Viện phương đông

3 năm trước

"Các con đại tá " - Tiểu thuyết (2 tập) của nhà văn Hữu Đạt, Nxb QĐND

Hồng là một cô gái có duyên. Cô không đẹp tới mức sắc sảo nhưng càng coi lâu càng ưa nhìn. Ở tuổi đôi mươi, mọi đường nét trên cơ thể Hồng đã phát triển đến mức ổn định. Nở nang. Cân đối. Cô có ưu thế của vẻ đẹp khỏe mạnh hơn là dáng điệu một cô gái văn khoa lúc nào cũng tha thướt. Tôi thích Hồng ở cặp mắt sáng, có bộ lông mi cong vút thỉnh thoảng lại chớp chớp nhìn tôi. Mỗi lần tôi mỉm cười là má cô lại ửng đỏ. Những mụn trứng cá trên đôi má cô như là vật làm chứng cho sự tiết hạnh. Có thể đoán, Hồng chưa hề chung đụng với bất cứ một chàng trai nào.

Powered by Froala Editor

(5)

Tôi nghỉ đã được gần một tháng. Bắt đầu thấy sốt ruột. Khỉ thế, khi ở Matxcơva thì rất nhớ Hà Nội. Về Hà Nội rồi lại thấy nhớ Matxcơva. Thời thế đẻ ra một lớp người như chúng tôi, chả lúc nào thích ở yên một chỗ. Người Á ăn cơm Âu, đến lúc bén mùi, cứ say như là mới yêu. Đêm nằm ngủ tưởng mình đang đi dưới đỉnh tháp Kremli. Lúc tỉnh dậy, dụi mắt, thấy làn sương mỏng trước nhà nghĩ rằng sắp có tuyết.

Sau chuyến đi làng Cợi, tôi về làng Cổ Thanh, thăm vợ chồng anh Được. Mẹ tôi, sau đợt cúm lại khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh ở với con út. Cô em tôi mới đẻ.

Làng Cổ Thanh giờ đã khác trước. Nó là nơi tôi lưu giữ nhiều kỷ niệm thiếu thời. Nó thân thuộc với tôi hơn nhiều so với làng Cợi. Lúc tôi đi anh Được nắm tay tôi bảo rằng:

- Mai sau em có, em giàu cũng đừng bao giờ quên cái làng nghèo thời thơ bé.

Tôi bùi ngùi vuốt bàn tay anh:

- Quên làm sao được anh, nhiều lúc em chỉ ước mơ tất cả anh em mình trẻ lại như ngày xưa. Nhưng...

Anh tôi cười:

- Em vẫn lãng mạn như thuở học trò. Còn anh, bom đạn đã làm cho chai sạn hết rồi. Hết cả sức lực rồi.

Tôi đùa:

- Bom đạn hay là chị Tứ em?

Chị Tứ ở dưới bếp đi lên, sẵn cái đũa cả gõ ngay vào đầu tôi, khanh khách cười:

- Ở đâu, chú cũng vẫn cứ là cái thằng đa tình.

Chị dâu tôi - bạn cùng lớp, chỉ hơn tôi có một tuổi. Mối tình của anh chị đến nay thỉnh thoảng vẫn được đem ra giễu vui. Những lúc ấy, cả ba cùng cười nắc nẻ.

Dạo ấy, chúng tôi sống một cuộc đời vui lắm. Bây giờ, và mãi mãi sau này sẽ chẳng khi nào có được những ngày như vậy.

Cả nhà tôi có anh Được học kém hơn cả. Chả phải vì anh không thông minh mà tại anh hay nghịch và chỉ thích đánh trận. Khi bố tôi ở B viết thư về kể các trận đánh ở chiến trường, Được thường reo lên:

- Phải thế chứ. Thật đã lắm.

Có lẽ gây ấn tượng nhất lần anh Việt về nghỉ phép để đi B. Lần ấy anh Việt đứng ở đầu hang quân, đội chiếc mũ tai bèo, lưng đeo chéo khẩu AK đọc tuyên thệ:

- Chúng tôi gồm 27 người con của làng Cổ Thanh xin thề trước lá cờ Tổ Quốc và toàn thể nhân dân. Khi nào chưa đánh tan giặc Mỹ chúng tôi nhất định không trở về quê hương...

