Viện phương đông

3 năm trước

Thử áp dụng lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận vào việc phân tích nhóm từ đồng nghĩa với ý nghĩa vận động "rời chỗ" trong tiếng Việt.

Bài viết này của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt giúp người học tiếng Việt hiểu sâu về tiếng Việt khi nghiên cứu tiếp xúc văn hóa-ngôn ngữ.

Powered by Froala Editor

Thử áp dụng lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận vào việc phân tích nhóm từ đồng nghĩa với ý nghĩa vận động "rời chỗ" trong tiếng Việt.

(Đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ)

Hữu Đạt

 

I. Dẫn nhập

1. Trong những năm gần đây, sự ra đời của các lý thuyết nghiên cứu mới về ngôn ngữ đã có vai trò vô cùng quan trọng không những trong lĩnh vực nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ của mỗi một dân tộc mà còn góp phần tích cực vào việc dạy ngoại ngữ. Trong các lý thuyết đó phải kể tới lý thuyết Ngôn ngữ học tri nhận được hình thành vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Có thể nói, sự ra đời của lý thuyết Ngôn ngữ học tri nhận trong ngôn ngữ học hiện đại đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong nghiên cứu  ngữ nghĩa học. Giờ đây, nghiên cứu ngữ nghĩa từ vựng người ta không chỉ thuần tuý dựa vào cấu trúc hay chức năng mà còn dựa vào thói quen tri nhận của người bản ngữ về các hiện tượng thực tế khách quan trong quá trình củng cố các “ý niệm” trong những vỏ âm thanh tương ứng. Bởi vậy, một trong các lí luận cơ bản của Ngôn ngữ học tri nhận chính là sự ý niệm hoá và, nghiên cứu Ngữ nghĩa học không thể không chú ý tới quá trình ý niệm hoá được hình thành từ những kinh nghiệm tích luỹ của con người trong mối quan hệ tương tác với thế giới. Theo cách nhìn đó, ngữ nghĩa là một bộ phận của hệ thống ý niệm tồng thể chứ không phải là một bộ phận độc lập có tính tự trị.

          Khi nói tới Ngôn ngữ học tri nhận không thể  không nói tới quá trình tiếp cận hiện thực khách quan. Các nhà Ngôn ngữ học tri nhận đã nêu ra ba cách tiếp cận cơ bản (Xem thêm [13]) như sau:

a. Cách tiếp cận có tính kinh nghiệm

          Trong quan hệ tương tác với thế giới khách quan, con người luôn khám phá thế giới bằng việc tìm kiếm và phát hiện ra các thuộc tính của nó. Những thuộc tính được người nói miêu tả dường như phản ánh cái cách thức mà người nói tri nhận về thế giới đó. Đó chính là những kinh nghiệm mà anh ta tích luỹ được trong quá trình tiếp cận với hiện thực.

b. Cách tiếp cận theo mức độ nổi trội

          Trong rất nhiều thông tin nói về thuộc tính của sự vật, người nói cần phải chọn lựa những thông tin nào mà anh ta cho là cần thiết nhất và sắp xếp chúng lại để thông báo về sự vật, hiện tượng làm “nổi trội” điều mình muốn diễn đạt.

c. Cách tiếp cận tạo ra sự thu hút đối với người khác

          Một tập hợp các tri thức mà người nói có được về hiện thực khách quan được coi là một cái khung về thế giới hiện thực mà nhà ngôn ngữ học cần khảo sát để tìm ra những nguyên tắc, cách thức mà người nói lựa chọn để phản ánh thế giới hiện thực đó.

Như vậy, khi miêu tả ngữ nghĩa của một đơn vị nhất định, cần chú ý đến cả ý niệm lẫn khung. Chẳng hạn, ý niệm thầy không thể xác định được nếu thiếu khung trò, ý niệm chồng không thể xác định được nếu thiếu khung vợ, phụ nữ…

          Có thể nói đây là những nguyên lý rất quan trọng, người dạy tiếng cần trang bị cho người học để họ có thể nắm được một cách chuẩn xác ngữ nghĩa của từ cũng như cách sử dụng nó trong giao tiếp.

