Viện phương đông

3 năm trước

Sa đọa và chủ nghĩa Hiện sinh mang màu sắc Camus

Bài viết "Sa đọa và chủ nghĩa Hiện sinh mang màu sắc Camus" của Nhà nghiên cứu Văn học Trần Hinh giúp người học tiếng Việt hiểu sâu về tiếng Việt và văn hóa Pháp khi nghiên cứu tiếp xúc văn hóa-ngôn ngữ.

Powered by Froala Editor

TRÍCH BÀI VIẾT

SA ĐỌA VÀ CHỦ NGHĨA HIỆN SINH MANG MÀU SẮC CAMUS

Trần Hinh

Trong ba tác phẩm văn xuôi tiêu biểu nhất của Camus (Người xa lạ, Dịch hạch, Sa đọa), thì Người xa lạ có khi được gọi là truyện kể (récit), khi là tiểu thuyết (roman); Dịch hạch ban đầu được giới thiệu như là một kí sự (chronique), mặc dù đó là cuốn tiểu thuyết đích thực; Sa đọa có lẽ ổn định nhất về mặt thể loại, nó luôn được coi là một truyện kể dài (récit longue). Tại sao trong cùng một kiểu viết văn xuôi, mà với Camus, ba tác phẩm quan trọng nhất của ông lại có nhiều “sự nhập nhằng” đến như thế? Sự khác nhau giữa truyện kể và tiểu thuyết, thực chất là ở chỗ nào?, chúng tôi đã có một phần lí giải trong công trình Tiểu thuyết Camus trong bối cảnh tiểu thuyết phương Tây thế kỷ XX[1]. Ở đây chỉ muốn lưu ý thêm rằng, việc phân biệt được rõ ràng sự khác nhau này, cũng góp phần quan trọng để chúng ta khám phá được phong cách tiểu thuyết đặc biệt của Albert Camus, cũng như hiểu được tính hiện sinh độc đáo của ông. Sa đọa là tác phẩm tiêu biểu và rõ ràng nhất. 

Nhà văn Albert Camus (1913 -1960). Ảnh: New Yorker

Sa đọa chắc chắn được coi là tác phẩm chứa đựng nhiều điều bí ẩn nhất trên con đường hiện sinh của nhà tiểu thuyết Camus. Từ Người xa lạ đến Dịch hạch, ta cảm giác như thấy được sự xa dần của Camus với triết lí hiện sinh phi lí (l’éxistentialisme d’absurdes). Nhưng đến Sa đọa, tư tưởng hiện sinh đã trở lại một cách còn triệt để hơn. Nhân vật chính trong Người xa lạ, vốn đã thể hiện rất rõ sự phi lý hiện sinh của con người, hắn hành xử khác người, bày tỏ tình yêu thương cũng khác người: không khóc trong ngày đưa tang mẹ, nhưng khi quan tòa hỏi “có yêu mẹ không”, lại trả lời dứt khoát: “Ai mà chẳng yêu thương mẹ của mình”. Dù lạnh lùng, khép kin, xung quanh nhân vật Người xa lạ, vẫn còn có “dăm ba” người bạn thân thiết. Nhân vật chính trong Sa đọa, dường như chỉ có một. Chính xác hơn, có hai nhân vật chính trong tác phẩm này, nhưng nhân vật kia thực chất chỉ là bản sao, hay một kiểu nhân vật kép (double personage) của nhân vật chính mà thôi. Xét về mặt hiện sinh, Sa đọa được coi là tác phẩm độc đáo nhất. Nó là “tràng độc thoại” dài của một nhân vật (Baptiste Clamence), vừa là Quan tòa, vừa là kẻ Tội phạm, vừa là Người buộc tội, lại vừa là Kẻ sám hối, ăn năn. Chỉ qua một nhân vật, Camus lật phải, lật trái, soi vào đến tận cùng ý thức bên trong, để rồi cuối cùng đưa ra kết luận: không thể có thứ ánh sáng nào phán quyết được sự mờ ám của một con người. Quả là rất khó khăn để phân định trong một con người đâu là tốt, đâu là xấu, đâu là trắng, đâu là đen, đâu là ăn năn, đâu là buộc tội?... 

