Viện phương đông

3 năm trước

"Các con đại tá " - Tiểu thuyết (2 tập) của nhà văn hữu Đạt. Nxb QĐND

(4) Chả phải chỉ lúc sống con người mới giành giật nhau về ngôi bậc, sang hèn. Mà lúc chết người ta cũng vậy. Cho nên đất phải phân ra từng khu. Dòng họ nào là quan hay giàu có thì có tiền xây nghĩa trang, mộ chí. To, nhỏ từng chỗ khác nhau, theo túi tiền của mình. Dòng họ nào không có tiền thì chả có tiền xây mộ. Ấy là chưa kể có khi chết không có tiền mua áo quan, phải bó chiếu. Thân phải vùi nơi đầu sông cuối bãi.

Ở ta, có ông Trần Hưng Đạo là bậc đế vương lại thích chết theo kiểu dân lành. Khi sắp nhắm mắt ông dặn con trai phải cùng lúc tổ chức tang lễ ông ở ba nơi. Để chôn cất ông, phải sắm ba bộ áo quan cùng một kiểu, giống hệt nhau. Chỉ có người tâm phúc với ông được biết ông nằm trong chiếc quan tài nào. Khi hạ huyệt xong, mặt mộ tất thảy san thành bình địa, không có dấu vết. Thời nay, chả ai còn tìm được mộ chí của ông. Ông là người chết mà không nhận lấy một tấc đất của thế gian. Cốt nhục ông tan hòa trong vũ trụ, lưu chuyển âm dương mà tạo thành khí thiêng sông núi. Ông hóa bậc chí thánh. Sống mãi ở lòng người.

Powered by Froala Editor

(4)

Thao thức mãi đến nửa đêm, Hưởng không sao ngủ được. Chao ôi! Con quan mà thế này ư? "Con phải nhớ con là con quan", "Quan là thế nào hả u?", "À, quan là đấng bề trên chăn dắt dân". "Sao quan không về làng Cợi mình chăn dắt mẹ?". "Ngớ ngẩn. Làm quan còn phải biết bao nhiêu việc. Thời gian đâu dành cho u con mình!".

Hưởng khép mắt lại. "U ơi! Con khổ lắm...". Cậu lẩm bẩm. Bước từ trong màn đêm ra, người đàn bà chít khăn mỏ quạ. Khuôn mặt trái xoan, hàm răng đen rưng rức. Cười. "Đời mẹ khổ. Vì nhà nghèo thất học. Con là con quan phải học cho xứng là người danh giá". "Danh giá là gì ạ?". "Là cái lớn lao nhất của đời người, không gì đổi được". "Nhưng con nhớ u lắm. Nhớ thằng Tĩnh, thằng Phu. Lên tỉnh không có bạn, con buồn". "Bạn thời ở trong lòng. Cuộc đời mênh mông, bạn ở lòng mình". Lời u dạy giờ trở thành nhức nhối. "Cuộc đời mênh mông...", từ đây bắt đầu cuộc đời Hưởng về đâu?

Hưởng bỗng nhớ hàng cau trước ngõ. Nhớ con đường trong xóm nhỏ đầy lá ô rô. Nhớ những buổi đánh khăng cùng lũ trẻ trong làng. Giờ đây không biết thằng Tĩnh, thằng Phu đang làm gì? Ở làng Cợi trăng vàng đẹp lắm. Thế mà ở đây trăng nhợt nhạt, run rẩy như bà già mới ốm dậy. Có lẽ trăng cũng đang đói như Hưởng chăng? Trăng ơi, ta thèm được trở về làng Cợi quá. Làng Cợi có u, ta không phải khốn khổ thế này. Khi đói, u nướng khoai cho ta ăn. Buồn ngủ ta nằm xuống chiếc chõng tre bên hè. Gió thổi vời vợi. Hoa cau thơm ngát. Còn ở đây, ta bị hai thằng trẻ ranh này bắt nạt. Ta không được ăn cơm, nếu không quỳ lạy anh Cả. "Con phải nghe lời các anh, các chị", "Các anh, các chị nào hả u?". "Các anh chị con bà Cả, bà Hai". "Con không hiểu". "Rồi con sẽ hiểu dần. Cuộc đời là bể khổ". "Thế thì sống với cuộc đời làm gì hả u?". "Càng khổ người ta lại càng muốn sống. Sung sướng quá thì người ta chán sống". "U đã sung sướng khi nào đâu mà u biết". "Ông nội u ngày xưa dạy thế. Ông là thầy dạy học".

