Viện phương đông

11 ngày trước

Ý NGHĨA BIỂU TRƯNG CỦA CON SỐ 3 TRONG VĂN HÓA VIỆT Hữu Đạt - Lê Thị Nhường

Con số 3, một con có số cũng rất có ý nghĩa trong thuyết phong thủy - một học thuyết mang đặc trưng của văn hóa  phương Đông

Powered by Froala Editor

                                     Bài trước chúng tôi đã bàn về tính biểu trưng của các con số trong tiếng Việt, một cơ sở tạo ra thuyết  phong thủy con số. Nay xin bàn tiếp về con số 3, một con có số cũng rất có ý nghĩa trong thuyết phong thủy - một học thuyết mang đặc trưng của văn hóa  phương Đông  

                                   

                              Ý NGHĨA BIỂU TRƯNG CỦA CON SỐ 3 TRONG VĂN HOA VIỆT

                                                                  Hữu Đạt - Lê Thị Nhường

         

   Trong các con số, số 3 là con số mang nhiều ý nghĩa biểu trưng nhất đối với văn hóa của người Việt Nam. Bởi lẽ, trong tâm thức người Việt và người phương Đông, thuyết tam tài được coi là một trong các lý thuyết quan trọng bậc nhất trong cách giải thích thế giới của người cổ xưa. Thuyết này hình dung vũ trụ chia thành ba cõi: Cõi Trời, cõi Đất và cõi Người (Thiên địa nhân), trong đó, người là trung gian giữa trời và đất, sống phụ thụ thuộc vào trời, đất nhưng cũng tác động lại trời, đất. Trong cách hình dung của người Việt, con số 3 biểu trưng sự vững chãi, chắc chắn. Do đó, hình ảnh chiếc kiềng ba chân luôn được tái hiện trong ca dao dân ca, cũng như trong lời ăn tiếng nói hàng ngày:

                   Dù ai nói ngả nói nghiêng

                   Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

          Đối với văn hóa ăn (văn hóa ẩm thực) và văn hóa mặc, con số 3 xuất hiện khá nhiều trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao và những câu nói mang tính phẩm bình:

          - Cơm ba bát, áo ba manh/ Chẳng đói chẳng rách, chẳng xanh chẳng gầy.

          - Nghèo cũng cơm ba bữa/ Đói cũng đỏ lửa ba lần.

          - Trà tam, rượu tứ

          - Của nả nhà y ấy thì ăn đến ba đời không hết.

          Con số 3 không chỉ có nghĩa biểu trưng nói về “ăn” mang tính vật chất, mà còn tham gia vào nhiều câu thành ngữ với nghĩa biểu trưng nói về “hưởng” (“ăn” mang ý nghĩa tinh thần):

          - Một lộc già bằng ba lộc trẻ.

          - Một lễ xa bằng ba lễ gần.

          - Sung sướng đến ba đời...

          Cuộc sống con người vô cùng đa dạng với nhiều hoạt động phong phú, con số 3 luôn có mặt trong tiềm thức tư duy ở mọi lĩnh vực. Vì thế, nó còn có khá nhiều ý nghĩa biểu trưng khác.

          - Giới hạn cuối cùng của niềm tin:

           Quá tam ba bận.

          - Cần cẩn thận, cân nhắc trước:

           Uốn lưỡi ba lần trước khi nói.

          - Mức chuẩn định cho ăn uống và sức khỏe

            Cơm ba bát, thuốc ba thang.

          - Chuẩn mức cho sinh sôi và phát triển

            Tam hành hợp (tứ hành xung).

          “Tam hành hợp” là cách định vị xấu tốt dựa vào việc lấy 12 chi (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý) phối với 10 can (tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi) trong ngũ hành và lấy 3 thứ Sinh, Vượng, Mộ để hợp cục, gọi là tam hợp cục. Mọi việc từ cưới vợ, làm nhà, đến sinh con đẻ cái ... luận về tốt xấu, cát hung, con số 3 đều có ý nghĩa rất lớn.

