Viện phương đông

3 năm trước

"Các con đại tá " - Tiểu thuyết (2 tập) của nhà văn hữu Đạt. Nxb QĐND

Ở chốn thôn quê này vẫn có nhiều cái thú lắm. Quang đãng. Mát mẻ. Sáng sớm có tiếng chim hót. Bình minh có tiếng gà gáy. Hoa quả tốt tươi. Cái vườn này, với tuổi hưu của ba, còn sức lực thì ra nhiều vấn đề lắm. Trồng trọt cũng còn là thú vui, kéo dài thêm tuổi già. Còn ở Hà Nội, thì một trăm mét vuông có bao nhiêu người ở? Trên đầu. Xung quanh. Không khí toàn ô nhiễm. Bước chân ra đến phố, suốt ngày chỉ thấy tiếng hon đa chạy nhức cả đầu. Ở nhà thì quẩn quanh, chỉ có vài tờ báo. Đọc hết các mục thì lại chỉ thấy buồn.

Powered by Froala Editor

(5)

Khó ai tin, tôi ngoài bốn mươi mới lần đầu tiên đặt chân vào nhà bà nội. Ngày tôi còn nhỏ, cha đi đánh giặc liên miên. Mẹ tôi một nách con. Có dịp nào về quê chồng, bà chỉ đem theo các anh lớn tuổi. Bởi từ thị trấn về quê phải cuốc bộ. Làm gì có xe máy như bây giờ. Đến khi lớn lên, trúng tuyển quân sự. Thời gian gấp gáp cũng chả kịp về quê. Ngày ở Nam ra, một lần mẹ định đưa tôi đi thì đột nhiên trúng cảm phải đi viện. Săn sóc cho mẹ khỏi, ra viện thì cái việc về quê lại được hẹn qua dịp khác. Rồi cứ liên tiếp như thế. Lần lữa nay mai. Khi thì tôi không may ốm. Lúc cha hoặc mẹ tôi bận. Anh em trong nhà, mỗi ai mỗi việc, chẳng ai dứt nổi ra. Tôi trở thành thằng bất hiếu.

Cha tôi bần thần đưa khăn lên chấm mồ hôi. Trời có nóng đâu! Tôi thấy dấm dứt ở mắt. Nếu ngày trước, tôi thi đỗ vào khoa văn thì giờ tôi đã khóc òa lên. Đời lính đã lấy của tôi quá nhiều nước mắt. Phần yếu đuối còn sót lại chưa đủ trở thành con nhà văn chương. Tôi thấy buồn.

Cha tôi nhấc tấm liếp che cửa vào nhà. Căn nhà thấp, một gian hai chái, gọi đúng tên là lều. Trong lều có chiếc chõng cũ, nan gãy quá nửa. Phía đầu hồi, một dãy nồi đất treo trên bức vách. Ở dưới, có đống lá chuối khô. Đối diện cửa ra vào có tấm gỗ hình chữ nhật, treo cao tầm quá đầu người. Tấm gỗ này cha tôi làm từ sau ngày bà nội mất. Mấy chục năm mà không có mối mọt. Chỉ thấy mặt gỗ lỳ ra. Cho nên, toàn căn nhà rách nát, chỉ có chiếc bàn thờ là trang nghiêm hơn cả.

- Chú Diễn vẫn thường xuyên chăm nom đấy - Cha tôi nói. Ông cầm chiếc chổi cùn treo trên vách phẩy qua mặt bàn thờ. Tôi nhìn lên bát hương, thấy có những nén hương còn mới. Màu hồng ở chân hương chưa phai.

Cha tôi mở tủ lấy nhang, nến, bánh kẹo đặt lên bàn thờ. Tôi cầm chiếc chén chôn vại trên bàn thờ ra thay nước. Cha tôi bắt đầu thắp hương. Tôi chẳng nghe thấy ông nói gì, chỉ thấy lầm rầm những âm thanh nghe như trong mơ. Từ ngày lớn dậy, lần này tôi mới thấy ông khấn. Trước đây tôi chỉ thấy ông đứng trước bàn thờ mặc niệm.