Những trang vỗ tay vang lên như sấm. Chủ tịch xã. Bí thư Đảng ủy. Chủ nhiệm hợp tác. Trưởng công an. Bí thư Đoàn thanh niên. Tất cả lần lượt bắt tay các chiến sĩ từ quê hương tiến ra mặt trận. Các cô thôn nữ khăn tay trắng xếp thành hàng dài đưa lên vẫy vẫy. Các bà mẹ ríu rít dặn dò. Lưng còng đổ xuống. Bóng chiếu dài theo tia nắng trên vạt cỏ.

Sau hết thảy các lời chúc tụng, anh tôi đại diện cho đám trai làng giơ khẩu AK lên. Một loạt đạn nổ đanh, bay vút lên trời.

Trong đám đông bắt đầu ồn ào. Vài cô thôn nữ sụt sùi khóc. Họ níu lấy người yêu mà không dám hôn.

Anh Việt nhấc bổng tôi lên. Ôm lấy vai mẹ, rồi nắm chặt tay tất cả các em anh anh dặn:

- Mẹ và các em phải giữ sức khỏe. Nam, Được, Lập, Muôn, Năm phải thi đua học tốt vào. Đi lần này, thế nào anh cũng gặp bố ở chiến trường.

 

Hai anh em tôi đang nói chuyện thì chị Lập về. Tín hiệu là hai tiếng còi ngắn của chiếc xe cub 82-86 đèn vuông, nước sơn còn mới cong. Anh tôi ra mở cổng. Tôi nghe tiếng nói của chị Lập:

- Nhà ta có khách à? Ai thế?

- Chú Muôn - Anh tôi đáp.

Tôi ra chào chị. Chị xởi lởi:

- Chào chú. Lần này chú ra ông Tây thực sự rồi đó. Mấy hôm biết chú về mà chị không sang gặp được, cũng thấy bồn chồn lắm. Trưa hôm qua, tranh thủ giờ nghỉ tôi ghé qua. Chỉ có ba mẹ ở nhà. Mẹ bảo, chú đi suốt ngày.

- Vâng. Em cũng bận nhiều việc.

- Bận gì thì hôm nay cũng ở đây chơi với anh chị và các cháu. Tý nữa thằng Thành đi học về tôi bảo nó sang đón ông bà. Còn tôi chuẩn bị ù một tý là xong thôi.

- Thôi chị ạ. Để khi khác.

- Khi nào? Anh em, chú cháu lâu ngày phải ngồi với nhau thì mới có tình cảm.

- Em đến chơi thế này là được rồi. Đợi hôm nào anh Cả ở Nam ra, em tổ chức liên hoan cả nhà.

- Khi ấy thì hãy hay. Cứ biết bây giờ đã.

Thấy tôi tỏ ý ngần ngại, chị giải thích:

- Bây giờ chuẩn bị một bữa ăn rất nhanh thôi. Không như thời bao cấp đâu. Thời mở cửa, cái gì cũng sẵn lắm. Chả còn cái đoạn mất thì giờ xếp hàng. Ở Việt Nam lúc này có tiền, sống thì sướng nhất thế giới.

Chị Lập chưa đi nước ngoài lần nào nhưng nói cái gì cũng vanh vách như vừa ở đó về hôm qua, hôm kia. Chị kể chuyện vụ cảnh sát Tiệp Khắc tấn công người Việt Nam ở một ốp ngoại ô Praha. Một vài vụ đâm chém. Ở Buđapét. Những cuộc đụng độ của cảnh sát Nga với hành khách Việt Nam ở sân bay quốc tế Matxcơva Sermetchevơđva. Anh Lập phải thốt lên:

- Chị chú làm bên Tổng công ty du lịch nên nhiều chuyện lắm.

Mỗi khi có chị dâu là các anh tôi bao giờ cũng bỏ các từ bỗ bã nhưng rất gần gũi "Tao-mày". Tôi bảo chị Lập:

- Em đem về mấy cái cặp Liên Xô. Làm quà cho thằng Thành cái Thu, mỗi đứa một cái.

- Chú quan tâm đến các cháu quá. Lần nào về cũng quà. Sau này lớn lên, chúng nó theo gương chú đấy.

