Viện phương đông

3 năm trước

Tiểu thuyết "Các con đại tá" (2 tập) - Hữu Đạt. Nxb Quân đội Nhân dân

Thật may phúc là tôi chưa lấy vợ. Tôi chợt nhớ lúc đang còn là sinh viên ở trường. Một lần, ngày kỷ niệm thành lập Đoàn thanh niên, anh viện phó Viện Đông Nam Á đến nói chuyện. Kết thúc bài nói là một câu mịt mờ, u uẩn:

- Bi kịch thay cho các gia đình nào mà cả vợ, cả chồng đều tốt nghiệp đại học. Đại bi kịch cho những ai mà cả vợ cả chồng đều là phó tiến sĩ.

Powered by Froala Editor

Thể theo nguyện vọng của nhiều bạn đọc, bắt đầu từ số này BBT sẽ đăng lần lượt các chương của tiếu thuyết “Các con đại tá”. Đây là cuốn tiểu thuyết Hữu Đạt về số phận của các cựu chiến binh thời hậu chiến và đời sống của người Việt sau chiên tranh. Mời bạn đọc đón xem. Mọi ý kiến bình luận xin gửi về BBT của Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông đã ghi tại trang chủ của website này.

Trân trọng!

 

CÁC CON ĐẠI TÁ

TẬP 1

               Tiểu thuyết của Hữu Đạt

    Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục Chính trị và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tổ chức Trại viết văn và tạo điều kiện để cuốn sách sớm ra mắt bạn đọc.

* * *

Chương 1 

Tôi mới về được hai ngày, cha tôi bảo:

- Lần này anh về tôi muốn nhờ một việc. Hệ trọng lắm!

Tôi ngạc nhiên, cha tôi, ông đại tá già nua, cả một đời đều nói với tôi bằng những điều như quân lệnh. Vậy mà lần này ông lại chịu "xuống giọng" với tôi, cách nhờ vả. Thật không biết có chuyện gì?

- Thưa ba, để tối về. Giờ con phải đi, có việc trót hẹn mất rồi.

Tôi sửa sang lại quần áo, thắt qua chiếc ca vát, "xịt" một cái thật dài tý hơi thơm lên mái đầu cắt ngắn. Đứng trước gương, tôi chợt nhớ tới một kỷ niệm từ hơn hai chục năm trước. Lần đó, tôi chưa vị thành niên, ở một vùng quê, đã táo tợn đưa ra cách xưng hô lạ hoắc: Ba!

Phải! Cả nhà tôi, các anh chị đều gọi cha là "bố", gọi mẹ là "bầm". Riêng tôi, có lẽ học đòi mốt thời thượng gọi là "ba" và "mẹ". Mẹ tôi quở:

- Sao không gọi là "bố" như mọi người mà phải gọi bằng "ba". Người ngoài nghe thấy kênh kiệu, đài các, thiếu bình dân...

Tôi hắt đi:

- "Ba" hay "bố" thì quan trọng thì đâu hả mẹ. Điều quan trọng là bản chất, còn tên gọi chỉ là ước lệ thôi.

Mẹ tôi mở to mắt ra nhìn. Lần đầu tiên trong cuộc đời thằng oắt con bắt đầu biết cãi mẹ. Đó là dấu hiệu nói rằng nó đã bắt đầu lớn và có vẻ "một con mọt sách".

Tôi dắt xe máy ra cửa. Nét mặt cha tôi thoáng buồn.

- Con đi chừng hai tiếng sẽ về. - Tôi giơ tay xem đồng hồ, theo thói quen - Ở nhà, có ai đến tìm, ba bảo cố gắng đợi.

- Chỉ có tác phong còn là lính, còn đã đổi tất cả...

Cha tôi lẩm bẩm.

Khi xe phóng trên đường phố, tôi vẫn bị ám ảnh câu nói của ông. Tôi hiểu, ông muốn ám chỉ tôi điều gì. Giá như ngày xưa thì chắc chắn tôi đã bị ông gọi lại "chấn chỉnh" cho đâu ra đấy trước khi đến chỗ hẹn. Cả cuộc đời quân ngũ dài dặc đã rèn ông thành một người sống quen theo nề nếp, quy củ. Ông thật khó chịu đối với cách suy nghĩ phóng túng mà có lần được ông gọi là "phá phách". Tôi và ông từng có một thời "quyết liệt" và, đến bây giờ, có thể xem như là một sự cởi mở có phần chuyển hóa, dung hòa.

