Viện phương đông

3 năm trước

Nghiên cứu giảng dạy văn học nước ngoài...

NGHIÊN CỨU GIẢNG DẠY VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI TỪ GÓC ĐỘ TIẾP NHẬN VĂN HỌC

PGS.TS Trần Lê Bảo, ĐH SPHN    

Powered by Froala Editor


1. Tiếp nhận văn học nước ngoài

          Tiếp nhận văn học nước ngoài là một bộ phận của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa diễn ra thường xuyên và liên tục giữa các các nền văn hóa, trong đó có văn học của các dân tộc. Đó là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa và văn học. Thông qua việc tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của các cộng đồng khác, những giá trị văn hóa và văn học độc đáo của mỗi cộng đồng ngày càng được phong phú và đa dạng hơn.

          Mặt khác, văn học với tư cách nghệ thuật của ngôn từ, cũng có những quy luật đặc thù, từ khi thai nghén sinh thành văn bản tác phẩm, đến tay người đọc là cả một quá trình dài lâu, diễn ra trong quan hệ tương tác giữa tác giả tác phẩm và công chúng độc giả. Mối quan hệ này diễn ra chẳng những giữa hiện tại và quá khứ trong một quốc gia dân tộc, mà còn diễn ra ngoài lãnh thổ các quốc gia dân tộc. Tuy nhiên tùy thuộc những quan niệm khác nhau của các trường phải nghiên cứu, giữa các thời đại khác nhau, các cộng đồng dân tộc khác nhau… mà có những cách tiếp nhận khác nhau, đặc biệt việc tiếp nhận văn học của các cộng đồng khác.

          Tiếp cận văn học nước ngoài có nhiều cách, song cách tiếp nhận từ văn hóa đến văn học; từ quá trình sáng tác và từ góc độ liên văn bản; trong đó không thể thiếu phương pháp văn học so sánh, là những cách tiếp nhận có tính khả thi và không thể không coi trọng.

          Cũng như tiếp nhận văn hóa, tiếp nhận văn học là một vấn đề xa xưa nhưng vẫn luôn luôn mới. Điều này được minh chứng từ khi có sáng tạo tác phẩm văn học và nhiều tác phẩm đã trở thành kinh điển, ghi nhận sự đóng góp của tác giả và tác phẩm trong kho tàng văn học thế giới. Đó là những tác phẩm sống mãi trong thời gian được nhân loại luôn luôn tiếp nhận.

          Việc tiếp nhân văn học đã được các nhà lý luận tư tưởng văn học cổ phương Đông và phương Tây đề cập tới chủ yếu từ góc độ tiếp nhận của văn học quá khứ trong mỗi nền văn học dân tộc. Từ khi có các cuộc giao lưu văn hóa, cộng đồng các dân tộc tiếp nhận những giá trị văn hóa và văn học của dân tộc khác ngày một mạnh mẽ. Những “biến dị văn học” ngày càng phong phú. Có thể nói, người Nhật Bản có khả năng tiếp nhận và tiêu hóa những giá trị văn hóa, văn học của nước ngoài một cách chủ động và đầy sáng tạo là một minh chứng. Thời cổ trung đại, Nhật Bản tiếp nhận nhiều giá trị văn hóa văn học của các nước châu Á như Trung QuốcẤn Độ.

          Những năm tám mươi thế kỷ XX trở lại đây, nền văn học Trung Quốc đương đại đã có sự phát triển với nhiều trào lưu mới rực rỡ mang màu sắc Trung Hoa. Người đọc tìm thấy trong tác phẩm Mạc Ngôn - nhà văn mới được trao giải Nôbel năm 2012 mặc dù đậm màu sắc Trung Quốc, song vẫn   rất gần với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo châu Mỹ Latinh. Người ta cứ ngỡ rằng văn học dòng ý thức là của phương Tây hiện đại được du nhập vào Trung Quốc và nhà văn Vương Mông là một trong những người đã tiếp nhận nó thành công nhất. Nhưng nhà nghiên cứu người Trung Quốc Ân Quốc Minh đã minh chứng Trung Quốc cũng có văn học dòng ý thức từ triết học của Lão Tử, Khuất Nguyên đến “Nhật ký người điên” của Lỗ Tấn (8). Cũng như vậy, từ xưa ở phương Tây Arixtote đã từng nói đến tác dụng “thanh lọc” của tác phẩm đối với người tiếp nhận trong “Nghệ thuật thơ ca”. Tiếp đến Friedrich Schlegel (thế kỷ XVII), đề cập đến tiếp nhận văn học trong mối quan hệ giữa các nhà văn thế hệ sau đối với thế hệ nhà văn lớp trước. Tác phẩm văn học được gọi là “sống” khi người đọc đương thời luôn tìm đọc nó. Đến thế kỷ XX, khi nghiên cứu L.Tolstoi, Lenine không chỉ đi sâu giải thích sự hình thành tác phẩm bằng những tiền đề khách quan và chủ quan,mà còn quan tâm đến tác dụng của những tác phẩm L.Tolstoi đối với xã hội đương thời và về sau.

