Viện phương đông

3 năm trước

Không gian văn hóa tâm linh Yên Tử

Không gian văn hóa tâm linh Yên Tử

PGS.TS Trần Lê Bảo ĐHSPHN

Powered by Froala Editor

Không gian văn hóa tâm linh Yên Tử

1. Văn hóa tâm linh Yên Tử

Văn hóa tâm linh là một bộ phận quan trong của văn hóa tinh thần. Nó là những hoạt động trí tuệ và tâm hồn, cùng những kết quả của chúng nhằm xây dựng con người với tính chất những nhân cách. Văn hóa tâm linh được nhấn mạnh ở góc độ tôn giáo, gắn với cuộc sống tôn giáo của con người, thể hiện những giá trị, lý tưởng, kiến thức tôn giáo, niềm tin tôn giáo, đảm bảo mối quan hệ của con người với đấng siêu nhiên. Như vậy văn hóa tâm linh bao gồm không chỉ những giá trị, tinh thần niềm tin tôn giáo mà còn thấm nhuần trong cuộc sống tôn giáo như thực hành lễ hội, kể cả những không gian văn hóa mang yếu tố tâm linh như địa mạo núi sông, thiết chế hành lễ như đình chùa miếu mạo...

Không gian văn hóa tâm linh là khu vực địa lý - văn hóa bao gồm không gian tự nhiên và không gian sống của con người mang đậm yếu tố tâm linh tinh thần.

Như vậy để tìm hiểu những giá trị văn hóa tinh thần độc đáo ở khu vực Yên Tử, cần làm rõ: 

- Thứ nhất xác định không gian văn hóa tâm linh Yên Tử. 

- Thứ hai tìm hiểu những giá trị văn hóa vật chất chứa đựng những yếu tố văn hóa tâm linh cảnh quan tự nhiên, địa mạo núi sông...

- Thứ ba tìm hiểu những giá trị tôn giáo ở đây chủ yếu Thiền phái Trúc Lâm với Tam tổ Thiền phái và hoạt động hoằng dương Phật giáo.

- Thứ tư những thiết chế văn hóa tâm linh đặc sắc: chùa chiền am miếu...

- Thứ năm là tìm hiểu những hoạt động lễ hội mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh diễn ra ở khu vực Yên Tử. 

2. Không gian văn hóa tâm linh Yên Tử

2.1. Vị trí địa lý

 Xét về vị trí địa lý, không gian văn hóa tâm linh Yên Tử nằm ở vùng đông bắc Bắc Bộ Việt Nam, phía đông giáp biển Đông, phía bắc giáp Trung Quốc. Yên Tử phần lớn thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, phía tây thuộc Bắc Giang, phía nam thuộc Hải Dương.

2.2. Không gian tự nhiên mang yếu tố tâm linh – “địa linh”

Từ góc độ địa lý lịch sử, phong thủy học, người xưa rất coi trọng tìm “long mạch” (hình thể con rồng chạy trong lòng đất, cũng gọi là “địa mạch”) để xây dựng đền dài cung điện, kể cả đặt mộ cho những người chết, với niềm tin ở sự phát triển thịnh vượng cho cộng đồng cự dân, hoặc sự tiếp nối tốt đẹp cho “cây phả hệ” của dòng họ… 

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử nằm trong địa mạch khởi từ Tam Đảo chạy qua các xứ Thái Nguyên, Kinh Bắc, Hải Dương. Thăng Long nằm chính giữa mạch, tỏa xuống Sơn Nam Hạ. Mạch lớn này nối hình thế núi sông ba tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh. Phần nổi của địa mạch này là những hệ thống sông ngòi và hệ thống núi thuộc vòng cung Đông Triều với dãy núi nổi bật là dãy Yên Tử. Hệ thống địa mạch này đã tạo nên cảnh quan kỳ vĩ và  linh thiêng Yên Tử.      

Bên cạnh đó, phải kể đến vị thế con sông Hồng, con sông lớn nhất ở Đồng bằng Bắc Bộ, một yếu tố phong thủy quan trọng của khu vực Yên Tử. Từ xa xưa, con sông Hồng vốn là sông Cái của Đại Việt đã chảy men theo cánh cung Đông Triều mà đổ ra cửa Bạch Đằng. Con sông này cùng với hệ thống các nhánh sông nhỏ và những ao hồ chằng chịt, hợp cùng với hệ thống núi của cánh cung Đông Triều, đã làm nên một “địa linh”. Tất cả là những tiền đề tự nhiên mang yếu tố tâm linh quan trọng, để con người thích ứng và phát triển. Điều này cũng lý giải một trong những nguyên nhân căn bản về sự phát tích “nhân kiệt” của triều đại nhà Trần sau này.

2.3. Sự lựa chọn không gian văn hóa tâm linh Yên Tử   

Những sơn thanh thủy tú thường có nhiều năng lượng tập trung ở trên đỉnh núi hay dưới mạch sông. Cấu trúc núi và nước là cấu trúc của âm và dương giúp con người có thể điều hòa năng lượng làm cho thân thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn dễ đạt đến đốn ngộ. Thêm nữa, Phật giáo nói chung và Thiền tông nói riêng cần một không gian “thanh tĩnh” để tu tập. Địa điểm núi Yên Tử, không gần xóm mà cũng không đoạn tuyệt với xóm làng, giúp cho thiền sư nhanh chóng nhập định, tu tập nhanh có hiệu quả. Không gian thanh tịnh của núi rừng Yên Tử; vừa trong sạch vừa yên tĩnh là nơi lý tưởng phải đạt đến của các thiền sư và môn đệ. Những người vào núi tu tập, được tắm gội trong cảnh sắc sơn nguyên, tâm dễ đạt tới “thanh tịnh”. Cũng không loại trừ do nhu cầu nhập thế tích cực của Thiền phái và một số lý do khác, một số chùa miếu trên núi cao đã “hạ sơn” gần với thế tục để tiện cho việc truyền đạo cứu đời (như chùa Bình Long ở Huyền Sơn, chùa Hang Non ở Khám Lạng).

