Viện phương đông

3 năm trước

Trích "Văn khoa chân dung ký" của nhà văn Hữu Đạt (nxb Hội Nhà văn)

Giáo sư Nguyễn Kim Đính trong con mắt của chúng tôi luôn là một người tận tuỵ theo tinh thần, lý tưởng "cộng sản". Ông sống giản dị, chan hoà với mọi người bằng cái tình đời đằm thắm, mà ở với ông lâu lại càng thấy thấm thía. 

Powered by Froala Editor

Hồi thứ mười

Lê Đức Niệm trồng chuối giữa khoa

Nguyễn Kim Đính thà buồn hơn khổ


I. Giáo sư. NGND Nguyễn Kim Đính - Bông tuyết đầu mùa trắng trong của một nền văn học kỳ vĩ

    Đã một thời, trong căn phòng cuối hành lang của gác 3 nhà C, KTX Mễ Trì (phía Hội trường) người ta thấy đêm nào cũng có một bóng đèn thức rất khuya. Dưới ngọn đèn đó, một người gầy gò nhưng rắn rỏi, đêm nào cũng hì hục đọc hay viết một cách miệt mài. Ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác, người đó dường như không còn biết quan tâm đến đời sống riêng của mình. Ngày hai bữa ăn tập thể, sáng cho vào bụng nửa cái bánh mì, cuộc sống đạm bạc mà chẳng khi nào lộ ra nét mệt mỏi. Trái lại, từ nụ cười đến ánh mắt, lúc nào cũng sáng loá niềm tin, niềm yêu. Cái niềm yêu nghề đến độ chẳng màng đến bất cứ điều gì xung quanh: Cả ăn mặc, đến thú vui trà tửu… Thoạt nhìn, ai chẳng nghĩ đó là một người khô khan, lạnh lùng, thậm chí hết cả bầu nhiệt huyết. Nhưng tiếp xúc lâu, càng lâu, càng thấy đó là một người đằm thắm, tình đời. Một người mà nhiệt huyết lúc nào cũng bừng sôi mãnh liệt. Người đó chính là giáo sư Nguyễn Kim Đính.

    Phải mãi tới khi ra trường tôi mới thực sự gần gũi ông, vì ông có một thời khá dài "ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân". Có hai điều tôi cũng như nhiều sinh viên khác rất bất ngờ là, cứ tưởng ông đã có vợ thi ông lại sống độc thân; cứ tưởng ông đã là đảng viên thì ông lại chưa hề vào Đảng. Bởi nếu nói về cốt cách và lý tưởng thì chỉ có những đảng viên thật mẫu mực mới theo nổi ông. Đó là những điều mà có một thời gian dài chúng tôi cứ thắc mắc. Chỉ khi từng trải, lại được chứng kiến những sự xoay vần của thời thế, mới hiểu vì sao ở giáo sư Nguyễn Kim Đính lại có những điều rất đặc biệt như vậy. Khi đã hiểu thì ta lại càng thấy kính trọng ông hơn và thấy rằng, hoá ra mọi thứ trên đời đều có nguyên nhân sâu sa của nó. Viết đên đây, tôi lại nhớ những tâm sự của giáo sư Hoàng Như Mai khi ông vẫn đang công tác ở ngoài Bắc. Thuở đó giáo sư Hoàng Như Mai dạy chúng tôi môn "Văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945" và "Văn học Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp". Đây là thời kỳ lịch sử có rất nhiều biến động. Mỗi lần phân tích nhân vật hay liên hệ những chuyện ngoài đời và tác phẩm ông lại kể, thời kháng chiến, ông tuy không là đảng viên, nhưng ông lại giới thiệu cho rất nhiều người vào Đảng. Do những hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, thời gian qua đi. Về sau ông luống tuổi nên không xin vào Đảng nữa, nhưng nhất nhất mọi hành động, ông vẫn tuân theo lý tưởng của người đảng viên. Ông thực sự là một "đảng viên ngoài Đảng".

    Không phải ngẫu nhiên mà giáo sư Hoàng Như Mai lại bộc bạch những lời tâm sự như vậy. Thời đó nhận thức của chúng tôi lạ lắm: nhiều người mình cứ tưởng là đảng viên thì lại chưa hề vào Đảng, còn nhiêu người là đảng viên rồi thì chúng tôi lại cứ tưởng là chưa. Chỉ sau khi ra trường nhiều năm thì chúng tôi mới không còn cảm giác lạ lùng này!

