Viện phương đông

3 năm trước

"Các con đại tá " - Tiểu thuyết (2 tập) của nhà văn hữu Đạt. Nxb QĐND

Trong cả cuộc chiến tranh, Được tham gia 150 trận đánh lớn nhỏ. Anh chịu đựng gian khổ, đau thương rất nhiều. Vậy mà phần ưu đãi vật chất của xã hội lại giành cho anh rất ít. Chả bù cho Lập, ngoài mấy trận não pháo ở bên giới phía Bắc, bụi chiến binh chưa thấm hết lượt áo ngoài nhưng nhờ được học hành, lại gặp may nên thăng tiến đều đặn. Ánh sao sáng ngời trên cổ áo. Cuộc sống no đủ. Cổ nhân vẫn bảo: Mưa có bao giờ mà khắp được! Trong một gia đình bao giờ chả có những kẻ gặp may và người thiệt phận. Trời thường có mắt lấy lại sự công bằng bằng cách bù lại cho anh tôi một cuộc đời hạnh phúc mà những người khác không thể có.

Powered by Froala Editor

(12)

Trước khi tôi về Hà Nội, anh Được bảo tôi:

- Không ngờ chuyện đời tư của chú lại đến nỗi thế này. Âu cũng là số phận.

Tôi buồn rầu nói:

- Bây giờ em chả biết nên hành động thế nào nữa.

- Trước hết phải tìm con Hằng về đã. Tuổi trẻ, không để cho nó lang bạt mãi ở châu Âu được.

- Chỉ sợ khi hết phép em sang thì nó lại đi Đức mất rồi.

Anh tôi thở dài:

- Đám trẻ con bây giờ lạ thật. Mình chẳng thể hiểu được chúng nó.

- Em sốt ruột lắm!

- Thì thế. Thôi cứ làm một tợp cho ấm bụng - Anh tôi đẩy chiếc chén vại đựng rượu nếp cẩm đến trước mặt tôi. Đó là thứ rượu chị Tứ tự làm để bồi dưỡng cho anh uống vào mỗi buổi sáng trước lúc lùa vịt xuống lạch.

Chưa đến giờ xuống bến ô tô, tôi theo Được xuống tham quan bãi thả vịt của anh. Đây là một lạch nước khá rộng chảy dọc theo bờ kè đá ở cuối thôn. Được đã dùng tre đan thành phên dày chặn ở hai đầu. Trên thượng nguồn anh thiết kế lối rào hình tua tủa như tua giỏ để cá xuôi về vào được trong vụng nước nhưng không thể đi ngược trở lại. Mạn xuôi anh đan phên thành hai lượt, mau tới mức một chú tôm càng cũng không thể lọt qua. Được cầm một cái que rào trỏ về phía trước hỏi, câu hỏi không hàm ý tôi phải trả lời:

- Chú còn nhớ không? Thuở nhỏ anh đã be bờ, hai anh em mình tát đoạn sông này. Hôm ấy dớ được gần hai thùng cá, toàn cá nheo, cá chuối, cá chép. Cả làng đồn ầm lên: "Hai anh em thằng Được tát sông". Thoáng cái đã mấy chục năm rồi. Đời người nhanh như cái chớp mắt. Buồn cười thật nhỉ!

Tôi vốc một vốc ngô trong thúng ném xuống nước. Đàn vịt ào tới đè lên nhau, lặn hụp. Tôi nhìn đàn vịt dễ đến mấy trăm con của Được thầm phục anh là người có chí. Được trỏ vào một con vịt bầu to nhất đàn, bảo:

- Hôm qua tôi định thịt con kia để anh em mình nhắm rượu. Nhưng chị Tứ chú nói, ngày đầu tháng ăn vịt là kiêng lắm, tôi phải chịu để chị chú làm món thịt gà. Đàn ông chúng mình nhắm rượu mà vắng món tiết canh nghe chừng cũng mất thú.

Tôi bình luận:

- Chị Tứ thật chu đáo với anh. Thương chồng nên rất quý em chồng.

Được gật gù, hé mở nụ cười phô hàm răng màu thuốc lào ám khói.

- Ừ, anh chú tuy nghèo thật nhưng được cái bù lại là hạnh phúc. Chị Tứ chú thì tuy nhà quê, ít chữ nhưng trải qua đời lính nên thấm hiểu mọi nỗi khổ đau, sung sướng ở đời, lúc nào cũng quan tâm, săn sóc đến anh, chả bù cho bà chị dâu cả nhà mình.

