Viện phương đông

3 năm trước

"Các con đại tá"- tiểu thuyết (2 tập) của nhà văn Hữu Đạt. Nxb QĐND

Có vợ mà như Khiếu thì đến phát khiếp. Vợ cứ mỗi ngày béo dần ra, còn chồng thì còm cõi. Cái khung xương nhỏ nhoi kia làm sao gánh hết nỗi nhọc nhằn của cuộc chiến tranh vừa mới dứt, lại cõng nỗi gian truân của cuộc sống gia đình?

Powered by Froala Editor

CÁC CON ĐẠI TÁ

TIỂU THUYẾT

TẬP 1

Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.


                                                                             (2)

Tôi là cái thằng thương hão. Với Khiếu, tất cả như chả có chuyện gì. Nó đúng là một thằng lính văn phòng. Còn tôi, máu thằng lính chiến; nhiều lần đến phát ghét cái sự tốt bụng của nó và muốn cho nó ăn một cái đá. Nhưng tôi không đá nó mà lại cho con nó ăn kẹo. Sau khi hai đứa trẻ con Khiếu chào tôi, tôi bảo:

- Chú cho các cháu kẹo này.

Cái Hương len lét nhìn mẹ rồi đến bên tôi. Mắt nó sáng lên khi nhìn gói kẹo Tây có màu sắc mà nó đoán chắc là sẽ ngon.

- Cháu cảm ơn chú.

- Ngoan lắm! - Tôi xoa đầu nó - Học có giỏi không?

- Cháu là học sinh giỏi ạ.

Thằng Huy anh nó lại cúi xuống chổng mông thổi lửa. Tôi lấy làm lạ. Ở cái thời buổi hiện đại này, con giáo sư đại học vẫn còn nấu cơm bằng những que củi kiếm được ở rặng rào.

Lúc này tôi mới hiểu được cuộc quát tháo của cô Huyền lúc nãy. Hóa ra, chú mèo hoang đã cuỗm được một cái đầu cá mè mà Huyền sắp đem nấu canh. Trong lúc chú đang hả hê vì vớ bở thì bé Huy phải chịu đòn.

Tôi và Khiếu quay lên nhà. Khiếu đi trước tôi, người quắt queo như cái dải trong bộ quần áo pizama kẻ sọc đã cũ. Có vợ mà như Khiếu thì đến phát khiếp. Vợ cứ mỗi ngày béo dần ra, còn chồng thì còm cõi. Cái khung xương nhỏ nhoi kia làm sao gánh hết nỗi nhọc nhằn của cuộc chiến tranh vừa mới dứt, lại cõng nỗi gian truân của cuộc sống gia đình?

Khiếu mở tủ lấy ra một túi giấy bóng lớn đựng chè Thái. Tôi đang ngẩn nhìn lại kỷ niệm của thời tình bạn gian truân ghi dấu bằng cái nền nhà lát toàn bằng gạch non thì "ụp" một cái, khối nước ở đâu trút xuống vai tôi. Tôi giật mình, nghĩ là đang trong cõi mơ, thét lên:

- Ối!

Hệt như lúc đang ở Nga bị tấn công bất ngờ của bọn cướp tôi nhảy vọt sang một bên. Tôi chỉ va nhẹ vào anh bạn nhà văn mà anh ngã chỏng ra đất như gió đổ. Cả hai đứa cùng cười. Sau tiếng cười là nét mặt ngần ngại của Khiếu. Có lẽ Khiếu thương tôi lắm. Nó xuýt xoa lấy tay gạt những hạt nước còn đọng trên vai áo tôi, lại rút cả mùi xoa lau lau vào má tôi nữa.

- Thông cảm. Trận mưa từ mấy ngày trước đấy.

