Viện phương đông

3 năm trước

Tiến trình phát triển và đổi mới Ngôn ngữ thơ Việt Nam

VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG ĐỔI MỚI THƠ 

TRONG THƠ HIỆN ĐẠI VIỆT NAM

In trên Tạp chí lý luận và phê bình số 10/2017

Hữu Đạt

Powered by Froala Editor

                                          

Trong những năm đánh Mỹ, trên thi đàn có một hiện tượng thơ gây ra tiếng vang mạnh mẽ khiến nhiều bạn đọc và những người yêu thơ sửng sốt, ngỡ ngàng. Người ta bán tín bán nghi về một chàng thi sĩ tý hon quê huyện Nam Sách Hải Hưng (tên tỉnh cũ). Không biết có thật hay chỉ là “trò chơi” của cánh làng văn mà một cậu bé mới 8 tuổi lại có thể trình làng những bài thơ đặc sắc đến vậy? Gọi là thơ thiếu nhi mà trong thơ của cậu bé ấy lại có rất nhiều biểu tượng thơ của người lớn. Gọi là lứa tuổi “tập làm thơ” mà thơ cậu bé ấy lại chứa đựng những hình ảnh thơ già dặn đến không ngờ. Chỉ riêng việc quan sát một trận mưa thôi mà cậu bé ấy đã bộc lộ một thiên phú mà người thường, kể cả thi sĩ có hạng, không mấy ai lại có những phát hiện tinh diệu đến như thế. Đó là những nét chấm phá mang tính tạo hình có sự kết hợp tài hoa của một thi sĩ mơ mộng với một tư duy hội họa của một nghệ sĩ có nghề với rất nhiều cụm từ đặc biệt: Sấm ghé xuống sân khanh khách cười / Ngọn mồng tơi nhảy múa / Ông Trời mặc áo giáp đen / Muôn nghìn cây mía múa gươm / Kiến hành quân đầy đường… Không chỉ có đôi mắt quan sát tinh tế mà đôi tai cậu bé ấy lại còn có một thính quan rất kỳ lạ khi cảm nhận mỗi một tiếng động xung quanh. Ngay trong thơ người lớn, ta cũng khó tìm được một câu thơ sâu thẳm trong cái vỉa trầm tích của văn hóa phương Đông như câu thơ: Ngoài thềm rơi chiếc lá đa / Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng… Nhưng, truyền thống là thế mà câu thơ này lại toát lên một cách nghĩ, cách cảm về thế giới tự nhiên rất hiện đại khiến cho một nhà thơ khác viết hẳn một bài phê bình dài cho đó là câu thơ “mượn từ phương Tây”. Đến khi có bài “Từ chiếc lá đa rơi đến những luận điểm phê bình mang tính triết học” thì nhà thơ kia mới chịu chấp nhận một cách hiểu ngược lại: đó là một trong những câu thơ mang tính phương Đông “vào bậc nhất”.

Cái chất “dị thường” trong thơ của cậu bé 10 tuổi thời ấy đã tạo nên vóc dáng của một vị thần đồng, khiến không ai có thể phủ nhận. Cậu bé ấy đã tạo nên đỉnh cao chói sáng trong thơ thiếu nhi Việt Nam thời đó trong số 3 nhà thơ thiếu nhi nổi tiếng: Khoa - Ngọc - Kiên. Nhưng rồi, thời gian là bà già khắc nghiệt, đã thanh lọc những cây bút không bền bỉ. Trong cả dàn thơ thiếu nhi thời bấy giờ, chỉ còn sót lại một người vẫn luôn được độc giả quan tâm ngưỡng mộ, ấy là Trần Đăng Khoa.

