Viện phương đông

3 năm trước

Văn Khoa chân dung ký - Hữu Đạt (Nxb Hội Nhà văn)

Khi thấy mất khoa Ngữ Văn thì ông đau lắm, ông buồn lắm. Cái nỗi khổ của ông chính là chỗ ông quá yêu mến nó nên phải xa nó ông dấm dứt không yên. Cứ mỗi lần nhắc đến chuyện này, nét mặt ông sầu hơn muôn thuở.

  

Powered by Froala Editor

Trích Hồi thứ chín

 

Bùi Duy Tân đổ nước mộng giường.

Hoàng Trọng Phiến vén màn tế độ

(Nghiệt như Tân ngân như Phiến )

 

I. Phó giáo sư Bùi Duy Tân:

Người nuối tiếc khoa Văn nhiều nhất

 

*      *      * 

           Mỗi khi tâm sự về khoa Văn cũ, phó giáo sư Bùi Duy Tân thường đau đáu một nỗi niềm. Ông thường nói với các học trò của mình rằng “ước gì khi nhắm mắt được nhìn thấy khoa Ngữ Văn hợp nhất trở lại”. Ước muốn đó của ông có thành hiện thực hay không, chỉ có lịch sử mới tạo nên được câu trả lời chính xác. Thực tế bây giờ, Văn và Ngữ đã trở thành hai khoa độc lập, có cơ ngơi riêng, bộ máy riêng, ổn định vững vàng. Việc hợp nhất trở lại trong tương lai, nếu có xảy ra chắc cũng không nằm trong tương lai gần. Nhiều người khẳng định, đã tách ra thì không bao giờ nhập lại được nữa! Nói như vậy, là rất chủ quan. Bộ Giáo dục và Đại học đã tách ra rồi lại nhập vào. Việc thay đổi một đơn vị hành chính xem ra là cái việc ở xứ nào cũng có nên mới có câu ca dao:

Trăm năm trong cõi người ta 

Vẫn thường có chuyện tách ra nhập vào.

Nghe đâu ở tận nước Lào

 Cũng còn có chuyện nhập vào tách ra

Hiên ngang như thể Cu Ba

Vẫn không kiêng chuyện tách ra nhập vào

Duy ê, mấy nước sông đào

Cũng còn tính chuyện nhập vào tách ra

 Hiện đại như thể nước Nga

Người ta vẫn cứ tách ra nhập vào...

         Nhưng chuyện đó là chuyện của Trời. Ai mà biết được? Chỉ biết, tuy đã tách thành hai khoa Văn - Ngữ rồi, giáo sư Bùi Duy Tân vẫn là người luôn quan tâm đến việc liên thông. Lúc chưa về hưu, ông vẫn dạy phần văn học mình phụ trách cho khoa Ngôn ngữ học. Mỗi khi hai khoa Văn, Ngữ có chuyện vui buồn, ông đều có mặt thăm viếng đôi nơi. Từ chuyện hiếu, hỷ đến các cuộc tiễn cán bộ về hưu... ông đều tham gia tích cực chẳng khác gì lúc hai khoa vẫn còn chung trong một mái nhà. Tính ông vẫn thế. Nghiêm túc trong làm việc mà sống lại nặng tình đời. Vì thế, tất cả các cán bộ khoa Ngữ Văn cũ, ai đã từng sống ở ký túc xá Mễ Trì khi chuyển đi nơi khác đều nhớ ông. Nhớ ông là nhớ về một thuở của những kỷ niệm gian khổ nhưng hạnh phúc, nhớ về một thời trong sáng đến vô tư của những thế hệ đã hết mình vì sự nghiệp hoa học và giáo dục.

         Giáo sư Bùi Duy Tân quê ở Nam  Định, một địa danh nhiều người nhớ bởi câu thơ “Hà Nam danh giá nhất ông Cò” và bởi đó là một vùng đất đã sinh ra  “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Các cán bộ trẻ sống ở Mễ trì vẫn gọi giáo sư Bùi Duy Tân bằng cụm từ thân quí “Già Tân”. Những lúc vui đùa thầy trò vẫn gọi ký túc xá Mễ Trì là “làng Vũ Đại”. Trong làng cũng có vài ba “anh Chí”, chỉ thiếu là không có “Thị Nở”. 

