chào ông. Thương. Kính cẩn. Rồi lại căm thù. Họ nhìn những kẻ đi sau vào viếng ông. Đó là vài khuôn mặt của những kẻ từng hại ông trong Hội đồng. Ai cũng hét lên: “Quân sát nhân.  Đồ đểu cáng. Giả dối đến thế là cùng. Hãy cất ngay cái bộ mặt vờ thương xót của chúng mày đi...”. Tôi là kẻ đến muộn, đi sau mấy bộ mặt ấy. Tôi nhận rõ ánh mắt ma quái của họ. Họ đưa bàn tay bắt tay tôi. Những cái bắt tay rất chặt. Những khuôn mặt xương xương. Đạo mạo. Đẹp đẹp. Lịch lãm. Lù khù. Lục cục. Thô thô. Tôi thấy tay mình lạnh ngắt như vừa thò vào chỗ nước đổi mả. Tôi vội lấy chiếc bật lửa để bật lửa cho cơ thể nóng lên, để nhìn rõ những khuôn mặt nửa người nửa ma ấy. Ngọn lửa bùng một cái. Cả tòa rừng rực. Mọi thứ cháy trụi. Chỉ còn lại những vòng hoa và khuôn miệng Hoàng Trọng Phiến đang cười...

          Có lẽ trong suốt cả cuộc đời đây là thời gian tôi bị đè nặng bởi một giấc mơ quái dị, lặp đi lặp lại nhiều lần đến nỗi có đêm tôi không dám chợp mắt phải thức để làm việc. Thực tình tôi vừa thương nhưng lại vừa thấy giận giáo sư Hoàng Trọng Phiến. Tôi cứ băn khoăn, tại sao một người cựu trào như ông lại không dám đấu tranh chống lại những tiêu cực xảy ra trong Ngành mà phải chọn một lối thoát sực màu lãng mạn như vậy. Con người kiêu hùng trong ông nay đã trốn đâu rồi? Có người nói ông nhát. Ông cũng thừa nhận. Nếu nói ông bạc nhược, chắc ông cũng ừ.

          Vì lo lắng chuyện chẳng lành có thể xảy ra, tôi tâm sự với Trần Hinh. Trần Hinh cả cười: “Một người như thầy Hoàng Trọng Phiến sao lại thế nhỉ. Thiên hạ sẽ nói là ông chết vì háo danh chứ ai nghĩ đó là ông phản ứng với Hội đồng. Mà chức danh thì có nghĩa gì đâu. Tất cả đều là phù phiếm”. Tôi không biết nói gì chỉ bình luận: “Ông nghĩ buồn về sự bất công nên quẫn trí quá”.

        Nhưng rồi mọi sự cũng qua đi. Mãi tới năm ông về hưu rồi thì cũng được cái học hàm. Mặt ông tươi tỉnh hẳn lại, khoe với tôi: “Chuyện giáo sư của tôi xong rồi. Thương cho chú mày”. Tôi cười: “Không hề gì thầy ạ. Lịch sử sẽ phán xét công bằng thôi. Ai làm việc thực. Ai có tài thì không cần chức danh, bằng cấp thiên hạ vẫn nể. Kẻ bất tài đeo vào người những gì quá sức sẽ là trò cười cho thiên hạ. Dù bây giờ thầy mới được phong thì học trò vẫn coi thầy là giáo sư lâu rồi”.

        Tôi lại cùng ông nhắc về những kỷ niệm cuộc đời.  Nhìn ông, tôi bỗng nhớ đến lần tôi mới từ Liên Xô về nước, ông bảo: “Này, tân trạng. Sắp tới bộ môn có cuộc bảo vệ một luận án tiến sĩ về câu và cú, tôi nhờ chú đọc và cho một nhận xét nhé. Mấy năm vắng chú, bảo vệ buồn quá. Lần này phát biểu phải làm cho rôm rả vào”. Tôi nhận lời ông. Mấy đêm nằm nghĩ, cuối cùng tôi hoàn thành một bài thơ đem ra đọc đố vui Hội đồng. Bài thơ đó như sau:

Bức thư tình đó đọc suốt đêm

Của ai, ai gửi, gửi cho em ?

Hai đầu thao thức vì thương nhớ.

Bạc tóc trong đêm một ngọn đèn.

