Viện phương đông

3 năm trước

"Các con đại tá " - Tiểu thuyết (2 tập) của nhà văn Hữu Đạt, Nxb QĐND

Giá như có Hưng ở đây thì tôi sẽ làm tất cả để xoa dịu nỗi đau của nàng. Nhưng bây giờ giữa chúng tôi là khoảng cách của hai thế giới. Một, của nơi trần thế. Một, của cõi tu. Giữa chúng tôi chẳng còn có sợi dây nào để nối liền, dính kết. Tôi nhớ đến cặp mặt Hưng buồn thăm thẳm lúc gặp nhau. Nhớ đến vẻ thờ ơ cố tạo ra của nàng, mà sau ánh mắt mênh mông buồn vẫn lóe lên nỗi day dứt, đau khổ. Tôi đọc sách Phật biết rằng, người đi tu chỉ giải thoát được mình khi nhận thức, tức "ngộ" được cõi vô thường và đoạn tuyệt được với những ràng buộc của lẽ sống trần tục.

Powered by Froala Editor

(11)

Không có nhà văn Khiếu tôi không hiểu được cuộc đời thật của ông nội, cũng chẳng hiểu được cuộc đời đầy trắc ẩn của cha tôi. Sẽ mãi mãi không hiểu được sự hy sinh to lớn của cả một thế hệ cha anh đối với thế hệ trẻ. Ấy là chưa nói tới cách hiểu phiến diện như kiểu của Lập. Trái với Lập coi cha như khuôn mẫu của một sự khờ dại, cứng nhắc tôi coi cha mình là biểu hiện của sự tinh tế và sâu sắc. Đó là con người nếm trải nhiều nỗi gian khổ cay đắng ở đời nên mọi hành động bao giờ cũng hướng về việc bảo vệ hạnh phúc cho các con.

Suốt cả đêm ở làng Cổ Thanh tôi chăm chú đọc phần bản thảo của cuốn sách mới do nhà văn Khiếu đưa cho. Phải nói là Khiếu nể tôi lắm mới giành cho cái đặc ân ấy. Với Khiếu, đó là phần máu thịt của đời sống tâm linh. Với tôi đó là cả một phần máu thịt của cuộc đời. Tôi đã khóc khi đọc đến đoạn Khiếu miêu tả cái chết của quan Nguyễn Hữu Tước. Một cái chết đớn đau, oan uổng không sao thanh minh được ở cõi dương gian. Chỉ có cuộc đời sáng ngời của cha tôi và sức chịu đựng bền bỉ của ông mới là điều thanh minh cho tất cả.

Tôi thắp ba nén hương trước bàn thờ rồi ngồi xuống chiếc đi văng bằng gỗ mít hút liền mấy điếu thuốc. Từ bé tôi chưa hề biết mặt ông nội mà lúc này tôi vẫn khóc nức nở. Người ta bảo, tình huyết lệ là cái thứ đi xuyên qua cả thời gian. Có lẽ đúng!

- Nửa đêm rồi mà chú vẫn chưa đi ngủ à? - Được từ trong buồng đi ra. Bàn chân bị thương của anh nhấp nhoi trên đôi dép cao su đã cũ.

Tôi không nói gì, gạt nước mắt. Được bảo:

- Thời chinh chiến tôi không thấy chú hay khóc như bây giờ.

- Vâng! Dạo đó tất cả đều bị cuốn trôi đi. Chẳng ai có thời gian để nghĩ đến riêng mình.

Anh tôi mồi liền hai điếu thuốc lào. Má tóp lại.

- Những đau thương mình đi qua đã nhiều. Phải biết nén nỗi đau của quá khứ lại chú ạ. Chú không quên mình từng là lính chứ?

Tôi hiểu lời động viên của anh tôi. Anh nghĩ, tôi đang thắp hương tưởng nhớ những người đồng đội đã chết trong chiến tranh.

- Anh đã bao giờ nghe ba kể về ông nội không?

Được ngạc nhiên:

- Sao? Bỗng dưng hôm nay chú lại giở đến chuyện ấy? Có điều gì mới xảy ra à?

- Không! Không có chuyện gì. Em mới đọc một cuốn sách viết về gia đình ta. Em thêm hiểu về ba và ông nội. Em thấy thương ông quá.

Tôi đưa tập bản thảo cho Được. Anh chăm chú lật qua các trang.

- Có ba và ông nội trong này đâu?