         Với rất nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ Văn trước đây, Mễ Trì không chỉ là nơi an cư của các thầy trong khoa mà còn là nơi họ đã từng sống và học tập nhiều năm. Khi chưa chuyển cơ sở lên Thượng Đình, Mễ Trì được coi là đại bản doanh của hai khoa Văn, Sử cả về chỗ ở lẫn nơi học tập. Từ cái thời ấy, giáo sư Bùi Duy Tân đã đảm nhiệm chức Trợ lý Giáo vụ của khoa, sau mới lên làm phó Chủ nhiệm. Ông là người có bầu nhiệt huyết hiếm có và cũng “nghiêm” hiếm có, đến nỗi cán bộ trẻ đã bông đùa dùng chữ “nghiệt” để đưa ông vào cái câu có tính thành ngữ như đã dẫn ở trên. Gọi là “nghiệt” cho nó có tính dân gian, cho nó hợp với cái tạng nói năng của dân văn chưpng, chứ thực ra ông là người nghiêm túc, mẫn cán với công việc. Được giao trọng trách Trợ lý Giáo vụ, ông cứ sùng sục đi kiểm tra sinh viên suốt ngày. Đang giờ hành chính, sinh viên nào trốn học mà ở nhà đánh bài hay tán gẫu là nhất định không được với ông. Tên tuổi lập tức sẽ được “biểu dương” trong buổi chào cờ hoặc nặng hơn thì đưa ra lớp kiểm điểm. Nói chung, mọi việc đã vào tay ông thì đâu ra đấy. Sinh viên  nhiều người rất sợ ông, cứ thấy bóng ông thì đang nói chuyện tào lao phải lập tức im bặt. Thậm chí ngay cả các cán bộ trẻ thấy ông cũng nem nép, luôn có cảm giác, lỡ mình làm một việc gì đó không đúng mà ông thấy cũng rất rầy rà. Chẳng hạn, lên lớp không đúng giờ. Bỏ tiết không báo cáo...

PGS. NGND Bùi Duy Tân (Ảnh: Bùi Tuấn)


           Nề nếp công việc những năm đó rất qui củ cũng chính bởi có một phần công sức của ông. Nói không ngoa, bây giờ tìm được một người mẫn cán, vô tư trong quản lý như ông thời đó rất hiếm. Thời đó là thời bao cấp, nhìn chung mọi việc làm hay không là do lòng nhiệt huyết chứ hoàn toàn không có quyền lợi vật chất như bây giờ. Vậy mà ông lúc nào cũng chăm lo tới công việc của khoa y như là công việc của nhà mình. Không nề hà, không tính toán, ông lao vào công việc hoàn toàn do trách nhiệm với nghề, với đời. Tuy công tác trong tổ bộ môn Cổ - Cận - Dân (lúc đó chưa tách ra như sau này) nhưng lúc nào sự quan tâm của ông cũng không chỉ bó hẹp trong phạm vi của tổ mình. Ông rất am hiểu tình hình trong khoa, nắm chắc khả năng chuyên môn của từng cán bộ trẻ. Bởi thế, cánh cán bộ trẻ đôi khi còn đùa gọi ông là “già làng” một cách thân mật. Xét ở một góc độ nào đó, trong “làng Vũ Đại” ông chính là một “lão tiền bối” có vai trò không nhỏ đối với đời sống tinh thần của anh em cán bộ trẻ trong khoa. Chuyện vui, chuyện buồn, chuyện chuyên môn, chuyện “triều đình” nhiều khi được tâm tình, chia sẻ hay bình luận trong căn phòng nhỏ bé của ông. Thời thì ở trên gác 4 nhà C1, thời thì ở phòng đầu tầng 1 của dãy nhà C5. Thầy trò ngồi quanh một ấm chè gói phân phối, vài ba điếu thuốc không đầu lọc, ấy vậy mà có khi kéo dài cả đêm khuya. Ngày nắng, ngày mưa, ngày hè, ngày tết... biết bao là chuyện đời, chuyện người, ông già “làng Vũ Đại” như là người tổng kết, đánh giá kinh nghiệm. Trong mỗi câu chuyện của ông là cả một bài học về cuộc đời, về nhân tình thế thái, lối ứng xử. Chúng tôi không chỉ học ông trên lớp mà còn học ông ngay trên bàn trà. Nói vậy thôi, nhìn bề ngoài người ta hay só cảm giác sợ ông, nhưng ông là người rất dễ gần. Ông sống rất tình cảm, nhưng nó là thứ tình cảm của một nhà nho. Thâm trầm. Sâu lắng. Không tí toét bên ngoài. Mà ông cũng nghịch lắm. Cái cách nghịch ngầm, dí dỏm, pha chất văn chương lẫn chất đời. Nó làm cho cuộc sống của cánh giáo viên trẻ không bị đơn điệu mà luôn khởi động, tạo nên hương sắc riêng của làng văn. Sự vui tính của ông được thể hiện rõ nhất là mỗi khi có ai đó bông đùa quá trớn thì ông hay gừ gừ mắt mà nói như có vẻ đay nghiến “quân phố phường”. Chỉ có ai từng sống gần ông mới hiểu đó là cái kiểu đay nghiến rất đáng yêu, mang đậm chất văn của dân “làng Vũ Đại”.

