Viện phương đông

3 năm trước

"Các con đại tá " - Tiểu thuyết (2 tập) của nhà văn Hữu Đạt, Nxb QĐND

(7) Thực ra tôi rất trân trọng những người làm nghề văn. Đầu óc tôi không đến nỗi đần độn để không hiểu rằng chính họ là người góp phần bảo tồn và giao chuyển những kiến thức xã hội đồ sộ của nhân loại một cách có ích nhất. Nhưng cũng chính vì là một kẻ hay xúc động nên tôi thấy thương cảnh ngộ của Khiếu mà nói với cha tôi những lời khiến ông rất buồn. Có lẽ ông nghĩ lầm rằng nước Nga đã làm tha hóa tâm hồn tôi. Và, tôi, một người ông nuôi nhiều hy vọng có thể kế nghiệp sự học hành và nỗi khát vọng thời tuổi trẻ của ông đã không trở thành người lý tưởng như ông muốn. Điều đó tác động mạnh đến tư tưởng của ông khiến căn bệnh trong ông tái phát. Gia đình tôi xảy ra một cuộc tranh cãi kịch liệt. Mẹ tôi bảo nên đưa ông về quê, tức làng Cổ Thanh để bà chăm sóc ông. Tuổi già cần tĩnh dưỡng nơi vắng vẻ, có hoa cỏ thiên nhiên, có vẻ đẹp của núi sông, trời đất. Quanh năm ru rú ở phố phường chỉ làm cho con người ta khô cằn và héo hắt đi.

Powered by Froala Editor

 (7)

Nếu sông bằng nước phẳng thì cha tôi sẽ xuất dương theo sự giới thiệu của cha Đuýtxoa và theo bố trí của tổ chức thì ông trở thành điệp báo tương lai hoạt động ở chiến tuyến bên kia. Nhưng tình thế đảo ngược sau cái lần cậu Cỏn bị đội Ngật giết.

Trong dinh, cậu Cỏn là đứa ở nhưng cũng là người thân tín với quan huyện Nguyễn Hữu Tước nhất, sau chị Quyên. Cậu đã báo cho ông biết những gì, chỉ riêng có ông biết, rồi ông im lặng mang sang bên kia nấm mồ.

Sau khi chôn Cỏn được ba ngày, quan huyện lăn ra ốm. Những ngày quan huyện ốm, cha Đuýtxoa vẫn xuống thăm. Cha Đuýt nói với ông huyện là việc gửi cậu Nguyễn Thụ Hưởng sang bên kia đại dương học chỉ còn là chuyện nay mai. Theo thư trả lời của Đức Giáo chủ, cậu Hưởng sẽ nhận được người cha đỡ đầu là Jon Mác Cơn, người Mỹ gốc Ba Lan. Mọi việc ăn học ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ do Jon Mác Cơn sắp xếp. Chỉ cần cha Đuýtxoa thẩm tra cho thật kỹ phẩm chất và nguồn gốc của cậu Hưởng với lời đảm bảo bằng vàng.

Ông huyện rất cảm kích nắm lấy bàn tay đức cha. Ông nghĩ rằng ông đã gặp may. Đời ông dù trải qua gian khổ thế nào nhưng con cái được học hành thì ông cũng hả.

Trong lúc ông đang nuôi kỳ vọng về cậu Hưởng thì cũng là lúc đội Ngật có ảo vọng tương lai về cậu con trai Nguyễn Hữu Hùng. Bây giờ chắc chỉ còn có bà huyện và gã biết, về danh chính ngôn thuận Hùng là con cả của ông huyện. Còn thực tình Hùng lại là sản phẩm của thứ tình yêu đặc biệt giữa hai người.

Đội Ngật bảo:

- Tôi xem ý ít lâu nay ngài huyện chơi thân với cha Đuýtxoa lắm. Cha lại là người có thế lực lớn trong giới người Pháp. Bà phải tìm cách ép bằng được ngài huyện cho gửi thằng con trai chúng ta sang Pháp hoặc Hoa Kỳ. Nó sẽ là niềm hy vọng lớn của chúng ta.

