Viện phương đông

3 năm trước

Từ Thái Tổ L‎ý Công Uẩn đến Ngự hoàng Trần Nhân Tông và đến Bồ tát Minh vương Nguyễn Phúc Chu

Từ Thái Tổ Lý Công Uẩn đến Ngự hoàng Trần Nhân Tông và đến Bồ tát Minh vương Nguyễn Phúc Chu

 PGS. TS Trần Lê Bảo

(Trường ĐHSP. Hà Nội)

Powered by Froala Editor


        Từ Thái Tổ L‎ý Công Uẩn đến Ngự hoàng Trần Nhân Tông tiếp đến Bồ tát Minh vương Nguyễn Phúc Chu là một sự tiếp nối về loại hình nhà vua gắn bó với Phật giáo. Sự tiếp nối này không chỉ ở tâm hướng Phật – tức tâm tức Phật mà còn thể hiện ở trong sự nghiệp yêu dân yêu nước và thực thi hoằng dương Phật giáo trên xứ sở Đại Việt. Những vua “Phật” này chẳng những là một minh chứng cho mối quan hệ gắn bó giữa vương quyền và thần quyền, mà còn là hoằng dương Phật giáo trên cơ sở nhu cầu vì nước vì dân của thời đại mình đang sống, đồng thời cũng là bài học trong việc ứng xử giữa chính quyền với Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung.

1. Mối quan hệ vương quyền và Phật giáo trong lịch sử xã hội Việt Nam

          a. Du nhập 

Quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam có thể chia làm 3 thời kỳ chính: Thời kỳ từ đầu Công nguyên; Thời kỳ độc lập tự chủ (938) qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đến triều Nguyễn; Thời kỳ Pháp thuộc (1858) và sau 1954. 

        Thời kỳ đầu Công nguyên: Phật giáo được xác định là du nhập vào nước ta thế kỷ II bằng đường biển và đường bộ từ Ấn Độ và Trung Quốc vào Giao Chỉ và Chăm Pa. Với dòng thiền đầu tiên Tì-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông.  

       Thời kỳ độc lập tự chủ trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đến triều Nguyễn. Thời nhà Đinh và Tiền Lê, Phật giáo trở thành thành quốc giáo đồng thời xuất hiện dòng thiền thứ ba là Thảo Đường. 

     Cả ba dòng thiền và Phật giáo đã hiện diện ở giai đoạn này và có xu hướng nhập thế mạnh mẽ. Nhà Trần là triều đại tiếp nối của Phật giáo với vai trò nổi bật của Trần Nhân Tông - người sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. 

       Thời Hậu Lê, chế độ phong kiến đã thuần thục ở Đại Việt, Nho giáo dần thay thế Phật giáo và Phật giáo từ cung đình chuyển dần vào dân gian. 

      Vào thời Nguyễn, ở “đàng trong” Phật giáo vẫn phát triển mạnh trên cơ sở một nền lý học mới và nhờ vai trò của chúa Nguyễn Phúc Chu (được ví là Trần Nhân Tông thứ hai trong lịch sử Phật giáo). Nền lý học mới này là dòng Tào Động và dòng Lâm Tế. Trong khi “đàng ngoài” vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. 

      Sự định hướng mô hình Nhà nước tuy theo Nho giáo nhưng nền tảng tư tưởng Phật giáo vẫn là định hướng vận động của xã hội Đại Việt, tiêu biểu là thời  Lý - Trần, khởi đầu từ thời Đinh - (Tiền) Lê - Lý. 

b. Sự lựa chọn

Với điều kiện xã hội Việt Nam thời Lý – Trần, sự lựa chọn mô hình Nhà nước theo Nho giáo nhưng lấy nền tảng tư tưởng là Phật giáo lại là một sự chọn lựa sáng suốt và có tính chiến lược. Có những lí do chủ yếu sau:

* Thứ nhất

 Xét về ý thức hệ: sau hơn 1000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, hơn lúc nào hết tinh thần tự chủ, tự cường, yêu thương đoàn kết dân tộc cần được đề cao.  

