Viện phương đông

3 năm trước

"Các con đại tá " - Tiểu thuyết (2 tập) của nhà văn hữu Đạt. Nxb QĐND

(3) Đời ba tôi thật thăng trầm.

Ông là sản phẩm của cuộc giao hòa giữa viên quan tri huyện và cô gái quê làng Cợi. Vậy ông cũng là kết tinh của đẳng cấp thượng lưu và cũng là của đẳng cấp bần hàn nhất. Chính điều đó đã giằng xé con người ông. Ông là con người vừa vinh quang lại vừa lận đận. Vừa hạnh phúc lại vừa đau khổ. Vừa dũng cảm lại vừa nhu nhược. Cùng với cuộc chiến của dân tộc, ông đã phải tiến hành một cuộc chiến dằng dặc mấy chục năm trong lòng mình.


Powered by Froala Editor

      (3)

Tôi phóng xe đến nhà Lập. Anh ngạc nhiên khi thấy tôi.

- Có chuyện gì à?

- Vâng! Em muốn gặp anh bàn chuyện làm ăn.

Mắt Lập mở to. Sững sờ giây phút, anh ôm choàng lấy tôi.

- Chú mày khá. Phải thế mới được. Cứ giữ mãi một nếp như cụ khốt nhà mình thì chẳng mấy chốc tụt hậu so với xã hội mất em ạ.

Anh kéo tôi vào nhà. Bây giờ đến lượt tôi sững sờ. Trước mặt tôi là một căn phòng sang trọng với đầy đủ các tiện nghi hiện đại. Xe cub 70 mới đập hộp, dựng ở buồng trong. Giường, tủ, bàn, ghế, tất cả đều được làm bằng các thứ gỗ quý. Catsete, ti vi màu toàn những thứ của Nhật "sịn" vào loại đời mới nhất.

- Em không ngờ mới có một năm mà anh lại lên nhanh thế này - Tôi cất lời khen. Lòng thán phục ông anh khiến tôi chợt nghĩ: "Thời nay chẳng cứ gì phải đi nước ngoài mới giàu. Có thể mình chưa là cái đinh gì so với ông Lập".

Anh tôi rót nước, ném bao ba số ra bàn. "Hút đi" - Anh cũng chẳng thèm rút thuốc mời tôi. Cử chỉ kẻ cả ấy anh nghĩ là tình thân mật. Anh nhặt một điếu đưa lên miệng. Lại lia từ mép bên phải sang bên trái, rất thành thạo.

- Nói thật với chú em, ở đất Hà Nội này, như anh chưa là cái đinh gỉ! Thiên hạ nhiều người giàu lắm lắm.

- Là sĩ quan như anh được vậy là hết ý rồi còn gì? Đại tá như ba, ngày xưa toàn hút thuốc lào - Tôi thủng thẳng nói.

- Chú mày làm lịch sử là phải. Lúc nào cũng nói chuyện "ngày xưa". Người hôm nay chỉ thích nói chuyện hiện tại.

Điệu cười nhạt và động tác vỗ vai của anh làm tôi hơi khó chịu.

- Lâu rồi em có làm lịch sử nữa đâu - Tôi cãi.

Trán Lập hơi nhăn lại.

- Thế lâu nay chú làm nghề gì? Chuyển hẳn sang ngạch buôn rồi à?

Mặt tôi hơi sa sầm. Hóa ra Lập chẳng thèm chú ý gì đến tôi cả.

- Đã có lần em nói với anh là em đã chuyển sang làm triết học.

- Ờ nhỉ - Anh tôi vỗ vỗ vào trán như sực nhớ ra cái điều mà mình vẫn hằng nhớ - Anh nhớ rồi. Sau khi tốt nghiệp khoa sử, về Ủy ban Khoa học xã hội em chuyển sang ban triết. Phải! Thế là thức thời. Triết học mới là khoa học của mọi thứ khoa học. Nó thú vị lắm.

Lập là người có phản ứng nhanh nhạy. Anh lên quan nhanh có lẽ một phần nhờ uy tín của cha tôi, phần khác nhờ anh có tài hùng biện. Riêng tôi đôi lúc thấy ớn.

