Viện phương đông

3 năm trước

Thơ Thiền và thơ hình họa

TS. Mông Lâm là một trong các chuyên gia Việt ngữ học được đào tạo bài bản tại Trung Quốc. Không những là người giỏi tiếng Việt, Mông Lâm còn là người am hiểu sâu sắc về văn học, văn hóa Việt Nam. Bài viết sau đây của chị được rút ra từ đề tài nghiên cứu về thơ chữ Hán Việt Nam của Trường Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông, Trung Quốc, giai đoạn trung kỳ. Bài viết này đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống số 8/2019. Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Powered by Froala Editor

Trường Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông, Trung Quốc 

 

GIÁ TRỊ NHÂN VĂN TRONG 3 BÀI THƠ THIỀN CỦA HỮU ĐẠT

VÀ ĐIỂM KHÁC BIỆT SO VỚI THƠ THIỀN THỜI TRUNG ĐẠI

 

TS. Mông Lâm

                               

Tóm tắt: Bài viết này phân tích giá trị nhân văn trong bài thơ Thiền của Hữu Đạt. Bài viết cũng phân tích những nét đặc sắc về ý thơ, chất liệu thơ, tư tưởng thơ, điểm khác biệt trong thơ Thiền của Hữu Đạt so với thơ Thiền thời trung đại (của Mãn Giác thiền sư và Không Lộ thiền sư): những trăn trở, suy tư về hai cõi (cõi đời cõi tu), về nhân sinh hòa trộn trong tâm tưởng về số phận mệnh – duyên nghiệp quả của con người với cửa Phật. Kết quả phân tích cho thấy thơ Thiền của Hữu Đạt mang cả luồng gió thời đại mới ùa vào trong không gian thơ Thiền, góp phần tạo nên vị thế đặc biệt, độc đáo của thơ Thiền thời nay. Đọc thơ Thiền của Hữu Đạt, độc giả cảm nhận được sự an lành, nhẹ nhàng. Những bài thơ Thiền như suối nguồn ánh sáng trong mát cho tâm hồn của con người, làm cuộc sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.

Từ khóa: thơ Thiền, giá trị nhân văn, cửa Phật.

 

Bài toàn văn:

1. Dẫn nhập

Thơ Thiền xưa và nay luôn chứa đựng những giá trị sâu sắc về nhân sinh. Những giá trị nhân văn trong thơ Thiền tạo ra những dư âm tĩnh tại, làm tĩnh lặng cõi lòng của độc giả. Thơ Thiền hướng con người tới những điều thiện, những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thơ Thiền đã góp phần tạo nên dòng chảy tràn đầy nhựa sống, chan chứa niềm lạc quan cho con người trong cõi trần gian. Bài viết này phân tích giá trị nhân văn trong ba bài thơ Thiền của Hữu Đạt và điểm khác biệt so với thơ Thiền thời trung đại (của Mãn Giác thiền sư và Không Lộ thiền sư).

2. Giá trị nhân văn trong ba bài thơ Thiền của Hữu Đạt

Ở thời trung đại, một số nhà thơ đã làm thơ Thiền. Dòng thơ Thiền tuôn chảy đến thời hiện đại. Các nhà thơ thời nay, vừa có tư tưởng hiện đại theo phong cách Âu châu, vừa có sự chiêm nghiệm theo phong cách phương Đông. Thơ Thiền thời nay vẫn tiếp nối giá trị nhân văn của thơ Thiền thời xưa, đồng thời cũng có những câu chữ, hình ảnh mới mẻ của luồng gió thời đại mới. Trong số đó có tập “Thơ Thiền và thơ hình họa” của Hữu Đạt (sinh năm 1953) được xuất bản năm 2019 mang dấu ấn của tư tưởng Phật giáo, có giá trị nhân văn sâu sắc, tạo nên “một lối đọc, lối cảm thơ theo cách mới” (trích lời tựa của tác giả tập thơ). Trong tập thơ có 14 bài thơ thể hiện tâm thế của người hướng tới không gian Phật giáo, ở các góc độ khác nhau. Điều đó mang tới cho tập thơ một không gian thiêng liêng của cõi tu hành, thể hiện sự tĩnh tâm của người sáng tác. Chúng tôi lựa chọn, phân tích giá trị nhân văn trong 3 bài thơ “Hội ngộ”, “Hữu duyên” và “Nhân duyên”.

Bài “Hội ngộ” là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt có một khổ thơ:

Hữu duyên tự cổ nay tìm tới

Chẳng phải Bồng lai cũng Thánh đường

Mong phước ngàn cao luôn tỏa sáng

Soi đường tăng bước giữa mù sương.”