Đặt trong mối tương quan với Sa đọa, đa số các tác phẩm trước đó của Camus đều lấy bối cảnh không gian trong mối quan hệ thân thiết, gần gũi với tác giả. Ông yêu những không gian quen thuộc này: Dịch hạch diễn ra ở Oran; Người xa lạ lấy bối cảnh bãi biển đầy nắng và gió của thủ đô Alger; đa số các truyện ngắn và truyện kể khác đều chọn khung cảnh quen thuộc xung quanh Địa Trung Hải; Lưu đày và Quê nhà  ở vùng Sahara; các tiểu luận Hôn lễ, Mùa hè, Bề trái và Bề mặt cũng diễn ra ở vùng đất Algérie quen thuộc. Chỉ có duy nhất với Sa đọa, người đọc không tìm thấy được ở đó những gì gần gũi với Algérie. Thay vào đó là thủ đô Amsterdam của đất nước Hà Lan, “một xứ sở của vàng và khói, khói nghi ngút ban ngày và vàng rực sáng ban đêm […] Ông có thấy không những con kênh của Amsterdam giống như những vòng cung địa ngục? Địa ngục tư sản, dĩ nhiên là chứa đầy bao giấc mộng xấu xa”[2]. Tại sao Camus lại chọn Amsterdam làm miền đất “lưu đầy” của Jean Baptiste Clamence? Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vì trước tiên Amsterdam rất tiêu biểu cho mảnh đất tượng trưng cho một thế giới thu nhỏ của nền văn minh hiện đại châu Âu vào lúc đó (cũng giống như Praha được chọn làm bối cảnh trung tâm cho vở kịch Ngộ nhận của ông?). Hải cảng Amsterdam là nơi tập hợp người tứ xứ, là thành phố của nhiều cuộc giao thương, buốn bán. Camus muốn đặt nhân vật trung tâm của mình trong chính khung cảnh đó. Anh ta là một vị “Quan tòa – Sám hối” (Juge – Pénitant). Anh ta sẽ phải ở giữa tất cả mọi người để luận tội chính mình. Phải chính ở đây, vị Quan tòa – Sám hối mới thể hiện được hết vai trò của mình. Anh ta sẽ được soi xét từ bốn phía, không thể trốn vào đâu được…

Lý do thứ hai để Camus chọn Amsterdam làm nền cho không gian Sa đọa, cần phải được giải thích một cách chi tiết hơn. Ở đây có sự kết nối giữa Amsterdam và Paris, điểm đến đi của nhân vật chính trong truyện kể. Trong Sa đọa, Camus thường nhấn mạnh Amsterdam như là một “thành phố của kênh rạch và của ánh sáng lạnh”. Nhân vật Clamence cũng thường nói đó chẳng khác nào “một sa mạc đá, sương mù và hơi nước” (những yếu tố thời tiết khá phù hợp với tư tưởng hiện sinh)). Hơi lạnh, sương mù, mưa…, luôn khiến Clamence lúc nào cũng giấu mình trong chiếc măng tô đã cũ sờn cùng với người bạn đồng hành tưởng tượng (interlocuteur) của anh ta, một nhân vật đóng vai trò hết sức quan trọng chứng kiến lời thú tội của nhân vật. Đó là vào một đêm tháng 11 ở Paris, khoảng 1 giờ khuya, trời rất lạnh, Clamence kể lại, đang đi theo bờ sông hướng về công trường Sant – Michel, bất ngờ chứng kiến và sau đó nghe tiếng kêu thất thanh của một người phụ nữ trẻ trẫm mình xuống dòng nước lạnh buốt. Lẽ ra có thể cứu người phụ nữ này thì anh ta lại cứ thản nhiên đi. Tiếng kêu thất thanh giữa đêm khuya vắng của người đàn bà còn ám ảnh Clamence suốt nhiều năm sau. 

Chìm sâu trông hiện sinh (lẽ sinh tồn), nhân vật Clamence vừa là nạn nhân của Paris, của sông Seine, của những cây cầu và dòng nước lạnh – điều hoàn toàn đối lập với cái “ấm áp, chan hòa ánh mặt trời” của vùng Địa Trung Hải mà Camus yêu thích. Hóa ra chỉ vì cái lạnh mà Clamence không thể làm được cái nghĩa cử tốt đẹp, không dưới một lần anh ta đã nghĩ tới. Vì thế nhà văn đã để cho nhân vật của mình dấn thân vào một thành phố còn “lạnh lẽo” và  “ẩm ướt” hơn. Ở đó anh sẽ phải đối mặt với những ám ảnh tội lỗi của mình. Amsterdam vì thế chẳng khác nào một Địa ngục mà Dante, nhà văn nước Ý đã sáng tạo trong tác phẩm Thần khúc của ông. Trong Địa ngục này luôn tồn tại một thứ Thiên thần trung tính (Ange neutre) giữa Ác quỷ và Thượng đế. Con người phải chăng cũng là một thứ Thiên thần trung tính này, khi nó luôn tồn tại giữa hai thái cực: XấuTốt, Cao thượngThấp hèn, Lương thiệnBất lương… Camus đã để cho nhân vật của mình rời bỏ Paris để đến với Amsterdam, bởi anh ta không chịu đựng nổi sự ám ảnh về tội lỗi của mình. Clamence trở thành vị Quan tòa – Sám hối, giúp Camus đào sâu nhất vào thế giới hiện sinh ông đeo đuổi.