Tôi đi loanh quanh ra ngoài. Đây là quê cha đất tổ ư? Sao lòng tôi mảy may không một chút gắn bó? Cháu lạy bà. Bà chết trẻ khôn thiêng, vong linh ở mọi nẻo trên đường. Bà hãy tha cho cái thằng Muôn, đứa cháu bất hiếu của bà. Quả thật, cháu không thể dối lòng. Cháu chẳng có chút gì gắn bó với nơi đây. Cả đời cháu lớn lên và trưởng thành ở vùng quê ngoại. Hai phần đời ba cháu cũng quấn quện ở đấy. Cháu lớn lên, nghe cha kể về quê hương thấy đẹp như thơ. Kỷ niệm nào cũng đẹp. Nhưng sao khi trở về cháu chỉ thấy nỗi buồn và trống trải...

- Vào khấn bà đi con - Cha cắt ngang ý nghĩ của tôi. Tôi vào, cúi xuống, vái bà ba lạy.

- Con không nói với bà điều gì à?

- Con chẳng biết nói gì. Chỉ thấy thương bà thôi. Bà ở đây một mình lạnh lẽo quá.

Ba tôi thần người. Rồi khóc.

Tôi biết mình dại dột, nói gỡ:

- Hồn bà linh thiêng, chỉ ở Hà Nội. Ngày ruồng, ngày rỗ bà mới về.

Vô ích. Câu ấy chỉ là lời tán nhảm. Ai biết được người cõi âm đi, về thế nào.

- Đợi cho hương tàn ba con mình ra mộ - Cha tôi lau nước mắt. Đây là lần thứ nhất tôi thấy ông khóc trước mặt tôi. Trước đây, những năm ác liệt, bao cuộc chia tay, mặt ông chỉ đanh lại. Mắt ráo hoảnh. Trong tôi, một ý nghĩ vớ vẩn "Người nào cả đời không khóc, lúc biết khóc là biểu hiện của cõi chết". Ý nghĩ ấy làm tôi thấy sợ.

- Ba tính thế này. Khi nào con lấy vợ, ba sẽ về đây ở - Chờ cho nén hương sắp tàn, cha tôi mới nói. Nói như khí thiêng hun đúc từ mấy chục năm trời. Tôi thảng thốt nghĩ bụng: "Có lẽ ông già bị điên mất rồi".

Lòng trĩu buồn, tôi bảo:

- Sao ba lại có ý nghĩ buồn cười? Cả cuộc đời ba, vào sống ra chết cho cuộc tranh đấu để thoát cảnh ao tù nước đọng này. Đến nay ba đã có chỗ ở khang trang. Cuộc sống đủ đầy. Ba lại muốn ngược trở về sống nơi lều hoang tăm tối? Vậy thì, mấy chục năm ba làm cuộc chiến chinh, phỏng có ý nghĩa gì?

Như mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng trong đầu, cha tôi kết luận:

- Ý nghĩa là cho cuộc đời của các con. Đời ba, thế là đã nếm đủ mùi rồi. Tuổi già, trước lúc chết, muốn trở về sống với cội nguồn.

Bây giờ tôi mới hiểu câu thành ngữ "Cóc chết ba năm quay đầu về núi". Dù tôi có yêu mẹ bao nhiêu cũng chẳng thể nào bằng cha tôi yêu bà được. Thế này thì buồn quá. Gia đình sẽ tan đàn sẻ nghé khắp nơi. Cha tôi về làng Cợi. Mẹ tôi sống Sài Gòn. Anh Được trở về làng Cổ Thanh. Các anh tôi ở Hà Nội còn tôi thì ở Matxcơva. Trước mắt bao dự định chả lẽ sụp đổ tan tành? Tôi chợt nhớ đến một lần mẹ kể. Khi mẹ là du kích, gặp cha ở đoàn 284. Hai người yêu nhau. Biết cha ở quê không còn thân thích ruột rà. Mẹ thì lắm anh nhiều em. Không thể rời quê hương bản quán được. Mẹ yêu cầu ba hứa: sau này phải ở rể làng Cổ Thanh. Chết cũng không được đem vợ con về quê nội. Nếu ưng điều kiện ấy mẹ mới lấy làm chồng.