Nước mắt Hưởng ứa ra. Cậu nức nở: "U ơi, u ơi...". Cơn đói cồn cào. Càng không ngủ được, càng đói. Bụng cậu èo èo.

Một con mèo hoang nhảy qua cửa sổ. Mồm cắp ngang miếng thịt gà. Mắt Hưởng hoa lên. Đĩa thịt gà nghiêng nghiêng bay. Hưởng nhớ lại lúc tối. Bữa ăn thịnh soạn, ngầy ngậy trước miệng. Thế mà cậu phải nuốt nước bọt nhìn. Sao anh em với nhau mà họ ác thế? Bụng dạ con người có lẽ chứa đầy cặn bã và cứt thối. Nếu không nhớ lời u dặn thì Hưởng đã cho cái thằng đầu trớ ấy một trận. Ngữ nó thì được mấy nỗi. Hưởng chỉ húc vào bụng một cái là xong. "Con nhất nhất phải nghe lời các anh, không được đánh lộn". "Con xin vâng lời u".

"Cuộc đời mênh mông. Bạn ở lòng mình". Bụng ơi, chỉ có mi là hiểu được ta. Mi là bạn ta. Giờ đây chỉ có mi cùng ta chịu đựng nỗi khổ sở này.

Hưởng thấy thương ông ngoại. Khi ông ốm sắp chết nằm trên chiếc chõng tre, u ngồi suốt đêm dưới đuôi chõng. Đốm lửa leo lét. Ông cựa mình trong chiếc bao tải. U xúc từng thìa cháo cho ông. "Ông cố gắng xơi thêm chút nữa đi. Nay mai nhà con sẽ gửi thêm tiền về. Con sẽ mua gà nấu cháo ông ăn". "Thôi, đừng làm phiền quan lớn. Quan lớn bận nhiều việc quan trọng. Việc nước quan trọng hơn cái thân già này".

Ông thở dài. Hơi hụt. Luồng khí bị cắt ngang. Tay ông khua khua, yếu ớt. "Thân ta chẳng đáng đồng trinh. Sống gửi, thác về". Giọng ông thều thào. Ngắt quãng. Ông đi.

Gió thổi veo véo bên bụi tre. Da thịt Hưởng bị cấu dứt. Trời mùa đông. Sương muối nhiều. Lạnh thấu xương. Quan lớn đi kinh lý miền xa, không kịp về. Đám tang vẫn linh đình. Quan chánh tổng, chánh phó lý các làng xã nườm nượp. Chẳng có dịp nào may bằng việc bố vợ quan lớn mất. Họ đua chen khoe cái sự tận trung của mình. Cố gắng để vợ quan ghi nhận sự có mặt. Phúng viếng. Ăn uống. Thịt sẻ chất đầy nong nia. Cả làng như mở hội.

U đội khăn rơm, thắt đai rơm. Quần áo xô trắng từ đầu đến chân. U lăn lộn dưới đất, U quỳ gối bò dưới chiếc quan tài, gào khóc. Kèn vang lên réo rắt, xoáy vào khoảng không bao la.

Ông ngoại sống thật khổ. Cơm chẳng có ăn. Bụng toàn khoai, chết lại rõ sướng. Cả tổng cả huyện không ai bằng. Dân làng kháo nhau: "Chết theo đường quan có khác. Đời cô Xoan thế là làm vinh cho bố".

Chiếc quan tài sơn màu đỏ, vẽ đầu con beo rùng rùng. Nắp quan tài bỗng bật ra. Ông ngoại bay vụt lên. Mũ đỏ, râu dài, trắng như cước. Tất cả thất kinh, quỳ lạy. Tiếng ông thét vang: "Hãy cho ta được tự do".

Đám đông nháo nhác, rối loạn. Ông cười. Như tiếng sấm rền. Bầu trời đen kịt. Vần vũ mây.

Hưởng choàng mở mắt. Cậu quờ quạng. Mồ hôi toát ra. Chiếc quan tài trắng. Thành chiếc quan tài vén lên. Cái màn.

"Phải thoát khỏi chỗ này" - Cậu nghĩ. Then cửa bật lách cách. Sân sau ẩm ướt lát bằng thứ gạch bát cổ. Sương ướt đẫm khóm hoa mộc lan.