Bà huyện chép miệng thở dài:

- Nhưng trong ba đứa thì ông huyện nhà tôi xem chừng quý thằng Hưởng hơn cả. Nó lại là cậu bé học giỏi, thông minh.

- Xì - Đội Ngật gạt tay - Hãy vứt bỏ cái sự học giỏi thông minh ấy đi. Bà phải ép rằng, dù sao thằng Hùng cũng là trưởng nam của ngài. Nó là người nối dõi tông đường, bảo tồn dòng họ Nguyễn Hữu chứ không phải là ai khác.

Bà huyện như kẻ chết đuối vớ được cọc. Chuyện đơn giản có thế mà sao bà lại u mê không biết? Bà liền nắm lấy cái của ông đội mà thốt lên:

- Rõ là cái đồ dâm dê. Đã được sướng cái của nợ lại còn muốn chiếm đoạt tất cả của dòng họ người ta.

Đội Ngật cười ha hả:

- Khốn nỗi lũ các bà lại chỉ thích những kẻ dâm dê nên cuộc đời mới hay lộn xộn như thế. Thôi nào, đồ khỉ gió, lại làm cho người ta hứng tình lên rồi.

Hai người quần đảo với nhau một hồi. Đội Ngật gác cái chân đầy lông xương xảu lên đùi bà huyện, nỉ non:

- Tất cả tôi chỉ còn trông chờ vào tài chinh phục của em thôi. Hiện nay tôi chưa thể xuất đầu lộ diện để đối đầu với ngài huyện được. Nhưng dù sớm hay muộn thì vẫn phải tìm mọi cách đưa thằng Hùng đến đỉnh tương lai của nó.

Bà huyện nép khuôn mặt lên vồng ngực có một vết sẹo lớn của gã đội. Chính bà cũng chẳng hiểu tại sao bà lại đam mê cái gã lính tráng có khuôn mặt rất gân guốc này trong khi ngài huyện là một người vừa đẹp lại vừa tao nhã.

Hai hôm sau đó, lựa lúc ông huyện vãn bớt công việc, bà mới đề nghị:

- Tôi muốn nói với cậu một việc.

- Việc gì, mợ cứ nói.

- Việc thằng Hùng.

- Nó làm chuyện gì phiền lòng đến mợ à?

- Không. Nó là một đứa con ngoan, có hiếu, thật xứng đáng với trưởng nam của dòng họ Nguyễn Hữu nhà ta.

Ông huyện im lặng, không biểu lộ thái độ gì.

- Ít lâu nay cậu vẫn đi lại với cha Đuýtxoa. Cứ xem cung cách thì tôi hiểu cậu và cha Đuýt thật tâm đầu ý hợp với nhau lắm. Cho nên tôi mới trộm nghĩ hay là cậu ngỏ lời với cha Đuýtxoa cho mình gửi thằng Hùng sang Pháp quốc hay Hoa Kỳ học.

Ông huyện trầm ngâm.

- Việc chăm lo đến con cái tôi đã tính. Thằng Hùng là đứa lười biếng, chỉ mải ăn chơi, làm sao có đủ chữ nghĩa để đi du học. Trong ba đứa, có chăng...

Ông chưa nói hết câu, bà huyện đã chộp lấy:

- Thằng Hưởng chứ gì? Tôi biết ngay mà, từ ngày có nó là cậu ruồng rẫy mẹ con tôi. Cậu đã quên hết tình xưa nghĩa cũ. Cậu thích bỏ trưởng nam, trọng thứ. Như vậy có còn là tấm gương của bậc cha mẹ dân và trưởng dòng tộc này?