- Thế ba phản bội lời hứa với mẹ à? - Tôi trở đòn tấn công. Cha tôi sững người. Ông bàng hoàng cơn mơ vừa bị tôi thức tỉnh. Lặng đi một lúc, ông nói:

- Khi đó muốn thì phải hứa. Còn thực hiện hay không thì phụ thuộc vào biến chuyển lịch sử.

Tôi thở phào. Có lẽ trên đời này mọi lời hứa đều như tiếng thở của tôi. Tất cả đều hóa thành phù du. Chỉ có cội nguồn là thiêng liêng. Nhưng "cội nguồn" là gì?

- Nếu ý ba vậy thì con sẽ không lấy vợ nữa. Con không muốn ba trở về sống những năm cuối đời ở cái túp lều quá tồi tàn này.

Nét mặt ba tôi điềm tĩnh, tuy có đượm buồn:

- Con chắc là sống trong một căn hộ ba phòng với đầy đủ tiện nghi ở đất Hà Nội thì sướng hơn sao? Không đâu. Ở chốn thôn quê này vẫn có nhiều cái thú lắm. Quang đãng. Mát mẻ. Sáng sớm có tiếng chim hót. Bình minh có tiếng gà gáy. Hoa quả tốt tươi. Cái vườn này, với tuổi hưu của ba, còn sức lực thì ra nhiều vấn đề lắm. Trồng trọt cũng còn là thú vui, kéo dài thêm tuổi già. Còn ở Hà Nội, thì một trăm mét vuông có bao nhiêu người ở? Trên đầu. Xung quanh. Không khí toàn ô nhiễm. Bước chân ra đến phố, suốt ngày chỉ thấy tiếng hon đa chạy nhức cả đầu. Ở nhà thì quẩn quanh, chỉ có vài tờ báo. Đọc hết các mục thì lại chỉ thấy buồn.

Lúc nào chán thì ba chăm cây cảnh. Chơi cây cảnh cũng là điều rất thú - Tôi động viên.

Cha tôi lắc đầu:

- Cây cảnh chỉ là giả thuật. Ở phố phường chẳng có cây xanh nên các nhà giàu mới nghĩ ra cái trò ấy.

Tôi nghĩ: Cha tôi lẩn thẩn thật rồi. Biết làm sao bây giờ?

- Ba muốn về quê còn một lý do nữa - Câu nói của ông xuyên vào cõi mông lung trong óc tôi. Tôi hỏi:

- Lý do gì hả ba?

- Rồi sau con sẽ hiểu. Bây giờ ra mộ kẻo muộn rồi.

Tôi đèo cha tôi ra khỏi rìa làng thì có người chạy theo.

- Bác Hưởng ơi bác Hưởng!

Xe dừng lại. Một người thấp bé vừa chạy đến nơi, vừa đưa tay đỡ chiếc mắt giả bị rơi. Thở hổn hển, người ấy nói:

- Em vừa đi làm về, ngó qua vườn thấy có sự lạ, tạt sang ngay. Vào nhà, hương còn cháy. Em đoán ngay bác về. Cha tôi ôm chầm lấy chú, vỗ vỗ vào lưng:

- Chà, chú Diễn. Mấy năm rồi còn gì. Đây là cháu Muôn thằng thứ năm của tôi. Chào chú đi con.

Cháu chào chú - Tôi nhanh nhảu.

Chú quàng qua vai tôi, thân mật. Cha tôi giới thiệu:

- Bà đẻ ra ông của ba và bà đẻ ra ông nội chú đây là hai chị em ruột. Vị chi đến đời con là ngũ đại. Đối với nhau vẫn là chỗ quý lắm.

- Đúng thế đấy cháu ạ - Chú Diễn đế thêm - Chú và ba cháu vắng nhau, thật thèm khát lắm.

Tôi đã suýt thốt lên: "Anh em bắn 6 tầm đại bác rồi. Nếu ở phố, tranh nhau một lối đi có khi đánh nhau quyết tử". May quá, tôi kìm được.