Tôi quên mất. Dạo Được lên đường anh mới học hết lớp 9 phổ thông. Anh làm sao hiểu được phép hình tượng hóa trong tiểu thuyết.

- Quan huyện Nguyễn Hữu Tước chính là ông nội mình - Tôi bảo - Vì nhà văn muốn tự do trong hư cấu nên đã đổi tên.

Được trầm ngâm.

- Sao Khiếu nó lại biết được những chuyện này?

- Ba mình rất thân với nó - Tôi giải thích - Dường như những bí mật cuộc đời ông đã tâm sự với Khiếu cả. Khiếu là người mà ông tin cậy nhất.

Được gật gù.

- Ông cụ nhà mình kể cũng lạ. Bấy nhiêu người con chả nói cho một ai biết.

- Có thể ba không thích chúng ta phải ám ảnh về một quá khứ đã xa rồi. Suốt cả cuộc đời lúc nào ba cũng chỉ lo cho con cái.

Thấy tôi và Được cứ rỉ rả với nhau, cuối cùng chị Tứ cũng sốt ruột nên đi ra. Chị vui vẻ:

- Anh em chú nửa đêm nửa hôm vẫn còn tâm sự khiến tôi chả ngủ được. Nếu không bí mật thì cho tôi ngồi cùng nào.

- Chị ngồi xuống đây - Tôi dịch lui vào - Chị cũng chưa ngủ ạ?

Chị Tứ ngồi sát vào chồng, xuýt xoa như có vẻ rét. Anh quàng tay qua lưng chị. Giản dị và tình cảm.

Nhìn cách thức hai người sống với nhau tôi chạnh lòng nghĩ về cuộc sống của vợ chồng anh Việt và anh Lập ở Hà Nội. Họ chả bao giờ có được cảnh sinh hoạt ấm cúng như ở đây. Dường như ngay cả những lúc họ tiếp tôi thì đầu óc mỗi người cũng theo đuổi một ý nghĩ. Ấy vậy, nhìn cuộc sống bề ngoài ai chả nói họ hạnh phúc hơn? Kỳ thực thì... chỉ có tôi mới hiểu nỗi khổ tâm ở những con người ấy. Nhất là Việt. Tôi có cảm tưởng anh đang sống trong chuỗi thời gian của những đau buồn bằng sự gộp lại của tất cả thời gian chiến tranh.

- Tôi vẫn cảm thấy như lần này chú về đây có chuyện gì chứ không đơn thuần về thăm anh chị - Chị Tứ bắt đầu câu chuyện bằng một sự gợi ý rất khéo. Tôi cảm tưởng như chị đang nhìn thấu cả gan ruột tôi - Đã là anh chị em với nhau, đừng nên giấu giếm chuyện gì cả.

Tôi ngước nhìn chị Tứ cảm động. Ở chị, bao giờ tôi cũng nhận được những tình cảm chân thành và sự quan tâm thấu đáo.

- Hưng đã gửi cho anh chị...?

Tôi nói chưa hết câu, chị Tứ đã cắt ngay:

- Có thế chứ! Chú mới gặp cô Hưng à?

- Vâng! Ngày hôm qua.

- Chú về là tôi biết ngay. Thế nào rồi cũng có ngày mà. Chú đừng giận tôi nhé. Tôi phải giữ trọn lời hứa với cô Hưng vì cô ấy đã tin cậy. Tôi chỉ đưa lại cho chú những kỷ vật ấy khi nào chú gặp cô Hưng thôi.

Chị Tứ quay vào buồng mở tủ lấy ra một gói những phong thư. Tất cả được xếp trong túi giấy bóng có buộc dây cẩn thận. Qua lần giấy mỏng ánh, tôi đọc được nét chữ nghiêng nghiêng quen thuộc: "Gửi anh Muôn (nhờ anh Được chị Tứ đưa hộ. Em xin cảm ơn)".

Có lẽ cả hai anh chị đều đoán được trong đó chứa đựng điều bí ẩn của hai đứa tôi. Được bảo:

- Anh chị giữ nguyên vẹn cho chú. Không biết ở trong có những gì. Phải chăng giữa hai người cũng đã có một thời...?

- Vâng! Chả giấu gì anh chị. Có thời chúng em đã yêu nhau. Nhưng đó là kỷ niệm của mấy chục năm rồi.

Chị Tứ đế vào:

- Tôi đã đoán không sai mà lỵ. Nhìn con mắt của cô Hưng tôi biết là cô ấy rất yêu chú.

