Viện phương đông

3 năm trước

SỰ HÌNH DUNG KHÔNG GIAN TRONG NGHĨA BIỂU TƯỢNG CỦA THÀNH NGỮ

SỰ HÌNH DUNG KHÔNG GIAN TRONG NGHĨA BIỂU TƯỢNG CỦA THÀNH NGỮ

qua hai biểu tượng về “ứng xử đạo đức” và “ tự do”

(đã in trên Tạp chí Ngôn ngữ)

                                                         Hữu Đạt

Powered by Froala Editor

Để giúp các thầy cô tiếp cận bộ giáo trình mới về “Dạy tiếng Việt”, chúng tôi đăng tiếp bài phân tích về nghĩa biểu tượng của thành ngữ theo lý thuyết của Ngôn ngữ học tri nhận – một hướng lý thuyết hiện đại đang được chú ý hiện nay.

 


                                                             

I. Đặt vấn đề.

          1. Những năm gần đây, ngôn ngữ học tri nhận là hướng nghiên cứu  mới trong ngành ngôn ngữ học đã được giới nghiên cứu quan tâm chú ý. Trên thế giới đã có rất nhiều công trình thuộc thuộc loại này đi sâu vào phân tích các nguyên lý cơ bản trong việc định hướng không gian cũng như việc phản ánh nó trong ngôn ngữ [7], [9]... Ở Việt Nam, trong vài năm trở lại đây cũng đã có một số công trình khá công phu phân tích tiếng Việt theo hướng nghiên cứu khá mới mẻ  này [2], [11]. Trong đó, công trình [11] là công trình bàn khá nhiều đến vấn đề về định hướng không gian và cách phản ánh nó trong ngôn ngữ.

          Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì, trong quá trình nhận thức thế giới, không gian đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với tư duy của con người. Có thể nói, không có một sự vận động nào của tư duy lại không trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến cách tri nhận về không gian.

          Thuộc tính không gian không chỉ gắn với các từ theo cách miêu tả sự vật hiện tượng của mỗi một ngôn ngữ mà còn là con đường hình thành nên loại nghĩa biểu tượng trong các cụm từ cố định, trong đó có thành ngữ. Bởi thế, việc phân tích lý giải con đường hình thành ngữ nghĩa biểu tượng của thành ngữ có một vai trò rất quan trọng.

          2. Trong hệ thống thành ngữ tiếng Việt, các thành ngữ có các yếu tố/đơn vị chỉ không gian nói chung và liên quan đến cách tri nhận không gian nói riêng, chiếm một tỷ lệ rất lớn, gần như là đại đa số. Nội dung của các thành ngữ này cũng rất đa dạng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, phản ánh nhận thức của người Việt về nhiều phạm trù của đời sống và quá trình biểu tượng hoá thế giới xung quanh.

          Nhưng cách tri nhận về không gian trong thành ngữ được hình thành như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, về nguyên lý, cần chú ý đến hai con đường của nhận thức:

          2.1. Con đường nhận thức thế giới bằng kinh nghiệm chủ quan. Đây là con đường phản ánh giai đoạn thấp của nhận thức. Trong đó thế giới được  hình dung dưới dạng các ý niệm tương đối, mang đậm tính chủ quan, cảm tính. Nói theo cách nói của triết học, đó là cách nhận thức “ngây thơ” về thế giới.

          2.2. Con đường nhận thức thế giới bằng thực nghiệm khoa học. Đây là con đường phán ánh giai đoạn phát triển cao của nhận thức. Trong đó, thế giới được hình dung dưới dạng các khái niệm mang tính khoa học. Đây là cách nhận thức thế giới bằng lý tính.

          Trong hai cách trên, cách thứ nhất đặc biệt có vai trò quan trọng trong ngôn ngữ của đời sống thường nhật, nhất là trong hệ thống thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca.

