Viện phương đông

3 năm trước

"Các con đại tá " - Tiểu thuyết (2 tập) của nhà văn Hữu Đạt, Nxb QĐND

Cha tôi suýt đánh rơi kính:

- Anh nói lạ.

- Con nói thật đấy mà. Nghề văn là bạc bẽo lắm.

Cha tôi nhún vai.

- Ai cũng nghĩ như anh, thì lấy đâu ra sách vở? Cánh nhà văn họ dạy chúng ta biết sống thế nào hợp với lẽ đời.

- Chả có họ thì mọi thứ ở trên đời này vẫn thế - Tôi bắt đầu cãi liều - Đời này người ta sợ thiếu tiền bạc chứ chẳng sợ thiếu văn chương.

- Phải - Cha tôi dằn giọng - Lớp người các anh bây giờ hay nói đến tiền bạc. Nhưng rồi sẽ có lúc tiền đầy lên trong túi các anh nhưng cuộc đời thì lại tẻ nhạt vô cùng nếu anh vẫn có quan niệm như thế.

Powered by Froala Editor

(6)

Tôi trở lại nhà Khiếu lấy xe. vừa nhìn thấy tôi, Khiếu hỏi:

- Cậu làm sao thế? Mệt à?

- Ừ. Mình thấy hơi khó chịu.

- Thế thì phải uống thuốc đi.

Khiếu vừa nói vừa lục trong tủ tìm thuốc. Tôi bảo:

- Không phải uống thuốc đâu. Một lát là bình thường ngay thôi mà.

Nhưng Khiếu nhiệt tình:

- Chủ quan thế nào được. Cậu đang ở bên Tây về bên này, thay đổi khí hậu không khéo là ốm ngay. Tốt hơn cả là uống phòng bệnh trước.

Khiếu nhét ngay hai viên Anagin vào tay tôi. Tay kia là cốc nước sôi để nguội. Nể quá, tôi uống tọt một cái. Chắc Khiếu không biết là Anagin của cậu ta lại dùng phòng cái bệnh yêu đương.

- Dạo này làm ăn có khá không? - Tôi hỏi.

- Cũng tùng tiệm. Đất nước vào thời đổi mới, có nhiều cái khá hơn. Cán bộ không còn phải lo bữa ăn như trước. Còn bên ấy?

- Tất nhiên là phức tạp hơn bên ta nhiều lắm - Tôi nói - Đất nước họ lộn xộn hơn rất nhiều do sự tranh chấp của các nước cộng hòa. Hiện nay cả thế giới vẫn lo ngại và theo dõi tình hình ở nước Nga.

Giọng Khiếu buồn buồn:

- Vợ mình dạo này thất nghiệp vì chẳng có ai học tiếng Nga nữa. Các lớp học thêm thì đã đành. Cả các lớp chính khóa cũng chẳng còn mấy ai theo học.

Khiếu nói vừa hết câu thì vợ Khiếu đi chợ về. Cô đẩy chiếc xe đạp vào sân và ngó cái đầu phi dê kiểu bùng xèo vào. Miệng đon đả:

- A, anh Muôn mới đến đấy ạ.

- Cô đi dạy về à? Tôi hỏi thay câu trả lời.

Vợ Khiếu đáp:

- Dạy gì đâu. Mất dạy hàng năm nay rồi anh à. Học sinh, sinh viên bây giờ bỏ chạy sang các lớp Anh, Pháp, Nhật cả. Buồn lắm.

- Nhà nước không định hướng sao?

- Định gì được. Trước đây bao cấp thì còn nói định hướng, hướng nghiệp. Bây giờ cha mẹ bỏ tiền ra. Họ có quyền lựa chọn cho con mình ngoại ngữ nào mà họ thích.

Tôi chợt nghĩ: Việc kế hoạch hóa theo hướng xã hội chủ nghĩa cũng có mặt ưu việt của nó.

- Thế bây giờ Huyền làm gì? - Tôi hỏi.

- Em thất nghiệp. Phải chạy sang học tiếng Anh.

- Các giáo viên khác thì sao?

- Người học tiếng Nhật. Người học tiếng Nam Hàn. Ở nhà vẫn gọi đùa là học tiếng Tây mắm tôm anh ạ.

