Viện phương đông

3 năm trước

Cổng trường Thời mở cửa (1) - Tiểu thuyết của Hữu Đạt, Nxb CAND.

Cổng tr­ường thời mở cửa là bộ tiểu thuyết phản ánh những biến động to lớn trong môi trư­ờng giáo dục hiện đại. Trong đó có những vấn đề  nổi cộm như: thi cử, tuyển sinh, đào tạo ở bậc cử nhân và đại học trong giai đoạn hiện nay. 

 Nghe nói, Nga con một vị Viện phó viện N. Nhà giàu. Tính thích ăn diện. Tài tử…Nga là hình mẫu điển hình cho con gái Hà Thành thời đại mới.

Một hôm, trong giờ ra chơi, Hương hỏi Nga:

- Đằng ấy định tốt nghiệp xong thì đi làm nghiên cứu hay chạy ngang?

Nga nhún vai, hồn nhiên đáp:

- Động rồ mà đi làm nghiên cứu hả bạn? Bạn không biết sao, cái viện nghiên cứu của ba tớ toàn những anh, những ả ngây ngây chẳng ra thế nào cả. Người nào nom có vẻ một tý thì bụng đầy mưu mô, chỉ toan tính những việc ám hại lẫn nhau. Nhìn thấy họ là tớ phát ngán lên được.


Powered by Froala Editor

Cổng trường thời mở cửa

Tiểu thuyết đã dựng thành  phim dài tập của Hữu Đạt

( Nxb QĐND)

 


 

                                             (1)

          Hương đạp xe như bay về nhà. Chưa bao giờ cô thấy mình vui đến thế. Vừa dựng xe vào sân là cô đã hét vang:

          - Mẹ, mẹ ơi. Con đỗ rồi.

           Người mẹ từ trong trái bếp lụp sụp bước ra, tay cầm cái que sắt chọc bếp than.

          - Thật không hả con?

          - Thật mẹ ạ - Hương đáp - Giấy báo con nhập trường đây này.

          Không còn nghi ngờ gì nữa. Ước mơ mà bấy lâu nay bà vẫn mong mỏi đã thành sự thật rồi. Bà mừng quýnh lên.

- Con sang gọi bố về đi! Chắc là bố con đang uống rượu bên quán bà Thiềng.

          Hương nhảy tưng tưng như chú chim non:

          - Anh Hải con chưa về hả mẹ ?

          - Chưa! Có lẽ hôm nay nó ở trong đó cả ngày.

          Hương chạy vụt đi. Cô không để ý, sau lúc nụ cười trên môi mẹ vụt tắt là nỗi lo ám ảnh đã bắt đầu ùa đến phủ lên khuôn mặt héo hắt của bà. Trong các phụ nữ sống trên đất mỏ, bà là người dường như lam mũ nhất. Quanh năm, ít ai có thể nhìn thấy bà được sống thanh nhàn trong những phút nghỉ ngơi. Có lẽ, chỉ có ba ngày tết  người ta mới thấy bà mặc bộ quần áo mới đôi lúc ngồi bên cái bàn gỗ mọt tiếp người thân và hàng xóm láng giếng đến chúc tụng. Còn lại, ngày nào cũng như tháng nào, bà vắt mình lăn lộn trong những công việc bà dằn để làm lụng, chắt cặn từng đồng nuôi chồng nuôi con. Chồng bà, một phu mỏ nổi tiếng là người giỏi đào than nhưng cũng là con sâu rượu có hạng. Ông có thể uống liên tục từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối mà không biết chán. Đối với ông, rượu như là một người bạn tri âm. Thiếu ăn, thiếu mặc ông có thể chịu được. Nhưng thiếu rượu là điều không thể.

          Đúng như mẹ nói, Hương sang quán bà Thiềng thì gặp bố cô đang uống với hai công nhân. Trước mặt họ chỉ có đĩa lạc rang và mấy quả chuối xanh chấm ớt, nhưng câu chuyện lại hào hứng một cách kỳ lạ. Khi Hương xuất hiện, câu chuyện tạm dừng lại giây lát.

          - Bố, bố ơi. Bố về nhà đi. Con đỗ đại học rồi.

          Mặt ông Thới bừng lên tia sáng khi nghe cái thông tin kỳ diệu ấy. Ông rót thêm rượu vào ba cái chén để hai người bạn nhậu cùng cụng ly.

           - Các chú phải chúc mừng cho tôi - Ông giơ cao chén lên - Cuộc đời thằng phu mỏ có con vào đại học là hạnh phúc nhất trên đời rôi.

          Hai người bạn rượu cũng ra rất đỗi vui mừng.

          - Chúng em mừng cho hai bác và cho cháu Hương.

          - Hôm nay tôi chiêu đãi các chú - Ông Thới móc túi trả tiền cho bà Thiềng- Tôi về, chiều nay ta lại uống tiếp nhé.

          Mặt ông Thới đỏ gay nhưng ông nói năng vẫn chưa đến mức lè nhè. Ông theo Hương về nhà khi mẹ Hương bắt đầu dọn cơm ra.

          Đó là một trong những ngày ấm cúng nhất của gia đình Hương. Thông thường, nếu không có sự kiện Hương đỗ đại học, ông Thới ít khi rời quán rượu vào thời điểm ấy. Ông đã sang quán là phải ngồi. Ngồi thật lâu. Có khi ở nhà mẹ con Hương ăn xong đã đi ngủ rồi, ông vẫn chưa về. Tính ông vốn thế, chẳng ai ngăn cản được. Mẹ Hương cũng chẳng mấy khi dám càu nhàu, bởi bà biết thói quen của ông. Lơ mơ  bà lại nếm vài cú tạt tai chưa biết chừng.