Lúc đầu Phật giáo tu theo kiểu khổ hạnh, vì vậy những phật tử tìm đến núi cao Yên Tử chọn những hang, mái đá, hay dựng những am nhỏ để tham thiền, sống đời khổ hạnh “ăn rau rừng mặc áo lá”, coi nhẹ đời sống vật chất. Đặc biệt từ khi hệ phái Trúc Lâm ra đời, hệ thống chùa miếu am được phát triển với quy mô lớn, tọa lạc ở rộng khắp khu vực Yên Tử, minh chứng cho sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm. Vì vậy không gian văn hóa tâm linh Yên Tử chẳng những đáp ứng yêu cầu về tính đa dạng, đa chức năng của cảnh quan thiên nhiên, mà còn đáp ứng được yêu cầu quan trọng của Phật giáo Thiền. Cũng chính vì vậy mà nơi đây từ xa xưa đã hấp dẫn nhiều vua quan, thiền sư và đệ tử về đây tu tập. Thực tế đã có nhiều thiền sư tu tập chính quả thành Bồ Tát, tiêu biểu là Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Không gian tâm linh Yên Tử còn có ý nghĩa to lớn về vị trí chiến lược, về chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa đặc biệt ở thời đại vương triều Lý - Trần. Sự lựa chọn Yên Tử đã thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, tinh thần cảnh giác cao độ của vị Vua - Phật Trần Nhân Tông đối với âm mưu, tham vọng bành trướng của người Trung Quốc ở phương Bắc.

2.4. Không gian văn hóa tâm linh Yên Tử

Không gian văn hóa tâm linh Yên Tử còn bảo lưu nhiều địa danh gắn với những hoạt động quân sự, sinh hoạt là những chiến địa, những nơi luyện quân, giấu quân… ghi dấu chiến thắng vang dội đánh tan ý chí xâm lược của quân Nguyên Mông - một đế quốc hùng mạnh nhất trên lịch sử nhân loại thế kỷ thứ XIII. Chiến thắng này là minh chứng hào hùng thể hiện sức mạnh của thời đại, của dân tộc Việt Nam, trong đó có tư tưởng tích cực nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm. Bên cạnh đó là những phong tục lễ hội gắn với những không gian thiêng mang nhiều yếu tố văn hóa tâm linh phong phú và độc đáo của cộng đồng cư dân nơi đây.

3. Thiền phái Trúc lâm với tên tuổi Tam Tổ là linh hồn của không gian văn hóa tâm linh Yên Tử.

3.1. Tam Tổ Trúc Lâm

Giác Hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái là những vị tổ có công sáng lập và hoằng dương Thiền phái Trúc Lâm. Đặc biệt Sơ Tổ Trần Nhân Tông (1279-1293) vốn là dòng dõi nhà vua, nên ông đã sớm được đào luyện thành một minh quân gồm đủ tài văn võ, tư tưởng có cả tinh hoa của Nho-Phật-Đạo. Vua Trần Nhân Tông được tiếp nhận triết lí, tinh thần và không khí Phật giáo còn thấm đẫm trong nền tảng tinh thần văn hóa tâm linh và nhân văn thời đại. Ngài đã có duyên kế thừa và phát triển tư tưởng Thiền từ Tùy tục của Thường Chiếu, Biện tâm của Trần Thái Tông tới Hòa quang đồng trần của Thượng Sĩ. Chính những triết lí này sau này được Trần Nhân Tông phát triển thành tư tưởng tùy duyên và cư trần lạc đạo. Chính ngài là người chứng ngộ cao nhất và điển hình nhất của Thiền tông Việt Nam. Nhập thế lãnh đạo toàn dân chống giặc Nguyên Mông để cứu khổ cho sinh linh Đại Việt cũng là tinh thần cứu thế của Đức Phật. Xây dựng một triều đại thịnh trị lấy dân làm gốc cũng vì hạnh phúc muôn dân Đại Việt và rũ bỏ mọi quyền uy, mọi vật dục vào núi tu luyện để trở thành Phật, tìm đường cứu rỗi chúng sinh mê đắm trong tham sâm si, chỉ ra con đường hướng về sự an vui thanh thản nơi tâm linh mỗi con dân Đại Việt, cũng chính là tìm lại sự yên ổn cho xã hội và dẫn đến sự phát triển của đất nước. Từ bỏ vương quyền trở thành Giác hoàng Điều ngự, Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam là sự chứng ngộ sáng suốt, là lựa chọn điển hình và cao cả của Trần Nhân Tông trong việc xử lí mối quan hệ giữa vương quyền và thần quyền: nhà vua thành Phật trong điều kiện thực tiễn của thời đại. Theo gương ngài, nhiều vị vua đời Trần đã biết lui về đúng lúc để truyền ngôi cho các thái tử trẻ lãnh đạo đất nước.

3.2. Về mặt tổ chức

Sự ra đời của Thiền phái Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là sự kế thừa và sáng tạo từ tinh hoa của các chi phái Thiền Tông: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Trúc Lâm và Thảo Đường. Hoàng đế Trần Nhân Tông sau khi thoái vị, đã xuất gia làm hòa thượng, thành người thừa kế đời thứ 18 phái Vô Ngôn Thông. Nhưng ông đã bản địa hóa Phật giáo, lập ra “Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”, vì thế tên hiệu của Người là “Trúc Lâm Đại sĩ”. Phái Trúc Lâm này trở thành tông phái lớn nhất Việt Nam, phần lớn người dân đất Việt đi theo phái này.