Tôi mỉm cười. Có lẽ Huyền còn nghi hoặc sự hiểu biết của tôi nên giải thích:

- Bây giờ người Việt Nam mình nhìn người Tây Âu khác, không giống như trước kia. Hóa ra Tây cũng có năm bảy loại. Chả phải người nào cũng sang trọng cả.

- Đúng như vậy. Họ cũng như mình. Có người đi làm thuê. Có người là ông chủ. Ở bên kia thì đa số Tây lại đi làm thuê cho người Việt mình.

Huyền reo lên:

- Thế thì hay quá. Phải thế mới được anh ạ. Chứ người Việt mình mà cứ cái thân làm thuê làm mướn, nghĩ   cũng cực.

Suốt câu chuyện tôi chả thấy Khiếu nói gì. Anh chỉ trầm ngâm hút thuốc. Có vẻ như cặp vợ chồng này phải cố gắng để giữ hòa khí với nhau. Còn thực trạng thì giữa hai người lúc nào cũng có một cái gì đó sắp bùng nổ.

Lúc vợ Khiếu xuống bếp, tôi bảo bạn:

- Huyền dạo này hơi gầy.

Trán Khiếu hơi nhăn:

- Đi vật voi đâu mà cần béo?

- Có điều gì không hài lòng với cô ấy à?

- Lại không? - Giọng Khiếu hơi gắt. Tôi thấy tính Khiếu bây giờ không giống như ngày trước. Cô ả suốt đời phá mình. Nghĩ mà chán lắm.

Tôi nhìn thấy trên đỉnh đầu Khiếu lốm đốm bạc, biết là Khiếu phải trăn trở nhiều với cuộc đời. Thương bạn, chỉ còn biết an ủi:

- Nghĩ đến các cháu Khiếu ạ.

- Thì thế, không thì đã...

Huyền ở dưới bếp đi lên. Cô cầm siêu nước sôi, rót vào phích. Tôi đùa:

- Huyền phải chăm sóc anh Khiếu thế nào chứ. Cùng tuổi tôi mà tóc lốm đốm bạc rồi.

Huyền thở dài:

- Em nói mãi anh ấy có chịu nghe đâu. Đêm nào cũng thức đến gần sáng để viết với lách. Truyện thì chả đâu người ta in. Bây giờ lại quay sang đánh vật với cái luận án đặc cách.

- Im. Cô đừng có tra tấn tôi nữa - Khiếu quát.

Mắt Huyền ngân ngấn nước. Có lẽ nể tôi nên cô phải nhịn chồng. Rất may, đúng lúc ấy có một người khách xuất hiện.

- Anh Khiếu ơi anh Khiếu - Người khách gọi.

- Có tôi - Khiếu nghển đầu nhìn qua cửa sổ - Ông Bình đấy à? Vào đây.

Bình dựng chiếc xe phavơrít hơi tàng vào sát chiếc xe máy của tôi. Rồi vào.

- Chào cả nhà - Bình nói.

- Chào anh.

Khiếu nhiệt tình giới thiệu:

- Giới thiệu với ông. Đây là anh Muôn, bạn cùng làng, cùng học lại cùng tòng quân với tôi. Hiện đang làm nghiên cứu sinh ở Nga. Còn đây là ông Bình, phó tiến sĩ ở Đông Âu về năm ngoái. Cùng ngành.

Bình bắt tay tôi, giọng ngoại giao:

- Một đôi lần tôi đã được nghe anh Khiếu kể về anh. Rất hân hạnh hôm nay được gặp mặt.

Bình chìa tay ra bắt tay tôi, đầu hơi nghiêng về một bên. Tôi nghĩ "Đúng là đi Tây về có khác".

- Cảm ơn anh. Anh cũng nghiên cứu về ngữ văn ạ?

- Vâng.

- Ngày xưa tôi cũng thi vào khoa văn mà không đậu.

Hai cánh mũi Bình hơi phập phồng. Câu nói khiêm nhường của tôi không ngờ lại là lời khen gián tiếp đối với anh. Anh đưa tay lên khoát một cử chỉ rất khó hiểu. Có lẽ anh thường coi đó là cử chỉ của bậc vĩ nhân. Mắt anh hơi nheo lại, đầu gật gù.

- Thế có khi lại hay. Chứ theo đuổi nghiệp ngữ văn thì tuy có sang mà lại nghèo.

Tôi mỉm cười.

- Ông trời vốn công bằng. Người giàu có về tâm hồn thường gặp sự thiếu thốn về vật chất. Âu cũng là cái luật bù trừ thôi.

