Viện phương đông

3 năm trước

Cổng trường Thời mở cửa (3) - Tiểu thuyết của Hữu Đạt, Nxb CAND.

     (3)

 - Ngành mình biến đâu hết mà để cho hai con người trông hãm tài này giữ chức ấy nhỉ?

- Chắc là không phải đâu. Ông Nguyễn trông như ông lái trâu ấy mà lại là chủ tịch cũng vui nhỉ. Có mà làm hại người ta à? Còn ông Nợi thì thế nào nhỉ? Khó tả quá,  giống như mụ đàn bà hay thù vặt ấy.

- Còn phải nói. ông ta nổi tiếng là hay thù dai mà.

- Đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Nghe nói bọn họ trả thù thầy Hoạt suốt mấy năm nay. Lần nào hồ sơ của thầy lên ngành cũng bị mấy người này kiếm cớ hạch sách. Nghĩ cũng tội cho thầy bọn mày nhỉ. Dạy hay, có trách nhiệm với học trò, chỉ vì thẳng thắn dám vạch mặt bọn họ nên cuối cùng thiệt thòi. Các thế hệ đàn em của thầy, ngay cả thế hệ học trò của thầy nữa, nhiều người đã được phong cả.

- Hôm trước tao nghe mấy thầy ở khoa bạn nói, hình như cả giáo sư Viên cũng vào hùa với đám người này để làm hại thầy Hoạt phải không?

          - Giáo sư Viên nom có vẻ nho nhã, đời nào.

- Có trời mà biết được. Hôm trước tao ra Viện thấy mấy cô chú ngoài Viện cũng bình luận nhiều về giáo sư Viên. Họ bảo giáo sư Viên là một cái quái thai của ngành. Hay ném đá giấu tay.Thế mới sợ.

- Sao mà các giáo sư lại có nhiều tai tiếng thế nhỉ?

     - Thì họ làm những chuyện bẩn thỉu như thế trong Hội đồng thì còn gì là đẹp mặt.

Powered by Froala Editor

      (3)

Mới sáng sớm, cả sân trường đã rộn rã, tưng bừng. Hôm nay là ngày Hội chợ, giới thiệu việc làm cho sinh viên. Lần đầu tiên Hương có mặt trong một cuộc họp  vô cùng có ý nghĩa với cuộc đời mình. Từ lúc tinh mơ, cô đã thức dậy. Sau một cuộc đi bộ quanh ký túc xá, Hương về phòng đánh răng rửa mặt rồi đi ăn sáng. Sau đó, cô cùng mấy người bạn trong lớp vội đạp xe lên giảng đường 7. Đây là một giảng đường khá rộng có thể chứa được khoảng vài trăm người. Nó được dùng làm trung tâm Hội chợ giới thiệu việc làm của khoa. Theo sự phân công, Hương làm tổ trưởng trang trí. Mấy bạn nam trong lớp thì có nhiệm vụ kê bàn ghế và căng biểu ngữ chào mừng. Một tốp sinh nữ khác, trong đó có Nga thì lo đón tiếp đại biểu. Tóm lại, theo ý kiến của vị bí thư Liên chi Đoàn thì đây chính là một dịp để Ban lãnh đạo khoa bày tỏ sự tin tưởng đối với tập thể lớp sinh viên năm thứ nhất.

          Với cương vị trưởng nhóm trang trí, Hương cố gắng đốc thúc các bạn bắt tay vào việc từ hai hôm trước. Những người khéo tay nhất được chọn cắt chữ và cắt các hoa văn. Hương đã đi tìm hiểu và nghiên cứu cách làm của mấy khoa bạn nhưng cô thấy mỗi khoa mỗi vẻ, chẳng khoa nào giống khoa nào. Hơn mười khoa trong toàn trường chỉ có hai khoa tổ chức trong Hội trường, còn lại thì nhận hình thức cắm trại. Các khoa này dùng  những chỗ đất gắp thăm được làm nơi thao diễn những món võ sở trường nhà nghề. Họ tạo ra những biểu tượng vừa trang nhã vừa gây được sự chú ý. Hương phải làm cách nào đây? Sau khi tham khảo ý kiến thầy Hoạt, cuối cùng Hương cũng tìm ra được một cái lô gô cô cho là khả dĩ, mặc dù xét từ một góc độ nào đó thì nó có vẻ trừu tượng. Nhưng khi cái lô gô vừa được trương lên, ngay lập tức nó làm cho mọi người chú ý. "Thế là thành công rồi" cái Loan bên lớp Chất lượng cao reo lên. Nó phô cái răng ghểnh trên khuôn miệng nhỏ xinh xắn.

          Trong lớp Chất lượng cao Hương thấy chỉ có cái Loan là dễ gần nhất. Không hiểu tại sao, từ khi phân thành hai lớp, sinh viên của lớp thường và lớp Chất lượng cao haysinh ra nghi kỵ và xa lánh lẫn nhau. Hình như có một sợi dây vô hình đã ngăn đôi cái khối người vừa mới hôm nào còn hăm hở cùng bước vào trường ấy. Chẳng biết các thầy cao mưu chọn từ ngữ ra sao nhưng bọn sinh viên trong lớp Hương thường đưa ra bình tán về vấn đề này. Họ bảo, trường đang phấn đấu để đạt được chỉ tiêu đào tạo chất lượng cao, sao lại còn có lớp chất lượng thường? Mỗi khoá học chỉ có một lớp hơn chục người thuộc chất lượng cao, vậy số sinh viên còn lại thuộc chất lượng thường và chất lượng kém? Rõ ràng tên gọi đã là sự gợi ý cho cái sự phân cách và tạo nên tâm lý về sự phân biệt đối xử. Đó là chưa kể những ưu đãi về học phí, chỗ ở…Do vậy, ngay cả trong ngày Hội chợ giới thiệu việc làm, sinh viên hai khối cũng ngồi riêng rẽ nhau. Sinh viên lớp chất lượng thường thì phần lớn ngồi ở phía sau. Họ cũng ít phát biểu bởi luôn có mặc cảm về hướng đào tạo nguồn. Sự hứng khởi chủ yếu từ mấy bạn của lớp nhỏ và mấy anh chị khoá trước.

