Viện phương đông

3 năm trước

Sáng tác mới: tiểu thuyết “Bên Thiên đường” của Hữu Đạt

Chương 1: Vào cuộc

(Trích tiểu thuyết “Bến Thiên đường”)

                  Hữu Đạt

Powered by Froala Editor

Cách đây 31 năm, nhà văn Hữu Đạt đã có cuộc hành trình tới nước Nga vĩ đại. Đây là cuộc hành trình đầy gian nan, thử thách, để lại trong ông những dấu ấn sâu đậm về cuộc đời nghiên cứu khoa học và sáng tác văn chương của mình. Trong giai đoạn này, ngoài việc công bố các công trình khoa học, Hữu Đạt còn cho xuất bản một số tiểu thuyết , trong đó tiểu thuyết “Hai đầu của bức thư tình” (Nxb Hội Nhà văn, 1991)là cuốn sách gây chấn động dư luận lúc bấy giờ. Sau khi cho xuất bản cuốn “Chuyện người mình ở nước Nga” (Nxb Văn học,2014), “Quái nhân” (Nxb Hội Nhà văn, 2015), Hữu Đạt lại bắt tay viết 2 tiểu thuyết mới là “Bến Thiên đường” và “Băng hoại”. Để bạn đọc có dịp hiểu thêm những năm tháng biến động này, BBT xin trích đăng một số chương trong Bên Thiên đường”- một sáng tác mới của ông:



Chương 1: Vào cuộc


          Tôi vừa kết thúc chuyến đi chuyên gia ở K về thì anh Han bảo tôi:

          - Này, tôi nghe tin năm nay ngành ông có chỉ tiêu thi nghiên cứu sinh nước ngoài. Ông xem, nếu thuận lợi thì đi một chuyến.

          Hân là hàng xóm, cùng sống trong khu "gia binh" với tôi. Anh làm ở viện nghiên cứu, là người quảng giáo được nhiều người quí mến nên hay nắm được những thông tin bí mật. Tôi mò hỏi:

         - Có thật không bác?

         Hân cười hiền lành:

         - Theo tôi, đó là nguồn tin khá tin cậy. Muốn biết cụ thể, ông phải lên hỏi trực tiếp ở phòng tổ chức.

          Nghe theo anh, tôi liền tức tốc đi gặp cô Hoàng, người đương nhiệm là Tổ trưởng bộ môn, nhà ở tận khu Láng hạ. Đạp xe đến nhà cô vào lúc cuối buổi chiều, tôi không phải đợi lâu đã được cô mở cổng đưa vào phòng khách. Cô nói, cô vừa trường về sau khi dạy xong hai tiết cuối. Với mái tóc đốm bạc, giọng nói nhỏ nhẹ của người xứ Huế, cô hỏi tôi đến chơi hay có việc gì. Tôi liền thông báo cho cô cái tin sốt dẻo mà anh Mai vừa đem đến cho tôi. Cô ngớ người ra:

          - Lạ nhỉ? Sao mình lại không biết? Nếu ngành ta có chỉ tiêu thì Ban Chủ nhiệm khoa đã thông báo cho mình. Lúc chiều, mình còn gặp anh Đán ở văn phòng. Ảnh là Chủ nhiệm, có chỉ tiêu ảnh phải thông báo cho mình biết ngay chứ.

          Nghe cô Hoàng nói thế, tôi bỗng nhiên thất vọng. Chẳng lẽ Mai nhầm ? Không, tôi biết Mai là người cẩn thận và chắc chắn lắm. Nghĩ thế, tôi khẳng định:

          - Em nghĩ là anh Mai không nghe nhầm đâu. Biết đâu, có một uẩn khúc nào đó mà chính cô cũng không biết!

          Cô Hoàng nhìn tôi tư lự. Cô hiểu, trong lúc thời buổi khó khăn thế này, bất kể có một chỉ tiêu đi nước ngoài nào đều là một vấn đề không nhỏ. Thông thường, người ta phải hết sức giữ bí mật, chỉ đến khi mọi thứ được quyết định chính thức thì tin tức mới được loan báo đến mọi người. Dĩ nhiên, dù bí mật đến đâu thì đương sự cũng phải là người biết được đầu tiên. Sau đó là đến những người thân nhất của lãnh đạo. Liệu cô Hoàng có giấu tôi không? Một câu hỏi mơ hồ chợt đến, nhưng tôi liền gạt đi. Tôi biết, từ trước đến nay, cô không giấu tôi điều gì. Thậm chí cả những cái thuộc “thâm cung bí sử” cô còn kể cho tôi nữa. Có được tình cảm tin cậy ấy là vì giữa cô và tôi, ngoài tình thầy trò còn có mối quan hệ đặc biệt. Chuyện đó, tôi sẽ nói sau. Bây giờ trước mắt, tâm trí của tôi và có lẽ cả của cô nữa đang hướng về cái tin nóng hổi mà Mai cung cấp. Nếu tin đó là thật, thì bộ môn sẽ cử ai đi thi? Đó là câu hỏi tôi bất ngờ nêu lên với cô. Không một phút suy nghĩ, cô ân cần:

          - Nếu có chỉ tiêu thì người số 1 phải là em chứ còn ai nữa.