Hưởng đi vẩn vơ. Bốn phía bị bao quanh bằng cách bức tường xây. Phía trên mảnh chai cắm lởm chởm. Cổng khóa. Ối chao! Người thị thành thích nhốt tù cuộc đời. Các nhà đều che chắn nhau. Phòng ngừa cảnh giác. Ở làng Cợi, vườn nhà này nhà khác thông thiên.

*

Tôi hình dung làng Cợi hoàn toàn theo ký ức của cha. Bây giờ, hai cuộc chiến đi qua nó đọng lại trong tôi như một miền nhớ. Nhớ một thời dĩ vãng. Nghĩ đến nó, tôi như từ một kiếp khác quay về.

- Ba muốn con đợt này tranh thủ đưa ba về quê. Lâu lắm rồi! - Hôm sau, ba tôi bảo.

- Sao ba không nói anh Lập lấy xe con đưa ba về có hơn không? Anh ấy bây giờ là đại tá, có xe riêng. Đi xe máy làm gì cho vất vả.

Ông lắc đầu:

- Xe riêng quân đội cấp cho nó đi công tác chứ không phải để đưa ba về quê.

Tôi nghĩ cha có điều gì tự ái. Có thể ông vẫn giận Lập.

- Ba già rồi. Chuyện con cái, phiên phiến cho qua. Chấp lách làm gì cho khổ - Tôi can.

- Ba có chấp lách gì đâu. Nhưng không thích lợi dụng chức quyền của con cái để làm việc riêng của mình.

- Ba cũng là đại tá cơ mà. Còn là đại tá bốn sao nữa.

- Thì vẫn. Ba vẫn được hưởng các chế độ theo cấp bậc của mình.

- Ăn thua gì - Tôi hơi bực - Một căn hộ ba buồng, suất lương hưu. Hết.

- Còn đòi hỏi gì nữa? Cấp bậc như ba, thế cũng là mãn nguyện rồi.

- Thấm tháp gì so với công lao của ba. Một đời người gian lao qua hai cuộc chiến - Tôi tiếp tục phản bác.

- Chuyện thời thế. Làm trai nước loạn, âu cũng là chuyện thường. Sĩ quan như ba có hàng ngàn. Quân đội lo được như thế cũng là mỹ mãn lắm.

Hai cha con vừa đi vừa rỉ rả trò chuyện. Chẳng mấy chốc xe đã tới thị trấn Đồng Văn. Thỉnh thoảng qua những đoạn xóc, hoặc tránh xe ô tô, câu chuyện tạm dừng lại.

Chẳng hiểu tại sao, bỗng nhiên tôi lại buông ra một lời thật kẻ cả:

- Ba tốt, nhưng sống quá nguyên tắc. Mà cuộc đời, nguyên tắc quá thì khổ cả mình, cả con cái.

Ông cười nhạt:

- Các con ba, đã có đứa nào khổ? Hay trái lại, nhờ có những nguyên tắc ấy mà chúng bay mới được như bây giờ?

Tôi đâm bí. Nói cho đúng, tất thảy mấy anh em tôi, trừ chị Nam hy sinh, chỉ có anh Được là vất vả một tý, còn ai cũng khá cả: có nghề nghiệp ổn định. Kinh tế ở mức trung bình.

- Tất nhiên - Cuối cùng tôi thừa nhận - Chúng con chẳng đến nỗi nào. Nhưng so với xã hội thì vẫn chưa là gì cả. Ví như ba không quá nguyên tắc, biết tranh thủ thời cuộc, thì với cương vị của mình, ba làm cho cả nhà sướng lên rất nhiều.

Ông nén tiếng thở dài. Dường như với tôi, bao giờ ông cũng nhịn hơn so với Lập. Đúng ra, rất ít nổi nóng. Có thể cái thằng tôi, hơn bốn mươi, chưa vợ, là cái cớ làm ông thương hơn là sự bực bõ. Còn Lập thì lại đầy đủ, sung túc, chẳng còn chỗ nào cho ông thương nữa.

- Con đã từng là lính, không nhớ sao? Cuộc chiến đã ném tất cả cha con ta vào mặt trận. Ngày ấy, cứ nghĩ đến lúc được đoàn viên gia đình là giấc mơ. Đồng đội chúng ta, bao người ngã xuống. Người thì bỏ xác ngoài rừng. Kẻ bị bom vùi hay na pan đốt cháy. Trong trận chiến chỉ một ý nghĩ: "Mình sẽ sống" đủ hạnh phúc lắm rồi. Sống, đem được cái gáo trở về thì dù phải ăn sắn, ăn khoai, cũng vui lòng. Đâu đã dám mơ được sống như bây giờ.