          Khi giờ khai mạc chưa đến, sinh viên đã tề tựu khá đông. Loan rủ Hương ngồi lên dãy bàn trên cùng nhưng Hương ái ngại. Cô lui xuống khoảng giữa. Vì Hội trường được làm hơi dốc nên từ đây, Hương có thể nhìn rất rõ mặt các nhân vật quan trọng được mời tới từ các cơ quan. Dãy bàn đại biểu được kê theo hình chữ U có ý tạo nên sự gần gũi thân mật. Mở đầu, vị chủ nhiệm khoa, người tầm thước, có mái tóc hoa dâm đứng lên phát biểu. ông nói rất hăng và hùng hồn. Theo lời của ông, lịch cử của khoa được tính từ nửa thế kỷ trước. Nghĩa là khi nó còn là một bộ môn nằm chung trong khoa lớn. Với ý nghĩa ấy, khoa có một bề dày lịch sử không ai chối cãi được và những thành tích trứ danh là đã đào tạo nên nhiều thế hệ nhà báo, nhà văn, nhà biên tập, nhà nghiên cứu, quản lý…thậm chí cả một số lãnh tụ. Các sinh viên há hốc mồm ra nghe. Đặc biệt để minh hoạ cho những điều vừa nói, vị chủ nhiệm còn giới thiệu một loạt các nhà báo, nhà văn có tên tuổi được mời về khoa và các vị chức sắc ở các Viện nghiên cứu. Hương và các bạn lại một lần nữa lại được nghe vị chủ nhiệm quảng cáo cho những chức danh nghe xoang xoảng như chiêng đồng. Giáo sư Nguyễn, tiến sĩ khoa học, nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu các loại chữ khối vuông. Giáo sư Hoàng Văn Nợi,  phó Viện trưởng Viện nghiên cứu N…Hội trường rào rào vỗ tay. Ngay sau đó Hương nghe tiếng ở dưới có lời bình luận:

-  Nghe nói đó là Chủ tịch và thư Hội đồng chức danh ngành ta đấy bọn mày ạ.

          - Sao không thấy thầy chủ nhiệm giới thiệu nhỉ?

- Chắc ông ấy quên. Mà chức danh ngành thì có liên quan gì tới Hội chợ đâu.

 - Ngành mình biến đâu hết mà để cho hai con người trông hãm tài này giữ chức ấy nhỉ?

- Chắc là không phải đâu. Ông Nguyễn trông như ông lái trâu ấy mà lại là chủ tịch cũng vui nhỉ. Có mà làm hại người ta à? Còn ông Nợi thì thế nào nhỉ? Khó tả quá,  giống như mụ đàn bà hay thù vặt ấy.

- Còn phải nói. ông ta nổi tiếng là hay thù dai mà.

- Đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Nghe nói bọn họ trả thù thầy Hoạt suốt mấy năm nay. Lần nào hồ sơ của thầy lên ngành cũng bị mấy người này kiếm cớ hạch sách. Nghĩ cũng tội cho thầy bọn mày nhỉ. Dạy hay, có trách nhiệm với học trò, chỉ vì thẳng thắn dám vạch mặt bọn họ nên cuối cùng thiệt thòi. Các thế hệ đàn em của thầy, ngay cả thế hệ học trò của thầy nữa, nhiều người đã được phong cả.

- Hôm trước tao nghe mấy thầy ở khoa bạn nói, hình như cả giáo sư Viên cũng vào hùa với đám người này để làm hại thầy Hoạt phải không?

          - Giáo sư Viên nom có vẻ nho nhã, đời nào.

- Có trời mà biết được. Hôm trước tao ra Viện thấy mấy cô chú ngoài Viện cũng bình luận nhiều về giáo sư Viên. Họ bảo giáo sư Viên là một cái quái thai của ngành. Hay ném đá giấu tay.Thế mới sợ.

- Sao mà các giáo sư lại có nhiều tai tiếng thế nhỉ?

     - Thì họ làm những chuyện bẩn thỉu như thế trong Hội đồng thì còn gì là đẹp mặt.

- Buồn nhỉ. Giáo sư mà cũng hẹp hòi đố kỵ như đàn bà thế cũng buồn cười nhỉ?

- Chẳng qua cũng chỉ do họ bất tài nên ghen ghét đố kỵ thôi. Họ không viết được. Dạy lại kém nên phải tìm mọi cách chèn những người giỏi. Thầy Hoạt chịu trận vì cái tội không chịu cúi đầu mà.       

-  Chẳng bù cho các giáo sư thế hệ trước. Học vấn cao mà lại nhân tình, độ lượng. Nghe các anh chị lớp trên nói, giáo sư Nguyễn Tới sống hay lắm.

- Bao giờ mình được học các thầy như thầy Tới nhỉ?

- Cụ về hưu ở trong Nam rồi. Nghe nói, dạo cụ làm Chủ tịch Hội đồng ngành cụ đã cố hết sức để kéo mấy vị như giáo sư Nợi, giáo sư Viên lên hy vọng khi về hưu sẽ có người thay thế để vực thế hệ sau. Nhưng rốt cục thì họ chẳng những không vực lớp người sau mà lại còn làm những việc hèn hạ nữa.

Bỗng một bạn gái phản ứng:

- Thôi, trật tự đi chúng mày ơi kẻo các thầy lại phê bình cho bây giờ.

- Chúng mày chả có ý tứ gì cả. Phải nể mặt con Nga chứ. Cứ vác ông Nợi ra mà giễu , nó nghe thấy làm sao chịu được.

 Nghe xong câu đó, Hương cũng ái ngại liếc nhìn sang chỗ Nga, nhưng Nga đã chuồn đi từ bao giờ. Phía trên bục, giáo sư Nợi được giới thiệu lên diễn đàn. Ông được coi như   đại diện của lớp người thành đạt và may mắn lên nói về quá trình phấn đấu và trưởng thành. Khác hẳn những người khác, ông không vung tay vung chân mà tỏ ra dè dặt trong cử chỉ. Ông nói về việc nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, về những đề tài lớn mà Viện nghiên cứu đã và đang thực hiện, về khả năng tạo nguồn cho các sinh viên mới ra trường…làm cho các sinh viên sáng mắt lên, nghĩ về cuộc đời "viện sĩ" tương lai như là một cái tháp ngà óng ánh. Chính vì vậy, có một cô sinh viên năm thứ tư phấn khích hỏi ngay:

- Thưa chú, vậy những người như cháu khi ra trường có cơ hội kiếm được một chân ở Viện nghiên cứu của chú không ạ?

Không do dự, Nợi quay lại trả lời luôn:

- Có chứ. Hoàn toàn có thể. Viện của chúng tôi lúc nào cũng mở rộng cửa ra đón các bạn.

Cô sinh viên năm thứ tư hỏi tiếp:

- Cháu xin tự giới thiệu, cháu là Giang. Nếu cháu thích về Viện, cháu lại có đủ điều kiện như bằng loại giỏi, sức khoẻ tốt, lý lịch trong sạch…thì cháu có được ưu tiên không và có mất tiền không?