2. Từ đồng nghĩa trong hệ thống vốn từ và vai trò của nó

Từ đồng nghĩa trong hệ thống vốn từ

Khi phân chia hệ thống vốn từ người ta có thể đứng từ nhiều góc độ khác nhau. Có thể chia hệ thống vốn từ theo phạm vi sử dụng trong thực tế. Khi đó, ta sẽ có các lớp từ như: từ cổ, từ mới, từ lịch sử, từ hiện đại, từ địa phương, từ toàn dân (từ phổ thông), biệt ngữ, tiếng lóng… Khi chia hệ thống vốn từ theo các phong cách chức năng, người ta sẽ có các lớp từ như: từ chuyên dùng trong thơ ca, từ trong giao tiếp đời sống hàng ngày, các thuật ngữ khoa học… Khi phân chia từ vựng dựa vào hai mặt của tín hiệu ngôn ngữ là cái biểu đạt và cái được biểu đạt, người ta sẽ được các lớp từ như: từ đồng âm, từ đồng nghĩa, từ đa nghĩa, từ trái nghĩa… [1 ], [ 2 ], [ 5 ], [14].

          Như vậy, từ đồng nghĩa là một lớp từ vựng nằm trong hệ thống vốn từ của một ngôn ngôn ngữ nhất định. Nó là kết quả của việc phân chia hệ thống vốn từ dựa trên quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Trong bất cứ ngôn ngữ nào, từ đồng nghĩa cũng là một hệ thống khá phức tạp. Từ đồng nghĩa được hiểu là “các từ có vỏ âm thanh khác nhau nhưng cùng biểu đạt một nội dung ngữ nghĩa nhất định”. Nói gọn lại: từ đồng nghĩa là các từ khác nhau về âm thanh nhưng có cùng ý nghĩa [3 ], [4].

Vai trò của từ đồng nghĩa

          Trong hoạt động giao tiếp, từ đồng nghĩa có vai trò vô cùng quan trọng. Nó không những có tác dụng làm phong phú thêm những cách diễn đạt của người nói mà còn làm cho lời nói trở nên có hiệu lực hơn và “có văn hoá” hơn. Người nói khi giao tiếp biết sử dụng từ đồng nghĩa một cách hợp lý chính là đã thể hiện bản sắc của  truyền thống  văn hoá và thói quen giao tiếp của dân tộc.

Ví dụ. (1) Thưa bác, bác bao nhiêu tuổi ạ?

           (2) Thưa bác, bác mấy tuổi rồi ạ?

         (3) Này cháu, năm nay cháu lên bao nhiêu tuổi rồi?

           (4) Này cháu, năm nay cháu lên mấy tuổi rồi?

          Đối với người Việt Nam, việc phân biệt giữa (1) và (2), (3) và (4) không khó. Học sinh sau một, hai năm cắp sách tới trường là đã có thể phân biệt: (1) và (4) là những câu đúng, còn (2) và (3) là những câu sai. Điều này có thể thực hiện được dễ dàng là do sự tích luỹ kinh nghiệm trong giao tiếp của trẻ em với những người lớn nhờ quá trình tiếp cận hiện thực theo kinh nghiệm về tính “nổi trội”. Về cơ bản, nghĩa của từ bao nhiêu và từ mấy giống nhau ở chỗ đều dùng để chỉ số nhiều khi hỏi. Nhưng khi xuất hiện trong các câu hỏi về tuổi tác thì từ bao nhiêu gắn với khung “người lớn”, còn từ mấy thì gắn với khung “trẻ con”. Nghĩa là tính “nổi trội” của mấy là nghĩa số nhiều thuộc số lượng dưới chục (dưới 10), còn  tính “nổi trội” của bao nhiêu là nghĩa số nhiều thuộc số lượng trên chục (trên 10).

          Đối với người nước ngoài nói tiếng Việt, do không có quá trình tiếp cận mang tính “nổi trội” như vừa nói ở trên nên việc phân biệt mấy và bao nhiêu không đơn giản. Chẳng hạn, với các sinh viên người Anh, thì tính “nổi trội” của "how many" và "how much" lại không phải là số lượng dưới chục hay trên chục mà ở thuộc tính “đếm được” hay “không đếm được”.