        Trong bài thơ có trường từ vựng thuộc về Phật giáo: hội ngộ – hữu duyên – Bồng lai – phước – ngàn cao – đường tăng. Tên bài thơ đã hướng tới chữ “duyên” giữa con người với con người. Con người phải có duyên thì mới hội ngộ. Nhờ có nhân duyên, có “sự sắp xếp” của trời đất, của số phận, của vận mệnh mà con người mới hội ngộ được với nhau. Trong cái duyên ấy có cả “hữu duyên” và “vô duyên”. Nhà thơ đã hướng tới sự “hữu duyên” của con người, của cuộc đời. Sự “hữu duyên” ấy có thể phải qua nhiều kiếp, qua nhiều đời, vượt thời gian và không gian (tự cổ) để đến khi đủ duyên thì mới có hội ngộ. Đó là sự hội ngộ tự nhiên, thuận theo duyên mà đến (nay tìm tới). Từ cái “hữu duyên” trong đời, nhà thơ hướng tới “hữu duyên” trong cõi thượng giới, trong không gian thiêng liêng “Bồng lai – Thánh đường – ngàn cao”. Người tu hành (đường tăng) hướng về con đường phía trước với niềm tin về phước lành cho nhân gian, cho cõi đời, cho nhân sinh (Mong phước ngàn cao luôn tỏa sáng), để nhân gian có được tương lai tươi sáng, tốt lành. Với các tăng sinh, kiến thức nhà Phật là vô biên (bước giữa mù sương) nhưng họ vẫn tràn đầy một niềm tin và hy vọng: đi theo ánh sáng của nhà Phật với lòng từ bi, bác ái, nhân văn, vì con người, hướng tới con người, vì nhân sinh được an lành (phước ngàn cao luôn tỏa sáng). Không chỉ các tăng sinh mà những con người nơi trần thế cũng hướng tới ánh sáng diệu kỳ của lòng từ bi, bác ái của nhà Phật. Đó là con đường hướng tới những điều thiện, những điều tốt lành để cuộc sống đẹp hơn, nhân văn hơn. 

Bên cạnh đó, bài “Hữu duyên” cũng thể hiện tư tưởng hướng tới cõi tu nơi cửa Phật, hướng tới quyết tâm “tầm sư học đạo” của người có “duyên” với đạo Phật:

Một thời em còn là thiếu nữ

Hữu duyên tìm đến chốn thiền tu

Tịch mịch ngàn sương chưa tỏ đất

Bóng em đã rạng dưới sân chùa

 

Lá rụng đầy sân em quét lối

Tầm sư học đạo chín tầng cao

Cõi tu cửa Phật thênh thang rộng

Thiền viện em đi chọn cửa nào?”

Bài thơ vừa có chất đời, vừa có chất thiền. Khổ thơ đầu là bước chuyển tiếp từ không gian Đời sang không gian Đạo. Tuổi thanh xuân là lứa tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ nhưng vì “hữu duyên” mà người thiếu nữ “tìm đến chốn thiền tu”. Sự “hữu duyên” ấy tỏa sáng soi đường cho người thiếu nữ, hòa quyện vào không gian rạng ngời có bóng dáng của người thiếu nữ: ánh sáng của nhà Phật, của “duyên” với cửa Phật đã bao phủ không gian nơi sân chùa (Bóng em đã rạng dưới sân chùa) dù không gian của thiên nhiên vẫn còn chưa tỏ trong màn sương tịch mịch. Khổ thơ thứ hai làm cho người đọc liên tưởng tới tích “Quan Âm Thị Kính” bởi hình ảnh “Lá rụng đầy sân em quét lối”. Từ một việc quen thuộc nơi sân chùa (quét lá sân chùa), người “hữu duyên” với cửa Phật vươn tới khát vọng được học Đạo ở “chín tầng cao”. Không gian Đạo được khắc họa rõ nét trong khổ thơ thứ hai:

Tầm sư học đạo chín tầng cao

Cõi tu cửa Phật thênh thang rộng

Không gian Đạo mở rộng cửa để đón những người “hữu duyên” với cửa Phật. Cõi tu hành hướng tới cửa Phật, hướng tới điều thiện, hướng tới sự bình an, thanh thản, rộng thênh thang, mở ra một không gian bất tận cho con người hướng tới. Nhà thơ đã đưa độc giả vào một không gian yên tĩnh của chùa chiền, của cõi lòng (tịch mịch), có sự mờ ảo của chốn linh thiêng (màn sương), có không gian tôn nghiêm (sân chùa). Trong không gian yên tĩnh, linh thiêng, tôn nghiêm ấy, tâm tư của người “hữu duyên” với cửa Phật (và cũng là của nhà thơ) hướng tới cõi tu hành (tầm sư học đạo) và cảm nhận được con đường phía trước là con đường không giới hạn, càng đi càng được rộng mở (chín tầng cao – cõi tu – cửa Phật – thiền viện). Câu hỏi tu từ ở cuối bài thơ thể hiện sự đồng cảm với người thiếu nữ “hữu duyên” với cửa Phật:

“Thiền viện em đi chọn cửa nào?”