          Giáo sư Nợi lúc đầu hơi lúng túng trước câu hỏi bất ngờ và có phần bạo dạn của cô nữ sinh năm thứ tư. Nhưng sau đó, ông điềm tĩnh lại và nhỏ nhẹ:

          - Những điều kiện như thế rất đáng ưu tiên.

    - Nhưng cháu lại là con gái ? 

    -   Càng tốt chứ sao - Nợi buột miệng theo thói quen - Đảng ta bao giờ cũng quan tâm tới phụ nữ.

          Cả hội trường vỗ tay như sấm dậy. Hương cũng bị cuốn vào cơn lốc nghề nghiệp đó. Sau khi tiếng vỗ tay ngớt, cô nữ sinh tên Giang lại hỏi tiếp:

-  Còn việc có mất tiền không thì chưa thấy chú trả lời. Liệu có phải là chú lảng tránh không ạ ?

          Cả hội trường lặng phắc. Ai cũng hồi hộp. Rõ ràng giáo sư Nợi bị dồn vào chân tường, liệu ông sẽ ứng xử ra sao?

          Vốn là người từng trải, Nợi nở một nụ cười tinh ranh và lắc đầu:

- Đúng là thời mở cửa, một sự dân chủ đáng khích lệ. Tôi xin thay mặt Viện trả lời ngay, hoàn toàn không có vấn đề tiền. Những người làm khoa học như chúng ta không nên đặt vấn đề tiền. Tiền…tiền là cái gì các bạn ?

Cả hội trường lại vỗ tay đôm đốp trước câu nói lửng lơ của ông. Có đến ba phần tư số sinh viên có mặt trong hội trường coi ông như một thần tượng. Họ huýt sáo và reo lên cổ vũ. Nhưng phía sau Hương bỗng lại nổi lên tiếng  tiếng xì xào:

- Ông ấy cứ vờ vĩnh vậy thôi. Nghe nói, ở Hội đồng chức danh ngành, việc chạy tiền cũng trắng trợn lắm. Người như thầy Hoạt mà không chạy thì ông ấy cũng cho phèo. 

Lại thêm một loạt những lời bình cái vụ bê bối ở Hội đồng giáo sư ngành Một cô nữ sinh năm thứ ba nói:

- Bọn em năm thứ nhất thì mấy vị đó còn bịp được chứ bọn chị thì thành tinh rồi. Khó bịp lắm. Bọn chị chỉ tin vào việc làm thôi chứ không tin vào những lời sáo rỗng ba hoa của bất cứ ai đâu!

Sau cuộc đối thoại của Nợi và các sinh viên đến lượt các nhà báo, các vị thư ký toà soạn trả lời cho các sinh viên về chuyện bài vở. Một nam sinh viên năm thứ tư hỏi:

- Thưa các nhà báo, cho phép em xin phép hỏi: Vì sao trong sinh viên chúng em có nhiều người viết bài, có khi hàng chục lần gửi đến toà soạn mà không được đăng?

Một nhà báo đại diện đứng lên. Trông ông có vẻ dân dã và mộc mạc. Mặc một chiếc áo trắng, mái tóc để hơi dài,ông nói năng cởi mở và hào phóng:

-Tôi làm báo đã ba chục năm nay. Với cương vị thư ký toà soạn, tôi cũng đã từng nhận được hàng trăm bài của các bạn sinh viên từ khắp nơi gửi về. Tuy nhiên, không có nghĩa là cứ nhận được bài là chúng tôi sẽ đăng. Mặc dù, đối tượng là sinh viên bao giờ chúng tôi cũng ưu tiên.Nhưng quan trọng nhất phải là chất lượng. Phần lớn các bài không đăng được chủ yếu người viết chưa có vốn sống thực tế, lại viết rất dài, quá khuôn khổ nên không thể đưa vào sử dụng.

Nam sinh viên hỏi tiếp:

- Thưa chú, làm báo có khó không? Như chúng cháu ra trường có cơ hội về toà báo của chú không?

 Vị thư ký toà soạn không khách khí như giáo sư Nợi mà nói thẳng luôn:

- Tất nhiên làm báo là khó, thậm chí rất khó. Còn làm được không thì tuỳ năng lực từng người. Nói chung, khi ở nhà trường các bạn sinh viên nên tích cực nắm lấy các kiến thức cơ bản. Ra trường rồi, còn phải học hỏi nhiều và rất nhiều.

Hương quay sang một người bạn bình luận:

- Nhà báo bao giờ cũng nói thẳng nhỉ. 

Trong buổi Hội chợ, cuộc đối thoại giữa các sinh viên và giới nhà báo là sinh động nhất. Nhiều câu hỏi được đặt ra và trả lời ngay tức khắc. Tuy nhiên Hương vẫn thấy việc hướng nghiệp của mình rất mờ mịt. Cô hỏi một nữ sinh khoá cuối ngồi ở bàn trên:

- Không biết bọn chị ra sao chứ bọn em thấy tương lai xem chừng mù mịt lắm. Tuần trước có một bài báo nói về sinh viên thất nghiệp đọc xong lại thấy chán đời. Chẳng lẽ học dở dang rồi lại bỏ chị ạ.

Cô nữ sinh khoá cuối người gầy đét như que củi, nhưng có cái miệng khá tươi lắc đầu:

- Bọn chị học năm cuối còn thấy mù mịt nữa là bọn em. Sao, có gì cần hỏi lại không hỏi đi?

Hương nhún vai:

- Ngại lắm.

Cô nữ sinh gầy động viên:

- Sợ gì! Cứ hỏi đi. Hỏi cho biết. Bọn chị bốn năm ở đây hỏi mãi rồi.

Hương đấu tranh mãi cuối cùng cô cũng đứng lên. Cô hỏi thầy chủ nhiện khoa:

- Thưa thầy, theo như báo chí đã nêu và thực tế mà bọn em được biết thì hàng năm sinh viên ngành ta ra trường chỉ có một tỷ lệ rất ít chừng 5 đến 7 % là làm đúng theo ngành nghề. Vậy tại sao khoa và trường vẫn có chủ trương đào tạo ồ ạt như vậy?

Cả hội trường quay lại phía  Hương. Nhất là các bạn năm thứ nhất. Ai cũng trầm trồ khen" con Hương không ngờ lại bạo dạn thế". Còn vị chủ nhiệm khoa thì đứng lên, đằng hắng mấy tiếng. Quả thật, đây là lần đầu tiên ông được nghe một sinh viên   chất vấn như vậy. Không biết chọn cách trả lời thế nào, ông đành nói:

-  Sinh viên thất nghiệp thì chẳng riêng khoa ta mà còn tất cả các khoa khác. Cũng trong một tình trạng như nhau cả. Còn việc đào tạo, cứ có sinh viên thi vào thì khoa đào tạo thôi.