- Chẳng qua là bắt buộc thôi - Tôi nói - Dạo mới ra trường, thấy phân công ngành nghề trái giò như thế em phản ứng. Xong rồi vị vụ trưởng tổ chức bảo em: "Anh là lính, lại từng là sĩ quan. Nên gương mẫu. Ủy ban ta đang cần xây dựng cho ngành triết còn non trẻ. Anh đã qua chiến trường. Chúng tôi muốn chuyển anh về ban này là có hướng đào tạo".

- Đúng quá! - Anh tôi reo lên, vô tư và thoải mái - Nếu không vào các ngành non trẻ như thế thì bao giờ mới được đi nghiên cứu sinh". Ngành sử, ngành văn anh còn lạ gì nữa. Đó là những ngành truyền thống, đội ngũ cán bộ của nó lớp lớp như là núi non. Lại toàn những cây đại thụ, bóng rợp cả góc trời. Em có ở đó thì bị chết chẹt, ngóc đầu làm sao được?

Tôi than phiền:

- Nhưng triết học bây giờ thì ngán lắm: Em đang chết dở đây.

Anh tôi trầm ngâm.

- Thế hướng của chú bây giờ thế nào? Không ngờ, tình thế thế mà lại rắc rối nhỉ.

Xét cho đúng anh tôi là người khéo. Khi nói chuyện bao giờ cũng biết khơi gợi và làm vừa lòng người đối thoại. Nói chuyện với anh ít khi tôi thấy khó chịu, trừ tác phong hơi kẻ cả của anh ra.

- Tinh thần của "cụ" thế nào! - Anh hỏi.

- Từ hôm về em và ba chưa nói được chuyện gì. Em thì bận, suốt ngày đi. Hễ lúc nào về lại có khách.

Lập ngả người ra ghế, lắc đầu.

- "Cụ" thì tốt nhưng phải cái đầu óc vẫn còn cổ điển lắm. Người như "cụ" không còn thích hợp với thời đại nữa.

Tôi ngắm nhìn Lập. Anh thay đổi khá nhiều. Nét mặt nom già đi và có vẻ suy tư hơn. Thời tôi ở nhà, Lập chẳng chú ý gì đến việc làm kinh tế. Anh làm tư lệnh phó một đoàn pháo binh đóng ở biên giới phía Bắc, cứ thứ bảy lại lên xe về Hà Nội. Hai tuần một lần. Tuần giữa phải trực giao ban. Dạo ấy ở biên giới tình hình còn căng thẳng.

Khi biên giới bình yên, Lập thường hay về nhà hơn. Không khí trận mạc, nguội lạnh dần làm cho anh thấy ngán ngẩm. Tôi biết tính Lập, từ nhỏ đã nổi tiếng là một tay thích đánh đấm. Lớn lên vào quân đội, được tuyển vào trường Đại học Quân sự, có lần Lập toan bỏ học vào chiến trường. Cha tôi muốn một trong các con của ông phải tốt nghiệp trường sĩ quan bằng cách học hành có bài bản. Chiến tranh còn dài, đời binh nghiệp vẫn nhiều triển vọng.

Thế là Lập ở lại tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp Đại học Quân sự. Anh kết thúc khóa học lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Vì anh là người học giỏi nên trường chọn anh ở lại làm cán bộ giảng dạy. Điều đó chẳng hứng thú gì với anh. Một ngày tôi ở chiến trường ra (tôi nhớ vào quãng tháng năm 1974) anh bảo:

- Tao chỉ mong cho chóng hết khóa học để vào trong ấy choảng nhau một trận. Cứ ở ngoài này nghe thấy ngứa ngáy lắm.

Là anh, nhưng Lập chỉ hơn tôi một tuổi. Khi anh chưa lấy vợ chúng tôi sống với nhau như bạn bè nên toàn xưng "mày - tao". Tôi nhập ngũ sau Lập hơn một năm nhưng lại lĩnh đủ nỗi gian truân của thằng lính ở chiến trường. Tôi bảo:

- Điên à? Bọn tao ở trong ấy chỉ muốn được thoát ra ngoài này, mày lại muốn vào. Thích chết hả?

- Sống chết ở đời có số cả. Số chết thì chả ra trận cũng chết. Mà số sống thì trước mũi tên hòn đạn cũng chả chết được.