Người thiếu nữ đã nguyện “quét lối” nơi sân chùa nhưng vẫn được lựa chọn. Đó là sự lựa chọn giữa cõi đời (cửa đời thường)cõi tu hành (cửa Phật). Dường như, nhà thơ có chút bâng khuâng về sự lựa chọn của người thiếu nữ ở tuổi thanh xuân, một sự lựa chọn khó khăn giữa hai cõi, hai cửa, hai con đường. Sự lựa chọn đó quyết định số phận, vận mệnh cả đời của người thiếu nữ. Nhưng người “hữu duyên” với cửa Phật, lòng nhẹ như gió như mây trời, sẽ thanh thản lựa chọn bước theo con đường thênh thang của cõi tu, tu giữa cõi đời để đến với Đạo.

Một bài thơ khác của nhà thơ Hữu Đạt Nhân duyên”, cũng hướng tới sự đồng cảm với những người thiếu nữ trẻ đã sớm thành ni cô ở cõi tu hành:

Nhớ ngày nào em còn rất trẻ

Tung tăng theo mẹ viếng sư ông

Chùa làng thanh bạch trưa quạnh quẽ

Một bước nhân duyên đã say lòng

 

Nơi lạ mà sao thành quen thế

Em thành chú tiểu chốn thiền môn

Trang sách mở ra chưa kịp đọc

Thanh tịnh từ bi đã nhập hồn

 

Nghiệp có duyên sâu từ kiếp trước

Nên nay thành Quả trước thiền tu

Từ giã cõi đời nơi thế tục

Phát tâm em đã hóa ni cô.”

Bài thơ chìm đắm trong không gian chùa chiền và tâm linh: sư ông, chùa làng, chú tiểu, chốn thiền môn, ni cô. Nhà thơ thể hiện rõ tư tưởng về luật nhân duyên của đạo Phật: bước nhân duyên – nghiệp – duyên – duyên sâu – kiếp trước – Quả – phát tâm. Không gian của bài thơ là không gian linh thiêng của cõi tu hành: thanh bạch – quạnh quẽ – thanh tịnh – từ bi – đã nhập hồn. Bài thơ lắng đọng trong sự tương phản giữa hai cõi: cõi đời, thế tục và chốn thiền môn, thiền tu. Bài thơ như những dòng tâm sự đồng cảm với những chú tiểu, ni cô đã có “duyên” với cửa Phật từ khi còn rất trẻ, đã có nghiệp, có duyên sâu từ kiếp trước nên mới có “Quả” tu hành ở kiếp này. Không gian huyền ảo xuyên thời gian, xuyên không gian qua các kiếp bao phủ từng câu thơ, thể hiện tâm tư hướng tới cõi tu hành thanh tịnh từ bi của nhà thơ, của những người “hữu duyên” với cửa Phật. Nhà thơ đồng cảm với những chú tiểu, ni cô đã có số – phận – mệnh – duyên – nghiệp – quả với cửa Phật. Đồng thời, những vần thơ cũng thể hiện quan niệm về nhân sinh, về số – phận – mệnh – duyên – nghiệp – quả của con người trong cõi thế tục này. Giá trị nhân văn của bài thơ lắng đọng trong từng câu thơ, chất chứa trong những tâm tư, trăn trở về sự luân hồi, về luật nhân duyên của con người trong cuộc đời. Những tâm tư, trăn trở ấy thể hiện một tấm lòng luôn hướng về nhân sinh, day dứt với những thăng trầm, biến đổi và vận động của đời người, sự chuyển di của con người giữa hai cõi (cõi thế tục và cõi tu hành).

