Viện phương đông

3 năm trước

Tiếp xúc văn hóa Việt - Pháp

TIẾP XÚC VĂN HÓA VIỆT – PHÁP

CHO TA TỪ GỐC PHÁP TRONG TIẾNG VIỆT

(Bài  1)

Powered by Froala Editor

PGS.TS Vương Toàn (1944) sinh ra và lớn lên ở Na Sầm, Văn Lãng, Lạng Sơn.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện thông tin Khoa học xã hội.

Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam.

Trong hơn nửa thế kỷ nghiên cứ khoa học, ông đã dành 27 năm gắn bó với chương trình Thái học Việt Nam. Những công trình nghiên cứu của ông đã và đang phục vụ cho rất nhiều chuyên ngành, đặc biệt là bộ môn ngữ học.

PGS.TS Vương Toàn là người ham đọc sách văn học, ngoài việc thưởng thức, ông còn dày công tìm kiếm các tư liệu về tiếp xúc Việt - Pháp. Trong ngữ liệu của ông hiện có rất nhiều từ gốc Pháp tìm thấy trong các tiểu thuyết của nhà văn Hữu Đạt. Ông từng tâm sự với nhà văn: “Điều mình tâm đắc nhất là ông (tức Hữu Đạt ) không phải là người am tường sâu sắc tiếng Pháp, nhưng trong văn xuôi của Hữu Đạt lại có nhiều từ mượn từ tiếng Pháp. Điều đó chứng tỏ, văn hóa Pháp khi vào Việt Nam đã đi vào nhiều thế hệ người Việt và có những nhà văn đã tiếp thu nó một cách tự nhiên như ngôn ngữ đời sống dân tộc”.

Các phát hiện của PGS.TS Vương Toàn sẽ được đăng dài kỳ trên mục Tiếng Việt và Văn Việt.

 


          Tiếp xúc văn hóa và ngôn ngữ Pháp - Việt đã để lại trong tiếng Việt hơn ngàn từ gốc Pháp (được các từ điển đã công bố ghi nhận). Một số từ được đưa vào sách giáo khoa cho học trò bắt đầu tiếp xúc với môn Tiếng Việt, ví dụ như: áo len (TV1, I, tr. 96), que kem (TV1, I, tr. 128).

          Chúng tôi đã có dịp bàn đến quy luật tiếp nhận vốn từ này ([1]) và cũng đã có những dịp trình bày với đồng nghiệp ở nước ngoài để cùng thấy đây là một trong các phương thức làm giàu cho vốn từ vựng tiếng Việt ([2]).

          Sức sống của của các từ này được thể hiện qua việc sử dụng chúng trong đời sống ngôn ngữ của người Việt trong và ngoài nước, mà chúng tôi sẽ trích dẫn trong phần Sổ tay từ gốc Pháp trong tiếng Việt để minh họa cho nhận xét này.

          Không thể phủ nhận rằng có những từ chỉ còn thấy trong câu chuyên lịch sử như: cam nhông <= camion (E: lorry; truck; van). Cách phỏng âm đã mang lại cho từ này nhiều biến thể: ca mi ông, cam-nhông (1940). TĐ 1988: cam nhông. TF: Ca-mi-ông có gắn rơ-moóc.

Ngày nay, chúng ta đã quen gọi đó là: xe tải, ô tô tải. Tuy nhiên, chúng tôi đã gặp từ này trong một số đoạn văn, chẳng hạn:

- Một đội quân khố xanh súng ống tề chỉnh, nhảy từ trên mấy xe cam nhông xuống gạt dân chúng ra khỏi mặt đường… Lính khố xanh tranh nhau lên mấy xe cam nhông cũng lao vun vút theo đoàn xe đằng trước (Triều Ân, 2013).

- Khoảng 8 giờ tối 3-8, có 1 chiếc xe cam-nhông (loại xe vận tải của quân đội Pháp) đến đỗ trước cửa hiệu vàng Vĩnh Tường (https://nld.com.vn/ky-an/kham-pha-vu-tham-an-o-pho-hoang-van-thu-hai-phong-nam-1946-20200710094633744.htm Truy cập ngày 14/7/2020).