Tôi nói với Được mà như thắc mắc với chính cõi lòng:

- Chả lẽ bây giờ bà ấy lại quá quắt đến thế kia ư? Em còn nhớ, ngày xưa bà ấy có lần còn cho em tiền đi tàu điện.

Được lắc đầu:

- Toàn do anh Việt đạo diễn cả. Ngày mới lấy nhau anh vẫn đưa tiền cho chị làm thế để mua mặt. Sau này có con rồi, chị ta lột bỏ tất cả những thứ đó để sống bằng mặt thật của mình. Ôi! Thật kinh khủng lắm.

Được vừa tóm tắt kể qua tình hình cho tôi vừa thỉnh thoảng đưa tay quệt nước mắt. Thì ra, mấy anh em chúng tôi toàn là loại mau nước mắt cả. Thời đánh nhau, lúc chia tay chúng tôi không đến nỗi phải khóc nhiều như bây giờ.

- Cả cuộc đời anh Việt tâm sức cho cái gia đình ấy. Thế mà bây giờ... - Giọng Được nghẹn lại - Chú đi xa không biết. Toàn bộ tòa nhà ba tầng ấy, toàn bộ cơ nghiệp ấy đều do công sức của anh Việt ta cả. Nhưng rút cục lại thì...

Tôi chỉ biết lắc đầu thở dài. Câu chuyện của bà hàng xóm nhà Hưng, của con trai bác Ngôn và giờ đây là cua anh Việt làm tôi nghĩ đến việc lấy vợ đã đủ thấy phát ngán.

- Lần trước Việt đã đưa đơn li dị đến tòa án nhưng đúng vào lúc ba bị phát bệnh nặng. Anh sợ biết chuyện này ông bị kích động có thể nguy kịch thì vô tình mà lại giết cha. Anh đành rút đơn.

Tai tôi có lẽ ù đi. Chuyện Được kể cho tôi thật mà cứ như bịa. Tôi không tin là chị Vân giờ lại quá quắt đến thế.

- Cuộc đời thế thì lạ thật - Tôi nói - Ngày trước chị Vân đâu đến nỗi nào. Chả lẽ lúc yêu nhau Việt lại không phát hiện ra được điều đó?

Nét mặt Được đượm vẻ buồn rầu. Tôi biết Được thương anh Việt lắm.

- Nếu lúc yêu nhau mà biết trước thì cuộc đời này chả có ai nhầm lẫn.

Được lại ném tiếp mấy nắm ngô nữa xuống giữa lạch. Đàn vịt xô đến, con nọ chồng lên con kia, thi nhau lặn hụp, tranh cướp. Cả vùng nước chao động làm ánh mặt trời lấp loáng như vỡ tan ra.

Tôi bồi hồi nhìn cái doi cát nổi lên giữa dòng sông, chợt nghĩ rằng, đời người sao thật phù du. Chỉ có vạn vật là vĩnh cửu. Đã mấy chục năm trôi qua. Mọi vật ở nơi này dù trải qua nhiều vòng biến đổi vẫn mang dáng dấp của những kỷ niệm một thời. Dạo chiến tranh sông đem đi đâu hết tất cả những bãi sa bồi bên bờ hữu ngạn. Những năm giặc ném bom đánh phá năm nào nước cũng lên to. Dòng sông là một khối nước khổng lồ chảy như khối san băng, gào thét. Các cụ nói: "Thời nào loạn lạc, sông nước cũng đều thế cả. Đến lúc bình thì sông sẽ trở lại hiền hòa ngay". Thế mà đúng thật! Tạo hóa thật bí hiểm vô cùng. Chỉ mấy năm sau thời bình dòng sông đã trở lại như thời tôi còn thơ bé. Cát ở đâu lại trôi về tụ lại giữa sông như một hòn đảo. Từng đàn sếu giang, mỗi lúc chuyển thời tiết thì từ núi lại bay về đậu chật cả một vùng. Ngày anh Được về phép đi B đã cùng tôi vác AK bơi sang bãi nổi, xả hết nửa băng đạn mới hạ được một chú sếu. Đó là bữa liên hoan tôi nhớ mãi. Cả nhà ngồi quanh một cái sanh to bằng đồng nhìn miệng con sếu lụp bụp nhả nước. Khi nước trong sanh sôi lên, mỡ tạo thành một lớp váng béo ngậy. Hôm ấy là ngày trung tuần của tháng, trăng văng vặc chiếu qua những tán chuối xanh rờn. Ba ông đầu bếp bắc ngay gần cột mít, lối rẽ ra bến sông, nơi anh Được đã từng đứng như trời trồng ngắm nhìn chị Tứ tắm. Bây giờ nghĩ lại, tôi hình dung thời gian mới chỉ qua như cái chớp mắt. Tất cả vẫn như ngày nào. Hòn đá chị Tứ nằm nghiêng mình trên đó vẫn còn đây. Dòng nước vẫn êm đềm ngày đêm rì rầm lách vào vách đá. Anh Được đã ngả sang tuổi già. Mái tóc hoa râm. Răng đã rụng mất một chiếc gần cửa. Người thương binh ấy sống thật hạnh phúc bên người vợ từng là lính lái xe. Chị đã quá niên, sắp bước vào độ tuổi hồi xuân. Vẻ đẹp của chị dường như là sự bù đắp cho phần thiếu hụt của bàn chân nhấp nhoi mà chiến tranh lấy đi một nửa.

