Viện phương đông

3 năm trước

Xứ trầm hương Diên Khánh trong truyện ngắn Nguyễn Lai

XỨ TRẦM HƯƠNG DIÊN KHÁNH

TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN LAI

Nguyễn Xuân Hòa

PGS.TS ngôn ngữ học

Powered by Froala Editor


           GS TSKH Nguyễn Lai là một trong những nhà Việt ngữ học hàng đầu trong địa hạt Ngữ pháp - Ngữ nghĩa và Ngôn ngữ văn chương, song  ông lại có một hành trang văn chương khá đồ sộ - đó là tuyển tập truyện ngắn, truyện dài, truyện ký dày dặn được sáng tác trong những năm của thập niên 1960, 1970 thế kỷ XX. Xứ trầm hương Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa là quê hương ông, nơi nhân dân có truyền thống yêu nước trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sống trong sự đùm bọc yêu thương của nhân dân, Nguyễn Lai đắm mình với làng quê có nhiều cây ăn trái, từ thuở thiếu thời đã trực tiếp cầm súng chống Pháp cùng với đồng bào bảo vệ quê hương. Bị giặc dày xéo, o ép cuộc sống, quê hương Diên Khánh với truyền thống cách mạng kiên cường đã sinh ra biết bao nhiêu người con yêu nước vùng lên chống Pháp và chống Mỹ. Nguyễn Lai là một trong những người con như thế, ông từng làm liên lạc cho huyện Diên Khánh, cho bộ độị địa phương Khánh Hòa, tham gia công tác tuyên truyền kháng chiến. Cuộc chiến đấu sinh động tuyệt vời của quê hương thôi thúc Nguyễn Lai, vốn là người yêu văn chương, phải viết cái gì đó, ghi chép lại cái gì đó mà mình đã trải qua như “lời tri ân khôn xiết đối với quê hương, về những gì mà đồng bào, đồng chí đã làm ra để tiếp tục nuôi sống và nâng đỡ tâm hồn mình”, vì vậy mà “cái đã qua cần được ghi lại là cái có ích (…), và tôi hy vọng tập sách này góp phần nhỏ vào việc giáo dục và phổ biến văn hóa, lịch sử địa phương Khánh Hòa” (Nguyễn Lai. Vài dòng mở đầu). 

           Không là nhà văn chuyên nghiệp, song Nguyễn Lai là “người chép sử bằng tác phẩm văn học”, biết mượn văn chương để tỏ lòng yêu nước và lòng căm thù giặc từ những tư liệu thật mà ông chắt chiu được trong những tháng năm lăn lộn với phong trào phá tề, đánh giặc giữ làng. Mười ba truyện ngắn, truyện dài trong Nguyễn Lai - Tuyển tập tác phẩm văn học (Nxb Dân Trí, 2020) là những ghi chép văn học chân thực, ngồn ngộn sức sống, trong đó có những hình tượng đẹp từ nguyên mẫu cuộc chiến đấu anh dũng của quê hương Diên Khánh, nơi nhà văn đã sống, chiến đấu và chứng kiến sự vùng lên của người dân yêu nước ở quê hương ông. Người đọc hòa mình vào không gian của những truyện được viết ra ngay trong điều kiện khó khăn của những năm chống Mỹ cứu nước: Bà Tư Đá, Bên kia sông, Chú liên lạc nghi binh, Con trâu lạ, Cuộc truy tìm tên trung úy phi công, Dưới chân núi Nghê, Một điểm hạnh kiểm, Người trung sĩ phiên dịch, Thôn Đồng Dài của tôi… với những xúc động từ sẻ chia đồng cảm đến cảm phục và tự hào trước những tấm lòng vì quê hương yêu dấu. 

         Tuyển tập mười ba truyện ngắn và truyện dài của Nguyễn Lai chuyển tải đến người đọc một thông điệp thật cụ thể và có lẽ không hề hư cấu - đó chính là những chuyện có thật mà tác giả là người trong cuộc, người chứng kiến, người có mặt và mục sở thị những gì đã diễn ra ở  ngay làng xã mình, địa phương mình đang sống và chiến đấu cùng với những người dân quân du kích đồng hương và bộ đội địa phương  vô cùng gan dạ, mưu trí, trong đó nhiều người đã hy sinh vì mảnh đất quê hương. 

