Viện phương đông

3 năm trước

SỰ CHUYỂN BIẾN VÀ CÁCH TÂN CỦA CẤU TRÚC THƠ TỪ 1945 ĐẾN 1975

MỘT VÀI NÉT VỀ SỰ CHUYỂN BIẾN VÀ CÁCH TÂN CỦA CẤU TRÚC THƠ TỪ 1945 ĐẾN 1975.

(đã in trên tạp chí Ngôn ngữ)

 

PGS. TS  NguyễnThị Phương Thùy

Powered by Froala Editor


       Sự phát triển của thi ca Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú. Trong đó phải kể đến sự chuyển biến mạnh mẽ về cấu trúc thơ. Từ năm 1932, thơ Mới đã thổi vào thơ ca Việt Nam một luồng sinh khí mới mẻ, được cách tân cả về phương diện hình thức lẫn nội dung. Chủ đề trong thơ Mới vẫn còn “cái không khí” của những hình ảnh ước lệ, vẫn còn nét “cổ” thi vị của Đường thi và Cổ phong trong thơ truyền thống. Nhưng, cái Tôi trong thơ Mới đã trỗi dậy mạnh mẽ và tràn đầy sức sống mãnh liệt. Hình thức thể hiện cũng muôn màu muôn vẻ, thể hiện nhuần nhụy các sắc thái, cung bậc, tính đa hình, đa thanh tương ứng với những chủ đề đó. Trong cuộc cách tân đa diện ấy, sự chuyển biến và cách tân về cấu trúc thơ đã góp phần tạo ra bước đột phá về ngôn ngữ thơ Mới Việt Nam.

       Sự cách tân về ngôn ngữ thơ ca, trước hết là về cấu trúc thơ, diễn ra ở cả ba cấp độ bài thơ, khổ thơ và câu thơ. Theo từ điển tiếng Việt - Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2003, tr 128 thì cấu trúc là “toàn bộ nói chung những quan hệ bên trong giữa các thành phần tạo nên một chỉnh thể”. Có rất nhiều quan niệm khác nhau về cấu trúc thơ. Bài viết này cho rằng, cách quan niệm của Trần Quang Đạo trong bài viết “Cấu trúc trong thơ trẻ sau 1975” có nhiều điểm hợp lý: “Cấu trúc thơ là mối quan hệ bên trong của ngôn ngữ, hình ảnh, thông qua sự sắp xếp trật tự giữa chúng bằng cảm xúc và sự sáng tạo của nhà thơ trên một ý tưởng hoàn chỉnh. Đó là một cấu trúc tầng bậc từ câu thơ, đoạn thơ (khổ thơ) và bài thơ. Nhà thơ là một kiến trúc sư lập tứ cho bài thơ và nắm “đạo quân” ngôn ngữ để xây nên toà nhà thơ”. Xét riêng trong thể loại thơ 7 chữ (trên tư liệu 2 tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu và “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu), có thể thấy bài thơ 7 chữ mới có nét giống một văn bản văn xuôi về phương diện tổ chức, cấu tứ, về bố cục, chỉ khác là thơ có nhịp, có vần. Về cấu trúc, bài thơ được tổ chức theo bốn phần đề-thực-luận-kết nhưng số lượng trong mỗi phần đề-thực-luận-kết không chỉ gồm 2 câu/phần như trong bài thất ngôn bát cú Đường luật. Ở một bài thơ phần thực có thể tương ứng với 3 khổ thơ, phần luận có thể tương ứng với 5 khổ thơ. Ở cấp độ khổ thơ, cấu trúc đề-thực-luận-kết có sự chuyển biến về số lượng câu/phần; cách gieo vần và phép đối thanh điệu trong khổ thơ cũng có nhiều sự bứt phá, vượt lên đáng kể về số lượng so với cách gieo vần và đối thanh điệu truyền thống. Đến cấp độ câu thơ, có sự tập trung nhiều thanh bằng hoặc nhiều thanh trắc trong một câu thơ, tạo nên những điểm nhấn nghệ thuật đầy ấn tượng. Câu thơ có sự tập trung thanh bằng thường gợi cảm giác êm đềm, hài hoà, nhẹ nhàng, không gian được rộng mở, thời gian dường như được dài hơn…:

VD1:           “Trời mây xanh nhạt màu hư ảo

                       B      b      B       t        B   b   t

                    Đây xứ mơ màng, đây xứ thơ…”

                      B      t    B      b       B     t    b

                                                (Tố Hữu – Dửng dưng, khổ 1, câu3,4, tr 48)

       Sự tập trung các thanh bằng trong ví dụ trên có ý nghĩa cộng hưởng, nhấn mạnh khung cảnh thiên nhiên huyền bí, không xác định (màu hư ảo, xứ mơ màng, xứ thơ). Màu sắc của cảnh được cảm nhận song cũng mờ nhạt (trời mây xanh nhạt). 10 tiếng có thanh bằng/14 tiếng của hai câu thơ đã tạo nên một không gian lung linh, êm đềm, thi vị và gợi cảm cho cả khổ thơ.

       Câu thơ có sự tập trung thanh trắc thường tạo ra cảm giác về sự bất trắc, không bình yên, không bằng phẳng…. Cảm giác về hành động, sự vật, quá trình… đều dứt khoát, không có sự rộng mở về không gian và thời gian. Cả khung cảnh và tình người như được gói gọn trong từng ý. Sự tập trung thanh trắc trong một câu thơ đã làm nên sức mạnh của cảm giác đó, là sự hội tụ của sự trúc trắc, bất trắc, tan vỡ, mất mát, héo tàn:

VD2:           “ Ý chết đã phơi vàng héo úa

                     T      t    T     b     B      t      t

                   Mùa thu lá sắp rụng trên đường.”

                     B      b    T   t      T       b       b

                                                (Tố Hữu – Dửng dưng, khổ 5, câu 1, tr 49).

       Đến thời kỳ 1945-1975, thơ ca Việt Nam lại càng có điều kiện đâm chồi nảy lộc  theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Thực tiễn của hai cuộc kháng chiến chống Pháp (9 năm) và chống Mĩ (25 năm) hào hùng của dân tộc là mảnh đất màu mỡ khơi dậy nguồn thi hứng vô tận cho các nhà thơ đương đại. Cấu trúc thơ cũng có những bước cách tân kịp thời để phản ánh sinh động và đầy chất thơ thực tiễn mới mẻ, phong phú của hiện thực cuộc sống. Bài viết này chọn 45 bài thơ ở các thể loại của nhiều tác giả trong tập “Tuyển thơ nhà thơ nhà giáo”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2002, 400 trang, để làm ví dụ phân tích.