          Tuy nhiên từ những năm 40 của thế kỷ XX trở về trước, đã có quan niệm phủ nhận vai trò của người đọc, người tiếp nhận với tư cách là một nhân tố quan trọng trong chu trình sáng tạo nghệ thuật. Họ cho rằng: mỹ học sáng tạo là khép kín, tự thân tác phẩm văn học đã là một chỉnh thể thống nhất toàn vẹn. Vì vậy nghiên cứu văn học chỉ cần chú ý đến hai yếu tố là tác giả (bao gồm thế giới quan, tư tưởng, lập trường, lý tưởng thẩm mỹ, cảm hứng…) và tác phẩm (thể loại, chủ đề – đề tài, hình thức nghệ thuật…), gạt người đọc ra ngoài quá trình tồn tại của nhà văn và tác phẩm. Với họ, chỉ tác giả và tác phẩm là quan trọng. Còn những yếu tố bên ngoài tác phẩm như: người đọc, sự tiếp nhận văn học, nằm ngoài tác phẩm đều không có giá trị nghệ thuật, giá trị mỹ học và cũng không đóng góp được cho nghiên cứu lịch sử văn học. Sự thiếu vắng một nhân tố, một giai đoạn trong đời sống của tác phẩm văn học, trong thời gian dàiđã dẫn đến sự khủng hoảng của lý luận và nghiên cứu văn học, khi viết lịch sử văn học chỉ bắt nguồn từ phía sáng tạo. Đến thập niên 50, 60 thế kỷ XX, vấn đề tiếp nhận văn học bắt đầu được quan tâm nghiêm túc và phát triển mạnh mẽ. Lý thuyết tiếp nhận văn học được xây dựng nhằm đóng góp cho phương pháp nghiên cứu tác phẩm có tính tổng hợp liên ngành, đa ngành, bổ sung cho mỹ học sáng tạo một quá trình mở, cả về không gian và thời gian, xác định giá trị tác phẩm một cách toàn diện hơn.

          Như vậy, tiếp nhận văn học là toàn bộ hoạt động đọc, giải thích, tưởng tượng, khen chê của người đọc đối với tác phẩm. Nó là một quá trình chiếm lĩnh, tái tạo, tiếp biếnmột sản phẩm văn học, hay một trong những yếu tố của nó, trên cơ sở mở rộng, làm phong phú, thậm chí làm biến đổi những giá trị thống nhất và ổn định của tác phẩm, sao cho phù hợp với tư tưởng, tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ của thời đại và con người – chủ thể tiếp nhận. Toàn bộ chu trình văn học là một chỉnh thể bao gồm sáng tác, lưu thông và tiếp nhận, trong sự vận động của chu trình này các yếu tố đan xen, nối tiếp và tác động lẫn nhau. Yếu tố này vừa là tiền đề vừa là kết quả của yếu tố kia. Tiếp nhận vừa đi sau sáng tác vừa đi trước sáng tác.

          Tiếp nhận văn học có nhiều tên gọi khác nhau: Mỹ học tiếp nhận, Lý thuyết tiếp nhận văn học. Trong đó Lý thuyết tiếp nhận văn học có tính chất nền tảng. Vấn đề là nếu coi Tiếp nhận văn học là một ngành khoa học, cần phải đưa ra những khái niệm đặc trưng, có đối tượng và phương pháp, cấu trúc, chức năng nghiên cứu cụ thể, đặc biệt tiếp nhận văn học nước ngoài ta, cần đặt nó trong tương quan với thực tiễn văn hóa, văn học; vận dụng lý thuyết tiếp nhận văn học, xem xét những vấn đề trong và ngoài văn bản văn học, từ đó có thể tìm ra những quy luật cơ bản làm nên nội dung lý thuyết tiếp nhận văn học.

2. Tiếp nhận văn học nước ngoài từ những yếu tố trong văn bản

2. 1. Tiếp nhận văn học từ mối quan hệ với văn hóa

          Bakhtin nhà nghiên cứu văn học người Nga, khẳng định nghiên cứu văn học trong dòng chảy lịch sử văn hóa là một hướng đi cần thiết. Theo Bakhtin, không thể hiểu văn học “ngoài mạch nguyên vẹn của toàn bộ văn hóa một thời đại trong đó nó tồn tại. Không được tách rời khỏi các bộ phận khác của văn hóa, cũng như không trực tiếp gắn nó với các nhân tố xã hội, kinh tế vượt qua đầu văn hóa. Những nhân tố xã hội - kinh tế tác động tới toàn bộ văn hóa nói chung và chỉ thông qua văn hóa cùng với văn hóa mới tác động tới văn học” (2)

          Văn học chẳng những là thành tố của văn hóa mà còn là sự tự ý thức văn hóa. Văn học là một bộ phận của văn hóa, chịu sự chi phối ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa mà còn là một trong những phương tiện tồn tại và bảo lưu văn hóa. Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường văn hóa của một thời đại và truyền thống văn hóa của một dân tộc, đồng thời thể hiện cả nội hàm tâm lý văn hóa độc đáo của một thời đại và một cộng đồng dân tộc. Cùng với hệ thống giá trị văn hóa là những mô thức văn hóa riêng của một cộng đồng dân tộc, văn học đã tự giác tiếp nhận và thể hiện những giá trị và mô thức mà cả cộng đồng tôn trọng và tuân thủ.