          Tôi cảm thấy yên lòng, nhưng vẫn hỏi lại:

          - Chắc chắn thế chứ ạ?

          - Chắc chứ. Đó là khách quan. Trong số mấy cán bộ trẻ ở lại, em là người tốt nghiệp trước và cũng là người có đóng góp nhiều cho tổ, cho khoa.

          - Cảm ơn cô – Tôi dụt dè nói – Em hy vọng là “Trên” sẽ cho ta chỉ tiêu đợt này.

          Cô Hoàng gật gù, rồi bảo:

          - Em đi nước ngoài được một chuyến thì tốt quá. Thứ nhất là được đào tạo bài bản. Thứ hai cũng là dịp để cải thiện cuộc sống.

          Rồi cô vui miệng kể cho tôi nghe những năm cô đi chuyên gia ở Đức. Chao ôi! Đúng là một thiên đường. Tôi nghe như nuốt lấy từng lời. Bao giờ mới đến lượt tôi?

          Cuộc nói chuyện với cô Hòng càng thôi thúc tôi vào cuộc. Không có lý, có chỉ tiêu nghiên cứu sinh thì Mai mới có thể thông báo cho tôi. Vậy anh nghe tin đó từ đâu ra?

          Buổi tối, tôi sang nhà Mai và gặng hỏi anh xem nguồn thông tin anh nhận được từ đâu. Mai tủm tỉm cười. Đây là tin tuyệt mật anh nghe được từ người quen trên Bộ. Vậy là chắc chắn rồi. Nhưng sao mà Trường lại không thông báo xuống khoa nhỉ? Mai bảo tôi: “Tốt nhất ông cứ lên thẳng Phòng Tổ chức cán bộ mà hỏi, sợ gì! Đúng thì mình phải đấu tranh. Thời buổi bây giờ muốn có suất là phải đấu tranh”. Tôi nghe Mai, sáng hôm sau, mới đầu giờ tôi đã xuất hiện ở Phòng Tổ chức. Thật không may cho tôi, lúc đó vị Trưởng phòng lại đang tiếp Văn Đình Hồng, một cán bộ cùng khoa với tôi. Nghe nói Hồng vừa mới bị kiện, và bây giờ Phòng Tổ chức cán bộ đang giải quyết vụ đó. Để cho câu chuyện được tế nhị, tôi đành ngồi chờ ở bên ngoài. Phía bên trong, vị trưởng phòng đang chậm rãi nói với Văn Đình Hồng:

          - Đây là lá đơn người ta kiện anh. Anh xem đi!

          Văn Đình Hồng người nhỏ thó, có khuôn mặt cũng nhỏ và mỏng, tỏ ra rất bình thản, cầm lấy lá đơn. Anh đọc lướt qua các dòng chữ rồi nhún vai:

          - Chẳng có lý cố gì cả.

          - Sao lại không có lý cố ? Vị Trưởng phòng vặn lại – Phải có lý người ta mới kiện anh. Rõ ràng là anh đã làm phiền người ta nhiều quá rồi.

          Văn Đình Hồng không chịu:

          - Thế nào gọi là phiền? Hai người cùng đến với một cô. Cô ấy yêu ai là người ấy được chứ.

          - Nhưng anh phải đọc kỹ lá đơn đi mới được. Người ta đã sắp cưới nhau rồi… Nếu anh không dừng lại mà cứ tiếp tục thì Trường sẽ kỷ luật anh.

          Nghe hai tiếng “kỷ luật” Đình Hồng giãy nảy lên, giọng the thé như giọng nữ:

          - Này, anh đừng có dọa tôi. Tôi không phải là đứa trẻ con đâu nhé. Bây giờ tôi hỏi anh, anh có chứng cớ gì nói rằng cô Liên không yêu tôi mà yêu người ấy?

          Tình thế xoay chuyển không ngờ. Vị Trưởng phòng ớ ra, không biết xử lý ra sao.   Anh đành quay ra gọi tôi rồi nói với Đình Hồng:

          - Thôi được rồi, hôm nay tôi có khách nên phải dừng ở đây. Khi khác chúng ta sẽ nói chuyện.