- Thưa thầy nghĩa là chỉ chú ý theo đầu vào? - Hương mạnh dạn hỏi.

Vị chủ nhiệm hơi cau mày, nhưng không thể thoái thác câu hỏi, ông nói:

- Đầu ra…cái đó khoa không thể quan tâm được. Đó là chuyện vĩ mô… Phía sau Hương có tiếng xì xào:

- Nghĩa là đem con bỏ chợ.

- Hí hí hí….

Vị chủ nhiệm vẫn rất hào hứng:

- Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, trong mấy chục năm qua, sinh viên của ta ra trường đã làm việc ở rất nhiều cơ quan: báo chí, truyền hình, phát thanh, Viện nghiên cứu, giảng dạy…thậm chí làm cả ở Ban Tổ chức Trung ương Đảng.

Một sinh viên từ giữa hội trường nói vọng lên:

- Đó là chuyện trước đây. Còn bây giờ…

Cả hội trường toá ra tiếng cười. Không biết các đại biểu ngồi phía trên có nghe thấy không mà ai cũng cười.

- Tóm lại chỉ biết thu tiền học phí nuôi các thầy, đào tạo xong thì ném ra ngoài đường.

- Thời mở cửa mà lỵ.

- Bé mồm thôi không ông ấy quát lên cho bây giờ.

Kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, cuộc đối thoại với sinh viên kết thúc. Buổi Hội chợ  giới thiệu việc làm cho sinh viên được tổng kết bằng một bài phát biểu gần như đã được chuẩn bị sẵn. Nó có ý nghĩa chính trị rất lớn. Nó có tác dụng hướng nghiệp và khích lệ sinh viên, tạo đà cho sinh viên phấn đấu…

Tiếng vỗ tay lét đét thay cho lời chào đã tiễn các nhà báo, các nhà nghiên cứu sau mấy tiếng đối thoại. Mọi người lục tục đi về phía cầu thang ở cuối toà nhà. Sau hai lần chờ đợi, cuối cùng Hương và Loan cũng đến lượt bước vào cầu thang. Các cô may mắn được đứng trong chiếc thang máy cùng giáo sư Nợi. Sở dĩ ông lùi lại đi chuyến này vì sau cuộc  hội chợ có mấy sinh viên ra xin ông điện thoại và chữ ký. Cũng như Loan, Hương rất hồi hộp khi đứng cạnh ông. Lần trước, trong ngày khai giảng, sau khi nghe ông phát biểu, nhiều sinh viên năm thứ nhất trong giờ giải lao đã tìm cách tiếp cận con người mà họ cho là khá vĩ đại này. Nhưng Hương thì không dám. Cô nhìn ông như một bông hoa đẹp trong khuôn viên theo kiểu kính nhi viễn tri. Cô nghĩ, có lẽ chẳng bao giờ ông được đứng gần ông cả vì nghe nói ông là giáo sư nhưng thuộc loại "mất dạy" như các thầy vẫn đùa. Hơn nữa, ông lại là Viện phó một cái Viện nghiên cứu, Hương làm so có cơ hội để gặp ông? Cũng may, nhờ có việc tổ chức hội chợ việc làm, Hương lại được nghe ông phát biểu, được đứng cạnh ông. Hương mong sao cho cái cầu thang máy nó chạy chậm lại để cô và Loan có dịp nói với ông dăm câu ba điều gì đó. Nhưng chiếc cầu thang máy bắt đầu từ từ trôi xuống. Trong thang máy đông nghẹt người. Theo qui định, nó chỉ được phép chở 9 person nhưng phải có đến chục sinh viên cùng ùa vào. Thế là họ đẩy Hương và Loan đến trước mặt ông. Tin Hương bỗng đập thình thình. Cô định ngẩng lên, nhưng không dám ngẩng. Cái Loan táo bạo hơn. Nó hỏi ông một câu gì đó. ông cười và đáp lại. Nhưng ngay lập tức, nó cúi xuống, mặt nhăn nhó. Hương chợt thấy có mùi gì đó thoang thoảng. Nó lờm lợm. Khỉ quá, đông thế này mà cô cậu nào lại đánh trung tiện. Thế này giáo sư Nợi về Viện sẽ cười cho thối mũi. Không…không phải. Hương lại chau mày. Cô phập phồng hai cánh mũi, quay về phía Loan. Loan bặm môi. Hai cô gái đang đứng trước mặt Nợi. ông hơi cúi xuống, thở đều đều. Trời hơi oi. Giáo sư Nợi xốc áo, thở phì phì. Ông hơi khí béo lại có chứng huyết áp nên tỏ ra khó khăn mỗi lúc đông người quá. Hương thấy rõ luồn hơi nóng hầm hập từ mũi ông xả xuống. Cái Loan nháy mắt ra hiệu. Hương không hiểu ý nó nói gì. Cô muốn đứng lùi ra nhưng người nen chật ních. Cầu thang máy xịch nhẹ một cái. Chiếc cửa tự động mở ra. Hương thấy mặt Loan tái mét. Loan đi như lao vào toa lét. Hương cũng lao theo.

Cái Loan thót bụng nôn oẹ. Nó lấy tay móc họng ra nhưng chỉ thấy nhãi nhớt. Từ sáng nó không ăn gì, lên hội trường uống toàn nước. Nó bị dính cảm hay sao? 

Hương giữ người nó cho đầu nó khỏi lao vào bồn xí. Một lúc sau nó cố oẹ ra một bãi nước lình sình rồi lấy khăn mù xoa quyệt miệng.

- Mày không thấy gì à ? - Nó hỏi. Hương nhìn khuôn mặt nhợt nhạt của nó nhún vai. Loan bĩu môi:

- Tởm quá!

- Cái gì? - Hương hỏi.

Cái Loan rung vai cười đau khổ:

- Mẹ kiếp giáo sư gì mà…

- Sao? Hương ngơ ngác.

- Bụng ông ta chứa gì mà thở ra thối thế nhỉ? Vừa thối vừa khắm mày ạ. Mẹ kiếp có đứng gần mới biết mùi giáo sư.

Loan bỗng cười rũ rượi. Cô vặn vòi nước, khum hai bàn tay cho nước xối đầy rồi vả lên mặt. Hương cũng bật cười. Bất giác cô lại thấy cái mùi lờm lợm lúc nãy. Cô cũng buồn nôn.