       Trong tuyển thơ này, cấu trúc thơ khá đa dạng. Xét về phương diện thể loại bài thơ, thơ 5 chữ và thơ 7 chữ vẫn được sử dụng khá nhiều, lưu giữ không ít phong vị của thơ ca truyền thống: “Mùa xuân Tây Bắc”- Bùi Công Bính (tr 40), “Viếng thầy”- Đặng Hiển (tr 120), “Hoa Lư”- Trần Đăng Khoa (tr 169), “Ông đồ” – Vũ Đình Liên (tr 186), “Ngày và đêm”- Bùi Công Minh (tr 204), “Muối”- Hà Nhật (tr 233), “Lá giầu”- Dương Tuấn (tr 307)… (thơ 5 chữ); “Cây thông già trên đỉnh Côn Sơn”- Đặng Sơn (tr 121), “Trời mưa lâm thâm”- Xuân Hoài (tr 123), “Mùa chim giẽ”- Ngô Văn Phú (tr 242), “Mưa đêm”- Vũ Quần Phương (tr 245)… (thơ 7 chữ). Thơ 7 chữ và 8 chữ đan xen với nhau (bài “Mẹ và quả”- Nguyễn Khoa Điềm). Cũng vẫn còn thơ lục bát: bài “Nữ sinh Đồng Khánh”- Mai Văn Hoan). Có thể thấy, các thể loại thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, lục bát, kể cả song thất lục bát, vẫn được các nhà thơ “ưu ái” sử dụng chứ không hề lãng quên. Nhưng đáng chú ý là ở thời kỳ này, cấu trúc hình thức của bài thơ đã có những chuyển biến khá mạnh mẽ. Đã xuất hiện một số thể loại thơ có khổ thơ rất ngắn hoặc có câu thơ khá ngắn trong thơ thời kỳ này. Thơ ca bắt đầu khoác thêm những lớp “lông vũ” mới tân kỳ, súc tích: bài thơ có khổ gồm nhiều câu nhưng mỗi câu chỉ có 4 chữ (VD: “Năm bông hồng trắng” - Đỗ Bạch Mai (tr 196), “Đàn trâu Nghệ”- Nghiêm Đa Văn (tr 356)); bài thơ có nhiều khổ nhưng mỗi khổ chỉ có hai câu hoặc bài thơ có nhiều khổ và trong bài có một số khổ chỉ có hai câu thơ (VD: “Ru anh thức” - Đặng Nguyệt Anh (tr 15), “Vùng phấn bay”- Phi Tuyết Ba (tr 33), “Không dưng mà nhớ” - Nguyễn Trọng Hoàn (tr 125), “Hư vô” - Quang Huy (tr 144), “Một thời để nhớ” - Ngô Văn Phú (tr 241), “Cái đường thẳng nằm trong hình học” - Thạch Quỳ (tr 254). Đặc biệt, có bài thơ có nhiều khổ, mỗi khổ có 2 câu thơ và mỗi câu chỉ có 3 chữ: “Sợi nhớ sợi thương” - Thúy Bắc (tr 38). Trong số 45 bài thơ đã được chọn, có đến 23 bài thơ làm theo thể tự do. Những bài thơ này thi thoảng vẫn đượm nồng chất liệu của thơ truyền thống nhưng phần lớn đã được hiện đại hóa về thể loại và phong cách thể hiện: “Dòng sông trong đêm” - Văn Đắc, “Núi mường Hung - Dòng sông Mã” - Cầm Giang, “Bài thơ tình ở Hàng Châu” - Tế Hanh, “Nỗi nhớ” - Nguyễn Trọng Hoàn, “Chân trời” - Nguyễn Minh Hùng…. Khá đặc biệt, có “bài thơ” có nhịp, có điệu, có tính nhạc hẳn hoi nhưng cách trình bày thì như “văn vần”. Bài cũng được chia khổ nhưng những khổ ấy làm người ta nghĩ đến “đoạn” nhiều hơn là “khổ”:

VD3:   “Cũng mờ ảo khói sương, cũng mịt mờ sóng nước. Tự ru mình trong khoảng trống thinh không. Quay tám hướng vẫn quay về một góc, giữa lùm xanh thấp thoáng bóng tiên đồng.

            Mênh mông quá một ánh nhìn hư ảo, khi Phật Bà ban phước khắp muôn nơi. Phép nhiệm màu đựng trong bình nhỏ thế, đủ làm sao cho tất cả muôn người?

            Chỉ còn lại một ngư ông bên núi, gác mái chèo ngửa mặt đón hư vô. Con thuyền trĩu những nỗi niềm nhân thế, biết về đâu giữa bát quái trận đồ?

            Nâng trái núi đặt bên ô cửa. Nghe lòng mình tiếng gọi của xa xăm. Nước không chảy cho con thuyền cập bến, nên đáy sâu muôn thuở sỏi vẫn nằm…”.

                                                          (Chu Thị Thơm, Non bộ, tr 300)

       Trong bài thơ trên, nhà thơ có dụng ý rõ ràng khi viết các câu trong một khổ liền mạch. Về mặt hình thức, dù có tính nhạc, câu thơ vẫn chảy trong khổ như hình thức của câu văn vần chảy trong đoạn. Phải chăng, cấu trúc bài thơ, khổ thơ, câu thơ như ở VD3 phản ánh sự ảnh hưởng của dòng thơ dịch vào thơ Việt Nam. Ở một góc độ nào đó, những bài thơ tiếng nước ngoài, khi được dịch sang tiếng Việt, đặc biệt là được chuyển nghĩa dưới hình thức thơ ca, nhiều bài truyền tải được phần lớn ý tưởng thơ trong bản gốc và vẫn giàu nhịp điệu nhưng cũng có không ít bài thơ chỉ được dịch ý, câu thơ được diễn xuôi như văn vần và tính nhạc có giảm đi phần nào so với bản gốc. Vì thế, khi bàn đến các trường hợp có cấu trúc bài thơ như một văn bản diễn xuôi, khổ thơ gần như một đoạn văn vần và câu thơ hao hao những câu văn vần tiếp nối nhau trong khổ như ở VD3, chúng tôi không thể loại trừ đi một yếu tố rất quan trọng có ảnh hưởng đến cấu trúc này. Đó là dòng thơ dịch trong mạch thơ ca Việt Nam từ đầu thế kỉ XX.     

