Viện phương đông

3 năm trước

Sáng tác mới: tiểu thuyết “Bên Thiên đường” của Hữu Đạt

Chương 2: Trở về xóm nhỏ

(Trích tiểu thuyết “Bến Thiên đường”)

                  Hữu Đạt


Powered by Froala Editor

     Tôi trở về xóm cũ. Gọi là trở về, nhưng thực ra là trở về với cái guồng quay đều đều của cuộc sống nơi ký túc, nơi đã in dấu bao buồn vui của một thời trai trẻ. Gần một năm trước, tôi chúi mũi lao vào cuộc thi nghiên cứu sinh. Nào là đi thư viện. Nào là tham gia các chuyên môn. Suốt gần một năm, tôi không xem một trận bóng đá nào. Chưa kể có lúc râu tóc đến ngày không cạo, lởm chởm như một tay ốm đói. Tuy phải thức đêm thức hôm vất vả thế, nhưng tiêu chuẩn ăn uống cũng chả có gì hơn. Vẫn giống như rất nhiều cán bộ khác. Sáng ăn cơm nguội với lạc. Trưa, tối có chút màu mè cũng phải nhờ vào việc có xếp hàng mua được thực phẩm ngon hay không. Đa phần, đó vẫn là những bữa cơm ăn với cá đồng tiền hoặc đậu phụ.

     Hoàn thành công việc đi thi, tôi như trút đi được một gánh nặng trở về với đời thường. Ngày ngày, sau những giờ đi dạy, cuộc sống lại quẩn quanh bên dãy nhà tập thể. Thi thoảng, lúc nào rỗi lại “lên tầng” tào lao với mấy cán bộ độc thân, có khi hàng tiếng.

     Dãy nhà tập thể mà tôi ở, lợp giấy dầu, cũng gọi là khang trang vì tường được xây gạch, trát vôi. Nhiều dãy nhà khác còn là vách bùn, xiêu vẹo. Gọi là nhà, nhưng trông nó như nhà kho, mà cũng chỉ được gọi là nhà kho dã chiến chứ không phải là nhà kho theo cái nghĩa thực thụ. Gia đình các cán bộ giảng dạy của trường được phân đều thuộc diện xét lên xét xuống. Nhưng vẫn không tránh khỏi tiếng eo sèo. Thời buổi, mật ít, ruồi nhiều, việc tỵ nạnh, cãi cọ nhau về suất nhà hay suất đi nghiên cứu sinh xảy ra như cơm bữa. Cẩn thận đấy! Đang là người tốt, chưa chừng được cử đi nước ngoài thì có thể bị người khác đưa đơn lên nói rằng mày là tên ăn trộm, một tên mà bố thuộc đảng phái Quốc dân Đảng, một đứa ba lăng nhăng, ngồi đâu cũng nói xấu lãnh tụ… Sẽ có rất nhiều điều mà anh không thể tưởng tượng ra. 

 Hân mới bảo tôi:

         - Từ nay ông phải chú ý đấy. 

         - Sao vậy? - Tôi ngơ ngác hỏi lại.

Hân cười hề hề. Cái tiếng hề hề phát ra từ miệng anh rất dễ thương. Mà Hân dễ thương thật. Dễ thương ở nét mặt, nụ cười. Đôi lúc tôi nhìn anh vô tư như trẻ con. Chỉ những lúc anh ngồi làm việc bên bàn, tôi mới thấy anh tư lự. 

- Thì tôi thấy những người đi trước nói thế, nên cũng dặn ông như thế  - Hân chân tình. Anh ngồi xuống chiếc ghế đẩu cạnh giường và rót cho tôi chén nước.

- Chè xanh đấy ông ạ. Mẹ tôi mới đem lên.

Tôi nhấp một hớp và thấy hương vị trà có cái gì đó rất lạ, bèn hỏi:

- Quê anh đồng bằng mà cũng trồng được chè à, lạ nhỉ? Mà hương lại thơm lắm.

Hân bảo:

- Ông bố tôi chỉ trồng có hai khóm tôi. Lá rất xanh, mà uống lại có vị như ông thấy đấy.