          Đình Hồng bèn  dứng dậy, vẻ mặt tự đắc, bước ra ngoài.

          Tôi cảm thấy phấp phỏng. Trong những trường hợp như thế này, tâm lý dễ chịu là điều quan trọng lắm. Nếu vị trưởng phòng bực mình rất dễ hỏng việc. Vì vậy, mở đầu tôi vui vẻ:

          - Có lẽ hôm nay là lần đầu tiên anh tiếp xúc với Văn Đình Hồng?

          Vị trưởng phòng lắc đầu:

          - Thật không thể tin được. Trước đây, nghe người ta đồn đại cứ tưởng đó là những chuyện tiếu lâm. Bây giờ mới biết đó là sự thật. Thật tội nghiệp quá.

          Để cho không khi bớt căng thẳng, tôi ngồi xuống và lấy một điếu Sông Cầu ra hút. Tôi mời vị trưởng phòng:

          - Anh hút tạm thuốc này.

          Vị trưởng phòng cảm ơn rồi lấy chiếc bật lửa từ ngăn kéo ra bật lửa, vẻ thân thiện. Thấy tình hình thuận lợi, tôi vào đề ngay:

- Nghe nói, năm nay có chỉ tiêu cho ngành tôi thi nghiên cứu sinh nước ngoài có phải không ạ?

          Vị trưởng phòng hơi lim dim mắt, nhả khói lên trần nhà rồi ôn tồn:

          - Đâu có. Nếu có thì chúng tôi đã thông báo xuống khoa rồi.

          - Không. Tôi nghe tin chính thức từ trên Bộ mà – Tôi kiên quyết khẳng định – Chả lẽ những chuyện như thế chúng ta cũng phải bí mật sao?

          Tôi nói và nhìn thẳng vào cặp mắt của vị trưởng phòng. Ông chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng phong cách có vẻ điềm tĩnh, già dặn. Vốn xuất thân từ ngành toán, lại theo con đường chính trị nên ông rất kiệm lời. Khi đối thoại lùc nào cũng nghe nhiều hơn nói. Ông bảo:

          - Cũng chẳng cần phải bí mật. Chỉ có điều, đó là xuất không chính thức nên chúng tôi không thể đưa về khoa của đồng chí thôi.

          - Thế có nghĩa là thế nào ạ? – Tôi chau mày suy nghĩ rồi hỏi như là ra lệnh cho người đối thoại phải trả lời. Vị trưởng phòng không bận tâm đến điều đó, giải thích:

          - Đó là suất bổ sung.

          Tôi hăng hái:

          - Nếu là suất bổ sung thì trường cũng nên phân bổ xuống để chúng tôi được tham dự chứ ạ.

          Vị trưởng phòng im lặng, rung đùi một lát một lát rồi nhìn thẳng vào tôi:

          - Trường cũng muốn có nhiều cán bộ đi nghiên cứu sinh nước ngoài lắm chứ. Nhưng đây là trường hợp rất tế nhị. Vả lại, trường cũng đã hứa…

          Thú thật, là một cán bộ giảng dạy, tôi rất ít quan tâm đến những chuyện “trong ngoặc” của công tác tổ chức nên lúc đó cứ ngây ra khiến cho vị trưởng phòng phải bước đến và vỗ nhẹ vào vai tôi:

          - Vấn đề là thế này. Vừa rồi, đồng chí Bí thư Đảng ủy của trường bạn vừa mới xin được một suất chỉ tiêu bổ sung nghiên cứu sinh nước ngoài. Chỉ là suất bổ sung thôi, tôi nhắc lại. Vì đồng chí ấy có vị con rể đang tại nhiệm ở trường mình nên có nhờ “bên ta’ giúp đỡ, nhận cho cái suất bổ sung ấy để con rể của ông có được chỗ đi thi. Thi thì cứ thi, coi như là thi thử. Chứ còn có đi được hay không sau này còn phụ thuộc vào việc đàm phán của Bộ.

          Lại rích rắc thế nữa. Thảo nào mà người ta không thông báo xuống khoa. Nhưng mà, dù là xuất xin thêm song lại đúng chuyên ngành của mình thì mình cũng phải đăng ký mới được. Nghĩ thế, tôi liền nói :

          - Vậy thì các anh cũng cứ cho tổ tôi một suất. Ngành tôi lâu lắm rồi chưa có suất đi nghiên cứu sinh nước ngoài nào.