       Tiếp nhận Nho giáo hay Đạo giáo trong lúc thoát khỏi ách đô hộ ngàn năm của phương Bắc vẫn là “lệ thuộc tư tưởng”. Phật giáo là hệ tư tưởng động viên tinh thần tự chủ, tự trách nhiệm với giáo lí, tự tu tập mới chứng ngộ không ai khác có thể thay mình. Tinh thần này rất phù hợp với tinh thần của một dân tộc, một đất nước vừa thoát khỏi ngàn năm đô hộ.   

* Thứ hai 

Về điều kiện xã hội: sau những năm nội chiến và biến loạn, huynh đệ tương tàn, hơn lúc nào hết cẩn có một triết lí mới để thu phục nhân tâm. Tinh thần bao dung, tha thứ, từ bi hỷ xả, gạt bỏ quá khứ đau thương cùng hướng về một tương lai tốt đẹp của Phật giáo đáp ứng được điều này. 

* Thứ ba 

 Về điều kiện thực tế: quan hệ về quyền lực giữa vương quyền và thần quyền trong giai đoạn Đinh, Lê, L‎ý, khi chính quyền mới xây dựng, còn non yếu, thì Phật giáo đã có tác động hỗ trợ tích cực đối với vương quyền. Vương quyền có lợi khi dựa vào trí tuệ và đạo đức cứu đời của Phật giáo để củng cố quyền lực và thu phục nhân tâm. Ngược lại, Phật giáo tham gia vào công việc của vương quyền cũng là để “cố vấn” cho nhà vua chứ không hề là mối đe dọa đối với vương quyền.

          Thêm nữa, thời kì đầu của nước Đại Việt, khi chưa tổ chức thi tuyển nhân tài theo tiêu chí Nho giáo, thì vai trò của các tu sĩ Phật giáo luôn được đề cao và các vị vua lựa chọn Phật giáo làm chủ lưu thậm chí là quốc giáo cũng là sự lựa chọn sáng suốt. 

c. Thời Lê - Nguyễn

Đến thời Lê - Nguyễn việc xây dựng xã hội chuyên chế tập quyền theo mô hình Nho giáo là xu thế chung của thời đại nhưng cũng vẫn phải dựa vào lá cờ của Phật giáo, đặc biệt triều đại nhà Nguyễn vì những lí do cơ bản sau:

Thứ nhất, các chúa nhà Nguyễn với sứ mệnh trấn giữ và mở cõi xứ sở Đàng Trong, với bài học nhỡn tiền về cuộc khủng hoảng của Nho giáo đàng ngoài, một mặt vẫn phải xây dựng chính quyền phong kiến chuyên chế, mặt khác cần phải xây dựng nền tảng văn hóa tâm linh, đạo đức cho vùng đất mới nên Phật giáo được lựa chọn như một giải pháp tối ưu. 

* Thứ hai, trong hành trang của lưu dân mở cõi, đạo Phật đã đáp ứng được cả về mặt tâm linh lẫn quan niệm và lối sống cho họ, khi không được quyền chọn lựa đối với nhiều biến động luôn xảy ra ngoài ý muốn.

        *Thứ ba, vùng đất Nam bộ vốn là vùng đất của nhiều dân tộc cộng cư, với sự hỗn dung của tín ngưỡng và tôn giáo, bởi vậy, Phật giáo “đàng trong” đã dung hòa được với tư tưởng tam giáo Nho-Đạo-Phật và tín ngưỡng tôn giáo dân gian..  

Thứ tư, có một yếu tố rất quan trọng khác, đó là điều kiện kinh tế xã hội của triều Nguyễn đã thúc đẩy con người phải hướng về Phật giáo, tìm cứu cánh từ Phật giáo. Bởi lẽ, sự áp bức tàn bạo người lao động của chính quyền phong kiến, cộng thêm dịch bệnh diễn ra đã cướp đi hàng 40, 50 vạn người. Triết lí tùy duyênnhập thế của đạo Phật đã trở thành diểm tựa cho mọi giá trị của sự sống con người nơi đây. 

d. Sự khác biệt

Mặc dù là hai mô hình xã hội kế tiếp nhau trong lịch sử Việt Nam, song có thể thấy sức mạnh của thời đại Lý - Trần không giống với sức mạnh của thời đại Lê - Nguyễn. Một bên là sức mạnh của nền “quân chủ Phật giáo” có được từ trạng thái nhân ái khoan dung. Một bên là sức mạnh của một nền “quân chủ Nho giáo” chuyên chế tập quyền được tổ chức qui mô và chặt chẽ song vẫn không hoàn toàn đoạn tuyệt với Phật giáo.     

