Viện phương đông

3 năm trước

“Lữ hành” - cuộc cách tân thơ “tân hình thức”, khai sáng dòng thơ hình họa - Nguyễn Thị Trà My

Khi đọc, độc giả thấy mỗi bài thơ là một bức họa mang đậm tính biểu tượng. Những cách tân này không phải là sự phô diễn về hình thức mà đều chứa đựng những dụng ý nghệ thuật nhất định. Hay nói cách khác, nếu thơ Tân hình thức thường chỉ chú trọng đến yếu tố hình thức thuần túy thì thơ hình họa của Hữu Đạt còn dùng chính sự bố trí hình thức của các câu, các chữ trong bài thơ như một tín hiệu thẩm mĩ để truyền tải nội dung, tư tưởng nghệ thuật.

Powered by Froala Editor

“Lữ hành” - cuộc cách tân thơ “tân hình thức”,

khai sáng dòng thơ hình họa

(bài đã in trên in trên Tạp chí Tản viên sơn và báo,

Văn nghệ  Hội Nhà văn Việt Nam)

Nguyễn Thị Trà My (*)

          Thơ tân hình thức (new formalism poetry) khởi nguồn từ Thơ hình thức (ra đời vào thế kỷ XVIII ở Pháp). Thơ Tân hình thức còn được biết đến với một số tên gọi khác như thơ Mở rộng (expansive Poetry), thơ Hậu ngôn ngữ (postlanguage Poetry) xuất hiện tại Mĩ vào giữa thập niên 1980 như là cách để làm mới lại tính cổ điển trong thơ, nhằm kéo thơ đương đại lại gần với độc giả hiện thời. Khoảng cuối thập niên 90 của thế kỉ trước, qua tạp chí Thơ tại Mĩ, thơ Tân hình thức đã nhanh chóng được du nhập vào Việt Nam và nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của một bộ phận không nhỏ các thi sĩ. Khế Iêm được coi là người có vai trò lớn nhất trong việc "phổ cập" thơ Tân hình thức vào Việt Nam. Cuốn tiểu luận có tên Tứ khúc và mới đây là tập nghiên cứu - phê bình Vũ điệu không vần - Tứ khúcvà những tiểu luận khác (về thơ tân hình thức) [3] của Khế Iêm đã chỉ ra một số đặc điểm chính của thơ Tân hình thức Việt như: cách nói thông thường, vắt dòng, kỹ thuật lặp lại và tính kể chuyện để tạo nên cái mà ông gọi là thi pháp đời thường.

          Đầu năm 2010, Thơ kể [4] là tuyển thơ Tân hình thức Việt đầu tiên được xuất bản chính quy tại Việt Nam. Sách gồm sáng tác của 22 tác giả, trong đó nhiều người gắn bó và thành công với thể loại này. Ngoài ra, hơn 20 tập thơ Tân hình thức Việt của các tác giả trong nước và hải ngoại được xuất bản trên khắp thế giới từ đầu thế kỉ XXI đến nay đã phần nào nói lên sức hấp dẫn và sự lan truyền của hình thức thơ mới mẻ này. 