Tôi không ngờ chị Tứ tinh thế.

Khi tôi hí hoáy tháo xong cái nút dây buộc để mở túi giấy bóng thì chị Tứ nháy mắt với chồng. Hai người đi vào nhà. Tôi mở túi đọc bức thư thứ nhất.

"... Thật tình cờ em lại gặp người đàn bà đau khổ ấy. Chị ta đã để lại trên cơ sở mình dòng máu của một người Nga. Theo lời chị kể, đó là vị chuyên gia quân sự tên là Ivan Ivannôvích".

Tôi thấy hồi hộp quá. Chả lẽ...? Dạo ấy khi tổ chức phát hiện được mối quan hệ giữa Ivan và cô Ngà sinh viên đã lập tức tiến hành ngay một loạt các cuộc họp. Tôi, lúc bấy giờ, là phụ trách lực lượng điều hợp được mời tham dự các cuộc kiểm thảo. Suốt ba đêm liền, chi đoàn sinh viên đã "cạo" cho cô gái tội nghiệp ấy một trận chí tử về cái gọi là đạo đức đoàn viên, về tinh thần, kỷ luật thời chiến, về sự làm mất danh dự của đội ngũ chuyên gia nước ngoài đang giúp Việt Nam. Trong tình hình của cuộc chiến đấu ác liệt, tất cả những điều đó được khép lại thành một bản án nguy hiểm chỉ thua kém bản án tử hình có một tý.

Ngà bị đuổi khỏi tiểu đoàn cảm tử của lực lượng sinh viên, một lực lượng ưu tú nhất lúc đó được lựa chọn để phối hợp với các lực lượng đặc biệt bên quân đội xây dựng sân bay. Đêm hôm cô ra đi, tôi tiễn cô ra cuối ngọn đồi an ủi:

- Dù sao thì Ngà cũng có mặt ở đây trong những ngày hết sức ác liệt. Không một ai quên Ngà, quên sự đóng góp của Ngà cho cuộc chiến.

Ngà gục đầu vào ngực tôi nức nở:

- Em thấy em oan lắm. Anh là chỉ huy, chả lẽ anh không nhận thấy điều đó hay sao? Có bao giờ lại đi kỷ luật một sinh viên vì biết yêu, nhất là một tình yêu chân chính?

- Anh hiểu nỗi lòng em Ngà ạ. Anh cũng hết sức đấu tranh ở cấp ủy rồi, nhưng vô hiệu. Biết làm thế nào được? Sự khắc nghiệt của cuộc chiến này, chỉ có sắt thép là mới hiểu nổi.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không tin các ẩn số bí mật của cuộc đời lại rơi vào cô. Đọc đến những dòng sau của Hưng tôi lại càng sửng sốt.

"Em không tin trong cuộc đời mình lại gặp những vòng quay kỳ lạ như thế. Em và Ngà trở thành một đôi bạn rất thân, chỉ vì hai người đều quen anh. Và lần nào nhắc đến anh thì mỗi người lại nhớ anh bằng những xúc cảm riêng của mình".

Tôi lặng người đi. Có cảm giác râm ran từ đâu đó bò qua những ngón tay tôi.

"Những ngày bị kỷ luật phải đuổi khỏi trường Đại học, Ngà đến ở nhờ nhà bà cô. Đó chính là nhà bà chủ em ở trọ trong suốt mấy năm sơ tán. Không ngờ chúng em lại là những người cùng cảnh với nhau".

Tôi lờ mờ hiểu câu nó đó có ngụ ý gì nên đọc ngấu nghiến phần viết sau đó. Nhưng thật tiếc, đoạn tiếp theo chỉ nói về Ngà, tuyệt nhiên không có chữ nào nhắc đến Hưng.

"Khi chị Ngà sinh con chúng em quyết định đưa chị đến một bệnh viện sơ tán. Cuộc sinh nở của chị thật khó khăn. Đứa trẻ rất to, người ta phải mổ mới lấy được thằng bé nặng gần 4 kilôgam rưỡi. Chị Ngà bị mất máu nhiều. Ngày ấy đang buổi giặc giã, ăn uống chả có gì. Hơn nữa lại ở trong hoàn cảnh bị xã hội và gia đình xua đuổi, chị Ngà cứ héo hắt dần đi. Đến tháng thứ năm chị ấy qua đời.