Bình như người may mắn được tôi gãi vào đúng chỗ ngứa, bắt nhịp ngay:

- Chuyện với những người hiểu biết mới thật đã đời.

Tôi tảng lờ, chuyển hướng đề tài:

- Thời gian anh ở Đông Âu cũng biết cánh bên Nga chứ?

- Người đi Nga thì anh em nể rồi. Toàn là các ông chủ chứ không nghèo như bọn này.

- Cũng tùy người anh ạ - Tôi đáp.

Bình ngồi xuống chiếc ghế sa lông ở phía trước. Anh ta nhỏ thó trong chiếc áo nhung bạc phếch. Cái trán dốc ngược, xói mất mái tóc ở đỉnh đầu khiến Bình già hơn tuổi rất nhiều. Nội nhìn cái tướng đủ thấy đó là con người khắc khổ.

Bình rút ở trong chiếc túi da đeo vai ra một tập giấy đã đánh máy đưa cho Khiếu.

- Tôi đã đọc luận án của anh, thấy nhiều chỗ tâm đắc lắm. Nói thật là tôi rất thích cái phần cực đoan của anh.

Được khen, nét mặt Khiếu nở ra:

- Cảm ơn. Đời làm khoa học, tìm được người tri âm như anh thật hiếm quá. Có lẽ người trong giới, chỉ có anh là hiểu tôi thôi.

- Thì thế - Bình ngả người ra đưa tay vuốt cái trán chẳng có sợi tóc nào - Tôi đã nói với anh rồi. Tôi ủng hộ anh tuyệt đối mà lỵ. Cứ phải như anh thì vấn đề "ghép - láy" mới phân minh sáng tỏ.

Vì khác chuyên môn, tôi nghe chẳng hiểu gì. Phút chốc tôi thấy kính nể cả hai nhân vật đang ngồi trước mặt tôi. So với tôi, họ thật cao siêu quá.

Thấy mình thừa ra trong khung cảnh ấy, tôi ghé qua bếp. Nghĩ rằng nói vài ba câu chuyện với Huyền rồi rút lui là vừa. Tôi hỏi:

- Khi nào bọn trẻ đi học về?

- Khoảng lát nữa anh ạ. Anh lên nhà chơi nói chuyện với nhà em.

- Thôi, để cho họ tự nhiên trao đổi công việc.

- Công việc gì! - Huyền hắt đi - Cái gã điên. Sao thời bây giờ có nhiều người hâm đến thế. Gã làm khổ vợ con gã đã đành lại còn muốn dụ nhà em vào cái chỗ khốn nạn. Hai ông tướng này mà gặp nhau thì cứ lẩn thẩn buồn cười lắm. Đúng như ông Tú Sót viết "Thằng dở hơi lại gặp thằng dở hơi".

Tôi cười:

- Em nói to thế không sợ Khiếu nó cáu à?

- Ôi dào. Em nói chang chác suốt ngày mà đâu có chừa. Còn để cái lão Bình ấy rủ rê là em còn nói.

Tôi không nghĩ cô Huyền này lại đanh đá đến thế.

Tiếng hai nhà khoa học từ trên nhà vọng xuống.

- "Cào cào", "châu chấu" xếp vào "láy toàn bộ" như anh là đúng. Nhưng các trường hợp "bàng bạc", "thiêm thiếp", "thình thịch" xếp vào bảng A hay bảng B xem ra đều có lý cả.

Tiếng Khiếu vang lên, sôi nổi như gặp lại bạn ở nhà băng:

- Chính đây là những trường hợp tôi thấy sướng hơn cả. Càng nghĩ về chúng tôi càng thấy thú. Đã nhiều đêm tôi mất ngủ vì cứ nghĩ tại sao các nhà nghiên cứu trứ danh trước tôi lại không chịu tách chúng ra làm các trường hợp tách biệt.

Huyền đang thái rau, suýt thái cả vào mu bàn tay mình. Tôi hình dung trong cơn thịnh nộ, cô dễ điên tiết lên lắm.

- Em đã nói nhiều lần với anh Khiếu rồi. Cả các con em cũng thế. "Cào cào", "châu chấu" là "ghép" hay "láy" thì mặc mẹ chúng. Ảnh hưởng gì đến mình mà cứ phải vò đầu bứt tai cho khổ mình lại khổ cả vợ con.