       Trong hai mô hình xã hội Việt Nam có ba nhân vật tiêu biểu cho mối quan hệ vương quyền và thần quyền xoay quanh hai thế lực: nhà vua và nhà sư. Đó là Lý Công Uẩn là nhà sư trở thành nhà vua, tiếp đến là Trần Nhân Tông là nhà vua thành nhà sư và Nguyễn Phúc Chu là nhà vua gắn với nhà sư. Từ ba nhân vật tiêu biểu này người ta có thể thấy diễn trình cũng như cấu trúc của Phật giáo và vương quyền Việt Nam trong lịch sử xã hội và vai trò quan trọng của những nhà vua gắn bó với Phật giáo trong việc trị quốc an dân cũng như đối ngoại tài giỏi và dung hợp văn hóa khéo léo. 

2. Hệ thống đạo lí - hệ quả của quan hệ giữa nhà vua và Phật giáo

 Mối quan hệ gắn bó này đã tạo thành hệ thống đạo lí cơ bản để xây dựng quốc gia qua các thời đại và được thể hiện thành ba mối quan hệ như sau:

 a. Đạo đức nhà vua mang tinh thần Phật: đề cao  sứ mạng chính đáng của vương quyền, dựa trên bốn điều kiện: được thần dân tin yêu, trao cho đế vị, chỉ đạo việc nước với lòng nhân từ, tức là “có đạo”, làm nước giàu dân mạnh, coi quyền lợi dân gắn với quyền lợi vua. 

b. Đạo đức về nghiã vụ tương hỗ giữa người với người mang tinh thần Phật: giữa vua nhân và tôi trung, cha nghĩa và con hiếu, chồng tín và vợ trinh; thực hành trên cơ sở ngũ giới và thập thiện. 

c. Đạo đức yêu nước mang tinh thần Phật: Giữ gìn giang sơn gấm vóc, bằng cách  trị nước với tình thương (từ bi, bác ái), hoặc bằng cách bảo vệ nền văn hóa dân tộc; lo lắng về thảm cảnh mất nước, quyết tâm giành lại đất nước từ trong tay giặc với tâm bồ tát. 

     Tất cả các thành tố nói trên, như đạo đức vương quyền, đạo đức nhân dân, đạo đức ái quốc, giữ gìn quốc gia độc lập, chống được ngoại xâm, bảo vệ quyền dân tộc tự quyết trong bang giao với các nước. 

3. Sự dung hợp chính quyền và thần quyền - vua và sư tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam 

     Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, có một loại hình kết hợp giữa chính quyền và thần quyền, đó là Nhà vua gắn liền cuộc đời, tư tưởng với Phật giáo. Những vị vua này là những bậc hiền tài nhân đức, đem lại sự vững bền thịnh vượng cho đất nước và hạnh phúc cho muôn dân. Triều Lý, Lý Công Uẩn Thái Tổ từ một nhà sư thành vua mở đầu vương triều Lý. Triều Trần có Ngự hoàng Trần Nhân Tông từ vua thành sư - người khai sáng Thiền phái trúc Lâm Yên Tử. Sau đó là Bồ tát Minh Vương Nguyễn Phúc Chu tín sùng đạo Phật xây dựng thời đại hưng thịnh, có công bình định mở mang bờ cõi đàng trong  như lãnh thổ Việt Nam hiện nay.    

3.1. Xét từ tâm thức văn hóa dân tộc

Cả ba vị vua này đều đã được tâm thức dân gian chuẩn bị đầy đủ cho mối quan hệ giữa vương quyền và thần quyền.