          Mặt khác, nhà văn là chủ thể sáng tác, còn là thành viên của một truyền thống văn hóa, văn học. Trong bản thân nhà văn, có cái ngày xưa, cái hôm nay và cả cái mai sau. Vì vậy nhà văn dù sáng tạo tới đâu, viết ra hay nói ra vấn đề gì, thì cũng vẫn thể hiện tâm thái văn hóa và những kết cấu tâm lý văn hóa độc đáo của dân tộc mình; đồng thời lại có cả tiếp nhận nhiều tinh hoa văn hóa của các cộng đồng dân tộc khác. Tất cả được nhà văn “mã hóa” trong tác phẩm của mình thành các mã văn hóa, các tín hiệu nghệ thuật. Xét ở cấp độ nhận thức từ đơn giản đến phức tạp, người ta có thể chia tín hiệu nghệ thuật thành: kí tín hiệu, biểu tượng, hình tượng. Từ cấp độ bản thể đến cấp độ biểu hiện, tín hiệu nghệ thuật sẽ gồm: nguyên mẫu hay cổ mẫu, biểu tượng đến hình tượng.

          Cách tiếp cận văn học từ văn hóa sẽ tìm được những cơ sở khoa học liên ngành cần thiết và hợp lý. Trong đó phương pháp so sánh văn hóa và văn học cần được quan tâm đặc biệt. Cách thức giải mã này là đặt văn học vào bối cảnh rộng lớn của văn hóa - xã hội, hoặc trong ảnh hưởng qua lại của văn học đối với những hiện tượng văn hóa xã hội khác, từ đó làm nổi bật những sắc thái văn hóa phong phú được thể hiện trong tác phẩm văn học, đồng thời có thể tìm thấy cả một quá trình biến dị của ngôn ngữ hay hình tượng văn chương từ cùng một nguồn văn hóa văn học;hoặc giải mã những phù hiệu, biểu tượng hàm ẩn muôn vàn lớp nghĩa trầm tích của văn hóa trong văn bản văn học cụ thể.

Nói tóm lại, muốn hiểu đến cùng một nền văn học, người nghiên cứu không thể không hiểu sâunền văn hóa sinh ra nền văn học ấy. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người nghiên cứu văn học nước ngoài.

2.2.Vô thức tập thể như một ký hiệu quan trọng của tác phẩm văn học

a. Vô thức tập thể như một mã văn hóa

          Kế thừa và mở rộng học thuyết của Freud, nhà tâm phân học người Thụy Sĩ Karl Gustave Jung là người đầu tiên xác lập vấn đề vô thức tập thể (collective unconsciousness). Nội hàm của nó bao trùm những phạmtrù ngoại vi như Cổ mẫu, bản năng, biểu tượng, vô thức... Vô thức tập thể là kí ức của loài người, là kết quả của đời sống thị tộc và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vô thức tập thể tồn tại trong mọi người và mỗi người, là cơ sở của tâm trạng cá nhân và căn cước văn hóa tộc người.(5)

          Vô thức tập thể, theo Jung, là hệ thống tâm lý thứ hai, phổ biến, giống nhau ở tất cả mọi người. Đó là một số nội dung kinh nghiệm nguyên thủy hình thành trong quá trình tiến hóa sơ kì của nhân loại, thậm chí là của tiền nhân loại.Như vậy, vô thức tập thể không chỉ là sự di truyền bản năng, đặc biệt là bản năng tính dục như Freud khẳng định, mà còn chứa đựng di truyền mang tính chất xã hội thể hiện ở những phương thức như: tô tem, nghi thức tôn giáo thời dã man và những kinh nghiệm xã hội được mô thức hóa về mặt sinh lý trong cơ thể người, đặc biệt là hoạt động thần kinh của đại não. Vì vậy còn có thể gọi vô thức tập thể là sự di truyền văn hóa.

b. Ba hạt nhân cơ bản của vô thức tập thể: cổ mẫu, bản năng và biểu tượng.

          Cổ mẫu

          Vô thức tập thể vô cùng đa dạng, song người ta có thể nhận thấy ở một số biểu hiện phổ biến như: cổ mẫu,bản năng và biểu tượng là ba hạt nhân cơ bản. Trước hết phải kể tới Cổ mẫu – hạt nhân quan trọng của vô thức tập thể. Cổ mẫu được hiểu là “một định thức biểu trưng, nó luôn luôn làm chức năng ở nơi nào mà loại khái niệm có ý thức không có, hoặc không thể xét về hoàn cảnh bên ngoài và bên trong”(5). Cổ mẫu có đặc điểm là luôn bảo lưu ý nghĩa và chức năng của nó, không bị hủy hoại, biến thái mà chỉ xuất hiện hình thức mới ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong cuộc sống nguyên thủy có bao nhiêu tình cảnh điển hình thì có bấy nhiêu loại cổ mẫu: sinh nở, chết đi, sống lại, quyền lực, ma thuật, anh hùng, trẻ thơ, thượng đế, ác quỷ, tài trí, đất mẹ, mặt trời, mặt trăng, sông núi, vũ khí… 

          Chẳng hạn, về cổ mẫu Nước. Lão Tử người Trung Quốc xưa đã phát hiện ra vai trò quan trọng và vô cùng linh thiêng của nước. Nước là nguồn sống của con người, giúp con người và muôn loài sinh sôi phát triển. Câu chuyện Cổn Vũ trị thủy;nước trong bình “Tịnh Thủy” của Phật Bà Quan Âm trong Tây du ký có thể làm hồi sinh cây nhân sâm ở Ngũ Trang Quán, cũng có thể diệt ngọn lửa dục Tam muội của Hồng Hài nhi… nước sông Hoàng Hà là biểu tượng cội nguồn thần bí của người Trung Quốc; nước sông Hằng có thể thanh tẩylà biểu tượng linh thiêng của người Ấn Độ… Tất cả đều nói lên các chức năng to lớn và thiêng liêng của cổ mẫu Nước.Thông qua cổ mẫu, cụ thể ở đây là cổ mẫu Nước, chúng ta nhận thấy tâm thức con người trong quá khứ hiện lên hết sức sống động và rõ ràng từ quá khứ đến hiện tại