- Thôi, thông cảm cho họ Huyền ạ - Tôi khuyên can - máu nghề nghiệp mà.

Huyền thở dài đánh thượt một cái.

- Nghĩ mà chán lắm anh ạ.

Trên nhà tiếng Bình lại vang lên:

- Lắm lúc tôi rất thèm được đối thoại với ông Xốt Xuya. Giá như ông sống lại thì tôi sẽ tranh luận với ông nhiều điều.

Huyền nhìn tôi, lắc đầu dè bỉu.

- Anh bảo, hâm như cái lão Bình này vợ nó bỏ là phải. Em cứ sợ anh Khiếu nhà em không sớm tránh xa lão thì sớm muộn rồi em và Khiếu cũng bỏ nhau.

- Đừng nói gở, cô Huyền.

*

Ăn cơm xong, ngồi uống nước, mẹ tôi dạy:

- Ba mẹ đã già rồi. Anh phải liệu mà thu xếp để lấy vợ đi. Lông bông mãi sao được.

Tôi gãi đầu.

Mẹ tôi bảo:

- Cứ học tập ngay cái nhà anh Khiếu ấy. Cùng chà với nhau bây giờ đã có vợ con đề huề, sung sướng biết bao.

Tôi phải quay đi để khỏi bật cười. Tôi nhớ lại khi chiều, nói chuyện với tôi Khiếu cứ than phiền là đời Khiếu bất hạnh. Khiếu mơ ước được tự do như tôi, bảo như thế là sướng. Thì ra cái khổ, cái sướng ở trên đời này thật không biết thế nào.

Lúc đi nằm, tôi lại nhớ đến Hồng. Tôi thấy hoang mang, không hiểu được chuyện hư thực ra sao. Chẳng lẽ Hồng lại yêu tôi thật? Vô lý. Hồng đẹp và duyên. Lại đang ở cái tuổi phơi phới. Còn tôi là cái thứ người quá giang, mấy năm ăn bơ sữa của Tây vẫn không lột được màu da tái xanh do sốt rét rừng. Cuộc tiếp xúc lúc chiều thật trớ trêu. Tất cả chỉ là do tôi nghe lời các cụ, chiều lòng các cụ để các cụ khỏi buồn. Trong thâm tâm tôi đã thấy rõ cái sự khập khiếng, buồn cười ấy.

Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc ngủ chập chờn, tự đâu đâu Hồng lại hiện ra. Nàng cười hồn hậu. Hàm răng trắng muốt và trong như bột lọc. Đôi má phinh phính hồng rực lên. Cặp mắt ướt và đa tình phủ lên người tôi cái nhìn âu yếm gời gợi. Tôi hồi hộp ngắm nàng qua chiếc áo mỏng trễ cổ. Vồng ngực nàng đang phập phồng, nần nẫn sáp dần đến tôi. Bàn tay nàng mềm mại đưa lên vuốt ve bờ má tôi. Tôi nghèn nghẹn ở cổ.

Trong khoảnh khắc quần áo nàng và quần áo tôi biến đâu hết. Còn trơ lại là hai tấm thân trần đang rừng rực sự thèm khát mãnh liệt. Hồng ôm ghì lấy tôi, xiết mạnh. Tôi có cảm giác mình đang lơ lửng trên không. Chúng tôi ôm nhau, quay tròn. Hơi thở nàng dồn dập phả vào mặt tôi. Môi nàng trườm lên cặp môi tôi. Tự nhiên cổ tôi cháy rát. Tôi có cảm giác nàng nặng quá, đè tôi dính xuống giường.

- Nhè nhẹ chứ nào - Tôi bảo.

- Không.

Tôi không ngẩng lên. Khuôn mặt Hồng biến đâu mất. Chỉ còn mái tóc dài vắt vẻo trên bờ vai trắng ngần. Tôi đưa tay sờ soạng. Trong bóng tối tôi sờ thấy một cái sống mũi dài và thẳng. Hốt hoảng tôi la lên:

- Ôi! Em là người hay là ma? Em ở kiếp nào mà lại đến hành hạ tôi như vậy?

Có tiếng cười nhè nhẹ. Một hàm răng nhỏ cắn nhẹ vào cổ tôi.

- Là người hay ma không quan trọng. Điều quan trọng là kẻ đó đem đến cho anh nỗi khổ hay nỗi sướng. Khổ mà làm kiếp người thì chẳng bằng sướng của làm kiếp ma.