          Không khí bữa ăn trở nên sôi động khi cả nhà nhắc đến việc học hành của Hương trong tương lai. Mẹ Hương thì mong Hương sau này tốt nghiệp về khu mỏ dạy học. Bố Hương thì muốn Hương sau này trở thành nhà báo. Ông nghe người ta nói, ai học ở trường Nhân văn ra cũng đều có thể trở thành nhà báo một cách dễ dàng. Chỉ có Hương là chưa dám nghĩ tới chuyện gì. Cô cảm thấy trước mắt còn là một chặng đường xa xôi. Đối với cô, cái ngành mà cô đăng ký thi tuyển quả là rất mới lạ. Thoạt đầu, cô cứ tưởng đó là ngành ngoại ngữ. Nhưng thực tế lại không phải. Nó là một nhánh của ngành Ngữ Văn, bây giờ mới được tách ra thành một chuyên ngành độc lập. Lúc mới làm hồ sơ, cô rất do dự. Song, cũng giống như nhiều bạn bè khác, cô đăng ký theo học không phải vì thấy nó hay mà vì thấy năm ngoái chuyên ngành lấy điểm thấp hơn. So với ngành văn, nó kém hẳn hai điểm. Như thế, với dân tỉnh lẻ, dù sao cũng là một vấn đề.

          Bố mẹ Hương chẳng quan tâm mấy đến ngành nghề. Với họ, con vào đại học là một vinh dự và cũng là một niềm an ủi với cuộc đời lam lũ mà họ đã phải trải qua. Hương vào đại học đồng nghĩa với việc thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi cuộc đời bươn trải. Ngàn đời nay vẫn thế. Có học có hơn.

          Ăn xong ông Thới bàn với vợ: 

       Chiều nay, nhà mình phải sắm đôi mâm thắp hương kính tổ. Không rộng thì hẹp cũng phải mời được một vài người thân thiết nhất đến ăn mừng để cho con Hương đỡ tủi thân. Xong rồi, tối mai, gia đình cũng phải làm một cái tiệc trà để mời hàng xóm láng giềng, người cùng cơ quan và cả bạn bè cùng học cấp III của con Hương tới chia tay.

          Hương không ngờ mọi người lại đến chơi chúc mừng Hương đông thế. Trong cái cảnh nghèo nàn của xóm thợ, tiệc trà mừng Hương bỗng thành một sự kiện khác thường. Với các nơi khác thì không biết, người dân khu mỏ, ai có con vào được đại học thật sự là rất đáng ngẩng mặt lên cho mọi người ngưỡng mộ. Bởi, từ nhiều năm nay, phần lớn con cái cánh thợ chỉ học hết cấp II là đã bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh rồi. Học hết cấp III đã hiếm, nhưng đỗ vào đại học lại càng hiếm hơn. Bình quân, cứ năm sáu năm mới lại có một sĩ tử giành được kết quả trong kỳ thi. Năm năm trước, ở khu mỏ có một anh đỗ vào đại học văn. Thế là cả khu mỏ bừng lên. Các bậc cha mẹ ai cũng nô nức đầu tư cho con cái học hành. Nhưng sau đó mấy năm, các sĩ tử từ khu mỏ đi thi đều vác túi trở về với vẻ mặt thất vọng. Năm năm liền, chẳng có ai đạt điểm suýt soát để các bậc cha mẹ còn trông chờ vào một cơ may. Phong trào đầu tư cho con cái học hành lại lắng xuống. Người ta bảo nhau: làm thầy không bằng làm thợ. Thi cử bây giờ khó lắm, chi bằng xoá xong mù chữ, cho đi làm lại đỡ được gia đình.

          Nhà ông Thới nghèo. Chẳng mấy ai tin là Hương sẽ qua nổi lớp mười hai chứ nói gì đến đại học ? Bởi vậy, khi có tin Hương trúng tuyển thì ai nấy đều ngớ ra. Xét ra, cuộc đời ăn nhau ở sự có trí. Trông cái cô bé Hương như thế, ai nghĩ nó lại trở thành điển hình của khu mỏ.

          Ban giám đốc cũng cử người xuống nhà ông Thới chia vui. Rồi đại diện Công đoàn, đại diện khối công nhân, khối thư viện…Người ta tới chúc mừng cho Hương và vợ chồng ông Thới. Người ít thì cho Hương năm nghìn, người nhiều cho hai chục. Ai cũng nói   là cho cháu chén nước. Ông Thới rưng rưng cảm động nhận lấy những đồng bạc được chắt chiu từ những người bạn đồng nghiệp như nhận lấy những tình cảm nồng hậu nhất từ trong trái tim họ. Có lẽ đây là lần duy nhất trong cuộc đời, ông được hưởng cái hạnh phúc của sự đùm bọc yêu thương. Ông đưa tất cả số tiền bà con mừng cho vợ không thèm giữ riêng một đồng nào để uống rượu.Mẹ Hương phấn khởi lắm. Bà đem tất cả số tiền bà con mừng cho ra ngân hàng đổi lấy tiền chẵn để Hương đem đi Hà Nội.

          Đúng ngày nhập trường, hai bố con Hương ra bến xe từ sáng sớm. Mẹ Hương định nắm cho hai bố con nắm cơm nếp thật to, nhưng ông Thới bảo:

          - Thời buổi bây giờ mang cơm nắm đi thiên hạ họ cười cho. Hàng quán ở Hà Nội thiếu gì.

          Mẹ Hương thật thà:

          - Hàng quán làm gì cho nó đắt đỏ. ăn uống lại không vệ sinh nữa.

          Ông Thới nói vui:

          - Không vệ sinh ở đất Hà Nội cũng bằng chán vạn cái thứ vệ sinh ở khu mỏ nhà mình.

          Ông Thới không thích thì bà cũng không cố nài. Bà chỉ dặn dò ông có một điều:

          - Ông lên đó đừng có uống rượu mà rồi bét nhè ra bạn bè con Hương lại cười nó thì khổ.