       Cả ba vị này đều có những huyền thoại được ghi chép đầy đủ báo trước mối quan hệ nhân duyên với Phật giáo:

     L‎ý Công Uẩn chẳng những ra đời kì lạ mà việc ông lên làm vua cũng có cả sấm kí. "Thái Tổ hoàng đế, họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974), niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 thời Đinh. (Đại Việt Sử ký Toàn thưBản kỷ, quyển II, Kỷ nhà Lý, Thái Tổ hoàng đế, trang 240).

       Đại Việt sử ký tiền biên, bản kỷ, quyển II, trang 192 chép: "Theo bài Tiêu Sơn tự ký thì Thái hậu cảm thụ tinh con khỉ bạch mà sinh ra vua ở chùa này, sư Vạn Hạnh đưa về nuôi”. Theo Ngoại truyện thì: mẹ vua năm 20 tuổi, do nghèo túng lam lũ không có chồng, nương tựa vào vị sa môn già ở chùa Ứng Thiên cho làm việc nấu bếp, đêm đêm dậy đồ xôi. Một hôm bà ngủ quên, lửa tắt, sa môn vô tình chạm phải, giật mình tỉnh dậy thấy lòng xáo trộn rồi có thai, bị sa môn đuổi đi, bà vào chùa khác, đủ tháng thì sinh ra vua...

    Ngự Hoàng Trần Nhân Tông ra đời như là một vị Phật đầu thai gắn liền huyền sử. Tam Tổ thực lục ghi rằng: Trần Nhân Tông “vừa sinh ra màu da như vàng ròng, Thánh Tông đặt tên là Kim Phật. Vai phải vua có nốt ruồi đen như hạt đậu lớn, người biết xem tướng nói đứa bé này ngày sau có thể gánh vác việc lớn”. 

  Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu cũng được sách Đại Nam Thực lục tiền biên ghi lại rằng: “Mẹ của Quốc Chúa trước đây được dâng vào hậu triều, sau đó được tuyển làm cung tần. Đến khi có thai, ở nơi phương Tây Nam trên trời mở ra một lỗ, có mây sắc vây bọc xung quanh, giữa một luồng ánh sáng rực trời tỏa ngay vào chỗ nhà mẫu hậu ở. Người thức giả cho là điềm tốt. Đến lúc sinh thì được một trai, ánh sáng tỏa rực khắp nhà, đấy chính là Hiển tông Hiếu Minh Hoàng đế” (tức Chúa Nguyễn Phúc Chu). 


3.2 Những điều kiện xã hội cụ thể thúc đẩy mối quan hệ giữa vua và sư

      Mỗi con người đều là con đẻ của một hoàn cảnh nhất định. Điều này quyết định cả quan niệm sống lẫn lối sống và con đường sống của mỗi người.

a. Lý Công Uẩn (974 – 1028) 

Trước khi lên ngôi, đã được nhà sư Vạn Hạnh đào luyện theo tinh thần Phật giáo và con đường đi lên của Lý Công Uẩn vẫn là con đường của các anh hùng dựng nghiệp bằng võ lực trước đó như Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh… Những vị vua này luôn cần có sự giúp đỡ của thần quyền lúc này là Phật giáo thì mới có thể mở nghiệp thành công. Nói cách khác, việc Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế chính là sự thắng lợi của Phật giáo Việt Nam. Đó như là một tất yếu lịch sử muốn khép lại thời đại nô lệ đau thương, chiến tranh đẫm máu, hướng về xã hội yên ổn thái bình, phù hợp cả với lòng dân và việc ổn định để xây dựng thiết chế chính trị vững chắc để có thể đối nội và đối ngoại tốt nhất. Vị Thái tổ mở đầu triều đại nhà Lý này đã xây dựng được chế độ quân chủ Phật giáo vững chắc. Điều này không thể không nói tới vai trò của Phật giáo với vương quyền của Thái tổ Lý Công Uẩn. Tiêu biểu cho mối quan hệ này là quan hệ giữa thiền sư Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn, đó chính là sản phẩm của chính quá trình vận động và vươn lên của Phật giáo. Thiền sự Vạn Hạnh đã chuẩn bị mọi điều kiện để Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Thiền sư là người truyền đạo cũng là người đưa Lý Công Uẩn vào triều để chuẩn bị nắm quyền điều khiển đất nước. Như vậy, có thể coi, Lý Công Uẩn là sản phẩm của chính quá trình vận động và vươn lên của Phật giáo Việt Nam - Phật giáo gắn liền với chính trị.