Không biết ông sẽ "gõ" tôi về chuyện gì? Chuyện vợ chồng? Tôi giật mình thấy rằng, mình đã bốn mươi tuổi. Vậy mà mấy lần ông giục, tôi cứ phớt lờ. Người già, bao giờ chẳng hay sốt ruột. Ông có bực bõ với tôi, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đợt về phép trước dường như ông đã chấp thuận là không bao giờ "la" về chuyện này nữa. Vậy thì... rất có thể ông nghe phong thanh về chuyện làm ăn buôn bán của tôi ở bên kia? Ông vốn kỵ với những gì gọi là "điều tiếng" kiểu như thế.

Nhưng rõ ràng là qua giọng nói lại thấy sự việc theo một chiều hướng khác. Ông có việc gì "nhờ tôi" mới được nhỉ? Chẳng có lẽ... Tôi luẩn quẩn trong mớ lập luận rối rắm. Thôi, tốt nhất là tối nay lại phải xem trộm nhật ký của ông. Khi bước vào quán bia tôi tự quyết định dứt khoát như vậy. Mặc dù cái tát của ông vào má tôi từ "ngày ấy" vẫn đọng trong ký ức. Nếu xem trộm nhật ký của người khác là một thói tật xấu của tính tò mò, thì tôi coi việc con xem nhật ký của cha, dù là xem trộm, không phải là tội đáng nguyền rủa. Bởi qua những dòng nhật ký ghi rất vắn tắt, thiếu tính quy luật, không đều đặn về thời gian của ông, tôi mới hiểu được số phận của tất cả mọi thành viên của gia đình.

                                                * * *

Cha tôi, đại tá Nguyễn Trung Thành, có tên thật là Nguyễn Thụ Hưởng.

Thuở nhỏ, tôi từng cãi mẹ, coi tên gọi chẳng quan trọng gì. Điều đó phản ánh cách nhìn sự vật từ góc độ thẳng. Khi nhìn nghiêng thì tên gọi có lúc lại rất quan trọng, thậm chí còn làm thay đổi nhận thức về sự vật.

Cái tên: Nguyễn Thụ Hưởng là do ông nội tôi đặt. Khi lớn lên, cha tôi tự ý đổi. Đó là một cách thức đoạn tuyệt với quá khứ, với cả bản lý lịch gia đình thuộc lớp quý tộc phong kiến. Điều mà mỗi khi ông nhắc đến vừa pha chút tự hào lại lẫn cả đắng cay.

Cha tôi là con vợ ba của quan tri huyện Nguyễn Hữu Tước, trông coi huyện Z, tỉnh Ninh Bình. Là con vợ bé, ông phải chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi trong thang bậc xã hội so với các con của bà Cả, bà Hai. Đó cũng là cái may khiến ông sau này dứt hẳn đường quan đi theo cách mạng như ông nói.

Bà nội tôi tên Xoan, quê làng Cợi. Làng Cợi rất nhỏ, chỉ chừng hơn ba chục nóc nhà nằm ven đường lộ số 10. Cả làng Cợi bấy giờ nức tiếng vì có cô gái Xoan nhà nghèo mà lại có một cái vẻ đẹp trời phú đến kỳ lạ. Khác hẳn cha mẹ, cô có nước da trắng như trứng gà bóc. Thật lạ lắm, nước da cô, nắng gió nơi đồng chua nước mặn không thể ngấm ngầm vào được. Càng lớn, cô càng xinh. Năm cô mười sáu, tiếng đồn về cô đã đến tai chánh tổng Hợi. Hợi tìm đến ve vãn, mua chuộc để cô làm vợ hai. Không được, Hợi thù, tìm cách hãm hại. Việc không thành. Hợi bị kiện. Việc đưa lên quan tri Nguyễn Hữu Tước.