Giống như một vận động viên cử tạ, khi đã lập được được đỉnh cao, muốn vượt qua được chính mình quả không phải chuyện dễ. Có không ít người cho rằng thơ Trần Đăng Khoa đến đó là đã đến đỉnh điểm mọi sáng tạo. Nếu khôn ngoan thì nên dừng ở đó để khỏi làm đổ vỡ thần tượng của chính mình. Bởi cậu bé tý hon bước vào làng thơ chống Mỹ có không ít anh tài đã làm nên tên tuổi vang dội với các đề tài viết về chiến tranh. Đó là các nhà thơ từng trải qua trận mạc, áo còn vương thuốc súng, vốn sống bề bề như: Phạm Tiến Duật, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Nguyễn Mỹ, Vũ Đình Văn, Hoàng Nhuận Cầm… chưa kể các nhà thơ lão tiến bối như Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Chính Hữu, Khương Hữu Dụng… Trong khi Trần Đăng Khoa là một chàng trai mới lớn, trải nghiệm về cuộc chiến chưa nhiều, khi nhập ngũ cũng là lúc chiến tranh kết thúc. Bởi thế, hiện thực chiến tranh mà Trần Đăng Khoa trải qua lúc đó mới chỉ là những cuộc sơ tán tránh bom giặc thù của một cậu bé làng quê.

Có một thời gian, thi đàn ít nhắc đến Trần Đăng Khoa vì anh chưa có sáng tác mới. Giữa lúc cuộc chiến đang sôi động, thơ ca viết về hiện thực chiến tranh như một món ăn thường nhật của đời sống tinh thần toàn dân đã thu hút hàng triệu trái tim độc giả. Khoa đã biết lượng sức mình. Anh không vội nhảy ra lao vào sáng tác “thơ chiến trận” khiến cho một vài người sốt ruột đã gọi anh là “thần đồng chết sớm”. Nhưng anh không hề nản chí mà vẫn âm thầm tích lũy để một lúc nào đó sẽ bừng dậy với một giọng điệu thơ mới, thoát xác khỏi cái vỏ “thần đồng” của chính mình. Sự kiên trì đã tạo nên một bước ngoặt mới trong cuộc đời sáng tác thơ của chàng thi sĩ họ Trần. Bắt đầu từ những năm 1986 và sau đó là những năm tháng Trần Đăng Khoa ra nước ngoài, sống và học tập tại trường viết văn Goóc ki, một địa chỉ nổi tiếng trong việc phát hiện và đào tạo tài năng văn chương của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết. Đây là thời gian ông có nhiều chuyến đi đến các vùng miền khác nhau của xứ sở bạch dương. Nhờ khả năng thiên bẩm, cộng thêm với quá trình học tập, trải nghiệm trong môi trường mới, Trần Đăng Khoa đã tự làm giàu thêm vốn từ của mình ở nhiều phương diện. Riêng trong lĩnh vực từ láy, giai đoạn từ sau 1986 Trần Đăng Khoa đã có những đổi mới về chất khá mạnh. Nếu như trước 1986, các từ láy được Trần Đăng Khoa sử dụng thiên về nghĩa cơ bản, nghĩa gốc của từ (đây là loại nghĩa ai cũng biết sử dụng), thì sau 1986, ông nghiêng về khai thác các nét nghĩa phái sinh – nghĩa biểu tượng của từ (loại nghĩa mà không phải ai cũng biết). Nói cách khác, ở giai đoạn này, từ láy trong thơ Trần Đăng Khoa được khai thác ở góc độ là các tín hiệu thẩm mỹ nghệ thuật chứ không phải là phản ánh thực tại theo nghĩa miêu tả. Đây là một bước ngoặt trong đổi mới về nhận thức, đồng thời cũng thể hiện sự trưởng thành mới trong con đường sáng tạo thi ca của Trần Đăng Khoa. Càng về sau, thơ Trần Đăng Khoa càng giàu chất hình tượng và càng giàu hàm lượng ngữ nghĩa. Tiêu biểu là các bài như: Trên boong tàu, Câu cá, Qua Bôrôđinô, Matxcơva – mùa đông 1990, Qua Xuzdan, Chiều Rizan, Với bạn … Đây là những bài thơ làm cho ngôn từ của ông thoát khỏi cái vỏ khái niệm để mang thêm cái nghĩa tâm tưởng. Thơ Khoa thực sự thoát xác từ thơ của một cậu bé làng quê yêu ruộng đồng, yêu cảnh vật, hồn nhiên trong suy nghĩ sang thơ của một gã trai dày dặn đường đời, thử thách qua nhiều chiêm nghiệm, thơ đầy triết luận và suy ngẫm. Nhưng có một điều rất lạ là, trong cái gồ ghề, sắc cạnh của tư duy thơ Trần Đăng Khoa, người đọc không thấy nhà thơ lên gân lên cốt một cách giả tạo, mà trái lại, ý thơ và lời thơ của ông lại rất mượt mà, uyển chuyển. Vì thế, thơ Khoa đổi mới nhưng không “ồn ào”, hiện đại mà vẫn có âm hưởng sâu thẳm của nền thơ truyền thống. Chính yếu tố này làm cho sự đổi mới thơ của Trần Đăng Khoa chắc chắn mà không lặp lại, sáng tạo mà không lập dị, sâu sắc mà không khó hiểu.