          Ông Thới khẳng định:

          - Uống rượu thì cũng tuỳ chỗ thôi. Bà cứ yên tâm.

          Thế là hai bố con Hương khăn gói lên đường. Họ tới Hà Nội vào lúc hơn 9 giờ. Sau một chặng xe buýt, họ đã có mặt ở nơi tập trung.

          Ngày học sinh tựu trường thật là vui, nhưng cũng rất lắm cảnh ngộ. Trên một khoảng đất rộng của ký túc xá, có đến hàng mấy trăm cái xe máy xếp thành hàng dưới hàng cây. Khắp các ngả đường đi, chỗ nào cũng thấy học sinh và người nhà đi lại tấp nập với các loại trang phục sặc sỡ. Khác với cảnh tựu trường ở phổ thông, ngày tựu trường ở đại học không khác gì một ngày hội. Từ hội trường lớn ra các hàng cây, Hương thấy chỗ nào cũng có cờ, biểu ngữ chào mừng các học sinh đến tựu trường. Dọc theo hành lang và phía trước sân khấu là các bàn đón tiếp trải khăn trắng. Bàn nào cũng có hai giáo viên túc trực ghi danh sách và hướng dẫn học sinh ở những tỉnh xa làm các thủ tục giấy tờ. Riêng học sinh có hộ khẩu Hà Nội thì được tập hợp ra một khu riêng vì họ không phải làm các thủ tục cắt nhập hộ khẩu cũng như thủ tục nhập vào ký túc xá. Không cần phải quan sát kỹ, Hương cũng thấy các học sinh này có một phong cách riêng. Họ có vẻ kiêu kỳ hơn, ăn mặc cũng đa dạng hơn. Nhất là trong số họ, nhiều người lại là con cái nhà khá giả hoặc quan chức nên có xe hơi đưa đón đến tận trường. Chỉ có đám con em nông thôn là nom có vẻ nhếch nhác. Cho dù nét mặt họ có phấn khởi bao nhiêu thì sau mỗi khuôn mặt vẫn hiện lên cái dáng vẻ vất vả của đồng quê cùng sự ngơ ngác của những kẻ lần đầu tiên bước vào làm quen với cuộc sống ở chốn Hà thành.

          Sau một lúc hỏi thăm, bố con Hương tìm được dãy bàn dành cho học sinh các tỉnh ngoài. Cô nộp giấy báo, đóng tiền học phí, tiền bảo hiểm cùng những giấy tờ liên quan đến hộ khẩu hộ tịch. Bàn tiếp cô có hai giáo viên trẻ. Một là nam. người nhỏ và gầy nói giọng miền Trung. Trước ngực anh có đeo một chiếc thẻ ghi ; thạc sĩ Ngô Ngọc Tình. Một là nữ, người tầm thước, tóc ngang vai, lúc nào cũng nở trên môi một nụ cười. Đó là cử nhân Nguyễn Thị Phương Phương. Cô còn trẻ, mới tốt nghiệp nhưng được chuyển thẳng lên đào tạo tiến sĩ. Không cần nhin tấm thẻ, Hương cũng nhận ra vì Phương Phương đã xuất hiện nhiều trên các báo. Dạo Thanh Phương còn là học sinh trường chuyên Am stéc đam, cô đã được nhiều bạn trẻ biết đến vì cô là một trong các thành viên sáng lập ra tờ báo "Tuổi học trò" và là cây bút truyện ngắn được giới trẻ hâm mộ. Đến khi vào đại học, Phương Phương lại thường xuyên xuất hiện trên nhiều tờ báo và đài truyền hình Trung ương vì cô là một nữ sinh xuất sắc có nhiều thành tích học tập và tu dưỡng. Cô được bình chọn là một trong mười khuôn mặt tiêu biểu của tuổi trẻ thủ đô và là người giành được giải thưởng "Sao tháng giêng". Năm học lớp mười một, mỗi lần xem truyền hình Hương thường ngưỡng mộ Phương Phương và luôn hy vọng có ngày được gặp cô ở Hà Nội. Không ngờ, ngày tựu trường, Phương Phương lại chính là cô giáo ngồi ở dãy bàn đón tiếp Hương. Khi đưa các giấy tờ cho Phương Phương, Hương cứ nhìn chăm chắm vào khuôn mặt cô giáo trẻ mình đã từng biết nhưng chưa quen ấy. Khi đó, Phương Phương nhìn Hương trong ánh mắt tươi cười và trìu mến. Cô bảo:

          - Chắc tôi giống với một người em đã quen?

          Hương không ngờ cách nói năng thân mật của Phương Phương lại có sức lôi cuốn đến như vậy. Hương ngây người ra, trống ngực đập thình thình.

          - Thưa cô, không ạ.

          Phương Phương hơi nhướn cặp mắt lên, đôi môi mở ra. Miệng cô không khác gì đoá hoa mới nở. Hai hàm rắng trắng, nhỏ và rất đều. Chiếc răng nanh bên trái hơi khểnh làm cho khuôn miệng cô rất duyên. Thú thực, Hương chưa gặp ai có nụ cười tươi đến thế. Dường như, trong mắt cô, tất cả mọi thứ trên cuộc đời này đều đẹp đẽ, trong trẻo. Cô nói bằng giọng nhỏ nhẹ:

          - Vậy em có điều gì muốn hỏi thêm không?

          Hương lúng túng. Nói thẳng ý nghĩ của mình ra thì không tiện. Hương đành thoái thác:

          - Thưa cô, học ngành này có thích không ạ?

          Phương Phương mỉm cười:

-Thích chứ em. Thế  khi đăng ký thi đại học, em không nghiên cứu trước à ?