3.3. Giáo nghĩa Thiền Tông

Giáo nghĩa chủ yếu Thiền Tông giảng về “Bản lai vô nhất vật”, “Bản vô phiền não, phiền não nguyên thị Bồ Đề, Phiền não tức Bồ Đề”. Tăng nhân nhờ tĩnh tọa và mặc tưởng để đạt “trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”. Nói đơn giản, Thiền tông rất coi trọng “Tâm” của con người, “Tâm” khai ngộ sẽ trở thành Phật. Khác với Tịnh Thổ tông giảng: dựa vào A Di Đà Phật, nhờ “tha lực” (sức mạnh bên ngoài), Thiền tông giảng “tự lực” (sức mạnh bên trong) tu hành khai ngộ. Thiền tông Việt Nam tiếp nhận Thiền tông Trung Quốc và hấp thu Tịnh Độ tông mà trở thành “Thiền - Tịnh hợp nhất, Thiền - Tịnh song tu”. Thiền tông cũng giảng A Di Đà Phật. Ngoài Phật giáo, sau này Việt Nam còn tiếp thu Nho giáo và Đạo giáo, cho nên trong chùa thờ Phật cũng có tượng Lão Tử, Khổng Tử và Huyền Thiên Thượng đế… những thần tượng của Nho giáo và Đạo giáo.

Về phương diện tư tưởng, Thiền Trúc Lâm chịu ảnh hưởng sâu sắc của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Về phương thức biểu đạt, Tuệ Trung so với Trúc lâm thì trực tiếp, đơn giản và hiện thực. Trúc Lâm nặng về coi trọng hình thức văn chương. Về hình thái và tư thái, Trúc lâm so với Tuệ Trung Thượng Sĩ thì lỗi lạc, nhưng sức sống tâm linh trong Thiền ngộ Trúc Lâm lại không mãnh liệt như Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhưng lại phổ cập rộng rãi hơn.

Phần cuối của tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú”,có bài kệ “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc san hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo vô tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”, thể hiện tinh hoa nhận thức luận của Thiền phái: người tu thiền “chủ yếu là làm cho “tâm” đạt đến “vô niệm”. Chỉ cần đạt trình độ “vô Tâm” là đã ngộ ra nhiều, chưa cần đến những phương pháp khác. Tiêu trừ “vọng niệm” và sự “phân biệt” sẽ đạt đến tâm định. Đạt đến tiêu trừ “chấp trước” giữa người và ta. Hiểu “chân như”, tín “bát nhã”, thì không cần tìm Phật Tổ ở đâu. Nắm “thực tướng”, hiểu “vô vi”, Thiền thông Nam Bắc… đều cần thiết, nhưng Phật ở ngay trong nhà, không cần tìm đâu xa. Vì quên mất “gốc”, nên con người mới đi tìm Phật. Khi giác ngộ mới biết rằng “Phật chính là tâm ta”.

Trúc Lâm chủ trương trước là làm dứt phiền não, phù hợp với Thiền pháp “Ngũ đình tâm quán” của Thiền học nguyên thủy, sau lại mượn giáo nghĩa Tịnh Thổ để thuyết minh chân lí và Thiền pháp theo nhận thức của Đại thừa là thức tỉnh người tu Thiền quay về bản tâm: “Hồi tự gia” (về nhà mình), cho rằng “Phật ở tâm ta”, chớ tìm ở đâu xa bên ngoài.

Thiền Trúc Lâm đặc biệt coi trọng quy luật vô thường của đời người như quan niệm của Trần Thái Tông. Người trăn trở mong thực hiện đạt đến một trình độ giải thoát tâm mình, vì vậy Trúc Lâm coi trọngvào quán tưởng Thiền trong phần lớn thời gian và tinh lực của mỗi con người. Thực tế những thiền sư có thể “đắc đạo” đều do ngộ ra từ tham cứu những “việc bình thường”. 

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là sự thăng hoa của tư tưởng Thiền trong điều kiện xã hội và giai đoạn lịch sử đầy hào hùng Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm trở thành giáo phái chính thu nhận hàng ngàn tín đồ quy tụ về Yên Tử tham thiền tu tập. Cùng với sự phát triển của Thiền môn là những cảnh quan tôn giáo chùa miếu am, tháp được xây dựng theo triết lý Thiền rộng khắp trong không gian Yên Tử đáp ứng cho việc tu thiền và sinh hoạt của tín đồ. Những cảnh quan này chính là hiện thực hóa tư tưởng Thiền độc đáo Việt Nam.  

3.4. Hoằng dương Phật giáo

Do nhu cầu phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đội ngũ tăng ni Phật tử ngày càng đông đảo, nên việc xây dựng những chùa, miếu, am, thiền viện, để phục vụ sinh hoạt tôn giáo là hết sức cần thiết. Tuy nhiên do thời gian xây dựng cách đây quá lâu (thế kỷ XIII và XIV) lại thêm thiên nhiên khắc nghiệt, nên những di sản này cái còn cái mất, chỉ còn lại dấu tích mà thôi. Mặc dù vậy những dấu tích này đã được khai thác và minh chứng có một Thiền phái đã hiện hữu như một chốn Tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền phái đã ra đời có tổ chức và truyền thừa Phật giáo tại đây.Cùng với phong khí kính chuộng Phật giáo, có lúc thiền môn thu hút tới 15.000 phật tử quy y tu tập.

Tiêu biểu cho không gian văn hóa tâm linh là chùa Vĩnh Nghiêm, là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vị trí ở thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang do Tam Tổ Trúc Lâm xây dựng thành thiền viện, đào tạo tăng đồ và quảng bá Phật giáo từ cuối thế kỷ XIII. Cho tới nay, chùa vẫn giữ vai trò là trung tâm Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm ở khu vực Đông Bắc Việt Nam. 

Ngoài chức năng tu tập, chùa Vĩnh Nghiêm còn là Trung tâm quản lý hệ thống tăng ni phật tử của cả nước Đại Việt thời bấy giờ. Để hoằng dương Phật pháp, Tam Tổ còn tổ chức in ấn kinh Phật truyền bá cho cả nước.