- Nói phét - Tôi quát - Năm Bảy hai (1972), số sống mà vào đấy nó cũng nghiền hết, nghiền nát như cám ấy.

- Nếu chết cả thì lấy đâu ra người giữ Thành Cổ 83 ngày đêm?

- ...

- Mẹ kiếp, làm thanh niên thời chiến đời nào chả vậy. Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực. Ai mà sống mãi được? Thà làm cái thằng người hùng còn hơn phải vật vờ.

Tôi thở dài, không thể giải thích cho Lập hiểu. Tôi đâu phải thằng nhát? Chính tôi đã tình nguyện ra chiến trường. Tôi đã thấm thía thế nào là chiến tranh. Thế mà thằng anh tôi lại cứ nằng nặc đòi vào. Hắn ngửi mùi chiến tranh bằng cái mũi của con mọt văn chương (Lập rất chịu đọc tiểu thuyết và thơ ca) và cặp mắt xanh biếc của thằng sinh viên suốt đời mòn đít quần trên ghế nhà trường. "Đường ra trận mùa này đẹp lắm...". Chà chà! Hãy đợi đấy ông tướng con ạ. Cứ phải cho ông nằm trong hầm rừng để đạn pháo nó cối như rang thóc trên đầu chừng mười trận chết hụt hoặc hàng tháng không nhìn thấy hạt gạo ông sẽ hiểu ra được điều gì.

Tôi kể cho Lập nghe có lần lạc trong rừng, giữa mông mênh của cây cỏ và hoang thú, tôi đã khóc. Khóc vì nhớ mẹ, thương cha. Khóc vì nghĩ rằng nếu chẳng may mà bỏ xác lại nơi này thì đồng đội phải tìm hiểu, ngỡ tôi đã bỏ theo giặc. Tôi cũng kể cho Lập nghe cả cái lần tôi định bắn vào tay mình nữa. Tôi tưởng sẽ được một lời an ủi, chia sẻ của Lập, ai ngờ Lập hung lên:

- Lính như mày là cái con củ cặc. Đ.mẹ, thanh niên thằng nào cũng thế thì mất mẹ nó nước.

Tôi cay đắng nghĩ. "Mày mà vào chiến trường thì dễ chết lắm" - Lập vẫn đang trong cơn hăng, vung tay:

- Tao làm chỉ huy, lính của tao thằng nào mà thế, tao bắn.

Lập là sĩ quan pháo binh, từng chỉ huy nhiều cuộc tập trận. Anh sướng cuồng người mỗi khi đoàn pháo của anh tập trung hỏa lực nã vào mục tiêu. Từng đoàn xe trên đường lộ cháy bùng lên. Các tòa nhà đổ sập. Tiếng kêu thét của quân giặc. Chiến hào đầy cờ trắng kéo ra hàng... Nói chung, Lập nhìn chiến tranh bằng con mắt của thằng thi sĩ - Một thằng thi sĩ chưa hề khoác áo lính.

Miền Nam giải phóng. Hết chiến tranh, Lập ở lại trường làm cán bộ giảng dạy. Đó là miếng đất chẳng có gì hấp dẫn đối với anh. Có lần, Lập phàn nàn:

- Trước đây tao tưởng chiến tranh còn kéo dài, tao mới tính nghe lời ông bô vào Đại học Quân sự. Ai ngờ học xong thì thời bình mẹ nó rồi, đánh đáp gì nữa! Tao mà biết thế này thì ngay từ năm thứ nhất chuồn mẹ sang đại học dân sự còn hơn...

Tôi biết máu Lập từ thuở ấu thơ trong các cuộc đánh trận giả ở gần bốt. Dạo ấy trong nhóm quân đỏ Lập là tay liều lĩnh, táo tợn nhất khiến cho bên xanh lắm khi phải hoảng sợ. Từ nhỏ Lập hay nghịch và thuộc loại ngang bướng khiến cho đám trai làng ở chà trên cũng phát ngán. Với cung cách ấy Lập làm sao có thể chịu ngồi yên để làm chân giáo học? Anh sẽ phá phách, sẽ gây nhiều sự phức tạp ở các môi trường bình yên này cho mà xem. Thế nhưng, tất cả đã lỡ làng. Nếu Lập giống tôi, hết 10 (dạo đó chưa có hệ 12) vào lính, tham chiến rồi trở về thì việc vào học tiếp đại học là lý do chẳng phải bàn. Đằng này, Lập đã tốt nghiệp trường quân sự. Bao nhiêu tiền của Bộ Quốc phòng đã đầu tư, đào tạo, đời nào cho phép anh chuyển ra. Điều đó chỉ có thể xảy ra trong mơ thôi.