- Cho tôi chén nữa.

Tôi đưa chén cho Hân. Hân cười hiền:

- Cứ uống thoải mái đi. Có phải tem phiếu đâu mà lo có suất.

Trong dãy tập thể, các gia đình cán bộ sống với nhau rất ôn hòa. Chúng tôi chẳng có gì phải tranh giành nhau. Nhà tập thể, mỗi người mỗi gian. Bếp một dãy, mỗi người một khoảnh. Chúng tôi tự ngăn ra, tính đều theo chiều dài, chia đều cho các hộ. Chia xong, ai cũng hỉ hả, vui vẻ. Những chiều tối, mỗi khi mất điện, tất cả các nhà lại bắc ghế ra phía sau. Ở đó, ngăn cách giữa nhà chính và nhà bếp có cái sân khoảng độ 3 mét vuông. Chúng tôi bắt đầu ngồi tán chuyện. Trên giời dưới đất, đủ cả. Nhưng rôm rả nhất vẫn là chuyện tem phiếu. Người thì hí hửng vì hôm nay vừa xếp hàng mua được ít nước mắm ngon, người lại hả hê vì nhanh chân mua được con vịt bán cung cấp vì đã đẻ hết mùa.

Bầu không khí của xóm thân ái, không có tiếng cãi cọ. Tất nhiên, đôi lúc cũng to tiếng về những cuộc tranh luận nho nhỏ của một vài cặp vợ chồng. Có khi là việc bà vợ phàn nàn về ông chồng chỉ biết “mỗi khoa học” mà không bao giờ đi xếp hàng mua gạo. Có khi là ông chồng luôn ca cẩm vì cả tháng vợ không may mắn mua được vài lạng thịt ngon. Nhưng sau mỗi cuộc cãi cọ nho nhỏ ấy, họ lại cười tóe loe vì hóa ra trách nhầm. Tất cả chỉ bởi tại tem phiếu. Tem phiếu…tem phiếu. Ôi! Tem phiếu luôn là cái câu chuyện muôn thuở. Nó là hạnh phúc, nhưng lại là nét nhăn nhó trên các khuôn mặt rạng ngời.

Dãy nhà tập thể có nhiều người, chơi và giao thiệp với nhau theo cung cách của một cái xóm nhỏ ở thôn quê. Mỗi khi ai đi xếp hàng mua được vài cân cá ngon là mọi người xúm đến. Có ấm trà xanh hay chè búp mới lại gọi nhau. Tết đến, í ới gọi nhau xếp thành một đoàn dài đi chúc tụng. Nhà nọ tiếp nhà kia. Đồ tiếp khách sang là gói Sông Cầu, đĩa kẹo chanh, tầm tầm thì thuốc lá Tam Đảo, đĩa bánh làm gia công bằng tiêu chuẩn Tết là những cân bột mỳ. Đơn giản hơn nữa là thuốc lá Trường sơn đỏ, thậm chí không có thuốc. Bánh bích qui gia công thì nhà nào cũng có.

Tôi với Hân ngoài tình hàng xóm còn là tình đồng nghiệp. Anh là cán bộ nghiên cứu của Phòng khoa học, còn tôi là giảng viên. Bởi thế, vào những ngày nghỉ, tôi và Hân hay ngồi uống nước trước hiên, hoặc  ở ngay bên phòng làm việc, để tào lao về chuyên môn.  Đây là chỗ chúng tôi có nhiều cái để “tạc thù” với nhau bởi nó là nguồn cảm hứng nghề nghiệp. 

Tôi quí Hân vì anh với tôi vốn cùng một khoa. Anh học trước tôi đôi khóa, thuộc hạng được ghi danh lúc bấy giờ. Hồi còn ở nơi sơ tán, mỗi khi giáo sư Đường vào lớp dạy chúng tôi môn thực nghiệm, ông thường bảo:

- Các em phải phấn đấu theo gương cậu Hân. Đó, suốt mấy năm làm lớp trưởng, bận bao nhiêu công việc nhưng học vẫn giỏi này. Không yêu đương này. Con người như thế là con người của tương lai. Đất nước ta rồi sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những người đó phải là nòng cốt của trí thức mai sau.