Tôi toát cả mồ hôi, nghi hoặc:

- Sao tôi nghe như giọng nói của Hưng?

- Phải. Hưng của anh đây mà. Bao nhiêu năm rồi mà anh không quên ư?

- Không. Tôi không bao giờ quên được. Mối tình đầu của tôi. Những nụ hôn và sự sung sướng của giây phút vào đời. Nhưng mà sao khuôn mặt là của em, còn mái tóc và thân thể lại là của Hồng?

- Kiếp người và kiếp ma. Tình yêu và trách nhiệm. Sự lẫn lộn của nhân gian. Anh phải đeo nó cho đến chết.

- Thế nghĩa là thế nào? Tôi không hiểu.

- Trong anh có chất nhân văn của kẻ đa tình. Lại có phần máu kiêu hùng của người lính. Anh là kẻ muốn cái mới mà lại không dứt được cái cũ. Một sự dở dang của kiếp người.

- Chao ôi! - Tôi bật khóc.

- Nhưng anh là người được hưởng sự tận cùng của yêu thương. Anh là kẻ gieo rắc tình yêu vào những người phụ nữ để họ luôn thương nhớ anh và khổ sở vì anh.

- Trời ơi! Tôi không muốn vậy - Tôi thốt lên.

- Hãy tận hưởng cái gì đã có, đừng bỏ uổng phí. Nào, sát lại gần em. Hãy đặt môi anh lên môi em.

Tôi làm theo như một cái máy. Người tôi rực lên. Khuôn mặt Hưng đẹp đẽ áp bên má tôi. Phía dưới bụng tôi chao mạnh. Tôi thấy lạnh toát dọc sống lưng. Toàn thân rùng rùng.

- Ứ hừ hừ... ư hư hư...

Tôi bật tiếng rên. Có một khối lửa chói lòa án ngữ ngay trước mặt. Mặt trời của mùa hạ trên đồi sim? Không phải. Khói lửa đang cháy. Tôi hét: Ối!

Tôi mở mắt ra. Ánh đèn điện chói chang tỏa xuống từ trần nhà. Mẹ tôi đứng bên giường ân cần hỏi:

- Con bị tinh đất chẹn phỏng?

- Dạ. - Tôi đáp chiếu lẹ.

Thay quần lót xong tôi xuống sân bếp vò nước luôn để xóa dấu vết. Đã bao nhiêu năm, dù giận Hưng nhưng tôi vẫn nằm mơ như thế. Mỗi lần nằm mơ được ngủ với Hưng, tỉnh dậy là tôi lại thấy rất buồn.

- Ba vẫn chưa ngủ kia ạ? - Tôi đi qua thấy ánh đèn sáng từ phòng làm việc của cha tôi liền ghé đầu vào. Cha tôi gọi:

- Vào đây.

- Có việc gì hả ba?

- Lúc nào rỗi, con tranh thủ đọc cái này thử xem - Cha tôi đưa cho tôi một tập bản thảo và bình luận - Cu cậu Khiếu đúng là một chàng trai có trí lự.

Tôi lật mấy trang và hỏi:

- Tiểu thuyết hả ba?

- Ừ. Nó muốn nhờ ba đọc và góp ý một số điểm liên quan tới Bộ Tư lệnh. Đây là cuốn viết về chiến tranh.

- Ba thấy Khiếu nó viết được không?

- Được. Những trang về người lính rất thấm thía. Nó lăn lộn ở chiến trường nên có nhiều thực tế về lĩnh vực này. Nhưng khi miêu tả các sĩ quan ở Bộ Tư lệnh sư đoàn nó tỏ ra ít hiểu biết. Điều đó cũng dễ hiểu.

- Nhưng ba giúp nó là hại nó - Tôi đáp.

Cha tôi suýt đánh rơi kính:

- Anh nói lạ.

- Con nói thật đấy mà. Nghề văn là bạc bẽo lắm.

Cha tôi nhún vai.

- Ai cũng nghĩ như anh, thì lấy đâu ra sách vở? Cánh nhà văn họ dạy chúng ta biết sống thế nào hợp với lẽ đời.

- Chả có họ thì mọi thứ ở trên đời này vẫn thế - Tôi bắt đầu cãi liều - Đời này người ta sợ thiếu tiền bạc chứ chẳng sợ thiếu văn chương.