Tôi ngẩng mặt lên. Có cảm tưởng là khắp nơi đang bốc khói. Sau ngần ấy năm, cái trần nhà của Khiếu chỉ thấy cũ đi. Nhiều chỗ dột nát. Nước mưa làm tấm cót bị gẫy, đen lổ đổ, có chỗ mủn ra rắc xuống đất. Một tấm áo mưa lớn được căng trên chỗ giường hạnh phúc của hai vợ chồng. Chủ nhân cố ý buộc mé cao, mé thấp để nước chảy ra phia ngoài giường, tức lối đi từ phòng khách xuống bếp. Tôi suýt được tắm mát vì nửa chậu nước còn đọng lại trên tấm áo mưa.

Huyền dưới bếp đi lên. Tay cầm chiếc chổi cùn quét đám nước đọng trên nền. Tôi xúc động nhớ lại cái buổi tôi và Khiếu mất hai ngày liền đi đào gạch bị thải vùi trong các mô đất quanh trường để lát cái nền ngày chuẩn bị đón thằng Huy sắp ra đời. Mười mấy năm trôi qua, cái nền lát gạch non mòn mỏi vì vết chân người qua lại. Có chỗ lõm xuống, nhẵn lì. Có chỗ bị mưa dột làm mốc rêu. Trên trần nhà còn ba chỗ nữa được che chắn. Hai chỗ che bằng thứ giấy bóng ở lớp trong bao tải hàng thời chiến tranh. Một chỗ che bằng chiếc quạt mo cau, chắc là của mẹ Khiếu đem từ nhà quê ra chơi, bỏ lại.

- Nhà cửa chúng em khổ thế đấy anh ạ - Huyền vứt chiếc chổi vào góc hè, phủi tay đi vào - Nhà em số vất vả, chẳng được đi Tây như anh.

Tôi cười:

- Đi Tây có năm, bảy loại. Người ta đi Pháp, đi Mỹ khác. Mình đi Nga khác. Cũng vất vả lắm.

Huyền đến cạnh chỗ giá sách, mở cái túi đựng son phấn đưa tay phết mấy cái vào má. Qua chiếc gương nhỏ tôi nhìn thấy cái má hơi có lúm đồng tiền của nàng. Quả đáng tội, trông Huyền rất duyên. Cả cái màu nước da hơi đen ngả sang màu nâu dường như cũng được tạo hóa phú cho nom phù hợp với dáng người. Hàm răng Huyền trắng, nhỏ và đều, tươi rói mỗi khi cặp môi mỏng hé mở.

Lớp phấn lặn vào làn da trên má Huyền làm nổi lên một cô gái Huyền hoàn toàn khác. Một cô Huyền trẻ đẹp, với cặp mắt hơi ướt ở bờ mi. Cô Huyền đó có vẻ đa tình.

- Tây nào cũng được anh ạ - Huyền đặt chiếc bút chải mi vào ngăn hộp nhỏ xíu - Thời buổi này đi đâu cũng được. Cứ ra khỏi biên giới là nên Người rồi. Lắm lúc em nghĩ cũng tủi. Cùng đi đánh Mỹ như nhau. Cùng súng đạn khói lửa. Lại cũng là thương binh. Thế mà anh Khiếu nhà em thì quanh năm luẩn quẩn ở nhà, còn bạn bè thì đi Tây đi Tàu hết.

Tôi muốn lựa một câu an ủi. Thấy khó.

- Người ta có số mà - Tôi chép miệng.

- Ừ thì coi như có số. Không đi Tây được thì ở nhà cũng phải thế nào chứ - Huyền chao chát - Ai đời, đàn ông mà cứ phải để cho vợ nuôi. Lúc nào cũng rung đùi ngồi viết văn, rõ chả biết sốt ruột. Ai chả biết chiến tranh... và, đời người lính là rất quý. Nhưng chiến tranh đã kết thúc lâu rồi, ngồi mài mãi kỷ niệm của thời khói lửa mà sống được ư? Nhà cửa thì dột nát. Con cái phải ăn học... bao nhiêu là công chuyện phải lo. Lại còn mấy đống xương khô của các cụ. Anh ấy có khả năng. Như người ta thì cứ luyện thi đại học cũng đủ làm giàu.