3. Điểm khác biệt trong thơ Thiền của Hữu Đạt so với thơ Thiền thời trung đại

Có thể nói, ba bài thơ của nhà thơ Hữu Đạt có những tư tưởng Phật giáo, chịu ảnh hưởng về tư tưởng Thiền, tiếp nối mạch giá trị nhân văn của dòng thơ Thiền thời xưa (thời trung đại ở Việt Nam). Nếu như hai bài thơ của Mãn Giác thiền sư (1052-1096) và Không Lộ thiền sư (mất năm 1119) thể hiện sự lạc quan và khát vọng vươn lên, chinh phục đỉnh cao trong thiên nhiên, cuộc sống của con người thì ba bài thơ Thiền của Hữu Đạt lại là những trăn trở, suy tư về hai cõi (cõi đời - cõi tu), về nhân sinh hòa trộn trong tâm tưởng về số – phận – mệnh – duyên – nghiệp – quả của con người với cửa Phật. 

Ở bài thơ “Cáo tật thị chúng”, Mãn Giác thiền sư khắc họa quy luật của vạn vật, của thiên nhiên và cuộc sống. Thời gian trôi chảy đi bất tận, tuần hoàn “xuân qua”  “xuân tới”, “trăm hoa rụng”  “trăm hoa nở”. Cặp từ tương phản “qua/tới”, “rụng/nở” đã khắc họa được sự khắc nghiệt của tự nhiên: thời gian trôi đi như tên bay, vạn vật đều có lúc phải thay đổi, phải vận động, không thể ngưng đọng lại được, mùa xuân này trôi qua, lại có mùa xuân khác đến, hoa có khi tàn và nở. Điều đặc biệt ở đây là thiền sư nói về sự mất mát trước (xuân qua, trăm hoa rụng), sự tái sinh sau (xuân tới, trăm hoa nở). Nếu đảo lại trật tự của hai câu này, nếu nói về sức sống của thiên nhiên trước (Xuân tới, trăm hoa nở) và sự tàn lụi của thiên nhiên sau (Xuân qua, trăm hoa rụng) thì người đọc không thấy được sự phát triển của thiên nhiên, vạn vật, cũng không thấy được tinh thần lạc quan chan chứa trong câu thơ. Nhưng thiền sư Mãn Giác đã vô cùng tinh tế khi miêu tả sự vận động của thời gian, của khung cảnh thiên nhiên bằng lăng kính lạc quan, hướng tới sự phát triển, sinh sôi không ngừng: xuân qua  xuân tới, “trăm hoa rụng” rồi mới đến “trăm hoa nở”. Tấm lòng yêu đời, yêu thiên nhiên, cảnh vật, cảm nhận sự chuyển động của thời gian, vạn vật theo hướng mở, hướng tới tương lai và sự phát triển của thiền sư đã làm câu thơ “thoát xác” khỏi thế giới hiện thực, đẹp tinh khiết. Từ quy luật của thiên nhiên, của mùa xuân, thiền sư Mãn Giác chuyển dòng chảy sang quy luật của xã hội, của cuộc sống con người:

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tòng đầu thượng lai

(Trước mắt, việc đi mãi,

Trên đầu, già đến rồi.) – Bản dịch của Ngô Tất Tố

Thiền sư khẳng định quy luật tất yếu của đời sống con người: mọi việc trong cuộc đời trôi qua trước mắt, mỗi người đều trải qua những giai đoạn khác nhau. Trước quy luật của thiên nhiên, của cuộc đời, thiền sư bình thản đến tĩnh lặng, sự bình thản ấy đối lập với sự vận động của thời gian. Tâm thế tĩnh của con người, của thiền sư chính là “ngọn lửa” soi đường, chế ngự sức mạnh vận động vô song của thời gian. Tâm hồn và tâm thế của con người tỏa sáng thanh cao, nhẹ nhàng, làm câu thơ giản dị bừng sáng ánh sáng của niềm tin, của sự tự tại, làm chủ tình huống. Điều đó cũng làm nên giá trị nhân văn cho bài thơ.

Ở bài “Ngôn hoài” của Không Lộ thiền sư, con người ở tư thế hiên ngang giữa bốn phương của đất trời, với tâm thế làm chủ không gian và thời gian:

Trạch đắc long xà địa khả cư,

Dã tình chung nhật lạc vô dư.

Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh,

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.”

(Chọn được đất long xà có thể ở được,

Tâm tình nơi đồng quê suốt ngày vui không chán.

Có lúc lên thẳng đỉnh núi chót vót,

Kêu lên một tiếng to làm lạnh cả bầu trời.)

Câu thơ “Kêu lên một tiếng to làm lạnh cả bầu trời” nhuốm màu khát vọng có được pháp thuật cao siêu của thiền sư, đồng thời cũng ngập tràn hào khí của thời đại độc lập, tự chủ dân tộc. Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước, diễn tả sự giao hòa giữa tâm hồn của con người và thiên nhiên, cuộc sống, góp phần tạo nên giá trị nhân văn cho bài thơ “Ngôn hoài” của Không Lộ thiền sư trong dòng chảy thơ Thiền thời Lý  Trần.