          Cũng như vậy, với các sinh viên người Nga, trong quá trình tư duy vốn không có sự phân biệt thuộc tính “đếm được” hay “không đếm được”, cũng không có sự đối lập về tính “nổi trội” của cái khung “người lớn” và “trẻ con” trong ngữ nghĩa của đại từ để hỏi. Bất kể người được hỏi là người lớn hay trẻ con, thì đại từ dùng để hỏi vẫn là “Сколько”. Cái khung “người lớn” và “trẻ con” được đánh dấu bằng các đại từ nhân xưng ở cách 3: “вам” và “тебе”.

Người Trung Quốc cũng không có sự phân biệt giống như người Việt trong việc tách đối tượng được hỏi thành hai khung “người lớn” và “trẻ con” trong các câu hỏi về tuổi tác.

          Như thế, có thể  nói, cách thức phản ánh hiện thực khác nhau sẽ đưa đến sự miêu tả khác nhau về cùng một sự vật, hiện tượng hay thuộc tính nào đó. Sự khác nhau trong cách biểu đạt ngôn ngữ không chỉ phản ánh tâm lý dân tộc mà còn là những dấu hiệu về văn hoá, phản ánh thói quen, tập quán của một cộng đồng ngôn ngữ nhất định.

II. Phân tích nghĩa của nhóm từ đồng nghĩa với ý nghĩa vận động "rời chỗ" 

1. Ngữ nghĩa của từ "đi" 

Trong các từ có ý nghĩa vận động chỉ sự "rời chỗ", từ "đi" là từ trung tâm. Trong các ngôn ngữ, đây là động từ được sử dụng thường xuyên nhất. Tuy vậy, cách tri nhận về nó ở các ngôn ngữ lại không hoàn toàn giống nhau. Bởi vậy, khi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cần có sự phân tích để người học tránh lầm lẫn.

          Ví dụ.

          (5) Nó đi đến lớp.

          (6) Nó đi vào lớp.

          (7) Nó đi ra sân vận động.

          (8) Nó đi vào sân vận động.

          Trong tiếng Việt đó là những câu cùng chứa từ “đi” nhưng lại có nghĩa hoàn toàn khác nhau. Câu (5) và câu (6) có chung điểm đích của hành động là “lớp”. Giữa từ chỉ nơi chốn, địa điểm và động từ “đi” bao giờ cũng bắt buộc có giới từ. ở dây, sự khác nhau giữa (5) và (6) được nhận diện:

- Ở (5), chủ thể của hành động “đi” so với điểm đến “lớp” có một khoảng cách “xa” về không gian.

 (6), chủ thể của hành động “đi” so với điểm đến “lớp” có một khoảng cách “gần” về không gian.

          Như vậy, sự khác biệt trong việc dùng giới từ giữa các câu cùng chứa động từ “đi” phụ thuộc vào việc tri nhận khoảng cách không gian giữa chủ thể của hành động và điểm đến của hành động. Điều này hoàn toàn khác với cách dùng động từ “đi” trong bối cảnh tương tự ở tiếng Nga.

          Ví dụ: 

          (9) он идëт в класс (+). “Anh ấy đi đến lớp”

          (10) он идëт на класс (-).

          (11) он идëт на стадион (+). “Anh ấy đi đến sân vận động”

          (12) он идëт в стадион (-).

          Trong tiếng Nga, trường hợp (9) và (11) được coi là đúng, còn (10) và (12) bị coi là sai. Đối với người Nga, để phân biệt sự khác nhau của hành động “đi” tới một điểm X nào đó, thì “khoảng cách về vị trí không gian” giữa chủ thể hành động và điểm đến không quan trọng. Người Nga không có thói quen  tri nhận khoảng cách không gian mà tri nhận khoảng không gian “có mái che” hay “không có mái che” để phân biệt cách dùng các giới từ “в” và “на” (xem thêm [15]).

Như vậy, sự khác biệt trong việc dùng giới từ giữa các câu cùng chứa động từ “đi” phụ thuộc vào việc tri nhận khoảng không gian của điểm đến của hành động. Nếu điểm đến là khoảng không gian “có mái che” (như: trường, lớp, nhà máy, thư viện…) thì sau động từ “đi” bắt buộc phải dùng giới từ “в”. Ngược lại, nếu điểm đến là khoảng không gian “không có mái che” (như : sân vận động, con đường, nước ngoài…) thì sau động từ “đi” bắt buộc phải dùng giới từ “на”.