Bấy giờ quan tri có tiếng là người liêm khiết, lại công minh. Đích thân ông xem xét kỹ việc này. Lại xử đi xẻ lại đến ba lần mới khép tội viên chánh tổng. Gã bị bãi chức, đuổi xuống làm dân. Ơn quan trên là người tử tế, cụ thân sinh ra Xoan mới cho cô theo hầu ngài. Ít lâu sau quan tri ngỏ ý cưới cô làm vợ ba, có cưới cheo ăn hỏi tử tế. Hơn một năm sau, cậu con trai Nguyễn Thụ Hưởng ra đời.

Quan tri gây dựng cho mỗi bà một tư dinh. Bà Ba được cắm một mảnh đất ở mé cuối phủ huyện. Năm đó, cha Xoan ốm nặng. Cô xin quan cho trở về quê chăm sóc cha già. Quan tri huyện bằng lòng. Thế là, mẹ con cô Xoan lại trở về với cuộc sống làng Cợi.

Trong thật ký của cha tôi đoạn này có ghi: "Làng Cợi mới là quê hương thực của tôi".

Tôi ra khỏi nhà đúng hai tiếng thì trở về. Cha tôi bảo:

- Anh đi khỏi thì có một cô bé đến tìm, nói là vừa ở Liên Xô về.

- Cô ấy người thế nào hả ba? - Tôi hỏi.

Cha tôi chẳng nói gì, lẳng lặng rút một chiếc phong bì trong túi ngực ra. Tôi cầm lấy bóc ra đọc: "Em mới về, đến tìm anh. Không gặp. Em phải về Nam Định ngay. Ngày mai, thế nào anh cũng phải xuống với em. Em mong lắm. Không gặp anh, em mong, chết mất!". Ký tên: Việt Hồng.

Tôi bồn chồn cả người. Khỉ thật! Con người ta có nhiều lúc sống trong cảm giác lạ lùng như thế. Chính tôi cũng không biết có yêu Việt Hồng thật hay không. Chỉ biết, xa nàng tôi rất nhớ. Nhớ nhất là những lúc nàng đọc thơ. Một thứ giọng lạnh lùng nhưng lại có sức quyến rũ. Nó không ướt át, ẻo lả như giọng các cô gái khác.

- Có còn ai đến tìm con nữa không ạ?

- Thằng Khiếu, cái Loan, người quê ngoại. Con còn nhớ chứ?

- Con làm sao quên được. Khiếu là bạn thân của con mà. Còn Loan cũng là bạn cũ, từ thời thơ ấu của con đấy.

- Nếu rỗi thì nên ghé thăm họ một tí - Cha tôi nói - Bạn bè xa nhau bao nhiêu năm, còn nhớ đến nhau là rất quý.

- Vâng!

Tôi đến nhà Loan. Loan đi vắng. Tôi đành đến nhà Khiếu một mình.

Xe chạy một lúc thì ra ngoại ô. Đã hai năm nay tôi mới về phép, thấy cái gì cũng lạ. Con đường này lúc tôi đi chỉ đủ quá hai luồng xe chạy, mấp mô đầy ổ gà, nay mở thành hai chiều, phẳng lự. Khu chợ Xanh bây giờ chi chít các hàng quán. Phố phường mới có hai năm mà sầm uất, người đi chen chúc như trẩy hội. Xe máy chạy trên đường đã thấy nhiều gần như ở Sài Gòn ngày mới giải phóng. Đến khu Thanh Xuân Bắc chỉ thấy san sát là những nhà. Cả khu đồng hoang và ao hồ nay vụt biến đâu mất. Xe phóng vụt đến tận gần Hà Đông tôi mới sực tỉnh, vòng trở lại. Chỉ sau mấy năm "bung ra" sự thay đổi đã đến là khủng khiếp!

Tôi vào đến nhà Khiếu thì 6 giờ chiều. Trái với sự thay đổi bằng một tốc độ chóng mặt ngoài phố phường, khu nhà ở của giáo viên trường Đại học T giống như một ông già ngái ngủ vừa cựa mình thức dậy. Phía đầu dãy, có một đôi nhà tầng lạc lõng mọc lên trên cái nền của một khu nhà lổ đổ, thấp lè tè, được cơi nới tùy tiện. Màu ngói prô xi măng rêu xám lẫn với màu giấy dầu lâu năm phủ đè lẫn nhau. Cái này dùng để dọi chống dột cho cái kia, loang lổ như tấm áo của con nhà nghèo đầy mụn vá.