Ở một phương diện khác, Amsterdam trong Sa đọa của Camus còn mang ý nghĩa kép (sens doubles): nó chính là Lưu đày và Quê nhà, Bề trái và Bề mặt, Hạnh phúc và Khổ đau, Cô đơn và Tập hợp, những nghịch lý tồn tại trong cả cuộc đời và trong từng tác phẩm trong suốt cuộc đời ông. Trong sự hình dung của Clamence, Amsterdam ở giữa địa ngục giá lạnh, những người đàn bà phía sau khung cửa kính, và đó chính là động lực thúc đẩy anh ta bước vào Thiên đường ẩm ướt. Không phải ngẫu nhiên, trong Sa đọa, Camus đã nhắc đi nhắc lại, chỉ có ở đây, tại Amsterdam, “Các cư dân thường mơ tới những hòn đảo ấm áp, nơi họ có thể được chết trong điên rồ và hạnh phúc…”.

Lưu đày và Quê nhà, cũng như Bề trái và Bề mặt là những nghịch lý tồn tại trong nhiều tác phẩm của Albert Camus. Theo nhà văn, trên thế giới này, con người luôn phải tồn tại trong cái “thế giới đối nghịch” gay gắt đó. Từ thuở lọt lòng đến khi nhắm mắt, con người luôn bị ám ảnh giữa một bên “bề trái” của cuộc đời, là bạo tàn, bất công, phi lý, gian dối, chiến tranh, bội phản…với bên kia “bề mặt” là tự do, công bằng, hạnh phúc, nhân phẩm, vẻ đẹp của thiên nhiên và vũ trụ. Chỉ cần thoát ra khỏi Lưu đày, con người có thể tìm đến được bến bờ Vương quốc (Quê nhà) của mình. Nhưng vấn đề quan trọng là con người thoát ra khỏi chốn Lưu đày bằng cách nào? Hình ảnh thần Sisyphe thực thi công việc trong chốn Lưu đày, địa ngục, mà Camus đã từng thể hiện trong cuốn tiểu luận triết học đầu tiên của ông (Huyền thoại Sisyphe, 1942) không khỏi khiến người ta phải suy nghĩ. Sisyphe có hạnh phúc không? Camus trả lời: “Sự tranh đấu để đạt tới đỉnh cao đủ để lấp đầy trái tim con người. Phải mường tượng là Sisyphe hạnh phúc” (Huyền thoại Sisyphe). Câu chuyện về vị thần trong truyền thuyết cổ Hy Lạp cùng những những suy ngẫm, triết lý của Camus trong Huyền thoại Sisyphe đã đặt ra một cặp đối lập quen thuộc mà tác giả vẫn thường hay nhắc đến trong các tác phẩm của ông: bi quan – lạc quan. Ta thấy ở đây chủ nghĩa bi quan mang màu sắc Camus lại ẩn chứa dấu hiệu lạc quan. Đây cũng là sự phân biệt nét đặc sắc hiện sinh của Camus so với jean Paul Sartre, cũng như các nhà hiện sinh khác cùng thời với tác giả.   

“Chốn lưu đày nước đôi” hỗn độn của Amsterdam trong Sa đọa còn được Camus chỉ ra rõ hơn trong Lưu đày và Quê nhà. Nhân vật Clamence luôn được đặt ở giữa sự thậtdối trá. Ngay sau những cuộc dạo trong đêm anh ta chờ đợi ánh sáng ban ngày, chờ những cánh chim bồ câu xuất hiện như lời hứa tìm lại sự vô tội. Clamence thích là một hoàng tử nơi địa ngục hơn là kẻ tiếm quyền trong một thế giới vô tội. Quê nhà của Clamence ở nơi khác, ở “địa ngục nóng ẩm” của Zuyderzee, anh ta mơ tới những hòn đảo xứ Hy Lạp. Anh vẫn luôn giữ trong lòng mình nỗi buồn cố quốc, với hy vọng sẽ có ngày quay trở lại. Quê nhàLưu đày luôn tồn tại trong nhân vật Clamence. Chính vì lẽ đó, ở ngay trên mảnh đất Amsterdam sương mù, ẩm ướt, nhân vật lại luôn nhắc đến cái tên Mexico – City, một địa danh gợi bầu không khí ấm áp, gần gũi với bầu không khí Địa Trung Hải vốn rất được yêu thích của Albert Camus.