Ba tôi nói có lý. Năm 1972, tham chiến ở Quảng Trị, có lúc tôi đấu tranh định bắn vào tay mình để lấy cớ được ra. Khốc liệt quá: Cả thị xã bị nghiền nát. Mãi mãi để lại trong lòng tôi cây tượng đài bi thương mà hùng tráng.

Giá như ngày ấy, giây phút quyết định đó, sự hèn nhát thắng thế trong tôi, hẳn tôi sẽ là kẻ tự thương khốn nạn. Cả đời tôi phải tự phán xét mình. Trên thế gian này có nỗi đau nào sánh bằng nỗi đau của tội lỗi không được đem ra xét xử.

Tôi trở về. Nguyên vẹn một thân thể cường tráng của thời xưa. Tuy nước da vẫn xanh màu lá rừng và đôi khi vẫn lên cơn sốt rét. Nhưng tôi đủ tư cách để ngẩng cao đầu bên cạnh cha tôi và các anh tôi, những người lính của một thời hiển hách.

- Ba nói có việc cần nhờ con - Tôi bỗng chuyển sang đề tài khác - Chắc ba quên? Xe bắt đầu với tới thị xã.

- Không. Về đến quê, sau khi tảo mộ - Ba tôi nói, mắt xa xăm. Tôi xoay chiếc gương chiếu hậu. Hình ông trong gương bé lại. Đó là cậu Hưởng thuở xưa, không phải đại tá về hưu Nguyễn Trung Thành.

*

Thị xã ngày chủ nhật vui hơn ngày thường. Chủ nhật đầu tiên, sau một tuần xa làng Cợi. Với cậu Hưởng, là cả một thời gian dài dằng dặc của bao nhiêu năm tháng cộng lại. Cậu buồn.

Trận mưa cuối mùa, lê thê những giọt nước. Ngồi bên cửa sổ, cây bút trên tay Hưởng vẽ loằng ngoằng trên trang giấy. Các động từ tiếng Pháp nhảy múa. Ngôi thứ lộn xộn. Miệng Hưởng lẩm nhẩm đọc. Thứ tiếng này sao phức tạp quá. Một động từ mà có những mấy cách dùng. Lại phải chia theo từng ngôi thứ. Thay đổi theo giống, số, cách. Kỳ thật! Nhưng được cái Hưởng sáng dạ nên nhập tâm nhanh lắm. Chữ viết đẹp. Cậu luôn được thầy giáo khen.

Anh Cả và anh hai dốt hơn. Nhất là anh Cả, như có đất thó chứa trong đầu. Có một động từ, chia lên vật xuống mãi cũng không xong. Chữ viết lại nguệch ngoạc. Ngày nào thầy giáo cũng phải rát cổ. Đêm nào anh Cả cũng ê a đọc. Chữ nọ dọ chữ kia. Ở phòng bên Hưởng nghe phát buồn cười.

Trước, chị vú chỉ hầu hạ cậu Cả, cậu Hai. Nay thêm Hưởng. Việc nhiều hơn mà chị lại thấy vui. Vui vì Hưởng tuy con quan vẫn là cái thằng nhà quê, giàu tình cảm. Xa nhà nó hay buồn. Hay quấn quýt bên chị. Chị còn nhớ, hôm mới đưa nó về, quan dạy:

- Thằng này cũng là con ta. Nó ở nhà quê nên ngờ nghệch lắm. Phải chăm bẵm nó. Thương yêu nó còn hơn cậu Cả, cậu Hai, nghe chưa?

- Dạ. Cháu xin hết lòng - Chị hứa. Chị âm thầm biết vì sao quan lớn lại dạy chị như vậy. Nhưng chị phải chôn chặt nó trong lòng. Như vùi một quá khứ mịt mù, xa thẳm. Chị hé răng, là bà lớn sẽ ném đời chị ra lề đường. Chị là con ở trung thành, từng hầu hạ mẹ con bà lớn gần chục năm nay, từ lúc các cậu mới ra đời.