Tôi an ủi Lập:

- Thời nào khoác áo sĩ quan mà chẳng có giá trị! Có khi thời bình lại càng giá trị hơn. Biết đâu chả đến lúc thanh niên đua nhau thi vào trường Đại học Quân sự? Anh sẽ tha hồ mà...

- Vớ vẩn - Lập cắt ngang - Đời tao, coi bỏ đi rồi.

Thế mà đời anh "không bỏ đi" lại "lên men" phơi phới.

Bây giờ mỗi lúc nghĩ lại, tôi vẫn tự cười mình. Ấy là những năm tháng sau năm 1975, tôi vẫn hay tranh luận với Lập về một số vấn đề về chiến tranh và lịch sử.

Lập bực bội: "Mày là cái con vẹt". Đấy là thời gian cuộc đời Lập có nhiều biến đổi. Anh bị người yêu đá. Ước mơ bị thời cuộc bỏ rơi. Chán, Lập sinh ra uống rượu, hay triết lý lung tung. Lập chịu đọc nên kiến thức khá nhiều. Nhưng kiến thức rộng lớn của Lập như cả vùng ruộng mênh mông mới bừa vỡ. Chưa thể gieo cấy vào đâu được. Mạ nhổ lên rồi, không cấy vào đâu, sẽ héo.

Cha tôi tiên đoán được điều đó nên tìm mọi cách cưới vợ cho Lập. Anh lấy vợ. Đó là cuộc trả thù cho người tình xưa. Tìm hiểu. Dẫn hỏi. Cưới xin. Tất cả chỉ gói gọn trong vòng một tháng. Lập thực sự bước vào đời.

Tôi nghĩ rằng, Lập, từ đây, sẽ yên phận với mình. Con người ta khi có mái ấm gia đình tất phải đổi tính, biến cách. Cuộc sống khó khăn dễ đẩy người đời lui vào thế thủ. Nhưng không, anh lại sống những ngày quyết liệt hơn. Các cuộc họp anh không ngớt tranh luận, phê phán sự trì trệ của bộ máy tổ chức. Về nhà, anh oang oang nói về sự sai lầm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo kinh tế khiến cha tôi kinh sợ. Bắt đầu từ đấy là sự phân hóa mạnh về tư tưởng. Lập chê cha tôi là bảo thủ, yên phận. Cha tôi nói anh ngông cuồng, xốc nổi nhìn nhận các vấn đề xã hội theo con mắt của người ít từng trải, thiếu kinh nghiệm và đầy tính chủ quan. Ông nhìn về quá khứ đời ông mà rất lo cho Lập.

- Thằng này xốc nổi lắm - Cha tôi chia sẻ - Nó không được chín chắn như anh. Tôi rất lo.

Thực ra sống ở đời nhiều khi ăn may ở cái số. Khôn ngoan hay chín chắn chắc gì đã hơn. Vận người xét cho cùng cũng giống vận nước. Có khi chỉ qua một thời khắc mà tình thế đảo ngược.

Chưa bao giờ tôi ngắm nhìn Lập kỹ như thế này. Câu nói của cha tôi lúc vợ chồng anh ra về khiến tôi nghi ngại. Trong chiến tranh sự xốc nổi nhiều khi phải đổi bằng mạng sống. Trong hoạt động kinh tế thì phải trả giá khắc nghiệt bằng chính đồng tiền. Nếu Lập chỉ là một gã xốc nổi thì sao trước mắt tôi lại là một sĩ quan sang trọng, đi đứng đường bệ và làm chủ được mọi tình hình? Phải chăng cha tôi quá khắt khe, nhìn lớp trẻ bằng con mắt rất cũ? So về cấp bậc, cha tôi, đại tá 4 sao. Còn Lập là đại tá 3 sao. Xét về niên hạn tham gia chiến đấu, Lập tiến bộ như vậy là vượt bậc lắm. Vậy một trong hai người, tôi ủng hộ ai?