Sa đọa là tràng độc thoại kéo dài của nhân vật Clamence. Phương thức độc thoại độc đáo này có vai trò đặc biệt trong dẫn dắt truyện kể, từ đó tạo hình hài cho nội dung cốt truyện. Nhà nghiên cứu Pierre Louis Rey từng so sánh cách thức xây dựng nhân vật Clamence  trong Sa đọa của Albert Camus với nhân vật Thésée trong tác phẩm cùng tên của André Gide và Hadrien trong Hồi ức của Hadrien của Marguerite Yourcena, hoặc nữa với nhân vật người tử tù trong tác phẩm Ngày cuối cùng của một người tử tù của Victor Hugo, đã rút ra kết luận có điểm tương đồng giữa các nhân vật nói trên. Nhân vật Clamence cũng có kiểu nói năng một mình như thế. Khẳng định giá trị của cấu trúc tác phẩm Sa đọa, Rey cho rằng cần phải “nhấn mạnh những phẩm chất hùng biện” của nó, phải đặt giá trị của nó ở những địa danh giàu tính tưởng tượng; “nhân vật Clamence không chỉ biểu lộ bởi cách thức tồn tại của nó trong tác phẩm, mà còn qua đó biểu lộ cách thức tồn tại của tác phẩm”[3]

Để hiểu rõ hơn kiểu hiện sinh mang màu sắc Camus qua việc xây dựng nhân vật trung tâm trong tác phẩm Sa đọa, ta còn có thể truy tìm đến tận cội nguồn, gốc rễ của nhân vật này: Clamence đích thực là ai, Sartre hay Camus, hai nhà văn được coi là tiêu biểu nhất của trào lưu hiện sinh trong văn học Pháp? Lẽ tất nhiên không thể khẳng định Clamence là nhà văn này hay kia, Camus hay Sartre. Nhưng nếu căn cứ vào bản chất cốt lõi của trào lưu triết học này, đặc biệt là khi nó được thể hiện trong văn học, vẫn hoàn toàn có lý khi ta thử đặt giả thiết xem một nhà văn hiện sinh sẽ bộc lộ điều gì qua nhân vật trong tác phẩm của họ. Clamence vừa là Sartre lại vừa là Camus. Điều khẳng định đó không phải là không có cơ sở. Vậy Sartre và Camus trong Clamence cụ thể như thế nào? Chúng ta hãy tìm hiểu đôi chút.

Trước hết với Sartre, Clamence là một “Đại trí thức”, một người thông thái, kẻ trịch thượng, nhà cũng ở gần khu Latinh, bên cạnh Saint Germain des Prés, cái nôi của Phong trào hiện sinh, người rất thích xuống đường đấu tranh cho “những nghĩa vụ lớn”, “nghĩa vụ nhỏ”. Viết Sa đọa, Camus hẳn chưa thể quên được những lời buộc tội gay gắt của Sartre với ông những năm 51, 52. Sa đọa có thể là sự trả lời khéo léo và thầm lặng của “kẻ không thông thạo triết học”[4] với các vị “Quan tòa” đã “xử” ông thời điểm công bố Người phản kháng. Cái tên Jean Baptiste Clamence và Jean Paul Sartre rõ ràng không thể không có mối lien quan gì với nhau. Tuy nhiên, Sa đọa không chỉ dừng lại ở một “cuộc thanh toán” cá nhân giữa Camus và Sartre, sau một thời gian rất dài Camus im lặng. Và mặc dù, có lẽ cũng bởi mối quan hệ “rích rắc” này, nhà tiểu thuyết “đậm đặc chất hiện sinh” Camus đã khẳng định dứt khoát ông không thuộc trào lưu này. Nhưng thực tế, với tác phẩm này, Camus còn đi xa hơn, sâu hơn trên con đường suy nghiệm bản thể con người. Nói Sa đọa đậm đặc chất hiện sinh hơn cả trong số các phẩm của Albert Camus, là thế.

Tự tìm tòi bản thể của chính mình, Camus và Clamence không phải không có những nét giống nhau. Rey trong khảo cứu tác phẩm Sa đọa cho rằng Clamence “vừa là Camus vừa không phải là Camus”. Nói Clamence là Camus vì cả hai đều thuộc thế hệ tuổi 40, đều mang trong mình nỗi nhớ thương về một miền đất trắng trong thời trẻ tuổi. Trong tác phẩm, người đọc hoàn toàn có thể dễ dàng tìm được những đoạn ghi chép về nhân vật Clamence không khác gì những ghi chép trong tiểu sử Camus. Chẳng hạn, ở trang 81: “Tôi yêu cuộc sống, nhược điểm của tôi thực sự ở chính chỗ này. Tôi yêu nó ngày nào còn chưa mường tưởng được những gì không phải là chính nó”; trang 86: “Ý tưởng tự nhiên nhất đối với con người, cái ý tưởng nảy sinh trong đầu óc hắn một cách ngây thơ, tựa hồ phát khởi từ chính bản thân hắn, là cái ý tưởng cho rằng mình vô tội” trang 93: “Các trận đấu bóng ngày chủ nhật trong một sân vận động đông nghịt khán giả, rồi nhà hát mà tôi vô cùng say mê, vẫn còn là những nơi duy nhất”; trang 99: “Tôi định tâm quấy rối nước cờ và nhất là, vâng, hủy hoại cái tiếng tăm tốt đẹp hằng khiến tôi bực mình mỗi khi nghĩ tới nó […]. Một kẻ như ngài…người ta rất mực tử tế bảo tôi làm như vậy và tôi tái xanh mặt mày”[5].