Trong khoảng thời gian dài từ thế kỉ XIII đến đầu thế kỉ XX, chùa Vĩnh Nghiêm luôn là nơi ấn hành kinh sách Phật quan trọng của Việt Nam. Nhà chùa đứng ra tổ chức in ấn và giám sát công việc chung, lưu trữ và phát hành tài liệu in ấn đến chư vị Phật tử ở các ngôi chùa khác trong cả nước. Đặc biệt quý giá là kho mộc bản gồm 3050 tấm ván rời, được khắc để in kinh, sách, giới luật Phật giáo và là bộ sưu tập mộc bản duy nhất hiện còn, được lưu giữ của Thiền phái Trúc Lâm, một Thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam.

Nội dung san khắc ở mộc bản là các kinh, sách do Tam tổ Trúc Lâm biên soạn từ thế kỉ XIII đến thế kỷ XVII. 

Về hình thức, trong số 3050 ván rời, có một số ít ván khắc có khuôn khổ ván khắc sớ, điệp phục vụ nghi thức tang lễ của người theo đạo Phật, còn đa phần là mộc bản của 09 đầu sách, được chia thành ba nhóm:

- Kinh Phật: có hai bộ kinh: Đại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (gọi tắt là kinh Hoa Nghiêm, cả phần kinh và phần chú giải) và A Di Đà kinh.

- Giới luật nhà Phật: gồm Đại thừa chỉ quán, Tỳ khâu ni giới, Sa di ni giới kinh.

- Sách: gồm Thần du Tây phương ký, Tây phương mĩ nhân truyện, Kính tín lục, Yên Tử nhật trình - Thiền tông bản hạnh.

4. Đặc trưng văn hoá tâm linh thể hiện ở không gian tâm linh - đền chùa am miếu Yên Tử

Cảnh quan văn hóa vật thể tâm linh là những chùa miếu am viện tháp, gồm một quần thể kiến trúc tiêu biểu mang tính tôn giáo, được gắn với những tên núi nổi tiếng, là một bộ phận hợp thành độc đáo của văn hóa kiến trúc nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. 

Cấu trúc cảnh quan chùa miếu am viện tháp này bao gồm cảnh quan bên trong của chùa miếu am viện và cảnh quan bên ngoài gồm môi trường sinh thái xung quanh. Cảnh quan chùa miếu Việt Nam nói chung và Tây Yên Tử nói riêng, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Phật giáo, từ quan niệm tới chức năng, quy mô, cấu trúc... Cảnh quan này có nhiều chức năng, nhưng chức năng kép quan trọng nhất là chùa miếu vừa là không gian sinh hoạt tôn giáo vừa là không gian thưởng ngoạn di dưỡng tinh thần. Cảnh quan chùa miếu trở thành mẫu mực của sự kết hợp giữa văn hóa tôn giáo và văn hóa môi trường như vốn có trong nhiều nền văn minh trên thế giới. Xu hướng diễn hóa chùa miếu từ kiến trúc tôn giáo đơn thuần, cộng thêm tính chất thưởng ngoạn, diễn ra trong một quá trình lịch sử dài lâu, gần như đồng bộ với quá trình Việt hóa Phật giáo ở Việt Nam. 

4.1. Lược sử chùa miếu Yên Tử

Sự xuất hiện và phát triển cảnh quan chùa miếu, không chỉ là sự biến đổi hình thức bên ngoài của môi trường hoạt động tôn giáo, mà còn là sự tiếp nhận yếu tố Phật giáo của môi trường văn hóa bản địa, liên quan tới từng bước hình thành tinh thần nội tại của Phật giáoViệt Nam. 

Khi Phật giáo mới truyền vàoViệt Nam, chùa miếu chỉ là một nơi thờ phụng phương thuật thần tiên của giai cấp phong kiến lớp trên, chưa có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội. Còn những người theo Phật giáo lúc này tu tập theo lối khổ hạnh, “ăn rau rừng mặc áo lá”, chọn những nơi rừng sâu núi cao để tu tập. Dãy núi Yên Tử nói chung và Tây Yên Tử nói riêng đã đáp ứng được điều này. Họ chọn những hang nhỏ, vách núi, hoặc dựng am nhỏ bằng lá cốt có chỗ thiền địnhkiểu như khám, hang, am như chùa Hang Tiền, Hang Gạo, chùa Am Vãi, Bàn cờ Tiên, Bàn Thạch…  

Điều quan trọng là cùng với sự hưng thịnh của Phật giáo hai triều Lý - Trần, chùa miều được xây thêm nhiều, từ quy mô cấu trúc thiết kế nội thất, đến cảnh quan bên ngoài đều có nhiều biến đổi. Do thời kỳ này, các giai tầng đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo, tín đồ có từ bách tính bình dân cho tới hoàng thân quốc thích. Chùa miếu am không chỉ tăng về số lượng mà quy mô cũng ngày cảng mở rộng. Ngoài ra, cảnh quan môi trường, chu vi chùa miếu cũng đều thay đổi, đem đến một diện mạo mới về cảnh quan văn hóa tâm linh. Mọi sự thay đổi về nội dung và hình thức của chùa miếu am, đều tuân thủ quan niệm và cách thức tu tập cũng như sinh hoạt và truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Những thay đổi này được thể hiện từ quan niệm tạo chùa, thủ pháp tạo cảnh, bố cục tổng thể, đặc sắc kiến trúc và cảnh quan môi trường.