    Giáo sư Nguyễn Kim Đính trong con mắt của chúng tôi luôn là một người tận tuỵ theo tinh thần, lý tưởng "cộng sản". Ông sống giản dị, chan hoà với mọi người bằng cái tình đời đằm thắm, mà ở với ông lâu lại càng thấy thấm thía. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài thì điều đó không mấy lúc lại bộc lộ ra. Bởi tính cách ông không thuộc loại sôi nổi, trái lại hơi trầm. Cuộc sống riêng tư của ông cũng lặng lẽ đi theo tháng ngày mà không một ai có thể khám phá. Bởi vậy, thời đó, chúng tôi thường nghe nhiều chuyện khác nhau về ông. Có người nói, thời thanh niên, ông có một mối tình rất lý tưởng. Thế rồi vì một lý do gì đó mà hai người chia tay. Thế là từ đó, ông không bao giờ nghĩ tới một cô gái nào khác nữa. Ông không muốn có một hình ảnh nào khác làm loãng tan cái cảm giác đẹp đẽ trong mối tình đầu của mình. Có người lại bảo, vì quá say mê với văn nghiệp mà ông chẳng thiết tới việc yêu đương và lập gia đình. Cũng có người bình, ông muốn phấn đấu theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy sự nghiệp làm điều trên hết… Tất cả những chuyện đó tạo ra quanh ông một huyền thoại về tình yêu. Chỉ có một sự thật là, theo các khoá trên kể lại, ông đã từng được rất nhiều nữ sinh chú ý, nhưng ông thì lại chẳng bao giờ để mắt tới họ. Lý do tại sao thì không ai hiểu.

    Mãi những năm tháng sau này, khi trở thành cán bộ lâu năm, lại tham gia nhiều khoá công tác công đoàn tôi mới đánh bạo hỏi ông chuyện đó. Khi Ban chấp hành Công đoàn thời đó nêu ý kiến tổ chức vận động ông lấy vợ thì có người can: Các khoá trước đã thử làm nhưng đều bị ông khéo léo từ chối… Thế là công việc bàn soạn hăng hái bỗng hẫng lại. Chẳng ai nghĩ đến chuyện vận động ông. Riêng tôi, lựa vào một lúc thanh thản nhất, ngồi bên ông với ấm trà cung cấp 4 hào (dạo đó chè phân phối cho cán bộ loại ngon là 4 hào và 4 hào rưỡi, loại thường là 3 hào) mới đưa ra câu hỏi sao ông không tính chuyện lấy vợ. Ông trầm ngâm một lúc, rồi quay lại tôi cười hiền từ:

    - Mình thà buồn hơn khổ cậu ạ.

    Tôi ngước nhìn ông và chợt nhận ra mái tóc ông đã điểm bạc. Có lẽ ông nói đúng. Nếu tuổi ông khi đó mà lấy vợ thì rất khổ. Đó là một sự thực. Ngày ấy, tầm tuổi lấy ông mà lấy vợ thì coi là đã quá muộn. Khác với bây giờ, tóc có thể bạc hơn, thậm chí bạc hẳn vẫn có người tính chuyện lập gia đình. Bởi thời bao cấp nhiều chuyện khắc nghiệt lắm. Lấy vợ sinh con, đi xếp hàng chen lấn để mua được dăm ba cân gạo hay vài lạng thịt quả là vấn đề không nhỏ. Ném thời gian vào đó, thời gian dành cho khoa học sẽ còn được là bao? Bây giờ mọi thứ lúc nào cũng có người đem bán ngay trước cửa nhà. Bận công việc có thể thuê người giúp việc mà không bị lo có tư tưởng "tư sản". Chứ thời đó mà nói đến việc thuê người thì coi là hạng người lạc hậu, tư sản hay phong kiến rồi. Loại người có tư tưởng "bóc lột" như thế thì ai cũng ghét. Còn bây giờ, để giải toả được nỗi buồn, không còn phải lo đến nỗi khổ nữa. Thành thử các cụ bảy mươi mà sức còn cường tráng, vẫn còn khối cụ hăng hái tiến vào cửa ải này. Có cụ còn dỗ dành mấy đứa cháu yêu:

    - Thôi, từ mai các cháu ở nhà với bố mẹ phải ngoan để ông đi lấy vợ…

    Nói như vậy không có nghĩa giáo sư Nguyễn Kim Đính không thuộc loại cường tráng. Tuy vóc dáng ông không cao lớn, nhưng ông có sức khoẻ có thể xếp vào loại phi thường. Bao nhiêu năm mà không ai thấy ông ốm đau gì. Từ sau khi đi nước ngoài về, xa ông tôi không rõ rõ, chứ thời cùng sống với ông ở Mễ Trì, tôi không thấy khi nào ông qua bệnh xá xin thuốc. Cũng chưa bao giờ phải vào bệnh viện. Trong khi đó nhiều anh cán bộ trẻ, trong đó có tôi, đều đã từng "nghỉ mát" ở chốn này. Với màu nước da hơi ngăm ngăm, ông giống như thanh củi chìm lâu ngày ngâm trong nước. Bão táp, mưa sa chẳng bao giờ đe dọa được ông. Mỗi tuần hai lần.Thứ bảy ông đạp xe về Ngã Từ sở thăm gia đình em gái. Chiều chủ nhật hay sáng sớm thứ hai tiếp  theo ông đã có mặt ở Mễ Trì. Không ai qui định mà tự ông tự giác thực hiện cái "niên biểu" vô cùng nghiêm ngặt đó hết năm này qua năm khác.

        Chỉ có những ai từng sống trong mái ấm gia đình mới càng thấy thương ông và kính phục ông. Nhất là những ngày lễ hay nghỉ Tết. Chính vì thế cái câu ông nói, đã đeo đuổi tôi suốt bao nhiêu năm. Có lần tôi hỏi Trần Hinh, liệu anh ấy ở cùng tổ có biết nguyên nhân nào dẫn đến việc ông để trôi tuổi xuân đi rồi khi có tuổi không tính tới chuyện lấy vợ nữa? Hoá ra, câu chuyện lại vô cùng đơn giản. Chẳng phải ông yêu và lý tưởng hoá tình yêu để rồi sống trong mộng tưởng như có người tưởng tượng. Trần Hinh cho biết, nguyên nhân chính làm cho việc xây dựng gia đình của ông lỡ dở là do hoàn cảnh lịch sử. Ông là trưởng nam của gia đình (ông có một chị gái và 4 người em). Khi ông ra Hà Nội, vì phải lo lắng cho tất thảy các em ổn định cuộc sống và lập nghiệp ông cứ nấn ná chuyện riêng. Đến khi các em vương trưởng xong, thì thời gian đã lấy đi của ông những ngày tuổi xuân đẹp nhất…Ông không còn muốn lấy vợ mà chấp nhận cảnh sống độc thân, lấy tình cảm của các em và các cháu làm niềm vui bù đắp cho mình.

    Nghe xong câu chuyện này tôi vô cùng cảm động và càng hết sức kính phục ông, đồng thời hiểu ra câu ông trả lời tôi khi xưa là câu nói đùa. Đùa mà là thật vì đó là câu ông nói lúc ông đã luống tuổi. Tuy nhiên, nó là một câu nói hay vì có dáng dấp của một thành ngữ, mà cũng lại đúng cho không ít người, nên  khi Đoàn Đức Phương vừa đọc câu: "Lê Đức Niệm trồng chuối giữa khoa" thì tôi đã liền bật ra: "Nguyễn Kim Đính thà buồn hơn khổ". Nói cho đúng, câu này không chỉ có một nghĩa đơn thuần. Nó lớn lắm, rộng lắm, bao hàm cả cái đạo nghĩa của một thời. Lúc tôi còn nhỏ, cha tôi thường nhắc câu "Quyền huynh thế phụ" nói về vai trò của bậc làm anh. Giáo sư Nguyễn Kim Đính đã thay cha để làm cái công việc vô cùng lớn lao của một gia đình. Nói đúng là ông đã hy sinh hạnh phúc của cá nhân mình để lo trọn vẹn cho các em. Ông đã làm tròn chữ hiếu với mẹ cha, lại làm hết bổn phận trong tình huynh đệ. Phải chăng với ông, sẽ chẳng có gì sung sướng (sẽ rất khổ) nếu mình hạnh phúc (mình vui) mà các em lại long đong, lận đận trong cuộc sống mà sự nghiệp lại không thành!