          Mặt Hương đỏ lên:

-Thưa cô…thú thực là đăng ký nhưng em cũng không hiểu về nó lắm. Thời học phổ thông, em rất thích môn văn học, nhưng nghe nói, điểm đầu vào quá cao mà em thì lại là dân tỉnh lẻ.

          - Em ở đâu? - Cô giáo trẻ hỏi tiếp.

          Hương không ngờ ở môi trường đại học, khoảng cách giữa thầy cô giáo và sinh viên lại gần gũi đến thế. Câu chuyện mỗi lúc một cởi mở thêm. Hương giới thiệu với cô quê Hương ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Thế là nét mặt cô giáo bừng lên vẻ mừng rỡ.

          - Vậy là em đồng hương với với tôi đấy!

          -   Cô cũng ở Cẩm Phả ạ ?

          - Không, quê ngoại tôi ở Đông Triều.

          Hương bỗng nắm chặt lấy bàn tay cô.

- Em nhớ ra rồi. Em đã đọc truyện "Quê ngoại" của cô trên tờ "Tuổi học trò"từ năm học lớp sáu. Đó là một truyện em rất yêu. Em không hiểu tại sao, thời đó cô đang còn là học sinh phổ thông mà sao cách viết của cô lại có hồn đến như vậy.

          Khi có một người nào đó khen mình trước chỗ đông người là Phương Phương rất ngại. Cô lảng sang truyện khác.

- Đấy, thời đó tôi cũng rất thích văn chương. Nhưng rồi đến năm cuối cấp tôi lại chuyển hướng thi sang ngành này.

          Câu nói tình cờ của Phương Phương làm cho Hương thấy tin tưởng hẳn. Vậy là cô đã lựa chọn đúng. Cô không còn phải băn khoăn gì nữa.

- Cô nói thế thì em yên tâm rồi. Một người giỏi văn như cô mà cũng chọn vào ngành này thì chắc hẳn nó cũng phải có sức hấp dẫn phải không ạ ?

          Phương Phương gật đầu:

-Tôi cũng nghĩ như thế. Ngành này, nếu nghiên cứu sâu cũng có nhiều sự thú vị.

          Vì cô Phương Phương còn phải tiếp nhiều học sinh mới tới nên Hương không trò chuyện được lâu. Cô chuyển sang dãy bàn làm thủ tục xin chuyển vào ký túc xá. Theo nguyên tắc, các học sinh không thuộc chế độ ưu tiên sẽ phải chuyển ra thuê trọ ở ngoài. Nhưng Hương là con em công nhân khu mỏ,  nên cô cũng được xét vào ở trong trường. Điều này làm cho ông Thới vô cùng phấn khởi. Ngay sau lúc Hương nhận phòng xong, ông đã chạy ra phố mua chăn chiếu, màn và bàn học cho con.Tất cả số tiền bà con mừng cho cô, lên Hà Nội tiêu được một ngày là vừa hết. Dẫu sao, đối với ông Thới đó cũng là một niềm động viên rất lớn. Bởi cứ đằng thằng ra thì ngay một lúc phải lo bạc triệu quả cũng là một vấn đề.

          Hương vào học được ba tuần, nhà trường mới bắt đầu tiến hành lễ khai giảng. Một điều làm cô ngạc nhiên là sau lễ khai giảng chung ấy, mỗi khoa ở đại học lại tiến hành một buổi lễ khai giảng riêng. Điều này làm cho Hương rất ấn tượng.

          Ngay từ buổi chiều, khi học xong tiết thứ tư, các lớp trong toàn khoa đã bắt đầu lục tục kéo lên phòng Hội trường ở gác 4 dãy nhà cầu mới xây. Đây là dãy nhà mới   làm thêm cách đây hai năm, nối giữa dãy nhà cũ với khu Hiệu bộ. Phòng không rộng lắm, chỉ có sức chứa khoảng hơn một trăm người nhưng bàn ghế khá khang trang, sạch sẽ. Lễ khai giảng được tiến hành đơn giản nhưng vẫn trang trọng và ấm cúng. Trên tấm vải lớn màu xanh rêu được căng làm pa nô, Hương thấy nổi bật lên dòng chữ cắt bằng vỏ hộp xốp: Nhiệt liệt chào mừng các sinh viên ngành…khoá… Cũng như các bạn sinh viên mới tựu trường, chỉ cần đọc những dòng chữ ấy, lòng Hương đã rạo rực hẳn lên. Sau mấy tuần lên giảng đường nghe những bài giảng đầu tiên, mặc dù đã tiếp xúc với các thầy ở bậc đại học, nhưng Hương vẫn có cảm giác mình ở trong một tâm trạng vô cùng khó tả. Mừng. Vui. Phấn chấn. Cả cảm động và tự hào nữa. Tất cả những cảm giác đó cứ trộn lẫn vào nhau khiến cho Hương lúc nào cũng cảm thấy hồi hộp. Nhất là khi đại diện Ban chủ nhiệm khoa lên giới thiệu các thầy cô giáo từ thế hệ I đến nay, lòng cô càng chộn rộn, háo hức. Đặc biệt nhất, khi trưởng ban tổ chức buổi lễ giới thiệu một người được gọi là cán bộ kiêm nhiệm thì cô cũng như nhiều học sinh khác cứ trố mắt ra nhìn. Đó là một người tuổi ngoài sáu mươi, nói giọng lơ lớ vì các thanh điệu luôn bị trộn lẫn vào nhau, khó nghe đến nỗi chí có một tiếng ồn là không hiểu được câu nói ông đang diễn đạt có nội dung gì. Tuy nhiên, sau khi người ta đọc tên các học hàm, học vị của ông thì cả hội trường lại im phắng phắc. Trừ các vị khách mời và một số  đại biểu sinh viên các năm cuối còn hầu như tất cả các sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai đều giương cặp mắt ra nhìn với vẻ trầm trồ. Người nói giọng lơ lớ hoá ra lại là giáo sư Nguyễn Quang Hà, tiến sĩ khoa học. Ông được khoa mời lên nói chuyện về kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và quá trình phấn đấu để trở thành một nhà khoa học. Ông bước lên bục, bắt đầu đăng đàn bằng động tác giơ tay vẫy chào các sinh viên mới. Cả hội trường dậy lên tiếng hoan hô. Hương liếc nhìn lên hai dãy bàn giáo viên. Cô lấy làm ngạc nhiên vì khi vị giáo sư, tiến sĩ khoa học này phát biểu, chẳng mấy ai chăm chú. Có lẽ là họ đã nghe ông nói quá nhiều, hoặc giả…Hương đang nghĩ vơ vẩn thì những âm thanh hùng hồn từ miệng vị giáo sư bắt đầu tăng dần lên. Để cố gắng lôi cuốn sự chú ý của độc giả, ông luôn bổ túc cho giọng nói đều đều vô cảm của mình bằng những tiếng cười vu vơ.