II. Cách hình dung không gian trong thành ngữ tiếng Việt

          1. Mô hình không gian trong nhận thức cảm quan của người Việt

          Trong nhận thức cảm quan của người Việt cũng như của nhiêù dân tộc khác trên thế giới, không gian bao quanh con người được hình dung theo 2 dấu hiệu:

  1. Khoảng không gian

Khoảng không gian được tri nhận theo cảm giác đo bằng mắt và hình thành qua cặp đối lập: dài/ngắn, rộng/hẹp. Độ rộng hay độ dài được tri nhận bằng sự đối lập của cặp phạm trù: có giới hạn/ không giới hạn. Khoảng không gian có giới hạn được phản ánh bằng các từ: chừng, ước chừng, khoảng, ước khoảng, độ, ước độ, tầm (Vd: Thửa ruộng này rộng khoảng năm tầm dao quăng; Chừng năm thôi đường nữa thì đến bìa rừng…). Khoảng không gian không có giới hạn được biểu thị bằng các từ và cụm từ như: mênh mông, bất tận, bát ngát, thẳng cánh cò bay

b. Hướng không gian

Hướng không gian được xác định theo hệ toạ độ của thân thể người và được định vị qua các bộ phận của cơ thể. Phần không gian trước mặt (mắt nhìn thầy được) là phía trước. Phần không gian đối diện (mắt không nhìn thấy được) là phía sau. Lấy tay làm hệ toạ độ thì phần không gian ứng với tay phải là phía phải, ứng với tay trái là phía trái. Dùng đầu và chân làm hệ toạn độ sẽ có các hướng : phía trên, phía dưới. Như vậy, hướng không gian về cơ bản được tri nhận thep các cặp đối lập: trên/dưới; trước/sau; phải/trái.  ( xem thêm [11, 133-136]).

Hai dấu hiệu này được phản ánh vào trong ngôn ngữ qua cách định vị không gian và việc quan sát sự vận động của con người/vật thể với những đặc trưng nổi trội của chúng. Một cách khái quát, có thể hình dung như sau.

  1. Cách định vị không gian

Cách định vị không gian theo nhận thức cảm tính thường được hình thành  qua vị trí của vật chuẩn ( có thể là người nói hoặc một vật nào đó trong tầm mắt quan sát được). Với cách này, vị trí của không gian được hình dung theo các cặp đối lập: xa/gần; cao/thấp. Khi hình dung về vị trí của một vật nào đó ở xa hoặc gần, người nói lấy mình làm vật chuẩn - cơ thể của người nói được dùng làm hệ toạ độ gốc. Ngoài cặp từ xa/gần trong tiếng Việt còn dùng các cặp từ chỉ xuất như : này/kia; này/nọ; này/ấy; này/đó (đấy).

Cách định vị không gian còn được căn cứ vào đặc trưng của sự vật. Thông thường, sự vật được hình dung theo  tính chất có độ rỗng hay không có độ rỗng. Ví dụ, vật có độ rỗng là vật mà trong nó có chứa một khoảng trống - tức một không gian lớn hoặc nhỏ (ví dụ: các sự vật như bình, lọ…). Vật không có độ rỗng là vật mà trong nó không chứa một khoảng không gian nào (ví dụ: khúc gỗ, viên gạch, hòn đá…). Đối với các vật có độ rỗng, đường viền bao quanh nó được coi là hệ toạ độ gốc để qui chiếu đối tượng. Theo cách này ta có các cặp từ kiểu như trong/ngoài. Từ cách hình dung không gian theo cảm giác (quan sát bằng mắt) như vậy, người ta mở rộng, dùng hệ toạ độ gốc là đường viền bao quanh sự vật để định vị không gian theo bề mặt của sự vật (ví dụ: Trong sân/ngoài sân, trong bàn/ngoài bàn…).

  1.  Cách hình dung sự vận động/di chuyển trong không gian

Mọi vật trong thế giới không phải lúc nào cũng đứng yên mà luôn luôn vận động. Sự vận động này có thể là tự thân (chẳng hạn, sự di chuyển của người hay động vật từ vị trí không gian này sang vị trí không gian khác), có thể là do tác động từ bên ngoài (chẳng hạn, con thuyền trôi trên sông…). Các quá trình thay đổi vị trí không gian như vậy được phản ánh trong ngôn ngữ bằng các từ như: qua, sang, tới, đến… Đó là các động từ chỉ sự vận động rời chỗ được gọi chung là từ chỉ hướng trong tiếng Việt.