b. Trần Nhân Tông (1279-1293)

 Khác với Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông (1279-1293) là dòng dõi nhà vua, nên ông đã sớm được đào luyện thành một minh quân gồm đủ tài văn võ, tư tưởng có cả tinh hoa của Nho-Phật-Đạo. Cũng giống như Lý Công Uẩn, vua Trần Nhân Tông được tiếp nhận triết lí, tinh thần và không khí Phật giáo còn thấm đẫm trong nền tảng tinh thần văn hóa tâm linh và nhân văn thời đại. Ngài đã có duyên kế thừa và phát triển tư tưởng Thiền từ Tùy tục của Thường Chiếu, Biện tâm của Trần Thái Tông tới Hòa quang đồng trần của Thượng Sĩ. Chính những triết lí này sau này được Trần Nhân Tông phát triển thành tư tưởng tùy duyêncư trần lạc đạo. Chính Ngài là người chứng ngộ cao nhất và điển hình nhất của Thiền tông Việt Nam. Nhập thế lãnh đạo toàn dân chống giặc Nguyên Mông để cứu khổ cho sinh linh Đại Việt cũng là tinh thần cứu thế của Đức Phật. Xây dựng một triều đại thịnh trị lấy dân làm gốc cũng vì hạnh phúc muôn dân Đại Việt và, rũ bỏ mọi quyền uy, mọi vật dục vào núi tu luyện để trở thành Phật, tìm đường cứu rỗi chúng sinh mê đắm trong tham sâm si, chỉ ra con đường hướng về sự an vui thanh thản nơi tâm linh mỗi con dân Đại Việt cũng chính là tìm lại sự yên ổn cho xã hội và dẫn đến sự phát triển của đất nước. Từ bỏ vương quyền trở thành Giác hoàng Điều ngự - Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam là sự chứng ngộ sáng suốt, là lựa chọn điển hình và cao cả của Trần Nhân Tông trong việc xử lí mối quan hệ giữa vương quyền và thần quyền: nhà vua thành Phật trong điều kiện thực tiễn của thời đại. Theo gương Ngài, nhiều vị vua đời Trần đã biết lui về đúng lúc để truyền ngôi cho các thái tử trẻ lãnh đạo đất nước. 

Chùa Linh Mụ, nơi còn giữ nhiều dấu tích về Quốc chúa Bồ tát Nguyễn Phúc Chu

c. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725)  

Chúa Nguyễn Phúc Chu, vị vua thứ 6 triều Nguyễn, là một trong những vị chúa hiền tài. Giống như Trần Nhân Tông, ông cũng sinh ra để làm vua và được chuẩn bị đầy đủ để thành một ông vua của triều đại phong kiến chuyên chế. Chúa Nguyễn Phúc Chu được nối nghiệp Chúa khá sớm, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể với việc mở đất đằng trong đầy gian khổ, cần  xây dựng văn hóa tinh thần để tập hợp và phổ độ cho sinh dân nơi đây. Với kiến thức uyên bác và nhãn quan rộng mở, Chúa đã áp dụng nhiều chính sách chiêu hiền đãi sĩ, chịu nghe lời nói phải, gạt bỏ sa hoa lãng phí, giảm nhẹ thuế má giao dịch, bớt việc hình ngục, trăm họ ai ai cũng vui mừng. Chúa một mặt phải tổ chức lại chính quyền trung ương về mọi mặt, mặt khác lại phải lựa chọn Phật giáo làm ngọn cờ để tập hợp sinh dân Đàng Trong. Chính điều này đã đem lại sự vững bền và phát triển quốc gia dưới thời kì chúa cai quản. 