Vượt lên hết mọi sự sáng tạo về phương diện sử dụng từ ngữ, đổi mới trong thơ Trần Đăng Khoa nổi bật nhất chính là tính độc đáo trong tư duy ở bậc vĩ mô trong cách nhìn thế giới dưới góc độ vừa tổng thể vừa tách biệt. Nhờ có khả năng tư duy này, Trần Đăng Khoa đã khai thác được những đặc trưng vô cùng độc đáo của tiếng Việt khiến cho ngôn ngữ mẹ đẻ của ông càng trở nên huyền diệu, giống như một phép mầu nhiệm khi phản ánh những cung bậc đa thanh của cảm xúc con người. Điều này được thể hiện qua bài Ở nghĩa trang thành phố (Ở nghĩa trang Văn Điển - bản in năm 2015, đượcTrần Đăng Khoa viết từ năm 1986). Toàn văn bài thơ như sau:

Ở nghĩa trang thành phố

(Nhớ Huỳnh Diệu Hương)

 

Người hạnh phúc và người đau khổ

Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này

Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc

Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may

 

Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu

Những so le, người kéo lại cho bằng

Ít nhất cũng là khi nằm xuống

Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng...

 

Những nấm đất lặng thinh như trăm ngàn nấm đất

Ai hay đâu, đây là những con người

Với bời bời nỗi niềm tâm sự

Đến bây giờ có lẽ cũng chưa nguôi...

 

Tôi đi giữa nổi chìm bao số phận

Người xưa vẫn đây mà, có xa cách chi đâu

Tôi thầm gọi. Sao không ai lên tiếng

Chỉ hoang vắng dưới chân và sương khói trên đầu...

          

Cháu bé nào đây, vài tháng tuổi

Rợn mình nghe tiếng gió khóc u oa

Một cái với tay giữa lưng chừng trời đất

Cõi đời này thôi thế đã đi qua...

 

Và em gái xinh tươi, hiền dịu

Bao trái ngọt chín vì em, em đã nhận được gì?

Tấm áo hoa chờ em vào tiệc cưới

Có ai ngờ thành áo liệm lúc em đi...

 

Cụ già từ nơi đâu không rõ

Lặn lội tìm ai về thành phố xa xôi

Rồi vấp ngã trước một tia nắng quái

Con cháu, anh em là sỏi đá quê người...…

 

Trời rộng vô cùng, đất cũng rộng vô cùng

Bởi khoảng trống mỗi con người bỏ lại

Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng chính vóc họ thôi

Mà cả thế giới này không sao bù nổi...

 

Cái chết vẫn rình ta sau từng ngưỡng cửa

Cua đường hẹp, chiều mưa, vài sải nước gần bờ

Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc

Chỉ tích tắc khôn lường ta đã hoá người xưa...

 

Ta đâu muốn ví đời mình cùng ngọn cỏ

Ngọn cỏ yếu mềm, ngọn cỏ nhỏ nhoi

Nhưng khi ta đã nằm dưới mộ

Cỏ vẫn xanh biêng biếc ở bên trời...

 

Trước thiên nhiên, con người như khách trọ

Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa         

Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác

Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga...

 

Mặt trời lặn, mặt trời còn mọc lại

Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi

Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá

Con người ơi! Hãy thương lấy Con Người...

 

Cảm xúc của Trần Đăng Khoa khi làm bài thơ này xuất phát từ sự xúc động chân thành trước cái chết của cô nữ sinh là con gái của người thầy ở trường Viết văn Nguyễn Du. Cô gái có tên là Huỳnh Diệu Hương - một nữ sinh đang ở học trường Đại học Ngoại ngữ, chuẩn bị đi Nga. Cô chẳng may bị chết vì tai nạn giao thông khiến cho gia đình và bạn bè sững sờ đau xót.