           So với nhiều đồng nghiệp cùng tốt nghiệp khoá I của trường Đại học Tổng hợp cũ, giáo sư Bùi Duy Tân có một hoàn cảnh “nặng” hơn. Ông lấy vợ ở quê, lại đông con, nên trong những năm bao cấp, ông sống khá vất vả. Phần thì  lo việc chuyên môn, phần thì phải lo lắng cho gánh nặng gia đình, đồng lương của ông không phải chỉ chia năm sẻ bảy mà có khi phải chia thành mười để chi viện cho hậu phương. Đó là nói đến chuyện ở quê ông lại là người có vị trí quan trọng, trăm sự bà rằn tất thảy đều gọi đến ông. Việc làng, việc họ... thôi thì đủ cả. Đã làm ông lão “già làng” của  cái “làng Vũ đại” trên đất Hà Nội, ông lại phải đa mang bao chuyện ở quê nhà. Trong cái trọng trách như vậy, nếu ông không nghiêm thì con cái làm sao trưởng thành ? Nếu nói là ông “nghiệt” cũng phải. Không “nghiệt” thì đám “phố phường” nó làm loạn. Không “nghiệt” thì con cháu đâu dễ thành người. Mong cụ cứ “nghiệt” cho con cháu được nhờ!             

        Điều hạnh phúc nhất của giáo sư Tân, chính là về sau ông đã đưa được cả đại gia đình lên Hà Nội. Nói về đường con cái, nói không ngoa, ông đứng vào bậc nhất khoa Ngữ Văn. Đến nay, tất cả các con ông đều đã trưởng thành, phần lớn sốngvà làm việc ở Hà Nội (chỉ có một người xây dựng gia đình ở quê). Có lẽ, trong trường Đại học Tổng hợp (cũ) cho đến nay chưa có trường hợp nào như ông: Ba thế hệ cùng được giữ làm cán bộ giảng dạy của trường (tam đại đồng trường). Ông dạy khoa Ngữ Văn (nay là khoa Văn học), Con trai trưởng của ông dạy tại khoa Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài. Còn cháu đích tôn của ông được đưa vào kế hoạch giữ làm cán bộ giảng dạy khoa Ngôn ngữ học. Đó thật là cái phúc to lớn lắm. Phúc của các cụ xưa, nhưng cũng là cái phúc do chính bàn tay ông tạo dựng trong cách giáo dục rất nghiêm đối với con cháu mình.