Điều làm cho Hương phải trăn trở rất nhiều là, những điều được bàn luận ở hội trường thì rất sôi nổi, nhưng sao Hương thấy nó cứ lửng lơ, chẳng gắn gì với những thực tế trong cuộc đời sinh viên cả.

 Suốt buổi trưa, đám sinh viên trong ký túc xá không ngủ mà bàn luận về những chuyện xung quanh ngành nghề, về các vị chức sắc trong làng khoa học. Đám bạn trong phòng truyền tay nhau một bài viết mới của nhà báo Hoàng Nhung về cuộc trả thù của Hội đồng chức danh ngành với thầy Hoạt. Bài được đăng tải trên trang hai của tờ Công Luận làm xôn xao cả khối sinh viên. Hương đọc đi đọc lại mấy lần. Mới sau gần một  năm ở đại học mà Hương thấy mình già dặn hẳn đi. Ngày mới vào trường, cô thấy mọi thứ đều trong sáng, đẹp đẽ. Nhưng bây giờ thì…từ thực tế đến lý thuyết quả là một khoảng cách khá xa. Qua những bài báo của Hoàng Nhung, cô ngộ ra một điều, cuộc đời chớ nên ảo tưởng. Tương lai thực ra chỉ là cái bánh vẽ mà những người đi trước cố tạo ra để làm cho những kẻ đi sau lúc nào cũng choáng ngợp, mơ ước chứ thực tế thì bao giờ cũng phũ phàng và vô cùng khốn nạn. Cuộc trả thù thầy Hoạt mà hàng loạt bài báo đã nêu chỉ là một ví dụ điển hình cho người ta biết những sự giả trá của cuộc đời này luôn được bao bọc bằng những viên kẹo cao su. Những con người được gọi là giáo sư, với xã hội sao mà nó sang trọng, cao siêu…nhưng với Hương thì giờ đây nó giống như cái bong bóng trôi lều bều trên mặt nước. Cuộc đời thật vô vị và bế tắc làm sao. Có lẽ Hương đọc báo, đọc sách nhiều nên sinh ra cái thói đa nghi chăng? Đôi lúc Hương tự hỏi mình và làm cuộc tranh cãi với bản thân sau những đêm dài  trằn trọc trong ký túc xá. Mỗi lúc tự tranh luận với mình như thế, Hương lại nhớ đến cái lần đi trong thang máy cùng giáo sư Nợi. Cô chợt mỉm cười. Cô và Loan đã được trực tiếp nếm cái mùi vị của giáo sư. Nó kinh khủng hơn mùi vị của người thường rất nhiều. Nó làm cho cô buồn nôn, làm cho cô kinh tởm như không có một thứ gì kinh tởm hơn được nữa. ấn tượng về cái mồm thối của giáo sư Nợi luôn luôn   ám ảnh cô đến nỗi có đêm Hương bàng hoàng thức dậy. Cô hít hít không khí xung quanh và có cảm tưởng cái mùi thối khắm kia nó cứ lớn vởn đâu đó. Cô đi tắm. Cô xoa xà phòng thơm khắp người để xua tan cái mùi khó chịu ấy đi. Nhưng rồi khi vừa nằm xuông nó lại thoang thoảng hiện ra. Những lúc ấy cô thấy bực tức vô cùng. Có hôm, sau nhiều đêm mất ngủ, cô như muốn phát điên lên. Không khéo thì cô bị thần kinh mất. Cô nguyền rủa cái lần vô phúc đứng cùng giáo sư Nợi trong cỗ máy cầu thang hiện đại kia. Giá cô không bao giờ đứng gần ông, chỉ đừng từ xa mà ngắm ông thì không bao giờ cô mắc phải cơn bệnh ám ảnh này. Trái lại, cô sẽ còn thấy cuộc đời nó thơm tho hơn. Nhưng tất cả là sự đã rồi. Cô lẩm bẩm. Tại mình đi dự hội chợ giới thiệu việc làm. Tại…tại mình nghe theo mấy lời tán tụng của mấy đứa bạn nên lao đơn theo ngành này. ..

 Nghĩ lẩn vẩn, Hương càng thán phục nhà báo Hoàng Nhung. Chị đã dũng cảm đã gọi đích danh   giáo sư Nợi và cả giáo sư Nguyễn chủ tịch hội đồng lên báo chí để chỉ trích, để bàn luận về bản chất con người và tư cách của người giáo sư trong hội đồng ngành. Nếu không đọc những bài báo này thì người ta đâu biết cuộc đời nó khốn nạn và đểu cáng đến như vậy. Ai nói là giáo sư thì không đểu cáng, khốn nạn?  Họ cũng là con người cả thôi. Sao cuộc đời này lại cứ huyền hoặc mà tâng bốc họ lên để cho họ cứ thản nhiên làm những trò bì ổi mà không bị phơi bày, lên án? Cuộc đời này, thật giả lẫn lộn quá. Những người là thầy thật thì bị đối xử bất công, những kẻ chẳng bao giờ đi dạy hoặc dạy dăm ba tiết như mèo mửa lại được bầu vào chức danh này, chức danh kia. Rồi người ta bắt sinh viên, bắt xã hội phải kính trọng. Bịp bơm. Giả dối. Cả xã hội quay cuồng trong cái vòng láo nháo, bất tận.

Những ý nghĩ linh tinh cứ gặm nhấm những nỗi khát vọng trong sáng của Hương ngày mới bước vào trường. Cô sinh ra chán học, vẩn vơ. Sau một thời gian, cô nghe mấy đứa bạn trong lớp bàn nên ra ngoài khu nhà trọ ở để tránh bớt những cuộc tiếp xúc. 

          Cô phân vân mấy ngày. Cuối cùng, Hương quyết định ra thuê nhà trọ ngoài với hy vọng xua tan nỗi ám ảnh của những ngày đen tối đã qua.

          Trong lúc những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường thì bế tắc, khó tìm thấy lối thoát cho cuộc đời mình, các học sinh hết lớp 12 hoặc thi trượt lại háo hức xông vào cuộc đấu bằng tất cả những nỗ lực của bản thân và gia đình cốt sao cầm nổi chiếc vé vào đại học.

          Không khi đua tranh với thời gian cũng đang âm thầm diễn ra trong từng ngày từng giờ đối với các học sinh cuối cấp. Người làng Hạ đang chờ đón những kết quả gi danh mới của con cháu các dòng họ lớn trong làng là họ Nguyễn, họ Hoàng. Ai cũng nhắc tới Thục như một niềm tin và một cuộc đặt cọc cho lớp người mới. Thời mở cửa, liệu làng Hạ có bị tụt hậu không?