Cậu Cả, cậu Hai đều lớn lên nhờ dòng sữa chị Quyên. Cuộc đời chị bán vú nuôi thân. Tất cả vì hạnh phúc của gia đình quan lớn. Lúc ở phủ huyện chị làm hết mọi việc trong nhà. Chị là con ở, là đầu sai. Thế mà quan huyện hễ có việc gì đều hỏi chị. Chị là quân sư. Một quân sư âm thầm trong bóng tối. Chị lại là cái bóng ma trong nhà. Một bóng ma không biết nói mà biết hết mọi việc. Quan lớn phục chị ở tấm lòng. Kính chị ở cái đức. Tin chị mà giao cho việc trông nom ba đứa trẻ con ông.

- Mai này chúng nó lớn lên có thành người được hay không là nhờ ở chị - Quan lớn dạy - Tôi bận việc nước. Chẳng mấy lúc rảnh rỗi để mắt được đến việc gia đình. Bà lớn thì chị biết rồi, quanh năm tổ tôm, mạt chược. Bà Hai thực chất chả hơn gì người ở, bị lấn át quyền hành. Chỉ có cái tiếng là vợ quan.

Quan lớn thở dài. Câu chuyện gia đình quan lớn là một khối u uẩn, huyền bí. Ngài tiếp:

- Được mỗi bà Ba là nết na, tháo vát, lại ở nơi thôn dã. Lúc có việc gì cần tôi chả còn ai trông cậy, ngoài chị.

Nghe quan lớn nói chị biết ngài quý bà Ba lắm. Nhưng bà Cả vốn là người cay nghiệt, ghen tuông. Ngài chỉ còn cách thương vụng, nhớ thầm. Thỉnh thoảng có dịp đi "Kinh lý" địa phương ngài mới được thỏa lòng yêu đương một tý. Chả ai tin rằng một vị quan đường đường cai trị muôn dân lại bị một người đàn bà xích xiềng trong sợi dây oan nghiệt.

Trong ba đứa trẻ, Hưởng là người giống cha nhất. Nhìn cái nét hao hao trên khuôn mặt hai người đủ biết đó là sản phẩm của một tình yêu thực sự. Nhìn cậu Cả, chị chả thấy có một nét gì giống "ông". Chị hiểu, đó là kết quả cải cái không chờ. Đó là sợi dây huyền bí nối liền các số phận với nhau.

- Thế nào, cậu Ba (tức Hưởng) đã quen với nề nếp mới chưa?

Hôm chị về qua phủ, quan lớn hỏi. Chị khom mình đáp:

- Bẩm quan. Cậu còn nhớ nhà lắm ạ.

Chị kể lại cho quan nghe tất cả. Đêm hôm ấy cậu Hưởng định leo tường trốn ra sau. Chị ôm lấy cậu khóc lóc thế nào. Chị gặng hỏi mãi, cậu Ba mới chịu nói thật. Thì ra cậu không chịu sự ức hiếp của cậu Cả nên rắp tâm bỏ trốn. Quan nghe xong, chau mày lại. Ngài lặng người đi mấy phút.

Chị vú vừa vò đống quần áo vừa tha thẩn nghĩ. Cơn mưa dứt. Mặt trời ló ra ở non đỉnh tháp nhà thờ nơi cuối phố. Nắng lấp lánh những cành lá thiết mộc lan. Một khóm hoa đơn lẻ loi nép mình ở góc tường, đơm bông hoa trắng.

Hưởng học bài xong, khép vở đứng dậy. Cậu vươn vai đi ra ngoài.

Trên chiếc sân nhỏ cậu Cả và cậu Hai đang đánh cầu lông. Hai cậu mặc quần soóc xanh, có dải chéo, áo trắng. Dọc theo bức tường là một chậu hoa mới mua. "Rồi nhà ta sẽ trồng cây cảnh lên tất cả các chậu này. Cậu Ba sẽ hết buồn" - Lúc mới bê chậu về, chị vú bảo.

Chị Vú vẫn ngồi ở góc sân cạnh giếng nước. Tay xắn cao. Tóc đánh búi tó. Chậu quần áo ngầu bọt xà phòng.

- Cô để cháu múc nước cho cô giặt nhé.

Hưởng bước đến cầm lấy chiếc gầu sắt, thả xuống nước. Chiếc giếng nông choèn. Nước trong xanh.

- Ấy chết, cậu Ba đừng làm thế.

Chị Vú giằng lấy chiếc gầu trong tay cậu. Hưởng hồn nhiên:

- Một mình cô giặt thì vất vả lắm. Cháu múc được mà.