- Các em biết không, khi tôi làm luận án ở Liên xô (ông vẫn dùng tên gọi cũ theo thói quen), tôi đã đọc Tờ ru béc xkít đến bảy lần. Ông thầy giao cho tôi đọc ba tháng, nhưng tôi đã đọc 7 tháng. À.. không, xin lỗi, tôi đã đọc 11 tháng. Làm khoa học phải như thế các em ạ. Khoa học là gì? Đó là sự khám phá, sự khổ công, sự ép xác, sự chân thật, sự khách quan, sự công bằng….

          Trong nhóm khách mời, bỗng có tiếng xì xào. Hương thấy một người đàn ông tuổi chạc ngoài bốn mươi quay lại phía bàn sau nhún vai. Theo lời giới thiệu khi khai mạc thì đó là một cựu sinh viên của khoa, mới bảo vệ vị tiến sĩ cách đây không lâu. Ông hiện đang làm biên tập ở một nhà xuất bản. Ông cười cười và nói một điều gì đó với người ngồi phía sau. Đó là người có mái tóc ngắn, được giới thiệu là tiến sĩ chuyên ngành. Người này chỉ gật gù. Hương không hiểu đó là sự tán đồng với vị cựu sinh viên kia hay là khâm phục diễn giả đang đăng đàn trên bục diễn thuyết.

          Hương hỏi một sinh viên năm trên, ngồi cùng dãy bàn:

          - Chị ơi, giáo viên kiêm nhiệm là gì hả chị ?

          Cô sinh viên năm trên quay lại mỉm cười:

          - Là giáo viên không chính thức của khoa. Ông ấy là cán bộ nghiên cứu bên Viện, thỉnh thoảng mới sang giảng chuyên đề.

          - Giáo sư tiến sĩ khoa học chắc phải giảng hay lắm chị nhỉ?

          - Có lẽ là như vậy.

          Hương hào hứng:

          - Chị cũng chưa được nghe ạ ?

          Cô sinh viên năm trên gật đầu:

          - Phải đến năm cuối mới được học chuyên đề em ạ.

          - Nếu mình muốn đi nghe ké năm trên có được không ?

          Cô sinh viên đang nói chuyện với Hương dáng chừng cũng ngạc nhiên khi thấy có một kẻ mới nhập cuộc lại tỏ ra quá say mê với nghề nghiệp liền nhìn Hương với cặp mắt vừa lạ lẫm vừa mến phục. Cô bảo:

- Được thôi, ở đại học thì thoả mái thôi mà. Mình muốn nghe thầy nào giảng thì cứ việc đến dự, còn việc thi cử lại là chuyện khác.

          Hương reo lên:

          - Thế thì thích quá chị nhỉ!

          Câu chuyện với nữ sinh viên năm trên vừa kết thúc thì cũng là lúc vị  giáo sư bước xuống. Ông đi ngang qua dãy bàn gần chỗ Hương ngồi, vì vậy cô có dịp nhìn kỹ ông. Có thể nói, đó là một người đàn ông khó tả. Bởi vì không thể nói ông đẹp, nhưng cũng khó kết luận ông thuộc loại xấu xí. Theo cách bình luận thông thường của con gái thì hình thức của ông thuộc loại trung bình non. Không biết đó có phải là Hương quá khắt khe không. Nhưng đại để Hương không thích nhìn những người đàn ông có khuôn mặt hình lưỡi cày. Thế mà ông lại rơi vào chính cái nhược điểm đó. Đã thế, khuôn miệng của ông lại vẩu ra. Mỗi khi, muốn tỏ ra mình là một nhân vật quan trọng ông lại chìa hai tay ra. Cái động tác làm duyên ấy nó chẳng những cãi lại khuôn miệng chẳng có gì đáng mến của ông mà còn làm cho người đứng đối diện với ông rất khó chịu. Tuy nhiên, với Hương, những nhược điểm đó giờ đây trở thành không quan trọng nữa. Bởi vì, đối với cô, cũng như rất nhiều sinh viên khác khi mới nhập trường, cái danh hiệu, hàm tước giáo sư- tiến sĩ khoa học mới là điều làm cho người ta chú ý và ngưỡng vọng hơn bao giờ hết. Trong chốc lát, hình bóng ông bỗng trở thành một biểu tượng bay lồng lộng trong trí tưởng tượng của Hương. Chao ôi, sao ông lại giỏi đến thế nhỉ ? Cảm giác kính phục của cô càng tăng cao khi ban tổ chức giới thiệu mấy thầy già, tóc bạc trắng đang ngồi ở phía trên. Chẳng lẽ đó lại là một sự thật ư ? Mấy thầy giáo đầu bạc ngồi ở hàng ghế đầu là thầy giáo giảng dạy bao năm, tuổi cao thế sao mới chỉ có hàm phó giáo sư mà ông thầy kiêm nhiệm tóc hoa dâm kia đã là giáo sư rồi? Vậy ông phải giỏi biết chừng nào? Chắc ông đã có nhiều công trình tác phẩm nổi tiếng lắm! Chỉ tiếc là Hương chưa được đọc ông một lần nào. Đúng là ngu lâu quá!