          Trên lối rẽ vào xóm Đoài có một ngôi nhà tranh ba gian, lợp rạ. Nhà có gian buồng. Hai gian còn lại, một gian kê cái chõng và hòm lúa kiêm luôn bàn thờ. Gian kia là giường ngủ của Thục và cái bàn học nhỏ.

          Thục đang ngồi chăm chú học bài. Trên cái bàn nhỏ của cô ngổn ngang những sách luyện thi các môn: văn, sử, địa và đề cương ôn tập do cô viết tay. Dưới ánh sáng của ngọn đèn, gương mặt Thục thanh thoát, tỉnh táo và minh mẫn.

ở gian bên, bà Khang và bà Quén đang thì thào chuyện riêng như cố không để cho Thục nghe tiếng.

Bà Khang thỉ thỏn:

- Tôi đã nói hết với bà, mong bà hiểu cho thiển ý của vợ chồng tôi.

Bà Quén nhìn bà Khang phân vân:

- Việc này ông bà cứ cho em thư thư. Một là cháu vẫn còn đang học. Hai là em còn hỏi ý kiến cháu xem thế nào đã.

Bà Khang đập nhẹ vào vai người bạn:

- Thì cố nhiên là không vội. Nhưng chúng tôi muốn đặt vấn đề trước để lỡ có đám nào hỏi bà còn từ chối, phần cô Thục cho nhà chúng tôi.

Bà Quén  đắn đo một lúc, nhưng vẫn không dám quyết định.

- Em chưa dám hứa trước đâu bà ạ.

Bà Khang thăm dò:

- Hay là đã có đám nào rồi? Bà cứ nói thật xem.

- Không? Quả là chưa có đám nào.

Bà Khang:

- Thế thì bà băn khoăn điều gì ?

Bà Quén loanh quanh một lúc mới dám nói thật:

- Tôi sợ con Thục nó chưa muốn lấy chồng.

Bà Khang:

- Tưởng gì, việc đó bà khỏi phải lo. Con gái cô nào chả như vậy?

Cái chính là ở người lớn chúng mình.

Bà Quén:

- Mình quyết thì sợ thiếu dân chủ.

Bà Khang têm cho bà quén một miếng trầu cánh phượng, rồi đưa cho bà Quén.

- Bà ăn thử miếng này xem. Cau không có hạt, lại nạc lắm. 

Bà Quén cầm lấy miếng trầu ngắm nghía:

- Bà têm khéo quá.

Bà Khang vẫn đang tiếp tục dòng suy nghĩ liền chẹp miệng:

- Thời nay người ta cứ hay làm loạn xạ lên chứ dân chủ với dân cheo gì.Bà bảo, dân chủ như cô Nhung con bà Ngạn đấy. Mẹ nói   chẳng nghe, bảo lấy anh giáo Tòng ở làng trên thì chê, cuối cùng yêu lăng yêu nhăng hoá ra ngần ấy tuổi vẫn chưa có chồng. Nhà văn nhà báo tuycó giá thật, nhưng không có chồng thì cuộc đời cũng bằng không.

Bà Quén đã cắn vỡ miếng cau, đưa tay quyệt ngang miệng:

- Ai bì với cô ấy được.

Bà Khang tiếng nhỏ tiếng to, vẻ quan trọng:

- Nghe nói, ở trường cấp III cô ta cũng tai tiếng lắm, bị xoá tên trên bảng vàng danh dự của trường từ đợt vừa rồi.

Bà Quén:

- Thế cũng tiếc nhỉ!

Bà Khang được thể nói xa xôi:

- Cho nên, các cụ xưa mới nói hữu tài vô đức mà lỵ. Con cái giỏi mấy mà không biết nghe lời cha mẹ cũng bằng thừa.

Bà Quén chân thật:

- Con Thục nhà em được cái biết nghe lời.

Bà Khang chớp ngay lấy cơ hội mà tấn công ngay:

- Thế thì còn lăn tăn gì nữa. Xem thế là chị em mình đã thống nhất với nhau. Lời nói, gói vàng phải không nào…

Bà Quén vội vàng xua tay:

- ấy. chưa chưa…chị cứ thư thả cho em.

Bà Khang mát mẻ:

- Thư thả gì nữa? Hay chê nhà tôi nghèo ?

Bà Quén:

- Bà nói thế làm em tổn thọ à? Nghèo như ông bà bên nhà thì ai chả muốn nghèo. Có điều…

Bà Khang nhìn thẳng vào mắt bà Quén:

- Còn điều gì băn khoăn chị cứ nói.

Bà Quén đắn đo giây lát rồi mới nói thẳng:

- Cậu Tuấn hình như cùng tuổi với con Thục nhà tôi.

Bà Khang:

- Tưởng gì. Cùng tuổi nằm giuỗi mà ăn. Tôi và ông Khang nhà tôi cũng cùng tuổi. 

Bà Quén đấu dịu:

- Vậy bà cứ cho em mấy bữa, để em nói chuyện với cháu.

Bà Khang coi như phần thắng đã chắc trong tay, kết luận:

- Cốt là bà đừng đổi lòng. Tôi về…

Bà Khang đứng dậy, cáo biệt bà Khang. Bà ý tứ ghé qua chào Thục.Thục chào lại bà và nhắn:

-  Bác về ạ. Bác nhắn với Tuấn hộ cháu, mai phải đi sớm vì lớp cháu phải lo khâu chuẩn bị khán đài cho buổi lễ phát động bác ạ.

Bà Khang bả lả:

 - Cô cứ yên tâm. Tôi sẽ nhắn.

Bà Khang đi khỏi, bà Quén chập chừng muốn nói với Thục điều gì.Sau mấy lần do dự, bà nói:

 - Thục, con học sắp xong chưa ?

Thục vẫn chăm chú nhìn vào những dòng chữ trên quyển vở trước mặt:

- Mẹ cứ ngủ trước đi ạ. Ngoài này đèn sáng, mẹ cứ vào trong buồng, học xong con sẽ vào sau.

Bà Quén:

- ừ, mẹ sẽ đợi con…

          Trăng cuối tháng càng khuya càng sáng. Mẹ con Thục nằm bên cạnh nhau. Cả hai cùng nhìn lên trần nhà theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình. Sau một hồi lâu Bà Quén lên tiếng trước:

    - Lâu lắm rồi hôm nay con mới ngủ với mẹ.

Thục vòng tay ôm lấy mẹ:

    - Thi xong, con sẽ ngủ với mẹ liền liền.