          Chúng tôi đã thu thập được hàng trăm từ thể hiện rõ ràng sức sống của chúng trong tiếng Việt, như chúng ta dễ dàng nhận thấy trong đời sống ngôn ngữ, kể cả trong giao tiếp nói năng, thể hiện các phong cách khác nhau. Không chỉ cà phê <= café (E: coffee), có hàng loạt từ như: búp bê  <= poupée (E: doll), bê tông <= béton (E: concrete),  lò xo <= ressort (E: spring)…

Thật vậy, người Việt nay không còn xa lạ với vật thể đàn hồi được gọi là lò xo, mà trước đây từng được viết là lò-so (1938).

Không chỉ được dung với nghĩa đen, như trong: Lò xo chống rung. Đệm lò xo; giường lò xo; lịch lò xo, nhà văn đem nó ra so sánh:

- Thực ra anh phải cắn môi để kìm giữ cái máu thằng đàn ông đang phừng phừng muốn bật như lò xo lên (Hữu Đạt, Những kẻ giấu mặt, 2004, tr. 488).

- Đây là hiện tượng "lò xo"; Trong nhiều năm kinh tế cá nhân đã bị cấm nay có dịp "bung ra" (Quân Tử , Thế kỷ 21, 1995).

- Người mắc bệnh ngón tay lò xo có cục u mềm trong lòng bàn tay, khó khăn khi gấp hay duỗi ngón, nhất là vào buổi sáng (https://vnexpress.net/ngon-tay-lo-xo-la-benh-gi-3977369.html).

          Và hẳn là lò xo đã đợc dung với nghĩa bóng:

- Ông giáo… vào lớp như giẫm lên một cái khuy bấm của bộ máy lò xo: đều  răm rắp cả lớp đứng dậy. (Nguyễn Triệu Luật, 1939).

- Ông nhổm lên, bật lò xo: - Sao! Sao! Tại tôi à! (Hữu Tâm, 1981).

          Chắc chắn cũng do liên tưởng với sự uốn lượn về địa hình mà ở Tây Nguyên nước ta đã xuất hiện địa danh: Đèo Lò Xo (ở làng Đông Lốc, xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum).

VT 22/8/2020


---------

[1] Vương Toàn (1992), Từ gốc Pháp trong tiếng Việt. Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, 152 tr

[2] Vuong Toan (1995), Vitalité des mots d'origine française dans le vietnamien contemporain (Sức sống của từ gốc Pháp trong tiếng Việt hiện đại). Dixièmes Journées de Linguistique d'Asie Orientale, CRLAO, EHESS-CNRS, Paris (France), 15-16 mai 1995 ; Vương Toàn (2005), Hai đặc điểm của tiếng Việt đầu thế kỷ 21. Tạp chí Nhịp sống  , tạp chí văn hoá & xã hội Việt Nam - số 10, tr. 45-52: VUONG VanToan (2015), Le français au Vietnam et la vitalité des mots d’origine française dans la langue nationale de ce territoire .Communication présentée le 2 septembre 2015 à la Session 2: Langue,  territoire et plurilinguisme : problèmes de cohabitation linguistique - Colloque international Langue et territoire 2, Université d’Etat Ilia Tbilissi, Géorgie. 30/8-04/9/2015. Résumés, pp. 43-44 (Tiếng Pháp ở Việt Nam và sức sống của từ gốc Pháp trong ngôn ngữ quốc gia ở lãnh thổ nàyBCKH trình bày ngày 02/9/2015 tại Hội nghị quốc tế Ngôn ngữ và lãnh thổ 2, do Nhóm các trường đại học có sử dụng tiếng Pháp, họp tại ĐHQG Ilia Tbilissi, Gruzia. 30/8-04/9/2015. Tóm tắt, tr. 43-44).

Powered by Froala Editor