Trong tiếng Nga, từ “đi” ngoài nét nghĩa cơ bản còn thường được người bản ngữ tri nhận theo “khoảng cách không gian” và “cách thức hành động rời chỗ”. Bởi vậy, khi giao tiếp, trong hoàn cảnh thông thường, nếu hành động “rời chỗ” được thực hiện ở phạm vi không gian với “khoảng cách gần” thì bao giờ động từ được dùng trong câu cũng phải là động từ “идти” (đi bằng chân), còn hành động “rời chỗ” được thực hiện ở phạm vi không gian với “khoảng cách xa” thì bao giờ động từ được dùng trong câu cũng phải là động từ “eхаmь” (đi bằng xe).

Ví dụ:

(13)  Я иду в школа. “Tôi đi đến trường”.

(14) Я иду на стадион. “Tôi đi đến sân vận động”.

          Ngoài ra, khi biểu thị hành động, trong tư duy người Nga còn thường trực cách tri nhận về người thực hiện hành động, thời gian thực hiện hành động và kết quả thực hiện hành động. Do vậy, để dùng từ “đi” cho chính xác còn phải chú ý cả cách chia động từ theo ngôi, theo thời và theo thể.

2. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ "đi" .

          Từ "đi"  lúc đầu có ý nghĩa là chỉ một hành động từ “rời chỗ” của con người từ vị trí này đến vị trí khác. Về sau, do quá trình phát triển ngữ nghĩa, nó còn được dùng với nhiều nét nghĩa khác.

a. Chỉ hành động “rời chỗ” của sự vật “có động cơ”

         Ví dụ:

         (15) Con tàu đi trong đêm mưa.

      (16) Chiếc ca nô đi đã hai tháng mà chưa được thay dầu.

b. Chỉ sự di chuyển của một sự vật do tác động của con người

          Ví dụ.

          (17) Tôi đi con mã ( chơi cờ tướng, cờ vua).

c. Dùng kèm với một động từ khác nhằm nhấn mạnh hành động chính

          Ví dụ:

      (18) Nó mang/đem đi 6 triệu đồng, nhưng không mua được cái gì ra hồn cả.

d. Chỉ một hành động khuyến lệnh, thúc giục

          Trong trường hợp này, từ "đi" bị hư hoá về mặt nghĩa từ vựng để trở thành một từ chỉ có ý nghĩa ngữ pháp được gọi là “hư từ”.

          Ví dụ:

          (19) Thôi, học đi!

          (20) Khóc đi một lát cho thoả!

e. Chỉ phương tiện thực hiện hành động “rời chỗ”

          Ví dụ.

          ( 21)   - Họ đi xe hoả đến thành phố Hồ Chí Minh.

                    - Chúng tôi đi ca nô về Hải Phòng.

f. Chỉ công cụ bảo vệ tay, chân hoặc một bộ phận nào đó của cơ thể

          Ví dụ:

          (22) Chị ta đi đôi găng tay rất đẹp.

          (23) Hôm nay anh ấy đi đôi giày thể thao.

g. Chỉ sự ra đi vĩnh viễn ( trong trường hợp này, nghĩa của từ “đi” dùng

 để biểu thị cái chết )

          Ví dụ:

          (24)   Ông ấy vừa đi xong (vừa chết).

3. Nét nghĩa chung giữa từ "đi" và các từ trong nhóm đồng nghĩa

a. Với nét nghĩa cơ bản  là “rời chỗ đến một vị trí xác định”, từ "đi" có thể tham gia vào loạt đồng nghĩa với các từ như: đến, sang, qua, vào… mặc dù với mỗi động từ này, người Việt đều có sự tri nhận khác nhau.

          Ví dụ.

          (25) Nó đi thư viện.

          (26) Nó đến thư viện.

          (27) Nó qua thư viện.

          (28) Nó sang thư viện

          (29) Nó vào thư viện.

          (30) Nó ra thư viện.

          (31) Nó lên thư viện.

          (32) Nó xuống thư viện.