          Trong đi sống hiện thực cũng như trong đời sống tâm linh, con số 3 luôn xuất hiện như một sự tri nhận về tính tất yếu. Trong xây dựng thuở xưa, nhà ba gian là hình mẫu mang tính thẩm mỹ. Vì vậy, từ đình chùa đến nhà ở, kiến trúc ba gian là loại kiến trúc rất phổ biến. Thậm chí, ngay cả bậc thềm người ta cũng chú ý làm theo bậc tam cấp để tạo nên vẻ đẹp cân đối cho ngôi nhà, đồng thời mang ý nghĩa tượng trưng về phong thủy. Đặc biệt, với đình chùa, miếu mạo, thì cổng cũng được thiết kế theo kiểu tam quan (một cổng chính, hai cổng phụ), trong đó con số 3 tượng trưng cho triết lý của đạo Phật về các cửa vô tác, vô tướng và vô không để con người bước qua trước khi vào cõi Niết bàn. Với những người thấm nhuần triết lý đạo Phật, chỉ khi hiểu rõ ý nghĩa của ba cửa này mới thoát khỏi ba chữ: tham, sân, si. Bởi vậy, mỗi khi bước vào chùa, người ta thường nghĩ tới “Tam bảo”, tức là ba ngôi báu của chốn thiền môn gồm Phật, Pháp, Tăng. Ba ngôi này có điểm tương đồng với ba ngôi trong Thiên Chúa giáo là: Cha, con và Thánh thần. Có thể nói, trong biểu tượng văn hóa của người Việt, con số 3 liên quan tới tâm thức dân gian và tín ngưỡng, tôn giáo, cho dù được du nhập từ bất kể từ hướng nào.

          Trong thờ tự, gian giữa được gọi là chính gian, hai gian cạnh gọi là hai bên tả hữu. Các ngôi thứ được phụng thờ giữa các gian bao giờ cũng được sắp xếp rất rõ ràng. Điều này cũng giống như cách sắp xếp vị trí của vua và quan lại mỗi khi thiết triều: vua ngồi ở bậc cao, chính giữa, hai bên là các quan văn võ (tả văn, hữu võ).

          Ý nghĩa của con số 3 cũng được thể hiện rất rõ trong cách đặt bát hương của từng gia đình. Hầu như, bất cứ người Việt nào đã từng đọc sách thì trên ban thờ gia đình cũng có ba bát hương. Bát hương lớn nhất, được gọi là bát hương thờ Thần, Phật bao giờ cũng đặt chính giữa. Bát bên phải là bát hương thờ các cụ gia tiên, bát bên trái là bát hương thờ “cô di, tỷ muội”. Khi cắm hương, trình tự cắm cũng rất rõ ràng. Bắt đầu từ bát chính giữa, sau đó đến bát bên phải, cuối cùng mới đến bát bên trái.

          Do sự chi phối của thuyết tam tài, trong bất cứ việc gì, từ buôn bán làm ăn đến lập nghiệp, đặc biệt là gây dựng sự nghiệp lớn, người Việt luôn chú ý đến ba yếu tố, gọi là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đây là cách nhìn về sự vận động và phát triển theo tư duy biện chứng. Nó cũng là nền tảng tạo ra những triết lý quan trọng khi tiếp nhận các yếu tố văn hóa nước ngoài. Hiện tượng tam giáo đồng nguyên tồn tại trong tâm thức người Việt cho thấy sự dung hòa luôn là yếu tố chủ đạo trong tư duy người Việt. Nó làm nên một bản sắc mang tính đặc trưng, tạo cho người Việt một lối sống bao dung ngay cả với kẻ đã từng là kẻ thù của mình. Đây cũng là yếu tố làm cho người Việt dễ hội nhập với thế giới khi nhân loại chuyển mình từ đối cực sang đa cực.