4.2. Sự phân bố cảnh quan văn hóa tâm linh ở Yên Tử

Do nhu cầu phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đội ngũ tăng ni Phật tử ngày càng đông đảo, nên việc xây dựng những chùa miếu am thiền viện để phục vụ sinh hoạt tôn giáo là hết sức cần thiết. Tuy nhiên do thời gian xây dựng cách đây quá lâu (thế kỷ XIII và XIV) lại thêm thiên nhiên khắc nghiệt, nên những di sản này cái còn cái mất, chỉ còn lại dấu tích mà thôi. Mặc dù vậy những dấu tích này đã được khai thác và minh chứng có một Thiền phái đã hiện hữu như một chốn Tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

Thế kỷ XVII và XVIII Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được phục hưng, các chùa miếu được tu sửa hoặc xây dựng mới đã có sự đổi mới cả về số lượng và chất lượng. Chẳng hạn hệ thống chùa, miều, am, thiền viện phân bố ở không gian Tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang có: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Hố Bấc, chùa Bình Long, chùa Cao, chùa Hang Non, chùa Hòn Tháp, chùa Yên Mã, chùa Hang Dong, chùa Ổ Lợn, chùa Am Vãi, chùa Đồng Vành, chùa Chỉ Tác…

Hệ thống di tích cảnh quan văn hóa tâm linh chùa, miếu, am, tọa lạc ở Tây Yên Tử và các vùng phụ cận thuộc Bắc Giang là những di tích hiện hữu của văn hóa tâm linh, là di sản văn hóa vật chất quan trọng và độc đáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, minh chứng những giá trị văn hóa tinh thần từng ngự trị và phát triển hưng thịnh ở nơi đây. 

4.3. Những đặc sắc của cảnh quan kiến trúc chùa miếu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử

Những chùa miếu am viện ở Yên Tử đã tạo nên đặc trưng độc đáo văn hóa kiến trúc tôn giáo mang đậm chất tâm linh. Những đặc trưng này được thể hiện ở những nguyên lý chọn địa điểm xây chùa miếu, nghệ thuật cấu trúc bên trong và cảnh quan bên ngoài của chùa miếu, quy mô chùa miếu cũng như nghệ thuật sắp đặt cảnh quan…

4.3.1. Việc lựa chọn đất xây dựng chùa miếu

Cảnh quan văn hóa chùa miếu là nghệ thuật không gian thể hiện mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội, vì vậy sự lựa chọn đất xây dựng chùa miếu được coi là hết sức quan trọng. Mặt khác tự thân cảnh quan chùa miếu đã có những yêu cầu độc đáo, khi chọn đất và cách thức xây dựng chùa miếu phải đáp ứng đầy đủ cả những yếu tố tự nhiên và xã hội. Đặc trưng lựa chọn dựng chùa miếu của Thiền phái thể hiện những điều kiện cơ bản rất lý tưởng: 

1) Vị trí tương đối gần khu dân cư tiện cho người tu hành đi đến khu dân cự và tín đồ dễ đến dâng hương bái Phật. 

2) Cảnh quan phải thanh tĩnh, thiên nhiên đẹp đẽ phong quang, có lợi cho tăng ni tĩnh tâm tu hành. Thêm nữa các Thiền sư sau kiết hạ thường vân du đây đó, một mặt truyền bá đạo Thiền, mặt khác có thể tìm chọn đất lành, xây các ngôi chùa trên núi. Lựa chọn đỉnh núi xây chùa thể hiện quan niệm dùng điểm khống chế diện và kết hợp được cả điểm và diện, vì vậy Thiền phái thường chọn những vị trí đẹp để xây chùa ở cao điểm, nơi quanh co, thoáng đãng.

Không gian rộng lớn và hùng vĩ của non thiêng Yên Tử, nhiều địa điểm cùng khí hậu thuận lợi có thể chọn vị trí xây chùa dựng miếu. Nhìn chung việc chọn đất và dựng chùa miếu của Thiền phái Trúc Lâm chủ yếu dựa trên những phương diện sau:

1) Tương đối gần những con đường giao thông huyết mạch và khu dân cư

Chùa miếu tương đối gần những con đường giao thông rất thuận tiện cho tăng ni phật tử đi lại, thu hút được đại đa số chúng sinh đến dâng hương thỉnh nguyện. Những ngôi chùa ở Yên Tử đều có những con đường liên kết bên trong và mở rộng đến các khu dân cư, kể cả về tới kinh thành Thăng Long. Thậm chí ngay trong các khu đô thị, Thiền phái cũng cho xây dựng nhiều chùa miếu: như chùa Sùng Phúc ở Hà Nội, chùa Vĩnh Nghiêm ở Thành phố Hồ chí Minh…

2) Dựa vào cảnh quan và nguyên liệu tự nhiên để chọn đất dựng chùa

Phật giáo coi trọng cảnh giới “thanh tĩnh” vô dục vô cầu, tứ đại giai không, cho nên chùa phải là nơi đáp ứng sự yên tĩnh và thanh tịnh của tăng ni phật tử tham thiền tu hành, vì vậy nơi xây chùa thường chọn núi sông tươi đẹp như: chùa Hồ Thiên một thiền viện lớn do Trần Nhân Tông sai Pháp Loa xây dựng là một ví dụ tiêu biểu.

Một trong những nguyên lý tạo nên cảnh quan của phật giáo là nguyên tắc phong thủy. Đây là một vấn đề thuộc văn hóa thần bí, nhưng là một nguyên tắc quan trọng trong văn hóa kiến trúc phương Đông, không thể bỏ qua đối với việc xây nhà dựng cửa, đặc biệt kiến trúc tôn giáo.

Các sách nói về nguyên lý phong thủy có khá nhiều, nhưng về nguyên lý phong thủy riêng của từng ngôi chùa trong cảnh quan Yên Tử lại ít ghi. Tuy nhiên trên thực địa, người ta có thể thấy địa điểm của các ngôi chùa thường chọn chỗ thoáng đãng, đẹp đẽ ở thế “cao sơn tầm oa trũng”, chùa nào cũng được xây theo hướng “đầu gối sơn chân đạp thủy”. Vị trí ngôi chùa đặt ở giữa, bên trái có “thanh long” bên phải có “bạch hổ”, đằng sau có “chẩm” dựa, đằng trước có “án” gần, “minh đường” ở xa. Những yếu tố này không chỉ mang lại vẻ đẹp riêng của cảnh quan ngôi chùa màthường xuyên nâng cao hiệu quả của không gian tôn giáo đối với năng lực tu tập của đệ tử Thiền phái.