Khiếu ngồi im "chịu trận", nét mặt trông thật tội nghiệp. "Rõ là văn chương nghiệp chướng. Thằng này tự chuốc cái khổ vào người". Tôi thầm nghĩ bụng.

- Hôm nay em phải đi dạy, anh ngồi đây chơi với nhà em - Huyền đứng dậy - Ngày mai, chủ nhật, em mời anh đến xơi cơm với gia đình, nếu anh còn như xưa mà không chê cái cảnh nghèo.

Huyền ôm cặp sách đi khỏi, Khiếu bảo tôi:

- Ông ở nước ngoài về nghe cách nói năng của Huyền hẳn khó chịu lắm? Số tôi không may, lấy phải bà vợ mà sư tử châu Phi, nghe tiếng có khi còn sợ. Nhiều lúc tôi bực lắm. Nhưng mà cũng phải tặc lưỡi cho qua. Chuyện đời... Cả thời trai trẻ ném mình vào cuộc chiến tranh của dân tộc. Lúc trở về chả lẽ lại... chiến tranh mãi cuộc đời hay sau? Mà cái giống đàn bà thì mình cứ nhường nhịn, nó lại càng lấn tới.

Tôi chả biết nói với Khiếu như thế nào. Lúc hai người mới yêu nhau, tôi đã linh cảm thấy. Tính Huyền thì chao chát, dữ dội thế; còn Khiếu thì tế nhị, nhẹ nhàng. Làm sao có thể dung hợp?

Tôi uống một hớp nước chè và lấy bao thuốc Galand bóc ra mời Khiếu cùng hút. Khiếu nhả khói thuốc. Đôi mắt mơ màng. Vầng trán mênh mông toát vẻ thông minh thiên bẩm.

- Ở Liên Xô cũng có loại thuốc này à? Khiếu hỏi.

- Ừ. Bọn Việt cộng[1] mình không thích hút thuốc Liên Xô: nặng và khét. Cả BT của Bun cũng không thích nên phải lập đường dây đánh từ Niuđêli sang. Hiện nay nó được chuộng nhất ở Liên Xô.

- Hút cũng được - Khiếu gật gù - Ông còn mấy năm nữa thì bảo vệ luận án phó tiến sĩ nhỉ?

- Hai năm nữa.

Tôi nhìn quanh phòng khách. Gọi thế cho oai. Thực chất nó chỉ bằng góc hành lang dùng làm nơi hút thuốc lá ở đầu toa lét[2] trong các căn hộ ở nước ngoài. Tuy vậy, sự bài trí trong phòng vẫn gợi một không khí trang nhã. Ở góc bàn viết, treo trên tường là chiếc gậy Trường Sơn Khiếu còn giữ lại như một kỷ niệm thiêng liêng. Tấm ảnh tôi và Khiếu chụp chung lúc gặp nhau ở chân dốc Bà Định[3] được lồng trong khung đặt ở phía trên cây gậy. Dọc theo bức tường phía ngoài, trên những lỗ thoáng như các lỗ châu mai là các tác phẩm hội họa của họa sĩ tý hon: Quang Huy. Phải thừa nhận cậu con cả của Khiếu có một năng khiếu rất đặc biệt. Nó vẽ những bức tranh sinh hoạt rất sống động, mang đầy dấu ấn của tuổi thơ.

Thấy tôi tấm tắc khen những bức tranh, Khiếu tự an ủi:

- Các cụ có câu: "Mẹ nó sẩn nhưng con nó bở". Tôi được hai đứa con kéo lại, không thì cuộc đời chán quá.

- Huyền dạy thêm ở trong khu này à? - Tôi hỏi.