          Sự thành công của ông không chỉ ở việc tạo dựng một cơ đồ vô cùng sáng lạn cho con cháu mà cón ở sự đóng góp tích cực của ông trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Năm 2005, ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước vì những thành tích đạt được trong  cuộc đời hoạt động khoa học của mình. Đó là một phần thưởng rất xứng đáng với một bậc chưởng lão đã có nhiều công lao trong giảng dạy nghiên cứu, đào tạo các thế hệ học trò. Nay tuy tuổi đã cao, nhưng chưa bao giờ ông chịu tự cho mình hưởng cái thú an nhàn của tuổi già. Hàng ngày ông vẫn cặm cụi đọc sách nghiền ngẫm những ý tưởng khoa học được thai nghén suốt cả mấy chục năm trời để thỉnh thoảng lại trình làng những bộ sách nghiên cứu rất công phu của ông. Chỉ tính đến năm 1999, ngoài những bài báo khoa học đăng trên các tạp chí, đọc trong các Hội nghị nghiên cứu khoa học, ông đã cho công bố 18 đầu sách (gồm cả sách viết một mình và sách viết chung với các tác giả khác). Trong đó có nhiều cuốn ông là chủ biên.  Những lúc sức khoẻ cho phép, ông vẫn tham gia giảng dạy chuyên đề cho các lớp học viên cao học hay nghiên cứu sinh. Có thể nói, sau rất nhiều năm, các thế hệ học trò vẫn còn nhớ những bài giảng của ông. Tuy làm về văn học cổ, nhưng lúc nào ông cũng luôn bộc lộ tư tưởng khám phá, nhằm đưa những phương pháp nghiên cứu hiện đại nhất vào để lý giả các hiện tượng văn học, định giá các tác gia và tác phẩm. Tất nhiên, không phải lúc nào ông cũng được ủng hộ, thậm chí đôi khi, do có những tư tưởng mới mà ông bị rầy rà. Tôi còn nhớ, thời tôi đi học, khi ông giảng về Nguyễn Bỉnh Khiêm, về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan...đôi lúc ông vẫn mở rộng nhằm gợi dẫn tính năng động của học trò, phát huy tính chủ động của người học theo hướng giáo học pháp hiện đại. Bởi vậy, các bài học của ông thường có tính mở chứ không gò ép người ta theo một lối tư duy thụ động. Nhưng không ngờ, trong một lần cao hứng, ông giảng về bài thơ “con chuột” đã thành một sự kiện đối với cuộc đời ông. Lần ấy, hình như ông giảng cho một khoá sinh viên có khá nhiều bộ đội phục viên và xuất ngũ từ chiến trường trở về. Chẳng biết lĩnh hội bài thơ “Con chuột” ông giảng thế nào mà một quân nhân đã lén lên báo cáo với phòng Tuyên huấn của Trường. Tất nhiên, đã có người báo cáo thì Phòng phải gọi ông lên. Thời đó, ai cũng biết, phòng Tuyên huấn có chức năng lớn lắm chứ không như bây giờ. Cán bộ tuyên huấn đã sờ đến thì phải dè chừng. Tuy chẳng thành văn, nhưng nó là cái thứ án treo rất tệ hại. Nó lởn vởn, ám ảnh tâm trí người ta có khi suốt cả cuộc đời. Người bị tuyên huấn gọi lên là người “có vấn đề”. Vấn đề đó như thế nào thì chỉ có đương sự và cán bộ tuyên huấn là biết rõ nhất.

          Giáo sư Tân bị một “cú sốc” thật sự sau vụ bài thơ “Con chuột”. Không ai biết đích xác cuộc gặp giữa vị phụ trách tuyên huấn và giáo sư có nội dung ra sao, chỉ biết sau dó trong một vài cuộc sinh hoạt tư tưởng, người ta có nhắc đến chuyện này một cách bóng gió, đại ý như là sự liên hệ giữa hai thời cuộc, là sự phê phán với... đương thời. Phải rồi, trong lúc mọi người đang phải nhất loạt hô lên rằng, các nhà lãnh đạo là thiên tài, là tận tuỵ vì dân vì nước, là sự hy sinh cao cả cho nhân dân mà giáo sư lại gợi dẫn một liên tưởng vượt lên cái sự giáo điều đó thì đâu có ổn. Ông đã đi trước thời đại, cái đúng của ông chẳng những không được ghi nhận mà còn trở thành điểm đến của những mũi tên.

        Giáo sư Tân buồn một thời gian, thậm chí ông còn có phần mặc cảm trong giao tiếp với mọi người. Ông cũng trở nên dè dặt hơn trong những lần phát biểu. Bài giảng của ông lại trở về cái quĩ đạo thông thường. Những chỗ ông muốn đào sâu, khai phá đành phải cất vào một cõi riêng chờ đến sau này.

        Nếu không có một tình yêu sâu sắc nghề nghiệp chắc ông đã nản chí và không thể tiếp tục nghiên cứu cái dòng văn học có một bề dày và chiều sâu thăm thẳm kia. Để nghiên cứu nền văn học này, không chỉ cần giỏi tiếng Việt mà còn phải giỏi tiếng Hán.Từ những năm đầu của thập kỷ 70, ông đã dành nhiều thời gian để học thêm chữ Hán, một loại văn tự khó nhưng rất có ích trong việc tìm hiểu đặc trưng của các loại văn bản cổ. Cũng vì hiểu rõ vai trò của ngôn ngữ trong nghiên cứu văn học, ông là người nhận thức sâu sắc hơn ai hết sự gắn bó của hai chuyên ngành này trong khoa Ngữ Văn. Ông cũng là người phủ quyết tới cùng việc tách đôiVăn ngữ thành hai khoa độc lập. Tôi còn nhớ, cuộc họp cuối cùng trước khi đi tới bước quyết định quan trọng này, ông vẫn là người phản đối quyết liệt và gay gắt. Biết thuyết phục không được, người đứng chủ trì cuộc họp hơn đó đã phải tuyên bố rằng, việc chia tách hai khoa là một việc không bàn luận thêm nữa. Trên đã quyết định rồi. Mọi người nhún vai. Hoá ra vẫn là cái trò muôn thuở. Vẫn đưa ra luận bàn. Vẫn đưa ra xin ý kiến. Nhưng chỉ là để cho vui, chứ thực ra mọi sự chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng không bàn thì mang tiếng là thiếu dân chủ. Vậy cũng nên bàn một tý. Bàn hay bầu, hay giới thiệu, tất cả là cho nó đủ lệ bộ. Mọi thứ được quyết định ở chỗ khác từ lâu rồi.