Nếu bài thơ chỉ lả xúc cảm của cá nhân về cái chết của người bạn thì chẳng có điều gì đáng bàn. Điều quan trọng là, sau cái cảm xúc ấy, bạn đọc tinh ý có thể nhận thấy tư tưởng của nhà thơ về nhiều vấn đề của thế giới thực tại. Đó là quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, con người với cỏ cây, với thiên nhiên, với vũ trụ, con người với giao thông hiện đại của quá trình công nghiệp hóa, số phận và tâm linh… Tất cả những tư tưởng ấy ùa về làm thành một phức điệu đa tầng trong tư duy nhà thơ và cuối cùng, chúng được biểu hiện dưới dạng một cấu trúc thơ năng động, biến hóa rất tài tình. Có thể ví sự biến hóa này giống như biến hóa của một con rubich: Từ một hình khối 4 mặt với 4 sắc màu, nhờ những mối liên kết rất đặc biệt, cái hình khối ấy có thể biến hóa thành muôn dạng hình khối khác nhau mà mỗi biến thể của nó tương đương với một hình tượng, một chủ đề, một sự phản ánh mang tính độc lập. Nhưng tất cả lại được qui tụ lại trong một hệ thống chung thống nhất. Thành thử, nếu làm việc theo thao tác của Jacovson là «chiếu các yếu tố hệ hình lên trục cú đoạn», chia cắt toàn văn bản ra thành những đoạn riêng thì ta có thể được nhiều bài thơ độc lập, nhưng ghép chúng lại, đó vẫn là một văn bản có chỉnh thể thống nhất. Giả thử ta tách đoạn và tạm đặt tiêu đề cho mỗi đoạn tách ấy, sẽ có :

          

          Bài 1: Khi chết

Người hạnh phúc và người đau khổ

Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này

Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc

Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may

          

          Bài 2: Tạo hóa

Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu

Những so le, người kéo lại cho bằng

Ít nhất cũng là khi nằm xuống

Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng...

          

          Bài 3: Nghĩ về con người

Những nấm đất lặng thinh như trăm ngàn nấm đất 

Ai hay đâu, đây là những con người 

Với bời bời nỗi niềm tâm sự

Đến bây giờ có lẽ cũng chưa nguôi...

          

          Bài 4: Tự cảm

Tôi đi giữa nổi chìm bao số phận

Người xưa vẫn đây mà, có xa cách chi đâu

Tôi thầm gọi. Sao không ai lên tiếng

Chỉ hoang vắng dưới chân và sương khói trên đầu...

                   

          Bài 5: Cái chết của cháu bé

Cháu bé nào đây, vài tháng tuổi

Rợn mình nghe tiếng gió khóc u oa

Một cái với tay giữa lưng chừng trời đất

Cõi đời này thôi thế đã đi qua...

          

          Bài 6: Cô gái trước xe hoa

Và em gái xinh tươi, hiền dịu

Bao trái ngọt chín vì em, em đã nhận được gì?

Tấm áo hoa chờ em vào tiệc cưới

Có ai ngờ thành áo liệm lúc em đi...

          

          Bài 7: Xót thương     

Cụ già từ nơi đâu không rõ

Lặn lội tìm ai về thành phố xa xôi

Rồi vấp ngã trước một tia nắng quái

Con cháu, anh em là sỏi đá quê người...…

           

Khi tách đoạn như vậy, bước đầu ta được 8 bài thơ với 8 chủ đề khác nhau. Có những chủ đề hướng về sự miêu tả cụ thể nhằm báo động những tai họa giao thông bất ngờ có thể ập đến bất cứ lúc nào, đến với ai (từ bài 5 đến bài 7). Có những chủ đề lại hướng người đọc tới những suy tưởng mang tính triết lý về sự sinh tồn, về qui luật của tạo hóa và những huyền bí của cõi tâm linh (từ bài 1 đến bài 4). 

Nếu tiếp tục chia tách phần còn lại chúng ta sẽ được nhiều bài thơ khác :

          

          Bài 8: Khoảng trống

Trời rộng vô cùng, đất cũng rộng vô cùng

Bởi khoảng trống mỗi con người bỏ lại

Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng chính vóc họ thôi

Mà cả thế giới này không sao bù nổi...