       Nếu nói rằng ở thời kỳ thơ Mới, bài “Tình già” của Phan Khôi là một dấu mốc cho sự khởi nguồn của tính hiện đại hóa và có sự tiếp nhận yếu tố phương Tây (cụ thể là từ thơ Pháp) vào thơ ca Việt Nam vài chục năm đầu thế kỉ XX thì đến thời kỳ 1945-1975, sự cách tân như thế không còn xa lạ đối với giới sáng tác và bạn đọc nữa. Người tiếp nhận đã quá quen thuộc với những bài thơ có các khổ bát cú, song thất lục bát, tứ tuyệt giai đoạn 1932-1945 dù nội dung, chủ đề, ngôn liệu đã “rất mới”. Đến giai đoạn 1945-1975, những thể loại ấy không “bắt mắt”, “bắt cảm xúc”, “bắt ấn tượng” bằng những dòng chữ chạy dài trên văn bản nhưng được ngắt khúc 2 câu/ khổ rất cô đọng:

VD4:           “Mẹ ru anh ngủ ngày xưa

                   Em ru anh thức bây giờ anh ơi

 

                   Mẹ ru ngọt giọng à ơi

                   Ru anh em biết chọn lời nào đây

       

                   Ru cùng biển rộng sông sâu

                   Con chim về tổ con tàu về ga

 

                   Ru cùng trời đất bao la

                   Lời ru có biết lối mà tìm không

 

                   Ru thuyền say sóng say sông

                   Ru anh say giấc thức ròng à ơi.

 

                   Lời ru đã mỏi cánh rồi

                   Vụng về em biết chọn lời nào đâu

 

                   Ru cùng tháng bảy mưa ngâu

                   Tháng giêng hương bưởi hương cau ru mời

                   Em ru không hết một lời

                   Mà anh thức suốt một đời người ru.”.

       Khởi nguồn cho sự cách tân về cấu trúc khổ, bứt phá khỏi cấu trúc khổ tứ tuyệt hay khổ dài bát cú, bài “Ru anh thức’ của Đặng Nguyệt Anh có “cái vỏ” khá hiện đại: 6 khổ thơ có cấu trúc 2 câu/ khổ tính trên tổng số 7 khổ của bài thơ. Riêng khổ cuối cùng thì có vai trò kết lại cả bài thơ bằng 4 câu lục bát. Mà xét cho cùng, nếu tính theo câu thơ thì khổ thơ trong bài này vẫn đậm đà chất thơ truyền thống: lục bát. Mỗi khổ là một cặp lục bát tình tứ, dễ đi vào lòng người với nhịp điệu như nhịp điệu của lời ru à ơi. Nhưng cũng phải nhấn mạnh là nhà thơ đã mạnh dạn đẩy từng cặp lục bát vào một khuôn thước riêng: 1 khổ 2 câu, tạo ra các mạch thơ ngắt-nối-ngắt-nối rất rõ ràng và thú vị. Khổ 1: 2 câu- ngắt- khổ 2: 2 câu- ngắt- khổ 3: 2 câu- ngắt….khổ 6: 2 câu- ngắt- khổ 7, 4 câu. 

       Trong 6 bài thơ có các khổ mà mỗi khổ gồm 2 câu thơ thì có đến 5 bài là được làm theo thể lục bát. Trong 5 bài đó, đã bắt đầu có dấu hiệu của sự tiếp nối liền mạch về hình thức giữa câu 6 và câu 8. Nếu ở các bài thơ lục bát mỗi khổ có 2 câu, khi xuống dòng, các nhà thơ đều viết hoa ở câu 8 thì ở bài “Không dưng mà nhớ”, Nguyễn Trọng Hoàn đã viết liền một mạch, tuy vẫn ngắt dòng giữa câu 6 tiếng và câu 8 tiếng nhưng sự liền mạch về hình thức được đánh dấu bằng việc không viết hoa chữ đầu tiên của câu 8:

VD5:           “Thung thăng bước dạo phố phường

                   bỗng hun hút nhớ nẻo đường không tên

 

                   Quên người nhớ, nhớ người quên

                   tan tành vỡ nát- nhớ bền vững xưa

                   ……

 

                   Cuộn dây lặng nhớ cánh diều

                   không dưng- quặn nhớ những điều không đâu…”

       Việc không viết hoa ở chữ đầu dòng 8 tiếng trong 2 câu lục bát/ khổ cũng tạo ra một sự gần gũi về hình thức giữa 2 câu/khổ thơ với 1 câu thơ được diễn xuôi vậy. Sự cách tân tinh tế ở đây là thể lục bát “khuôn vàng thước ngọc” vẫn được lưu giữ rất tài tình, khổ thơ vẫn gồm 2 câu thơ, câu trên 6 tiếng, câu dưới 8 tiếng. Nhưng cái cấu trúc “lục bát” đó đã được làm “rạn nứt” khéo léo từ chính một điểm đánh dấu nho nhỏ về hình thức: không viết hoa chữ đầu câu 8.

       Dù ở bài “Không dưng mà nhớ” đã có dấu hiệu của sự “thoát xác” khỏi cấu trúc cố hữu của câu lục bát truyền thống, tạo ra sự chuyển biến mới trong cấu trúc câu thơ, khổ thơ và cả bài thơ thì vẫn phải nói rằng bước đột phá ấn tượng nhất trong số các bài có khổ thơ mà mỗi khổ gồm 2 câu là bài “Cái đường thẳng nằm trong hình học” của Thạch Quỳ.  Cũng là 2 khổ/câu, cả bài có 10/16 khổ giống nhau về số lượng câu/ khổ như thế. Song, đến từng khổ thì tình hình đã khác. Khổ 1: 1 câu 7 chữ- 1 câu 8 chữ; khổ 2: câu 1 và 2 đều có 7 chữ/ câu; khổ 3: câu 1 và 2 đều có 8 chữ/ câu; khổ 4, khổ 5, khổ 6, khổ 16: câu 1 và 2 đều có 7 chữ/ câu; khổ 7: 1 câu 7 chữ- 1 câu 8 chữ; khổ 14, khổ17: 2 câu đều có 8 chữ/câu: 

VD6:           “Cái đường thẳng nằm trong hình học

                   Theo suốt đời, âm ỉ tận trong tôi…

 

                   Là sợi tơ, chẳng có chất tơ

                   Mà chẳng được từ đây đến đấy

 

                   Lúc thô vụng sờ tay lên mặt giấy

                   Lại nhận ra bóng dáng cái vô hình

 

                   Lúc nghĩ về tia sáng mong manh

                   Lại thấy nó chiếu đi rất thẳng

 

                   Trong không gian nó là màu trắng

                   Giữa lòng tôi nó hóa màu xanh

 

                   Như tia mắt em nhìn về anh

                   Không bị chắn bằng cây, bằng núi

 

                   Như ý nghĩ những người đi tới

                   Không nghỉ không ngừng, không dừng điểm cuối…

                   

                   Đường thẳng luôn bài xích những cong queo

                   Và gạt bỏ những lối mòn có sẵn

 

                   Đường thẳng nối về những miền vô tận

                   Mà nghe như âm ỉ giữa tim mình

 

                   Đường thẳng mời bước chị bước anh

                   Mà chỉ nói: Tôi là đường thẳng”.