Ngoài ra, sự vận động trong không gian của một vật thể còn được phản ánh qua hệ thống các động từ. Chẳng hạn, ta có một loạt các động từ chỉ hoạt động của tay sử dụng một thứ công cụ nào đó như: chặt, cắt, chém, bổ, đâm, phang… đây là những từ gần nghĩa. Vậy sự phân biệt ngữ nghĩa  (phân biệt các nét nghĩa) giữa chúng thể hiện như thế nào? Chẳng hạn, “chặt” và “đâm” giống nhau là đều dùng động tác mạnh (dùng lực của chủ thể), nhưng khác nhau ở đặc trưng vật thể của công cụ và hướng di chuyển trong không gian của nó. Đối với “chặt”, đặc trưng vật thể của công cụ dùng hành động là có thể nhọn hay không nhọn nhưng phải to và nặng. Còn đối với “đâm” thì đặc trưng vật thể của công cụ dùng hành động là nhọn và nhỏ. Xét về hướng di chuyển trong không gian thì “chặt” là một hành động mà công cụ (dao, búa, kiếm..) được di chuyển chủ yếu theo hướng thẳng đứng hay hướng nghiêng từ trên xuống. Còn “đâm” là hành động mà công cụ được di chuyển chủ yếu theo hướng nằm ngang đối với tư thế của chủ thể hành động. Khi hành động chuyển sang hướng khác, thì bắt buộc phải có các từ chỉ hướng đi kèm như: đâm lên, đâm xuống. Nếu so sánh “chặt” và “bổ” bức tranh sẽ trở nên phức tạp hơn. “Chặt” và “bổ” giống nhau ở chỗ: cùng phải dùng một lực mạnh để tác  động làm cho đối tượng bị chia nhỏ ra  (công cụ phải nặng và to), nhưng khác nhau ở hướng di chuyển trong không gian của công cụ hành động. “Chặt” là hành động mà công cụ có thể di chuyển theo hướng thẳng đứng, nghiêng hay ngang, “bổ” thì hướng di chuyển của công cụ chỉ theo hướng thẳng đứng…

Tương tự như vậy, sự vận động trong không gian còn được phản ánh qua một loạt các động từ như:  đi, lại, chạy, nhảy, múa

1.3. Cách hình dung sự chiếm chỗ trong không gian

Ngoài các cách nhận thức vừa nêu trên, trong cuộc sống hàng ngày con người còn nhận thức về các sự vật, hiện tượng theo sự chiếm chỗ trong không gian. Theo cách này, sự vật được tri nhận ở các mức độ khác nhau và được phản ánh qua các cặp từ: Dày/mỏng, rộng/hẹp, to/nhỏ ( ví dụ: Miếng gỗ này dày, còn miếng kia mỏn. Căn phòng này rộng. Chiếc xe này to, còn chiếc xe kia nhỏ) bằng phẳng/mấp mô… Sự chiếm chỗ không gian khác nhau sẽ tạo nên các hình dáng khác nhau của các vật thể.

Có thể nói, sự hình dung không gian được phản ánh trong ngôn ngữ là kết quả của một quá trình nhận thức cảm tính dưới dạng tri giác và biểu tượng kết hợp với năng lực tư duy của con người đã phát triển ở trình độ cao. Đây là một vấn đề khá lý thú của ngôn ngữ học tri nhận đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập như Shemjakin.Ph.K.(1977), Akhundov.M.D (1982),Kolshanskji G.V.(1990)…

2. Mô hình không gian trong quá trình hình thành nghĩa biểu tượng của thành ngữ tiếng Việt

Trong kho tàng tiếng Việt có rất nhiều thành ngữ hình thành dựa theo các mô hình không gian được người Việt tri nhận như là các yếu tố cơ bản của cấu trúc thành ngữ. Tuy nhiên, có thành ngữ thì mô hình không gian được hiện ra rõ ràng, có thành ngữ mô hình không gian lại không dễ nhận thấy mà phải trừu xuất qua con đường tư duy trừu tượng. Nói một cách khác,  từ các mô hình không gian, trong quá trình tri nhận thế giới, người ta đã tạo nên các nghĩa biểu tượng khác nhau cho thành ngữ. Quá trình biểu tượng này là một quá trình phức hợp. Chúng ta có thể khái quát và tập hợp thành các kiểu dạng khác nhau để mô tả và phân tích chúng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào miêu tả và phân tích một số kiểu dạng thuộc 2   nhóm biểu tượng:

- Biểu tượng về đạo đức, ứng xử

- Biểu tượng về tự do

2.1 Biểu tượng về giáo huấn đạo đức, ứng xử

Ví dụ:

(1) Có trên, có dưới

(2) Chị ngã em nâng

(3) Nhìn trước ngó sau

(4) Trông trước trông sau

(5) Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường

(bt: Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ biết đâu).