          Tập Lữ hành cho thấy một tâm hồn nhạy cảm, phong cách uyên bác đa dạng của nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu Hữu Đạt. Chúng ta không chỉ dễ dàng bắt gặp trong tập thơ Lữ hành những nỗi niềm của một lữ khách mang trái tim trĩu nặng ưu tư với cuộc đời và nhân thế mà còn dễ dàng nhận thấy những sáng tạo nổi bật của nhà thơ trong việc sử dụng ngôn từ và thể loại. Tập thơ đã được viết bằng nhiều thể loại khác nhau. Nhưng cái làm cho người đọc bị thu hút và ấn tượng mạnh mẽ chính là sự thể hiện những sáng tạo hiếm có về hình thức biểu hiện của thơ, đúng như nhận xét của Hoàng Kim Ngọc: “Hữu Đạt rất có ý thức cách tân về hình thức qua một số bài thơ hình cái cốc, cái nơ, kim cương, hình mũi tên…Đó cũng là những thử nghiệm của một số nhà thơ mới…Nhưng có lẽ chỉ đến Hữu Đạt thì kiểu thơ hình thức mới được phát huy đến đỉnh điểm.”. [2,174]. Ai đọc Lữ hành cũng sẽ thấy, trong tổng số 95 bài thì có đến 35 bài được tác giả làm theo lối Tân hình thức (trong đó 10 bài được tác giả kỳ công đẽo gọt, sắp xếp câu từ thành những hình họa cụ thể: hình cái nơ (Mộng mị), hình mũi tên (Đổi mùa), hình chuỗi hạt trai (Chiều thu), hình thang (Di Hòa Viên), hình tháp chồng kim cương (Chiều thu), hình cái cốc (Thu cảm, Ngọngió lang thang)…Tác giả Lý Hoài Thu đánh giá đây là “một phần rất ấn tượng của tập thơ, là những tìm tòi, thể nghiệm của lối trình bày thơ thị giác… Việc sắp xếp các con chữ theo những hình thù lạ mắt thuộc phần nổi của văn bản cho thấy Hữu Đạt rất công phu, hứng thú và say mê với những thao tác “kỹ thuật” này”…Đây có lẽ là một cách làm mới thơ, đưa thơ đến với nghệ thuật sắp đặt theo tinh thần hiện đại - hậu hiện đại.”[2, 10]. Tác giả Trần Hinh cũng đánh giá rất cao những sáng tạo này: “Đặc biệt nhất, trong tập Lữ hành, Hữu Đạt có khá nhiều bài thơ viết theo hình thức xếp hình. Đây là một hình thức thơ đòi hòi người viết ngoài sự nhạy cảm, còn phải có hiểu biết nhất định về kiến thức ngôn ngữ. Nếu không nhầm, tôi nhớ trong nền thơ ca Pháp, Baudelaire, Apollinaire đã từng viết những bài thơ hình vẽ rất đặc sắc. Tôi không dám so sánh Hữu Đạt với các bậc thi hào trên, nhưng không thể không khẳng định rằng, một người mới bắt đầu bước vào địa hạt thơ như Hữu Đạt, đã “dám” mạnh dạn tìm tòi cách tân hình thức, thì quả là hiếm”. [2, 160]

          Ngược lại quá khứ, chúng ta thấy trong Phong trào Thơ mới, Nguyễn Vĩ, Lê Ta, Trần Huấn Chương cũng đã từng có một số bài thơ mang tính mô phỏng theo chủ nghĩa hình thức phương Tây. Chẳng hạn, Nguyễn Vĩ có bài Hoàng hôn được sắp đặt theo kiểu mô phỏng hình cánh cò bay trong ánh hoàng hôn sắp tắt, bài Tiếng chuông chùa mô phỏng âm thanh ngân nga vọng ra từ đỉnh tháp chuông, bài Mưa được kết cấu theo hình quả trám; Trần Huấn Chương có bài Tối được tổ chức theo hình tam giác với đỉnh là một từ. Các tác giả này mặc dù đã cố gắng thể hiện sự sáng tạo bằng cách “lấy mặt hình thức của hình thức để biểu đạt cái mặt nội dung…và cố gắng phô diễn tính độc đáo ở cách thức sử dụng ngôn ngữ” [1, 281] nhưng vẫn chưa thoát li khỏi sự ràng buộc của lối thơ truyền thống thể hiện qua cách gieo vần, cách tổ chức âm tiết, quy tắc thanh vận… Nếu đặt trong thế so sánh ấy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định Hữu Đạt là người đem đến cho thơ Tân hình thức ở Việt Nam một bước phát triển mới bằng việc tiếp nối một cách có ý thức để khai sáng ra dòng thơ riêng- thơ Hình họa. 