     Khi các em ông, ai cũng công thành danh toại thì ông đã qua đi cái tuổi thanh xuân, chỉ còn dốc mình cho sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học. Lấy trang sách làm vui, lấy tình cảm đồng nghiệp làm niềm chia sẻ. Bao nhiêu năm sống trong hoàn cảnh nghèo khó ở Mễ Trì, ông luôn là chỗ dựa tinh thần cho lớp cán bộ trẻ khoa Ngữ Văn. Lúc vui, lúc buồn, bọn chúng tôi thường tìm đến ông chia sẻ. Ông chẳng những là người thầy về chuyên môn mà còn là người cha của ứng xử, là người bạn của tâm tình. Mỗi lúc ai gặp khó khăn, ông đều trăn trở, thương trò hơn cả thương thân. Chẳng những động viên ông còn tìm mọi cách giúp đỡ. Đằng sau cái vẻ bề ngoài khô lạnh, nghiêm khắc, trong con người ông là cả bầu nhiệt huyết sôi sục. Bầu nhiệt huyết ấy chỉ bộc lộ trong những giờ giảng. Ông nói về Maia, về cụ Đốt… giọng sang sảng như chuông đồng. Những lúc đó cả không gian ngưng đọng, còn người nghe thì muốn nín thở, hồi hộp, cuốn vào cái lý tưởng chói ngời của các nhân vật. Nhân vật Pa ven trong "Người mẹ" của Goocki, chàng thanh niên trong "Đội cận vệ thanh niên" của Fa đê ép… một phần ba thế kỷ đi qua rồi, mỗi khi ngồi nhớ lại tôi vẫn hình dung ra khuôn mặt tràn ngập niềm tin của ông khi nói về các nhân vật này và về tương lai.

    Thời chúng tôi học đại học, giáo sư Nguyễn Kim Đính phụ trách phần văn học Xô viết. Ông giảng về Goocki, Fađêep, Maiacốpxki, A. Tonxtoi, nhưng không mấy khi ông không  liên hệ tới cả tới nhà văn Nga vĩ đại như Đôxtoiepxki với các tác phẩm "Tội ác và trừng phạt", "Anh em Karamarốp", L.Tonxtoi với tác phẩm "Chiến tranh và hoà bình",  "Anna karenina", "Phục sinh", Tuôcghênhep với  "Những dòng nước mùa xuân"… Nói về kiến thức, ông hoàn toàn có khả năng dạy cả một mảng lớn từ Puskin, Sêkhốp, L.Tonxtoi… đến Maiacôpxki. Nhưng thuở đó, phần văn học Nga đã có các thầy Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Trường Lịch đảm trách, nên ông chỉ lên lớp phần văn học Xô viết mà thôi.

         Giáo sư Nguyễn Kim Đính sinh ra tại thành phố Thanh Hoá, ngày trước chỉ là một thị xã nhỏ, nhưng quê gốc của ông ở tận Đức Thọ Hà Tĩnh. Đó là một vùng đất văn hiến, thời nào cũng có các danh nhân. Sinh ra trong một gia đình Nho học, từ nhỏ ông đã được học chữ Hán và được rèn đúc theo khuôn mẫu của đạo Thánh hiền, lấy những điều sâu sa trong Luận ngữ, Trung Dung, Đại học… làm cái đích phấn đấu để tu thân. Khi ông lớn lên, đang học trung học thì  cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Ông tốt nghiệp và tiếp tục theo học ở ban Toán Lý Hoá. Nếu cuộc đời lúc nào cũng tuần tự như thế thì chắc hẳn ông sẽ không trở thành giáo sư văn học như sau này.

    Nhưng năm 1956, ông ra thủ đô và được tuyển vào khoá học đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là cái mốc tạo ra một bước ngoặt trong cuộc đời ông. Vốn từ thời Trung học, tuy giỏi các môn tự nhiên ông vẫn say sưa đọc các tác phẩm văn học, đặc biệt ông rất thích văn hào Nga Đôtxtoiepxki, nên khi vào khoa Ngữ Văn ông nhanh chóng nhập cuộc ngay. Sau khoá đào tạo ba năm (1956 - 1959) ông được cử sang Liên xô, và bắt đầu từ đấy ông gắn toàn bộ cuộc đời mình với nền văn học vĩ đại của xứ sở này.  Vì thế, trong sự nghiệp của mình, ngoài khu vực kiến thức mà ông đảm trách, ông còn là đồng tác giả của bộ Lịch sử văn học Nga (6 tập), là tác giả của nhiều bài viết sâu sắc về các nhà văn nhà thơ Nga cổ điển.