(6) Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại

(7) Lắm sãi không ai đóng cửa chùa

(8) Cả vú lấp miệng em…

Nghĩa biểu tượng của các thành ngữ vừa nêu đều có liên quan gián tiếp đến cách tri nhận không gian của người Việt, nhưng mức độ lại hoàn toàn khác nhau.

Ở ví dụ (1) cặp từ trên/dưới vốn là biểu hiện của một cách hình dung về không gian theo trục thẳng đứng qua phương pháp định vị không gian lấy cơ thể làm hệ toạ độ chuẩn tắc chuyển sang biểu hiện về vị trí/địa vị xã hội. Đây là sự chuyển hoá ý nghĩa theo phạm trù: từ phạm trù không gian sang phạm trù xã hội. Cách hình thành nghĩa biểu tượng của nó hoàn toàn khác với ví dụ (3) và (4), mặc dù thoạt nhìn ta có cảm tưởng giữa chúng có sự giống nhau. Ở (3) và (4), thành ngữ được hình thành bằng việc sử dụng các cặp từ trước/sau vốn là các từ biểu hiện cách hình dung không gian theo trục ngang qua phương pháp định vị lấy cơ thể làm hệ toạ độ chuẩn tắc. Nhưng nghĩa biểu tượng của các thành ngữ này lại là sự khái quát hoá với ý nghĩa là cần phải “xem xét toàn diện”, “suy nghĩ kỹ càng” trước khi hành động hoặc làm một việc gì đó.

Tương tự như vậy, các ví dụ (5), (6), (7) cũng là các thành ngữ được cấu tạo trên cớ sở loại suy từ cách định vị không gian của người Việt ( xem mục 1.1) nhưng con đường hình thành nghĩa biểu tượng của mỗi thành ngữ ở đây lại khác nhau. Chẳng hạn, con đường hình thành nghĩa biểu tượng của (5) là: Từ cách định vị không gian được biểu thị bởi cặp từ trong/ngoài, người nói liên tưởng để tạo ra ý nghĩa thuộc phạm trù xã hôi. “Trong nhà” ở đây được hiểu là “người trong gia đình”, còn “ngoài ngõ” được hiểu là         “người ngoài” không có quan hệ thân thích. Rộng ra nữa là “người trong cuộc” (nội bộ) và “người ngoài cuộc”. Vậy ý nghĩa chung của thành ngữ là  phê phán người nào đó “Không giữ được bí mật chuyện nội bộ, những người khác trong cuộc còn chưa được biết mà những người ngoài cuộc đã tỏ tường”. Với (6) và (7), thoạt nhìn ta khó tìm thấy mối liên hệ của các thành ngữ này với cách tri nhận không gian. Nhưng xem xét kỹ, ta sẽ thấy ở đây có vấn đề. Chẳng hạn, trong (6), “hàng xóm” được hiểu là những người sống xung quanh mình trong khoảng cách gần. Khoảng cách này không thể đo đếm chính xác mà được hình dung theo cách định vị tương đối: “hàng xóm là những người sống gần ở bốn phía quanh ta”. Đó là những người không chỉ gần gũi ta về khoảng cách không gian mà còn gần gũi ta về tình cảm, về sự chia sẻ với nhau những cay đắng, ngọt bùi. Vì thế có câu Bán anh em xa mua láng giềng gần. Theo cách đó, ý nghĩa biểu tượng của câu thành ngữ này chính là sự phê phán về lối sống thiếu đạo đức: “dửng dưng, thờ ơ lạnh lùng trước hoạn nạn của người có quan hệ gần gũi với mình (nếu đã như thế thì sẽ vô trách nhiệm với cả xã hội!). Đó là cách sống của những kẻ ích kỷ không thể chấp nhận được”. Tương tự như vậy, với (7), cụm từ “cửa chùa” ở đây không có nghĩa là “cái cửa” của “ngôi chùa” cụ thể.“ Chùa” ở đây được hình dung như là một “không gian chung”, là nơi thờ Phật luôn cần được các sãi trông coi, bảo vệ”. Từ ý nghĩa này, nghĩa biểu tượng của cả thành ngữ sẽ là “nhiều người cùng  làm một việc mà không có sự phân công người chịu trách nhiệm chính thì sẽ dẫn đến tình trạng dựa dẫm, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, kết cục vẫn chẳng có ai làm”. Khác với 6 ví dụ vừa phân tích, các ví dụ (2) và (8) lại liên quan đến cách tri nhận không gian theo một cách khác. Ở đây, cách hình dung không gian lại thể hiện qua các từ “nâng” và “lấp”. Theo Từ điển tiếng Việt [14], “nâng” có 2 nghĩa: 1 dùng tay đưa một vật lên cao. 2 đỡ dậy. Cả hai nghĩa này đều liên quan đến cách hình dung về hướng chuyển động của vật thể trong không gian. Cụ thể là phải dùng lực của tay để đưa một vật chuyển động theo phương thẳng đứng từ thấp lên cao. Còn “lấp” theo [14] có 3 nghĩa. Trong đó 2 nghĩa thứ nhất và thứ hai được giải thích như sau: 1 Đổ đầy làm cho mất chỗ trũng, chỗ hổng: lấp ao làm nhà. 2. Che kín, che khuất đi: cỏ mọc lấp cả lối đi. Hai nghĩa này liên quan đến 2 cách hình dung không gian là hướng không gian và khoảng không gian (ở đây là sự choán chỗ không gian). Khi “lấp” là động từ chính, nó biểu thị một hành động đưa sự vật di chuyển từ cao xuống thấp theo phương thẳng đứng (hoặc nghiêng) lấp ao, hoặc theo phương nằm ngang Bế Văn Đàn lấp lỗ châu mai. Khi “lấp” là động từ phụ đi kèm sau động từ chính (che lấp, mọc lấp), nó biểu thị kết quả của sự choán chỗ không gian giữa sự vật này và sự vật khác. Như vậy, ý nghĩa biểu tượng của các thành ngữ “chị ngã em nâng” và “cả vú lấp miệng em” được hình thành bằng hai con đường khác nhau. Theo nghĩa đen, nghĩa trực tiếp thì “chị ngã em nâng” là “chị đỡ em do bị ngã để cho em trở lại tư thế bình thường như cũ”, còn  “cả vú lấp miệng em” được hiểu là: “vú to thì bịt kín cả miệng con trẻ” hoặc “đưa hết bầu vú vào miệng con trẻ khiến trẻ không thể bú được”. Từ các ý nghĩa này, một ý nghĩa khác- nghĩa biểu tượng của hai thành ngữ  trên được hình thành:

Chị ngã em nâng: “hành động thương yêu giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn”.

Cả vú lấp miệng em: “Nói át đi làm cho người khác không phản ứng lại được”.

2.3 Biểu tượng về tự do

Ví dụ:

  1.  Cá chậu chim lồng/chim lồng cá chậu
  2. Chó nằm gầm chạn
  3. Kiến trong miệng chén
  4. Cá nằm trên thớt
  5. Cá mắc câu
  6. Như chim sổ lồng
  7. Chó sổ cũi
  8. Thoả chí tang bồng
  9. Đội trời đạp đất

Các ví dụ vừa nêu trên đều có ý nghĩa biểu tượng nói về tự do nhưng theo khuynh hướng nghĩa ngược nhau. Trong đó, các câu từ (9) đến (13) biểu thị sự mất tự do, các câu còn lại biểu thị ý nghĩa ngược lại. Tuy nhiên, ý nghĩa biểu tượng trong các ví dụ (13), (14), (15), (16) cũng lại có sự tách biệt: Các câu (14) và (15) đồng nghĩa với nhau, cùng chỉ tình trạng “con người thoát khỏi ràng buộc để trở về với bình thường”, còn nghĩa của các câu (16) và (17) nói về  người có hoài bão, có tư tưởng lớn “được hoàn toàn tự do hành động theo ý muốn mà không bị bất cứ  một sự ràng buộc hay cản trở nào”.