Quả cầu lông rơi xuống bên cạnh. Cậu Cả lon ton chạy đến. Cậu đã nghe được câu chuyện giữa hai người.

- Hưởng, ra ngoài tao bảo.

Cậu Cả cũng hất hàm cho cậu Hai. Ba người ra chỗ góc khuất.

- Đ.mẹ mày, thằng nhà quê - Cậu Cả sừng sổ trỏ vào mặt cậu Ba - Mày làm xấu mặt nhà quan. Ai bảo mày xưng "cháu" với con ở?

Vừa nói xong, cậu Cả nghiêng mu bàn tay quật mạnh vào má Hưởng. Mắt Hưởng nhòe chớp. Nước miếng ứa ra. Tuyệt nhiên không thấy cậu khóc.

Đấy là những cú cậu Cả vẫn dành cho cậu Hai. Trước đây, hai cậu vẫn nện nhau luôn. Cậu Cả to xác, cậu Hai thường thua trận. Từ ngày có cậu Ba, cậu Cả đâm ra chiều chuộng cậu Hai. Cậu ít khi bị đánh. Nhưng những ngón đòn thuở nhỏ vẫn tích tụ trong dòng máu cậu.

- Cô ấy lớn tuổi. Em thương cô vất vả... Cuối cùng, cậu Ba nhìn thẳng vào cậu Cả, nói.

- "Lớn tuổi" cái con mẹ mày. Cứt lộn đầu tôm. Nếu mày làm được thì cậu phải thuê con sen đứa ở làm gì cho tốn tiền?

Cậu Cả học dốt như bò. Hai năm lưu ban nên bây giờ phải cùng lớp với các em. Nhưng lý luận nhà quan thì cậu thật sáng dạ. Mỗi câu nói của bà lớn phán ra là cậu học được ngay. Nhìn về câu nói, cậu đáng là quan hơn cả.

*

Khi chết thành đất, quan cũng như dân. Ấy là câu cổ nhân vẫn dạy. Câu này đúng với quan tri Nguyễn Hữu Tước theo nghĩa đen, mà không đúng với các trường hợp khác.

Người ta lại nói: "Chết có năm bảy đường chết". Cách chết đường quan, cờ xí linh đình. Mộ chí cầu kỳ, chỉ kém vua ở lăng tẩm. Thuở xưa, lúc sống vua quan phải sống ở nơi đô hội đông vui, để chăn dân. Lúc chết phải giành nơi đất tốt. Ngõ hầu phát cho đời con cái nối dõi, được tiếp tục làm vua, làm quan. Nếu đất không phát được thì vua, quan chả dại tốn công tìm nơi đất tốt làm gì. Nếu khi chết nằm nơi đất tốt không sướng hơn thì người đời chả mơ ước: Thôi thì sống quăng quật thế nào cũng được. Miễn sao lúc chết được nằm xuống nơi đất lành, mồ yên mả đẹp. Thì ra, chả phải chỉ lúc sống con người mới giành giật nhau về ngôi bậc, sang hèn. Mà lúc chết người ta cũng vậy. Cho nên đất phải phân ra từng khu. Dòng họ nào là quan hay giàu có thì có tiền xây nghĩa trang, mộ chí. To, nhỏ từng chỗ khác nhau, theo túi tiền của mình. Dòng họ nào không có tiền thì chả có tiền xây mộ. Ấy là chưa kể có khi chết không có tiền mua áo quan, phải bó chiếu. Thân phải vùi nơi đầu sông cuối bãi.

Ở ta, có ông Trần Hưng Đạo là bậc đế vương lại thích chết theo kiểu dân lành. Khi sắp nhắm mắt ông dặn con trai phải cùng lúc tổ chức tang lễ ông ở ba nơi. Để chôn cất ông, phải sắm ba bộ áo quan cùng một kiểu, giống hệt nhau. Chỉ có người tâm phúc với ông được biết ông nằm trong chiếc quan tài nào. Khi hạ huyệt xong, mặt mộ tất thảy san thành bình địa, không có dấu vết. Thời nay, chả ai còn tìm được mộ chí của ông. Ông là người chết mà không nhận lấy một tấc đất của thế gian. Cốt nhục ông tan hòa trong vũ trụ, lưu chuyển âm dương mà tạo thành khí thiêng sông núi. Ông hóa bậc chí thánh. Sống mãi ở lòng người.