          Thoạt nhìn ta có cảm tưởng các từ trên hoàn toàn có thể thay thế được cho nhau. Nhưng về bản chất, đó không phải là các từ đồng nghĩa hoàn toàn. Trên thực tế, những nhóm đồng nghĩa kiểu này rất hiếm. Do đó việc phân biệt giữa các từ đồng nghĩa hoàn toàn và các từ gần nghĩa là một trong các yêu cầu rất quan trọng trong phân tích ngữ nghĩa. Theo John Lyons (xem thêm [5],tr 77-82), các từ “được gọi là đồng nghĩa hoàn toàn" nếu và chỉ nếu chúng thoả mãn ba điều kiện sau:

(i) Tất cả nghĩa của chúng đều đồng nhất.

(ii) Chúng ta là đồng nghĩa trong tất cả các ngữ cảnh.

(iii) Chúng tương đương về nghĩa (tức nghĩa hay các nghĩa của chúng đồng nhất) trong tất cả các chiều kích của nghĩa, miêu tả và phi miêu tả".

          Theo cách  phân tích này thì một số cặp từ được hiểu là từ đồng nghĩa trong tiếng Anh, chẳng hạn như: big/large, chỉ là các từ đồng nghĩa bộ phận. Nghĩa là chúng chỉ có thể thay thế cho nhau trong một số văn cảnh nhất định.

          Ví dụ, trong hai câu sau các từ big và house được coi là đồng nghĩa vì chúng có thể hoán vị được cho nhau:       

                   (33) They live in a big house.

                   (33' ) They live in a large house.

                   (Họ sống trong một ngôi nhà lớn/rộng)

          Nhưng câu sau đây:

                   (34)  I will tell my big sister.

                   (Tôi sẽ kể cho bà chị/cô em to béo của tôi)

          thì lại không cho phép có sự hoán vị :

                   (34') I will tell my large sister.

          Tương tự như vậy, câu:

                     (35) You are making a big mistake.

                     (Anh/chị đang mắc một sai lầm lớn)

          cũng không cho phép có sự hoán vị :

                    (35') You are making a large mistake.

          Xem xét các ví dụ (26) và (27), ta thấy từ “đến”, từ “qua” cũng có nghĩa là “đi” nhưng được tri nhận bằng cách định vị không gian là “trong một phạm vi gần”. So sánh về ngữ nghĩa giữa “đi” “đến” và “qua” trong ví dụ (25) và (26), sẽ thấy sự khác nhau như sau:

“Đi”:            - rời chỗ đến một địa điểm (thư viện).

                     - phạm vị không gian: không xác định.

“Đến”:         - rời chỗ đến một địa điểm (thư viện).

                     - phạm vi không gian: có khoảng cách gần.

“Qua”:         - rời chỗ đến một địa điểm (thư viện).

                    - phạm vi không gian: có khoảng cách rất gần.

          Ở ví dụ (28), từ “sang” có nghĩa giống như từ “đi” và được tri nhận bằng cách định vị không gian tương tự với “qua” trong ví dụ (27). Ngoài ra, từ “qua” và từ “sang” còn được tri nhận là một hành động rời chỗ “vượt qua một khoảng trống, hay một sự ngăn cách”. Đây chính là những nét nghĩa làm cho các từ “qua”, “sang” có những phẩm chất ngữ nghĩa mà từ “đi” không thể có.

          So sánh các ví dụ:

          - Nó vừa qua sông  ( + ).

          - Nó vừa đi sông     ( - ) .

          - Nó đã qua đường ( + ).

          - Nó đã đi đường    ( - ).

          Các từ “vào” và “ra” ở ví dụ (29) và (30) cũng giống với từ “đi” ở nét nghĩa “rời chỗ đến một địa điểm xác định” nhưng được tri nhận theo cách định vị không gian tương đối của quan hệ phương hướng trên trục ngang: trong-ngoài, dựa vào vị trí của người nói. Cấu trúc nghĩa của các từ này có thể được mô tả như sau:

“Vào”:         - rời chỗ đến một địa điểm ( thư viện).

                    - hướng không gian “từ rộng...đến hẹp / từ ngoài...trong”, định                 vị theo trục ngang.

“Ra”:           - rời chỗ đến một địa điểm ( thư viện).

                    - hướng không gian “ từ hẹp...đến rộng / từ trong…ngoài”, định                  vị theo trục ngang.