Xét về cách tri nhận không gian, ý nghĩa biểu tượng của cả 9 ví dụ trên lại được hình thành theo các chuẩn tắc khác nhau. Các câu (9), (10), (11), (12) đều liên quan đến cách hình dung chung về khoảng không không gian hẹp, nhưng giữa chúng lại có sự khác nhau về đường viền bao quanh không gian chứa con vật. Ở câu (11) đường viền không gian được hình dung dưới dạng hình tròn tạo nên nghĩa bóng “luẩn quẩn, không lối thoát”. Ở câu (12), đường viền không gian không được định vị theo một hình dạng cụ thể  (tròn, hay vuông…) mà được hình dung “đó là khoảng không không chứa nước”. Đó là chỗ người ta dùng để mổ cá. Từ đó, câu này hình thành nên nghĩa bóng là ai đó đang ở trong “tình thế sắp bị chết/bị giết” hoặc ở trong “tình trạng rất nguy hiểm”. Các câu (9) và (10) lại liên quan đến sự hình dung không gian của người nói theo cách khác. Ở (9), không gian được hình dung theo đường viền của “một vật rỗng chứa không gian nuôi sống con vật nhưng có kích thước nhỏ hẹp”. Cách hình dung này làm cho nó không có nét nghĩa “chứa đựng tình trạng nguy hiểm” như câu (12).  Xét về hình thức, cái chậu và cái chén có đường viền không gian trên “miệng”giống nhau ( chỉ khác nhau về kích thước). Nhưng ở (12) đường viền không gian của “miệng chén” có tính nổi trội với đặc trưng “hình tròn”. Còn ở (9), đường viền “miệng chậu” không phải là đặc trưng nổi trội. Tính nổi trội ở đây lại là khoảng không gian của nước, vật được chứa trong chậu (hẹp, nhỏ). Khoảng không gian này không làm cho cá có thể thoả mái  bơi lội theo đời sống tự nhiên của nó. “Cá chậu” được ghép với “chim lồng” làm thành một thành ngữ đối gồm hai về đối ứng với nhau, cùng để ví cảnh bị giam cầm, tù túng. Cách hình dung không gian ở câu (10) cũng liên quan đến khoảng không gian có tác dụng/ảnh hưởng đến môi trường hoạt động của con vật. Thành ngữ này có nhiều biến thể ngữ nghĩa (gọi là các câu đồng nghĩa): “Chó nằm gậm giường, chó chui gầm chạn, chó chui gầm giường”. Ở đây, khoảng không gian được qui chiếu với “chạn”/ “giường”. Đó là các sự vật mà dưới nó có một khoảng không gian rất chật hẹp để loài chó thường nằm nghỉ hoặc ẩn nấp trốn tránh (khi ở vị trí không gian này chó rất khó hoặc không thể nào xoay sở hoạt động được (Vd, không thể đứng thẳng và vươn cổ được để sủa). Từ đó, hình thành nên nghĩa biểu tượng là “không được tự do/mất tự do”. Cái ý nghĩa biểu tượng này hoàn toàn khác với ý nghĩa biểu tượng trong câu “chó nằm trong cũi” (tương đương với “chim trong lồng”).

Qua những điều phân tích ở trên có thể kết luận rằng, cách hình dung không gian của người Việt có liên quan khá chặt chẽ đến quá trình hình thành nghĩa biểu tượng của thành ngữ. Bởi thế, nó chính là nhân tố ngữ nghĩa bên trong của cấu trúc thành ngữ mà khi miêu tả phân tích hay giảng dạy cho người học tiếng Việt, ta không thể không chú ý đến.

          

          --------

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Trần Văn Cơ, Ngôn ngữ học tri nhận ghi chép và suy nghĩ (2007). Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  3. Hữu Đạt (2007),Thử áp dụng lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận vào việc phân tích nhóm từ đồng nghĩa chỉ sự vận động “rời chỗ” trong tiếng Việt. Tạp chí Ngôn ngữ, số 11.
  4. Nguyễn Thiện Giáp (1975), Khái niệm về thành ngữ tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.
  5. Hoàng Văn Hành (2004), Thành ngữ học tiếng Việt. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  6. Leontev, A.A. (1983), Formy sushestvovanija znachenija (1983), trong “Psikholingvisticheskie problemy semantiki”, Matxcơva.
  7. Hồ Lê (2004), "Lô gích không gian", "Lô gích thời gian" trong "Qui luật ngôn ngữ". Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  8. E.M. Menigkova (1974), znachenie slova i metodư ego opisanija.Vưssaja skola, Matxcơva.                       
  9. Nguyễn Phú Phong (2002), Chương IX "Không gian và thời gian" trong " Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt". Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  10.  Lý Toàn Thắng (2005), Ngôn ngữ học tri nhận, Từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  11.  Lê Quang Thiêm (2008), Ngữ nghĩa học. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  12. Từ điển tiếng Việt (1994) Nguyễn Như Ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  13. Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt (1998) Nguyễn Như Ý (chủ biên), Hoàng Văn Hành. Lê Xuân Thại. Nguyễn Văn Khang. Phan Xuân Thành. Nxb Giáo dục, Hà Nội.

                                           

 

 

Powered by Froala Editor