Tôi cười.

- Theo gương em làm gì. Cái thằng trí thức nửa mùa. Theo ngay gương bố nó lại chả tốt à.

Chị tôi liếc yêu chồng:

- Theo gương anh chú thì cả đời chỉ biết có mỗi khẩu pháo.

Lập cười mỉm:

- Làm thằng đàn ông, biết về pháo và sử dụng pháo cho tốt là quý lắm rồi.

Chị tôi nguýt một cái. Tôi vội quay đi.

Bữa ăn hôm ấy cha mẹ tôi không sang. Ông có khách. Bạn nối khố thời ấu thơ của ông là trung tướng Lê Quốc Tính về hưu. Hai người chén tạc chén thù với nhau. Lúc đã hơi lơ mơ, ông Tính bảo:

- Hồi trẻ hai chúng mình choảng nhau chỉ vì cùng yêu một con bé. Thế rồi xôi hỏng bỏng không. Chả thằng nào được. Ngỏanh đi ngỏanh lại, đã già.

Cha tôi cười khà khà:

- Nếu biết ngày ấy cả hai cùng không được thì chả đánh nhau làm gì cho mệt xác.

Vị trung tướng cũng cười ngất.

- Hay ở chỗ cả hai cùng mất nên còn là tình bạn. Chứ nếu không, có khi lại thù hận suốt đời.

Tôi về nhà nghe lỏm được chuyện các cụ tự thấy buồn cười. Hóa ra chuyện tình của các cụ cũng rắc rối lắm. Chả kém gì lớp trẻ. Tự nhiên tôi cũng thấy vui lây. Hình như sự có mặt của bác Tính làm cho đời cha tôi trẻ lại. Ông vui tính và ít than thở hơn mọi ngày.

- Con thấy bác Tính dạo này chóng già - Tôi nhận xét khi bác vừa đi khỏi. Cha tôi trầm ngâm.

- Cuộc đời bác ấy khổ. Suốt thời trẻ gánh trên vai khói lửa trận mạc. Lúc hòa bình, bác gái lại qua đời. Hóa ra lại thành chiếc bong đơn côi. Từ thời lấy vợ đến lúc vĩnh viễn xa nhau chả mấy thời gian được sống trong đoàn tụ.

Giọng cha tôi ngậm ngùi. Tôi ít thấy ở trên đời có tình bạn như cha tôi và bác Tính.

- Sao bác ấy lại không lấy vợ ba nhỉ?

- Lấy vợ để sang thế giới bên kia đẻ con à? Làm lên tướng, lại cháu nội cháu ngoại cả rồi.

Tiện dịp, cha tôi lái sang chuyện lấy vợ cho tôi.

- Con thấy cái Hồng nhà bác Tính thế nào? - ông hỏi.

- Nó xinh, lại thông minh giống cha.

- Lần trước bác Tính có đánh tiếng với ba. Con đồng ý, bác gả con gái cho đấy.

- Nhưng nó ít tuổi hơn nhiều thế kia mà?

- Tuổi tác thì quan trọng gì. Ăn nhau ở con người có nề nếp và đạo đức.

- Con cũng biết là thế. Với lại, ai chả muốn lấy vợ trẻ. Nhưng người ta trẻ quá thì tất phải chê mình.

- Hình như bác Tính đã ướm thử nó rồi. Xem ra nó cũng ưng.

Tôi đâm ra nghi hoặc. Chả lẽ lại có chuyện ấy? Thế thì đời tôi hạnh phúc quá. Hồng con nhà nề nếp. Xinh gái. Lại sinh viên năm thứ ba văn khoa... Chả lẽ cái mác đẹp trai và tấm bằn phó tiến sĩ tương lai lại cứu cánh cho cái tuổi bốn mươi đáng buồn của tôi?

*

Ở nhà vị trung tướng ngày hôm sau xảy ra cuộc đàm luận sôi nổi. Ban đầu cô Hồng hỏi:

- Sao ba lại nghĩ ra cái chuyện gán con cho anh Muôn nhà bác Hưởng?