- Bố bây giờ già cỗi rồi - Lập ngả người ra sa lông, anh bấm nút điều khiển ở bộ phận chiếc máy điều khiển cầm tay. Trên màn hình hiện lên cuộc phỏng vấn của một phóng viên với giám đốc một xí nghiệp mới thành lập. Anh nhao về phía trước. Miệng vẫn nói theo phản xạ - Cuộc chiến tranh bao nhiêu năm đã làm cạn kiệt sức lực của "cụ" rồi.

Tôi gật gù không nói gì. Như chiêm nghiệm. Như muốn hiểu lại tất cả. Nét mặt Lập chợt buồn:

- Chú đi lâu không biết. Anh với "cụ" bây giờ xung khắc với nhau lắm. Cứ gặp nhau là vục vặc luôn. Khổ thế!

- Ba già rồi. Anh nên tìm cách động viên ba. Tôi bảo.

- Thì vẫn. Nhưng...

- Chả "nhưng" gì cả. Tốt hơn hết anh phải phục tùng. Trong gia đình, anh là con. Trong quân ngũ anh là đại tá, nhưng 3 sao, thực chất là thượng tá. Hàm cấp dưới.

Tôi nói với giọng kiên quyết. Cặp mắt cố tỏ ra trấn áp. Lập bình thản.

- Về mặt tình cảm, anh sẵn sàng phục tùng. Đó là theo đạo lý truyền thống.

Tôi tự giễu anh trong đầu "Thôi đi bố ạ. Lúc nào cũng chỉ lý luận. Nếu không có hơi của cha thì...".

Lập trầm ngâm:

- Nếu ngay từ xưa cụ biết thức thời hơn thì bọn ta không đến nỗi. Không trách bạn bè đồng lứa với cụ đều lên tướng cả, chỉ có cụ thì vẫn mang cái hàm đại tá quèn.

Tôi tròn mắt. "Đại tá quèn" ư? Chao ôi! Anh là kẻ hãnh tiến biết bao. Đến thế thì tôi không thể chịu nổi.

- Anh không biết rằng, cả cuộc đời ba đã tỏa bóng mát xuống anh? Nhờ có ba, nhờ có bạn bè ba, anh mới được thăng tiến nhanh như vậy.

Ngày Lập được phong hàm đại tá, trong nhật ký của ba tôi có ghi: "Thằng Lập đã vượt trước tôi hai mươi năm. Một ngôi sao trên ve áo nó được đánh đổi bằng mười năm nhẫn nhục của đời tôi".

*

Đời ba tôi thật thăng trầm.

Ông là sản phẩm của cuộc giao hòa giữa viên quan tri huyện và cô gái quê làng Cợi. Vậy ông cũng là kết tinh của đẳng cấp thượng lưu và cũng là của đẳng cấp bần hàn nhất. Chính điều đó đã giằng xé con người ông. Ông là con người vừa vinh quang lại vừa lận đận. Vừa hạnh phúc lại vừa đau khổ. Vừa dũng cảm lại vừa nhu nhược. Cùng với cuộc chiến của dân tộc, ông đã phải tiến hành một cuộc chiến dằng dặc mấy chục năm trong lòng mình.

Tôi vẫn coi rằng, trên đời này tên gọi thật chẳng đáng quan trọng gì. Cha tôi không đổi thành Nguyễn Trung Thành mà vẫn giữ nguyên là Nguyễn Thụ Hưởng thì cuộc đời ông vẫn thế. Vẫn là những chiến tích oai hùng xen lẫn những trang đời bi thương. Mỗi lần mở trộm nhật ký của ông, tôi vẫn hằng nghĩ thế.

Làng Cợi với tôi xa lắc. Tôi phục hiện nó qua dòng nhật ký đầy nước mắt của cha mình. "Mẹ ơi, con đi. Mẹ hãy nghỉ yên ở phần mộ này - Cha tôi viết - Từ nay trong cuộc đời lang thang lại có thêm đứa con lưu lạc..." Từ trên dòng nhật ký, mái tóc đen của người đàn bà xõa ra. Nét mặt héo hon, một vẻ xuân sắc đã hao gầy.