        Trong Tuyển tập có truyện Bà Tư Đá nói về người phụ nữ gan góc  -  đó chính là chị Xưa, nguyên mẫu đồng hương với tác giả, người phụ nữ không tiếc thân mình đứng thẳng lên kêu to  “Bớ làng xóm ơi! Kẻ cướp!... Cứu tôi với!” báo hiệu cho người Mặt trận đằng mình đang tiếp tế gạo cho Việt Minh biết có động để không sa vào ổ biệt kích. Trong truyện Chú liên lạc nghi binh nguyên mẫu chính  là Len, là Chức, những người liên lạc đồng hương với tác giả đều đã lần lượt hy sinh. Truyện Một điểm hạnh kiểm kể về sinh hoạt của một lớp học, nhưng thực ra là để nói về lòng yêu nước và nhân cách của Đức, người thầy tuy dạy học dưới chế độ Mỹ Diệm nhưng không sợ hiểm nguy, không sợ liên lụy đến mình. Thầy Đức thường xuyên bị theo dõi vì “có ảnh hưởng tư tưởng Việt Cộng”, kể cả việc cho điểm hạnh kiểm hàng tháng đối với học sinh. Trong lớp có học sinh Tứ - một chiến sĩ giải phóng quân trẻ tuổi đi rải truyền đơn Mặt trận, chưa kịp về đến nhà đã bị bọn lính bắt, nhưng vì không tìm được chứng cứ chúng phải thả ra. Em Tứ đến lớp học muộn giờ, mặt sưng vù vì bị tra tấn, nhưng được cả lớp òa lên sung sướng đón Tứ trở về an toàn. Thầy giáo Đức đã hỏi ý kiến 35 học sinh của lớp và cho Tứ điểm hạnh kiểm cao nhất từ trước đến nay (9 điểm) dù biết rằng nhân viên an ninh của quận sẽ gây khó khăn cho thầy. 

       Truyện dài Con trâu lạ tái hiện cuộc đấu trí về tinh thần và lực lượng giữa một bên là người đằng mình ủng hộ Việt Minh ở vùng căn cứ kháng chiến V.K. những năm hòa bình vừa lập lại, là dân làng Đồng Gai, những người du kích, cậu thiếu niên liên lạc, Ủy ban tự quản địa phương, anh lính gù lưng có lòng yêu nước …và bên kia là bọn dân vệ, bọn lính bảo an đồn An Định, tiểu khu quân sự số 3, đại đội bảo an 302 cùng những tên an ninh ăn bận thường dân của quận thuộc  “chánh quyền quốc gia” thường xuyên o ép dân làng, tìm mọi cách thu gom tất cả trâu trong thôn để phá hoại sản xuất, uy hiếp tinh thần dân chúng. Con trâu lạ ở đây được gọi là “con trâu kháng chiến” (đặt tên là con Bĩnh) mà Thiệt và ông Hai cha Thiệt được phía đằng mình giúp đem về nuôi. Bọn chúng, nhất là tên trung úy Khôi, con rể lão Tổng Cựu, tìm mọi cách mua chuộc người dân mang trâu nộp cho “chánh quyền quốc gia” để truy ra hàng trăm con trâu bò khác của phía đằng mình, và có thể hàng trăm người khác cũng bị bắt theo... Chúng bắt ông Hai (Phan Trụ) cha Thiệt, biết ông Hai hay uống rượu và tâm lý sợ chết, chúng vừa dọa nạt vừa mua chuộc, và ông Hai đã có một bước đi sai lầm mà Thiệt rất buồn và xấu hổ vì người cha – trong  một phút yếu lòng ông Hai đã viết Giy t cng... Tôi là Phan Trđược ci hun, xin làm theo li khuyên ca Chánh ph quc gia...Bọn địch lợi dụng Giy t cng của ông Hai, cho in nhiều bản và tung ra ở Đồng Gai và những xã bên này sông, nơi có hàng trăm con trâu bò của Việt cộng để bắt con Bĩnh và thu gom trâu bò của dân chúng trong thôn.  Chúng  lục soát và dồn trên một trăm rưởi con trâu của thôn Đồng Gai gom lại về phía cái gò cao giữa đồng, trước đồn cũ, trừ bầy trâu của Tổng Cựu. Thiệt cũng bị bắt và bị giam chung với ông Hai hai ngày và hai đêm. Chứng kiến tên trung úy Khôi, tay sai của Mỹ, tra tấn dã man con mình ở phòng bên cạnh, ông Hai thương xót con và tỉnh ngộ khi biết rõ bộ mặt thật của hắn. Ông Hai hối hận, tự trách mình đã lầm lỗi,  và trong thâm tâm ông muốn làm một việc gì đó để lập công chuộc tội. 