Trong số mấy anh em, tôi vẫn thương anh Được nhất. Trong cả cuộc chiến tranh, Được tham gia 150 trận đánh lớn nhỏ. Anh chịu đựng gian khổ, đau thương rất nhiều. Vậy mà phần ưu đãi vật chất của xã hội lại giành cho anh rất ít. Chả bù cho Lập, ngoài mấy trận não pháo ở bên giới phía Bắc, bụi chiến binh chưa thấm hết lượt áo ngoài nhưng nhờ được học hành, lại gặp may nên thăng tiến đều đặn. Ánh sao sáng ngời trên cổ áo. Cuộc sống no đủ. Cổ nhân vẫn bảo: Mưa có bao giờ mà khắp được! Trong một gia đình bao giờ chả có những kẻ gặp may và người thiệt phận. Trời thường có mắt lấy lại sự công bằng bằng cách bù lại cho anh tôi một cuộc đời hạnh phúc mà những người khác không thể có.

Được bảo tôi:

- Thời thế thăng trầm, phận người thật nổi trôi. Tôi không nghĩ là mình lại có người cháu thất lạc như thế. Trở lại nước Nga chú phải bằng mọi cách tìm cho được nó.

- Vâng! Em sẽ hết sức cố gắng... Không ngờ có bao nhiêu chuyện xảy ra trong đợt nghỉ phép - Tôi thở dài.

- Nhưng mà cũng mừng. Dẫu sao thì đây cũng là bù đắp cho tình yêu tuổi trẻ của chú.

Nghe lời an ủi của Được, lòng tôi lại xúc động thêm.

- Em chỉ thương cho Hưng và cảm thấy ân hận vì trước đây đã hiểu lầm cô ấy.

Được vỗ về tôi:

- Mọi lỗi lầm rồi sẽ qua đi, chỉ có tình người là mãi mãi còn lại. Cô ấy mới thực là người biết yêu.

Được ít học hơn tôi, nhưng anh nói nhiều câu thật đúng. Ở đời này những kẻ biết yêu, mấy khi được sống với tình yêu thật của mình? Ngay trong giới trí thức, lớp người được gọi là có trình độ trong bậc thang xã hội tôi đã gặp nhan nhản những trường hợp đau lòng. Họ yêu nhau chỉ vì đồng tiền. Hết tiền thì tình yêu họ bẩn như nồi bã cám lợn đặt ở vỉa hè vào ngày trời mưa gió.

Tôi lại kể cho Được nghe chuyện tình yêu giữa cô Ngà và anh chàng cố vấn quân sự Xô Viết Ivan Ivannôvích. Được gật gù bảo:

- Thời chiến bao giờ chả có những quy luật ngặt nghèo của nó. Cái chết của cô Ngà là một trường hợp thật đáng bi thương. Anh cũng vì thương tật nên chả làm gì giúp được. Chú cố gắng tìm cho thấy cái cậu Xasa để nó được trở về với đời và được sống với con người có cha.

- Vâng! Chỉ hiềm thời gian có hạn thôi. Em tính, nếu vào Quảng Trị tìm mộ chị Nam xong đưa về Bắc là vừa hết tháng. Sau đó có lẽ em sẽ cùng ba tìm cách di chuyển hài cốt của ông nội.

Được sững sờ:

- Có tin về ông nội rồi à? Dạo ấy người ta vẫn đồn ông bỏ chạy vào Nam loam nên chức gì to lắm.

- Không! Ông chết từ trước lúc tản cư.