- Chú bị thương ở chiến dịch Nam Lào đấy - Ba tôi phấn chấn. Ông có một đặc điểm rất lạ. Mỗi lần ôn lại kỷ niệm đời lính là mặt ông nom trẻ hẳn ra, đầy gân cốt - Chính ba cõng chú lúc bị thương. Run rủi thế nào chú lại là quân số trong E của ba. Không ngờ, sau đấy lại rắc rối.

Tôi ngắm nhìn ông chú đang quấn lấy cha tôi. Thầm nghĩ "Ở xứ quê hay quý người. Anh em xa tít mù vẫn như là ruột thịt. Ở thành phố, chưa đến ba đời đã nhạt hoét".

- Xe có đi ba được không ạ? - Chú Diễn hỏi cha tôi.

Ông bảo:

- Đi được. Cháu Muôn tay lái cứng. Cũng là lính đánh đấm nhau chán mãi rồi.

Tôi biết cha tôi nói vậy là cố tình khoe cái lý lịch chưa có dịp khai trước chú của tôi. Cả đời ông, có một niềm kiêu hãnh đặc biệt: Ông và tất cả các con đều là lính (dù cái Năm mới vào lính được 20 ngày thì giải phóng). Nếu tính cả mẹ tôi từng là du kích quân thì trọn một tiểu đội. Nhà tôi là một trại lính thực sự.

Xe chạy ra gần nghĩa địa thì phải lên một con dốc nhỏ. Cha tôi chỉ về phía tay trái:

- Lúc còn bé ba hay ra tắm ở con ngòi này. Có lần bị đỉa nó chui cả vào cần chim. Đái buốt thon thót. Cũng may, nước đái nóng, cu cậu không chịu được lại phải chui ra. Ngày ấy chú Diễn còn chưa ra đời nhỉ?

- Vâng! Sau này em chỉ nghe u em kể lại.

- Thuở ấy, tôi, anh Tĩnh, anh Bạt, lão Phu chả ngày nào là không quần nhau ở con ngòi này. Vậy mà, thoáng cái đã bao nhiêu năm rồi.

Chú Diễn trỏ tay:

- Mộ của lão Phu kia kìa. Sau này gia đình lão ấy chạy đi Nam hết, chả còn ai. Dân làng thì ghét bỏ. Chết xuống hóa ra đơn độc. Sống ác quá, phúc tận bác ạ.

- Dừng xe lại hẵng, Muôn.

- Chưa tới đâu bác ạ. Mộ bà mãi tận cuối nghĩa địa đằng kia.

- Tôi nhớ. Tôi muốn xuống thắp cho thằng Phu nén hương đã. Cha tôi rút ba nén hương. Xé một mảnh giấy báo đi đến chỗ ngôi mộ đơn độc ở góc vạt ruộng méo mó nhất. Chú Diễn ngạc nhiên.

- Ơ hay, anh lẩn thẩn à? Ngày còn sống, nó theo Pháp săn lùng anh cùng năm chí tối. Lẽ ra phải đào mả bố nó lên anh lại thắp hương?

- Thì tôi thắp nén hương này để lúc chết gặp nhau khỏi phải săn lùng nhau mãi - Cha tôi điềm đạm giải thích - Ở cõi dương gian thù hận nhau như thế là đủ lắm rồi. Thuở xưa là bạn, lúc về âm phủ cũng phải là bạn.

Người ta bảo: Tuổi già hay chấp lách. Làm sao ba tôi lại độ lượng thế này? Hay là ông quải tính, quải nết rồi?

Ba tôi thắp hương xong, thấy mộ bị sụt lở, lại xắn quần, tụt dép bê những tảng đất cày đắp xung quanh. Bóng dáng ông gợi tôi nhớ lại các quân nhân vẫn giúp dân thời đánh Mỹ. Chú Diễn lắc đầu. Có lẽ thương ông phải vất vả nên mó tay vào giúp. Tôi cũng miễn cưỡng làm theo.