Lúc đó tôi mơ hồ nghĩ, sau này mình là nhà văn, nhất định mình sẽ viết một nhân vật có tên là Mai để diễn tả cái ý nghĩa trong câu nói đó của giáo sư Đường. Nhưng để làm nhà văn, thì con đường dài lắm. Trước mắt phải học đã. Mỗi khi như thế, tôi lại hay nghĩ về Hân. Trong tôi, Hân giống như một nhân vật điện ảnh, đôi lúc ẩn hiện chập chờn, mờ mờ, ảo ảo.

 Tôi và Hân có cá tính khá giống nhau, đều là những kẻ đam mê. Nhưng Hân chỉ đam mê nghiên cứu, còn tôi, lại khoác vào cổ cái ách của một gã nhà văn. Đấy là cái thứ nghề tự làm khổ mình. Đang đêm người ta đang ngủ, mình bỗng vục dậy, ngơ ngác như thằng mất hồn. Sau một đêm trăn trở, cái hình tượng văn chương chợt đến, lại dựng đứng lên. Đi vẩn vơ ra ngõ. Rồi gồi vào bàn. Bật đèn lên. Có ý đến đâu vẫn làm cho vợ phải thức dậy. Chịu sao nổi! Văn với chả chương. Vào cái giờ ấy, những người chồng khác người ta làm việc khác, còn thằng nhà văn thì bị cuốn vào cơn lốc của cảm hứng, trôi nổi, bập bềnh trong một mớ các từ ngữ, một mớ những con người, một mớ những khói lửa, đạn bom… Cứ như thế, cái gã nhà văn đã tự vơ lấy nỗi cực nhọc vào mình để lấy một tiếng cười hả hê cho thiên hạ, một giọt nước mắt trước cuộc đời, mà cuộc đời thì lại quá nhiều nỗi khổ đau…

Ai vướng vào văn chương, người đó rất khó thoát khỏi nỗi ám ảnh. Đó là  nỗi ám ảnh vào những con người, số phận, những ngang trái ngổn ngang. Nó thôi thúc anh. Nó làm anh mất ăn mất ngủ, trằn trọc thẫn thờ… Nó làm cho anh đôi lúc như mộng mị. Ôi! Cá cái trò ma mị của văn chương, đúng là một thứ chết người. 

Trong cái thời buổi tem phiếu, viết xong một tác phẩm, sức lực của người viết gần như bị rút kiệt. Mỗi lần như thế, trông gã nhà văn giống như kẻ ốm đói: bơ phờ, ngơ ngác, trông chẳng khác kẻ ngủ mơ. Bởi thế,  ấy là cái nghề chẳng mấy ai mặn mà lắm.

Tôi và một thầy giáo cùng khoa đã nhiều lần đàm đạo về thứ nghề này. Ông vẫn nói với tôi:

- Vinh quang thứ mẹ gì. Chẳng qua nghề nào cũng tự tô vẽ cho mình thành thánh, thành tướng tất cả. Khoa học cũng oai. Bác sĩ cũng oai. Nhà báo cũng oai. Lãnh đạo cũng oai. Oai tất rồi còn gì. Nhưng quan trọng nhất, mình nghĩ rằng, cuộc đời đừng tạo ra cái ác. Mọi cái ác đều gây nên nghiệp chướng cả.

Ông thầy giáo hay triết lý với tôi chính là Thân. Trước ông ở cách tôi mấy dãy, tận giáp chỗ bờ ao. Tôi hay nói chuyện với ông vì ông là người hay bắt chuyện, tính tình lại xuề xòa, kiểu nông dân, nên chuyện trò chẳng cần phải giữ ý. 

Nhưng năm ngoái may mắn thế nào ông lại vớ được suất đi chuyên gia. Gọi là may mắn vì ông chưa đến lượt tiêu chuẩn, nhưng hai người đi trước đấu nhau chí mạng. Thế là đơn vị đưa ngay ông vào ứng viên. Không đưa vào, đơn vị khác lấy mất. Ông bước vào cuộc đấu một mình một kiếm trên vũ đài. Số ông là như vậy.