Ông huyện thấy cay đắng trong lòng. Nỗi cay đắng mà suốt đời ông phải chịu đựng. Chuyện tình từ xưa đến nay, chẳng bắt tận tay chẳng day tận mặt thì có làm gì được? Cay đắng đấy. Chua chát đấy. Nhưng ông không có chứng cớ gì để nói nó không phải là con ông. Thời nào chả vậy. Quan có dăm bảy đường quan. Dân có năm bảy đường dân. Ông đâu phải là thứ quan ô trọc, chỉ quen đục khoét dân lành. Ông là người giàu tình thương yêu, trọng đạo nghĩa. Chả thế mà bất cứ làm việc gì có liên quan đến bà Cả ông đều phải hỏi ý kiến nhạc phụ - cụ huyện Hoàng Cát Tường. Với ông, cụ Tường cũng là người cha đẻ thứ hai. Đó là một bậc túc nho mà ông suốt đời kính trọng.

Cụ Tường vốn là bạn trai tri kỷ của cụ thân sinh ra ông - cụ đồ Nguyễn Hữu Vui. Ngày trước hai cụ cùng học với nhau, cũng là những người đứng giỏi nhất hàng huyện. Trước lần đi thi Hội, cụ Vui chẳng may mắc bệnh ngã ra ốm. Cụ Chết đúng vào ngày cụ Tường có tên trong hàng khoa bảng và được bổ về huyện Thất Phù làm quan. Thương con trai của bạn là đứa bé thông minh lại chịu thương chịu khó, cụ Tường tìm cách đưa con trai bạn về huyện Thất Phù nuôi cho ăn học. Đến khi thành người cụ lại gả con gái yêu của mình cho thành gia thất.

Ông huyện lấy bà Cả vì tình nghĩa chứ không phải tình yêu. Ông biết rõ ngay từ thuở mới lớn, bà Cả là một thanh nữ rất lẳng lơ, thích chơi bời du đãng. Ông tin là có một ngày nào đó, ông sẽ cảm hóa được bà.

Một cặp vợ chồng vốn chẳng tha thiết yêu nhau, ngay cả lúc làm tình cũng vì trách nhiệm. Hơn nữa người vợ lại là kẻ hay chung chạ thì việc sinh con đâu phải là chuyện dễ. Đã hai năm từ ngày hợp hôn vợ ông huyện chẳng thấy có một dấu hiệu gì. Cụ Cát Tường bà sốt ruột bảo con gái:

- Mày phải xem chạy chữa thế nào chứ. Suốt hai năm đẻ chả thấy đẻ chỉ thấy đái thì nước non gì.

Cụ huyện Thất Phù bắt đầu thấy lo. Cụ càng thương chàng rể đức độ, lại càng thấy ái ngại cho hoàn cảnh con gái. Cụ bàn cách lấy bà lẽ cho ông huyện.

Thời gian ấy bà huyện đã đi lại với Ngật, trước là lính hầu ở dinh phủ mới thăng lên chức đội, đóng quân ở đồn Thất Yên. Vì cho là mình không thể có con nên bà cứ để cho quan đội thả sức hoành hành trên cái cơ thể rất đỗi cường tráng của bà. Nào ngờ bà gặp may. Cậu cả Nguyễn Hữu Hùng ra đời trong cái thế rất oái oăm ấy.

Thế là trong một năm ông huyện bắt được cùng một lúc hai cậu con trai. Cụ bà Cát Tường bảo:

- Nhà anh thế là đại phúc. Vận đời mãi rồi cũng đến lúc phát đạt.

Cái phúc ấy sau này đối với ông trở thành cái họa.

Ông huyện bỗng đổi hướng:

- Ấy là tôi nghĩ thế. Xét cho cùng thì đâu cứ phải đi du học nước ngoài mới thành tài? Người có trí, có đức thì dù ở đâu cũng thành đạt vậy.

Ông huyện biết, nếu để cho cậu Ba theo cha Đuýtxoa thì gia đình ông sẽ đến chỗ rối ren. Thói đời hay ghen tỵ, rồi đến lúc chính các bà sẽ cắn xé lẫn nhau. Ông đành nghĩ đến hướng khác, tìm cách cho Hưởng về Hà Nội.