          Các từ “lên” và “xuống” ở ví dụ (31) và (32) có cấu trúc ngữ nghĩa giống hệt các từ “ra” và “vào” ở các ví dụ (29) và (30), chỉ khác ở cách tri nhận về hướng không gian. Ở dây, hướng không gian được định vị theo trục dọc (phương thẳng đứng) chứ không phải theo trục ngang (theo phương nằm ngang). Cơ cấu nghĩa của các từ này có thể được mô tả như sau:

“Lên”:        - rời chỗ đến một địa điểm ( thư viện).

                    - hướng không gian “từ  dưới…trên”, định vị theo trục dọc.

                    - hướng không gian “từ  thấp…cao”, định vị theo trục dọc

"Xuống” :   - rời chỗ đến một địa điểm ( thư viện).

                  - hướng không gian “từ  trên…dưới”, định vị theo trục dọc.

                    - hướng không gian “từ  cao…thấp”, định vị theo trục dọc.

          Trong thói quen tư duy của người Việt Nam, cách tri nhận theo hướng không gian là nổi trội trong các từ “vào”, “ra” và “lên”, “xuống”. Đó là nguyên nhân làm cho các từ này có khả năng hư hoá để chuyển thành từ chỉ hướng vận động (xem thêm [7], [8]). Khi đó, chúng có thể kết hợp với từ “đi” để thành các động từ ghép: đi ra, đi vào, đi lên, đi xuống.

          Ví dụ:

          Nó đi ra ngoài vườn.

          Ông ta đi vào rừng.

          Cô ấy đi lên Tây Bắc.

          Họ đã đi vào thành phố Hồ Chí Minh.

       Như vậy, có thể nói rằng, việc áp dụng lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận để phân tích ngữ nghĩa của từ đồng nghĩa sẽ giúp chúng ta tách ra được các nét nghĩa tương ứng và các nét nghĩa khác biệt cũng như nguyên nhân dẫn đến các kết quả đó. Sự nhận diện chính xác những mối quan hệ giữa chúng rất hữu ích đối với việc dạy và học tiếng Việt.

            

-------

 

Tài liệu tham khảo chính.

1. Diệp Quang Ban. 2005. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Giáo dục,H.

2. Đỗ Hữu Châu. 1998. Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng. Nxb Giáo dục,H.

3. Hữu Đạt, Trần Trí Dõi, Đào Thanh Lan. 1998. Cơ sở tiếng Việt. Nxb Giáo dục,H.

4. Nguyễn Thiện Giáp. 1998. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại. Nxb Giáo dục,H.

5. John Lyons. 2006. Ngữ nghĩa học dẫn luận (Nguyễn Văn Hiệp dịch). Nxb Giáo dục,H.  

6. Hồ Lê. 2004. "Lô gích không gian", "Lô gích thời gian" trong "Qui luật ngôn ngữ". Nxb Khoa học Xã hội, H.    

7. Nguyễn Lai. 1983. Từ một số luận đề của Mác suy nghĩ về bản chất tín hiệu của ngôn ngữ. Tạp chí Ngôn ngữ. Số 2.

8. Nguyễn Lai. 2001. Nhóm từ chỉ hướng vận động trong tiếng Việt. Nxb Khoa học Xã hội, H.

9. Nguyễn Phú Phong.2002. Chương IX "Không gian và thời gian" trong "Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt". Nxb Đại học Quốc gia, H.

10. Nguyễn Anh Quế. 1988. Hư từ trong tiếng Việt hiện đại. Nxb Khoa Học Xã hội, H.

11. Nguyễn Kim Thản. 1977. Động từ trong tiếng Việt. Nxb Khoa học Xã hội, H.

12. Lý Toàn Thắng. 2002. Giới thiệu khái niệm "nguyên tố nghĩa", "đơn Nguyên nghĩa" trong "Những vấn đề ngôn ngữ học". Viện Ngôn ngữ học.

13. Lý Toàn Thắng. 2005. Ngôn ngữ học tri nhận. Từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt. Nxb KHXH, H.

14. Lê Quang Thiêm. 2006. Ngữ nghĩa học. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia, H.

15. E.M. Menigkova. 1974. Znachenie slova i metodư ego opisanija. Vưssaja skola.Moskva.

                                                                                                                                        

 

Powered by Froala Editor