          Thời bấy giờ, ở Đàng Trong, các chúa đời trước vẫn duy trì khuynh hướng “bế quan tỏa cảng”. Nhưng chúa Nguyễn Phúc Chu là một người có tầm nhìn xa trông rộng, đã cho phép nhiều thương thuyền người nước ngoài như Tây phương, Trung Quốc, Nhật Bản ra vào buôn bán, trao dổi hàng hóa thường xuyên. Chúa lại biết dùng người Tây Âu để huấn luyện binh pháp và kỹ thuật quân đội, tiếp thu khoa học và kỹ thuật mới. Vì vậy quân đội cũng đã được tổ chức thành một lực lượng hùng mạnh nhờ thường xuyên thao luyện. Chúa cũng giỏi điều khiển các tướng tài như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Đình Ân trong các cuộc mở mang bờ cõi, bao dung những người thần phục như Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu để khai khẩn đất hoang. Mặt khác Chúa cũng cải cách cơ chế tổ chức chính quyền trung ương, định lại quan tước, phẩm hàm; Chúa quan tâm đến việc đào tạo nhân tài và tổ chức thi cử. Đặc biệt, chúa đã đặt ra kỳ thi Văn chức và thi Tam ty để thường xuyên kiểm tra khả năng của các quan lại đang tại chức. Rõ ràng với quyền lực của nhà vua, chúa Nguyễn Phúc Chu đã có những đường lối đúng đắn trong việc xây dựng chính quyền phong kiến chuyên chế vững mạnh, có công lao mở mang bờ cõi, đối nội và đối ngoại có hiệu quả. 

           Thành công này có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân phải kể tới là vai trò của Phật giáo. Trước hết, Chúa là người hâm mộ đạo Phật và có đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân. Chúa cũng thấy được sức mạnh của triết lí Phật giáo trong việc định hướng quan niệm và lối sống cho sinh dân còn rất khốn khổ khi mở cõi Đàng Trong. Phật giáo cũng dạy con người biết giải thoát và thích ứng, biết bao dung từ bi hỉ xả hướng thiện… đối với con người. Vì vậy Chúa cũng cho xây dựng nhiều chùa chiền (chùa Thiên Mụ Huế) đúc chuông, tạc tượng ở nhiều nơi. Trong thời gian trị vì, Chúa cho  mời nhà sư Thạch Liêm Thích Đại Sán từ Trung Hoa sang để chấn chỉnh Đạo Phật ở Đàng Trong, khi về nước nhà sư có viết sách Hải ngoại ký sự hết lời ca ngợi Chúa. 

          Thạch Liêm Đại Sán cho rằng, cơ sở văn hóa Nho gia và Phật giáo đều  có thể phát huy tác dụng vô cùng quan trọng và có chức năng tích cực trong việc xây dựng mẫu hình đạo đức, luân lí, nhân cách. Nho gia và Phật giáo vừa có vai trò là những tri thức điển hình để hình thành nhân cách lại vừa là động lực để nâng cao dân trí, phát triển quốc gia.

          Trong thời chúa Nguyễn Phúc Chu, triều đình vừa phải tổ chức chiến tranh cầm cự với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài lại chuẩn bị chiến tranh bình định Chiêm Thành ở phía trong. Vì vậy, nam thanh niên lúc bấy giờ không đi lính cũng đi tu. Sức sản xuất chỉ còn trông chờ vào phụ nữ. Vậy nên, khi thấy số lượng phụ nữ Đại Việt nhiều hơn nam giới ở Thuận Hóa, Thạch Liêm Đại Sán cho rằng, luân lí Trung Hoa khắc nghiệt trói buộc phụ nữ không ra khỏi nhà, còn phụ nữ Đại Việt mà ông gặp nhiều hơn nam giới là thứ phong tục “dâm mĩ” chưa có sự giáo hóa của Thánh nhân. Điều nhận xét của Thạch Liêm cho thấy, Phật giáo Đàng Trong phát triển sâu rộng tới mức nhiều nam thanh niên đã tự giác xuống tóc đi tu nếu không đi lính. 