Kế hoạch đi du học của cậu Hưởng bị hủy bỏ. Người mừng nhất là chị Quyên. Chị bảo:

- Tương lai cách mệnh của nước nhà ở đâu cũng cần người. Trong tình hình mới, tổ chức có những người như cậu ở bên cạnh là cần thiết lắm.

Theo sự phân công của anh Tám, chị Quyên là người trực tiếp bồi dưỡng và giúp đỡ cậu Ba. Cậu được chọn làm nòng cốt để phát triển lực lượng trong phong trào học sinh, sinh viên. Mặt khác, cậu còn được tổ chức tin cậy giao cho nhiệm vụ tổ chức nhóm du kích vũ trang liên xã gồm làng Cợi, làng Cù, làng Quay, làng Kển và vùng giáp chân núi. Trong một cuộc họp bí mật được tiến hành vào đêm hăm ba tháng chạp năm ấy, một niềm vui bất ngờ khiến cậu Ba bồi hồi ghi vào những trang nhật ký đầu tiên: "Tôi không ngờ được gặp lại mẹ tôi trong hoàn cảnh đặc biệt này. Hóa ra mẹ tôi đã trở thành người chỉ huy Việt Minh ở làng Cợi. Hạnh phúc đó đối với tôi lớn lao quá, thiêng liêng quá. Tôi không còn tin ở mắt mình. Rõ ràng là mẹ tôi hiện lên bằng xương bằng thịt. Bây giờ tôi càng hiểu thêm lời nói của chị Quyên: "Việt Minh có mặt ở khắp mọi nơi. Việt Minh ở ngay trong lòng của mỗi người".

Đêm hôm ấy, trong một ngôi nhà tranh ở cuối làng Cù, cuộc họp vừa tan. Qua hai lỗ thủng của chiếc bao tải chụp trên đầu, cậu Ba thấy một người cứ nấn ná như muốn ở lại. Chiếc bao tải trùm quá thắt lưng của người đồng chí làm cho cậu Ba chỉ nhận được đó là một người đàn bà. Cậu hỏi:

- Đồng chí còn có điều gì chưa thông suốt phải không?

Người đó ngập ngừng:

- Đồng chí cứ nói đi, đừng ngại. Nếu có vấn đề gì lớn tôi không giải quyết nổi sẽ có đồng chí thượng cấp T4[1] giải quyết.

Đúng rồi. Thượng cấp đúng là thằng Hưởng con trai tôi. Có lẽ nào tôi nhầm được? Giọng nói ấy, dáng đi ấy... thảo nào mà bấy lâu nay không thấy nó về.

Người đàn bà tiến gần đến cái bao tải mà ở đó phát ra một giọng nói thân quen trong suốt cuộc họp làm bà hồi hộp, bán tín bán nghi. Đến lúc này khi bà quyết định không thể có sự lầm lẫn được nữa. Bà hỏi:

- Xin lỗi đồng chí thượng cấp, có phải đồng chí cũng là người làng Cợi ta?

Cái bao tải bị hất tung ra. Hiện lên trong ánh đèn dầu lạc mập mờ là chàng thanh niên mảnh dẻ nhưng khuôn mặt cương nghị và đôi mắt rất sáng.

- Mẹ. Có đúng là mẹ của con không?

Cô bé liên lạc sững người vì ngạc nhiên. Hai mẹ con cậu Ba ôm chầm lấy nhau. Người mẹ run rẩy đưa tay lên sờ soạng từ khuôn mặt đến cánh tay của người con yêu quý. Nước mắt tràn trên má vì sung sướng, bà thốt lên.

- Ôi, con tôi lớn quá. Tôi thật không ngờ.