         Khoa Ngữ Văn không còn. Đó là nỗi buồn day dứt của nhiều người. Nhưng nó cũng là niềm vui của không ít cán bộ. Có thể nói là tưng bừng. Một số người còn công khai nói đó là một cơ hội ngàn năm. Họ đã âm thầm chờ đợi từ lâu cái sự kiện hiếm có này. Cũng có người dửng dưng. Nói chung, cả ba kiểu nghĩ ấy đều có những lý do riêng. Đúng sai thế nào, lịch sử sau này mới có dịp phán xét. Nhưng trước mắt là không khí náo nhiệt của việc sắp xếp mới. Bao người hồ hởi chuẩn bị tư thế bước vào cái ghế quan trường, cho đù chức quan “cấp khoa”, theo cách nói vui của anh em, là cái chức quan “hạng bét”. Nhưng “hạng bét” mà là quan vẫn cứ thấy thích, thậm chí mê say, sẵn sàng hy sinh sự tiến bước về chuyên môn mà ôm lấy nó một cách cuồng nhiệt, thậm chí đau khổ nếu không được ngồi vào cái chức ấy. Cố nhiên, ở khoa Ngữ Văn cũng có nhiều người coi chức đó chỉ là thứ phù du, chẳng nghĩa lý gì, phân cho mà vẫn từ chối. Thế mới gọi là cuộc đời. Cuộc đời có lắm dạng người, có nhiều nhân vật, ta mới gọi là bá nhân bá tính.

        Giáo sư Bùi Duy Tân không phải là người ham chức tước. Suốt thời gian ông làm phó chủ nhiệm khoa, ông chẳng bao giờ chịu cúi đầu trước cấp trên, chẳng vì cái sự thăng tiến của mình mà hy sinh quyền lợi của anh em hay của khoa. Lúc nào ông cũng đấu tranh khẳng khái. Nhiều cuộc họp ở trường ông vẫn lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ bảo vệ cho lẽ phải và công bằng. Sự cương trực đó đôi khi làm ông bị mang tiếng là “ông đồ gàn”. Nhưng ông đâu có ngại. Làm hay không làm đối với ông chẳng quan trọng gì. Quan trọng đã làm thì làm cho hết mình. Ông thuộc típ người như vậy. Cho nên khi thấy mất khoa Ngữ Văn thì ông đau lắm, ông buồn lắm. Cái nỗi khổ của ông chính là chỗ ông quá yêu mến nó nên phải xa nó ông dấm dứt không yên. Cứ mỗi lần nhắc đến chuyện này, nét mặt ông sầu hơn muôn thuở. Tôi cứ hình dung, ông là kẻ sống khắc khoải của một cuộc chia tay giống như cặp vợ chồng. Biết là không thể còn sống chung được nữa mà vẫn cứ đau. Nỗi đau tê buốt của một cuộc chia ly không định trước. Cái dòng buồn ri rỉ, ám ảnh vào thời gian, vào cả giấc ngủ của những đêm mang mang nỗi sầu thiên cổ. Bởi vậy mỗi lần lên khoa, trông vẻ mặt ông thật ngỡ ngàng. Thế mới rõ thực là:

Nay về thăm lại khoa xưa

Nỗi buồn mấy cuộc ngẩn ngơ mấy lần

Đổi thay bao đoạn phong trần

Tưởng về một mối lại dần tách ra

Bây giờ thành những hai khoa

Người đi người ở ngỡ là chiêm bao

Người lên chức kẻ chia bào

 Trời thu nay biết mấy màu quan san

Ước sao đi khỏi cõi trần

 Khoa xưa lại được một lần thuở xưa.