Tùy theo địa hình cụ thể, trên cơ sở những nguyên tắc chung về phong thủy mà mỗi ngôi chùa được sắp đặt có những yếu tố độc đáo khác nhau. Chẳng hạn “Trên chùa Hồ Bấc, mạch chính từ Phật Sơn – Yên Tử kéo về rồi quanh vòng theo thế “hồi Long cố tổ”. Thành quách bao bọc – minh đường lại là “cao sơn tầm oa trũng”. Bởi thế mà có tên chùa Phúc Chủ”. Hay “Chùa Am Vãi được tọa lạc trên núi Am Ni theo mạch chính từ Phật sơn kéo đến, đột khởi giữa thung lũng sông Lục lấy cái thế “Bình dương tầm Nhũ đột”. Vì vậy chùa này theo thế “bao quát càn khôn, khắp vùng Xa Lý – Bản Động đều chầu phục như chủ -khách tương nghênh, hữu tình thuận lý” (theo Trần Văn Lạng).

4.3.2. Ý cảnh là một phương diện làm nên tính độc đáo chùa miếu. Đó là cái “Thần” của cảnh quan chùa miếu Yên Tử.

Ý cảnh là một khái niệm chỉ mối quan hệ gắn bó giữa chủ quan và khách quan của cảnh vật. “Ý” chỉ quan niệm chủ quan, “cảnh” là thuật ngữ của Phật giáo, chủ yếu chỉ sự tồn tại của cảm giác về tự nhiên. Sáng tạo ý cảnh phụ thuộc vào quan niệm về vũ trụ và con người, cùng kinh nghiệm lịch sử và cảm hứng của người sáng tạo cảnh quan chùa miếu.

Ý cảnh chùa miếu Thiền tông Trúc Lâm là sự kết hợp hữu cơ giữa các yếu tố sơn thủy, thảo mộc, kiến trúc tạo nên đặc sắc: từ cảnh vật cụ thể hàm chứa nhiều lớp ý nghĩa sâu sắc (cảnh sinh vi tượng ngoại – cảnh sinh ra ngoài biểu tượng).

Chùa miếu Thiền phái chủ yếu là sự gắn kết chặt chẽ giữa kiến trúcnơi thờ Phật và thiên nhiên sơn thủy. Chẳng hạn ở Tây Yên Tử có chùa Ngọ (Đồng Vành) và núi Phật Sơn, chùa Hồ Bấc và núi Bắc Mã, chùa Bình Long và núi Huyền Đinh, chùa Khám Lạng và núi Khám Lạng, chùa Am Vãi và núi Am Ni, trên Yên Tử có chùa Hoa Yên, chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử... Trong đó nơi thờ Phật cần chắc chắn, yên tĩnh; một mặt là nơi các tăng ni tu tập hàng ngày, nằm trong cảnh quan tự nhiên, thể hiện trạng thái sinh hoạt chân thực của không gian tôn giáo.

Cảnh quan Thiền viện hết sức coi trọng màu xanh của sân chùa, ở đây thường trồng tùng, bách, đa, đề… những cây có cành lá tốt tươi thể hiện ý cảnh sùng bái tôn kính Phật giáo, ở tầng thấp hơn trồng các loại hoa cây cối có sẵn ở địa phương, còn điểm xuyết những tiểu cảnh sơn thủy thể hiện ý cảnh thâm thúy của đạo Phật.

4.3.3. Cấu trúc cảnh quan chùa miếu Thiền phái

Cấu trúc cảnh quan chùa miều là một chỉnh thể sáng tạo hoàn mỹ hài hòa  giữa nguyên lý nghệ thuật và quan niệm tôn giáo. Quan niệm quan trọng của cấu trúc chùa miếu Thiền phái thường thuận theo địa hình, hài hòa cộng sinh, “tuy là nhân tạo vẫn như trời sinh”.

Từ góc độ chức năng, cấu trúc tổng thể chùa miếu Thiền phái bao gồm bộ phận hoạt động Phật giáo, bộ phận cung ứng sinh hoạt, bộ phận phía trước tiếp dẫn và bộ phận cảnh quan để thưởng ngoạn. Bộ phận hoạt động tôn giáo gồm Phật điện, tháp, lầu, gác hợp thành để thờ cúng Phật Tổ, cử hành nghi lễ Phật giáo. Bộ phận này thường được đặt ở vị trí trung tâm quan trọng, có đối xứng nghiêm chỉnh, kín đáo yên tĩnh thể hiện không khí linh thiêng của Phật giáo. Bộ phận cung ứng sinh hoạt, ngoài phòng phương trượng, phòng tăng, trai đường, nhà bếp… còn có phòng cho khách dâng hương, có nhà nghỉ cho thiện nam tín nữ, trong viện còn thiết trí núi đá, đào ao nhỏ, bồn cảnh cấu thành một “tiểu thiên địa” hài hòa với cảnh quan môi trường bên ngoài.

Cấu trúc tổng thể chùa miếu Thiền phái thường theo trục tung làm trục chính. Trục này thường dựa theo hình thế mạch núi và hoàn cảnh địa lý tự nhiên mà bố trí cảnh quan. Phật điện đặt tại trung tâm, các kiến trúc khác được sắp xếp cân đối hài hòa hai bên, sao cho phù hợp với địa hình và cảnh quan môi trường tự nhiên, đạt tới hiệu quả tối đa của phong thủy, thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng. Kiểu cấu trúc này vừa quy mô nghiêm chỉnh lại vừa có thể biến hóa.

