Viện phương đông

3 năm trước

Tiểu thuyết "Quái nhân" , Nxb Hội Nhà văn - Hữu Đạt

Từ khi có cái bằng phó tiến sĩ, Đốp sinh ra chủ quan. Khi được cất nhắc lên làm chủ nhiệm khoa T, Đốp lại càng chủ quan hơn nữa. Có lẽ ngoài sách của thầy mình là giáo sư Lý Quang Trọng, Đốp chẳng đọc ai. Mỗi khi đứng trước sinh viên, Đốp chê tuốt tuột, thậm chí có lúc hứng chí, Đốp nói rất liều. Đốp bảo, học ở đây chỉ cần học Đốp và thầy Trọng là đủ. Những lúc ở trên lớp, học trò chỉ im lặng. Sau đó ra quán xá, chúng dùng đủ mọi lời để bỉ báng thói kênh kiệu vớ vẩn của Đốp. Chúng còn hù nhau, trước mặt thầy cứ bốc thơm để thầy tưởng là chúng phục thật.

Powered by Froala Editor

  • Chuyện  xảy ra ở sách giáo khoa lớp 1 (bộ “Cánh diều”), chỉ là một trong những câu chuyện đáng buồn về giáo dục của nước nhà. Thực ra có nhiều chuyện khác đã được cảnh báo ngay từ khi nó mới ra đời hoặc chưa đời, nhưng rất tiếc Bộ Giáo dục lại không để mắt tới. Đó là những vấn đề như: thuê thi đại học hộ, học giả bằng thật (lãnh đạo bỏ tiên thuê người học lấy bằng), làm luận án thuê, mặt trái trong đạo đức của giáo sư, vấn đề sử dụng con người theo kiểu lợi ích nhóm….đều đã được phản ánh trong các tiểu thuyết tâm huyết về giáo dục như: “Phía sau giảng đường”, “Cổng trường thời mở cửa”, “Quái nhân”, “Những kẻ giấu mặt”. Đây là bộ từ tiểu thuyết phản ánh các vấn đề nhức nhối trong giáo dục từ “sau Đổi mới”….Trong khi đó, thời ông Trần Hồng Quân làm Bộ trưởng, chỉ một nhân vật vụ trưởng xuất hiện trong tiếu thuyết “Hai đầu của bức thư tình” mà ông đã cứ cán bộ cấp dưới tìm bằng được cuốn sách này cho ông đọc. Thế mới biết, cái tầm ở các vị lãnh đạo khác nhau rất nhiều…                                                               

                                                     

QUÁI  NHÂN

  Tiểu thuyết của Hữu Đạt

(Nxb Hội Nhà văn)

(1)

          Vừa bước chân ra ban công, Bùi An Duy đã nhác thấy bóng người quen quen thấp thoáng trước cổng. Ông cúi xuống giương cặp mắt thao láo nhìn và nhận ra cái khuôn mặt thư sinh của vị khách. Đó là khuôn mặt có cai cằm nhọn thoạt nhìn thì có vẻ dễ ưa, nhưng càng nhìn kỹ thì lại càng thấy âm u. Chỉ một người nghiên cứu khá sâu về văn hóa cổ mới có thể thấy hết được cái hồn lẩn khuất của nó. Ông định quay vào để tránh mặt, nhưng không kịp. Người có  cái cằm nhọn đã bấm chuông và ngước lên ban công, cất tiếng chào:

          - Chào thầy!                                    

          Không còn cách nào khác, Bùi An Duy đành miễn cưỡng:

          - Chào ông.

          Cùng lúc đó bà Duy từ phòng khách chạy ra. Bà là một người đàn bà đôn hậu, khuôn mặt phốp pháp, da trắng, càng nhìn càng dễ gần. Vừa thấy khách bà đã lên tiếng:

          - Chào chú Đốp. Chú đến thăm ông Duy nhà tôi đấy à?

          Duy dắt xe máy đứng chờ:

          - Chào cô. Cô mới ở quê lên ạ?

          Miệng bà Duy vẫn bỏm bẻm, đỏ chan chan màu nước trầu. Bà nhổ nước từ miệng ra chỗ đất trũng, trả lời. Rồi vừa đóng cổng, bà vừa gọi với lên:

- Ông Duy ơi, có chú Đốp đấy.