- Không! Hưởng ơi. Con đừng đi đâu cả. Con hãy ở nhà với u. U cô đơn lắm.

Đứa trẻ đứng bên cạnh khóc nức nở.

- U ơi, con thương u lắm.

Người đàn bà ngồi thụp xuống, ôm chặt lấy con:

- Hưởng ơi! Con đừng đi đâu. Ở nhà có mẹ có con. Con đi, u biết ở với ai?

Cậu Hưởng ôm chặt lấy cổ mẹ. Hai hàng nước mắt nó vẫn lã chã rơi.

- Tôi đã nói rồi. Cô thương con thì phải nghĩ đến tương lai của nó. Tôi cho nó lên tỉnh học chứ có phải cho nó đi làm thuê làm mướn đâu mà khóc.

Người đàn bà nấc lên mấy tiếng rồi im lặng. Ông Nguyễn Hữu Tước ân cần giảng giải:

- Đời nào cũng phải học mới nên người. Tôi thương cô, muốn con cô không kém cạnh chúng nó.

"Chúng nó" mà ông nhắc tới là những đứa con bà Cả, bà Hai.

- Em trăm lạy quan lớn, nghìn lạy quan lớn... Người đàn bà cúi thấp đầu xuống, mặt chạm phải mũi giầy bóng lộn ở chân quan - Cả đời em chỉ có nó. Mong quan lớn hãy vì nó, ban ơn...

- Hãy đứng dậy đi - Quan Hữu Tước ôn tồn đỡ lấy đôi vai gầy đang rung lên của người đàn bà - Nghe lời ta nói đây. Nó là dòng máu của ta. Ta phải có trách nhiệm thương nó. Vả, ta xem tử vi, tướng số thấy rõ, nó có bản mệnh gắn với đời ta. Là người chăm nom ta đến chết. Chính nó mới là người làm cho hồng phúc nhà ta được bền vững, chiếu sáng đến muôn đời.

Mắt cậu Hưởng sáng lên, rực như hai đốm lân tinh.

Sau hôm đó cậu Hưởng được chuyển về tỉnh học. Quan Hữu Tước gọi hai cậu bé khác, trạc tuổi Hưởng đến dạy:

- Đây là Thụ Hưởng, em chúng bay. Còn đây là anh Hùng, anh Hiệu. Chúng tay, tuy khác mẹ nhưng đều là anh em một nhà. Đều mang dòng máu của ta. Vậy phải thương yêu nhau, chăm chỉ học hành theo lời ta chỉ dạy. Là con nhà quan, phải biết sống sao cho cốt cách, giữ nề nếp nghiêm chỉnh. Không được học thói của hạng người bách tính. Có vậy, mai sau đỗ đạt, có được bổ làm quan mới hữu ích cho đời.

Ba cậu bé nhìn nhau rồi lại nhìn quan Hữu Tước. Lần đầu tiên cậu Hưởng biết đó là những người anh của mình. Người gọi là Nguyễn Hữu Hùng có cái đầu to trớ trán dô, cằm hơi thót, con bà Cả. Người tên Nguyễn Quang Hiệu nom tuấn tú, môi mỏng, con bà Hai. Khi nghe quan huyện dạy xong, cả hai khoanh tay đồng thanh đáp:

- Con xin nghe lời cậu dạy ạ.

Hưởng nhìn quanh rồi lại đưa mắt lấm lét nhìn quan Hữu Tước. Cậu vòng tay trước ngực, miệng ấp úng. Mãi vẫn không thấy Hưởng nói lên lời, ông mới xoa đầu an ủi:

- Rồi sẽ quen thôi con ạ.

- Dạ! - Cậu Hưởng dụt rè đáp. Mắt Hữu Hùng thoáng gợn chút ganh tỵ.

Buổi tối đầu tiên trong cuộc đời, cậu Hưởng được biết thế nào là con quan... Bắt đầu vào bữa ăn, Hữu Hùng dóng dả gọi:

- Trời ơi! Sao mà lâu thế. Bây giờ mà vẫn chưa được ăn à?