         Việc nhập lại khoa Ngữ Văn có thành được không khi ông còn sống thật chẳng ai dám cả quyết. Nhưng đó là một nỗi khao khát lớn nhất của giáo sư Bùi Duy Tân mà ông không ngần ngại thổ lộ. Lúc về già, một nghịch lý luôn xảy ra trước mắt ông. Đất nước thì đang đi lên, đang Đổi mới từng giờ, từng ngày, đời sống thì càng ngày càng sung sướng, còn ông thì lại, mỗi lúc mỗi buồn. Cuộc đời ông đã đi qua hơn hai phần ba thế kỷ, chứng kiến bao sự thăng trầm thế sự, bao sự đổi thay của lòng người. Không buồn sao được khi những điều cao siêu ông giảng trong bài học lại khác hẳn với những sự thực đang diễn ra hàng ngày. Từ sách vở đến thực tiến là biết mấy chặng đường. Sách vở thì thanh cao, cuộc đời thì dung tục. Lý thuyết thì ngọt ngào, cuộc đời thì cay đắng. Ông ngậm ngùi, chứa chất bao suy tư. Có lúc dồn nén, có lúc bùng lên. Ông không thể chịu đựng được khi người ta chi hàng tỷ đồng để dựng lên một bức tượng mà thi hào Nguyễn Du lại biến thành Nguyễn Trãi. Ông gọi điện khắp nơi lên tiếng phản đối. Nhưng tiếng nói của ông chìm nghỉm đi giữa bao âm thanh hỗn tạp của đời thường. Cái bức tượng kia không ai dám phá bỏ. Cũng chẳng có ai bị kỷ luật. Các đoàn du khách vẫn đến thắp hương. Vẫn sì sụp vái lạy trước bức tượng mà “hồn Nguyễn Du thân Nguyễn Trãi” ở nơi thiêng liêng nhất. Ông chỉ còn biết thở dài than thở với các bậc học trò nay đã thành các cán bộ. Nhưng nỗi lòng ông được chia sẻ là bao? Người ta gật gù, người ta chia sẻ, nhưng rồi người ta lại ba chân bốn cẳng chạy tới lớp để dạy theo kiểu “chạy sô”. Thời buổi phải kiếm ra tiền, không có tiền thì mọi điều chỉ là vô nghĩa. Nền kinh tế thị trường khắc nghiệt làm cho tất cả những ai đang mơ màng trong cõi văn chương cũng phải bật dậy, chạy ra đường ào ào. Luyện thi đại học đại chà! Luyện thi cấp tốc! Luyện thi thần tốc! Dạy đại học chính khoá! Dạy tại chức các tỉnh! Đại học từ xa! Dạy đại học tầm gần! Đánh bắt xa bờ. Đánh bắt tại chỗ!... chao ôi, ngồn ngộn là những từ chỉ nghe cũng rối cả óc. Mà ông đã già rồi. Tuổi thất thập, hơi thở lào phào, đôi lúc như nhược lên. Cuộc đời bây giờ sinh động quá. Chẳng còn có chút gì giống cái thời của ông. Ông trở về với phòng sách trên gác 2 ký túc xá Mễ Trì lặng ngắm nhìn những bức chân dung của các nhà hiền triết, các bậc nho gia, các văn nhân, thi sĩ, nhẩn nha đọc những vần thơ của Trạng Bùng, Sái Thuận, Nguyễn Trãi...lấy đó làm thú vui an ủi tuổi già. Đôi lúc rỗi rãi mở tờ báo ngày ra đọc, ông chỉ còn biết thở dài. Mới đọc qua vài trang báo ông đã giật mình. Chưa bao giờ nước Nam ta, cái sự tham nhũng lại phát triển rực rỡ đến thế, rực rỡ đến chói loà. Ông càng trở nên buồn hơn. Về già, ông rất tư lự. Ít khi cười. Chẳng bù cho thời trai trẻ, đôi lúc ông rất nhộn. Nhộn tới mức có nhiều giai thoại về ông các thế hệ sinh viên cứ truyền tụng từ năm này qua năm khác.

          Thời tôi mới ở lại,tôi đã được nghe giáo sư Hoàng Trọng Phiến kể một câu chuyện rất vui. Ông bảo, thời sơ tán, các thầy sống trong khu tập thể, lán dựng trên đồi. Cuộc đời gian khổ mà lại thấy "phong lưu". "phong lưu” ở cái tâm hồn. Nên đời sau mới có một nhà văn cao hứng lảy thơ Hồ Chí Minh:

Cơm một niêu, nhà nột gian

Thế sự văn chương thả sức bàn.

Gió thổi chông chênh qua cửa sổ

Nhìn “sao đưa nguyệt vượt lên ngàn”.