Bố cô bảo:

- Đấy chả phải là gán mà là ước muốn của ba thôi. Trước đây ba và bác Hưởng là bạn nối khố của nhau. Đôi bạn cùng làng. Cùng là sĩ quan. Cảnh nhà từa tựa nhau. Được thông gia với nhau thật là sung sướng lắm.

- Tất nhiên về tuổi tác thì con không ngại. Chỉ có điều giữa hai người liệu có tình yêu với nhau không.

- Dào uầy! Tình yêu mà làm gì. Thời trẻ ba mợ có biết yêu gì đâu. Vậy mà lấy nhau, suốt cả đời không một lần to tiếng.

- Thời của ba khác. Thời chúng con khác. Thời chúng con, tình yêu mới là điều quan trọng hàng đầu.

- À thì tất nhiên rồi - Vị trung tướng tỏ ra tán thành - Tình yêu nào thì cũng xuất phát từ thực tế. Ba thấy cậu Muôn là người có nghĩa khí. Thời đánh Mỹ vào Nam ra Bắc, thử thách đủ màu rồi. Con người ta có trải qua gian khổ nhiều thì mới hiểu thế nào là yêu thương thực sự. Còn so về thời đại bây giờ, cậu ta tương lai sẽ là một phó tiến sĩ. Lại được đào tạo ở Liên Xô. Điều đó thật đáng quý.

Cô Hồng cười khinh khích.

- Ba không thấy là Liên Xô đổ rồi à?

- Liên Xô đổ rồi còn có nước Nga. Nước Nga sẽ đứng dậy. Đó là một dân tộc rất vĩ đại con ạ.

Mắt vị trung tướng buồn xa xôi. Trước mắt ông như hiện ra đỉnh tháp Kremli với ngôi sao sáng ngời đang lấp lánh. Dòng sông Matxcơva với những nhịp cầu, nơi có hàng ngàn người vẫy chào đón đoàn sĩ quan và tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam sang thăm Liên Xô sau ngày ký Hiệp định Pari. Có một thời Việt Nam là hai tiếng thiêng liêng trong mỗi trái tim người dân Xô Viết. Những người mẹ tóc bạc, má xếp nếp nhăn ôm hôn ông. Những em bé miệng tươi roi rói, cổ quàng khăn đỏ sà vào lòng ông. Ngày ấy... ngày ấy tất cả đều đẹp đẽ.

- Ba nghĩ gì vậy hả ba?

- À... ba nghĩ về thời hiển hách đã qua. Một cuộc chiến dằng dặc tưởng không bao giờ kết thúc. Thế mà đã qua đi gần hai chục năm trời. Cuộc đời này chóng vánh thật.

Vị trung tướng được phân một căn hộ ở khu Bắc Thanh Xuân. Nhà ở ngay đầu hồi, tầng một, có năm buồng tổng diện tích, cả hành lang, được hơn một trăm mét. Theo sự dàn xếp của hai cụ, tôi đến thăm cô Hồng vào buổi chiều thứ bảy. Hôm đó bác Tính lấy cớ cùng cha tôi đến thăm một người bạn cũ làm chủ tịch Hội cựu chiến binh quận. Ở nhà chỉ có tôi và cô Hồng. Chẳng biết cô có được báo trước hay không. Tôi đến, mọi thứ đã tươm tất. Cô Hồng tiếp tôi ở phòng khách, nơi kê bộ sa lông bằng gỗ gụ có khảm trai. Trà tiếp khách là loại trà ướp hương sen rất hảo hạng. Loại trà này đánh sang bán ở Liên Xô cũ chỉ có những người rất nhiều tiền mới mua được.

Phải nói Hồng là một cô gái có duyên. Cô không đẹp tới mức sắc sảo nhưng càng coi lâu càng ưa nhìn. Ở tuổi đôi mươi, mọi đường nét trên cơ thể Hồng đã phát triển đến mức ổn định. Nở nang. Cân đối. Cô có ưu thế của vẻ đẹp khỏe mạnh hơn là dáng điệu một cô gái văn khoa lúc nào cũng tha thướt. Tôi thích Hồng ở cặp mắt sáng, có bộ lông mi cong vút thỉnh thoảng lại chớp chớp nhìn tôi. Mỗi lần tôi mỉm cười là má cô lại ửng đỏ. Những mụn trứng cá trên đôi má cô như là vật làm chứng cho sự tiết hạnh. Có thể đoán, Hồng chưa hề chung đụng với bất cứ một chàng trai nào.