- Con cũng không ngờ mẹ ạ. Con sung sướng quá - Hưởng hồi hộp nói - Thế là mẹ con mình thành đồng chí của nhau.

- Và con còn là thượng cấp của mẹ. Mẹ con mình sẽ cùng giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Mẹ có đồng ý thế không?

- Sao lại không? - người mẹ mỉm cười - Chả lẽ anh lại còn không tin ở mẹ ư?

Lần đầu tiên người mẹ gọi cậu Hưởng bằng tiếng "anh" Hưởng cảm nhận thấy trong con mắt của bà, Hưởng đã là một người khác - một người đã trưởng thành.

- Cha con có khỏe không? - Người mẹ hỏi.

- Cha con khỏe, nhưng ít khi được vui mẹ ạ. Nét mặt lúc nào cũng buồn buồn.

- Buồn là phải - Giọng mẹ xa xôi - Cha con là một vị quan có lòng ái quốc nhưng lại bị bộ máy quan lại của chế độ thực dân phong kiến ràng buộc. Trong tình thế bây giờ hẳn là đang có nhiều dao động hoang mang.

Hưởng im lặng không nói gì. Người mẹ nói, gần như chỉ thị:

- Con phải cứu lấy cha con, đừng để mất. Không phải vị quan nào cũng là tay sai của giặc cả.

- Con hiểu.

- Với con, mẹ nói thật. Mẹ đã cho người móc nối để lôi kéo thông qua chị Quyên. Theo mẹ, đây là một người tốt, đáng tin cậy con ạ.

Suýt nữa thì Hưởng thốt lên "đó chính là thượng cấp của cobn". Nhưng chợt nhớ đến nguyên tắc tổ chức, Hưởng đành nén lòng mình lại.

Trước khi Hưởng ra đi, mẹ cậu còn giành cho cậu một món quà thật bất ngờ. Chỉ sau lúc ra ngoài có mấy phút bà đã đưa một thanh niên vào đứng trước mặt Hưởng. Cậu kêu lên:

- Lê Quốc Tính.

- Hưởng.

Hai anh bạn nối khố thuở nhỏ lao vào nhau. Lê Quốc Tính sôi nổi đội cả người bạn lên vai, quay một vòng tròn.

- Bây giờ mày là chỉ huy của tao. Tao sung sướng quá.

- Chúng mình bao giờ cũng là bạn bè. Mãi mãi sẽ như thế.

- Tao tin ở phong trào làng Cợi lắm - Tính nói - Nếu bao giờ có súng, phải ưu tiên cho làng Cợi đầu tiên. Nhớ chưa?

- Nhớ. Thế thằng Phu đau rồi? Nó không ở trong Việt Minh à?

Lê Quốc Tính chửi đổng:

- Mẹ kiếp, nó theo chân tổng Hợi làm tay sai cho Nhật rồi. Dạo này đội Ngật ở trên hay về làng, cùng với tổng Hợi và thằng Phu lung bắt Việt Minh. Nó đã gây nhiều tổn hại cho phong trào làng Cù, làng Quay. Nhưng làng Cợi thì chưa gây được thiệt hại gì.

Giọng Hưởng rất buồn:

- Thật không ngờ. Ba đứa mình ngày bé chơi với nhau thân thiết là thế, bây giờ bị sẻ làm ba. Thằng Phu thế là theo giặc hẳn rồi. Có cách nào lôi kéo nó trở lại?

- Tao đã gặp nó hai lần để thuyết phục. Chính vì thế nên mới bị lộ, lại suýt thiệt mạng nữa. Từ đó ban ngày chả bao giờ tao còn dám bén mảng về làng. Chỉ về vào ban đêm và lấy nhà mẹ mày làm cơ sở.

- Tao sẽ gặp thằng Phu, tìm cách thuyết phục nó.

- Không được - Tính can ngăn - Mày không được mạo hiểm. Mày là linh hồn của phong trào mấy xã này. Phải biết giữ gìn.