Tất nhiên, những điểm giống nhau trên đây chỉ là những cái hời hợt bên ngoài, chắp nối, rời rạc. Còn thì, ta có thể thấy vô khối những chi tiết ở cả thời kì trước và sau Sa đọa của nhân vật Clamence không phải là “ánh phản” của Albert Camus. Làm sao lại có thể tìm được mối liên hệ giữa một ông luật sư khả kính, sắc sảo của Paris, thậm chí ngay cả khi anh ta xuất hiện trong các tửu điếm của Amsterdam với lời lẽ “hùng biện” trang trọng và Albert Camus, một người bình dị, thường là nói trực tiếp, với giọng của một anh “chân đất” và gương mặt giống một bác chủ nhà xe? Nhân vật trong một tác phẩm văn học không bao giờ hoàn toàn là “một bản đúc” với người sáng tạo ra nó. Roger Quillot, một chuyên gia nghiên cứu về Camus đã từng nói: “Đem đồng nhất clamence với Camus sẽ là một sai lầm thô thiển, cũng như nhầm lẫn tác giả với nhân vật Tarrou trong tác phẩm Dịch hạch”. Vậy, chính xác Clamence là ai, thuộc tuyp nhân vật nào? Trả lời được chính xác câu hỏi này, ta sẽ tìm được tư tưởng cốt lõi của Sa đọa, một trong số những tác phẩm được coi là phức tạp và khó hiểu nhất trong quan điểm hiện sinh của A.Camus.

Sa đọa được chính tác giả xác định là một truyện kể (récit), chứ không phải tiểu thuyết (roman). Toàn bộ tác phẩm chỉ là “một tràng độc thoại” dài, được viết dưới dạng đối thoại giả tưởng giữa hai nhân vật cùng mang tên Clamence. Đúng ra, Sa đọa chỉ có một nhân vật trung tâm đóng vai trò người kể chuyện (narrateur) dẫn dắt từ đầu đến cuối tác phẩm. Nhân vật chính Clamence nói chuyện với một người vô hình hệt như một người “anh em sinh đôi” với anh ta, anh em sinh đôi nhưng lại nói năng một cách trang trọng, lịch thiệp, khách sáo. Bởi thế người đọc cũng có thể hiểu  cặp đôi này là “những người xa lạ”. Sự hiện diện thường xuyên, song hành của nhân vật giả tưởng này không được thực hiện theo kiểu đối thoại trực tiếp (giống hai nhân vật đối thoại trên sân khấu), mà chỉ qua phản ứng và tưởng tượng của Clamence – chính. Một vài vi dụ sau đây sẽ cho chúng ta rõ hơn điều này, trang 7: “Xin ngài cho tôi được hân hạnh hầu việc ngài, chẳng hay có phiền ngài không?”; trang 11: “Chẳng hay ngài định tá túc ở Amsterdam có lâu không”; trang 17: “Ngài về ư? Ngài thể tình lượng thứ, tôi chắc đã giữ ngài quá lâu” v.v và v.v. Những chuỗi đối thoại kiểu như thế kéo dài triền miên từ đầu đến cuối tác phẩm. Trong nền tiểu thuyết Pháp thế kỉ XX, người đọc rất ít khi bắt gặp kiểu kể chuyện dựa trên lối đối thoại như thế. Camus đã tạo được phong cách ngôn ngữ hết sức mới mẻ, độc đáo của nền văn xuôi Pháp hiện đại. Điều kì lạ ở đây mà bất cứ người đọc am hiểu văn chương Pháp nào cũng có thể nhận thấy, đó là Camus thường được các nhà nghiên cứu xếp vào số những nhà tiểu thuyết cổ điển thế kỉ XX. Sự “xếp hạng” đó hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, khi khảo sát tính đa dạng và thống nhất trong phong cách sáng tác tiểu thuyết của Camus qua Người xa lạDịch hạch, chúng tôi đã từng nêu ra nhận xét này. Đến Sa đọa, nhận xét này vẫn tiếp tuc được khẳng định. Rõ ràng, nằm trong hệ tư tưởng hiện sinh của Albert Camus, nhưng Sa đọa hình như còn đào sâu hơn vào hệ thống triết học hiện sinh của ông. Mặc dù đã từng bị Sartre nghi ngờ về sự không “thông hiểu triết học”, nhưng nên nhớ rằng Camus vẫn có xuất phát điểm là một nhà triết học. Luận văn tốt nghiệp đại học của ông nhằm vào một đề tài triết học rõ ràng: “ Siêu hình học cơ đốc và chủ nghĩa Plotin mới”.