          Bản năng

Bản năng được nói tới ở đây như một phần của vô thức tập thể, là năng lực trỗi dậy trong tiềm thức vốn có của loài người.Có những bản năng tích cực, như con người có khả năng liên lạc với lực lượng siêu nhiên, thần linh, vũ trụ;có người bình thường bỗng chốc nảy sinh hành động phi thường, hành động anh hùng. Mặt khác bản năng có thể xuất hiện nhờ sự tích tụ của ham muốn tình dục bị dồn nén, hay những cấu trúc tâm lý bẩm sinh và trở thành “vô thức”. Chẳng hạn trong truyện Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa của nhà văn Trung Quốc Đới Tư Kiệt, do cách mạng Văn hóa,nhân vật Lạc phải đi “cải tạo”, đến vùng rừng núi hoang vu Thiên Phụng. Lạc sống trong thôn hẻo lánh và phải lao động cải tạo rất vất vả. Tình cờ một hôm anh đi may quần áo ở thị trấn gần thôn, đã gặp và có tình cảm với cô bé thợ may. Đầu tiên, tình cảm hai người vô tư, chân thành. Chỉ đến khi Lạc mượn cuốn sách Balzac đọc cho cô bé thợ may những đoạn kể về tình cảm nam nữ và cả hai say sưa đọc. Trong vô thức của hai người này đã nảy sinh những tình cảm nam nữ. Cuối cùng, do bản năng tình dục tích tụ họ đã quan hệ với nhau và kết cục cô bé thợ may đã mang thai. Như vậy, bản năng hình thành một phần là do những yếu tố tình dục, tâm lý tích tụ.

          Biểu tượng

          Biểu tượng, là một phạm trù chỉ đặc trưng tư duy và thị hiếu thẩm mỹ của mỗi dân tộc.Trong văn học, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Biểu tượng trong các tác phẩm văn học là những tượng trưng mang đầy tính ước lệ.

          Các biểu tượng được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác và trở thành căn thức văn hóa, ăn sâu vào tâm thức cộng đồng một cách có ý thức hoặc vô thức, tiềm thức. Đó chính là cơ sở của nhận thức văn hóa, mang tính di truyền văn hóa. Biểu tượng có nhiều lớp nghĩa người ta giải mãi không cùng. Thêm nữa mỗi cộng đồng do hoàn cảnh sinh tồn khác nhau, trình độ phát triển khác nhau có thể sáng tạo cùng một biểu tượng nhưng có những lớp nghĩa khác nhau. Chẳng hạn hoa cúc với người Trung Quốc là hoa thủy chung (Hoa bất lạc địa, diệp bất ly thân – Hoa héo không rụng cánh xuống đất, lá héo không rời khỏi cành) nhưng đối với người Nhật Bản hoa cúc lại là hoa dùng trong tang lễ, như hoa huệ Việt Nam. Biểu tượng gió tràn đầy trong những trang thơ Đường, nó vừa là cảnh sắc tự nhiên vừa mang tậm trạng của con người, khi hạnh phúc với làn gió xuận, khi sầu thương với những trận gió thu…

          Bên cạnh ba hạt nhân cơ bản của vô thức tập thể (cổ mẫu, bản năng, biểu tượng), còn có các yếu tố khác như giấc mơ, huyền thoại, thần thoại có liên quan tới thuyết vô thức tập thể của C.Jung. Có thể thấy, thông qua việc sáng tạo thần thoại, huyền thoại về các vị thần ở Hy Lạp (các vị thần trên đỉnh Olympia), Ấn Độ (hệ thần trong kinh Vêđa), Trung Quốc (Nữ Oa, Bành Tổ, Hằng Nga)... đã giúp con người mường tượng được nguồn gốc hình thành thế giới, quan niệm về con người, đời sống tự nhiên, xã hội thời nguyên sơ. Thần thoại về Nữ Oa luyện đá vá trời, Hậu Nghệ bắn mặt trời, Hằng Nga lên cung trăng... vừa là những câu chuyện dân gian lâu đời ẩn sâu trong tiềm thức các thế hệ người dân Trung Quốc, lại vừa là vấn đề cá nhân hóa trong tiếp nhận văn học.

          Thuyết vô thức tập thể đã trở thành công cụ hữu hiệu cho các học giả sử dụng khi nghiên cứu các vấn đề văn học, văn hóa học, tâm lý học, nghệ thuật học...

          Chẳng hạn, tương ứng với mỗi thể loại văn học lại có những loại hình cổ mẫu khác nhau. Thể loại hài kịch tương ứng với cổ mẫu tái sinh và ái tình. Thể loại truyền kì tương ứng với cổ mẫu từng trải nguy hiểm và thắng lợi. Thể loại bi kịch xuất phát từ cổ mẫu thọ nạn và tử vong. Còn trào phúng là xuất phát từ cổ mẫu của trạng thái hỗn loạn trước tái sinh…

          Không chỉ ảnh hưởng trên phạm vi thể loại, cổ mẫu thần thoại còn ảnh hưởng trực tiếp trong từng tác phẩm của nhà văn. Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc đặc biệt có mối quan hệ gắn bó khăng khít với thần thoại quá khứ. Tứ đại kì thư của Trung Quốc (Tam quốc  diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du kí, Hồng lâu mộng) đều chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của thần thoại, huyền thoại cổ mẫu và biểu tượng.