- Ừ. Dạy cho học sinh năng khiếu tiếng Nga để thi vào lớp chuyên tiếng Nga cho học sinh sắp thi vào khối D đại học. Nhà mình, cô ấy kiếm ra tiền nên chỉ huy tất cả. Làm thằng nhà văn, bụng chỉ có chữ nghĩa nên đành chịu lép vậy.

- Thế cuốn tiểu thuyết vừa rồi ông được nhuận bút bao nhiêu tiền?

- Quãng hai triệu - Khiếu mỉm cười - Liên hoan. Tặng sách. Xong xuôi thì gần hết.

Tôi nhẩm tính. Cả một công trình nghệ thuật của bạn tôi chỉ đáng giá bằng tiền lãi của một đợt giải quyết hàng tồn. Chao ôi! Sao văn chương ở Việt Nam lại rẻ mạt đến vậy? Ngày xưa khi ôn thi ở Trường Văn hóa quân khu tôi cứ ngậm ngùi là thiếu mất nửa điểm nên tuột khỏi khoa văn. Nhờ có cái rủi ấy mà bây giờ hóa ra lại sung sướng. Nếu không cũng khốn nạn như thằng Khiếu chứ chẳng đùa!

Trước lúc ra về tôi lục túi lấy ra ít tiền đưa cho Khiếu.

- Ông cầm lấy mà sửa cái trần nhà. Để dột nát mãi thế này các cháu cũng thấy khổ.

Khiếu nhất định không nhận. Nó gạt tay tôi:

- Thôi, cầm lấy đi mà tiêu. Ông ở nước ngoài mới cần phải tiêu nhiều chứ ở nhà thế nào mà chẳng được. Trước đây đi đánh giặc, ngủ nơi rừng rú, chỉ có cái tăng cũng xong.

- Ông thì đã đành. Còn lũ trẻ. Mình làm ăn được mà - Đôi mắt tôi như van lơn, Khiếu vẫn quyết không nhận, lại còn hài hước:

- Cũng phải cho lũ trẻ nếm mùi gian khổ một tý. Từ bé mà cứ trong nhung lụa thì làm sao tồn tại nổi ở mảnh đất này?

*

Chủ nhật, tôi không đến chơi ăn cơm được với gia đình Huyền. Ngày này, tất cả các con thường tụ tập quanh "cụ". "Cụ" tức là cha tôi, ông Nguyễn Trung Thành.

Nhà tôi giờ có hai đại tá. Đại tá "cụ" về hưu hiện làm chủ tịch Hội cựu chiến binh phường. Còn đại tá "con", tức Nguyễn Trung Lập, thuộc lớp sĩ quan trẻ, được đào tạo và thăng tiến thời hậu chiến.

Mẹ tôi lần này cũng ở trong Nam ra vì biết tin tôi đi phép. Bà đã rụng mất hai cái răng cạnh nhưng trông vẫn có duyên, cười bảo:

- Nhà này có máu binh nghiệp. Cả nhà làm sĩ quan. Chỉ tiếc không có ai "làm kinh tế".

Cha tôi phê bình:

- Bà vào đất Sài Gòn có mấy năm mà đã đổi tính đổi nết đi rồi. Ai cũng đi buôn thì thử hỏi đất nước này còn ra cái thể thống gì nữa?

Nụ cười tắt trên môi mẹ. Tôi thấy nhồn nhột trong lòng. "Hay là cha tôi đã ngửi thấy ở tôi bắt đầu có "mùi vị" của một thằng buôn bán rồi nhỉ!".

Suốt cả thời trai trẻ, cha tôi đặc biệt ghét những ai làm cái nghề buôn bán. Ông quan niệm đó là thứ nghề lừa lọc, gian lận.

- Cổ nhân có câu - Ông dạy - "Buôn gian, bán lận". Không phải buôn gian bán lận làm sao có thể giàu? Mà giàu tức là phải phi pháp rồi. Đã phi pháp thì sớm muộn rồi cũng phải mang cái vạ vào thân.