Cô liên lạc vào báo hết giờ. Đó là một cô gái dáng tầm thước, khuôn mặt tròn, tên là Hằng.

- Giới thiệu với Hằng, đây là anh Hưởng, bạn tôi và là thượng cấp của chúng ta.

- Em biết rồi - Cô tủm tỉm cười, kín đáo đưa cặp mắt nhìn lên khuôn mặt của chàng trai trẻ. Cô có cảm tình ngay từ phút đầu gặp gỡ với khuôn mặt kiên nghị ấy. Trong lúc đó Tính say sưa ngắm nhìn cô. Từ lâu Tính đã thầm yêu người con gái làng Cù rất đỗi nết na này.

*

Thực ra tôi rất trân trọng những người làm nghề văn. Đầu óc tôi không đến nỗi đần độn để không hiểu rằng chính họ là người góp phần bảo tồn và giao chuyển những kiến thức xã hội đồ sộ của nhân loại một cách có ích nhất. Nhưng cũng chính vì là một kẻ hay xúc động nên tôi thấy thương cảnh ngộ của Khiếu mà nói với cha tôi những lời khiến ông rất buồn. Có lẽ ông nghĩ lầm rằng nước Nga đã làm tha hóa tâm hồn tôi. Và, tôi, một người ông nuôi nhiều hy vọng có thể kế nghiệp sự học hành và nỗi khát vọng thời tuổi trẻ của ông đã không trở thành người lý tưởng như ông muốn. Điều đó tác động mạnh đến tư tưởng của ông khiến căn bệnh trong ông tái phát. Gia đình tôi xảy ra một cuộc tranh cãi kịch liệt. Mẹ tôi bảo nên đưa ông về quê, tức làng Cổ Thanh để bà chăm sóc ông. Tuổi già cần tĩnh dưỡng nơi vắng vẻ, có hoa cỏ thiên nhiên, có vẻ đẹp của núi sông, trời đất. Quanh năm ru rú ở phố phường chỉ làm cho con người ta khô cằn và héo hắt đi.

Anh em chúng tôi bàn nhau tuyệt đối không cho mẹ tôi và ngay cả cha tôi biết là máu ông đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Điều đó không có lợi gì ngoài việc đem nỗi lo buồn cho tuổi già các cụ. Cô Năm ở Ôtxtrâylia viết thư và gửi cả điện báo về yêu cầu các anh thu xếp để đưa cha tôi sang bên đó điều dưỡng. Tất cả phí tổn sẽ do vợ chồng cô gánh vác hết. Cô cố thuyết phục, ở bên đó khí hậu tốt, phương tiện thuốc thang đầy đủ.

Tôi thấy phân vân. Có lẽ phần nào tôi đã bị nhiễm cách nghĩ của người Âu châu. Theo tôi, cha mẹ tuổi già cứ để các cụ sống nơi nào sung sướng là tốt hơn cả. Mẹ tôi thì không tán thành. Bà nói dù cha tôi có chết cũng phải chết ở quê nhà. Không đời nào bà chịu cho con cái đem nắm xương khô của ông chôn trên đất khách quê người.

Còn bà thì dứt khoát dù sang Ôtxtrâylia sống trên đống vàng bà cũng không đi. Bà đã nghe sự thuyết phục của chồng con cho cô Năm sang bên đó là sự nhân nhượng đến tột cùng rồi.

Việt, anh cả tôi ở Sài Gòn nhận được điện nhưng đang bị ốm không ra được. Ý kiến trong gia đình phân tán lung tung. Cha tôi cả quyết ông sẽ trở về làng Cợi để sống những người cuối đời trong túp lều của mẹ ông. Ông bảo đời người chỉ có ý nghĩa thực sự khi lúc nhắm mắt được trở về nơi chôn rau cắt rốn. Vợ chồng Được thì khóc lóc xin được đưa ông về chăm dưỡng ở làng Cổ Thanh, nơi ông đã có nhiều kỷ niệm máu thịt của đời mình.