          Hương đang nghĩ lẩn vẩn thì một người to béo, tóc bạc trắng như cước bước lên bục. Ông được ban tổ chức giới thiệu là phó giáo sư Nguyễn Cao Toàn, một trong các thầy kỳ cựu của khoa. Khác hẳn khuôn mặt vị giáo sư vừa diễn thuyết trước đó, thầy Toàn có khuôn mặt đầy đặn và phúc hậu, thoạt nhìn đã có cảm tình. Ông không nói nhiều, không với giọng lên lớp, chỉ có vài lời tâm sự về nghề nghiệp, giản dị và dễ hiểu. Điều đó làm cho Hương có cảm nhận như thể càng là giáo sư thì nói càng khó hiểu hơn. ý nghĩ này trong Hương càng được củng cố khi hội trường được lắng nghe bài nói của phó giáo sư Hoàng Trọng Phi Ông được giới thiệu là cựu sinh viên khoá I của trường, là người đã có công đào tạo mấy chục thế hệ, là giáo viên chính hiệu hẳn hoi. Ông bước lên bục bằng động tác nhanh nhẹn, mặc dù năm nay ông đã gần 70 tuổi. Người nhỏ nhắn, đôi tay linh hoạt, mỗi khi cần nhấn mạnh ý ông lại vung tay lên, sôi nổi và hào hứng làm cho không khí cũng tưng bừng theo. Qua bài nói chuyện ngắn của ông, Hương nhận ra phần lớn giáo viên trong khoa ngồi ở phía dưới đều là học trò của ông cả. Khi ông nói ai nấy đều gật gù. Họ như có mối đồng cảm với ông. Từ buổi đầu khai giảng, có lẽ phó giáo sư Hoàng Trọng Phi là người gây cho cô ấn tượng mạnh nhất. Đôi lúc, cô có ý nghĩ, đó không chỉ là một thầy giáo. Ông còn là một nghệ sĩ biểu diễn ngôn từ.

          Buổi khai giảng kích thích Hương lòng say mê đặc biệt với nghề nghiệp. Trở về ký túc xá, lòng cô bâng khuâng như vừa trải qua một giấc mộng. Thời gian nhanh thật, vừa mới ngày nào, cổng trường đại học với cô còn cao xa vời vợi, vậy mà giờ đây cô đã là một sinh viên thực thụ. Hương thấy mình người lớn hẳn lên. Hai tuần đầu, cô dành các buổi tối viết thư cho bạn bè thời phổ thông. Cô kể về nhà trường, về các thầy cô giáo với tất cả những cảm xúc trong trẻo, tươi sáng nhất. Bạn bè cũng viết thư chúc mừng cô, hẹn có một ngày sẽ lên Hà Nội và vào chơi ký túc xá. Hương tự hào biết bao nhiêu khi cô đang sống giữa đất thủ đô văn vật và đang học trong một ngôi trường đại học lớn nhất nước. Theo một số bài viết trên báo chí, ký túc xá của trường cũng là loại ký túc xá số một của toàn miền Bắc. Trong ký túc có công viên, có hội trường rộng tới hàng ngàn chỗ ngồi để sinh hoạt văn hoá và có cả phòng đọc phục vụ sinh viên ngày ba buổi. Sau một tháng, Hương đã làm quen với không khí sinh hoạt của nơi mình ở. Nói chung, với một người lớn lên từ khu mỏ, những điều kiện phục vụ ở đây như thế là quá lý tưởng với một học sinh. Chỉ có điều, dạo này ký túc đón thêm một số lưu học sinh Trung Quốc và đang tu sửa lại một số toà nhà nên mỗi phòng phải nhận thêm một giường tầng. Số sinh viên nhiều hơn thì ở vui hơn nhưng sinh hoạt cũng phức tạp hơn. Nhất là buổi tối, những câu chuyện trên trời dưới biển bao giờ cũng kéo dài đến hơn 12 giờ khuya khiến cho Hương ngày nào cũng buồn ngủ. Tuy vậy, Hương vẫn rất thích không khí sinh hoạt ở đây. Lần đầu tiên trong cuộc đời, cô được hoà nhập vào cuộc sống của một tập thể mà bạn bè hầu như ở khắp các tỉnh trong cả nước. Nó đem đến cho cô một sự mở mang, hấp dẫn kỳ lạ. Thú vị nhất là vào những buổi tối, trước khi đi ngủ, phòng của cô bao giờ cũng rộ lên những chuỗi cười khi các chị sinh viên năm trên kể về những giai thoại về các thầy. Trong những câu chuyện thêu dệt bằng trí tưởng tượng của học trò, các thầy thường hiện lên là những người tài năng và có cá tính đặc biệt. Trong mỗi câu chuyện vui ấy, Hương nhận ra sự thông minh, hóm hỉnh của những người kể chuyện, đồng thời tìm thấy một thế giới mới lạ hoàn toàn khác với sự tưởng tượng của cô trước kia. Ngày ấy, cái thời mà cô còn là học sinh lớp 12, cô chẳng bao giờ nghĩ các thầy giảng dạy đại học lại gần gũi và đời thường đến thế. Nó có một cái gì đó xa cách, cao siêu. Thậm chí có lúc cô không nghĩ là các thầy lại có thể ăn, ngủ, hay đi ngoài giống như người thường. Thế mà bây giờ thì hoàn toàn khác hẳn. Cuộc sống tập thể nơi ký túc xá đã tạo nên bao biến đổi trong nhận thức của cô.Cô thấy các thầy gần gũi hơn, thực hơn, giống như là bao người khác trong đời thường.