Giá như trước đây, một sĩ quan lại đi lúi húi đắp điếm mộ chí cho một tên theo giặc chắc không bị treo cổ thì cũng phải tước sao. Cái án đó đeo suốt đời. Vì đã từng đọc trộm các trang nhật ký của ông, tôi nói:

- Bây giờ ba hết sợ rồi à?

- Thời thế khác. Ai còn quan tâm đến những chuyện vặt này nữa?

Ông khỏa nước giữa lòng mương rửa tay chân rồi đi lại dép bốn quai như cũ. Nét mặt thanh thản như vừa viết xong báo cáo tổng kết cho trung đoàn.

Đường qua nghĩa địa mỗi lúc một mấp mô. Hai người ngồi sau phải xuống đia bộ. Tôi xuống ga cho xe chạy thật chậm để vừa tầm đi của hai người.

- Mấy năm nay, ban thương binh liệt sĩ cứ nhắc em chuyển mộ bà về khu nghĩa trang - Chú Diễn nói chuyện với cha tôi - Cả xã đều biết, bà là một trong các du kích anh dũng nhất của vùng này.

Chúng tôi đã đứng trước một ngôi mộ tròn. Đó là mộ bà nội tôi. Mộ được đắp đất cao, đầy đặn khắp các phía. Cỏ lên xanh mượt nên giống cái mâm xôi màu xanh. Trên mộ nhiều chân hương kết lại thành một bó lớn. Chứng tỏ mộ vẫn được chăm sóc thường xuyên và nhiều người thăm viếng.

- Tôi cảm ơn chú lắm. Chính chú đã thay tôi làm chữ hiếu với bà.

- Đó là trách nhiệm của hậu thế mà - chú Diễn vui vẻ - Cuộc sống còn nghĩa gì nếu không làm tròn bổn phận với người đi trước. Chỉ có một điều còn làm em áy náy nhất là chưa đưa bà về được nghĩa trang. Hay là...

Cha tôi gạt đi:

- Không được chú ạ.

- Cả xã mong mà. Bà là chỉ huy còn nằm đây. Các đội viên nằm trong nghĩa trang thì vô lý lắm.

Im lặng một lúc. Chú tôi bảo:

- Nếu bác bận thì bác cứ ủy quyền cho em. Nói bác thông cảm, không phải vì giữ kẽ mà chuyện mồ mả là quan trọng lắm. Không có ý kiến bác, chả ai dám đụng vào. Về kinh phí bác chả phải lo, đã có quỹ của xã. Chả gì chứ, bác là đại tá, sĩ quan cao cấp nhất của làng này. Lo thay bác cũng là một nghĩa vụ.

Ba tôi ngồi lặng đi một lúc lâu như phân vân một điều gì. Cuối cùng ông nói:

- Thật ra kinh phí chả phải là điều đáng quan tâm. Làm con, không làm nổi chữ hiếu đối với mẹ, sống cũng bằng thừa. Cái chính là...

- Là gì hả bác?

- Là chuyện với ông!

- Sao kia bác? Chú Diễn ngạc nhiên.

Giọng cha tôi thật buồn:

- Thực ra ông không bỏ theo giặc vào Nam chết trong đó như người ta đòn. Ông chết ở ngoài này.

Chú tôi sửng sốt:

- Thế thật à?

- Ông chết thê thảm lắm. Chỉ có mình tôi biết. Tôi phải đem xác ông chôn giấu ở trong núi. Trước khi nhắm mắt ông di chúc lại cho tôi. Sau này phải tìm mọi cách chôn ông cạnh bà. Bây giờ đưa bà vào nghĩa trang, liệu ai chịu cho ông vào, khi ông là quan tri phủ?

Mắt cha tôi ngân ngấn nước.