         Thầy Tân lúc đó mới cưới vợ ở quê. Cứ khoảng hai, ba tháng, cô nhớ thầy lại lên khu sơ tán thăm một lần. Chả là, thầy thị bận dạy nhiều mà cô thì cấy hái xong lại rỗi rãi, sức khoẻ có thừa, lẽ nào không vượt núi băng rừng lên thăm  quí thầy chơ đỡ nhớ.

         Nhưng những năm đó, các thầy đang sống trong chế độ bao cấp. Giường, bàn làm việc... tất thảy đều do khoa và trường cấp. Vì vận chuyển, phải tháo ra lắp lại nhiều lần nên giường nào giường nấy đều bị thôi mộng ra. Khi nằm ngủ, chỉ cần trở mình là nó kêu cót két.

        Cô ở dưới quê lên, quen sống theo kiểu rộng rãi ở nhà, nay nằm trên chiếc giường chật hẹp thì khó chịu lắm, cứ phải trở mình luôn. Mỗi lần, trở mình như thế, chiếc giường của giáo sư Bùi Duy Tân lại phát ra một bản nhạc vang lên tiếng thanh, tiếng trầm, nhịp lên, nhịp xuống của sự cọ sát. Bực quá, muốn giữ ý mà không được. Bạn bè đi dạy học cả buổi, đến trưa muốn nghỉ một chút lại không yên. Sợ làm phiền các phòng xung quanh, giáo sư Tân liện vục dậy, mặc áo lót đi xuống suối. Ông xách hai tay hai chiếc chai lớn. Xuống lưng chừng dốc, ông bỗng thấy Hoàng Trọng Phiến đang ngồi bên một mỏm đá ngắm trời, tay phe phẩy cái quạt. Ông nheo mắt nói với giáo sư Hoàng:

  • Xin lỗi...

         Giáo sư Hoàng chưa hiểu có chuyện gì thì đã thấy giáo sư Tân vục nước vào chai. Chẳng lẽ đãi vợ bằng thứ nước suối chăng? Ngạc nhiên, Hoàng Trọng Phiến hỏi:

  • Này, lấy nước suối làm gì thế?

Giáo sư Tân nheo nheo mắt, phân bua:

          - Cái giường khoa phân cho mình đã cũ quá. Cứ xoay người một cái là nó lại rên cót ca cót két. Tôi đổ nước vào mộng, hy vọng nó sẽ không kêu nữa.

       Hoàng Trọng Phiến khi đó rất lấy làm bái phục. Một sáng kiến có lẽ mấy ông toán học cũng chẳng nghĩ ra. Nhân việc Hoàng Trọng Phiến kể chuyện này, hậu thế mới ghép lại thành hai vế của câu đối, trong đó có câu “ Bùi Duy Tân đổ nước mộng giường/ Hoàng Trọng Phiến vén màn tế độ”.

         Việc Hoàng Trọng Phiến tế độ cứu người ra sao, xem đến phần sau mới rõ.

      Nay lại nói thêm về một giai thoại khác quanh giáo sư Bùi Duy Tân. Giai thoại này Vũ Đức Nghiệu tỏ ra thích thú và vẫn hay kể. Anh kể cứ như thật, như việc vừa mới xảy ra hôm qua thôi. Theo cách kể của anh thì đó không còn là giai thoại mà là câu chuyện thật. Thật tới mức những người trong chuyện đều có tên họ đàng hoàng, địa chỉ cụ thể. Nhưng tôi đồ rằng, đó chẳng qua là một giai thoại, nhưng kể đi kể lại mãi đến nỗi người kể cũng tưởng nó là thật. Chuyện kể rằng, vào khoảng những năm 1973-1974 của thế kỷ trước, khi giáo sư Tân đang còn phụ trách chức giáo vụ của khoa Ngữ Văn đã xảy ra một vụ phức tạp trong xử lý một sinh viên. Đó là anh Nguyễn Văn Lập, bạn bè gọi đùa là Lập đen. Anh này người gầy gò, hay ốm. Một lần giáo sư Tân qua lớp điểm danh, thấy anh ta vắng mặt liền ghi vào sổ. Vì đối chiếu với các giờ học khác, ông cũng thấy Lập hay bỏ học nên liền cho tuyên cáo trước khoa vào buổi chào cờ sáng thứ hai. Hôm đó, buổi trưa, ăn cơm dưới nhà tập thể xong, giáo sư Tân đi về phòng. Khi qua cái bể nước giữa hai nhà C1 và C2, ông dừng lại để rửa chân. Đúng lúc đó, chàng Lập xách dao xuống mài ở cạnh bể nước. Vì mải mài dao, anh chàng không nghĩ bàn chân đang đưa đi dưa lại trước vòi là bàn chân của thầy mình. Tâm trí đang tập trung vào chuyện riêng tư, anh lẩm bẩm: Mày sẽ chết. Ông sẽ cắt cổ”.