          Trong tập Lữ hành, những bài thơ làm theo lối thơ Tân hình thức nói chung, thơ Hình họa nói riêng chiếm số lượng đáng kể. Có thể kể đến một số bài thơ tiêu biểu như: Thăm pháo đài Waterloo, Qua Amsterdam, Buồn, Mưa hoang, Cho anh, Xem ảnh hot, Đất nước tôi, Bạn cũ, Thương nước mình, Mùa hè trong thành phố… Trước hết, những bài thơ này đã phát huy các ưu thế của lối thơ Tân hình thức thể hiện qua việc lặp lại hình ảnh, ý tưởng, nhóm chữ; kỹ thuật vắt dòng để thay thế vần ở cuối câu và áp dụng thi pháp đời thường. Nhưng mắt khác, tác giả của chúng lại có ý thức rõ trong việc khắc phục những hạn chế về sử dụng vần và nhịp điệu trong thơ Tân hình thức để làm cho chúng dễ hòa vào tri giác tiếng mẹ đẻ của người đọc. Chẳng hạn, trong bài Mùa hè trong thành phố, tác giả tuy vẫn sử dụng kỹ thuật vắt dòng của thơ Tân hình thức nhưng vẫn chú ý bước đi của nhịp cũng như điểm nhấn của vần:

Nắng thiêu đốt

trên những tòa cao ốc

Bụi bốc mù trời

sau những chuyến xe qua

Mùa hè cháy

cả phố phường Hà Nội

mồ hôi như ướt đẫm tuổi già

(….)

Thương lũ trẻ mình bám đầy bụi đất

Vô tư đùa trong tướt tát mồ hôi

Gió đỏng đảnh đi qua

bao cặp mắt

Nắng đơm hoa

trên mỗi một nụ cười

(…..)

(Mùa hè trong thành phố)

          Ở đây, ngôn ngữ theo thi pháp đời thường đã được nhà thơ khai thác triệt để nhằm phản ánh một hiện thực chứa đầy chất đời: nắng thiêu đốt, bụi bốc mù trời, mùa hè cháy, ướt đẫm, cả phố phường nháo nhác, trốn vào siêu thị, đi đứng loanh quanh mong cho chóng hết ngày, tướt tát mồ hôi, bãi Sông Hồng, hôm nao yên ắng thế, người tụ đến, tắm “thiên nhiên”, đông như hội, no nước chẳng muốn về…Đúng như Khế Iêm đã nhận xét: “Mỗi đặc tính có những cách dùng riêng biệt và được cân nhắc bên trong bài thơ và người đọc phải tạo ra tiến trình đọc…Chữ nghĩa, hình ảnh bóng bẩy và cầu kỳ không còn, chỉ còn sự đơn giản, tự nhiên như một dòng đời sống”. [3, 16]. Lý giải về kỹ thuật vắt dòng tự do, linh hoạt, các tác giả tân hình thức cho rằng: “Khi dùng cách vắt dòng, phá đi cách đọc dừng lại ở cuối dòng, người đọc bị thúc đẩy đi tìm lại phần đã mất (của câu), tốc độ đọc nhanh hơn, và phải đọc bằng mắt. Điều này gợi tới ý niệm thời gian và không gian trong thơ. Cái phần mất đi ấy là phần gì? Phải chăng là một phần đời sống, của quá khứ hay của tương lai (...). Thơ bật lên từ sự vặn vẹo và phức tạp của văn phạm và cú pháp, tạo thành nhịp điệu và nhạc tính. Điều rõ ràng, bài thơ và tri giác về nhịp điệu không nằm ở ngôn ngữ (chữ), mà ở nội dung ngôn ngữ (the content of the language). Nội dung ngôn ngữ chính là những chuyển động của cảm xúc trong phạm trù văn phạm và cú pháp” [3, 17].