Chị vú nuôi tất tả từ dưới bếp chạy lên. Chị hấp tấp lau chùi bàn ghế, dọn bàn ăn.

- Mong các cậu thông cảm. Cháu đang nấu cơm thì con mèo nhảy qua làm đổ nồi nước, tắt mất lửa.

Cậu Hưởng lấy làm lạ. Một người lớn tuổi thế kia lại toàn xưng "cháu" với lũ nhóc vậy. Cậu chưa hiểu, kiếp tôi đòi làm cho thân phận người lớn còn thấp bé hơn cả trẻ ranh.

- Thôi được rồi - Hữu Hùng ra lệnh khi vừa ngồi vào bàn và nhón một miếng thức ăn - Chị không phải nói nhiều. Xới cơm ra.

Chị vú xới ba suất cơm vào ba đĩa đặt ở ba góc bàn kèm theo ba suất thức ăn. Hưởng rất ngạc nhiên khi thấy người trong cùng một gia đình lại không ăn chung với nhau, mà rạch ròi mỗi anh một phận. Ở làng Cợi của cậu thì khác. Cả nhà chung một bát canh, chung một đĩa rau, một bát tép hay dúm cua bắt được ngoài đồng. Chả có ai ăn cơm bằng đĩa. Cơm phải được xới vào những cái bát làm từ đất nung xám màu nước lá vối. "Mí lại" chả mấy ai được ăn cơm. Họ toàn ăn khoai lang, sắn luộc hoặc củ dong riềng. Bữa cơm làng Cợi chỉ toàn một màu xam xá. Cái mâm gỗ nứt nẻ hoặc cái mẹt rách góc, đã quá niên hạn sảy lúa, sàng gạo. Những đôi đũa tre ngâm mòn vẹt lâu ngày vẫn như còn mùi thum thủm. Bát ăn, tô đựng canh, đôi đũa cả đến cả những hạt cơm đều ngả màu đồng chua nước mặn. Còn ở đây cái gì cũng sáng choang, sạch sẽ. Mâm là cái bàn tròn to tướng phủ khăn trắng. Cái đĩa đựng cơm, cái tô đựng canh đều bằng men trắng có kẻ đường chỉ vàng. Đến cả hạt gạo cũng trắng. Kỳ lạ nhất là ngoài chiếc xúc cơm còn có một thứ dụng cụ mạ kền có răng lổm chổm mà Hưởng không biết tên gọi của nó là gì. "Giá như nó to, dùng cho dân làng Cợi làm cái để đảo phân chuồng thì tốt quá!" - Hưởng chợt nghĩ.

- Thằng Hiệu, đổi cái dĩa này cho tao.

Hữu Hùng ra lệnh. Cậu Hưởng sực tỉnh. "À, tên nó là cái dĩa". Cậu bắt đầu ghi nhớ nó vào trong bụng.

Hữu Hùng, người mà tất cả các con bà Hai, bà Ba sau này đều phải gọi là anh Cả, cầm lấy cái dĩa chọc vào một miếng thịt rán cho vào mồm. Hưởng đứng ngây ra nhìn.

Chị Quyên đâu rồi? - Hùng gọi, sau khi kiểm tra món nước chấm - Sao nước chấm chị pha mặn thế, hử?

Chị vú lật đật trở lên, mặt hơi tái vì thấy cậu Cả nổi giận. Nhìn dáng đi của chị, nhìn vành khăn cuốn trên đầu và chiếc áo xẻ tà hở chiếc yếm nâu, cậu Hưởng bỗng chạnh lòng nhớ đến mẹ ở nhà. Cậu cố ghìm lòng cho nước mắt khỏi ứa ra.

- Thôi được rồi. Chị cứ đi làm việc khác để bọn tôi ăn cơm - Cậu Cả lại hất hàm và ngồi xuống.

Cậu Hưởng lờ mờ nhận thấy ở con người nhỏ bé mà mình phải gọi bằng anh kia có một thứ quyền lực đặc biệt. Cậu cũng không ngờ rằng, sau này cậu nhiều phen phải lao đao chỉ vì đã dám động vào thứ quyền lực ấy. Cậu nhìn anh Cả với cặp mắt tò mò, đầy ngỡ ngàng.

- Thằng nhà quê kia, mày còn đứng đấy à? Vào mà ăn đi chứ!