Vấn đề cơ bản trong bản luận văn này chắc chắn được chuyển hóa phần nào qua nhân vật chính truyện kể Sa đọa. Bằng phương thức kể khá độc đáo, Camus đã xây dựng nhân vật Clamence như “một cái bóng của nhân sinh”. Suốt chiều dài tác phẩm, anh ta trò chuyện như một “gã tâm thần” với người bạn vô hình. Giữa Clamence với nhân vật người vô hình này có mối dây liên hệ tựa như họ là một nhân vật kép (personage double). Họ găp nhau lần đầu trong một tửu quán có cái tên rất kì lạ Mexique – City. Chúng tôi nói kì lạ vì đây là thủ đô Amsterdam, Hà Lan, một mảnh đất châu Âu khá điển hình; mặt đất đầy kênh rạch và không khí thì lúc nào cũng ẩm ướt. Trong khi đó cái tên Mexico – City lại gợi người ta tới một vùng đất châu Mĩ rực rở ánh nắng mặt trời. Cái tôi kép Clamence là hai người đồng hương đến từ nước Pháp, một trong hai người thông thạo tiếng Hà Lan, còn người kia thì không. Họ đối thoại với nhau tưởng chừng rất ăn khớp, nhưng thật ra thì rời rạc: “Chẳng hay ngài định tá túc ở Amsterdam có lâu không? Thành phố đẹp đó chớ ngài? Huyễn hoặc đó chớ?”[6]’ “Nhưng ngài hãy cho tôi được phép tự giới thiệu đã, để hầu ngài: Tôi là Jean Baptiste Clamence. Hẳn ngài thuộc giới kinh doanh thương mại”[7]…Về cơ bản, gần như suốt chiều dài truyện kể Sa đoa (khoảng 150, bản tiếng Pháp), người đọc chỉ được tiếp xúc với môt kiểu kể chuyện như thế. Nếu so sánh với cách kể trong Người xa lạ, ở đó người kể chuyện cũng xưng tôi (Je), nhưng anh ta kể về bản thân mình bằng giọng đều đều, lạnh lùng, gặp chăng hay chớ, người kể chuyện về cơ bản như tách ra khỏi mình, đứng bên ngoài độc lập kể về một nhân vật Tôi nào đó; thì ở Sa đọa, người kể chuyện xưng tôi lại như đang đối thoại với một nhân vật khác ngay trước mặt mình. Thậm chí ở phần cuối truyện, người đọc còn được chứng kiến vai trò đảo ngược của nhân vật chính. Bây giờ là lời của kẻ vô hình với nhân vật Clamence: “Hãy thú nhận đi, có phải ngài thấy bớt hài lòng về mình hơn, sau 5 ngày nghe chuyện của tôi. Tôi biết chúng ta cùng một song […]. Vậy ngài làm ơn kể cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra trên cầu sông Seine đêm nọ khiến ngài đã không liều mình cứu người thiếu phụ ấy”[8]. Ám ảnh về một tội lỗi không ngừng dằn vặt tâm hồn Clamence. Thực ra, trong cuộc sống hắn đâu phải là kẻ tầm thường. Chỉ một lần duy nhất vì không chiến thắng được nỗi sợ hãi về cái lạnh trong đêm mùa đông năm ấy, mà hắn đã để cho dòng nước cuốn đi người thiếu phụ tội nghiệp. Dù sao còn một ít lương tâm, Clamence vẫn đủ dũng cảm nhận mịnh là kẻ gián tiếp giết người. Là một luật sư, kẻ đại diện cho pháp luật, hắn không phải chờ ai xử tội mình. Tự hắn xử lấy hắn. Mặc cảm tội lỗi này đeo đuổi hắn đến suốt cả cuộc đời. Về sau này, dù phạm bất cứ sai lầm nào, hắn cũng đều tự sám hối. Hắn nhớ lại có một lần trong tù, nhờ được bạn tù tín nhiệm bầu làm “Giáo hoàng”, trong khi phân chia phần nước ít ỏi cho những người bạn tù khác, hắn đã giành một phần nước của một bạn tù đang hấp hối, với ý nghĩa đằng nào người kia cũng chết, một chút nước ít ỏi chẳng để làm gì. Còn hắn, hắn phải uống để sống, để còn bảo vệ cho người khác…Bằng lối kể chuyện như thế, Camus đã “mổ xẻ” nhân vật của mình cho đến tận cùng. Khác với nhân vật Meursault trong Người xa lạ, thường được ông chú ý khắc họa những nét bên ngoài để từ đó đào sâu vào thế giới tâm lí bên trong, Clamence thực sự được coi là túyp nhân vật tâm lí sâu sắc. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ, trong khi nghệ thuật phân tích tâm lí thường thể hiện ưu thế trong kĩ thuật tiểu thuyết (technique romannesque), thì sự thành công trong việc xây dựng nhân vật tâm lí. (personage psychologique), thì với Sa đọa của Camus lại là nhờ ở sự vận dụng nhiều hơn kĩ thuật kịch (technique dramatique). Một vài ngày trước khi mất, trong khi trả lời một vị giáo sư Mĩ về việc tác phẩm Sa đọa của ông “có hơi hướng” của tiểu thuyết Mới hay không, Camus đã không hề do dự mà trả lời dứt khoát rằng: “Tôi chỉ viết những gì mà yêu cầu tác phẩm đặt ra, vì thế không quan trọng lắm việc sử dụng một thứ kĩ thuật này hay kĩ thuật khác như ông nói […]. Điều tôi làm giản dị hơn rất nhiều. Tôi đã sử dụng trong tác phẩm của mình thứ kĩ thuật của sân khấu, độc thoại nội tâm hay đối thoại ngầm (monologue dramatique et dialogue implicite) để miêu tả một nhân vật bi kịch. Tôi đã theo đuổi hình thức này cho đên tận cùng. Tất cả chỉ đơn giản thế.”[9]. Nên nhớ rằng ngoài tư cách nhà tiểu thuyết, bản thân Camus cũng là nhà viết kịch. Ông đã từng có thời gian hoạt động sân khấu và có nhiều đóng góp cho lĩnh vực này. Lí do khiến ông sử dụng kĩ thuật sân khấu trong Sa đọa như đã khẳng định, theo chúng tôi không hoàn toàn khó giải thích. Sân khấu là thể loại của hành động. Một tác phẩm sân khấu thường bao gồm nhiều hành động nối tiếp nhau góp phần thúc đẩy xung đột lên cao. Kiểu kể chuyện với một nhân vật – độc thoại hoàn toàn phù hợp với hình thức kịch mà Camus đã sử dụng trong Sa đọa. Hãy hình dung Sa đọa là một vở kịch: nhân vật Clamence một mình xuất hiện trên sân khấu, luôn hướng sự chú ý của “khán giả” về mình, vì mà phải độc thoại, thậm chí kiểu độc thoại của Clamence còn có vẻ độc đáo khác thường ở chỗ, độc thoại ấy luôn được đẩy lên “ton” cao nhất. Anh ta như đang tranh luận với một ai đó, khi thì với người đồng hành vô hình,khi giống như một luật sư đang bào chữa cho ai đó, khi như một bản luận tội của quan tòa, và thậm chí có khi giống lời sám hối của kẻ phạm tội. Với cách độc thoại như thế, nhân vật trong truyện kể đồng thời cũng đóng vai trò thực thi công việc của người chuyển cảnh trong một tác phẩm sân khấu. Sáu chương Sa đọa tương ứng với năm cảnh khác nhau trong một vở kịch 5 hồi: chương 1 và 2, cảnh trong tửu điếm; chương 3: cảnh trên đường phố; chương 4: cảnh ở một hòn đảo ngoài khơi; chương 5: cảnh trên một chuyến tàu ngoài vịnh Zuyderssée; và cuối cùng chương 6: cảnh trong căn phòng riêng nhân vật người kể chuyện. Qua tràng độc thoại của Clamence, ta thấy khi thì hiện lên một tiệm nhảy, một bong tàu, một đường phố, có khi lại hiện lên căn phòng của chính nhân vật, hoặc cầu nghệ thuật trên sông Seine Paris. Các biến cố dồn dập in dấu lên cuộc đời nhân vật Clamence khiến anh ta từ trạng thái bay bổng, an tâm hạnh phúc vì cuộc đời quá hoàn mĩ của mình, chuyển sang hoài nghi, bất an, đặt lại mọi giá trị cũ. Các biến cố, sự kiện diễn ra trong Sa đọa không hề được sắp xếp theo trật tự nào có sẵn, mà hoàn toàn nằm trong một khối hỗn độn, vần vũ. Nó được “gọi ra” theo trí nhớ “tùy tiện” của người kể. Cách thức này khiến ta nhớ lại trật tự trong Vụ án của nhà văn người Sec Franz Kafka. Quả là trong Vụ án, Kafka không hề có ý thức đánh số chương tiểu thuyết theo trật tự có sẵn. Người đọc khi tiếp xúc với tác phẩm này ai cũng đều có thể sắp xếp lại cốt truyện theo cách thức riêng của mình. Bản tiếng Việt tác phẩm Vụ án hiện chúng ta có trong tay cũng chỉ là một cách sắp xếp riêng của Max Brod, một người bạn thân của Kafka. Những sự kiện hỗn độn đó phản ánh “một thế giới đang bị đổ vỡ, và con người không có khả năng láp ghép lại chúng (Roland Barthes). Hoặc nói theo một nhà tiểu thuyết Mới, Alain Robbe-Grillet “Đó là một thế giới mà con người đánh mất chiếc chìa khóa của mình”…