Khi được hai người lính của địa phương giải đi trả về nhà giam quận, ông Hai bí mật liên lạc với cơ sở đằng mình trong nhà giam và được phép cho hành động. Đêm hôm đó sau khi giết được tên cố vấn Mỹ và hai tên ác ôn tại nhà giam, hai người lính yêu nước trong lực lượng ngụy quân đã cùng ông thoát khỏi nhà giam với súng ống đầy đủ. Số vũ khí được đưa về Huyện. Và theo nguyện vọng riêng của ông Phan Trụ, cấp trên đã cử cậu thiếu niên liên lạc cầm giấy giới thiệu của Huyện đưa ông Hai trở về địa phương. Hôm ấy, sau khi gặp mặt các đồng chí  trong Ủy ban tự quản địa phương, ông Hai theo chân chú Ba Lem trên đường về thôn, lòng vui như mở hội. Và hai cha con - Thiệt và ông Hai, gặp lại nhau trong niềm vui khôn xiết.

 

Truyện dài Bên kia sông được người đọc chú ý nhiều hơn do cốt truyện có nhiều nhân vật chính diện và phản diện đan xen. Trong truyện sông Cái - còn gọi là sông Nha Trang,  từng chứng kiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước làn ranh giới địch – ta giữa thôn Đồng Xe và các làng bên kia sông với đồn Cầu của thiếu úy Hách đóng bên này sông Cái; bọn địch đóng ở đồn Cầu cũng sử dụng sông Cái như bức tường để ngăn chặn du kích Việt Minh, vì Việt Minh muốn đánh được đồn Cầu, phải đem lực lượng lớn, mà lực lượng lớn của Việt Minh ở vùng này nếu có bao giờ cũng phải tập kết sang từ ngả núi bên kia sông. Mùa đông đến, nước lũ lên, sông Cái luôn là bức tường thiên nhiên ban cho lực lượng Việt Minh từ ngả núi bên kia sông tấn công và cô lập nhiều đồn lớn của giặc, trong đó có đồn Cầu. Đen - một thiếu niên du kích, rất muốn theo Việt Minh thoát li đi bộ đội hoặc làm liên lạc cùng với các chú, các anh, nhưng chú Ba Hợi Bí thư nói Đen có việc khác cần thiết hơn mà không ai có thể thay thế được. Đen bị bắt lên đồn Cầu, phải phục dịch đủ thứ việc trong nhà Tổng Oai  là cha của thiếu úy đồn trưởng Nguyễn Tự Hách nên có điều kiện thâm nhập làm quen với một số anh lính tốt bụng vẫn giữ được trong tâm mình lòng yêu quê hương xứ sở. Hình ảnh Đen trong Bên kia sông chính là nguyên mẫu đồng hương với tác giả - đó là anh dân quân Dước người  thôn Đồng Xe có người cha cùng số phận với nhân vật Tư  Rỗ trong truyện, nhìn từng con chữ còn phải đánh vần khó khăn,  nhưng lại vô cùng gan dạ, mưu trí khi hoạt động trong lòng địch. Với thiếu úy Hách, Đen phải tỏ ra cúc cung phục dịch gia đình hắn (gánh nước, nấu cơm, giặt giũ quần áo, tập bơi cho em Lục, con trai đội Hách), còn Hách thì từ khi Bảo Đại “hồi loan” thành lập “chính phủ quốc gia”, đẩy mạnh chủ trương “chiêu hồi” Việt Minh, hắn kiêu hãnh là người có kinh nghiệm tác động tinh thần có thể dụ dỗ, chiêu hồi những người theo Việt Minh trở về với “chính phủ quốc gia”, đinh ninh rằng bà Tư, vợ ông Tư Rỗ, và Đen, con trai ông đã quay lại oán ghét Cách mạng và ngoan ngoãn phục dịch gia đình hắn ở đồn Cầu. Âu đó cũng là một sơ hở chủ quan của thầy đội Hách quá tự tin và hắn đã phải trả giá. Đen được chú Ba Hợi tin tưởng giao nhiệm vụ nắm tình hình nội bộ ở đồn Cầu, thu thập thông tin, phối hợp bí mật với du kích Việt Minh và lực lượng lẻ của bộ đội địa phương tổ chức một trận đánh quyết định uy hiếp tất cả các đồn bốt trong tiểu khu. Chủ trương này nằm trong kế hoạch của Việt Minh phá tề, phá âm mưu của địch chủ trương lấy đồn Cầu làm thí điểm tập trung lúa của người dân về đồn để trừ vào các khoản thuế và chặn nguồn tiếp tế cho Việt Minh. Trong một cuộc họp của Chi bộ địa phương dưới hầm bí mật có cán bộ quân sự ở trên về dự, một kế hoạch bí mật được chú Ba Hợi Bí thư vạch ra phải làm thế nào có được một lực lượng du kích đông, bí mật nằm sẵn cạnh đồn Cầu; cuộc họp nhất trí giao nhiệm vụ cho Đen là người chủ động bắt đầu trận đánh tiêu diệt đồn trưởng Hách làm cho rắn mất đầu và thu hút lực lượng ra khỏi đồn. Quân ta phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng giành thắng lợi: bên trong Đen nhấn chìm thằng Hách đồn trưởng dưới đáy sông, bắt tên phản quốc phải đền nợ máu; bên ngoài quân ta tấn công đồn,  bắt Tổng Oai, đội Ton, cai Bâu và khống chế bọn lính. Quân ta toàn thắng, cả khu vực đồn Cầu rung lên từng đợt theo tiếng loa vang vang của anh du kích Toàn mãi cho đến khi lá cờ đỏ sao vàng cùng với người thiếu niên du kích bí mật đã từ ba năm nay hoạt động ở đồn Cầu, hiện ra công khai trên đỉnh cột cờ, ngời sáng trong ánh lửa đêm. 

