Viện phương đông

2 năm trước

“Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng nghỉ ... nghỉ làm” phần 33 ( kỳ 1) Nguyễn Cung Thông

Chủ đề này còn cho thấy một khuyết điểm của chữ Nôm là cách đọc không chính xác vì thiếu quy ước (chuẩn hóa): dấu hỏi (nghỉ) hay dấu ngã (nghĩ) khi đọc chữ 擬, 平 đọc là bình hay bằng (td. Cao Bằng, Quảng Bình), 化 đọc là hoa, hóa hay huế chẳng hạn... Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn

Powered by Froala Editor

                         “Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng nghỉ ... nghỉ làm” phần 33         ( kỳ 1)

                                                                                   Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về cách dùng nghỉ (dấu hỏi)/nghỉ làm vào thời LM de Rhodes sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các từ như vậy được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Sau đó khoảng 2 TK, chữ nghỉ lại xuất hiện trong Truyện Kiều qua các dạng chữ Nôm và cũng là một chủ đề gây nhiều tranh luận cho đến ngày nay. Chủ đề này còn cho thấy một khuyết điểm của chữ Nôm là cách đọc không chính xác vì thiếu quy ước (chuẩn hóa): dấu hỏi (nghỉ) hay dấu ngã (nghĩ) khi đọc chữ 擬, 平 đọc là bình hay bằng (td. Cao Bằng, Quảng Bình), 化 đọc là hoa, hóa hay huế chẳng hạn... Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

1. Các nét nghĩa của nghỉ theo thời gian

1.1 Nghỉ là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba đã hiện diện trong Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi (1380–1442) hay trong Thiên Nam Ngữ Lục như

Người đua sắc khuở xuân dương

Nghỉ chờ thu cực lạ dường                             (Cúc, Hoa Mộc Môn)

… 

Ba năm luống những kể đồn

Đẻ sao tròn vậy chẳng khôn nghỉ tròn           (Thiên Nam Ngữ Lục câu 251-252)

...

Sang làm đô hộ nước ta

Nghỉ hay tướng địa, xưng là Cao vương        (Thiên Nam Ngữ Lục, câu 2841-2842)

----------------------------   

Học giả Paul Schneider, trong cuốn "Dictionnaire historique des idéogrammes vietnamiens" (1992), còn ghi cách dùng liên hệ là "Tính nghỉ ham" trong Truyền Kỳ Mạn Lục …v.v…

1.2 Chữ nghỉ có ba nét nghĩa vào thời VBL (năm 1651)

   VBL trang 526

VBL ghi lại ba nét nghĩa của nghỉ (1) ở dưng (nhưng), nhàn hạ, nghỉ ngơi (quiesco/L) (2) người ấy, kẻ ấy là cách nói lễ phép/lịch sự - cùng một nghĩa với người (3) dễ (facilis/L) - như nghỉ làm là dễ làm (facile factu/L) không phải là nghỉ làm (không làm nữa) trong tiếng Việt hiện đại. Ta hãy xem qua các trường hợp dùng nghỉ qua văn bản.

1.2.1 Nghỉ là không làm việc, ở không: PGTN trang 291 "đến ngày thứ bảy thì có nghỉ mà chẳng có làm việc mới ... sáu ngày mà ta làm việc vàn mà không chịu ở dưng"…v.v..

1.2.2 Nghỉ là nó, người (is/L) hay đại từ nhân xưng ngôi thứ ba - đây là cách nói lễ phép/lịch sự. Người viết có đọc qua các tác phẩm Nôm của LM Maiorica như bộ Các Thánh Truyện, Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông, Đức Chúa Giê Su, Mùa Ăn Chay Cả, Thiên Chúa Thánh Mẫu nhưng chưa thấy dùng nghỉ cũng như PGTN ... Cụ Đàm Duy Tạo (Truyện Kiều, sđd) đã ghi nhận câu nói "Nghỉ ngây, nghỉ dại, nghỉ tin người (Mỵ Châu ngay, dại và tin Trọng Thủy)" trong một truyện cổ về Mỵ Châu.

1.2.3 Nghỉ là dễ (nét nghĩa thứ 3) còn xuất hiện trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập

Khôn nghỉ vời so kịp mấy trùng

...

Của tự nhiên ấy bởi ai cho

Nghỉ có thừa lưa khắp dãy phô                       (Phẩm vật, b.10)

...

Hay còn xuất hiện trong Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa 

Cho người mới học nghỉ xem nghỉ nhuần      (trang 74)

Hay trong PGTN trang 83 "Vậy thì ma quỉ dữ xem thấy chồng khôn ngoan hơn, mà chẳng nghỉ chịu lời nó cám dỗ ... cho gặp đàn bà ở một mình, mà khỏi mặt chồng, cho nghỉ dối đàn bà được", trang 90 "cho ông ấy xưng ngay tội mình, mà nghỉ chịu được tha vậy", trang 118 "vì vậy hai phép nhất ấy, thật chẳng có dùng xác, mà lại khi khỏi xác thì càng nghỉ làm việc ấy", trang 189 "và sự nào dữ còn giấu trong lòng, cũng nghỉ trách bằng bằng việc lỗi đã làm ra bề ngoài", trang 248 "Lại cho việc ấy ra nghỉ làm và cho làm nhiều việc, thì cho làm phép lạ nhiều, kể chẳng xiết", trang 275 "Đến khi lo lại, kẻ khác có lên chịu vui vẻ đời đời, mà mình phải sa dưới địa ngục, chịu hình phạm tôi, cũng nghỉ xưa khỏi được, nếu chịu vâng lời đức Chúa trời răn (Chúa viết hoa/NCT)"...v.v...

1.3 Nghỉ và câu 12 Truyên Kiều "Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung"

1.3.1 Vào đến gần cuối TK 18 hay thời Nguyễn Du ra đời, cách dùng lễ phép nghỉ vẫn được Đàng Trong và Đàng Ngoài dùng để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ ba: dựa vào tài liệu viết tay như tự điển Bồ Việt/Đàng Ngoài và tự điển Béhaine (1772/1773).

Tự điển chép tay[1] từ VBL có hiệu đính, Đàng Ngoài

[1] Chụp lại từ bản điện tử, thư viện Tòa Thánh La Mã (Biblioteca Apostolica Vaticana).

Tự điển chép tay Béhaine (1772/1773) ghi nghỉ là người ấy, nó (kẻ trên hay bằng vai) - không hàm ý tiêu cực.

Sau đó LM Taberd (1838) cũng ghi các cách dùng rất linh hoạt của đại từ nhân xưng ngôi thứ ba trong tiếng Việt, dựa vào tự điển trước đó của LM Béhaine - hình sau chụp lại từ cuốn "Dictionarium Latino-Annamiticum completum et novo ordine dispositum" (1838, tự điển La Tinh - Việt):

---------------------------------   

[1] Chụp lại từ bản điện tử, thư viện Tòa Thánh La Mã (Biblioteca Apostolica Vaticana).

1.3.2 Tuy nhiên vào đầu TK 19 trở đi, nghỉ đã bắt đầu chỉ kẻ thuộc hàng dưới hay hạ cấp như ghi nhận trong tự điển của LM Joseph Morrone (khoảng 1810-1820) và Theurel (Ninh Phú, 1877) ở Đàng Ngoài và tự điển Aubaret (1867, Đàng Trong):

Morrone (khoảng 1810-1820, Đàng Ngoài)

Theurel (1877 Đàng Ngoài)

Aubaret (1867)

Powered by Froala Editor