       Chỉ xét trong 6 bài thơ có loại khổ thơ mà mỗi khổ có 2 câu, cấu trúc bài gần gần giống nhau. Tuy nhiên, sự chuyển biến linh hoạt trong từng bài đã tạo ra sự phân hóa về mặt hình thức, có giá trị khu biệt độc đáo về phong cách. Ở bài “Không dưng mà nhớ”, chữ đầu mỗi câu 8 đều không được viết hoa làm câu thơ giống như được diễn xuôi. Đến bài “Cái đường thẳng nằm trong hình học”, các khổ loại 2 câu/khổ được phân hóa thành 3 loại: chỉ có loại câu 7 chữ trong khổ, vừa có loại câu 7 chữ, vừa có loại câu 8 chữ trong khổ và chỉ có loại câu 8 chữ trong khổ. Điều này tạo ra sự chuyển biến rõ ràng về cấu trúc trong khổ thơ có 2 câu và trong bài thơ có nhiều khổ 2 câu/khổ. Cấu trúc bài không còn là nguyên khối như bài song thất lục bát với những khổ song thất lục bát nữa mà đã cách tân và được đa dạng hóa ở các cung bậc khác nhau với khổ song thất (2 câu 7 chữ), song bát (2 câu 8 chữ) hay thất-bát (1 câu 7 chữ - 1 câu 8 chữ). Phải chăng đó chính là một bước đệm, một chiếc cầu nối giữa thể thơ song thất lục bát và thơ có xu hướng hiện đại hóa, thơ tự do sau này? Sự phân bổ số chữ trong 2 câu/khổ bị phá dần đi quy luật truyền thống, không theo quy tắc thông thường của khổ thơ song thất lục bát đã tạo ra nét mới trên chất liệu hình thức thể hiện và nội dung cần được diễn tả. Sự tăng lên về cách chọn số lượng chữ trong 2 câu/khổ phải chăng cũng là một lẽ tất yếu để đáp ứng nhu cầu phản ánh những nội dung, chủ đề thực tế ngày càng phong phú đang cần được phản ánh. 

       Đến bài “Sợi nhớ sợi thương” của Thúy Bắc, bài thơ đã được cách tân cả về cấu trúc và nội dung. Cả bài thơ là một lời tâm sự về tình cảm của người con gái Việt Nam trong chiến tranh, trong bom đạn Trường Sơn vẫn lạc quan yêu thương hết mình. Chủ đề về tình yêu lứa đôi trong sáng, tình yêu trong kháng chiến nhưng không có một hình ảnh ước lệ nào. Hiện thực cuộc sống nơi chiến trường Trường Sơn được nhìn bằng một lăng kính tươi đẹp của tình thương yêu và niềm hy vọng:

VD7:           Trường Sơn Đông

                   Trường Sơn Tây

 

                   Bên nắng đốt

                   Bên mưa quây

 

                   Em dang tay

                   Em xòe tay

       

                   Chẳng thể nào

                   Che anh được

                   ……..

       Hiện đại nhưng không cầu kỳ. Ngắn gọn nhưng không thiếu ý. Đó là những điểm nổi bật của bài “Sợi nhớ sợi thương”. Chỉ 3 tiếng thôi, người đọc có thể hình dung đến một nửa phía Đông dãy Trường Sơn. Chỉ 3 tiếng nữa, đã có đủ 1 khổ thơ. Và người đọc biết đến nửa còn lại của dãy Trường Sơn miền Tây Nam Tổ quốc: Trường Sơn Tây. Thêm 1 khổ thơ nữa, cũng chỉ với 2 câu, câu trên 3 tiếng, câu dưới 3 tiếng, cái khắc nghiệt, gian khổ và sự phân hóa, đối lập về thời tiết của 2 bên Đông – Tây dãy Trường Sơn được khắc họa chính xác, rõ nét: bên nắng đốt - bên mưa quây. Đến khổ thứ 3, 2 câu thơ quá ngắn như một lời miêu tả về hành động của người con gái: Em dang tay; Em xòe tay. Hình ảnh rất giản dị, không có gì đặc biệt. Nhưng vào khổ thứ tư thì bạn đọc thấy rưng rưng vì sự giản dị của xúc cảm bật ra từ trái tim. Hai câu thơ vẫn quá ngắn, dường như không đủ để nói lên tất cả tình thương yêu của người con gái dành cho người con trai trong chiến tranh nhưng cũng rất vừa vặn cho một sự “hết lòng tận tuỵ” làm rung cảm lòng người “Chẳng thể nào; Che anh được”. Câu thơ như một câu nói “buột miệng” hàng ngày nhưng lại thể hiện tình cảm chân thành quá tự nhiên, trong sáng của người con gái. Và dòng chảy ấy cứ tiếp nối, tiếp nối, từng khúc 3 tiếng: “Rút sợi thương; Chằm mái lợp; Rút sợi nhớ; Đan vòm xanh; Nghiêng sườn đông; Che mưa anh; Nghiêng sườn tây; Xòe bóng mát; Rợp trời thương; Màu xanh suốt; Em nghiêng hết; Về phương anh.

       Cả bài thơ, cấu trúc khá đơn giản, rõ ràng: 10 khổ, mỗi khổ 2 câu, mỗi câu 3 tiếng. Ý tứ mạch lạc, không ước lệ, không tượng trưng. Cách đưa nội dung đến với bạn đọc tự nhiên như người ta nói chuyện với nhau hàng ngày, không phô trương, không cầu kỳ, không hoa mỹ mà đi thẳng vào vấn đề. Bài thơ gần gũi như một câu chuyện kể, súc tích mà tình cảm. Cách viết của nhà thơ làm người đọc hình dung đến một hình thức khá đặc biệt của “văn bản nói”- các bài hát đồng dao của trẻ em như kiểu: 

                   “Thả đỉa ba ba

                   Chớ bắt đàn bà

                   Phải tội đàn ông

                   Cơm trắng như bông

                   Gạo tiền như nước…”

Hay đồng dao khi trẻ em chơi chuyền:

                   “Trải bàn một

                   Lá lốt

                   Xương sông

                   Cây hồng

                   Nho nhỏ

                   Con thỏ

                   Trắng bông

                   Em trông

                   Thích quá

                   Trắng xoá

                   Lên bàn đôi

                   Trải bàn đôi

                   Đôi nồi xôi

                   Đôi nồi chè

                   Đôi chẻ tre

                   Đôi vót đũa…”

       Từ cấu trúc nói trên, dường như bài “Sợi nhớ sợi thương” gần với một “văn bản nói” vậy. Điều này cũng là một dấu hiệu của sự hiện đại hóa về hình thức, cấu trúc thơ, được thể hiện trên cả ba phương diện bài thơ, khổ thơ, câu thơ.