- Hồng có hút thuốc không? - Tôi mở bao thuốc Ấn Độ ra mời Hồng. Cô ngạc nhiên:

- Người đi Nga vẫn còn hút thuốc này à? Trong nước người ta bỏ nó lâu rồi. May ra chỉ còn vài bác xích lô còn thích hút.

Tôi ngượng chín người. Sao mà mình ngu lâu thế? Tôi tự trách. Đi tìm hiểu một cô gái văn khoa mà quê một cục. Làm sao có thể tán đổ?

Hồng mở ngăn kéo lấy ra bao thuốc đầu lót trắng, vảy một điếu ra mời tôi.

- Anh hút thử một điếu xem. Thuốc có bạc hà dễ chịu lắm.

- Cảm ơn, tôi quen thứ thuốc nặng này.

Tôi nói và bật diêm. Trong bụng nghĩ đó là lời cảnh cáo nhẹ Hồng dành cho tôi.

- Hồng có hay về làng Cợi chơi không?

- Làng Cợi là của ba Hồng chứ không phải của Hồng - Cô nói.

Một bàn nữa. Tôi bị hai không. Giống như cầu thủ cứ tự sút vào gôn mình. Có lẽ Hồng đoán ra sự ngượng ngùng đó nên bày cho tôi kiểu giải trí sang thăm phòng sách. Đây là căn phòng vị trung tướng mất khá nhiều công sưu tầm các pho sách quý. Phía trên chiếc giá sách có lồng kính là những bức ảnh viền đen được treo trang trọng trước bát hương đầy ắp chân nhang. Đó là ảnh của anh Toán, anh Tưởng, anh Tịnh và chị Hải. Bốn người con của bác Tính đều là quân nhân hy sinh trong chiến tranh. Những bức ảnh này gợi tôi nhớ đến những lần tôi theo cha đến ăn liên hoan đưa các anh chị ra chiến trường. Dạo ấy bác Tính còn ở nhờ vợ bên cơ quan ngân hàng trong khu tập thể chùa Bộc. Anh Toán hy sinh khi đã lên trung úy. Còn chị Hải thì tốt nghiệp bác sĩ ở Liên Xô. Về đến nước là chị xung phong đi ngay chiến trường và hy sinh ở ven thành Huế.

Tôi thắp nén hương trước bàn thờ của bốn chiến sĩ đã hy sinh. Lòng bùi ngùi thương cho cảnh ngộ bác Tính. Một đời ngang dọc, trên mình đầy những chiến công. Thế mà bác phải chịu những thiệt thòi quá lớn. So với bác có lẽ những thiệt thòi của cha tôi chẳng thấm tháp gì. Bác phải mất bốn người con cho cuộc chiến tranh. Cha tôi chỉ mất một người. Nhìn trong thế tương quan ấy thì việc cha tôi thua bác hai bậc quân hàm thật chẳng đáng kể gì. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao cha tôi lại vui lòng và an phận với mình khi bạn bè đồng lứa được thăng tiến vùn vụt. Hóa ra lớp người đi trước ai cũng phải gánh chịu những thiệt thòi lớn lao cả.

Cuộc đời thanh cao của bác Tính làm cho tôi thấy cảm động. Tôi coi bác như cha. Một thứ tình cảm của thân thương ruột thịt chứ không phải là tình cảm của chàng rể với ông bố vợ tương lai. Còn Hồng tôi cũng coi như là út Năm, là đứa em gái mà tôi hằng yêu quý.

Hồng với trên giá sách lấy xuống quyển an bom, đưa cho tôi.

Trong các bức ảnh kỷ niệm thời chiến tranh, có cả hình của anh. Trông trẻ và đẹp trai lắm - Cô bình luận.

Tôi giở cuốn an bom, bồi hồi khi nhìn thấy bức hình chụp hai bác cháu dưới chân dốc ông Thanh[1]. Dạo ấy, trên đường hành quân tôi gặp anh Việt trên đường ra Bắc điều dưỡng. Anh cho tôi biết trung đoàn của bác cũng đang được lệnh di chuyển về ngã ba biên giới, chuẩn bị sang Cao Miên. Thế là tôi bổ ngay đi. May mà gặp bác trước khi đoàn quân nhổ trại.