Cậu Hưởng bước lại gần bàn. Tay cậu vừa cầm vào chiếc thìa thì tiếng thét của anh Cả làm cậu sững lại.

- Khoan đã.

Mắt cậu Hưởng nhìn thẳng về phía bàn đối diện. Anh Cả hất hàm.

- Trước khi ăn phải rửa tay đi đã. Mày đã rửa sạch tay chưa?

Hưởng xuống nhà dưới rửa tay. Hùng bảo Hiệu:

- Xem ra cậu lại thích cái thằng oắt này hơn chúng mình đấy.

Hiệu cúi xuống ăn, không nói gì. Khi Hưởng đi lên Hiệu đưa mắt cho Hưởng ngồi vào bàn. Hùng chặn lại:

- Mày phải quỳ xuống lạy tao hai lạy thì mới được ăn.

- Sao lại như vậy?

- Tao thích thế. Quỳ xuống!

Hưởng mím môi, trừng mắt nhìn thẳng vào mắt anh Cả. Anh Cả gật gù:

- Không quỳ hả? Giỏi! Cứ việc nhịn.

Hưởng thấy anh Cả mới là quan huyện chứ không phải ông Nguyễn Hữu Tước. Ông Tước làm quan mà mặt mũi hiền lành. Ông không nghiệt ngã như người anh Cả tướng cướp này.

"Là anh em với nhau sao mi độc ác thế? - Hưởng chửi thầm trong bụng - Được! Mi có quyền, bắt ta nhịn thì ta nhịn chứ đừng hòng ta quỳ gối. Hãy nhớ lấy, trên đời này ta chỉ quỳ gối trước mắt mẹ ta mà thôi".

Tiếng anh Hiệu thì thầm bên tai:

- Quỳ xuống đi. Chịu khó một lần thôi.

Mặt Hưởng vẫn trơ ra, lì lợm. "A, một thằng nhà quê nứt mắt mà láo nhỉ? Được, tao sẽ dạy cho mi biết cách sống lễ độ theo cách con nhà quan hiểu chưa?".

Anh Cả hầm hầm dúi mạnh một cái vào đầu đứa em nhà quê bướng bỉnh:

- Vào phòng bên nằm ngủ.

Hưởng nằm úp mặt xuống chiếc giường cá nhân ở góc phòng bên. Cơn đói bắt đầu quấy đảo làm cậu thấy người nôn nao như đưa võng. Bên phòng ăn anh Cả và anh Hai đã ăn xong, gọi chị vú lên dọn dẹp. Hưởng nghe thấy chị hỏi:

- Sao, cậu Hưởng không ăn cơm à?

- Nó cảm thấy váng đầu - Anh Cả giải thích - Có lẽ ở nhà quê mới ra tỉnh nên nó vậy. Mai ăn cũng chả sao.

Chị vú thấy lo, chạy vào buồng ngủ. Hưởng nằm nín thở. Chị ôn tồn:

- Cậu thấy trong người khó ở lắm phải không? Chết thôi, sao không nói với cháu từ lúc nãy?

Chị lấy dầu cù là sức vào hai thái dương con bệnh, rồi dỗ dành:

- Hay là để cháu nấu cho cậu một tý cháo nhé.

- Không sao đâu ạ. Em thấy đỡ rồi.

- Ấy chết, cậu không được xưng hô như thế. Ông biết, quở trách chết. Cậu là ông chủ, còn cháu là kẻ tôi đòi.

Thấy Hưởng im lặng, chị tiếp:

- Cậu cứ gọi như cậu Cả, cậu Hai nhé. Ấy mới là giúp cháu, thương cháu. Để cháu mắc màn cho cậu. Cậu nhớ là trước khi ngủ phải mắc màn đã.

Chị vú giém màn cho cậu xong đi ra. Đêm mênh mông trong ánh đèn đã tắt. Hưởng thấy lòng trống rỗng. Tiếng con thạch sùng tặc lưỡi vào đêm. Ngoài kia, hiu hiu gió. Mảnh trăng mờ nhạt hiện ra sau ô cửa sổ nhòa tan trong ánh điện đùng đục của toàn khu thị xã hất lên.

Powered by Froala Editor