Những năm chiến tranh, lời dạy của ông được áp dụng như một thứ quân lệnh trong nhà. Tất cả chỉ có thực hiện. Không tranh luận. Không bàn cãi. Nhất nhất từ mẹ tôi trở xuống.

Ông đem cả đời mình cống hiến cho cuộc chiến tranh, cho xã hội. Đổi lại những vinh quang mà dân tộc cả một thời ngưỡng vọng thì mẹ tôi và lũ con của bà phải chịu bao cực nhọc gian truân. Tôi còn nhớ khi tôi còn nhỏ, nhà tôi có ba sào đất bãi của bà ngoại. Năm nào cái vườn bãi này cũng cho ra hàng trên một trăm buồng chuối. Vậy mà chả mấy khi chúng tôi được những nải chuối ngon. Có bao nhiêu buồng to ông yêu cầu phải bán cho Nhà nước hết. Giá xuất cho nhà nước loại A chỉ có ba xu ba một cân. Loại B và C thì được ba xu và hai xu tám... Đến nay nhớ lại những kỷ niệm này tôi cứ nghĩ như đó là huyền thoai. Có một thời người ta trong sáng và giàu niềm tin. Sản phẩm do mồ hôi nước mắt của mình làm ra bằng thực. Nhưng mình hưởng nó, mình muốn biến nó phục vụ cho cuộc sống và trở thành niềm sung sướng của mình thì mang đầy mặc cảm của sự man trá và tội lỗi.

Thứ quân lệnh khắc nghiệt của cha tôi đã biến cả lũ trẻ con ông được những trận đói vàng mắt. Lẽ ra dạo ấy mẹ tôi chỉ bán cho Nhà nước một nửa số sản phẩm theo giá nhà nước, còn một nửa thì bán ra thị trường, cuộc đời chúng tôi đã không đến nỗi khổ sở. Nếu không hẳn là giàu, ít nhất cũng phải thuộc loại khá trong làng. Nghĩa là tôi đi học dưới huyện sẽ có xe đạp mà đi, không phải tuần hai bữa hành đôi chân đến nhừ mỏi. Tôi sẽ không phải ăn sắn thay cơm hoặc không phải quẹo mồm nhai thứ chuối xanh như răng bừa, vừa chát lại chứa đầy độc tố.

Trong bữa cơm thân mật của gia đình hôm nay, thế nào ngài đại tá "con" lại giở dói chuyện ấy ra. Anh uống hết nửa chai vốt ka thì bắt đầu công kích đại tá "bố". Anh giễu cợt:

- Bố biết không, chính vì bố mà tất cả chúng con mới khổ đến như thế!

- Khổ mà mới ngoài bốn mươi mày đã leo lên chức đại tá kia à? - Cha tôi bực mình - Cái sướng không thấy kể, chỉ thấy kể đến cái khổ. Như vậy nghe được sao?

Ngài đại tá "con" bắt đầu hứng lên, hăng hái tranh luận:

- Bố tưởng hơn bốn mươi tuổi đeo chiếc lon đại tá ba sao đã là sung sướng lắm ư? Vì đã dính vào cuộc đời binh nghiệp, nên con phải phấn đấu. Nhưng xét cho cùng thì hạnh phúc gì một thằng như con nhỉ? Bạn bè khối đứa nay là tiến sĩ, giáo sư. Ngày chúng làm việc ở phòng thí nghiệm hay thư viện. Tối đến lại ôm vợ trong những căn phòng sang trọng đầy đủ tiện nghi. Thế mà nhà họ có phải mỗi năm đổi một tấn chuối để chủ tịch huyện thưởng cho một cái mâm nhôm và mảnh giấy khen là một gia đình gương mẫu đâu!

- Câm ngay! - Cha tôi bỗng lấy tay đập mạnh xuống bàn. Ông nghiến răng kèn kẹt.