Nhà Khiếu ở gần cuối dãy. Trời cuối tháng 8 đã mát nhưng Khiếu vẫn cởi trần ngồi đánh máy ở giữa sân. Bên trên là cái giàn mướp cuối mùa đầy lá khô và kiến. Sân nhỏ chừng hai nhảng chân, lát lổn nhổn những viên gạch vỡ, không có hàng lối. Ở góc sân bên phải có một cái hố nhỏ vuong chừng bốn mươi phân, sâu quá đầu gối. Dưới đáy hố thò ra một ống sắt to hơn ngón tay. Nó được nối với ống cao su đen vắt lên chiếc xô lớn. Từ đấy chảy ra ri rỉ, rí rách rơi xuống đáy xô như một bản tình ca.

Chỉ khi có tiếng còi xe máy, Khiếu mới ngẩng lên. Nhận ra tôi, anh mừng rỡ đứng vụt dậy.

- Muôn à? - Một câu hỏi mang tính phản xạ buột ra khỏi cửa miệng Khiếu, giống như đã quá trưa rồi người ta vẫn hay hỏi "ăn cơm chưa?".

Rút chia khóa xe máy, tôi lao đến ôm lấy Khiếu. Khiếu lọt thỏm trong vòng tay tôi. Người gày gò xanh xao như thiếu máu. Chỉ có đôi mắt Khiếu là sáng quắc, biểu hiện cho một sức sống phi thường không gì quật ngã nổi.

- Béo. Trắng. Trẻ ra - Khiếu vỗ nhẹ vào lưng tôi nhận xét.

Tôi gượng nghịu nhận ra sự lố bịch của mình. Hai thằng bạn cùng quê, học với nhau từ nhỏ. Cùng nhập ngũ một ngày. Cùng thoát chết ở chiến trường và trở về cùng mái trường đại học. Một đứa theo nghề văn. Một thằng theo nghề sử. Sự may rủi của năm xưa giờ lại đổi chỗ cho nhau. Tôi béo tốt, lịch sự đến dởm đời trong bộ com lê, ca la vát bóng nhoáng. Khiếu giản dị trong chiếc quần đùi có một miếng vá sau đít và đôi dép cao su đen. Mặt tôi nóng ran lên. Tôi tự trách mình sao "ngu lâu" quá thế. Đến thăm bạn mà vẫn giữ nguyên bộ quần áo lúc đi ngoại giao, trao đổi "công vụ". Chẳng biết Khiếu có thông cảm cho tôi?

May thay, Khiếu là một anh chàng hồn nhiên. Anh dắt tôi vào nhà. Tôi cúi xuống, chui qua chiếc cửa cao một mét sáu vào gian khách của nhà văn. Đó là cái phần cơi thêm. Thật khó hình dung căn phòng nhỏ bằng cái mắt muỗi này lại bao chứa được một tâm hồn bao la của Khiếu. Đó là nơi Khiếu vẫn ngồi sáng tác đêm đêm để ánh đèn khỏi sáng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ con, đồng thời cũng là nơi anh trú ngụ mỗi lần vợ chồng có những cuộc va chạm, căng cức.

Lẽ ra tôi phải lịch sự mà ngồi ở ngoài phòng khách để đợi Khiếu mặc quần áo thì tôi lại bước liền theo.

- Thôi, mặc quần áo làm gì. Chỗ bạn bè - Tôi nói - Các cháu đâu cả rồi?

- Chúng đang nấu cơm dưới bếp - Khiếu trả lời.

Xướng họa cho câu trả lời đó, một bản tráng ca vang lên:

- Ối mẹ ơi, con van mẹ. Từ nay con xin chừa không thế nữa mẹ ơi... Tiếng đứa con gái véo vắt van xin. Giọng trong lẻo như nước suối sớm mai lách rách chảy xuống rừng.

Ở bè trầm là tiếng cậu con trai khóc không thành tiếng. Thứ giọng "âm thanh rè" của loại choai choai sắp giã từ tuổi niên thiếu.

- Hôm nào cũng chỉ vì nó mà mẹ đánh con.