Thục hít hít mùi mô hôi của mẹ và âu yếm:

- Mẹ nhớ không, ngày bé mẹ vẫn đùa con là, con nghiện ngửi mùi mồ hôi của mẹ. Sau này con chỉ muốn ngủ mãi với mẹ thôi.

Bà Quén mắng yêu:

-  Cha tổ cô, con gái lớn phải lấy chồng. Ngủ với mẹ quá bằng vô phúc à?

Thục nhìn lên trần nhà và thốt lên:

- Lấy chồng…eo ơi, con ngại lắm.

Bà Quén vỗ về:

- Ngại cũng phải lấy, để mẹ nuôi báo cô à?

Thục không biết là bà Khang đã đánh tiếng hỏi cô cho Tuấn nên vô tư:

- Thế mẹ kiếm cho con đi.

Bà Quén thở phào, mừng rỡ:

- Thế mới là con gái mẹ chứ. Thục này…

- Mẹ bảo gì con...?

Bà Quén xuống giọng vẻ nghiêm trang:

- Mẹ thấy cậu Tuấn con ông Khang cũng được đây chứ.

Thục vui vẻ:

- Vâng, con có bảo mẹ là không được đâu.

Bà Quén hiểu lầm, tưởng Thục và Tuấn đã có tình ý với nhau nên bà tỏ ra rất phấn khởi.Bà nói:

- Đúng là tuổi trẻ…Các con bây giờ hiện đại hơn thời của mẹ rất nhiều.

Thục vẫn vô tư:

- Thời đại mà mẹ. Mình có tụt hậu cũng không được.

Bà Quén thốt lên:

- Con mẹ lớn quá, mẹ không thể ngờ… Thục hồn nhiên:

- Bọn trong lớp vẫn gọi con là "chị cả" mà mẹ..

Bà Quén vuốt ve cánh tay con gái. rồi nói:

- Mẹ cũng yên tâm về con.

Thục khẳng khái:

- Vâng, mẹ không phải lo lắng gì cả. Mẹ cứ yên tâm đi, không phải nghĩ ngợi gì.

Bà Quén cảm thấy mối lo trong lòng đã được giải toả liền bảo con gái:

- ừ. Mẹ ngủ đây, con ngủ sớm đi.

Thục:

- Vâng. Mai con phải cùng các bạn lo dán biểu ngữ, khẩu hiệu. Lại phải thay mặt học sinh cả ba trường cấp III của huyện phát biểu ý kiến nữa.

          Một hồi trống điểm rộn rã. Khi cái dùi trống có buộc chiếc khăn đỏ đang nện tưng bừng vào mặt trống thì sân trường túa ra từng đoàn học sinh ăn mặc đồng phục theo mốt thời trang học sinh hiện đại. Hôm nay là một ngày lễ lớn: Kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2 và phát động phong trào thi đua học tốt toàn huyện. Băng cờ, biểu ngữ được cắt dán long trọng và căng theo từng lớp, từng khối.

          Tuấn và Thục đứng trong khối lớp 12. Khẩu hiệu mà họ căng trên tay mang dòng chữ: Lớp 12 A quyết tâm phấn đấu đạt tỷ lệ 100% tốt nghiệp và 50 % thi đại học.

          Trên khán đài, các thầy cô giáo và đại biểu đã tề tựu đông đủ. Một thầy giáo, tóc ngắn, đeo kính là  thầy Phát hiệu trưởng, đang đọc trước mi crô:

" Tới dự buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2 và đợt phát động thi đua học tốt toàn huyện, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đồng chí Phan Long, huyện uỷ viên, chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Đại Phong…"

Chủ tịch Phan Long đứng lên, khiêm tốn giơ tay chào các giáo viên và học sinh. ông người tầm thước, nhanh nhẹn. Mái tóc cắt ngắn chải gọn sang một bên, trông ông ra dáng một nông dân hơn là một nhà lãnh đạo. Làm xong động tác ngoại giao, ông ngồi xuống chiếc ghế ở vị trí trang trọng nhất. Lúc đó, thầy Phát đã rời khỏi micrô, một nưa giáo viên bước ra. Đó là cô Hà, trưởng ban tổ chức của buổi lễ. Cô hắng giọng rồi lanh lảnh:

- Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Ông Trần Cán, trưởng phòng Giáo dục, ông Hoàng Minh, chánh thanh tra Giáo dục huyện, thầy TrầnTrọng Phiến, hiệu trưởng trường cấp III Đại Minh, thầy Lê Bảng hiệu trưởng trường cấp III Đại Xá cùng toàn thể tất cả các thầy các cô và học sinh các lớp, 10,11,12 của toàn trường đã về dự đông đủ…

Lập tức, tiếng vỗ tay rầm rầm của học sinh nổi lên. Không khí có vẻ thật tưng bừng.

Cô Hà chờ cho ngớt tiếng vỗ tay mới tiếp tục:

- Tiếp tục chương trình, tôi xin giới thiệu em Hoàng Thị Thục, đại diện cho học sinh 12 của ba trường Đại Thắng, Đại Minh, Đại Dũng  lên đọc báo cáo kết quả và kinh nghiệm học tập.

Thục cầm một tờ giấy cuộn tròn bước lên  trước mi crô trong con mắt ngưỡng mộ của nhiều học sinh và trong cặp mắt hài lòng của các thầy cô giáo. Tiếng vỗ tay ào ào nổi lên khi Thục đứng trước mi crô . Dưới khu vực học sinh nhiều tiếng bàn luận sôi nổi.

Một học sinh nữ đứng ở hàng đầu thốt lên:

- Con Thục hôm nay xinh quá chúng mày ạ.

          Một học sinh khác đứng phía sau, tỏ ra mình nắm được nhiều thông tin hơn, hất hàm:

- Nó người làng Hạ, đồng hương với nhà văn Hoàng Nhung đấy.

Nghe nhắc đến Hoàng Nhung, một học sinh nam liền hỏi:

- Lạ thật, năm nay trường ta không mời nhà văn Hoàng Nhung về phát biểu cổ động phong trào nhỉ?  

Cô nữ sinh ban nãy liền hạ giọng, vẻ bí mật:

- Hình như Hội đồng giáo viên vừa rồi đã họp quyết định xoá tên chị ấy trên bảng vàng.

Cả mấy học sinh trong khối đều tròn xoe mắt nhìn người vừa nói. Trong khi đó, trước micrô, Thục vẫn đang hăng say báo cáo những kinh nghiệm và thành tích học tập của mình. Giọng cô ấm áp, lúc lên bổng, lúc xuống trầm khiến cho mọi người mỗi lúc một chăm chú lắng nghe.