- Hả? Sao lại thế?

Được tròn mắt nhìn tôi.

*

Tôi như rơi hẫng từ trên cao xuống. Có cảm giác là ai đã rút ruột mình, khoang bụng chỉ còn khoảng trống rỗng. Mở choàng mắt tôi mới biết máy bay đang hạ thấp độ cao. Hóa ra tôi đã ngủ một giấc như chết, không nghe thấy lời nhắc nhở của nhân viên hàng không. Vị hành khách ngồi bên cạnh đã thắt hộ tôi chiếc dây an toàn.

- Trời hôm nay rất lắm mây mù - Ông khách nói - Chuyến bay xóc quá.

- Tôi ngủ một giấc chẳng còn biết trời đất gì nữa. Cảm ơn bác đã giúp tôi.

Ông khách mỉm cười:

- Có gì đâu. Chuyện thường tình.

Ngày trước chưa đi máy bay tôi cứ ngỡ ngồi trên máy bay chỉ có cảm giác êm ái như ngồi trên võng, hoặc giả như ngồi trên giường. Bây giờ tôi mới biết, dù ở trên trời hay dưới đất thì đường đi chẳng phải lúc nào cũng bằng phẳng. Chuyến bay nào gặp nhiều mây, ngồi trong máy bay thấy xóc chẳng kém gì ô tô đi trên bộ.

Ông khách ngồi bên tôi là người mà bề ngoài thì trầm tĩnh nhưng lại rất vui chuyện. Ông bảo:

- Ban nãy đến giờ ăn tôi định đánh thức chú dậy. Nhưng thấy chú mệt mỏi quá nên thôi. Với lại bữa ăn bây giờ cũng chả có gì. Khác hẳn các chuyến bay của những năm trước.

- Vâng! Cháu cũng không thấy đói.

Máy bay đang hạ thấp độ cao trên bãi biển của một thành phố thuộc các nước cộng hòa Ả Rập. Đây là chặng nghỉ của tuyến bay mới hình thành ít tháng nay do đường bay cũ phải qua vùng trời của một nước vẫn xảy ra các cuộc không chiến.

Ông khách mơ màng nhìn qua cửa sổ máy bay nói với tôi:

- Thế mà hóa ra hay chú ạ. Nếu không cả đời chắc gì chúng ta đã được biết vẻ đẹp của xứ sở này.

Ông nhướn người trỏ cho tôi xem một chiếc tàu biển lớn đang chạy giữa biển khơi. Mặt biển xanh trong chan hòa ánh nắng mặt trời rực rỡ lên như màu sắc trong các câu chuyện cổ tích. Trong cái mênh mông ấy chiếc tàu biển khổng lồ chỉ nhỏ như chiếc lá tre. Nó vạch một đường thẳng dài bằng cái vệt trắng nhỏ như sợi chỉ, hướng về phía vùng vịnh, nơi có những con thuyền đánh cá chỉ nhỏ như những dấu chấm đang di động. Người phi công có lẽ muốn cho hành khách được thưởng ngoạn vẻ đẹp từ trên cao thành phố nên cho máy bay nghiêng cánh một vòng trước khi đáp xuống sân bay. Lúc ấy tôi có cảm giác đang xem lại bộ phim về các câu chuyện cổ. Không phải là một thành phố mà là các lâu đài, thành quách nối tiếp nhau trong vẻ đẹp huyền bí kỳ diệu. Từ trung khu nổi lên ngọn tháp hình bán cầu sáng bóng nạm vàng. Quanh đó là một quần thể kiến trúc đa dạng của các dinh thự mọc xen kẽ giữa các tòa nhà cao ốc, lấp ló những cụm cây xanh. Từ quảng trường dẫn ra ngoại ô là một đại lộ dài thẳng tắp, rộng thênh thang. Hàng trăm đỉnh tháp to nhỏ khác nhau rải quanh các ngôi làng vùng ngoại ô với các khu vườn nhỏ và các tòa nhà thấp nhưng trang nhã. Dọc bờ biển có một con đường lát đá chạy ngoằn ngoèo luồn qua các lùm cây thấp. Sát mép nước là triền cát phẳng lì hiện ra lác đác vài ngọn dù che cho những người đi tắm nắng.