  Ông đi một năm sang một nước tư bản, trở về đủ tiền mua ngôi nhà riêng. Thế là ông bỗng nhiên thành “quí tộc”. Thỉnh thoảng ngày tết, ông và vợ khoác túi vào thăm xóm cũ. Mọi người nhìn ông như người trên thiên đường.

Ông giáo vừa đi, đã có một người khác đến thay thế. Cùng lúc đó,  kế bên phòng của tôi, lại có một phòng trống. Có một cô giáo dạy tiếng Nga tên là Vinh mới đi tăng cường ở phía Nam. 

Từ khi vợ chồng Hân chuyển đến, tôi thấy rất vui. Vì Hân làm ở Phòng nghiên cứu Khoa học nên cũng biết nhiều chuyện lắm. Những lúc rỗi rãi,chúng tôi thường tán dóc với nhau. Từ ngày lấy vợ, anh chưa được phân nhà. Hân ở trên dãy tập thể, Lý ở khu sinh viên. Cô sống với các bạn cùng lớp, vì cô còn đi học. Trước khi gọi Hân đến, Ban Quản lý ký túc xá phải tổ chức mấy cuộc thảo luận. Cuối cùng, ai cũng nhất trí biểu quyết cho vợ chồng Hân. Họ cưới nhau đã gần một năm.  Phòng Khoa học đã bảo Hân làm đơn xin nhà nhà từ khi anh đăng ký kết hôn, rồi chuyển cho Ban Quản trị ký túc. Đơn cất vào tủ. Mãi đến khi cô giáo Vinh đi khỏi, Ban Quản lý ký túc mới chính thức thông báo trên đài cho họ chuyển đến. Khi thông báo đài nói oang oang, một nữ giáo viên liền tức tốc tức chạy đến. Cô gặp ông Bặng – trưởng ký túc xá, nằng nặc xin được phân nhà. Ông Trưởng ký túc giải thích một hồi, người nữ cán bộ vẫn cứ phân bua, trình bày. Cáu tiết Trưởng ký túc xá liền gắt:

- Lúc này thì ai cũng cần nhà cả. Cô tưởng chỉ có cô là cán bộ thôi à? Cô Lý là sinh viên nhưng cũng là cán bộ, mà còn là cán bộ có nhiều đóng góp.

Vị nữ cán bộ nói lí nhí:

- Nhưng cháu giảng dạy ở trường 7 năm rồi. Đóng góp với trường thì cháu…

          Ông Bặng là cán bộ tập kết, tính thẳng tưng. Ông hay nói to, nhưng là người rất tình cảm.

- Cái cô này… đóng góp là đóng góp với cả xã hội, với cái lớn lao. Lý nó lái xe ở chiến trường 6 năm. Chỉ tính hệ số 2 đã hơn hai lần số năm của cô rồi. Chưa kể xương máu, đạn bom. Lý nó là thương binh. Một phần đời và một phần máu của nó để lại nơi chiến trường. Chú tiếc là không có nhà, có nhà chú phải phân nó ngay từ lúc mới làm giấy nhập học. Thế mới đúng là chính sách! Đằng này, phải để đến tận bây giờ… Thôi về đi, đừng có mà thắc mắc nữa.

Khi chú Bặng nói câu ấy, tôi đang đứng thập thò ở cổng trường trực. Mọi người giục tôi ra nói với chú Bặng mở cửa phòng lấy ti vi kê ra sân để mọi người xem bóng đá. Thấy chủ Bặng to tiếng, tôi không dám bước vào. Tôi chỉ thấy cô giáo trẻ đang bặm môi, tấm tức khóc. Một lát, chú Bặng  hạ giọng:

-Thôi chú biết rồi. Mày cũng hoàn cảnh lắm. Nhưng cái Lý nó cũng hoàn cảnh lắm chứ kém đâu. Cả tuổi trẻ đi đánh giặc, về lấy chồng. Lẽ ra phải có cái buồng hạnh phúc cho cô ấy. Cũng may cho chú, nếu cô ấy mà đòi hỏi tiêu chuẩn theo Nghị quyết 175 thì chú cũng khốn khổ. Không phân theo Nghị quyết thì không hoàn thành nhiệm vụ. Mà phân thì không kiếm ra phòng. Thương binh như cô Lý, cũng chả cần phải gửi đơn cho chú đâu. Người ta gửi thẳng lên trường, lên Phòng thương binh xã hội là trường gõ vào đầu chú. Mà ông Trường thì to như thế, cứ ra lệnh, yêu cầu, còn vật chất thì hàng năm chỉ cho ký túc xá có ít kinh phí. Chú xoay cách nào? Cho nên, làm gì cũng phải có tình đời cháu ạ.

Biết là nói vậy vẫn chưa thấm, chú Bặng hỏi:

Nếu cháu cháu chưa thật thông, chú phát lên loa, rằng có cô giáo đang đến đây có ý kiến về việc phân nhà. Nhân tiện chú cũng thông báo cho toàn thể bà con xem ai có thắc mắc thì xuống bàn luôn một thể. Hôm nay có bóng đá. Chú sẽ đưa mọi người ra họp chỗ Hội trường. Còn chú bảo anh phó của chú ra đây mở ti vi phục vụ bà con. Cháu thấy không, mọi người đang mang ghế, mang chiếu lố nhố ngoài kia rồi.

Cô giáo tần ngần. Chú Bặng nói thêm:

- Không có những người như cô Lý, miền Nam chưa giải phóng, chú cháu bây giờ đang ở đâu? Ở trong rừng, nhớ chưa?

Tôi khâm phục chú Bặng quá. Lẽ ra chú phải phụ trách tuyên huấn mới phải. Cô giáo trẻ vui vẻ ra về. Chú Bặng an ủi:

- Thông rồi thì chú nói cho yên tâm. Trường hợp của cháu, chú ghi nhớ. Đợt tới, có nhà là chú sẽ trình bày cặn kẽ để mọi người ưu tiên và cảm thông.

Tôi rất thích tính chú Bặng. Chú là người nhiệt tình, tận tụy với công việc và giải quyết mọi việc rất thấu tình đạt lý. Chả bõ cho vị trưởng ký túc thời trước thường làm việc theo kiểu công vụ.

Vì biết tính chú nên dù biết chú Bặng lúc đó chưa ăn cơm, tôi vẫn đề nghị:

         - Mọi người đang chờ chú. Chú cho ti vi ra rồi hãy về ăn cơm nhé.

Chú Bặng vui vẻ:

- Ăn cơm thì quan trọng gì. Không ăn bây giờ thì tối ăn. Hôm nay, giải ngoại hạng Anh, không xem từ đầu thì rất phí.

Tôi giúp chú khiêng chiếc tivi 23 in (inch) từ phòng thường trực ra kê trên chiếc ghế gỗ hình vuông đã đặt trước đó ở giữa sân cỏ rộng. Cùng một lúc mọi người ùa đến. Người mang chiếu, kẻ mang ghế chộn rộn xếp hàng như ở đình mỗi khi có chiếu bóng ngày xưa. Chú Bặng bắc một cái ghế đẩu ngồi cách đó chừng hơn hai mét.

Tôi đứng cùng xem với một nhóm sinh viên. Trước mặt tôi, đám trẻ nhỏ của khu ký túc chen chúc nhích gần lên phía trước. Những người lớn, đa số là phụ nữ ngồi lui ở phía sau. Màn hình bật lên, nhưng còn chừng 15 phút nữa mới đến giờ khai mạc trận đầu. Chú Bặng hỏi tôi:

- Nghe nói cháu được cử đi nghiên cứu sinh nước ngoài. Đi Liên xô hay đi Đức hả cháu?

- Dạ chắc là đi Liên xô chú ạ. Nhưng mà năm nay cháu đã được gọi đâu.

- Sao? Chú tưởng thi rồi? Đỗ rồi?

- Vâng. Đúng là thế. Nhưng còn chờ chỉ tiêu chú ạ. Chắc cháu còn được xem bóng đá vài chục trận nữa.

 

 

Powered by Froala Editor