          Vô thức tập thể ảnh hưởng đến sáng tác của nhà văn trong tất cả các thời kì, các giai đoạn văn học. Trong bất cứ tác phẩm nào cũng có thể tìm ra những dấu ấn của vô thức tập thể. Bởi văn nghệ sĩ ngoài việc tự biểu hiện mình trong tác phẩm còn phải là người phát ngôn cho tập thể nhân loại. Họ là con người của tập thể, là người cụ thể hóa cuộc sống tâm lý vô thức của toàn nhân loại.Karl Gustave Jung khẳng định nghệ sĩ chẳng qua là nơi vô thức tập thể xa xưa hoàn hồn trở lại để trở thành tác phẩm nghệ thuật. Quá trình sáng tạo văn hóa mới, cũng là quá trình bảo lưu và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, đồng thời tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa của cộng đồng khác để điều chỉnh và chuyển đổi kết cấu tâm lý văn hóa dân tộc.

3. Tiếp nhận tác phẩm văn học từ những yếu tố bên ngoài tác phẩm - Tâm thức văn hóa thời đại

          Từ góc độ văn hóa tiếp nhận, các nhà nghiên cứu cho rằng: kể cả cá nhân nhà văn, độc giả hay cộng đồng xã hội đều bị chi phối bởi tâm thức văn hóa thời đại (bao gồm tâm lý thời đại và tâm lý văn hóa dân tộc) trong việc định hướng cách tiếp nhận, giải mã tác phẩm văn học.

          “Sự sống” của mỗi tác phẩm văn chương dài hay ngắn tùy thuộc vào giá trị nội tại của tác phẩm và sự tiếp nhận của công chúng. Vai trò của tâm lý nghệ thuật chi phối rõ rệt đến việc tiếp nhận giá trị văn chương. Và tâm lý nghệ thuật lại là bộ phận của tâm lý dân tộc trong trường kỳ lịch sử cũng như trong từng thời điểm. Vì vậy nghiên cứu tâm thức văn hóa thời đại cũng là nghiên cứu một trong những con đường giải mã tiếp nhận văn học.

3.1 Tâm thức văn hóa thời đại

          Tâm thức văn hóa thời đại trong văn học là toàn bộ tư tưởng tình cảm, quan niệm thẩm mỹ, thị hiếu của con người và thời đại chi phối sự tiếp nhận, đánh giá, khai thác những mã văn hóa mà nhà văn “mã hóa” trong tác phẩm.

3.2 Nội dung của Tâm thức văn hóa thời đại: Tâm lý thời đại và Tâm lý dân tộc

a. Tâm lý thời đại: là tâm lý của một cộng đồng diễn ra trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nó vừa thể hiện tính thời đại, xu hướng tâm lý và thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng, chi phối cả người sáng tác và độc giả tiếp nhận.

- Xu hướng tâm lý thời đại

          Trong mỗi giai đoạn lịch sử văn học của một cộng đồng đều sản sinh ra những xu hướng tâm lý nhất định, chi phối sự phát triển của văn học, trong đó chi phối cả người sáng tác lẫn công chúng tiếp nhận. Lịch sử văn học phương Tây đã ghi nhận Thời đại Phục Hưng (thế kỷ XIV), với tư tưởng khôi phục lại những giá trị nhân văn của thời cổ đại, đề cao con người cả về lý trí và tình cảm, đã làm cho văn học thời đại này có những bướcthay đổi lớn lao. Tư tưởng nhân văn đã trở thành chủ nghĩa lớn của thời đại Phục Hưng. Tâm lý thời đại này đã tác động không nhỏ đến nhà văn và công chúng độc giả. Điều này đã giải thích vì sao trong văn học của thời đại Phục Hưng xuất hiện những con người có tầm vóc và trí tuệ “không lồ” nhiều đến như vậy. Bởi vì nhà văn đã thẩm thấu sâu tâm lý thời đại lúc bấy giờ và phản ánh trong tác phẩm của mình. Và công chúng độc giả cũng tiếp nhận nó với một niềm say mê trong cảm hứng thời đại. Lúc bấy giờ, các nhà hát kịch ở châu Âu luôn chật kín khán giả, hâm mộ những tác phẩm Kịch của nhà văn hóa nhà văn Phục Hưng người Anh W. Shecxpia.