       Ở giai đoạn đoạn 1945-1975 đã có những hình thức “mới”, không theo quy luật. Ta có thể gặp ngay một bài thơ vừa có yếu tố truyền thống, vừa có những sự đột phá mạnh mẽ, bùng nổ về cấu trúc:

                   “Nói chuyện nho nhỏ

                   Bên bông hồng đỏ

                   Bên bông hồng xanh

                   Trò chuyện với anh

                   Năm bông hồng trắng

                   Này bông xa vắng

                   Này bông nhớ thương

                   Bông này giận hờn

                   Bông này chờ đợi…

                   

                   Có một bông cuối?

 

                   Còn bông cuối cùng

                   Em không dám nói

                   Còn bông cuối cùng

                   Anh không dám hỏi

 

                   Còn bông cuối cùng

                   Dịu dàng tỏa hương”.

                                      (Đỗ Bạch Mai, Năm bông hồng trắng, tr 196)

       Bàn về cấu trúc, bài này có 4 khổ thơ. Số lượng câu thơ trong mỗi khổ không giống nhau. Chính vì thế, mạch cảm xúc thì tự nhiên nhưng nhìn về hình thức thì dường như bố cục của bài thơ có vẻ không cân đối, không hài hòa. Khổ đầu tiên có 9 câu. 9 câu thơ đó như một lời kể chuyện, như một lời đếm từng sự tình và được kết thúc bằng một khoảng lặng ngắn của dấu ba chấm. Bỗng nhiên, sang khổ thơ thứ 2, chỉ vẻn vẹn có 1 câu thơ, lại là một câu hỏi, chính xác là một câu ở dạng câu tồn tại và được “hình thức hóa” thành câu hỏi. Khổ 2 tạo ra một bước chuyển đột ngột, từ lời kể sang câu hỏi, từ một câu chuyện rất dài về bốn bông hồng chuyển ngay sang một câu hỏi. Mạch thơ ở khổ 1 đang được triển khai đều đặn, trải dài ra thành các khoảng, mỗi khoảng 4 tiếng thì đột nhiên dừng lại bằng khổ thứ 2, khá bất ngờ với một câu hỏi đặt riêng ở một khổ. Sự dừng lại đột ngột ấy lại được giảm xuống bằng việc “tường thuật sự tình” ở khổ thứ 3 với 4 câu thơ, mỗi câu 4 tiếng. Cuối cùng là một không gian cho những ý tưởng, cho những sự liên tưởng và sáng tạo theo “hướng mở”, kết thúc bài thơ mà như chưa kết thúc:

                   “Còn bông cuối cùng

                   Dịu dàng tỏa hương”.

Có lẽ, trước khi đọc câu cuối cùng, người ta có thể nghĩ đến sự liên tưởng về bông hoa cuối cùng với mối quan hệ giữa anh và em. Nhưng khổ thơ cuối với 2 câu thơ rất đơn giản không dừng lại ở một kết luận về việc miêu tả một bông hoa cuối cùng mà nó mở ra một không gian cho sự liên tưởng về bông hoa, về tình cảm và hương sắc của tình cảm “không nói nên lời” giữa người con gái và người con trai. Ở một bài thơ cấu trúc rõ ràng nhưng bố cục tạo ra cảm giác không hề cân đối như bài thơ “Năm bông hồng trắng” này, người đọc vẫn nghĩ đây là thể thơ tự do hoàn toàn, từ cấu trúc bài, khổ cho đến câu thơ. Nhưng trong cái sự bứt phá tưởng như là “đột phá toàn phần” ấy lại vẫn còn lưu giữ dấu ấn của thể thơ tứ tuyệt truyền thống. Khổ thơ thứ 3 gồm 4 câu, mỗi câu 4 tiếng làm người đọc vẫn thấy ít nhiều cái dáng dấp tứ tuyệt truyền thống còn chưa “thoát hẳn đi”. Dù vô tình hay cố ý thì ở một bài thơ “hiện đại” tân kỳ không theo niêm luật nghiêm ngặt của Đường thi hay Cổ phong này vẫn chịu chút ảnh hưởng của cái khí thế thơ tứ tuyệt xưa. Điều đó phần nào minh chứng rằng dù có những chuyển biến nhất định theo hướng tự do hóa thì thơ thời kỳ 1945-1975 vẫn không “đoạn tuyệt”, không mất đi hoàn toàn mối dây liên hệ với thơ truyền thống, vẫn có một mạch ngầm của thơ truyền thống âm ỉ thấm trong huyết mạch của thơ hiện đại, nếu xét ở một phương diện nào đó.

       Hơn thế nữa, ở giai đoạn 1945-1975, cấu trúc thơ đã chuyển biến theo nhiều kiểu khác nhau, tạo nên một vườn hoa đa dạng về cách thức hình thức thể hiện. Trong số 23 bài thơ làm theo thể tự do (tính trên tổng số 45 bài được chọn trong tuyển thơ) thì cấu trúc bài thơ khá đa dạng, phong phú. Trong một bài thơ có thể có nhiều khổ: bài dài liền một mạch, không chia khổ; bài có 2 khổ, 3 khổ, 4 khổ, 5 khổ, 6 khổ, 9 khổ. Trong mỗi loại khổ đó, số câu cũng rất phong phú: khổ có 1 câu, 2 câu, 3 câu, 4 câu, 5 câu, 6 câu, 7 câu, 8 câu, 10 câu, 13 câu, 21 câu, 41 câu… Đến bậc câu thơ thì số tiếng trong 1 câu thơ rất phong phú. Sự phân hóa câu thơ theo số tiếng trong câu thơ đa dạng không kém sự phân hóa khổ thơ theo câu và phân hoá bài thơ theo khổ: câu có 1 tiếng, 2 tiếng, 3 tiếng, 4 tiếng, 5 tiếng, 6 tiếng, 7 tiếng, 8 tiếng, 9 tiếng, 10 tiếng, 11 tiếng, 12 tiếng. Có thể xem xét bảng phân loại bài thơ theo số lượng khổ và phân loại khổ thơ theo số lượng câu thơ trong bài theo bảng thống kê dưới đây:

 

Tên bài thơ

Tác giả

Số trang

Số khổ thơ

/bài

Số câu trong từng khổ thơ

 

 

 

 

K1

K2

K3

K4

K5

K6

K7

K8

K9

Dòng sông trong đêm

Văn Đắc

84

Không chia khổ, bài gồm 34 câu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Núi mường Hung-dòng sông Mã

Cầm Giang

94

Không chia khỏ, bài gồm 38 câu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài thơ tình ở Hàng Châu

Tế Hanh

113

3

8

13

21

 

 

 

 

 

 

Nỗi nhớ

Nguyễn Trọng Hoàn

127

5

4

4

4

4

1

 

 

 

 

Chân trời

Nguyễn Minh Hùng

147

3

4

4

4

 

 

 

 

 

 

Ngọn đèn đứng gác

Chính Hữu

153

3

7

4

5

 

 

 

 

 

 

Một bông Tuylíp

Nguyễn Linh Khiếu

167

4

4

3

5

7

 

 

 

 

 

Màu tím hoa sim

Hữu Loan

188

4

4

10

41

10

 

 

 

 

 

Thưa mẹ, trái tim

Trần Quang Long

191

9

11

18

23

4

10

6

10

7

3

Mái trường rẻo cao

La Quán Miên

202

5

8

6

9

9

3

 

 

 

 

Vị tướng già

Anh Ngọc

225

6

4

4

4

6

4

4

 

 

 

Ngậm ngùi

Trần Hữu Nghiễm

232

3

4

5

4

 

 

 

 

 

 

Lá thu

Thảo Phương

243

3

3

15

2

 

 

 

 

 

 

Non bộ

Chu Thị Thơm

300

4

3

2

2

3

 

 

 

 

 

Vịn

Nguyễn T. Kim Thu

306

2

6

2

 

 

 

 

 

 

 

Những con sông đi từ tuổi mười lăm

Nguyễn Thanh Toàn

323

4

8

4

4

4

 

 

 

 

 

Tiếng trẻ học bài

Vương Trọng

336

5

4

3

11

7

4

 

 

 

 

Tưởng niệm

Nguyễn Cảnh Tuấn

344

4

8

9

5

4

 

 

 

 

 

Nhớ

Nguyễn Uyển

351

2

3

3

 

 

 

 

 

 

 

Lá thư gửi từ trường cũ

Nghiêm Đa Văn

354

5

2

4

7

12

7

 

 

 

 

Trung du

Bằng Việt

372

4

5

4

4

4

 

 

 

 

 

Thăm thầy giáo cũ

Nguyễn Bùi Vợi

377

4

5

11

8

3

 

 

 

 

 

 

Nhìn vào bảng thống kê trên, có thể thấy, nếu xét trên bề mặt hình thức, có những bài thơ rất mất cân đối, thiếu tính tương xứng về cấu trúc và bố cục giữa các khổ trong bài thơ. Ví dụ, một số bài thơ có số lượng câu/ khổ thơ được phân bố không đều giữa các khổ, tạo ra sự không hài hòa về bố cục toàn bài. Bài “Nỗi nhớ”: 5 khổ, có cấu trúc số lượng các câu trên khổ theo thứ tự là: 4-4-4-4-1. Bài “Màu tím hoa sim”: 4 khổ, có các chỉ số trên là: 4-10-41-10. Bài “Lá thu”: 3 khổ: 3-15-2; bài “Vịn”: 2 khổ: 6-2. Đây cũng chính là sự cách tân cao độ về cấu trúc, tạo ra những bước đột phá, nhảy vọt bất ngờ về tổ chức và bố cục, nhằm đáp ứng thi hứng bất tận của các nhà thơ, lúc lên đến cao trào, lúc trải dài ra vài chục câu (23, 41 câu) như những lời tâm sự, như những câu chuyện , lúc thu gọn lại trong những lời thắc mắc, những trăn trở vẻn vẹn 1 câu, 2 câu hoặc 3 câu, lúc lại là sự đúc kết kinh nghiệm cuộc sống, khi lại là lời thán cảm, có chỗ lại là miêu tả sự tình, hiện tượng…. Sự thay đổi đột ngột về số lượng các câu trong khổ và các khổ trong bài ở thời kỳ này đã tạo ra một sắc thái chung cho thơ ca: bài thơ, khổ thơ, câu thơ không bị ràng buộc bởi những quy định chặt chẽ, khuôn thước của thơ truyền thống. Nó phản ánh sự độc lập, không phụ thuộc vào cơ chế tổ chức văn bản thơ truyền thống như các văn bản thơ thời kỳ cuối thế kỉ XIX – và những năm trước năm 1932. Hình thức thơ phóng khoáng đó là dấu hiệu cho sự “cởi nút” để những ý tưởng phóng khoáng, những chủ đề hấp dẫn, những cung bậc tâm trạng được thả sức “tang bồng”, được thỏa chí “tung hoành”  theo xúc cảm, tư duy thơ ca của cả một thời kỳ hừng hực khí thế kháng chiến cứu nước. Hàng loạt sự sáng tạo, hàngloạt khuôn hình cấu trúc mới của cấu trúc bài thơ, khổ thơ, câu thơ được nảy mầm, phát triển và nhân giống trên mọi địa hạt của khuynh hướng thơ tự do.

       Có thể thấy một loạt mô hình chữ trong câu, câu trong khổ, khổ trong bài được sắp xếp theo những dụng ý nghệ thuật nhất định để phản ánh “hình ảnh”, mô phỏng hình ảnh về sự tình, thực tế, nội dung được phản ánh. Bài “Dòng sông trong đêm” có đoạn có cấu trúc giống hình chữ “C”, làm người đọc liên tưởng đến một dòng sông “không thấy đầu sông, không thấy cuối sông” nhưng “sáng lắm”, “sao nhỏ giọt như dòng sông thắp nến”, thấy như “cá lượn vòng”, “tôm bật cung”:

                        “Ngủ yên nhé, làng quê ơi

                        Dòng sông đêm và tất cả bầu trời

                        Im lặng lắm, biết làng quê ta một ngày bận rộn

                        Những lúa

                        Những khoai                                            

                        Những ruộng cấy

                        Ruộng cầy

                        Gầu sòng

                        Gầu dây

                        Nhà xây                                                                                        hình chữ “C”

                        Nhà dựng

                        Đắp đập

                        Sửa đường

                        Cho xe

                        Cho người

                        Ra trận…

                        Ôi dòng sông đêm sao mà im lặng

                        Ta xuống với sông khoát vòng nước sáng

                        Mới biết dòng sông chảy mạnh vô cùng

                        Mới biết đất này tất cả những dòng sông

                        Chảy mạnh vô cùng và cũng vô cùng im lặng.”.