5.3 Đặc sắc kiến trúc cảnh quan chùa miếu Thiền phái

Kiến trúc cảnh quan chùa miếu quan hệ chặt chẽ với nghệ thuật sáng tạo cảnh quan linh hoạt và tài hoa, trên cơ sở những khống chế của điều kiện tự nhiên như sơn thủy, thực vật… Cái làm nên nét độc đáo của kiến trúc cảnh quan chùa miếu Thiền phái là “viên lâm hóa” quần thể kiến trúc nơi đây. Đó là sự thống nhất giữa kiến trúc tôn giáo trang nghiêm và kiến trúc thế tục tự do linh hoạt, hình thành không gian chùa miếu độc đáo. Phương pháp quy hoạch là xác định trục chính của khu đất, dựa theo đặc điểm địa hình, tùy cơ bố trí,tổ hợp những yếu tố khác nhau mà thành. Quần thể kiến trúc tôn giáo dựa theo địa hình sơn thủy, nhà ngang, đình, tạ, lối đi,kết nối bên trong và cảnh quan bên ngoài với cả cây cối hoa cỏ. Tất cả được sáng tạo theo quy tắc “viên lâm hóa” tạo nên phong cách kiến trúc cảnh quan độc đáo của chùa Thiền. Ngoài chức năng sử dụng và thẩm mỹ, kiến trúc cảnh quan chùa miếu còn phải mang nội hàm văn hóa tôn giáo Thiền phái.

Cấu trúc của kiến trúc cảnh quan Thiền phái gồm: kiến trúc tường vây giới hạn bao quanh chùa miếu, kiến trúc chi tiết cảnh quan, kiến trúc hành lang đi lại và kiến trúc tiểu phẩm.

Những di sản văn hóa vật thể như chùa, miếu, tháp, thực vật… ở khu vực Yên Tử được tạo dựng theo những quan niệm và chức năng của Phật giáo Thiền Tông, tạo nên cảnh quan văn hóa tâm linh Yên Tử mang đậm phong cách độc đáo Thiền Trúc Lâm Việt Nam, đã là minh chứng độc đáo về sự hiện diện, sự sáng tạo và truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm nơi đây. 

5. Văn hóa lễ hội mang đậm yếu tố tâm linh về tôn giáo tín ngưỡng không gian văn hóa Yên Tử

5.1. Lễ hội

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian nguyên hợp, mang tính cộng đồng cao của nông dân hay thị dân, diễn ra theo chu kỳ nhất định, mục đích tỏ lòng mong ước, để vui chơi trong tinh thần cộng đồng, thông qua việc nghi thức sùng bái về một nhân vật linh thiêng nào đó. Lễ hội gồm hai phần liên quan mật thiết đó là phần lễ - là yếu tố chính, nghi thức thờ cúng linh thiêng và phần hội gồm những hình thức sinh hoạt vui chơi của công đồng.

- Hiện nay Việt Nam có nhiều loại lễ hội: Cổ truyền và hiện đại (mới), lễ hội sự kiện... Lễ hội cổ truyền có số lượng lớn nhất 7000. Đó là những mốc đánh dấu chu trình đời sống sản xuất và đời sống xã hội. Có thể nói 7000 lễ hội cổ truyền đều là lễ hội nông nghiệp, có quy mô ban đầu là hội làng. 

- Đặc trưng cơ bản của lễ hội cổ truyền:  

* Lễ hội cổ truyền mang tính Thiêng, gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng. Tục nhưng vẫn có ý nghĩa thiêng. Ngôn ngữ lễ hội mang tính biểu tượng, tính thăng hoa vượt lên thế giới hiện thực trần tục.         

* Lễ hội cổ truyền mang tính hệ thống và tính phức hợp. Bao gồm mọi phương diện khác nhau của đời sống xã hội, chứa đựng tính nguyên hợp và đa dạng.

* Chủ thể lễ hội cổ truyền là cộng đồng cư dân. Cộng đồng: làng xã, nghề nghiệp, tôn giáo tín ngưỡng, thị dân. Chủ thể lớn nhất là cộng đồng quốc gia dân tộc...  

Ba đặc trưng trên quy định tính chất, sắc thái văn hóa, cách thức tổ chức, thái độ và hành vi, tình cảm của những người tham gia lễ hội, vì vậy nó khác với lễ hội hiện đại.

5.2. Lễ hội cổ truyền khu vực Yên Tử 

Lễ hội cổ truyền khu vực Yên Tử bao gồm toàn bộ những lễ hội dân gian diễn ra trên không gian văn hóa ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Những lễ hội này mặc dù có những nét chung của văn hóa lễ hội Việt Nam, song tùy đối tượng thờ cúng, tùy điều kiện địa lý và tùy theo điều kiện sống của cộng đồng cư dân từng vùng mà các lễ hội này có những biến thể khác nhau.

Những lễ hội cổ truyền tiêu biểu làm nên giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc của văn hóa tinh thần khu vực Yên Tử, có thể kể ra ở đây là những lễ hội như: Lễ hội Yên Tử, lễ hội Bạch Đằng, lễ hội Thập cửu Tiên Công, lễ hội chùa Long Tiên, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội Quan Lạn, lễ hội Trà Cổ... thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội đền Từ Hả, lễ hội đình Thổ Hà, Hội chùa Bổ Đà, Hội Xương Giang, hội đền Suối Mỡ, hội chùa Vĩnh Nghiêm... thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Hội đền Gốm, hội đền Quan Lớn Tuần Tranh, hội đền Yết Kiêu, hội Côn Sơn, hội chùa Thanh Mai, hội Tuệ Tĩnh, lễ hội đền Cao, lễ hội đền Kiếp Bạc... thuộc địa phận tỉnh Hải Dương.