          Có thể nói, sự sáng tạo trên phương diện nghệ thuật thơ trong tập Lữ hành  được thể hiện khá tập trung ở những bài thơ được tác giả kỳ công xếp đặt theo những hình khối “bắt mắt” như: hình cái nơ, hình tháp chồng kim cương, hình cái cốc, hình cái thang, hình mũi tên, hình tháp nước...Đó là các bài Giấc mơ,Chiều thu, Thu cảm, Mộng mị, Đổi mùa, Ngọn gió lang thang, Đi ngược mùa thu,  Tôi mơ về phố núi, Biển ở nơi đâu…Khi đọc, độc giả thấy mỗi bài thơ là một bức họa mang đậm tính biểu tượng. Những cách tân này không phải là sự phô diễn về hình thức mà đều chứa đựng những dụng ý nghệ thuật nhất định. Hay nói cách khác, nếu thơ Tân hình thức thường chỉ chú trọng đến yếu tố hình thức thuần túy thì thơ hình họa của Hữu Đạt còn dùng chính sự bố trí hình thức của các câu, các chữ trong bài thơ như một tín hiệu thẩm mĩ để truyền tải nội dung, tư tưởng nghệ thuật. Chẳng hạn, bài thơ Đổi mùa và Đi ngược mùa thu đều được tác giả làm theo hình mũi tên:

Tôi

đi ngược

mùa thu kỉ niệm

Tìm em trong quá khứ vơi đầy

Nắng làm rụng nỗi buồn nơi góc phố

(….)

Xuân bước đến

bên thềm

đào chợt nở

Tóc trên đầu

có mấy sợi

bạc thêm.

(Đổi mùa)

Tôi

thẫn thờ đi

Trong mùa thu đầy nắng

Tôi đi ngược về miền xa vắng

Tìm lại em trong những áng thơ xưa

(….)

Tôi đi ngược

mùa thu

Để mong

trái đất kia trẻ lại

Nhưng thời gian

tinh quái

đã nhuộm vàng

chiếc lá

đỉnh non cao

(Đi ngược mùa thu)

          Hai bài thơ là những cảm thức và chiêm nghiệm của nhà thơ về sự trôi chảy của thời gian và kiếp người. Hình thức thơ được sử dụng như một tín hiệu nghệ thuật cho thấy cảm thức chảy trôi đó. Từ sự đổi mùa của thiên nhiên tạo hóa, nhà thơ vẽ lên sự đối lập giữa cái vô hạn của thời gian và cái hữu hạn của đời người. Bức họa thơ hình mũi tên chính là một tín hiệu thẩm mĩ mà người đọc không thể bỏ qua khi tiếp nhận tác phẩm. Qua tín hiệu thẩm mĩ này, tác giả muốn nhấn mạnh một quy luật nghiệt ngã: thời gian một đi không trở lại giống như mũi tên đã bắn ra sẽ không bao giờ lấy lại được. Con người (đặc biệt khi đã ở tuổi xế chiều) luôn khao khát được trở về quá khứ, mong muốn được níu giữ thời gian với những kỉ niệm êm đềm nhưng điều đó mãi chỉ là mong ước mà thôi bởi “thời gian/tinh quái/đã nhuộm vàng/chiếc lá/đỉnh non cao”. Không ai có thể vượt thoát khỏi quy luật nghiệt ngã ấy! 

          Tôi mơ về phố núi là một bài thơ được Hữu Đạt “kỳ công dàn dựng” theo hình tháp chồng với ba ngọn tháp. Đỉnh của mỗi ngọn tháp là một câu thơ một âm tiết, các câu tiếp theo là sự mở rộng theo hướng tăng dần số lượng âm tiết. Chân của mỗi ngọn tháp là một câu thơ tám âm tiết. Ngoài việc lặp lại ý tưởng, câu chữ và vận dụng kỹ thuật vắt dòng như trên, bài thơ còn giống như một bức họa đầy tính trừu tượng. Nó gợi người đọc liên tưởng đến hỉnh ảnh của những dãy núi trùng điệp, những dải đồi gối tiếp tận chân mây. Nhà thơ đang sống giữa “nơi phố phường chật chội” nhưng lòng vẫn vời vợi mơ về phố núi để được hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ và hữu tình, để được đẫm mình trong “ánh trăng hoang lạnh”, được ngụp lặn “giữa sương mờ” và “ánh sao băng”. Khát khao đậm chất nghệ sĩ thanh cao ấy được thể hiện phần nào qua chính hình thức của bài thơ.