Cuối cùng tôi thấy ý kiến nào cũng phải. Có phải đến thời đại chúng tôi thì đâu cũng là quê hương? Tôi bàn với Được và Lập:

- Hay là cứ để mẹ cùng với ba về làng Cợi. Anh em mình mỗi người góp một ít tiền xây lại cái nhà mới cho các cụ.

Chị Việt cũng ngồi họp, liền phản ứng:

- Các chú nói vậy sao có được? Các cụ còn con, còn cháu. Bây giờ để hai cụ về tận cái làng quê xa xôi thế, sống tách biệt, sao con cái đang tâm? Chí ít ra ở Hà Nội các cụ còn gặp con gặp cháu luôn luôn.

Trong lúc chúng tôi đang bàn với nhau thì ở phòng ngoài mẹ tôi vẫn sụt sịt khóc. Đã hai ngày nay cha tôi không nói năng gì. Tới bữa ông chỉ ăn uống qua loa khi thì lưng bát cháo, khi thì cốc sữa. Ban ngày ông ngồi lặng lẽ hàng giờ bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời, thẫn thờ nhìn những tia nắng nhảy nhót trên mấy chậu cây cảnh. Tôi len lét nhìn ông và bỗng nhớ trong một đoạn hồi ký ông viết về cái sân nhỏ ở thị xã, hồi ông đi học cùng với hai người anh. Tôi biết ông rất thích loại hoa mộc lan. Giống hoa này cánh trắng, nhỏ hơn cả hoa nhài. Mỗi lần nở nó tỏa ra mùi hương đặc biệt, thơm dìu dịu như thấm dần mãi vào đầu lưỡi. Tôi phải vào tận nhà bác Tính xin cô Hồng một cành mộc lan đang sắp nở về lén đặt ở trước cửa sổ, hy vọng ông nhớ về những kỷ niệm đẹp đẽ gắn bó từ thời hoạt động cách mạng mà bỏ quá cho con cái những điều không phải hôm nay.

Lập bảo tôi:

- Đã nhiều lần ba ngồi thẫn thờ như thế. Không nói, không nghĩ, chỉ nhìn. Tâm thức ba như ở tận đâu đâu. Có lúc đột nhiên ba lại vui vẻ, nói chuyện rất nhiều, kể cho mẹ nghe những kỷ niệm xa lắc xa lơ và cao hứng cười phá lên làm cho mẹ rất sợ. Mẹ bảo có lẽ thời trẻ ông chịu đựng bom đạn quá nhiều nên ảnh hưởng lúc về già.

- Nhưng ở nhà có theo dõi chu kỳ tái phát căn bệnh đó không?

- Không có chu kỳ. Lần ba nặng nhất anh đưa vào một trăm linh tám. Bác sĩ ở đó xét nghiệm máu hai lần đều kết luận máu ba bị nhiễm chất độc màu da cam. Nhưng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên nếu không giữ gìn, tránh những kích động mạnh về thần kinh thì rất có thể bệnh sẽ gia tăng do thể lực về già mỗi lúc một yếu.

Tôi buồn bã rít một điếu thuốc. Lập tiếp:

- Đối với ba, quá khứ là một khúc bi thương trong hùng tráng, mất mát trong huy hoàng. Đó là điều mà ba tự hào. Vì vậy con cháu ai mà xúc phạm đến nó, dù nặng hay nhẹ thì đều gây tổn thương cho ba. Anh em ta giờ đều đã trưởng thành, ba không nỡ cầm roi đánh như ngày còn nhỏ nên phản ứng tiêu cực bằng cách đó.

Tôi hiểu ý Lập đang phê bình nhẹ tôi. Tôi cũng chẳng nghĩ là có lúc mình lại ngu dại đến thế. Tất cả chỉ vì sự thật thà. Tôi không muốn lúc tuổi già ba tôi lại nghĩ ngợi nhiều về chiến tranh. Mặt khác không muốn động viên Khiếu vào con đường văn chương đầy gian nan và rắc rối. Tôi đã phạm một sai lầm lớn về nhận thức.