Mẹ tôi sợ hãi, đứng chặn ngay trước mặt đại tá Lập năn nỉ khóc, mà rằng:

- Anh Lập ơi. Mẹ van anh. Mẹ lạy anh - Quay sang đại tá Thành - Cả ông nữa. Ông cho tôi xin. Sao cha con gặp nhau cứ được dăm câu ba điều là lại nổi sấm, nổi chớp lên như vậy?

- Thời tôi và bà nghĩ khác. Thời chúng nó bây giờ nghĩ khác. Hỏng!

Ông ném ra một câu, gằn giọng, quyết liệt như ngụ ý bảo "Mày mà nói nữa tao đánh. Đại tá tao cũng đánh".

Bấy giờ đại tá "con" mới chịu lùi bước trước đại tá "bố". Tôi ngồi lặng người. Trước mặt tôi, bộ quần áo pizama của ông già sáng ngời lên như bao chùm cả bộ quần áo sĩ quan còn mới toanh của đại tá Lập.

Cũng may, mấy bà chị dâu đang dọn dẹp dưới bếp. Mấy đứa trẻ chạy chơi long nhong ngoài đường. Thành thử toàn bộ cuộc xung đột giữa cha con được xem là vấn đề "công tác tư tưởng nội bộ". Mẹ tôi bao giờ cũng là chính trị viên. Bà khuyên giải bên này, an ủi bên kia. Với tôi, bà giải thích các sự kiện đó là hiện tượng "xung tứ hành". "Bố con với anh Lập - Bà bảo - tuổi xung nhau lắm. Cho nên chuyện chẳng đâu vào đâu mà lại "gạo người vỡ nồi mình". Thật khổ quá.

Khi các chị dâu và anh Được ở dưới bếp đi lên, cha tôi lại ngồi vào chiếc ghế mây ở chính giữa. Ông nói chuyện thân mật với họ, hỏi han họ về công việc cơ quan. Lại cầm từng múi cam bổ sẵn đưa cho từng người. Bắt đầu từ mẹ tôi. Sau đó là chị dâu cả rồi anh cả, tức vợ chồng anh Việt. Đến chị Được, anh Được. Chị Lập, anh Lập. Cuối cùng đến tôi. Sau chót mới là ông. Trước khi chia phần ông lại lấy ba múi cam đã cắt đặt lên chiếc đĩa có sẵn ba quả. Thắp ba nén hương, miệng lầm rầm như đọc thần chú: "... Nam ơi, con gái yêu quý của bố mẹ. Chỉ có mình con chịu phận không may. Con không được chứng kiến ngày đất nước hòa bình. Không được cùng cả nhà xum họp trong cảnh đoàn viên. Bố mẹ và cả nhà lúc nào cũng nhớ con, như vẫn có con ở bên cạnh. Hồn con linh thiêng hãy về đây. Hãy ăn thứ hương hoa này..." Căn phòng lặng đi. Mẹ tôi lấy khăn mùi xoa lau nước mắt. Mấy bà chị dâu thì kẹp tay ở đùi, mắt cắm xuống đất. Họ là những người chỉ biết chị Nam của tôi trong ảnh và qua lời kể của mẹ. Anh cả Việt, anh Được thì quay lại nhìn tôi. Cùng một lúc là ba tiếng thở dài. Chỉ riêng đại tá Lập là khóc nức lên (lần nào cũng vậy). Còn cha tôi quay mặt đi nhìn qua cửa sổ, mũi suỵt một cái. "Ông không khóc bằng nước mắt mà khóc bằng mũi". Tôi nghĩ bụng và lén đánh mắt về phía ông. Hồn ông đang ở đâu trong cõi phiêu diêu chứ không ở mặt đất này. Trên bàn thờ, hương trầm đang tỏa ngào ngạt. Khói trắng cuộn lên đan vào nhau thành hình đóa hoa sen có búp trắng. Từ trên cái búp trắng đó chị tôi bước ra như nàng tiên. Nàng tiên đội mũ tai bèo. Khuôn mặt tròn, thơ ngây của tuổi mười tám. Đôi bím tóc ngắn lộ dưới vành mũ. Nụ cười tươi rói nở trên môi.