           Mặc dù vậy, cũng có thể khẳng định, thế kỉ XVII Phật giáo Đại Việt có sự phục hưng mạnh mẽ với việc hoằng dương Phật pháp, xây dựng chùa chiền miếu mạo, thấm sâu vào đời sống tâm linh cộng đồng các dân tộc ở Đại Việt. Phật giáo vẫn được nhà vua lựa chọn như một yếu tố quan trọng phù trợ chính quyền để định hướng xã hội, định hướng nhân tâm, dung hòa bớt những mâu thuẫn trong cuộc sống. 

           Chúa Nguyễn Phúc Chu đã kế thừa được phong trào Phật giáo này để xây dựng chính quyền chuyên chế phong kiến và ông đã đạt được nhiều thành tựu trong 34 năm cầm quyền. Chúa đã đóng góp nhiều công lao vào việc mở mang đất nước; cũng như thực hiện nhiều tiến bộ về xã hội ở Đàng Trong vào cuối thế kỉ XVII đầu thế kỷ XVIII. Chúa đã ứng xử hài hòa giữa quyền lực chính trị của nhà vua và vai trò của Phật giáo. Vì vậy Chúa được tôn là Bồ tát Minh Vương. Chí hướng và tâm nguyện hướng Phật của Chúa được  thể  hiện trong một bài “minh” do Chúa viết trên chiếc chuông đồng tại chùa Thiên Mụ (Thuận Hóa) đúc năm 1710: “Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh đồng viên chủng trí” (Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, phổ độ chúng sinh đều được vẹn toàn trí tuệ). Đó là tâm nguyện của bậc minh quân gắn với Phật giáo sâu sắc.

          Tóm lại mối quan hệ giữa vương quyền và Phật giáo là một mối quan hệ đặc sắc trong văn hóa Đại Việt. Mối quan hệ này chẳng những cho thấy sự gắn bó chặt chẽ máu thịt của Phật giáo Việt Nam với vận mệnh dân tộc, với Tổ quốc thiêng liêng và với từng tâm hồn của người Việt Nam. Mối quan hệ này còn cho thấy, những vị vua sáng nếu biết vận dụng triết lí sáng suốt đầy tính nhân văn của Phật giáo trong việc trị nước nhất định sẽ thu được những thành tựu lớn lao, sẽ sống mãi trong lòng dân tộc. Mô hình điển hình của ba vị vua gắn với Phật giáo trong các thời kì khác nhau của lịch sử dân tộc đã là một minh chứng tốt đẹp của mối quan hệ hài hòa giữa vương quyền và thần quyền rất Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo chính

 

1. Thích Thanh Đạt (2000), Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Luận án? Tiến sỹ, Viện sử học - TT nghiên cứu KHNV quốc gia, Hà Nội,

2. Liễu Triệu Hanh (2011), Phật giáo Minh thanh ở Thuận Hóa: Nhận thức lại thế giới quan của Thạch Liêm Đại Sán trong Hải ngoại kỉ sự (Kỉ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỉ nguyên độc lập tr 426 -429).

3. Trần Tuấn Khải (1971), Tam tổ hành trạng. Nxb Nguyễn Văn Huân, Tp.Hồ chí Minh

4. Thích Đức Nghiệp (1995). Đạo Phật Việt Nam. Thành hội Phật giáo Tp. Hồ chí Minh.

5. Thích Thông Phương (2003), Thiền Phái Trúc Lâm Yên tử. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo.

6. Thích Phước Sơn (1995). Tam Tổ Thực lục. Nxb Gia Định, Tp. Hồ chí Minh.

7. Thích Mật Thể (2004), Việt nam Phật giáo sử lược. Hà nội, Nxb Tôn giáo.

8. Thích Minh Tuệ (1993), Việt nam Phật giáo sử lược. Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Sài Gòn.

9. Thích Thanh Từ. (1997), Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải. Tp. Hồ Chí Minh, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành.

 

            

 

 

 

 

 

 


Powered by Froala Editor