Buổi chiều tối, Khiếu đến. Khiếu đi một cái xe đạp cũ, đằng sau có lai mấy cuốn sách và một tờ báo đọc dở, chằng bằng dây gai. Phía trước treo lủng lẳng một cái túi nhựa ni lông. Nhìn thấy Khiếu ở cổng, tôi chạy ra:

- Cậu ở nhà đến hay đi đâu về?

- Mình qua chỗ tòa soạn. Tiện thể ghé qua hiệu sách mua mấy cuốn. Nghe tin bác không được khỏe lắm, mình đến thăm.

Tôi đỡ lấy chiếc ghi đông trên tay Khiếu. Khiếu vào nhà, đi thẳng vào phòng cha tôi.

- Bác ạ.

- Cháu đấy à. Vào đây với bác, Khiếu.

Tôi thấy cha tôi tươi tỉnh hẳn lên. Khiếu rút từ trong túi ra một nải chuối và mấy quả cam.

- Cháu nghe tin bác bị mệt, đến thăm bác, có chút quà biếu bác gọi là...

Cha tôi xua tay:

- Thỉnh thoảng cháu đến chơi với bác là quý hóa lắm rồi. Đừng bày vẽ quá như thế.

- Chả có gì đâu bác ạ.

- Chả có gì là thế nào? - Ông nói - cũng đều phải tiền cả. Mà hoàn cảnh của cháu, bác biết. Lấy đâu ra?

Khiếu nhũn nhặn:

- Bác đừng quan tâm đến những chuyện lặt vặt ấy. Miễn bác khỏe là cháu vui rồi.

Tôi không còn nhìn thấy ở ông là một con bệnh. Ông đứng dậy kéo ghế mời Khiếu.

- Chắc là thằng Lập nhà bác lại nói gì với cháu phải không?

- Vâng. Anh ấy nói mấy bữa nay bác không được khỏe. Từ ngày Muôn về phép cháu cũng đâm lười, ít lui tới thăm bác. Thật đáng trách quá.

- Bác nghĩ mà buồn về nó lắm - Cha tôi chép miệng - Giá nó được như cháu thì bác thật nhẹ mình. Bấy nhiêu tuổi đầu vợ con chẳng lấy. Học hành nghiên cứu thì cũng chửa đâu vào đâu. Bác sợ khéo nước Nga làm hỏng nó mất.

Khiếu an ủi cha tôi:

- Nước Nga hiện nay tuy có lộn xộn về chính trị, nhưng chỉ là nhất thời. Về khoa học đó vẫn là một đất nước mà thế giới này phải kính nể. Cháu nghĩ tương lai của thế kỷ tới trái đất chúng ta vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của các nước như Nga và Mỹ đâu.

Tôi lắng tai nghe hai bác cháu nhà cựu chiến binh đàm luận về thời cuộc lòng thầm nghĩ: Nước Việt vững bền là phải. Cuộc cải tổ ở Việt Nam tiến vững chắc từng bước là phải khi thời hậu chiến vẫn còn có các sĩ quan sống đầy nhiệt huyết như thế này.

Có một cái gì đó làm cho tôi xấu hổ không dám bước chân vào. So với tôi, cha tôi và Khiếu thật trong sáng quá. Họ cảm thấy rất yên tâm và thanh thản với cuộc sống của mình. Còn tôi lúc nào cũng thấp thỏm, lo lắng. Tôi chưa biết mình sẽ đi đến đâu. Trong tôi, quả đáng tội, vẫn thấp thoáng một giấc mơ làm giàu. Giấc mơ đó có lúc như làn sương mù phủ lên luận án, có lúc lại tan ra như bọt bóng xà phòng.

*


[1]. Mật danh của anh Tám.

Powered by Froala Editor