Theo thông báo, chúng tôi sẽ nghỉ ở sân bay này 45 phút. Khi máy bay vừa đỗ xuống đã có hai chiếc xe ô tô khách cỡ lớn với những dòng chữ Ả Rập đón khách vào khu nhà chờ. Đó là khu nhà hai tầng rộng mênh mông có các lối cầu thang tự động lên xuống. Ở tất cả các chỗ ngoặt đều có những người lính đội mũ nồi, gắn sao, đeo thắt lưng bao to bản. Khoác tiểu liên đứng gác. Trong khu nhà chờ có đủ các loại hành khách từ khắp các nước trên thế giới đi lại. Hành khách đi Matxcơva được dẫn vào một khoang trung tâm. Từ đây có cầu thang máy dẫn xuống tầng một. Đó là nơi đặt các quầy bán hàng phục vụ khách quốc tế. Gian bên trái là quầy rượu với đủ các lãng nổi tiếng trên thế giới. Từ rượu vang Napôlêông của Pháp đến rượu rum của Italia. Từ rượu Thítchơr, Uyt ky của Anh đến rượu Côtnhắc Nga. Nối vào gian này là gian bán thuốc lá, cũng với đủ các chủng loại. Thuốc ba số (555), Dunhin, Manbôrô... Tôi đang cân nhắc xem nên lấy một tút loại nào sang Mát làm quà thì có chàng trai đặt tay lên vai tôi.

- Anh nên mua loại ba số bao dẹt. Đó là thứ đang được chuộng ở Mát.

- Tôi tưởng bảng một là Dunhin chứ?

- Không!

Tôi quay lại, ngạc nhiên. Hóa ra là Bổn, chàng trai đeo kính mát ở sân bay Semetchevơđva bữa trước.

- Ơ, cậu cũng về nước à? - Tôi hỏi.

- Vâng. Em về giải quyết một số công việc cho Phạm. Trong đó có loại hàng mà anh xách va ly lần nọ.

Tôi nhún vai:

- Khiếp! Hàng quái quỷ gì mà nặng thế? Chẳng khác gì sắt.

Bổn cười:

- Hay là, sắt. Mỗi một linh kiện nhỏ thế mà giá một chỉ.

- Chịu các vị thật - Tôi bình luận.

- Về nguyên tắc thì khi mặt hàng trở thành phổ biến mới được mở miệng. Quy ước của Phạm là như thế. Cho nên trong quá trình làm việc anh phải nhớ chú ý.

Tôi cười:

- Mình thì làm việc cái gì! Tiện thể thì giúp Phạm thôi. Cũng chẳng nghĩ Phạm lại trả công, mà còn hậu hĩ nữa.

- Phạm là người tốt bụng, biết dùng người. Phạm rất quý và tin yêu anh. Anh đừng nên bỏ lỡ cơ hội.

- Nhưng tạng tôi đâu thích hợp với việc đi buôn?

Tôi cầm lấy tút thuốc ba số bao dẹt và bỏ vào cái giỏ sắt trên chiếc xe đẩy. Bổn cũng ném vào đấy năm tút nữa và hăng hái trả tiền cả cho tôi. Tôi đã hai lần nhét tiền vào túi cậu ta nhưng đều bị trả lại. Bổn bảo:

- Anh em mình giờ là cùng hội cùng thuyền, ăn nhằm chi một tút thuốc ba số? Cũng như là đãi nhau một bữa nhậu thôi.

Thế là tôi đi theo Bổn. Quả đáng tội, Bổn là người rất đáng yêu, lại nhanh nhẹn nữa. Chúng tôi đi ngang qua quầy bán hàng vàng.

- Buôn bán thời nay có rất nhiều loại. Nhất là ở cái nước Nga - Xô. Người đi chợ bán vặt hàng ngày cũn có. Người áp tải, chuyển giao hàng từ vùng này sang vùng kia cũng có. Người chỉ đi giao hàng cho người khác cũng có. Người lại chỉ cắp cặp đi ngoại giao cũng có... Trong số ấy, anh thuộc loại này. Số anh, nhìn cái dáng cũng rõ là quý phái, nên Phạm mới muốn đưa anh vào cái chân ấy.

Tôi giật mình:

- Mình thì quê một cục chứ ngoại với giao gì. Cậu cứ động viên.

- Em nói thật đấy mà. Số anh rồi giàu. Nhàn mà giàu.

- Lại thế kia nữa?

- Chứ không à? Chỉ cần nghe cách ăn nói của anh cũng đủ thấy. Em nói anh bỏ quá, có lẽ bọn con gái rất mê anh.

- Có ma nào đâu. Mấy năm nay vẫn biên chế trong tiểu đoàn Đội Cấn[1].