         Giáo sư Tân nghe thế sợ hãi, liền rụt chân lại. Ông vội đi về phòng. Lúc đó lớp trưởng lớp Ngữ k17 đang chờ trước cửa để vào báo cáo về trường hợp nghỉ học không lý do của Lập. Buổi trưa tháng 5 nóng hầm hập. Giáo sư Tân lau nền xi măng, thầy trò ngồi bên ấm nước. Chàng lớp trưởng cũng hút thuốc lào. Hai thầy trò vừa tâm giao, vừa tóp miệng rít thuốc qua chiếc điếu cày. Chàng lớp trưởng báo cáo xong nhà khói bình luận: “mà cái cậu Lập này cũng liều lắm. Chẳng biết sợ là gì”. Nghe nói vậy, giáo sư Tân lại chột dạ nhớ tới câu của Lập lúc nãy dưới bể nước.

       Còn Lập thì sau khi mài dao trở về phòng. Bạn bè trong phòng vốn tếu táo liền trêu:

          - Này, cụ Tân vừa xuống phòng tìm ông đấy. Liệu mà lên ngay gặp thầy đi.

     Lập vốn thật thà, nghe vậy liền đi ngay. Anh lên gác 4 nhà C1, đứng trước cửa phòng giáo sư Tân, một lúc sau mới dám gõ cửa. Cửa khép, giọng giáo sư Tân vọng ra:

  • Mời vào.

   Lập thập thò ngoài cửa, tay thu về phía sau, mắt lấm la mày lét vì thấy có cả lớp trưởng ở phía trong. Thấy vậy, giáo sư Tân càng khả nghi. Ông lùi lại, tay càm chắc cái ông điếu cày, giơ lên phòng thủ. Chàng Lập tiến một bước, ông giật lùi một bước. Đến khi ông đã lùi sát vào chân tủ không lùi được nữa mới lớn tiếng quát:

          - Anh ra khỏi nhà tôi ngay.

           Lập càng lắp bắp:

  • Thầy... em phải gặp thầy để....

           Lập định nói “để trình bày” nhưng không kịp nói hết, giáo sư  Tân đã la to:

- Anh bước ngay, không tôi gọi công an bây giờ.

     Thực ra, lúc Lập mài dao dưới bể nước là vì Lập ốm, mẹ gửi lên cho một con gà. Lúc cắt tiết, con dao cùn quá, cứa không đứt lớp da, Lập phải đem dao ra mài. Câu Lập nói là nói với con gà chứ không phải nói với giáo sư Bùi Duy Tân. Nhưng sau sự vụ này, Lập trở thành nhân vật của giai thoại “trò định giết thầy”.

     Không biết giáo sư Bùi Duy Tân đã được nghe giai thoại này lần nào chưa. Nếu nghe, chắc ông cũng phải phì cười vì đám học trò ma quỉ của mình.

   Cái đám học trò xưa của khoa Ngữ Văn quả là rất nghịch ngợm, láu cá. Chúng làm ông vất vả một thời nhưng xét cho cùng  thì chúng lại rất đáng yêu. Cả đời, giáo sư Bùi Duy Tân đã vì yêu mà “nghiệt” hy vọng rèn luyện chúng  trở thành những con người có ích thật sự. Niềm mong mỏi của ông muón nhập lại khoa Ngữ Văn có lẽ phải tới kiếp sau may ra mới thành. Vậy, luận về cuộc đời ông, nay có thơ rằng:

Mấy ai “nghiệt” được như ông?

 Tưởng rằng rất nghiệt lại không nghiệt gì.

Cuối đời con cái đề huề

Bài thơ “con chuột” đi về cõi xưa.

Bàng hoàng  như thể trong mơ

Ngữ Văn thuở ấy bây giờ còn đâu?

Tóc sương nhuộm quá mái đầu

Vẫn mong nối  một nhịp cầu Ngữ Văn.

Kiều Kim tái hợp mà thành

Ngữ Văn tái hợp mong manh nắng chiều.

Thôi đành chín nhớ mười yêu

Có thương xin hẹn kiếp sau tái hồi.

  ----------

 

Powered by Froala Editor