*

Chuyến đi của cha con tôi, nói chung tốt đẹp. Nếu không vì một số công chuyện chuẩn bị cho việc quay lại Liên Xô thì nhất định chúng tôi ngủ lại làng Cợi. Chú Diễn giữ nhiệt tình lắm. Lúc chập tối, khi cha con tôi đến thăm bác chủ tịch xã, chú đã lừa nhốt được một con gà. Lũ con nhà chú Diễn thật hào hứng phấn khởi. Nhờ hơi bác, chúng con sắp được một bữa no. Thằng Sáu nhà chú lăm lăm cầm con dao chỉ chực cắt tiết. Nhưng thấy cha tôi từ chối mà cha nó đưa mắt như ngầm bảo: "Từ từ hẵng kẻo nhỡ" thì nó tiu nghỉu mân mê cái bu gà. Chờ lâu quá, không biết làm gì, nó lấy con dao cắt móng tay.

Tôi hình dung lũ trẻ nhà chú Diễn có lẽ hàng năm không được miếng thịt. Tội nghiệp quá. Chú có những 8 đứa con. Gọi là vai chú, nhưng chỉ hơn anh Việt tôi chừng 6 tuổi.

- Đời tôi đã lạc hậu. Chú còn lạc hậu hơn. Các cháu khổ.

Mặc dù lâu ngày mới gặp nhau, cha tôi vẫn góp ý thân tình. Chú Diễn cười xòa:

- Khổ thế đấy bác ạ. Ở nông thôn mình, con gà hay tức nhau tiếng gáy. Khi đẻ được năm đứa, em chỉ mơ ước kiếm được thằng cu là sẽ phanh ngay. Đến lúc bắt được cái thằng sáu này, mẹ nó lại bảo "có một thằng vẫn chưa được yên tâm lắm. Phải dấn đứa nữa, phòng khi có sơ sảy". Em bùi tai nghe theo. Đứa thứ bảy lại là thị mẹt. Chán mớ đời, đành quyết liều, cố lần nữa. Cũng may được thằng cu Tám.

Cha tôi lắc đầu, cười:

- Tôi nhìn cảnh làng thấy sợ. Non nửa ruộng cấy cày nay cắm làm nhà ở mất rồi. Đà này, nửa thế kỷ nữa, con cháu chỉ còn cách vác nhau lên núi, mà không khéo, có khi, núi cũng bị dân chỗ khác chiếm mất rồi.

Khi cha con tôi chuẩn bị lên xe về Hà Nội, chú Diễn mới nói thật:

- Nói bác đừng cười, con gà này em phải vay hàng xóm đấy. Nhà em chả còn gì. Nợ nần đã lên đến mấy triệu. Mẹ các cháu phải đi cấy rẽ trả công từ nửa tháng nay.

Mặt cha tôi nom thật ái ngại.

- Thế mà chú cứ vẽ - Ông bảo - Gặp nhau thế này là quý hóa lắm rồi.

Tôi nghĩ: Người thôn quê sao có cái bụng thật hào phóng. Người ta sẵn sàng ăn vay để tiếp đón anh em. Lòng mến khách chả có gì so sánh được. Chả bù cho người thành phố. Lúc nào họ cũng chỉ lo cho cái dạ dày của mình. Xuỵch có khách một bữa, họ than như sắp chết.

Nghĩ thế, lại thấy thương thằng Khiếu. Trong đám bạn cũ ở quê, xem ra nó khá hơn cả. Chưa đầy bốn chục tuổi, đã có mấy đầu sách rồi. Dạo tôi ở nhà, cha tôi vẫn khen "thằng này có trí, phải cái con vợ hỏng". Huyền là cô gái thực dụng, chả thiết gì đến sự nghiệp của chồng. Với cô, quan trọng là lo cho đầy cái dạ dày. Khiếu ngồi viết cặm cụi trong cảnh lục sục. Tiền làm ra không được chỉ thấy tiêu đi. Cô nàng xót ruột. Hễ có khách là nhân cớ để "lên lớp".

Nếu ở đời ai cũng có cái bụng như chú Diễn nhỉ! Cuộc sống là cái vòng tròn. Nó đầy bên nọ, nó mòn bên kia. Có lẽ bụng chú không phải làm bằng chất cơ. Dường như nhồi vào đấy cái gì cũng được. Sắn, ngô, khoai, dong riềng, củ chuối... Con cái một lũ lốc nhốc, quanh năm bụng đói dính vào lưng. Bẩn thỉu. Rách rười. Con gái chưa mười tám đã nhấp nhe gả chồng. Suất lương thương binh nhỏ nhoi, chia năm sẻ bảy. Vậy mà miệng lúc nào cũng cười. Lạc quan còn hơn thời đánh Mỹ.