- Phải - Cha tôi dằn giọng - Lớp người các anh bây giờ hay nói đến tiền bạc. Nhưng rồi sẽ có lúc tiền đầy lên trong túi các anh nhưng cuộc đời thì lại tẻ nhạt vô cùng nếu anh vẫn có quan niệm như thế.

Trong số bạn bè của tôi, Khiếu là người được ông quý nhất. Ông vẫn bảo bọn nhà văn là những kẻ trong sạch. Lỗi lầm của họ thường ở sự xúc động bất thường và tính đa cảm.

Sau cuộc nói chuyện với tôi, cha tôi tỏ ra rất buồn. Ông ngồi hàng giờ trước bản thảo của Khiếu. Cặp mắt ông dõi vào trời đêm. sương mù giăng giăng. Trong ánh điện huy hoàng của đường phố những năm cải tổ, lớp sương mỏng trở nên huyền ảo, mênh mông.

Tôi sợ hãi khi thấy nước mắt ông từ từ chảy ra. Trên hai gò má của một người đã kinh trải qua năm cuộc chiến tranh đánh giặc, những mụn tàn hương nổi lên như dấu khắc vào thời gian của bao nhiêu gian khổ, đau buồn và cả những niềm sướng vui hạnh phúc. Giờ đây chúng quyện với nhau hòa tan trong dòng nước mắt của ông. Nó thành dòng suối cuộc đời.

Tôi bỗng hốt hoảng nhớ tới lời anh Lập:

- Đã nhiều tháng nay ba ở trong tình trạng thất thường như thế. Có lúc ba tỉnh táo thì sáng suốt và minh mẫn hơn người thường. Có lúc bị tác động một việc gì đó ba ngồi thẫn thờ hàng giờ trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Thủ máu xét nghiệm, bác sĩ bảo ba bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ thời vào Nam trong chiến tranh. Cần giữ gìn để tránh đột tử.

Lòng đầy ân hận, tôi im lặng nhìn cha tôi. Bóng ông in lên vách tường. Cái bóng ấy bao năm tháng mưa bom bão đạn luôn chở che cho mấy anh em tôi. Cái bóng ấy là sức mạnh dẻo dai nối liền mấy thế hệ của dòng họ Nguyễn Hữu. Bao nhiêu bom đạn, bao nhiêu sóng gió cuộc đời không đè cái bóng ấy xuống được. Lẽ nào chỉ có câu chuyện tầm phào của tôi với ông lại làm cho cái bóng ấy sụp đổ.

Mắt tôi mờ nhòe theo dòng ý nghĩ. Cái bóng đang tư từ nghiêng xuống chân tường. Một luồng khói đặc từ chỗ ông ngồi bốc lên, đặc quánh như làn sương tiết giữa đông. Hình ông tự nhiên biến mất. Hiện lên là một ông già râu tóc bạc trắng như cước, đầu đội mũ chóp đỏ. Quanh vành tai và hai bên thái dương loăn xoăn một lớp tóc dày. Ông già này giống hệt ông nội tôi, quan huyện Nguyễn Hữu Tước, người rắp tâm theo cách mạng mà mưu sự không thành, phải chết cuộc đời thật oan uổng.

Tôi không hề biết là đã bao đêm cha tôi ngồi tâm tình với Khiếu. Những tình cảm sâu nặng của ông với cách mạng đã lan tỏa sang trang viết của cậu ta, truyền cho cậu ta hơi thở mãnh liệt của cuộc đời. Lẽ ra tôi phải cổ vũ, phải ủng hộ Khiếu mới phải. Tôi đã không làm thế lại còn bài bác, châm biếm. Cha tôi không buồn sao được? Thế nào ông chả nghĩ: "Thằng mất dạy, ngươi chỉ nghĩ đến tiền. Nếu lớp người như chúng tao trước đây cũng vậy thì lấy đâu có một xã tắc như ngày hôm nay. Lấy đâu có một quốc gia độc lập để chúng bay được tự do thả sức làm giàu? Sẽ mãi mãi cho cháu con là kiếp tôi đòi, nô lệ, phụ thuộc vào ngoại bang...".

Chính vì ân hận nên tôi lần mò đọc bằng được các trang nhật ký cha tôi viết rải rác ở nhiều cuốn sổ khác nhau. Sau này tôi mới hiểu tại sao lớp người như cha tôi lại có cốt cách kiểu như vậy.

Powered by Froala Editor