Đốp dắt xe vào sân. Chiếc xe hon đa còn mới, óng ánh màu nước sơn khiến bà Duy tấm tắc:

- Chú Đốp giàu nhỉ.

Đốp khiêm nhường:

- Có gì đâu, chiếc xe để đi thôi mà.

Bà Duy gật đầu:

- Thì vẫn…

Đốp vào trong phòng khách, giọng phát ra như cố ghìm âm thanh cho khỏi to quá:

- Thầy ơi, em vào thăm thầy đây.

Một lát sau, từ trên thang gác có tiêng ho khan. Bùi An Duy lệt sệt đi xuống trong bộ quần áo pi za ma đã cũ, cái khăn cuốn lụ sụ quanh cổ. Đốp tỏ vẻ quan tâm:

- Thầy mới mệt ạ?

Bùi An Duy cố rặn ra tiếng ho, rồi nói:

- Tuổi bọn tôi bây giờ vẫn thế.

Ông chìa tay hờ hững bắt tay khách theo thói quen. Rồi ngồi xuống chiếc ghế sa lông nan đã cũ, ông chỉ tay cho khách ngồi xuống chiếc ghế đối diện.

Bà Duy nhanh nhẹn sục ấm, pha trà. Đợi cho nước ngấm, Bùi An Duy mới rót nước mời khách. Nhưng Đốp gạt tay:

- Thầy uống đi, em chỉ uống nước sôi thôi ạ.

Bùi Duy cười khẩy:

- Ông thanh bạch quá nhỉ!

Đốp không hiểu được hàm ý của Bùi An Duy, giải thích:

- Dạo này em hay mất ngủ thầy ạ.

Bùi An Duy nhìn thẳng vào Đốp:

- Ông đang trăn trở cho cái ghế sắp tới à?

Đốp vờ vĩnh:

- Ghế gì hả thầy? Em có biết gì đâu!

Bùi An Duy nheo mắt:

- Nếu tách khoa, ắt ông phải lên chủ nhiệm chứ còn gì nữa.

Thực bụng, Đốp nghe đến hai tiếng ‘chủ nhiệm” là lòng lại rất rạo rực, phấn chấn. Nhưng Đốp cố giữ vẻ bình thản:

- Nào đã đâu ra đâu hả thầy. Mà dẫu nếu tách khoa thì có khi  chú Dũ nó lên. Nó trẻ, lại đương kim là phó chủ nhiệm khoa hiện tại.

Đốp kín đáo nhìn Bùi An Duy thăm dò, thấy vẻ mặt ông trầm ngâm, liền buông một câu bâng quơ:

- Thầy trò mình đang trong một tổ ấm, chia tách lúc này cũng buồn lắm. Nhưng qui luật phát triển thầy à…

Bùi An Duy không chịu được, hất hàm:

- Qui luật cái con khỉ. Một cái khoa đang yên lành, phát triển như thế, bây giờ chỉ vì một chút quyền lợi, anh nào cũng thích phá khoa để ngồi vào cái ghế sếp chứ gì.

Không khí tỏ ra căng thẳng. Bùi An Duy lại rúc lên một cơn ho. Lần này ông ho thật, chứ không ho giả đò như lúc nãy. Mặt ông sũng buồn. Ông nói:

- Các cậu tính phá khoa làm gì ? - Bùi An Duy bỗng đổi cách xưng hô. Mỗi khi bực ông lại gọi học trò của mình bằng cái từ “cậu” rất xa lạ – Để làm khổ học trò à? Phát triển, phát triển…ông láy lại – Các cậu định mỗi năm đào tạo bao nhiêu cử nhân đây? Ngần ấy sinh viên  ra trường mỗi năm, xin việc cũng khó khăn lắm rồi. Mà cái tổ của cậu, tách ra thì đào tạo cho người ta làm gì???

Đốp nín lặng trước sự phản bác của Bùi An Duy. Thực ra, Đốp cũng tính trước đến tình huống này, nhưng không nghĩ Bùi An Duy phản ứng gay gắt như vậy. Đợi cho ông xả hết , Đốp ôn tồn:

- Vâng việc tách hay nhập thì quyền của các sếp trên, mình là con sâu cái kiến chỉ biết chấp hành thầy ạ.