Từ đâu trong không trung, có những tiếng nổ dữ dội làm mặt đất rung lên. Tôi như bị nhấc bổng, ném lên cao. Tai ù đặc. Người chơi vơi trong khoảng không. Ì ầm tiếng xe chạy. Hiện ra các bánh xe cao su khổng lồ bay vèo vèo như bánh xe của Na tra Thái tử trong truyện Tây Du Ký. Tôi từ từ mở mắt. Những bánh xe kia thu nhỏ dần lạit từ từ đậu xuống bên cạnh chị tôi. Trên bàn thờ còn lại chiếc khung ảnh. Cỗ xe bằng gỗ thông ghép lại hình chiếc ô tô vận tải, có đủ cả bốn bánh xe. Cha tôi đã kỳ công mất nửa tháng làm cái đồ vật thờ thiêng liêng ấy cho chị Nam.

Chiếc nạng gỗ của anh Được động đậy, gõ hai cái xuống sàn nhà. Đó là dấu hiệu báo cho vợ biết chuẩn bị đến giờ về. Gia đình tôi hiện nay có anh Được là vất vả nhất. Anh mất nửa bàn chân, đùi và người đầy vết mổ. Kinh tế của anh khá chật vật nhưng có vẻ như anh lại là người hạnh phúc nhất.

Khi tất cả mọi người đã về, hết niềm vui hàn huyên là nỗi buồn trống trải của hai người già và một chàng trai chưa vợ. Mẹ tôi hỏi:

- Con về phép lần này đã tính đến chuyện lập gia đình chưa?

- Thưa mẹ, chưa ạ - Tôi trả lời.

- Sao vậy? Chả lẽ con định đến già mới cưới vợ hay sao?

Nét mặt mẹ tôi đượm buồn. Tôi không dám trả lời thẳng mẹ mà lảng sang chuyện khác.

- Mẹ lần này ra ở hẳn ngoài này với ba con chứ ạ?

- Không. Mẹ ở đến khi con hết phép thì trở lại Sài Gòn. Cũng phải chăm nom cho đứa con của con Năm cho lớn đã, rồi tính sau.

Năm là em út. Cô con gái thứ sáu này chưa bao giờ chịu rời mẹ.

Tôi bỗng thấy thương cha tôi. Cả cuộc đời dường như chưa lúc nào ông được sống thanh thản trong vòng tay chăm sóc của vợ. Hai người cứ như là vợ chồng Ngâu. Năm thì mười họa mẹ tôi mới từ Sài Gòn ra. Nhưng lúc ấy bà lại trở thành khách còn ông là chủ. Ông lo nấu cơm, mua sắm cho vợ với lý do bà là người yếu hơn "cần giữ sức khỏe để sau này lo vợ cho thằng Muôn".

- Tối nay con không ngủ ở nhà - Tôi bảo mẹ - Mẹ không phải đợi cửa con đâu nhé!

- Ừ, con bận công việc thì cứ đi. Dưng mà, mai nhớ về sớm, mẹ thổi xôi cho mà ăn.

Mẹ tôi không hỏi tôi đi đâu và ngủ ở đâu. Từ ngày bà vào sống ở Sài Gòn thì đã theo hẳn một nề nếp khác. Không bao giờ bà hỏi tỷ mỷ về chuyện riêng của con cái. Bà khấp khởi mừng. Chắc hẳn thằng con trai bà, đã một đám nào đó hẹn hò.


[1] Từ quen gọi những người Việt Nam ở châu Âu.

[2] Nhà vệ sinh.

[3] Một con dốc Trường Sơn.

Powered by Froala Editor