          Khác với các biểu tượng trên, bài thơ Thu cảm được nhà thơ sáng tạo theo hình cái cốc. Thi phẩm là những rung cảm nhẹ nhàng của một hồn thơ tinh tế trước vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội. Vẫn là cảm thức mong muốn được níu kéo thời gian, trong bài thơ này, tác giả mong ước hoa bằng lăng cứ giữ nguyên sắc tím thiết tha, nắng thu cứ giữ mãi vẻ hanh hao rực rỡ, hoa sữa cứ dịu nguyên mùi hương nồng nàn trong ngày chớm lạnh và hình ảnh “em” cũng đừng nhạt phai theo năm tháng. Phải chăng, nhà thơ đã dùng chính hình thức tổ chức bài thơ - hình cái cốc để truyền tải thông điệp muốn lưu giữ vẻ đẹp trinh nguyên, tinh khôi nhất của mùa thu Hà Nội?

          Ngoài chục bài thơ hình họa trong tập Lữ hành, tác giả còn có một số bài thơ khác cũng viết theo hình thức này. Chẳng hạn, bài Chị ơi là một tác phẩm được nhà thơ kỳ công “thiết kế” theo hình bản đồ Việt Nam. Chị ơi là những nỗi niềm thương cảm xót xa đến tha thiết về số phận côi cút, tảo tần, lẻ loi của người phụ nữ hồng nhan nhưng bạc mệnh. Hình thức của bài thơ không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc mà nó còn chứa đựng “một nội dung sâu kín, một thông điệp riêng”(cách nói của Hoàng Kim Ngọc) mà nhà thơ muốn truyền tải qua lối thơ hình họa. Thông điệp đó phải chăng chính là: Từ xưa đến nay, ở bất cứ đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ có nhan sắc nhưng lại phải chịu kiếp sống cô lẻ, hẩm hiu. Họ vẫn tồn tại, hiện hữu giữa dòng đời tha thiết chảy?

          Qua một số phân tích trên, chúng ta thấy Hữu Đạt không chỉ dừng ở quan niệm làm mới hình thức thơ bằng cách vận dụng kiến thức, kỹ thuật về ngôn ngữ, thi ca để dàn dựng bài thơ thành những bức họa vui mắt đầy tính tạo hình “đưa thơ đến với nghệ thuật sắp đặt theo tinh thần hiện đại - hậu hiện đại” [2, 10] mà còn có ý thức khai sinh ra một dòng thơ mới. Đó là dòng thơ Hình họa với mục đích tạo cho độc giả một con đường tiếp cận thi ca theo cách mới: cả bằng cảm giác thị giác và cả bằng suy tưởng./.


---------

(*) Tiến sĩ, khoa Báo chí Truyền thông và Văn học, ĐHKH Thái Nguyên.

 

Tài liệu tham khảo


1. Hữu Đạt, Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb KHXH, 2000.

2. Hữu Đạt, Thơ Lữ hành, Nxb Văn học, 2014.

3. Khế Iêm, Vũ điệu không vần - Tứ khúcvà những tiểu luận khác (về thơ tân hình thức), Nxb Tân hình thức, 2011.

4. Nhiều tác giả, Thơ kể, Nxb Lao động, 2010.

5. http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c173/n3289/Tho-tan-hinh-thuc-phan-khang-tim-toi-va-qua-khich.html

 

Powered by Froala Editor