Thơ Thiền của Hữu Đạt đã kế thừa chủ đề, thi hứng của thơ Thiền thời trung đại, đặc biệt là thơ Thiền thời Lý Trần. Tuy vậy, thơ Thiền của Hữu Đạt có những điểm khác biệt so với thơ Thiền thời trung đại. Trong ba bài thơ Thiền của Hữu Đạt, những thuật ngữ của nhà Phật được “hồi sinh và hiện hữu” với mật độ khá dày đặc, được “biến hóa linh hoạt” trong những câu thơ, làm câu thơ gần gũi với tư tưởng, cách nghĩ, cách cảm nhận của người thời nay. Thơ Thiền của Hữu Đạt bám sát đời sống hiện thực, phản ánh những số phận cụ thể (các tăng ni trong bài “Hội ngộ”; người thiếu nữ quét lá rụng ở lối đi trong sân chùa, tầm sư học đạo chín tầng cao, hướng tới cõi tu cửa Phật thênh thang rộng trong bài “Hữu duyên”; chú tiểu, ni cô đã có duyên với cửa Phật từ khi còn rất trẻ trong bài “Nhân duyên”). Ý tứ, “cốt thơ” được bồi đắp nên bởi những sự kiện, “chất liệu thơ” có thực trong đời sống. Vì thế, vẫn là thơ Thiền nhưng thơ Thiền của Hữu Đạt mang cả luồng gió thời đại mới ùa vào trong không gian thơ Thiền, góp phần tạo nên vị thế đặc biệt, độc đáo của thơ Thiền thời nay.

4. Kết luận

Dù các nhà thơ xưa và nay sử dụng chất liệu thơ, thi pháp thơ khác nhau nhưng họ đều sáng tạo hết mình để tạo nên những bài thơ Thiền có giá trị nhân văn trường tồn với thời gian. Có thể nói, thơ Thiền của Hữu Đạt (thời hiện đại) và thơ Thiền của các thiền sư thời trung đại đều thể hiện tấm lòng hướng tới điều thiện, vì con người, vì nhân sinh. Thơ Thiền, theo dòng chảy của thời gian, vẫn luôn tỏa sáng chân tâm của các nhà thơ những người đã dành nhiều tâm sức với thế sự, thể hiện tình yêu quê hương tha thiết và sự đồng cảm với con người trong cuộc sống, hướng độc giả tới sự thanh cao, bình thản. Đọc thơ Thiền của Hữu Đạt, độc giả cảm nhận được sự an lành, nhẹ nhàng. Những bài thơ Thiền như suối nguồn ánh sáng trong mát cho tâm hồn của con người, làm cuộc sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.

Tài liệu tham khảo

1. Hữu Đạt (2000), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

2. Hữu Đạt (2017), Tiến trình phát triển và đổi mới Ngôn ngữ thơ Việt Nam từ sau 1986 đến nay, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Dương Quảng Hàm (1968), Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu xuất bản.

4. Nguyễn Thị Phương Thùy (2014), Xu hướng tự do hóa Ngôn ngữ thơ tiếng Việt thế kỷ XX, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật.

Tư liệu:

1. Hữu Đạt (2019), “Thơ Thiền và thơ hình họa”, NXB Hội Nhà văn.

2. Hai bài thơ: “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư và “Ngôn hoài” của Không Lộ thiền sư.

 
Thư viện Trường Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông, Trung Quốc 

 

Thông tin tác giả:

 

 

Họ và tên: Mông Lâm

Năm sinh: 12/1979.

Học vị: Tiến sĩ

Ngành: Văn học

Lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy:  Thơ chữ Hán Việt Nam, Văn học so sánh

Đơn vị công tác: Khoa tiếng Việt, Học viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông, Trường Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc.

Hướng nghiên cứu: ngôn ngữ và văn học tiếng Việt, trong đó chủ yếu là thơ chữ Hán và văn học trung đại Việt Nam.

Số điện thoại: +8613929531107

Địa chỉ email: 463023@qq.com 

作者简介:

姓名: 蒙霖

学历: 博士研究生

专业: 文学

研究方向:越南汉诗,比较文学

工作单位: 中国广东省广州市广东外语外贸大学东方语言文化学院越南语系

电话号码: +8613929531107

电子邮箱: 463023@qq.com

 

Powered by Froala Editor