- Nghĩ lại cứ như giấc chiêm bao cô Hồng ạ. Tôi phải mượn bác bức ảnh này để phóng thêm một chiếc.

- Phải hối lộ cho em mới được cơ.

Hồng ngước cặp mắt long lanh nhìn tôi. Cặp mắt ướt hao hao giống Hưng. Chỉ có điều má Hồng đầy đặn hơn. Tôi cảm thấy nóng rực hai bên má. Có tiếng thì thầm ở bên tai.

- Anh của em. Anh đừng đi nữa. em đang sung sướng quá.

Bồng bềnh trong mắt tôi là rừng sim chín. Những quả sim mọng nước như tuổi con gái đôi mươi, như đôi má của Hồng. Bạt ngàn ánh nắng hè. Rừng rực tấm thân nõn nà thời con gái. Tôi muốn hét lên:

- Hưng.

Miệng tôi lắp bắp. Chân tay run rẩy như người phải cảm.

- Kìa, anh làm sao thế?

Môi Hồng nở nụ cười. Hàm răng trắng, đều đặn hiện ra trong khóe miệng rộng làm cho cô trở nên có duyên hơn. Tôi muốn lao ra khỏi nhà. Tất cả hiện tại đối với tôi như một trò chơi ngớ ngẩn.

Rất may, tiếng còi toe toe của chiếc xe Dreem II đã kéo cả tôi và cô Hồng ra khỏi giấc mơ. Một chàng trai trẻ trông co cao, đẹp mã xuất hiện với năm bông hồng trắng trên tay. Anh ta hồn nhiên và lễ phép:

- Cháu chào chú ạ.

- Chào cậu - Tôi đáp lại và có cảm giác mình đang bị chơi xỏ. Sự linh cảm của giới tính mách bảo tôi, có lẽ anh ta đang ghen.

Tôi vờ ra ngoài hành lang ngắm nhìn vườn hoa nhỏ. Thật trớ trêu là trong vườn lại trồng rất nhiều hoa hồng. Từ trong nhà, cuộc đối thoại vẳng đến tai tôi.

- Tôi đã nói là anh đừng cầu kỳ thế. Lần nào đến chơi anh cũng tặng tôi mấy bông hồng. Tôi biết hoa hồng mùa này đắt lắm. Và nhà thì lại không thiếu.

- Hồng chớ quan tâm đến điều ấy. Chỉ cần Hồng nhận lấy tấm lòng và tình cảm của tôi.

- Tôi đã nói với anh nhiều lần rồi mà. Anh đừng đặt tôi vào tình thế khó xử.

- Chả lẽ Hồng không hiểu là tôi yêu Hồng tha thiết sao?

- Anh Dũng, tôi đã có người yêu rồi. Anh hãy trở về với Thùy Linh của anh.

- Hồng nói dối.

- Tôi nói thật. Anh không thấy sao?

- Sao? - Tiếng Dũng hỏi lại.

- Người mà anh vừa gặp, vẫn đang đứng ở hành lang đó mà.

Tim tôi đập thình thình. Những bông hồng đang nhảy múa trước mặt như đám hoa cỏ rối. Tôi nhào ra sân. Bỗng chốc sợ hãi trước trò chơi của tình yêu.

- Anh Muôn. Anh Muôn.

Hồng gọi giật và chạy ra đứng ngang trước mặt tôi. Tôi lúng túng.

- Hồng tiếp khách đi, kẻo người ta đợi. Cũng đến giờ tôi phải đi rồi.

Có lẽ Hồng hiểu nhầm là tôi tự ái. Cô lắp bắp:

- Đừng giận em anh Muôn.

- Không. Có gì đâu mà giận. Hồng vào đi.

Tôi đi rồi vẫn nghe tiếng cành khô trên bờ rào gẫy răng rắc. Đến cuối ngõ tôi kín đáo quay lại vẫn thấy Hồng đứng đó tần ngần. Tự nhiên lòng tôi cũng bàng hoàng.

*


-------------

[1]. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Powered by Froala Editor