    Tuy nhiên, thời thế thật thăng trầm. Năm 1991, nước Liên xô Xã hội Chủ nghĩa hoàn toàn tan vỡ. Vị thế của văn học Xô viết bắt đầu giảm dần cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý hành chính đất nước. Nhiều khái niệm văn học truyền thống đã không còn nguyên nội hàm như thuở chúng tôi còn học đại học. Mặt khác, các thế hệ mới sinh sau chiến tranh hoàn toàn xa lạ với nền kinh tế bao cấp và với mực thước lý tưởng  của các bậc cha anh. Việc tiếp nhận các bài giảng mà giáo sư Nguyễn Kim Đính truyền thụ không còn giữ được sự hâm mộ như chúng tôi ngày ấy. Đó là nỗi buồn không chỉ riêng với giáo sư Nguyễn Kim Đính mà với cả một thế hệ giảng dạy và nghiên cứu văn học Xô Viết. Nhưng lúc này giáo sư Nguyễn Kim Đính đã về hưu. Ông không còn sống nơi ký túc xá, nơi có một thời ông đắm mình với "Bài ca chim báo bão" của ông già M.Goocki và với những câu thơ bậc thang đanh thép của Maiacốpxki. Hẳn trong nhịp sống mới ông không khỏi bâng lâng nhớ lại thời sôi nổi năm xưa. Nay xin có thơ rằng:

Ông giáo già ngồi nhớ Puskin

Bên cửa sổ  lá vàng rơi xao xác

Căn gác nhỏ bao đêm dài thao thức

Bậc thang (*) nào cũng nhớ bác Mai a.

Nếu Goocki còn sống đến bây giờ

Chắc sẽ khóc thương Paven thở ấy

Chim báo bão(*) xa rồi nay xếp lại

Trang sách thời bao cấp mến yêu ơi.

Căn gác xưa nay đã vắng bóng người

Lý tưởng cũ ra thị trường chứng khoán

Tuổi thất thập nay về hưu tóc trắng

Tình yêu thời son sắt vẫn bâng lâng…

    Không phải chỉ có trong nghiên cứu và giảng dạy ông mới là con người hăng say. Trong lĩnh vực quản lý,  mỗi khi được giao công việc gì ông đều làm hết lòng và tận tâm. Từ chức Tổ trưởng bộ môn Văn học Nga-Phương Tây đến chức Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, ở cương vị nào ông cũng là một tấm gương tận tuỵ về công việc và sự quan tâm tới mọi người. Tôi mãi không quên, khi ông còn là Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, tôi đang làm nghiên cứu sinh ở Liên xô có viết thư về thăm ông. Dù bận trăm ngàn công việc, ông vẫn có thư hồi đáp và ân cần động viên tôi cùng bao điều tâm sự về khoa về trường.

Đến khi ông về hưu rồi, khi biết tin tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, ông lại gặp tôi bắt tay chúc mừng nồng nhiệt. Ông là con người như thế, thực sự vui mỗi khi thấy từng bước trưởng thành của học trò mình.

     Với ông, khoa Ngữ Văn luôn là một thể thống nhất. Bởi thế, khi bàn đến việc tách khoa, ông cũng chính là một người cương quyết đứng về phía "bảo vệ" mái nhà chung, không muốn Ngữ Văn chia thành hai ngả.

    Tính đến nay, giáo sư Nguyễn Kim Đính đã gắn bó với khoa, với trường đúng một nửa thế kỷ. Ông là một nhân chứng lịch sử sống động chứng minh bao cuộc thăng trầm trong bước đi lên của một ngành khoa học có rất nhiều người yêu thích nhưng cũng rất phức tạp này. Vịnh về cuộc đời ông mới có thơ rằng:

Thà buồn chỉ một riêng ta

Còn hơn chịu cảnh cả nhà long đong

Nặng vai "Tứ đức tam tòng"

Duyên xưa đành trả cho vòng khói mây

Tà tà bóng ngả về tây

Chuyện riêng nào đã mấy ai hiểu lòng?

Xét trong các bậc anh hùng

Công danh xem đã lẫy lừng bốn phương

Văn hiện đại, đạo cương thường

Viết về ông, biết mấy chương cho vừa ?


Powered by Froala Editor