          Vị trưởng phòng hút một hơi thuốc thật dài rồi phì ra:

          - Thế rồi giải quyết ra sao nếu các bạn cũng đỗ cả?- Vị trưởng phòng đổi cách xưng hô, gọi tôi là "bạn" một cách thân mật.

          Tôi buôt miệng:

          - Thì cứ giải quyết theo thứ tự.

          Vị trưởng phòng mở to mắt:

          - Cũng được. Nhưng bạn phải cam kết một điều, suất bạn dự thi chỉ là bổ sung của bổ sung. Trong trường hợp cùng đỗ mà chỉ có một chỉ tiêu thì anh phải nhường cho anh Lê Quang Mưu trước. Dứt khoát không được thắc mắc hay kiện cáo gì cả.

          - Tôi nhất trí.

          - Vậy thì bạn về tổ bộ môn xin làm thủ tục đi. Cứ nói với cô Hoàng làm một cái công văn cử người đi học như bình thường, rồi lấy chữ ký của khoa, gửi lên đây.

          Tôi vui mừng khôn xiết. Mặc dù chỉ là suất bổ sung của bổ sung, nhưng không hiểu tại sao tôi lại có linh cảm là vận may đang đến với mình. Bắt tay vị trưởng phong tổ chức với tỉnh cảm của người biết ơn, tôi nói:

          - Cảm ơn bác rất nhiều – Chẳng hiểu tại sao tôi lại đổi cách xưng hô “thay vai” với từ “bác” một hồn nhiên.

          Vị trưởng phòng nhìn tôi với ánh nhìn thiện cảm:

          - Chúng tôi chỉ mong cán bộ trường ta đi nghiên cứu sinh thật nhiều. Càng đi nước ngoài nhiều càng tốt. Đó là thế mạnh của trường ta bạn ạ.

          Cách tiếp khách niềm nở của vị trưởng phòng mới làm tôi có một ấn tượng khác hẳn với vị trưởng phòng cũ. Tôi nhớ, thời đó, không phải chỉ có tôi mà rất nhiều người đều có tâm lý rất sợ vị trưởng phòng này. Thậm chí, có người còn sợ ông hơn cả vị hiệu trưởng. Bởi ông là người có quyền sinh, quyền sát trực tiếp với mọi cán bộ. Ông đồng ý cho ai đi đâu thì được đi. Ông phê bình ai thì người ấy sẽ lao đao khốn khổ. Ông cất nhắc ai thì người ấy cứ bay như diều. Ngày chúng tôi mới tốt nghiệp ra trường, ông triệu tập cả 5 người cùng lên rồi bảo:

          - Theo đề nghị của khoa, trường đã xem xét và quyết định giữ các anh chị ở lại làm cán bộ giảng day. Nhưng trước khi phân bổ về các tổ, các anh cần phải lao động giúp trường một số việc. Gọi là giúp cũng được mà gọi là rèn luyện phẩm chất cán bộ cũng đúng. Các anh chị ở đây có ai phản đối không?

          Chúng tôi lấm lét nhìn nhau rồi đồng thanh nói:

          - Chúng cháu nhất trí ạ.

          Xưng hô là “chúng cháu” vì chúng tôi mới là sinh viên “vắt mũi chưa sạch” và thực chất cũng chỉ tầm tuổi con cái ông. Ông thấy mấy đứa bọn tôi tỏ ra lễ độ thì ưng ý lắm liền rút một tờ công văn có mẫu in sẵn rồi điền vào những chỗ trống các thông tin cần thiết. Sau đó ký xoẹt một cái và đóng dấu đỏ lòm. Ông đưa cho tôi, người đứng gần ông nhất. Giọng ông như tảng băng trôi:

          - Anh cầm giấy này về gặp trưởng ký túc xá. Trong thời gian từ nay đến đầu năm học mới, các anh phải làm bất cứ việc gì mà ký túc xá cần. Hết thời gian này, có nhận xét của trưởng ký túc xá về quá trình rèn luyện của các anh chị, nếu tốt, nhà trường sẽ ra Quyết định chính thức.

          Chúng tôi lại đồng thanh:

          - Vâng ạ!

          Khỏi nói, thời đó được giữ lại làm cán bộ giảng dạy là một vinh dự vô cùng lớn lao và là ước mơ của rất nhiều người. Bởi thế nhận được giấy là chúng tôi trở về ký túc xá ngay.