          Tuy mới sống trong ký túc xá ít ngày, nhưng Hương cảm thấy nó trở thành một cái tổ ấm vô cùng gắn bó với cô. Hàng ngày, ngoài buổi lên lớp nghe giảng, Hương thường cắp sách lên phòng đọc của thư viện. ở đây, Hương bắt dầu làm quen với nhiều bạn mới. Trong đó có cả câc anh chị năm trên và các bạn học sinh lớp 13 đang háo hức luyện thi hòng giành lấy kết quả mới sau một năm thi trượt. Họ nhìn các sinh viên mới bằng cặp mắt ngưỡng mộ, tò mò, khiến nhiều lúc Hương vừa ngượng ngùng lại vừa thấy tự hào. Xét cho cùng thì thi đại học chẳng phải là dễ. Nếu Hương ở vào địa vị của họ chắc Hương cũng đang có ý nghĩ giống như thế.

          Thấp thoáng đã sắp đến ngày thi học kỳ. Kỳ thi đầu tiên đời sinh viên làm cho Hương vô cùng hồi hộp và lo lắng. Không biết rồi sẽ thi cử ra sao đây? Khác hẳn với thời phổ thông, trên lớp bao giờ cũng được các thầy đọc chính tả cho từng phần, ở đại học thì các thầy cứ giảng luôn một hồi, ai nghe được gì thì ghi nấy. Sau đó thì phát vấn, thảo luận. Mỗi vấn đề được lật đi lật lại hàng chục lần. Mỗi hướng nghiên cứu lại có hàng chục quan điểm. Mới tiếp xúc nếu không vững vàng thì có khi ù hết cả đầu. Chưa kể còn phải đọc sách Tây, sách Tàu đủ loại. Đôi lúc Hương cũng cảm thấy hoang mang. So với các bạn Hà Nội trình độ ngoại ngữ của Hương kém hơn hẳn. Nhất là so với Nga, cái cô bé vừa đẹp lại vừa nói tiếng Anh nhanh như gió luôn gây ra cho Hương những ấn tượng rất đặc biệt. Một lần Hương hỏi:

-  Nga học tiếng Anh đã lâu chưa? Nga có kinh nghiệm gì có thể cho mình biết được không?

Nga nhìn Hương hồi lâu rồi mỉm cười:

- Tớ chẳng có kinh nghiệm gì. Chẳng qua là được học từ bé nên quen thôi. Tớ thấy bạn thông minh lắm. Nếu học như tớ thì chắc còn giỏi hơn kia.

Khác với một số bạn khác, Hương thấy Nga cũng dễ mến chứ không đến nỗi kiêu kỳ. Chẳng qua Nga được nuông chiều nên ăn nói đôi khi mới nghe người ngoài cũng thấy khó chịu. Nghe nói, Nga con một vị Viện phó viện N. Nhà giàu. Tính thích ăn diện. Tài tử…Nga là hình mẫu điển hình cho con gái Hà Thành thời đại mới.

Một hôm, trong giờ ra chơi, Hương hỏi Nga:

- Đằng ấy định tốt nghiệp xong thì đi làm nghiên cứu hay chạy ngang?

Nga nhún vai, hồn nhiên đáp:

- Động rồ mà đi làm nghiên cứu hả bạn? Bạn không biết sao, cái viện nghiên cứu của ba tớ toàn những anh, những ả ngây ngây chẳng ra thế nào cả. Người nào nom có vẻ một tý thì bụng đầy mưu mô, chỉ toan tính những việc ám hại lẫn nhau. Nhìn thấy họ là tớ phát ngán lên được.

Hương trố mắt nhìn Nga với cặp mắt vô cùng ngạc nhiên. Cô còn nhớ, ngày khai giảng năm học mới, cái lũ sinh viên năm thứ nhất bọn cô đã nhìn giáo sư Văn Nợi - cha Nga với cặp mắt vô cùng kính phục. Qua lời giới thiệu trịnh trọng của vị giáo sư chủ nhiệm khoa, Văn Nợi hiện lên như là một tấm gương của sự phấn đấu và vươn lên. Trong các cựu sinh viên của ngành, Văn Nợi là vị Viện phó được đề bạt vào loại sớm. Chẳng những thế, ông còn có mặt quan trọng ở rất nhiều Hội đồng. Không phải chỉ có cánh sinh viên mới thấy thiêng mà ngay như nhiều vị giáo sư đích thực còn thấy kiềng. Thế mà, cô con gái cưng của ông lại vơ cả ông vào một nắm đũa những con người "đầy mưu mô"? Điều đó khiến Hương tò mò một cách kỳ lạ. Hầu như giờ giải lao nào Hương cũng được Nga kể cho cô nghe linh tinh đủ mọi thứ chuyện. Trong đó, nhiều nhất vẫn là những chuyện làm ăn, nghiên cứu ở Viện N. Chuyện tình của nhữngbậc "tai to mặt lớn" trong làng khoa học. Hương rất phục Nga. Không biết bằng cách nào mà Nga lại biết nhiều chuyện đến thế?

          Nga là con gái lớn của Nợi và Nguyệt. Hai người vốn là bạn cùng lớp với nhau từ thời sinh viên. Dạo đó, khoa theo trường đi sơ tán lên tận Thái Nguyên. Chiến tranh đang ở giai đoạn khốc liệt. Ngày nào máy bay Mỹ cũng ném bom xuống các thành phố, thị xã. Các trường đại học phải vào làm lán sống tận trong rừng sâu để tránh các trận oanh kích và tiếp tục sự nghiệp giáo dục đào tạo. Đó là những ngày sống gian khổ nhưng hào hùng và trong sáng nhất. Những ngày mà bây giờ mỗi khi cả hai người nhớ lại, nó chỉ còn là câu chuyện xa xưa, phủ đầy sương khói như trong vườn cổ tích. 