          Sau buổi lễ, các lớp vào học. Thầy Phát đưa chủ tịch Phan Long đi một vòng quanh trường kiểm tra công trình xây dựng đang làm dở. Đó là một toà nhà ba tầng đang xây cất cạnh sân vận động.

Lúc này Phan Long mới hỏi thầy hiệu trưởng:

- Sao năm nay trường không mời nữ nhà văn Hoàng Nhung về? 

Phát lúng túng, chưa hiểu ý của vị chủ tịch ra sao nên không dám giải thích, chỉ ú ớ trong miệng.

- Dạ…

Phan Long nhìn xa xôi. Màu xanh của da trời ánh trong mắt ông. Khuôn mặt Phan Long nom nhanh nhẹn bỗng trở nên tư lự.

- Đó là một tấm gương truyền thống của huyện. 

 Phát tán đồng:

- Vâng… Phan Long đi thong thả, nói với Phát như là tâm sự với chính mình:

- Bao nhiêu năm huyện ta mới có một nhà báo, nhà văn nổi tiếng như thế.

Phát đắn đo rồi thốt ra:

- Chỉ đáng tiếc… Phan Long quay lại, tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Tiếc sao ?

Phát không còn cách nào khác đành nói thật:

- Vừa rồi Hội đồng giáo viên đã quyết định xoá tên cô Nhung trong bảng vàng truyền thống và…

Phan Long cắt ngang:

- Thế cơ à ?

Phát tránh cái nhìn của Long, giọng đã tỏ ra thiếu bình tĩnh:

- Vâng.

Phan Long:

- Một chuyện lớn như thế sao lại vội vàng ? Xoá tên người ta thì dễ nhưng đưa trở lại thì khó.

Phát gãi đầu bối rối:

- Nhưng dư luận về cô ấy ghê quá!

Phan Long nhìn Phát với vẻ thăm dò, rồi ông đặt lên vai Phát, nhẹ nhàngvà ân cần.

- Dư luận à ? Ông mỉm cười ngừng giây lát rồi mới tiếp - Chưa biết chừng những dư luận về tôi, về anh còn tệ hại gấp hàng trăm lần về cô ấy kia. Chẳng qua, xung quanh anh và tôi quá nhiều những kẻ nịnh hót, cho nên ta không nghe được, không thấy được anh Phát ạ. Chưa biết chừng chính những kẻ tâng bốc ta nhất đằng sau lưng lại chỉ coi ta như là cục cứt thôi. Xin lỗi tôi nói hơi tục một tý, nhưng đó là cái từ quần chúng người ta hay dùng.

Mặt Phát hơi thuỗn ra, cái kính suýt tuột khỏi mũi. Anh bị bất ngờ nên lúng túng chưa biết cách xử trí ra sao. Cuối cùng, Phát hỏi:

- Thưa anh, nghĩa là cần đưa cô ấy trở lại ?

Phan Long:

- Đưa hay không là tuỳ Hội đồng. Nhưng đừng để mang tiếng như một số Hội đồng mà báo chí đã nêu. Ví như Hội đồng của ông Hào ông Hiều, tiến sĩ khoa học khoa hẹo gì đó…toàn là các thầy nhưng chỉ một vài anh không tốt mà làm cho xã hội người ta nhìn méo mó hẳn đi. Cũng bất công. Cũng trả thù. Cũng đố kỵ, bẩn thỉu…Giáo sư phải là tấm gương tốt cho thiên hạ, nhưng cuối cùng lại đểu 

cáng, khốn nạn như vậy … thì xã hội trông mong gì nữa ??

Phát:

- Anh muốn nói rằng…với Hoàng Nhung như vậy cũng bất công?

Phan Long:

- Anh còn trẻ, là hiệu trưởng mới lên, phải học cách nhìn đời. Quản lý tốt chưa đủ. Hiểu đời mới là quan trọng. Đời là gì? ấy là nhân tình thế thái, là lối ứng xử sao cho hợp với đạo nhân. Cho nên, hiểu cho thấu thì đời cao lắm, rộng lắm.

Hai người đi thêm một đoạn. Phan Long không hề có biểu hiện gì là một quan trên trái lại anh thủ thỉ, tâm tình đúng như là đang nói với một người bạn. Phát tỏ ra ân hận vì sự thiếu cương quyết của mình liền thú thực:

- Có lẽ vụ Hoàng Nhung vừa rồi em xử lý chưa được tỉnh táo lắm.Nghĩ cho kỹ thì cũng có phần a dua, kém suy xét xa rộng.

Phan Long:

- Anh cứ thử nghĩ kỹ xem, huyện ta có gì đáng tự hào với Trung ương không ? Kinh tế ư? Năm nào cũng phải xin trợ cấp của tỉnh. Còn thành tích về giáo dục ? Là trường có tỷ lệ đỗ đại học hàng năm thấp nhất.Cả huyện có 3 trường cấp III, nhưng lẹt đẹt mãi đến năm nay mới xây được một toà nhà ba tầng thì cứ ngỡ là mình đã lên được sao Hoả rồi.

Phát biểu đồng tình:

- Đúng là huyện ta nghèo thật…

Phan Long vẫn đang trong dòng suy nghĩ,nên tuôn ra một chuỗi dài các âm thanh như dính chặt vào nhau:

- Quanh đi quẩn lại, cái mà cả nước người ta biết đến lại là nhà văn, nhà báo Hoàng Nhung. ở Cần Thơ, ở Nha Trang người ta đâu biết ông chủ tịch Phan Long là ai, thầy hiệu trưởng Văn Phát là ai? Còn Hoàng Nhung, thì báo chí nhắc đến nhiều. Hình ảnh của cô ấy lại xuất hiện cả trên Đài Truyền hình Trung ương và Truyền hình Hà Nội.

Nét mặt Văn Phát tái đi. Anh khoát tay phác một cử chỉ vô nghĩa.Phan Long vẫn gật gù như đang mải theo đuổi ý nghĩ của mình.

Phan Long:

- Anh có tán thành với những điều tôi vừa nói không?

Phát:

- Dạ…hoàn toàn đúng như thế ạ.

Phan Long:

- Cho nên dù muốn hay không ta cũng vẫn phải thừa nhận rằng, ở huyện ta việc đẻ ra một anh chủ tịch như tôi hay một hiệu trưởng như thầy thì dễ lắm. Tôi không làm, thầy không làm thì khối người khác có thể làm thay. Nhưng một cây bút như Hoàng Nhung thì không ai thay thế được. Đấy, cái vị trí đặc biệt của đám nhà văn là ở chỗ ấy. Một vị trí không ghi trên giấy nhưng ta vẫn phải âm thầm thừa nhận.

Powered by Froala Editor