 

          Bài 9:  Bất trắc

Cái chết vẫn rình ta sau từng ngưỡng cửa

Cua đường hẹp, chiều mưa, vài sải nước gần bờ

Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc

Chỉ tích tắc khôn lường ta đã hoá người xưa...

 

          Bài 10: Tự ngẫm

Ta đâu muốn ví đời mình cùng ngọn cỏ

Ngọn cỏ yếu mềm, ngọn cỏ nhỏ nhoi

Nhưng khi ta đã nằm dưới mộ

Cỏ vẫn xanh biêng biếc ở bên trời...

 

          Bài 11: Trước thiên nhiên

Trước thiên nhiên, con người như khách trọ

Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa                  

Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác 

Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga...

 

          Bài 12:   Lời nhắn

Mặt trời lặn, mặt trời còn mọc lại

Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi           

Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá

Con người ơi! Hãy thương lấy Con Người...

 

Nếu ta tiếp tục tách 2 câu cuối của bài rồi ghép với 2 câu thơ khác ở đoạn trên ta sẽ được một bài thơ 4 câu hoàn chỉnh. Lấy bài thơ 4 câu này ghép thêm 2 câu nữa ta sẽ có bài thơ 6 câu thơ khác có đủ cả 4 yếu tố Đề - Thực - Luận - Kết giống như một bài thơ Đường Luật. Đây chính là tiềm năng tạo nên sự biến hóa rất đặc biệt trong cấu trúc bên trong của bài thơ Bên nghĩa tràng thành phố

          

          Bài 13 (4 câu):

Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá

Con người ơi! Hãy thương lấy Con Người...

Người hạnh phúc và người đau khổ

Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này

           

Nếu ghép thêm 2 câu nữa ta sẽ có bài thơ 6 câu :                                                                                     

          Bài 14 (6câu):                     

Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá

Con người ơi! Hãy thương lấy Con Người...

Người hạnh phúc và người đau khổ

Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này

Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc

Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may

           

Tiếp tục làm việc theo thao tác trên, ta sẽ có rất nhiều bài thơ nữa :

                                                                               

          Bài 15 (4 câu):

Mặt trời lặn, mặt trời còn mọc lại

Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi 

Bởi khoảng trống mỗi con người bỏ lại

Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng chính vóc họ thôi

                                                                              

          Bài 16 (6 câu):

Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc

Chỉ tích tắc khôn lường ta đã hoá người xưa...

Ta đâu muốn ví đời mình cùng ngọn cỏ

Ngọn cỏ yếu mềm, ngọn cỏ nhỏ nhoi

Nhưng khi ta đã nằm dưới mộ

Cỏ vẫn xanh biêng biếc ở bên trời...

                                                                                

          Bài 17 (6câu):

Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác 

Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga...

Mặt trời lặn, mặt trời còn mọc lại

Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi

Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá

Con người ơi! Hãy thương lấy Con Người.

                                                                                   

          Bài 18 (6câu):

Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc

Chỉ tích tắc khôn lường ta đã hoá người xưa...

Ta đâu muốn ví đời mình cùng ngọn cỏ

Ngọn cỏ yếu mềm, ngọn cỏ nhỏ nhoi

          

          Bài 19 (6câu)

Một cái với tay giữa lưng chừng trời đất

Cõi đời này thôi thế đã đi qua...

Và em gái xinh tươi, hiền dịu

Bao trái ngọt chín vì em, em đã nhận được gì?

Tấm áo hoa chờ em vào tiệc cưới

Có ai ngờ thành áo liệm lúc em đi...

 

          Bài 20 (8câu)

Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu

Những so le, người kéo lại cho bằng

Ít nhất cũng là khi nằm xuống

Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng...

Những nấm đất lặng thinh như trăm ngàn nấm đất

Ai hay đâu, đây là những con người

Với bời bời nỗi niềm tâm sự

Đến bây giờ có lẽ cũng chưa nguôi...

          

          Bài 21 (8 câu):

Ta đâu muốn ví đời mình cùng ngọn cỏ

Ngọn cỏ yếu mềm, ngọn cỏ nhỏ nhoi

Nhưng khi ta đã nằm dưới mộ

Cỏ vẫn xanh biêng biếc ở bên trời...

Trước thiên nhiên, con người như khách trọ

Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa

Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác 

Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga...