- Thị hiếu thẩm mĩ là một hiện tượng xã hội - lịch sử, kết hợp biện chứng trong bản thân nó những yếu tố mang tính dân tộc, giai cấp và tính nhân loại. Thị hiếu thẩm mĩ thể hiện sâu sắc tâm lý của thời đại, là xu hướng sở thích chung của số đông công chúng về một vấn đề nào đó dựa trên những quan niệm và hứng thú về cái đẹp. Nó thể hiện tình cảm thích hay không thích của công chúng, đối với sản phẩn nghệ thuật của thời đại đó, hoặc thời đại trước đó. Nó còn có vai trò quyết định đối với sáng tác của nhà văn, bởi lẽnhà văn cần hiểu được thị hiếu thẩm mĩ của công chúng thời đại mình, để định hướng nội dung và phương pháp sáng tác. Điều này được lý giải trong nhiều nền văn học.Chẳng hạn văn học Nga những năm đầu thế kỷ XX phản ảnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đầy gian nan thử thách đối với cả cộng đồng. Các nhà văn sáng tạo tác phẩm dựa trên thị hiếu thẩm mỹ hừng hực đầy tin tưởng và hy vọng của nhân dân về một xã hội tương lai tốt đẹp. Họ đã sáng tạo nên các hình tượng nhân vật anh hùng, phù hợp với quan niệm thẩm mỹ của nhân dân, được nhân dân rất yêu thích, như những nhân vật trong các tác phẩm: Thép đã tôi thế đấy của N.Ôxtơrôpxki, Chapaep của Phurmanôp, Chiến bại của A.Phađêep, Suối thép của A.Xêraphimôvich…

-  Tính thời đại

          Tính thời đại là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của sự tác động tâm lý thời đại, tới sáng tác của các nhà văn và tiếp nhận của công chúng độc giả. Có thể nói, mỗi nhà văn chân chính trong quá trình sáng tác, đều bám vào hiện thực và phản ánh nó trong tác phẩm của mình, nói lên được những vấn đề nóng bỏng, cùng những trăn trở day dứt của mình, đối với những vấn đề đang đặt ra của thời đại và dân tộc. Trong lịch sử văn học Trung Quốc, có một vấn đề lớn mà nhiều nhà văn rất quan tâm đó là vấn đề “Quốc dân tính”. Vào những năm 20 thế kỷ XX, Lỗ Tấn nhà văn lỗi lạc của thời đại đã khái quát thành “chủ nghĩa AQ” trong tác phẩm “AQ chính truyện” nổi tiếng của ông. Lỗ Tấn đã sớm nhận ra bản chất sự mê muội, yếu hèn, song lại đầy chủ quan ảo tưởng, mà không thấy được sự kém cỏi, thối nát mục rỗng, không có được tinh thần tự cường dân tộc, để dũng cảm vươn lên của người dân Trung Hoa.

          Tính thời đại còn tác động đến sáng tạo của các nhà văn, qua cách nhìn nhận con người, phản ánh con người trong tác phẩm. Trong văn học trung đại hay hiện đại, con người vẫn còn được đặt ở vị trí nhất định trong khát vọng làm chủ và cải tạo thiên nhiên làm chủ cuộc đời mình; nhưng ngày nay trước tác động của công nghệ thông tin, của khoa học cộng nghệ… văn học hậu hiện đại nhìn nhận cuộc đời con người cô đơn, nhỏ bé, tha hóa và phi lý…

b.Tâm lý dân tộc

          Tâm lý dân tộc là tổ hợp những nhân tố tư tưởng, tình cảm, tâm lý đặc trưng của mỗi dân tộc, thưởng thể hiện ở tư duy ngôn ngữ, những phong tục tập quán, quan niệm thẩm mỹ… của mỗi dân tộc. Tâm lý dân tộc thường có tính ổn định tương đối và có sự biến đổi trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa với các dân tộc khác.Những nhân tố tâm lý phổ biến của dân tộc, kết tinh trong tác phẩm được thể hiện chủ yếu trên những phương diện sau:

- Thứ nhất, cách thức sử dụng ngôn ngữ dân tộc, mỗi dân tộc đều có một ngôn ngữ đặc trưng thể hiện tiếng nói, tư tưởng, tình cảm, điệu hồn dân tộc mình. Ngôn ngữ cũng thể hiện chiều sâu tâm lý của mỗi dân tộc, bản sắc riêng trong tư duy và tâm hồn dân tộc. Chữ Trung Quốc được cấu tạo bởi 214 “bộ thủ”, nhưng có thể lắp ghép theo những quy luật nhật định, thể hiện được vô vàn sự vật hiện tượng ngoài tự nhiên và xã hội, đồng thời phản ánh được những tầng bậc tâm lý tinh tế nhất. Cấu trúc con chữ Trung Quốc là một lợi thế cho cả thi ca và hội họa, là sự kết hợp hài hòa của nghệ thuật không gian và thời gian. Cách viết AQ Chính Truyện của Lỗ Tấn vừa kế thừa tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc lại vừa tiếp nhận cách viết phương Tây. Bởi lẽ Lỗ Tấn viết về những khổ nạn và tranh đấu, “bàng hoàng” và “gào thét” của dân tộc Trung Hoa;đồng thời ônglại là bậc thầy của ngôn ngữ Hán, cho nêntrong tác phẩm của ông chỗ nào cũng chói ngời tinh thần,kêu gọi thức tỉnh tinh thầnđấu tranh sau giấc ngủ âm trầm của một dân tộc,muốn vươn mình thoát khỏi ách kìm kẹp của đế quốc và phong kiến.