Sau khi nghỉ ăn cơm ở thị xã, tôi và cha tôi luận về sử học. Tôi muốn mua tan ký ức của ông ở cái thị xã bé nhỏ này. Mặc dù tôi biết rằng tim ông đang hổn thức trong giấc mơ hoài niệm.

- Mới có vài năm mà thay đổi nhiều quá - Ông rít một điếu thuốc lào rồi thốt lên - Không còn nhận ra được cái gì.

Sau làn khói thuốc tôi ngước lên là những ngôi nhà cao chất ngất chạy dọc theo lối phố. Mỗi ngôi nhà có kiến trúc theo kiểu riêng rất đa dạng. Ngôi thì ốp hình hộp, có ban công chìa ra ngoài. Ngôi thì tạo các hình mái uốn cong, cầu kỳ theo lối Pháp.

Cha tôi nhồi một điếu thuốc nữa. Ông có thói quen, đã hút là một lúc phải liền hai điếu. Khói phả ra đặc sệt.

Uỳnh, uỳnh, uỳnh! Những tiếng nổ dữ dội. Khói xộc vào miệng. Tôi ho sặc sụa. Phía trước từng tảng bê tông đổ xuống. Những ngôi nhà sập. Cả không gian ngập chìm trong mênh mông tối.

Từ miền ký ức, một đoàn tàu sầm sập chạy trên đường ray. Quán nước chòng chành. Những tòa nhà tầng chông chênh.

Đất đá hất tung, ném rào rào. Đoàn tàu sững lại, hộc lên, quằn quại đổ vật ra. Những tiếng rú. Sắc áo lính đổ chồm lên nhau.

- Tất cả nằm xuống. Tìm nơi trú ẩn.

Lệnh của tiểu đoàn trưởng. Tôi mơ màng nằm úp mặt xuống chiếc rãnh cạnh đoàn tàu. Xung quanh là đá lổn nhổn. Bom vẫn nổ. Pháo bắn từng loạt. Bầu trời bị rạch nát bởi các tia lửa đỏ, ánh lóe chớp của bom.

Người tôi thỉnh thoảng lại bị nhấc bổng lên. Mặt đất chốc chốc lại rùng rùng. Tiếng đất đá vãi rào rào. Mảnh đạn pháo rơi lốp đốp xuống các thanh tà vẹt.

Lại một loạt bom nữa nổ như sấm rền. Không khí bị xé toạc. Tiếng người kêu thất thanh.

- Ối... ơi...

- Hư... hư... hư...

"Bịch" một cái. Có vật gì đè xuống gáy tôi. Tôi quờ tay ra phía sau. Nhơm nhớp máu. Tôi kéo xuống. Một cánh tay người. Tôi run rẩy nắm trong tay phần thi thể của một đồng đội.

Chiếc đồng hồ poljot đeo ở cổ tay khiến tôi nhận ra đó là Toàn. Toàn là người Phủ Quảng, đồng hương với tôi. Chiếc đồng hồ này là kỷ niệm của anh trai nó gửi từ Liên Xô về.

Tôi ôm chặt lấy cánh tay Toàn, bò lết đi. Cánh tay đẫm máu. Mảnh áo Tô Châu bị xé nát.

Trận ấy Toàn hy sinh. Nó bị chết ngay lúc vừa đặt lên cáng thương.

Cả tiểu đoàn, quân số chưa còn non một nửa. Vẫn hành quân. Một loạt AK bắn lên trời.

Tôi bật gọi: Ba ơi!

Làn khói tan. Quán nước có thêm hai, ba người mới vào, cha tôi vừa thoát khỏi cõi mơ. "Cậu Cả", "Cậu Hai", "Chị vú Quyên" lui về phương trời xa lắc. Ngôi nhà cũ với mái ngói phong rêu. Cây mộc lan vào mùa hoa nở... Ký ức của tôi đè lên ký ức cha. Đoàn tàu chạy làm rung cả thị xã.

- Đi con. Ta nghỉ lâu rồi.

Cha tôi dậy, không quên bỏ gói thuốc lào hút dở vào túi.

Mãi nửa chiều cha con mới về tới làng Cợi. Vài con trâu thủng thẳng bê những cái lưng đầy bùn đi vào làng. Làng Cợi buồn tênh. Gió hoang hoải đám ruộng đầy mạ non vừa cấy.

- Từ từ hẵng - Cha tôi ra lệnh.

Tôi giảm ga cho xe chạy từ từ. Chính tôi cũng ngỡ ngàng không biết nên rẽ vào hướng nào.