          Nguyệt yêu Nợi trong một trường hợp thật lạ lùng. Đó là vào những ngày chiến tranh ác liệt nhất, lớp lớp sinh viên phải lên đường nhập ngũ vào chiến đấu ở chiến trường B hoặc C. Người yêu của Nguyệt là Khương đã trúng tuyển nghĩa vụ khi anh vừa học hết năm thứ ba. Lớp của Nguyệt giờ chỉ còn có Nợi và Minh là con trai. Nợi thì bị huyết áp, còn Minh là một chàng trai người Việt gốc Hoa. Họ được ưu tiên tiếp tục học dưới mái trường khi các bạn hầu hết đang chiến đấu và hy sinh ngoài tiền tuyến.

          Thời chiến tranh có những qui luật thật nghiệt ngã. Khương xa Nguyệt mới được nửa năm thì không còn liên lạc. Anh chiến đấu mãi ở chiến trường khu Đ. Nguyệt thật buồn. Những chiều học xong, cô thường leo lên hòn đálớn nằm ở lưng chừng núi nhìn về phía xa. Mênh mông trong mù sương, cô chỉ còn tưởng tượng lại khuôn mặt của Khương sau lần hai người ôm hôn nhau trước buổi tuyên thệ với lời thề" không thắng giặc Mỹ không về quê hương". Hôm đó Khương rất đẹp. Anh đội mũ tai bèo, lưng khoác ba lô, vai đeo khẩu AK. Anh nhìn Nguyệt vơi hai mắt rực sáng, vừa tin yêu vừa hy vọng. Chiếc xe chở những sinh viên ưu tú nhất chuyển bánh, Khương nhảy xuống ghì chặt lấy Nguyệt một lần nữa. Trước mặt mọi người, Khương không ngần ngại hôn chặt lên đôi môi mọng ướt tuổi mười tám của cô. Cái thời ấy, đó là một sự kiện lớn lắm. Bởi người Việt có thói quen không hôn nhau trước đám đông. Với sinh viên, nó lại càng như một điều cấm kỵ. Người ta bàn tán mãi về nụ hôn cháy bỏng này. Ai cũng bảo, Nguyệt có một mối tình lý tưởng.

Những chiều buồn, cô vẫn đằm mình trong nụ hôn ấy.

Nhưng rồi có một ngày, mọi sự đã bị đảo lộn lung tung lên. Ngày ấy, Nguyệt vẫn nhớ như in. Một ngày mùa đông ảm đạm. Gió thổi từ thung lũng đem theo cái giá rét của sương muối lúc chiều hôm đến các dãy nhà lán sinh viên dựng nép theo sườn đồi. Nguyệt ngồi một mình trong phòng. Các bạn đi ra thị trấn lấy gạo từ lúc mới ăn cơm chiều xong. Cô bị ốm đã hai hôm, lớp trưởng nhất định bắt cô ở nhà. Ngồi bên ngọn đèn dầu leo lét, Nguyệt đưa tay bó gối chán chường nhìn ra phía ngoài. Trong đêm tối mênh mông sương giăng bốn bề khiến cho ánh trăng trung tuần chỉ còn nhờ nhờ như lớp váng mỡ gà. Nguyệt thấy cô đơn quá. Chưa bao giờ cô có cảm giác thất vọng như lúc này. Đã đến nửa năm nay, cô gần như không nhận được thư từ gì của Khương nữa. Chẳng lẽ Khương đã hy sinh rồi sao? Không! Không thể…Khương không thể chết…Nguyệt lẩm bẩm câu nói ngớ ngẩn ấy rồi nước mắt cô tự trào ra. Cảm giác ngọt ngào của tình yêu xen lẫn những dự cảm về mất mát khiến cho Nguyệt thấy nỗi đau đớn âm ỉ cứ mỗi lúc lại bùng lên như xé lòng. Đúng lúc ấy thì cánh cửa lán bị đẩy ra. Nợi bước vào.

Nguyệt quay đi lau những giọt nước mắt. Nợi đến, ngồi xuống bên mép giường, đưa cho Nguyệt gói thuốc.

- Nguyệt uống thuốc đi. Mình mới lên y tế trường xin cho Nguyệt đấy.

- Tưởng anh cũng đi thị trấn lấy gạo kia mà? - Nguyệt ngước mắt nhìn Nợi, chợt bắt gạp cái nhìn rực lửa của anh. Cô cúi xuống có ý lảng tránh. Nợi đặt một bàn tay lên trán cô. Cô im lặng, lúng túng định đẩy ra, nhưng Nợi đã kéo mái đầu cô áp vào ngực mình. Anh choàng hai tay ghì chặt lấy lưng cô. Nguyệt ngạt thở. Giọng cô thều thào:

- Nhưng còn Khương…

- Thôi, đừng nghĩ xa xôi nữa. Chiến tranh ác liệt thế này…chắc Khương đã hy sinh rồi. Nếu không, sao lại không viết thư về cho Nguyệt ?

Sau cái buổi tối hôm đó, Nợi và Nguyệt gần như công khai chuyện quan hệ với nhau. Các bạn trong lớp xì xào. Nhưng rồi cũng quen. Thời chiến tranh có biết bao nhiêu là chuyện, chẳng ai quan tâm đến chuyện ấy nữa.

Sau khi ra trường, Nguyệt và Nợi cưới nhau. Họ cùng về một Viện công tác. Thấm thoắt vậy mà đã mấy chục năm. Bây giờ gặp Nợi và Nguyệt, chẳng ai không ngạc nhiên vì họ đã trở thành một trong những người giàu có nhất Viện N. Mỗi lần họp lớp, bạn bè đều tấm tắc nói gia đình Nợi là mẫu hình đẹp nhất của hạnh phúc.

 

Powered by Froala Editor