 

Nếu đọc kỹ sẽ thấy, mỗi bài thơ được cắt ra ở đây đều chứa trong nó một tư tưởng, một quan niệm về triết học. Những tư tưởng ấy không phô diễn ra bằng các lập luận của tư duy lô gich mà bằng hình tượng nghệ thuật. Nó vừa thực lại vừa ảo, vừa cụ thể lại vừa trừu tượng khiến cho người ta khi đọc xong mỗi câu, mỗi bài đều có cảm giác vương vấn, bâng khuâng.

Bạn đọc sẽ hỏi : Vì sao, từ cấu trúc của một văn bản thơ, bạn đọc lại có thể tìm thấy rất nhiều bài thơ ở trong nó? Trả lời câu hỏi này, cần tính đến hai phương diện. Phương diện khách quan, đó là sự độc đáo và tiềm năng vô cùng phong phú của tiếng Việt, một ngôn ngữ điển hình của các ngôn ngữ đơn lập. Trong đó, đặc điểm về tính âm tiết tính là một đặc điểm có vai trò quan trọng bậc nhất trong việc tạo ra các mối quan hệ đa chiều giữa các âm, các từ và các câu trong văn bản thơ trên cả 2 trục syntasic (trục cú đoạn) và paradic (trục hệ hình). Còn về phương diện chủ quan, đó là năng lực sáng tạo của người cầm bút. Nếu chỉ một trong hai hai phương diện ấy không được phát huy đến triệt để thì không thể có được những kết quả như đã trình bày.

Trên thực tế, trong các quá trình đổi mới thơ, có không ít tác giả say mê tạo ra những câu thơ hiện đại theo mô hình của những câu thơ phương Tây: gồ ghề trong triết lý, dài dòng trong cấu tứ diễn đạt. Những bài thơ kiểu này khi vừa xuất hiện có khi được bạn đọc vồ vập đón nhận, thậm chí có nhà phê bình hay đồng nghiệp còn phóng bút ca ngợi như những hiện tượng thơ của một chặng đường hay của một thế kỷ. Nhưng rồi, đọc lại, đọc lại nữa, thì thấy nó là một cài gì xa lạ, như không phải của ta, vừa khó thuộc lại vừa viển vông đâu đó. Đổi mới trong thơ Trần Đăng Khoa không đi theo hướng như vậy. Thơ ông đổi mới từ cái nền phong phú của thơ truyền thống, của tư duy phương Đông và từ phương tiện biểu đạt bằng tư duy ngôn ngữ của đích thị người Việt. Chính vì thế, bạn đọc đọc thơ Khoa luôn thấy có cái gì đó gần gũi, cảm thấy đó là cái của mình.

Ở góc độ sáng tạo, sự biến hóa kỳ diệu của cấu trúc văn bản trong bài thơ này là một hiện tượng khá kỳ thú của nền thơ Việt Nam từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, thậm chí có thể coi đó là hiện tượng của vài ba thế kỷ. Nó không chỉ rất lạ so với các ngôn ngữ thuộc loại hình tổng hợp biến hình mà còn là một hiện tượng rất lạ so với các ngôn ngữ khác cùng thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập (như tiếng Hán). Chúng tôi đã nhờ một số nghiên cứu sinh người Trung Quốc tìm trong kho tàng thơ ca cổ và thơ hiện đại của họ, nhưng cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy một thi phẩm nào có cấu trúc kiểu như bài Bên nghĩa trang thành phố của Trần Đăng Khoa.     

           Các khả năng biến hóa đặc biệt tới mức kỳ ảo của cấu trúc văn bản thơ như đã trình bày cho thấy cái giá trị vô cùng độc đáo của tiếng Việt và thơ ca hiện đại Việt Nam. Không còn nghi ngỡ gì nữa, trong bối cảnh hội nhập của thế giới hiện đại, các giá trị văn hóa của dân tộc vẫn luôn có một vị trí bền vững và cần được phát huy trong tiến trình hiện đại hóa đất nước. 

                                                                                              

          

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

Tài liệu tham khảo chính.