Bổn vỗ tét vào vai tôi:

- Thì tại anh. Có ai cấm? Thời đại mở cửa lẽ ra phải phá tung cánh cửa lòng mình ra thì lại đóng im ỉm. Đàn ông không biết tìm cách tự giải phóng, người ta gọi là "hâm".

Tôi bật cười, chống chế:

- Cũng chỉ tại công việc, chứ mình đâu có phải là thánh thiện gì. Tứ tuần rồi, vẫn "mồ côi". Đôi lúc thấy thèm có một cô gái bên cạnh để chuyện trò, ôm ấp.

- Thì bắt lấy một cô. Thiếu cha gì.

- Con gái thì nhiều nhưng hợp với tạng mình thì khó.

Bổn xua tay:

- Lấy vợ đâu mà cần "hợp" với "không hợp"? Cái chính là để lo giúp đỡ công việc và lưu thông khí huyết. Không lưu thông khí huyết thì không đần độn cũng dở người dở ngợm. Lấy vợ phải về Hà Nội.

Tôi nom Bổn mới ngoài hai mươi tuổi mà từng trải, nên buột miệng:

- Trước cậu ở đâu?

- Trước em học trường Đại học Mỏ Địa chất. Tốt nghiệp xong ở lại, nhập vào đường dây của Phạm.

- Thế cậu không định về nước à?

Bổn trầm ngâm. Vẻ mặt già hẳn đi.

- Cũng chưa biết được. Em đang tính, có lẽ ở Nga một thời gian rồi sang Đức cũng nên.

Ở một phương diện nào đó, tôi thấy Bổn là người rất đáng yêu, dễ gần. Cho nên, mới quen nhau mà chúng tôi như đã thân từ lâu. Tôi khuyên Bổn:

- Người có bằng cấp như cậu, về nước thiếu gì việc làm mà phải tha hương? Sống xa Tổ quốc là khổ lắm.

Bổn gật đầu, chia sẻ với tôi ý nghĩ thực từ đáy lòng mình.

- Em cũng biết thế. Nhưng hạng tốt nghiệp Đại học như em thì đáng kể gì. Ở nước mình bây giờ hàng ngũ phó tiến sĩ đông như châu chấu. Chen chân ở trong nước đâu có phải chuyện dễ. Mà nhà em thì lại rất hoàn cảnh. Nếu về có lẽ chả bao giờ dám nghĩ đến chuyện lấy vợ.

Tôi cười:

- Vậy mà cậu lại khuyên mình: Lấy vợ thì về Hà Nội.

- Ấy là đối với anh. Con người ta, tùy từng hoàn cảnh.

Chúng tôi dừng trước một quầy bán các đồ trang sức bằng vàng. Chao ôi! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tôi chưa bao giờ được nhìn thấy cảnh tượng hấp dẫn đến như vậy. Hằng hà sa số là vàng. Toàn loại vàng đẹp và óng: Dây chuyền, nhẫn, vòng đeo tay... tất cả đều được làm bằng một kỹ thuật rất tinh xảo. Tôi hoa mắt khi nhìn những chiếc nhẫn đính kim cương, lấp lánh màu sắc huyền ảo dưới ánh đèn nê ông. Những chiếc vòng đeo tay bằng ngọc bích được phản chiếu qua mặt gương gắn kín trên trần.

Bổn hỏi tôi:

- Anh có định mua gì không?

- Mình làm gì có tiền - Tôi mỉm cười.

- Cần thì em ứng trước cho anh. Về sau trả cũng được.

Tôi lắc đầu. Trong khi đó Bổn sà vào quầy nhẫn nói một câu tiếng Anh rất lịch sự với cô nhân viên bán hàng có nước da màu nâu. Cô đưa cho Bổn chiếc nhẫn có hai hạt đá trắng nhỏ xíu như chiếc cúc bấm. Bổn rút trong túi ra một tập tiền, có lẽ đến vài chục tờ đô la. Tôi không nghĩ là Bổn nhiều tiền đến thế.

- Mấy hôm nữa là đến ngày sinh nhật của cô người yêu Phạm. Em mua làm quà sinh nhật đấy - Bổn nói.

Tôi tròn xoe mắt.

- Cậu ăn chơi gì mà khiếp? Cỡ của các nhà tư bản.

Bổn cả cười.

- Đâu có phải là của em. Của Phạm cả đấy chứ.

[1]. Tiếng long của trí thức nói những người không yêu đương, bồ bịch.

Powered by Froala Editor