          Có lẽ cái uy của vị trưởng ký túc xá cũng chẳng kém mấy so với vị trưởng phòng Tổ chức cán bộ bởi ông tuy không có quyền sinh quyền sát nhưng lại là một tiếng nói gần như quyết định vào phút cuối cùng. Cho dù suốt cả thời đại học anh có phấn đấu đến mấy, nhưng lúc này chỉ một sơ xuất, ông trưởng ký túc phê vào lý lịch vài chữ chê bai, đại loại “thiếu ý thức trách nhiệm”, “thiếu ý thức phấn đấu” thì coi như toi đời. Ông trưởng phòng Tổ chức chỉ cần căn cứ vào đó là có thể sổ toẹt anh một cách không thương tiếc. Nhẹ nhất là hoãn lại việc phát Quyết định. Nặng hơn là thuyên chuyển công tác. Bởi thế, lời của ông trưởng ký túc xá cũng chẳng kém gì cha mẹ, chúng tôi phải nhất nhất nghe theo. Hôm nay thì đi dọn văn phòng. Ngày mai thì đi quét vôi lại hội trường của ký túc xá. Ông trưởng ký túc có trách nhiệm nghĩ ra ti tỉ thứ công việc trong suốt mấy tháng thử thách của chặng đường cuối cùng. Cứ ngỡ làm lụng vất vả như thế thì ít nhất chúng tôi cũng được ít đồng bồi dưỡng để bù vào tiền ăn, hay chí ít cũng được ưu tiên về chỗ ở. Nhưng không. Bằng cái giọng miền Nam rất yêu nước, ông trưởng ký túc giải thích rất cặn kẽ:

          - Các anh chị cần được thử thách ít tháng với tinh thần lao động xã hội chủ nghĩa (nói nôm na là lao động không công). Do đó mọi người cần hết sức tích cực để tôi có thể nhận xét tốt cho tất cả, để có thể trở thành cán bộ giảng dạy thật sự. Trước mắt, các vị cứ tạm tá túc ở đâu đó, chỗ người quen, hoặc xuống ở nhờ các lớp sinh viên. Sau mấy tháng thử thách, xong rồi tôi sẽ bố trí cho các anh chị theo đúng tiêu chuẩn của cán bộ, ba người một phòng. Có ai thắc mắc gì không?

          Chúng tôi răm rắp:

          - Không ạ!

          Đi qua những chặng đường gian nan như thế ở cái xứ sở vừa mới hết chiến tranh vừa nghèo đói lại vừa ngột ngạt bởi những qui định ngặt nghèo, bây giờ được một suất đi nghiên cứu sinh nước ngoài là hạnh phúc lắm, dù chỉ là suất bổ sung của bổ sung.

          Niềm hy vọng hàng ngày đốt cháy trong tôi. Tôi cảm thấy cuộc sống trở nên phấn chấn một cách kỳ lạ. Hàng ngày, sau mỗi giờ lên lớp, tôi bắt đầu đọc lại một cách có hệ thống kiến thức đại cương và kiến thức chuyên ngành. Buổi tối, tôi dành riêng để đọc sách triết học. Kinh nghiệm của nhiều kỳ thi, đây là môn hóc búa nhất, hoặc dễ được điểm cao, hoặc dễ nốc ao. Tôi xác định cho mình, dù thế nào cũng phải phấn đấu đạt điểm giỏi tất cả các môn. Đó vừa mục tiêu, vừa là lòng tự trọng. Sẽ ra sao nếu lại thi trượt kỳ thi rất quan trọng này?

          Thời gian ôn thi tôi được miễn các giờ dạy theo đúng chế độ của một anh sĩ tử. Tôi lao vào đọc sách, lên lớp nghe phụ đạo, thảo luận chuyên đề… Tôi tạm thời phải đoạn tuyệt lĩnh vực sáng tác, một thói quen và cũng là niềm yêu thích cá nhân, để chăm chú vào chuyện học hành. Cuối cùng tôi cũng đạt được nguyện vọng. Kết quả, tôi đạt được 29,0 điểm trong tổng số ba môn, một điểm số cao ngất so với các ngành khác. Thế nhưng, đúng như đã được thông báo từ trước, cuối cùng Bộ chỉ đàm phán được có một chỉ tiêu bổ sung. Kết quả của tôi được Bộ cho phép “bảo lưu” để xin vào chỉ tiêu của năm tới. Tôi thở phào. Nước Nga thân yêu ơi! Nhất định rồi ta sẽ được gặp Người. Mỗi đêm, trong giấc mơ, tôi thấy hiện ra trước mắt mình một màu tuyết trăng phủ trên những đường phố rộng dài. Chuông đồng hồ điện Cremli ngân nga trên đỉnh tháp… giấc mơ nối tiếp giấc mơ như đưa tôi tới một thiên đường.

Powered by Froala Editor