- Tao đánh tất. Ngu là đánh tất - Tiếng người mẹ dứt khoát. Cứ đến cuối mỗi câu là cái từ ở đó cũng như bị chém theo con dao thỉnh thoảng dằn xuống thớt - Bố mày ngồi viết văn thì có hay ho gì mà cứ phải sán lăn vào để ghé với dòm cho con mèo hoang chết tiệt cuỗm mất của tao cái đầu... hử? Cứ phải cho đói rã họng ra thì mới biết thế nào là văn với chả chương. Ở cái nhà này chỉ khổ thân con này thôi...

Khác với khúc mở đầu, câu cú ngắn, chặt rời, dứt khoát, khúc này là một chuỗi âm thanh như cuốn, như leo vào nhau không chỗ ngừng nghỉ. Phút chốc tôi hình dung ra đó là một nghệ sĩ cải lương siêu hạng đang nín hơi để ca một mạch 32 từ mới dừng một nhịp ngắt. Trong giới trí thức, cô quả là người đàn bà biết rủa một cách điêu luyện.

- Khổ lắm ông Muôn ạ - Khiếu phân trần - Nhà người ta thì không sao. Nhà tôi, chiều nào lo bữa cơm mấy mẹ con cũng như đánh vật. Trước khi ăn bao giờ tôi cũng được súc miệng ít ra là nửa tiếng món gia vị ấy.

Hai thằng tôi đã đi hết căn phòng mười tám mét làm hụt. Tức căn phòng có chiều dài 6 mét, chiều ngang 3 mét nhưng thợ xây ăn lận một hàng gạch để dôi công nên diện tích cả phòng chỉ còn mười bảy mét tư. Tôi nghe có một luồng gió âm thanh phả chéo lên:

- Lại nói xấu vợ với ai đấy hả?

Xương sống lưng tôi ớn lạnh. Thật may phúc là tôi chưa lấy vợ. Tôi chợt nhớ lúc đang còn là sinh viên ở trường. Một lần, ngày kỷ niệm thành lập Đoàn thanh niên, anh viện phó Viện Đông Nam Á đến nói chuyện. Kết thúc bài nói là một câu mịt mờ, u uẩn:

- Bi kịch thay cho các gia đình nào mà cả vợ, cả chồng đều tốt nghiệp đại học. Đại bi kịch cho những ai mà cả vợ cả chồng đều là phó tiến sĩ.

Bấy giờ trung đá Đoàn Anh được điều về làm bí thư Đảng ủy Trường mới được ba hôm. Ông gọi trưởng phòng tuyên huấn lên chỉnh:

- Anh nghĩ thế nào mà lại cho mời tay ấy về nói chuyện với thanh niên của trường nhỉ? Một trường lớn vào bậc nhất quốc gia như thế này...

- Anh ta là một phó tiến sĩ mới tốt nghiệp ở châu Âu về.

Bí thư gạt đổ chiếc gạt tàn giữa bàn.

- Đám trí thức du học ở Tây về nhiều thằng rất vô chính trị. Không thể lơ mơ được!

Cha tôi năm đó mới đeo lon thiếu tá, làm công tác văn nghệ ở bên Tổng cục Chính trị. Tôi đem chuyện này ra kể. Ông sa sầm nét mặt như chính tôi là kẻ xúc phạm ông.

- Hỏng! - Ông nói - Phó tiến hay phó lùi mà vô chính trị là hỏng bét. Khoa học không có chính trị là khoa học mù.

Câu nói của cha còn văng vẳng bên tai tôi. Huyền vợ Khiếu thức tỉnh tôi, kéo tôi ra khỏi cõi mơ màng:

- À, anh Muôn. Xin lỗi anh... anh mới về ạ. Mời anh lên nhà uống nước, em đang giở tay.

- Huyền cứ tự nhiên - Tôi cố làm ra vẻ tự nhiên.

Thực ra trong bụng, thì Huyền, tôi ghét cay ghét đắng. Có thể nói, đây là cô gái mà tôi ác cảm ngang từ phút giây gặp gỡ. Đó là ngày tôi và Huyền mới biết nhau.

Tôi rất thương Khiếu. Thương thằng bạn từ thuở ấu thơ, tốt bụng, giờ bị trói trong xiềng xích gia đình. Giá như tôi được xông vào bóp cổ cái người đàn bà lắm điều và tai ác này cho hả nỗi thương bạn nhỉ!

 

Powered by Froala Editor