 

1. Arixtôtơ (1961). Nghệ thuật thi ca. Nxb Văn hóa - Nghệ thuật.

2. Diệp Quang Ban (2006). Văn bản và liên kết trong tiếng Việt. Nxb Giáo dục.

3. Nguyễn Phan Cảnh (2006). Ngôn ngữ thơ. Nxb Văn học.

4. Mai Ngọc Chừ  (2005). Vần thơ Việt Nam. Nxb Văn hóa - Thông tin.

5. Hữu Đạt (1996). Đặc điểm của ngôn ngữ thơ và ca dao nhìn từ góc độ giao tiếp. Tạp chí Ngôn ngữ, số 4.

6. Hữu Đạt (2007). Nghĩa biểu vật, biểu niệm của từ và việc phân tích trong quá trình tiếp cận hình tượng thơ. Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 1.

7. Hữu Đạt (2007). "Đất nước" - một hình tượng đặc sắc về Tổ quốc và sự cách tân trong ngôn ngữ thơ. Tạp chí Thơ, số 6.

8. Hữu Đạt (2008). Vài suy nghĩ về vai trò của ngôn ngữ học đối với nghiên cứu ngôn ngữ thơ ca. Tạp chí Ngôn ngữ, số 11

9. Hữu Đạt (2009). Phong cách học tiếng Việt hiện đại. Nxb Giáo dục Việt Nam.

10. Hữu Đạt (2017). Tiến trình phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt nam từ 1986 đến nay. Nxb  Đại học Quốc gia, Hà Nội.

11. Bùi Công Hùng (1983). Góp phần tìm hiểu nghệ thuật thơ ca. Nxb Khoa học Xã hội.

12. Roman Jacovson (2001). Ngôn ngữ học và thi học. Tạp chí Ngôn ngữ, số 14.

13. Thụy Khê (1996). Cấu trúc thơ. Văn nghệ xuất bản. California, Hoa Kỳ.

14. Nghệ thuật như là thủ pháp. 2001. Nxb Hội Nhà văn.

15. Hoàng Kim Ngọc (2011). Ngôn ngữ văn chương. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

16. Vũ Văn Thanh (1962). Nguyên tắc sáng tác thi ca. Nhà sách Khai trí, đại lộ Lê Lợi, Sài Gòn. 


Thông tin thêm về hoàn cảnh ra đời bài thơ:


Chú Khoa ơi!

Cháu là một người rất ham tìm hiểu thơ, nhất là những bài thơ mang âm hưởng hiện đại sau này. Tất nhiên, thơ chú viết luôn là những tác phẩm cháu hay tìm đọc nhất, cháu thấy những bài thơ của chú gần đây có tính triết lí sâu xa mà nhiều khi điều đó khiến người đọc phải suy nghĩ rất nhiều mà vẫn chưa cảm thấy trúng ý chú muốn viết. Cháu rất tâm đắc về bài thơ “Ở nghĩa trang thành phố”, rất mong chú sẽ chia sẻ cho cháu một số thông tin cũng như tâm huyết của chú khi viết bài thơ này, những điều mà có thể chú chưa bật mí bao giờ.

Cháu xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới chú.

NGUYỄN THẾ HƯNG - Lớp 12A5 - THPT Chuyên Vĩnh Phúc - Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc

TRẦN ĐĂNG KHOA

Chú thật sự cảm động khi nhiều bạn đọc, và cả các cháu nữa đều quan tâm đến bài thơ Ở nghĩa trang thành phố... Bài thơ này chú viết sau cái chết bất ngờ của Huỳnh Diệu Hương, một lưu học sinh Nga rất xinh đẹp, con thầy Huỳnh Khái Vinh, hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá. Chú viết để chia sẻ nỗi đau thương không gì bù đắp được của thầy. Nhân dịp rằm tháng Bảy, hay ngày lễ tiết thanh minh gì đó, nhà văn nổi tiếng Xuân Đức (Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật) có chép bài thơ này đưa lên Blog của ông có tên là Trúc Sơn Trang. Và rồi ở đấy đã có một cuộc hội thảo mini rất cảm động của bạn bè Huỳnh Diệu Hương, cung cấp cho chú rất nhiều thông tin mà chú không biết: “Huỳnh Diệu Hương ơi! Bài thơ anh Khoa khóc bạn, giờ lại được đăng trên trang báo của bác Xuân Đức đây này. Bao nhiêu năm qua rồi, mình vẫn bàng hoàng không thể nghĩ là Hương đã chết. Hôm tiễn đưa Hương đi, Trà Mi tháo chiếc nhẫn vàng đeo ở tay thả vào ô cửa quan tài, bố Vinh đã khóc ngăn lại: “Bác lạy con. Con thương Hương thì đừng làm thế, kẻo rồi có kẻ nó đào mộ Hương lên vì cái nhẫn của con đấy”. Bây giờ bố Vinh cũng đã thành “người xưa” rồi. Bài thơ vẫn còn đây. Mình thương Hương vô cùng, Hương có hiểu không?”. “Hôm trong đám tang Diệu Hương, ở nghĩa trang Văn Điển, cháu thấy có nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Hà Đình Cẩn, nhà thơ Y Phương và nhiều người nổi tiếng khác. Cũng trong hôm ấy, cùng với Diệu Hương, còn có bốn cô gái rất trẻ chết đột ngột. Trong đó đặc biệt có bạn chết đúng trong hôm cưới. Cậu em trai chở chị đi lấy hoa cô dâu, rồi bị đụng xe, cậu em không sao nhưng chị lại chết, mà lại chết đúng vào hôm bước lên xe hoa mới khổ chứ. Tiệc cưới thành đám tang. Điều ấy, anh Khoa cũng đã kể trong bài…”. “Bác Đức ơi! Cháu là bạn của Diệu Hương, người được anh Trần Đăng Khoa tặng bài thơ này. Bạn cháu đã mất vì tai nạn giao thông, khi đang học ở trường Đại học Ngoại ngữ, chuẩn bị đi Nga. Cháu đã thuộc bài thơ này ngay từ khi nó mới ra đời kia. Theo trí nhớ của cháu, thì trong văn bản của nhà thơ, bản chép tay tặng bác Khái Vinh, bố Diệu Hương, còn có một đoạn viết về cái chết của một ông già, bên cạnh mộ Diệu Hương ở nghĩa trang Văn Điển, ngôi mộ không có tên, chỉ có dòng chữ viết nguệch ngoạc trên mảnh ván cắm trên mộ: “Cụ già khoảng 75 tuổi chết kẹp tàu hoả”. Đoạn đó thế này:

“Cụ già từ nơi đâu không rõ

Lặn lội tìm ai về thành phố xa xôi

Rồi vấp ngã trước một tia nắng quái

Con cháu anh em là sỏi đá quê người”.

Nhờ trí nhớ của cô bạn Diệu Hương có tên là Trịnh Tố Uyên, chú đã khôi phục được đoạn thơ đã mất ấy. Đúng là văn bản đầu còn thêm một đoạn viết về cái chết tha hương của một cụ già bị tai nạn giao thông. Nhưng sau chú cắt đi, đúng như nhà văn Xuân Đức nói, thơ cần cô đọng, chú cũng đã liệt kê: Và cụ, và ông, và cô và bác... rồi mà, nên không cần dẫn thêm cái chết của cụ già nữa. Chú chỉ điểm hai trường hợp cụ thể: Đó là cháu bé vài tháng tuổi và em gái đang yêu, là những người trẻ, rất trẻ mà lại hoá người xưa thì đau xót lắm. Nhưng rồi, thấy bạn đọc có lí, chú đã chỉnh lại theo ý bạn đọc và cắt đi đoạn liệt kê. Đoạn kết, chú cũng đã kính nhờ nhà văn Xuân Đức chỉnh lại cho hai câu cuối cùng: “Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá: / Con người ơi! Hãy thương lấy con người!”. Như thế chuẩn hơn. Vì bia đá “thương lấy những con người” thì chả nghĩa lí gì. Chỉ con người thương yêu con người thì gia đình mới hạnh phúc, cơ quan mới ấm cúng và hành tinh này mới được yên ổn. Trái đất sẽ không còn chiến tranh, không còn khủng bố và bạo hành, chỉ có con người mới mang lại niềm vui hạnh phúc cho nhau... Nhưng rồi cũng chính con người đã biến cuộc sống tuyệt đẹp trên cõi đời vô cùng ngắn ngủi này thành địa ngục trần gian.

Rất cám ơn các cháu, những Thượng đế của chú. Cầu chúc các cháu hạnh phúc, bình an trong cõi đời đầy rủi ro, bất trắc này.

(Nguồn: https://vanhien.vn/news/con-nguoi-oi-hay-thuong-lay-con-nguoi-57739)

 


Powered by Froala Editor