        Bài thơ này là một bài thơ có sử dụng biện pháp chơi chữ, một biện pháp mà trong bài giảng của tôi và Hoàng Trọng Phiến thường nhắc tới. Nếu đọc các âm tiết đầu dòng, từ dưới lên, chính là tên cuốn tiểu thuyết của tôi viết khi còn làm việc ở Matxcơva “Hai đầu của bức thư tình”. Đây là cuốn tiểu thuyết tôi viết sau khi nhận được bức thư động viên của giáo sư Hoàng Trọng Phiến gửi từ Tokyo. Thư đó ông viết “Nước Liên xô có nhiều chuyện hay lắm. Chú hãy cố gắng vừa viết luận án vừa viết một cuốn tiểu thuyết về đất nước này nghe!”. Tôi đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết này sau một năm đặt chân tới nước Cộng hoà Xô viết vĩ đại và gửi cho Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Cuốn sách xuất bản xong, Đại sứ quán Liên xô tại Hà Nội đã gửi Công hàm tới Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ (là Bộ Công an hiện nay) phản ứng quyết liệt, cho rằng, sách có nội dung chống Liên xô. Cứ theo cuốn sách thì Liên xô sụp đổ đến nơi rồi.... Tôi suýt nữa bị trục xuất khỏi Matxcơva. Phòng Văn nghệ, trưởng phòng-nhà văn Nguyễn Phan Hách và nữ nhà văn Lê Minh Khuê, người biên tập cuốn sách này, phải dự 28 cuộc họp để giải trình. Đến cuộc họp thứ   28 thì Liên Xô sụp đổthật. Chuyện đó rất dài, nay không nói nữa.

        Lại nói tiếp về Hoàng Trọng Phiến. Khi về nước, tôi biết giáo sư Hoàng Trọng phiến đã chong đèn đọc cuốn tiểu thuyết này. Bởi thế, câu cuối bao hàm hai nội dung: trong đêm có người bạc tóc đọc truyện (đó là giáo sư Hoàng Trọng Phiến), đọc suốt đêm đến nỗi bạc cả tóc và ngọn đèn thắp sáng quá lâu cũng trắng cả những sợi tóc (trong đèn). Nếu đọc theo kiểu vòng tròn, bài thơ trên sẽ có dạng như sau:

Của ai bức thư tình

Đọc suốt đêm cho em

Thương nhớ một ngọn đèn

Hai đầu ai thao thức.

       Nếu đọc vòng lần nữa, ta sẽ có bài thơ:

Bức thư tình cho em

Một ngọn đèn thao thức

Hai đầu thương nhớ suốt

Ai đọc ai suốt đêm.

        Nếu đọc theo hình xoáy chôn ốc, ta lại có bài thơ khác với những câu:

Đọc suốt đêm bức thư

Tình cho em thao thức

   Ai hai đầu nhớ thương...

        Thực ra thấy phong cách giáo sư Hoàng Trọng Phiến vui vui thì tôi cũng muốn đáp lễ ông nên làm bài thơ vậy thôi chứ chẳng có ý thi thố gì.

        Nay ông về hưu rồi, thi thoảng thầy trò mới có dịp hàn huyên, thật lấy làm quí lắm. Sau bao nhiêu truân trải, ông vẫn dẻo dai, chiến đấu liên tục trên khắp hai miền. Ông lại cười vui. Tôi thấy nụ cười ông trong hơn trước, lấy làm lạ liền hỏi, ông có bí quyết gì mà răng vẫn khoẻ thế.  Ngồi ngay ở ghế đá vườn hoa trước cổng trường, ông không ngần ngại thò tay vào miệng móc ra phăng ra bộ răng giả và cười lớn:

        - Hoàng Trọng phiến đã đi dạy thì phải có mồm miệng đầy đủ, chứ không thể phát âm phều phào qua mấy chiếc răng gẫy. Thế ngán lắm chú ạ.

         Thì ra đến lúc già ông vẫn không quên lo giữ cái nghiệp dạy của mình. Sức khỏe của ông vẫn rất tốt, vẫn “chiến đấu oai hùng trên khắp các loại chiến trường”. Tiếng cười của ông vẫn vang vang một niềm kiêu hãnh. Bởi thế, luận về cuộc đời ông cũng là luận về “một người hùng”, nên mới có thơ rằng:

Một thời hùng cứ một phương

Một thời tan tác chim muông trở về

 Đông du một thuở đuề huề

Chức danh mấy cuộc não nề mấy phen

Thế rồi vui thú điền viên

Giảng Nam dạy Bắc dưới trên vẫn đều

Trên bảo, dưới vẫn nghe theo

Bảy mươi xuân vẫn trong veo tiếng cười.

 

 

Powered by Froala Editor