5.3. Giá trị văn hóa tinh thần

 Mặc dù có những tên gọi riêng, mặc dù có những biến thể khác nhau, song các lễ hội này đều có chung những giá trị văn hóa tinh thần, mang đậm chất tâm linh đặc sắc Việt Nam

a. Các lễ hội trên đều thể hiện giá trị hướng về cội nguồn. Trở về cội nguồn là bản chất, là giá trị văn hoá lịch sử, là nhu cầu vĩnh hằng của con người. Cũng vì vậy lễ hội có sức cố kết cộng đồng, biểu dương sức mạnh cộng đồng. trên tinh thần cộng cảm.

          b. Các lễ hội trên đã tạo ra sự cân bằng đời sống vật chất và đời sống tinh thần thông qua cảm nhận tâm linh. Giải thoát tâm sinh lý, tình cảm, cân bằng đời sống sinh thái người lao động, và do đó có tác dụng làm cho con người có năng lực hướng thiện.

c. Các lễ hội trên đã thể hiện giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa trên cơ sở tính kế thừa truyền thống. Vì vậy lễ hội làm cho con người luôn luôn có ý thức bảo tồn và trao truyền giá trị văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong thời đại ngày nay, cộng đồng cư dân khu vực Yên Tử, một mặt phải bảo lưu những giá trị văn hóa trong đó có giá trị văn hóa tâm linh của lễ hội cổ truyền Yên Tử, mặt khác phải cải biến, nâng cấp lễ hội thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng hiện đại, nhằm một mặt thỏa mãn các nhu cầu mới, đồng thời, định hướng được thị hiếu và thẩm mỹ mới về văn hóa, bồi đắp tâm hồn con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ hội trong không gian văn hóa Yên Tử là sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú và đa dạng, có nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp và có chức năng xã hội rộng lớn và chức năng giải tỏa tâm linh cho công đồng cự dân người Việt ở trong và ngoài khu vực. 

Tóm lại trên đây là những đặc sắc văn hóa tâm linh Yên Tử, gồm không gian thiêng địa hình địa mạo, thiền phái linh hồn của văn hóa tâm linh Yên Tử, hệ thống chùa chiền và lễ hội đãlàm nên tính độc đáo của văn hóa tinh thần của không gian văn hóa Yên Tử. Những giá trị này vừa thể hiện tính độc đáo vừa thể hiện bản sắc Việt Nam nói chung.


"Tọa đàm khoa học - Xác định những giá trị nổi bật của quần thể cảnh quan và danh thắng Yên Tử" tại Quảng Ninh ngày 27/8/2020.

 

--------


Tài liệu tham khảo chính


1.Trần Lê Bảo (2011). Từ Thái tổ Lý Công Uẩn, đến Phật hoàng Trần Nhân Tông và đến Bồ tát Minh vương Nguyễn Phúc Chu, Kỷ yếu Hội thảo QG Bồ tát Minh vương Nguyễn Phúc Chu Tại TP Hồ Chí Minh 

2. Trần Lê Bảo (31/7/201331/7/2013). Giá trị Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) - Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trang tin điện tử ĐCSVN số 278. 

3.Trần Lê Bảo (2012), Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và sự truyền thừa của Phật giáo Việt Nam, Kỷ yêu hội thảo Khuông Việt. Hà Nội.

4. Trần Lê Bảo (2014) Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ký ức trong kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Kỷ yếu hội thảo Quốc tế tại Bắc Giang.

5. Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội 

6. Trần Lâm Biền (2008) Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt vùng châu thổ sông Hồng, Nxb Văn hóa thông tin, 

7. Viện Sử học (1972), Đại Việt Sử ký toàn thư, Nxb KHXH Hà Nội

8. Hướng về sư tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, (2009) Nxb Tôn giáo 

9. Nxb Tôn giáo (2008), Kỷ yếu 700 năm ngày viên tịch Sơ tổ Trúc Lâm. 

10. Kỷ yếu hội thảo khoa học lần thứ hai về Yên Tử (2001)

11. Nguyễn Hồng Kiên (11-1999), Mặt bằng những kiến trúc tôn giáo cổ truyền của người Việt, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật. 

12. Vũ Tam Lang (2008), Kiến trúc cổ Việt Nam, Nxb Xây dựng. 

13. Trần Văn Lạng (1998), Đề tài: Bước đầu điều tra, khảo sát, nghiên cứu, những ngôi chùa cổ trên các ngọn núi thuộc dãy Yên Tử (Địa phận tỉnh Bắc Giang).

14. Thích Thanh Đạt (2000), Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Hà nội, Viện Sử học - TT nghiên cứu KHNV Quốc Gia, Luận án Tiến sĩ.

15. Trần Tuấn Khải (1971), Tam tổ hành trạng. Tp.Hồ chí Minh, Nxb Nguyễn Văn Huân.

16. Thích Đức Nghiệp (1995). Đạo Phật Việt Nam. Tp. Hồ chí Minh, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ chí Minh ấn hành.

17. Thích Thông Phương (2003), Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, Hà Nội, Nxb Tôn Giáo.

18. Thích Thông Phương (2008), Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm, Nxb Tôn giáo.

19. Lê Quang (2009), Yên Tử Di tích lịch sử, danh thắng, Nxb Văn hoá dân tộc.

20. Thích Phước Sơn (1995), Tam Tổ Thực lục. Tp. Hồ chí Minh, Nxb Gia Định.

21. Lê Mạnh Thát (2000) Toàn tập Trần nhân Tông. NXb Tp Hồ Chí Minh

22. Thích Mật Thể (2004), Việt Nam Phật giáo sử lược. Hà nội, Nxb Tôn giáo.

23. Thích Minh Tuệ (1993), Việt Nam Phật giáo sử lược. Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Sài Gòn.

24. Thích Thanh Từ (1997), Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải. Tp. Hồ Chí Minh, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành.

25. Nguyễn Trần Trương (2007), Chùa Yên Tử, Nxb Văn hóa Thông tin.

26. Yên Tử nhật trình (2012), Bản dịch mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm 

 

 

Powered by Froala Editor