Một ý nghĩ chợt đến:  Phải chăng trên cơ sở cốt truyện Bên kia sông có thể xây dựng một kịch bản về cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường phá tề, đánh giặc giữ làng trong thời chống Mỹ cứu nước ở địa phương Diên Khánh - huyện đã được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Kịch bản đó có thể viết dựa trên những dữ kiện sau đây của cốt truyện:

Không gian là những làng, xã thuộc khu vực Bên kia sông của Diên Khánh, những đồn bốt lính của “chính phủ quốc gia” dựng lên để kiểm soát, o ép người dân thôn Đồng Xe, là con sông Cái như làn ranh giới giữa ta và địch, là làng quê ở Diên Khánh, là nhà thờ Đồng Xe, là thôn Đồng Xoài, xóm nhà thờ, chân núi Sậy, bãi Sao, vạc Soi, bến sông, mộ ông Tư Rỗ…Thời gian là những năm tháng chống Mỹ ở địa phương sau khi “chính phủ quốc gia” được thành lập và đang đẩy mạnh chủ trương “chiêu hồi” Việt Minh, những người tham gia kháng chiến chín năm. Nhân vật có chính diện và phản diện: về phía ta có chú Ba Hợi Bí thư chi bộ địa phương, anh cán bộ quân sự cấp trên, Đen - người thiếu niên du kích bí mật hoạt động trong lòng địch, du kích Toàn răng vẩu, La - đội trưởng đội Thiếu niên du kích bí mật, Tụ, Xiêm, anh lính Khởi tốt bụng ở đồn Cầu là người bí mật đưa tin qua lại giữa chú Ba Hợi và Đen, bà Tư vợ ông Tư Rỗ, bà Bảy chèo đò, em Lục, con trai của Hách nhưng rất yêu mến anh Đen đã được Đen cứu khỏi chết đuối, ông Tư Rỗ, người tá điền biết cặn kẽ mối quan hệ giữa đội Hách với bọn Nhật trước đây nên bị Hách sát hại, các anh dân quân du kích, bộ đội địa phương; về phía địch có Đội Quyền  cha của Tổng Oai, kẻ có công với Tây trong việc bắt giết nhà chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp, tên đồn trưởng thiếu úy Nguyễn Tự Hách, Tổng Oai cha của Hách, đội Ton, cai Bâu và bọn lính ở đồn Cầu, mụ Biên vợ Hách, tên lính chào mào, bọn lính ở đồn Cầu ... 

 Gấp sách lại mà dư âm những dữ kiện của quê hương Diên Khánh kiên cường phá tề, đánh giặc giữ làng, diệt bốt đồn giặc dường như vẫn còn lật mở theo dòng suy nghĩ của người đọc.

Chớm thu, năm Canh Tý 2020. 

 

Powered by Froala Editor