          Trong chín con số tự nhiên (từ 1 đến 9), con số 3 là con số mang nhiều giá trị biểu trưng nhất. Chính vì thế, nó là con số có tính khái quát về những việc to lớn trong đời hoặc những qui luật có tính phổ biến. Chẳng hạn, với người Việt Nam xưa, trong đời có ba việc lớn nhất là: tậu trâu, lấy vợ, làm nhà (Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/ Trong ba việc ấy thật là khó thay); có ba điều đáng kỵ nhất là tham sân, si - đây là 3 thứ bùa mê mà con người khó tránh và nó là những thứ làm cho người dễ dàng biến chất nếu không luôn tự nhắc nhở mình.

          Trong lễ nghĩa, đạo đức, con số 3 cũng luôn là con số được đưa vào các thành ngữ, tục ngữ. Vì thế, nói về những cái lễ quan trọng trong ba ngày Tết, người Việt luôn nhắc nhở: “Mồng một lễ cha, mồng hai lễ mẹ, mng ba lễ thầy”, đây là ba người có công sinh thành, giáo dưỡng con người ta từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Nói về việc sinh con, con số 3 cũng tạo ra các thành ngữ phản ánh một qui luật khá phổ biến trong cuộc sốngtam nam bất phú, tam nữ bất bần” (tất nhiên đó là cách nhìn trước đây, hiện nay mọi sự đã khác).

          Trong thẩm mỹ truyền thống, con số 3 luôn được sử dụng như là một tiêu chí quan trọng. Đánh giá vẻ đẹp của người con gái, người ta có câu “Cổ cao ba ngấn, má phấn môi son”, đây là kiểu người có tướng giàu sang, vượng phu, ích tử. Còn người đàn ông có cổ cao ba ngấn thì thường có tính ôn hòa, mọi người ai cũng dễ cảm mến. Vì con số 3 liên quan đến thẩm mỹ, nên trong những ngày đi hội, người phụ nữ mặc đẹp là người có áo “mớ bảy, mớ ba”. Trong truyền thống trang trí của dân tộc, con số 3 dùng làm công thức để tạo ra các bộ hoành phi, câu đối (bức hoành phi ở giữa, câu đối ở hai bên).

          Trong sáng tác dân gian, ta thường gặp con số 9, thoạt nhìn có ảm giác đó chỉ là con số dương (cực dương) thuần túy, nhưng bên trong lại ẩn chứa sự tổ hợp của con số 3. Ví dụ: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngó về quên mẹ ruột đau chín chiều; “Vẳng nghe tiếng vịt kêu chiều/ Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”. Khi người nước ngoài học tiếng Việt hỏi câu này, nhiều giảng viên, kể cả người có học hàm học vị, tỏ ra lúng túng không giải thích được. Cũng như vậy, khi đợc hỏi “chín chữ cù lao” là gì, nhiều giảng viên cũng ngắc ngứ, không trả lời được. Nay tiện bàn luận về tính biểu trưng của con số 3, chúng tôi xin giải thích như sau: “Chín chữ cù lao” là chín chữ nói về công lao trời biển của cha mẹ. Chín chữ này hợp thành 3 nhóm, chỉ ba giai đoạn nuôi con: 1. Sinh, súc, cúc (sinh ra, cho bú mớm, nâng niu/nâng, đỡ); 2. Phủ, cố, phúc (vuốt ve, trông nom, bảo vệ); 3. Trưởng, phục, dục,  (nuôi cho trưởng thành, xem tính nết mà uốn nắn, giáo dục cho thành người).

          Nếu dạy và học tiếng Việt chỉ chăm chăm vào khía cạnh ngôn ngữ thì không hiêđược các giá trị thâm sâu của tiếng Việt và văn hóa Việt. Bởi, trong tâm thức của người Việt, các con số tự nhiên luôn sống động, biến hóa theo các góc độ tư duy khác nhau, gắn với đời sống xã hội và đời sống tâm linh của cộng đồng. 

 

Powered by Froala Editor