Cách đây vài năm, tôi về thăm mộ. Cả một khu đất phía trước bạt ngàn là ruộng, nay nhà cửa mọc san sát. Đủ mọi hình thù. Nhà mái bằng. Nhà ngói. Nhà tranh. Lác đác vài ngôi nhà hai tầng mọc lên. Từ cuối xóm đàng kia mới thấy có mấy bụi tre già phơ phất.

- Đổi thay nhiều. Nhưng cũng đẻ nhiều quá - Cha tôi lắc đầu, sau khi dừng xe lại để hỏi đường - Đất canh tác ngày xưa, ở tràn ra non phân nửa rồi. Không biết bảo nhau phanh lại, mấy thế hệ nữa con cháu hết ruộng.

Từ đấy trở đi gặp ai tôi cũng chào. Chào bác. Chào anh. Chào bà. Chào cụ. Ai tôi cũng chào thật to. Dường như chả ai biết tôi, cứ ngơ ngác nhìn. Có người nhanh mồm thì sau khi xe đi qua thốt lên được câu "ờ chú". Sau đó tôi cải cách. Gặp ai tôi cũng gật đầu một cái thật mạnh, gần như lạy. Còn môi thì mấp máy. Từ đấy cổ đỡ rát. Lại vẫn giữ được tiếng tốt. Đây là bài học tôi thấm thía từ cái tát của mẹ ngày cuối cấp ba. Lần ấy tôi về quê, gặp bà cả Thụ. Tôi chào. Bà không nói gì. Tôi biết bà nghễnh ngãng. Chào lần nữa. Nhưng gió to. Bà vẫn không nghe tiếng. Hôm sau mẹ tôi bảo: "Con nhà láo. Bà cả Thụ là cháu dì cháu dà với tao. Vậy mà gặp, vác mặt lên không chào". "Đâu có. Con chào bà đấy chứ". "Sao bà ấy nói, mày đi quang qua. Mắt để lên trán. Khinh người". "Con chào bà ấy hai lần". "Nhưng người ta chưa nghe thấy thì phải chào nữa". "Mồm đâu mà chào mãi. Bà ấy chỉ được cái chấp lách". Bốp! "Mày cãi bà hả? Thế mà đòi ăn học!...".

Ở các làng quê cổ lệ rất nặng nề. Nhưng biết ra thì rất dễ. Có khi chỉ dăm ba câu nói, người ta sẵn sàng cho anh một rổ khoai. Thậm chí có khi gả cho cả con gái. Người nào không biết, quen thói thị thành, dễ ăn chửi sau lưng. Cha con tôi là những người vừa sống ở tỉnh, vừa sống ở quê nên rất dày kinh nghiệm. Sau lưng chả có tiếng chửi nào mà nhiều tiếng reo của con, rất vui tai:

- A. Ông đại tá. Ông đại tá chúng mày ơi. Làng ta có ông đại tá.

Rồi lõm bõm:

- Lớn lên tao cũng làm đại tá.

Cuối cùng cha con cũng tìm được đường vào nhà. Làng xóm đổi thay. Nhiều con đường phá đi làm lại. Nhiều ao chuôm bị lấp. Có nhiều chỗ trước là đường đất nay lát gạch. Đây đó xuất hiện các tường bao, kiểu thành phố. Có giản tiện hơn là không cắm mảnh chai. Người ta nói dân thành thị hay ăn cắp. Chả phải! Người đằng phố giàu. Họ sống cẩn thận.

- Nước ta rồi sẽ đô thị hóa - Cha tôi bình luận - Dần dần các gia đình rút vào trong khu của bốn bức tường. Không ai cần quan tâm đến ai nữa.

Mải chuyện, cha con tôi vào đến sân. Đó chỉ là khái niệm. Thực ra, nó là cái bãi hoang, khắp nơi, chỗ nào cũng vương vãi phân chó, phân gà. Cỏ mọc loang lổ từ cội cau vào đến bậc cửa. Còn ngôi nhà. Có lẽ nó là hình bóng của một ngôi nhà trong truyện cổ tích. Mái rạ xiêu xiêu. Hàng cột dúm dó. Bậc hè bị mưa xói lở, lồi lõm. Giun được mùa cày xới tứ tung. Một làn gió thoảng qua. Không gian ngập mùi ẩm mốc. Tôi chết lặng người: Nhà bà nội tôi!

Powered by Froala Editor