          

         Các hình ảnh về dòng sông được miêu tả ở đoạn trước như “cá lượn vòng”, “tôm bật cung” cũng được liên tưởng trong hệ hình ảnh trên. Đặc biệt, các câu có 2 tiếng trong khổ thơ trên tạo ra sự liên tưởng về hình ảnh thơ được nhắc đến ở đoạn trước: “Sao nhỏ giọt như dòng sông thắp nến”. Ta có thể hình dung từng câu 2 tiếng từ “những lúa” đến “ra trận” như những mảng sáng, như những ngôi sao sáng liên tục “nhỏ giọt” được miêu tả và liên tưởng trong câu thơ trên: những lúa (một ngôi sao nhỏ giọt!)- những khoai (một ngôi sao nhỏ giọt!)- những ruộng cấy  (một ngôi sao nhỏ giọt!) -…..- ra trận (một ngôi sao nhỏ giọt!). Những mảng sáng đó cứ nối tiếp nhau xuất hiện ngày càng nhiều, làm cho không gian cả khổ thơ sáng dần lên, sáng dần lên, tràn đầy niềm tin, hy vọng, thắp sáng dòng sông của những thành quả dựng xây trong thời kỳ kháng chiến của dân tộc.

       Một số bài thơ chảy dài, chảy dài vô tận theo chủ ý của nhà thơ: chỉ chữ cái đầu câu khổ thơ được viết hoa còn các chữ cái ở đầu mỗi câu sau trong khổ thơ đó đều được cố ý không viết hoa. 4 khổ/ 5 khổ trong “Nỗi nhớ”- của Nguyễn Trọng Hoàn được viết theo lối đó:

VD8:           “Hình như tiếng còi tàu vừa thảng thốt chào ga  

                   lối Phúc Yên có người xuống đấy?

                   mới chợt nghĩ đã chạnh lòng run rẩy

                   có ai cùng về lại với tôi không?…”

                                                          (Khổ 1)

       Cả 3 khổ thơ trong bài “Chân trời” của Nguyễn Minh Hùng cũng được “cố tình” viết theo cách đó:

VD9:           “… Những ngày vắng em, anh tìm đến chân trời

                   có cơn mơ vỗ về anh không biết mệt

                   mây bay bên mình sóng đùa trong tóc

                   với tay là tới trời mọi chuyện dễ dàng thôi…”

                                                          (Khổ 2)

       Các khổ thơ trong bài “Thưa mẹ, trái tim” của Trần Quang Long cũng được ngắt dòng như vậy. Chỉ có điều khác là, trong cả một khổ thơ dài, nhà thơ rất có ý thức về việc tách ý nên có những chỗ xuống dòng thì nhà thơ viết hoa chữ đầu câu nhưng những chỗ nào cần diễn tả sự liền mạch của một sự tình, một thông tin thì câu ở dòng trên cứ vắt xuống dòng dưới liền một mạch không ngừng, nối tiếp nhau, được đánh dấu bằng việc xuống dòng nhưng mỗi chữ cái đầu dòng đều không được viết hoa:

VD10:         “…Nếu thơ con bất lực

                   con xin nguyện trọn đời

                   dùng chính quả tim làm trái phá

                   sống chết một lần thôi

                   Con sẽ chết như những người đã chết

                   và những người đang chết

                   nhưng trái tim con

                   sẽ đời đời bất diệt 

                   dẫu đã nổ tan tành

                   dẫu sẽ khô máu hết

 

                   Vì mẹ ơi con biết

                   trái tim con là thơ

                   trái tim con là rừng, là núi

                   là lúa, là ngô, là cam, là bưởi

                   là quá khứ, tương lai

                   là khổ đau, là hạnh phúc

                   là đấu tranh bất khuất

 

                   Trái tim của Con Người

                   viết lịch sử mình trên mặt đất

                   bằng từng nét máu thắm tươi.”.

                                                          (Khổ 6,7,8,9).

       Ở  khổ thứ 7 của bài thơ, khổ thơ được tách ra làm 2 ý. Việc bóc tách đó được đánh dấu bằng việc viết hoa chữ cái đầu tiên của dòng thứ 5 trong khổ. Các khổ thơ còn lại thì tuy tách dòng nhưng giữa các dòng không có sự tách bạch bằng việc viết hoa các chữ cái đầu tiên của các dòng khác trong một khổ. Chính sự phá cách về hình thức này đã làm cho ý thơ được tuôn chảy thỏa thích cho đến khi nhà thơ bật sang một ý tưởng mới, một sự tình mới.

       Một số bài thơ có cách “mới hóa” về cấu trúc khá độc đáo. Ở thời kỳ 1945-1975, tuy việc vắt dòng các ý theo hình bậc thang chưa phải phổ biến như từ sau 1975 nhưng việc vắt dòng hình bậc thang cũng đã góp phần tạo nên một “gương mặt mới” đánh dấu bước cách tân và tự do hóa về hình thức thể hiện nội dung thơ. Việc ngắt ý trong khổ thơ bằng cách vắt dòng hình bậc thang không chỉ xuất hiện ở một bài thơ mà đã định hình được dáng dấp ở vài bài thơ như: “Bài thơ tình ở Hàng Châu”, “Chân trời”, “Ngọn đèn đứng gác”, “Ngậm ngùi”, “Vịn”, “Nhớ”, “Trung du”. Đặc biệt, trong “Vịn”, một câu thơ được ngắt ra bằng cách vắt thành 5 dòng nối tiếp nhau,làm người đọc hình dung đến một điểm tựa, một chỗ vịn có hình “lan can đi lên cầu thang” trong một ngôi nhà vậy:

VD10:              “Dòng sông vịn lấy đôi bờ                      Mô hình vắt dòng hình bậc thang:

                        Riêng em

                                                                                    

                                    vịn lấy

         

                                                hững hờ

 

                                                             đời anh.”

 

         Ở bài “Nhớ” của Nguyễn Uyển, bài thơ chỉ có 2 khổ, khổ nào cũng được cấu trúc theo lối vắt dòng hình bậc thang cả. Mỗi khổ thơ như một lời đối thoại, được vắt dòng như tầng bậc những suy nghĩ trở trăn:

VD11:              “Hạnh phúc ư?