Clamence trong Sa đọa là một kiểu nhân vật hai mặt, vừa là Quan tòa, vừa là kẻ Tội phạm trong cái thế giới bị phá vỡ đó. Nhân vật tự nhận mình là kẻ phạm tội, dù hắn chỉ gián tiếp giết người. Bởi trong một trường hợp khác, hắn có thể lại biến thành một ông quan tòa quyền uy sẵn sàng nghiền nát bất cứ kẻ phạm pháp nào. Người kể chuyện – Clamenence từng kể chính hắn đã có lần dẫn một người đàn ông mù qua đường rồi sau đó kính cẩn chào anh ta, mặc dù hắn thừa biết người khách qua đường đó không thể nhìn thấy “cái đầu kính cẩn, lịch thiệp” của hắn. Cử chỉ lịch thiệp cố tình của hắn là nhằm gửi tới những người sáng mắt. Hắn yêu cái Tôi của mình. Người ta phải yêu mình rồi mới yêu người. Clamence quả là một con người vừa “thời đại” lại vừa “muôn thuở”. Hắn là kiểu nhân vật kịch cùng lúc đóng hai vai, “kẻ cứu nhân độ thế”, “vị quan tòa chính trực”, “kẻ sát nhân”, “con người biết sám hối”.

Sa đọa thêm một lần khẳng định cho tính thống nhất và đa dạng trong hệ thống sáng tác văn xuôi của Albert Camus nói chung. Đặt trong mối quan hệ với các nhân vật chính trong hai tác phẩm Người xa lạDịch hạch, ta còn thấy sâu sắc và đầy đủ hơn tính thống nhất và đa dạng đó. Bên cạnh Meursault (Người xa lạ), kẻ xa lạ với chính mình, với tất cả mọi người, với xã hội xung quanh, chỉ luôn lặp đi lặp lại một mệnh đề “Tôi không biết, tôi không hiểu” (Je ne sais pas; je ne sais rien); bên cạnh bác sĩ Rieux (Dịch hạch), con người của sự tập hợp vì đồng loại, luôn tâm niệm sự gắn bó giữa mình với mọi người (“thành phố của chúng tôi”, “đồng bào của chúng tôi”), Clamence chính là nhân vật ở giữa. Hắn biết rất rõ về mình, về người, hắn là một “Meursault giết người gián tiếp”, nhưng cũng là một “Rieux cứu nhân độ thế” qua những lời thú tội thực sự chân thành.

Sa đọa đồng thời cũng phản ánh cái nghịch lí trong cuộc đời và trong sự nghiệp của Camus, là một cách thực thi phương thức kể chuyện - độc thoại mang đậm màu sắc hiện sinh của tác giả, một kiểu hiện sinh đào sâu nhất vào bản thể con người trong thế giới hiện đại, nhưng lại luôn tin rằng, bằng sự phản kháng và sám hối, con người có thể chuộc được mọi lỗi lầm, trở về chính mình, thực hiện trọn vẹn “chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân văn (Jean Paul Sartre)

 --------


[1] NXB ĐHQG, Hà Nội, 2005

[2]. Camus, La chute, Gallimard, Paris, 1986, p.18

[3]. P. Louis Rey, La chute de Camus, Hatier, 1970, p.43

4. Năm 1951, sau khi Camus công bố tiểu luận Người phản kháng (La Resvolte), Sartre đã cho in trên tạp chí Le Temp Moderne bài pê phấn ông, trong đó có ý: “Nếu cuốn sách của anh chỉ minh chứng một cách đơn giản sự…

…không thông thạo triết học của anh? Nêu nó chỉ là một mớ kiến thức lượm lặt vội vã, học lỏm, tôi không dám khuyên anh hãy đọc Hữu thể và hư vô, e việc đọc sẽ gây hiểm hóc cho anh: anh vốn ghét những khó khăn tư tưởng” Camus im lặng. Tình bạn giữa họ kể từ đó chấm dứt.

[5] . Phần trích dẫn, chúng tôi dịch trực tiếp từ La Chute của Albert Camus, NXB Gallimard, năm 1986. Ngoài ra, trong chuyên luận, chỗ nào dẫn theo bản dịch Sa đọa của Trần Thiện Đạo, chúng tôi đều có ghi chú.

[6] Camus, Sa đọa, Trần Thiện đạo dịch, NXB HNV 1995, tr.11

[7] . Camus, Sa đọa, Trần Thiện đạo dịch, NXB HNV 1995, tr.14

[8]. Camus, La chute,Gallimard, 1986, p.152

[9] . P. Louis Rey, La chute de Camus, Hatier, 1970, p.43

 

 

Powered by Froala Editor