Khi xe của tôi nổ máy chú còn níu lấy:

- Cái vườn của bác, em vẫn trông nom. Hàng năm thu hoạch em tiêu một nửa. Còn một nửa giữ lại cho bác. Dù đói, nhưng tiền em vẫn cẩn thận giữ riêng đây. Không dám lẹm một trinh nào. Mong bác nhận hộ.

Cha tôi xua tay:

- Chú cứ cầm lấy mà tiêu. Các cháu còn nhỏ, cần nhiều. Lương tôi đại tá, các em lớn khôn rồi. Tôi chả cho thêm chú thì thôi. Tôi còn mấy chục ngàn đây, chú cầm lấy đong gạo.

Cha tôi dúi mấy chục ngàn vào tay chú. Chú xúc động. Cái mắt giả lại rơi ra ngoài.

- Bác dạy thế, em cảm ơn, nhưng không dám nhận. Bác cho tiền thu hoạch vườn, vậy là lớn lắm rồi. Còn đường về xăng, cộ, nhiều thứ tốn lắm lắm.

Tôi thương chú. Một người quá chân thành. Tay chú nắm chặt lấy bàn tay cha tôi, một mực từ chối. Tôi phải góp vào:

- Chú cầm lấy đi chú ạ. Đi đường đã có cháu rồi. Chú yên tâm.

Mắt chú tôi đỏ hoe. Bên hố mắt bị thương rỉ ra một thìa nước nhỏ.

- Em tủi phận đàn em, hàng năm không có tiền tàu xe lên chơi thăm bác. Đã là cái lỗi lớn. Bác chả chấp, lại cho em. Lòng bác như biển cả.

- Cuộc đời lắm nỗi buồn chú ạ - Cha tôi nói, mắt xa xăm - Anh em, lúc còn sống có gì ăn ở được với nhau là cái phúc. Khi chết rồi thì thành đất cả. Chú cố lo cho các cháu nên người. Lúc nào quá khó khăn cứ viết thư cho tôi. Anh em mình cùng bàn.

Giọt nước mắt chú Diễn lăn trên gò má. Chú ngậm ngùi lau đi.

- Em chả có gì, chỉ có mấy củ khoai lang - Chú ngập ngừng nói - Bác đợi em vào lấy đem làm qua cho Hà Nội.

Tôi buột miệng:

- Thôi chú ạ, khoai lang...

- Láo nào, khoai lang lên mầm ngọt lắm - Cha tôi gạt phắt - Có tiền cũng chả mua được đâu. Bà nhà tôi, thích món này nhất.

Chú tôi hớn hở như làm được việc gì quan trọng. Cha con tôi có một túi khoai đầy.

Khi xe chạy một quãng rồi, cha tôi mới bảo:

- Ở đời ai đã có tấm lòng cho mình thứ gì, dù chỉ đáng đồng xu, vẫn phải lấy làm trọng. Nếu chỉ biết nhận lấy cái gì đáng giá thì chả còn gì gọi là tình cảm. Đó là sự đổi chác.

Tôi im lặng.

- Khi ta cho chú Diễn món tiền, chỉ nhận lại vài củ khoai cũng xóa đi mặc cảm về sự hàm ơn. Với người nghèo, càng nên chú ý đến điều ấy.

Sau này, đây là bài học sâu sắc cho đời tôi. Tôi thấy mến phục cha ở cách ứng xử. Có lẽ đấy cũng là một trong những bí quyết của các chiến sĩ cách mạng ở sự chinh phục lòng người. Vì thế chăng mà thời 9 năm, giặc Pháp vây ráp cha tôi thế nào cũng không bắt được? Ông hiểu lòng dân quá. Thuộc tâm lý họ như thuộc bàn tay mình.

*

Powered by Froala Editor