- Thứ hai, tác phẩm thường phản ánh điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán dân tộc. Đến với tác phẩm của các nhà văn ở các dân tộc khác nhau, ta đều bắt gặp những đặc trưng thiên nhiên cũng như những phong tục tập quán, mang bản sắc riêng của từng dân tộc. Đất nước Nga tươi đẹp và rộng lớn hiện lên qua những trang văn của L.Tôxtôi, Sêkhôp, Êxênhin… với những thảo nguyên mênh mông, cỗ xe tam mã Nga trên những con đường dài típ tắp, rộn vang tiếng vó ngựa, thành những âm vang đặc biệt trong lòng người; hay những rừng bạch dương trải dài mang vẻ đẹp duyên dáng của những thiếu nữ Nga xinh đẹp. Tâm hồn Nga thấm đượm trong từng vẻ đẹp của thiên nhiên và thiên nhiên này lại là nơi nuôi dưỡng vẻ đẹp của những tâm hồn Nga trong sáng và giàu yêu thương.

- Thứ ba, thể hiện hình mẫu cá nhân siêu việt mang đậm giá trị thẩm mỹ của văn hóa dân tộc. Mỗi dân tộc đều có xu hướng thẩm mỹ riêng, có các hình mẫu cá nhân siêu việt được xây dựng, kết tinh trong đó những nét tâm lý phổ quát nhất của dân tộc mình. Các tác phẩm lớn của Trung Quốc như: Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký… có các nét tính cách anh hùng nghĩa hiệp đậm sắc màu Trung Hoa,“trọng nghĩa khinh tài”, “tứ hải giai huynh đệ”… đã trở thành biểu tượng mẫu mực trong ứng xử, được các thế hệ yêu thích và khâm phục; để rồi nối tiếp như một truyền thống tốt đẹp của người Trung Quốc. Hình tượng nhân vật Grigôri trong Sông đông êm đềm của Sôlôkhôp, mang trong mình vẻ đẹp tâm hồn và số phận của những con người Côdăc vùng sông Đông vừa mạnh mẽ, nóng nảy, quyết liệt, quả cảm, lại vừa mềm yếu, giàu yêu thương và đó cũng là tính cách của người dân Nga được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến.

- Thứ tư, tác phẩm thể hiện những nhân tố tâm lý phổ biến khác của dân tộc. Tiêu biểu như trong văn học Nhật Bản. Các khái niệm mỹ học từ thời Heian đến nay đều được sử dụng phổ biến trên văn đàn Nhật Bản như: u huyền, dư tình, tịch, bi cảm… thể hiện nét tâm lý tinh tế của một dân tộc luôn hướng nội. Người Nhật Bản thích cái đẹp buồn (bi mỹ) cho nên trong thơ ca luôn mang những nét trầm buồn, u sầu, vô thường, đầy sâu lắng và nhiều triết lý nhân sinh.

4. Vấn đề biến dị học và văn học so sánh trong quá trình tiếp nhận

          Trong quá trình tiếp nhận văn học nước ngoài, các nhà nghiên cứu không thể không sử dụng phương pháp nghiên cứu văn học so sánh, nghiên cứu ảnh hưởng văn học. Có hai trường phái nghiên cứu ảnh hưởng văn học là trường phái Pháp và trường phái Mỹ. Trường phái Pháp chú trọng nghiên cứu quan hệ ảnh hưởng thực chứng, chủ trương nghiên cứu “lịch sử quan hệ văn học so sánh trong quốc tế”. Nhưng nghiên cứu ảnh hưởng này không đơn thuần, trong quan hệ qua lại văn học các quốc gia, mà thường thường sinh ra biến dị,do những nhân tố khác nhau về thời đại, văn hóa, quốc gia, ngôn ngữ... ảnh hưởng đến việc tiếp nhận. Trường phái Pháp né tránh vấn đề so sánh bình hành và phán đoán thẩm mỹ, cũng chưa nhận thức được nghiên cứu ảnh hưởng có cả biến dị. Đây là hai thiếu sót lớn của lý luận khoa học của trường phái Pháp. Trường phái Mỹ chủ trương đem nghiên cứu thực chứng kết hợp với nghiên cứu thẩm mỹ, đem nghiên cứu ảnh hưởng kết hợp với nghiên cứu bình hành, đó là chính xác. Tuy nhiên cả hai trường phái đều chủ trương tìm ra tính chung  khi  nghiên cứu so sánh, mà bỏ qua vấn đề tính khác biệt và tính biến dị trong giải thích và so sánh. Đây là những chỗ trống đáng tiếc cuả lý luận văn học so sánh thế giới hiện nay.

          Như vậy, biến dị không chỉ là quan hệ ảnh hưởng văn học cùng những khái niệm quan trọng để giải thích văn học, mà còn là con đường sáng tạo văn hóa. “Biến dị học” không chỉ là bổ sung những cái chưa đầy đủ,còn thúc đẩy phát triển và sáng tạo lý luận văn học so sánh toàn thế giới. Phương pháp nghiên cứu biến dị học và phương pháp tư duy tìm cái khác biệt, có thể làm cho hiện tượng “phương Tây hóa” tồn tại phổ biến trong một số lĩnh vực khoa học xã hội ở các nước phương Đông, có thể đổi mới quan niệm nghiên cứu và phương pháp tư duy trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội.