                                      - Em đây!

                                                Em là nỗi nhớ sau tất cả những gì anh đã quên đi.

 

                        Là niềm ấp iu sau tất cả những gì anh đã quên đi.

                                     - Anh đã có em

                                                  để yêu nhớ cuộc đời này.”.

Có thể nói, cấu trúc “hơi lạ” của bài thơ ở VD11 cũng là một chất xúc tác thu hút sự chú ý của người đọc. Sự dứt khoát, sự ngập ngừng như hoà trộn vào nhau trong những câu thơ vắt dòng. Bài thơ không còn cái dáng vẻ của một bài thơ giàu nhịp điệu nữa mà có vẻ gần với lời đối thoại, gần với ngôn ngữ nói và có thể chuyển sang thể diễn xuôi được. Ở một số bài thơ khác, ta cũng thấy có chất diễn xuôi và tự sự đậm đặc trong các khổ thơ, các bài thơ, chẳng hạn như “Màu tím hoa sim” hay “Tưởng niệm”. Đặc biệt nhất là bài “Non bộ” của Chu Thị Thơm, cả bài thơ như một bài văn vần hoặc hao hao giống một bài thơ được khoác chiếc áo hình thức của văn xuôi, khổ thơ nhìn như một đoạn vậy. Chỉ có điều, tính nhạc điệu và vần điệu tạo ra sự tương phản trầm- bổng trong từng câu, từng khổ thơ đã làm cho bài thơ gần với văn vần, như kiểu được diễn xuôi những vẫn được người tuyển chọn xếp vào “thơ”.

       Trong một giới hạn nhất định, bài viết này mới chỉ phân tích được một vài nét về sự chuyển biến, cách tân về cấu trúc bài thơ, khổ thơ, câu thơ trên tư liệu 45 bài thơ trong một tuyển thơ của các nhà thơ- nhà giáo giai đoạn 1945-1975. Nhưng qua đó, có thể thấy được một số điểm “mới” về cấu trúc trong thơ giai đoạn này. Thứ nhất, đã xuất hiện một số thể loại thơ có khổ thơ rất ngắn hoặc có câu thơ khá ngắn trong thơ thời kỳ này. Cách viết của nhà thơ làm người đọc hình dung đến một hình thức khá đặc biệt của “văn bản nói”- các bài hát đồng dao của trẻ em (VD: bài “Sợi nhớ sợi thương” của Thúy Bắc). Thứ hai, đã bắt đầu có dấu hiệu của sự tiếp nối liền mạch về hình thức giữa câu 6 tiếng và câu 8 tiếng trong khổ thơ có 2 câu/khổ, qua việc chữ đầu câu 8 tiếng không viết hoa, số chữ trong câu được xếp theo nhiều biến thể cấu trúc, tạo ra một sự gần gũi về hình thức giữa 2 câu/khổ thơ với 1 câu thơ được diễn xuôi. Điều này tạo ra sự chuyển biến rõ ràng về cấu trúc trong khổ thơ có 2 câu và trong bài thơ có nhiều khổ 2 câu/khổ. Cấu trúc bài không còn là nguyên khối như bài song thất lục bát với những khổ song thất lục bát nữa mà đã cách tân và được đa dạng hóa ở các cung bậc khác nhau với khổ song thất (2 câu 7 chữ), song bát (2 câu 8 chữ) hay thất-bát (1 câu 7 chữ- 1 câu 8 chữ). Tuy vậy, dù có những chuyển biến nhất định theo hướng tự do hóa thì thơ thời kỳ 1945-1975 vẫn không “đoạn tuyệt”, không mất đi hoàn toàn mối dây liên hệ với thơ truyền thống, vẫn có một mạch ngầm của thơ truyền thống âm ỉ thấm trong huyết mạch của thơ hiện đại, nếu xét ở một phương diện nào đó. Thứ ba, đã có những hình thức “mới”, không theo quy luật. Cấu trúc thơ đã chuyển biến theo nhiều kiểu khác nhau, tạo nên một vườn hoa đa dạng về cách thức, hình thức thể hiện (bài có 1 khổ, 2 khổ… đến 9 khổ; khổ có 1 câu, 2 câu… đến 41 câu). Thứ tư, đã có sự cải tiến, cách tân và hiện đại hoá về hình thức thể hiện ý tưởng thơ, đã xuất hiện các mô hình cấu trúc mô phỏng hình ảnh thơ được nêu trong khổ thơ, bài thơ ( mô hình chữ “C”, mô hình vắt dòng theo hình bậc thang). Thứ năm, đã có nhiều khổ thơ dài trong đó chỉ chữ cái đầu câu khổ thơ được viết hoa còn các chữ cái ở đầu mỗi câu sau trong khổ thơ đó đều được cố ý không viết hoa. Ở một số bài thơ, có những khổ giàu chất tự sự (các bài: Màu tím hoa sim, Tưởng niệm) hay như một đoạn hội thoại, chất đầy ngôn ngữ hội thoại (bài “Nhớ”). Điều này làm cho bài thơ gần gũi hơn với câu văn diễn xuôi, làm câu thơ đậm đặc chất tự sự hơn.

       Có thể nói, bài viết này mới chỉ góp thêm một tiếng nói rất nhỏ, song không ít ỏi vào việc bàn luận về sự chuyển biến và cách tân về cấu trúc bài thơ, khổ thơ, câu thơ. Thiết nghĩ, đây là một vấn đề còn nhiều điều thú vị để các nhà ngôn ngữ tiếp tục tìm hiểu, khám phá về thơ ca Việt Nam các giai đoạn, các thời kỳ theo hướng ngôn ngữ học, theo hướng nghiên cứu về cấu trúc và hệ thống.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.      Nguyễn Phan Cảnh ( 2001), “Ngôn ngữ thơ”, NXB Văn hóa Thông tin.

2.      Trần Quang Đạo (2005), “Cấu trúc trong thơ trẻ sau 1975”, bài trên mạng internet.

3.      Hữu Đạt (2001), “Phong cách học tiếng Việt hiện đại”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

4.      Dương Quảng Hàm, “Việt Nam văn học sử yếu”, Trung tâm học liệu.                                                          

5.   Roman Jakobson (2001), “Ngôn ngữ học và thi học”, Cao Xuân Hạo dịch, Tạp chí Ngôn ngữ, số 14, trang 51 ® 58.


 Chú thích kí hiệu viết tắt:

 B, b: các tiếng có thanh bằng

 T, t : các tiếng có thanh trắc.

 


Powered by Froala Editor