Thằng con trai chị có cái tên Nga là Xasa, tên Việt Nam là San, được một chị hộ lý tên là Thoa nuôi hộ. Quê chị ở tận xã... huyện... tỉnh... Trước khi nhắm mắt chị Ngà có trăng trối với em rằng sau này cố tìm cách gặp lại anh. Nếu anh còn sống thì chỉ có anh mới là người giúp cho Xasa trở về với người cha thân yêu của nó".

Tôi chết lặng người đi. Ivan Ivannôvích ơi, liệu anh có biết rằng anh còn có một đứa con trai ở xứ sở này?

Tôi phải uống một chén nước trà để lấy lại bình tĩnh và đọc tiếp đoạn cuối của bức thư đó.

"Sau ngày giải phóng thấy anh trở về em mừng lắm. Nhưng em lại tủi hổ khi nghĩ đến phận mình. Anh đã giận em thậm chí từ bỏ em ngay trong cả ý nghĩ nhưng em không có cách nào thanh minh được. Tuy nhiên em vẫn có một hy vọng, dù là rất mỏng manh, rằng sẽ có ngày nào đó anh tìm gặp em. Thế rồi, ngày tháng trôi qua, hy vọng đó cũng dần tắt. Chao ôi! Chúng ta người cùng một làng, lại có thời yêu nhau, sao mà cách biệt, dửng dưng? Mỗi lần nghĩ thế em lại thấy xót đau vô cùng".

Tôi thở dài, nén nỗi bùi ngùi.

"Khi anh đọc lá thư này chắc em không còn sống với cuộc đời của người trần thế. Với em, sống làm kiếp người sao khó khăn làm vậy.

Giá như có Hưng ở đây thì tôi sẽ làm tất cả để xoa dịu nỗi đau của nàng. Nhưng bây giờ giữa chúng tôi là khoảng cách của hai thế giới. Một, của nơi trần thế. Một, của cõi tu. Giữa chúng tôi chẳng còn có sợi dây nào để nối liền, dính kết. Tôi nhớ đến cặp mặt Hưng buồn thăm thẳm lúc gặp nhau. Nhớ đến vẻ thờ ơ cố tạo ra của nàng, mà sau ánh mắt mênh mông buồn vẫn lóe lên nỗi day dứt, đau khổ. Tôi đọc sách Phật biết rằng, người đi tu chỉ giải thoát được mình khi nhận thức, tức "ngộ" được cõi vô thường và đoạn tuyệt được với những ràng buộc của lẽ sống trần tục. Nàng làm sao có thể siêu thoát được khi cả phần đời tuổi trẻ của nàng bị níu kéo bởi trăm nỗi tơ vò trong đời sống nhân gian? Nàng là người đàn bà biết yêu thương, giàu lòng nhân ái. Cuộc sống tâm linh của nàng luôn bị giằng xé b ởi những xúc cảm thì làm sao nàng được yên thân để tụng niệm, hướng thân thể mình thoát khỏi bể trầm luân?

Nước mắt tôi chảy dài theo bức thư nàng viết. Mỗi dòng, mỗi chữ là nỗi thổn thức của cõi lòng.

"... Em biết, trong anh em chỉ là hình ảnh của sự phản bội, là sự quay mặt với tình yêu. Nhất là tình yêu cao cả của người lính. Đó là điều em khó cắt nghĩa và giải thích được cho anh.

Dạo đó, sau khi anh đi B thì em bắt đầu có chửa. Đó là kết quả của buổi trưa hè tiễn biệt trên đồi sim. Buổi trưa đó mãi mãi ám ảnh cả cuộc đời em".

Tay tôi run bần bật. Mắt hoa lên, không còn tin ở thị giác của mình.

"Vì quá yêu anh nên em quyết định không bỏ đứa con trong bụng. Em vẫn nghĩ nếu ở chiến trường, rủi ro anh có chết thì em cũng không vĩnh viễn mất anh. Đứa con chúng mình sẽ là hình ảnh của anh đi theo em suốt cuộc đời".

Trống ngực tôi đập dập dồn như sau cuộc chạy việt dã. Cổ họng tôi đắng ngắt như nuốt phải củ tam thất ninh với thịt gà. Cuộc đời với tôi vừa ngọt ngào lại vừa cay đắng.