          “Nghiên cứu lý luận văn học so sánh và biến dị học” do trường phái văn học so sánh Trung Quốc đưa ra. Biến dị học coi “tính khác biệt” là cơ sở so sánh của văn học so sánh. Thông qua tính khác biệt, người nghiên cứu đi sâu khai thác những giá trị bổ sung lẫn nhau, những thẩm thấu lẫn nhau giữa các nền văn học khác nhau. Thông qua nhịp cầu văn học so sánh thực hiện những giao tiếp và hội nhập văn hóa thế giới, tiến đến xây dựng một thế giới “hòa nhi bất đồng”. Lý luận này, góp phần bổ sung những thiếu sót của hai trường phái lý luận Pháp và Mỹ trên.Nhà nghiên cứu Tào Thuận Khánh còn đưa ra quan điểm “tiếp nhận” bao gồm cả hai chiều “thu nạp” và “đưa đi” những giá trị văn học văn hóa của một nước. Ông nhấn mạnh khái niệm “tha quốc hóa” văn học; nói đến văn học một nước khi truyền bá đến nước khác, đã bị biến dị với nhiều cấp độ khác nhau, do trải qua sàng lọc của văn hóa, dịch thuật và tiếp nhận; loại biến dị này chủ yếu thể hiện ở ngôn ngữ văn học và quy tắc văn hóa của bản thân việc truyền bá văn học một nước, bị nước tiếp thụ đồng hóa, từ đó trở thành một bộ phận của văn hóa và văn học nước khác. Chẳng hạn lấy “hình tượng sư tử” trong văn học nghệ thuật Trung Quốc và phương Tây làm ví dụ. Hình tượng sư tử trong văn học nghệ thuật phương Tây, tượng trưng cho sự hung mãnh và cao quý, trong “Thánh kinh”có nhiều miêu tả hình tượng loại này. Nhưng hình tượng sư tử ở Trung Quốc lại khác. Nó không chỉ là những con sư tử đá được trang trí trước cổng lớn, hoặc là trò múa sư tử tạo không khí sôi động mừng năm mới, mà đã mất bản tính hung dữ, biến thành một con “chó” đồ chơi, một con chó hiền lành đáng yêu. Trong“Thượng vân nhạc”của Lý Bạch đã miêu tả sư tử: “Sư tử ngũ sắc, phượng hoàng chín chòm lông, là con gà lôi già, hót nhảy bay ở quê hương đế vương.” Trung Quốc vốn không có sư tử, vì sao hình tượng sư tử Trung Quốc lại xa rời bản tính hoang dã, trở thành hình tượng một con sư tử khác xa với văn hóa phương Tây? Sư tử vốn là cống phẩm của Tây Vực dâng hoàng đế.Hoàng đế đem cho người đẹp làm đồ chơi ưa thích. Sư tử trở thành vật tượng trưng thần phục quy thuận, thể hiện cảm giác ưu việt của vị vua thống trị thiện hạ cổ đại Trung Quốc, điều này làm sư tử xa rời bản tính hung dữ. Trung Quốc là nước tiếp thu hình tượng sư tử, xuất phát từ tự thân văn hóa truyền thống, từng bước Trung Quốc hóa, làm biến dị hình tượng sư tử thành con vật hiền lành đáng yêu. (7)

          Tóm lại, toàn bộ chu trình văn học là một chỉnh thể bao gồm sáng tác, lưu thông và tiếp nhận. Trong sự vận động của chu trình này các yếu tố đan xen, nối tiếp và tác động lẫn nhau. Vấn đề tiếp nhận văn học là toàn bộ hoạt động đọc, giải thích, tưởng tượng, khen chê của người đọc đối với tác phẩm. Nó là một quá trình chiếm lĩnh, tái tạo, tiếp biến một sản phẩm văn học hay một trong những yếu tố của nó. Tiếp nhận văn học, đặc biệt là tiếp nhận văn học nước ngoàichẳng những là khâu kết thúc của quá trình sáng tác mà còn mở ra nhu cầu và định hướng cho các nhà văn tiếp tục sáng tác.

          Tiếp nhận văn học nước ngoài không thể không quan tâm đến những nền văn hóa, biểu tượng văn hóa của nền văn học mà ta đang quan tâm nghiên cứu, ngõ hẩu mới hiểu được đến cùng văn học của nước đó.

          Muốn tiếp cận, giải mã một tác phẩm văn học nước ngoài cần quan tâm đến những yếu tố bên trong văn bản (về văn hóa dân tộc, vô thức tập thể, ngôn ngữ tư duy, hình tượng, biểu tượng nghệ thuật). Mặc khác cần quan tâm tới những yếu tố bên ngoài tác phẩm đặc biệt tâm thức văn hóa thời đại của những chủ thể tiếp nhận. Bên cạnh đó, cần coi trọng xem xét cả những tính chung tính nhân loại cũng như tính khác biệt trong đó có tính biến dị trong quá trình tiếp nhận văn học.

 

----------

 

Tư liệu tham khảo chính (Huy xếp lại theo qui cách)

1. Trần Lê Bảo (2011), “Giải mã văn học từ mã văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Trương Đăng Dung cb (1990), “Các vấn đề của khoa học văn học”, Nxb KHXH, tr361-362.

3. I.P Ilin và E.A Tzurganova (2003), “Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX (Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng. 

5. Erich  Fromm (2002), “Ngôn ngữ bị lãng quên, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội.

6. Tào Thuận Khánh (2005), “Tỷ giảo văn học học”, Tứ Xuyên ĐH XBX.

7. Phó Tồn Lương (1966), “Lý Bạch ‘Thượng vân nhạc’ trung đích sư tử hình tượng, Trung Quốc tỷ giảo văn học, kỳ2, trang 65 - 76.

8. Ân Quốc Minh (1995), “Trung Quốc văn học dữ ý thức lưu”, Gia Ứng Đại học Học báo, số 2 và 3.        

 

Powered by Froala Editor