"Nhưng... anh Muôn, anh có hiểu tâm trạng rối bời của em lúc ấy không? Hoặc là em phải nhận cái án đuổi học và mang tiếng là đứa con gái chửa hoang. Hoặc là chịu mất đứa con của tình yêu bằng một liều thuốc giải. Em phải đấu tranh rất nhiều ngày. Không, em nhất định không chịu để mất đi đứa con của chúng mình. Em phải sinh và nuôi nó.

Nhưng bằng cách nào? Về thưa chuyện với mẹ anh ư? Biết mẹ anh có thông cảm cho không? Dù rằng mẹ có thông cảm, nhưng còn uy tín của cha anh, của anh Việt, chị Nam, anh Được, anh Lập và cả gia đình? Một gia đình quân nhân mẫu mực như vậy lẽ nào lại có một đứa con hay đứa cháu mà không có giá thú?

Kỷ luật em không sợ. Nhưng bị đuổi học thì em lang thang đi đâu? Lấy gì để nuôi đứa con của chúng mình. Về quê hương thì tránh sao khỏi bị gia đình và họ hàng xua đuổi? Em, thật là chuột chạy cùng sào, biết làm cách nào cho phải lẽ?

Giữa lúc ấy thì Sang đến. Em nhận lời kết hôn với Sang vì thấy Sang thông cảm với hoàn cảnh của mình. Những ngày đầu Sang thực sự thương em, tạo mọi điều kiện cho em và đứa bé ra đời. Nhưng về sau, con Hằng càng lớn thì lòng ích kỷ của Sang cũng lớn dần lên. Chúng em sống những ngày lủng củng vì những mâu thuẫn vặt vãnh. Mỗi ngày mâu thuẫn một loang ra. Cái tên "Hằng" em đặt cho con gái để hàng ngày nhắc nhở em nhớ đến anh đã trở thành cái gai nhọn trong trái tim Sang, nhất là khi anh từ quân ngũ trở về".

Tôi không tin mình đang sống trong cõi thực. Ôi! Người yêu của tôi! Con gái của tôi! Tôi nức nở úp lên mặt mình mấy tấm ảnh của mẹ con Hằng chụp từ những ngày đánh Mỹ. Trời ơi! Cuộc chiến của dân tộc đã đi qua mà cuộc chiến của đời tôi dường như mới bắt đầu. Có ai trên cõi đời này hiểu và thông cảm được cho tôi chăng? Tôi đang sống trong hạnh phúc của nỗi đau khổ, trong niềm vui của giằng xé và quằn quại. Con gái tôi đây ư? Hằng ơi... vậy là cha đã gặp con ở miền viễn xứ. Cha có biết đâu đấy là giọt máu của cha. Ngày mới gặp con, cha chỉ ngờ ngợ ở con có một nét gì quen thuộc xa xăm, một sự phảng phất bâng khuâng từ trong cặp mắt. Hóa ra là con, là sự hóa thân của mẹ Hưng thời son trẻ. Hằng ơi! Bây giờ con đang ở đâu? Ở miền Xibêri giá lạnh với những chuyến hàng hay đang hồi hộp ngồi trên chuyến tàu vượt qua biên giới Brét?

Tôi nhắm mắt lại hình dung ra cô gái chưa đầy hai mươi tuổi đang lặn lội giữa miền giá tuyết với những bao tải hàng nặng trĩu. Tuyết trắng mênh mông, lạnh như cắt thịt. Có ngày trời lạnh xuống âm 30 độ C. Đi trên phố chỉ thấy gió rít ù ù, không kéo mũ lông tưởng tai mình đứt tuột. Vậy mà giờ đây con gái tôi đang lăn lộn trên những nẻo đường tít tắp nơi chân trời góc bể. Nó có biết đâu rằng trên đời này nó còn có một người cha.

Năm tháng đã xé chúng tôi ra. Ở đời này hạnh phúc phải trả bằng cái giá quá nhọc nhằn. Thế là thằng tôi, từ hôm nay, chính danh chưa có vợ nhưng lại trở thành kẻ làm cha. Tôi vừa mừng vừa tủi, gom nhặt những mảnh hạnh phúc đổ vỡ được chắp lại qua những dòng thư đầy nước mắt của Hưng. Tôi biết nàng đã khóc rất nhiều, đến nỗi trang nào mực bút bi cũng nhòe thành từng cuồng loang lổ. Không kể hết được đằng sau mỗi trang thư ấy là mấy chục năm thương nhớ âm thầm và đau xót.

*

Powered by Froala Editor