Bùi An Duy trừng mắt:

- Cậu nói thế sao được. Tách hay nhập phải có ý kiến của các thầy, các cô. Trên không tôn trọng các thầy các cô thì còn ra cái thể thống gì nữa.

Đốp nín lặng một lúc, rồi lựa lời, an ủi:

- Sự thể thế nào, chắc phải có vài cuộc họp để bàn thầy ạ. Nghe nói sắp tới, hiệu trưởng và trưởng phòng tổ chức trường sẽ xuống khoa. 

Bùi An Duy lúc này hơi ngớ ra. Thì ra cái việc tách khoa không chỉ còn là chuyện bàn cãi suông nữa. Chả lẽ nó thành hiện thực đến nơi rồi. Mấy chục năm công tác ở trường, ông đã có quá nhiều kinh nghiệm để hiểu rằng, một khi đã có cán bộ tổ chức xuống dự thì coi như cái khả năng để trở thành hiện thực sẽ không còn xa nữa.

Cảm giác đau đớn tự nhiên dâng tràn lên ngực ông. Ông thấy ngột ngạt, khó chịu. Chả lẽ cái khoa này sắp tan vỡ thật ư??? Không, không thể. Phải đấu tranh tới cùng để giữ lấy nó. Để mất khoa này thì sao còn xứng với các bậc tiền nhân được? Đó là một thân thể, một sự nguyên vẹn của cái đẹp. Chả hiểu tại sao, tự nhiên mọi chuyện đến cứ đùng đùng như gió giật. Có những kẻ nào đó đang kích động rất mạnh cho chuyện oái oăm này?

Bỗng Bùi An Duy giật mình. Bây giờ ông mới hiểu tại sao Đốp lại bất ngờ tới thăm ông chiều nay. Đúng là cu cậu muốn làm một cuộc vận động hành lang đối với mình đây. Đã thế, với cương vị người thầy, ông phải nói thẳng cho cu cậu biết rõ chính kiến. Bùi An Duy hắng giọng rồi nói với Đốp:

- Cậu đến thăm tôi là tốt, nhưng đừng bày ra cái trò vận động hành lang, rõ chưa? Trước sau tôi sẽ chống lại việc tách khoa. Đó là sự phản khoa học. Là một sự chia chác bẩn thỉu.

Biết rõ tính khẳng khái của người thầy, Đốp liền nhẹ nhàng:

- Em đến thăm thầy chứ có vận động vận điếc gì đâu ạ. Ở bên tổ em, hiện nay em cũng không có vai trò gì.

Trong đối thoại trên, chỉ có câu sau là Đốp nói thành thực. Đốp mới về tổ được mấy tháng, sau mấy năm sang làm chủ nhiệm khoa cho khối các sinh viên nước ngoài. Ở bên đó, Đốp đã phá nát cái khoa này bởi những hoạt động bè phái và kiếm được một căn hộ ở Kim Liên. Bị phản kích bởi “nhóm nữ quyền”, Đốp chống đỡ không được đành xin rút về khoa cũ cốt để bảo toàn mọi thứ vừa mới thu được. Thời gian ngắn ngủi, nên Đốp chưa củng cố được chỗ đứng để nhảy vào làm cán bộ lãnh đạo tổ, một cái chức danh bé tý nhưng Đốp từng mơ ước từ hàng chục năm nay. Giữa lúc Đốp đang lơ vơ, lại đúng là vào dịp tách trường. Tách trường thì phải tách khoa. Đó là “qui luật phát triển” như nhiều cán bộ đang phấn chấn tung hứng. Người ta thường nói, ở môi trường giáo dục nghèo nàn, có làm quản lý cũng chẳng sơ múi được gì cả.Thế mà khốí anh cứ ngày đêm thổn thức với chức này danh kia. Cái sự hám làm quan gần như đã ăn vào máu thịt của không ít cán bộ.

Đốp đã làm chủ nhiệm khoa T được một khóa, bị đấu đá rồi thất trận, phải trở về. Cái máu ham làm quan khiến anh đang trở nên say sưa, bỗng nhiên bị kiềm chế đột ngột như xe thắng gấp. Nó làm cho Đốp bị mất thăng bằng, bồng bềnh cả một thời gian. Giữa lúc Đốp đang suy tính làm sao giành được cái chức tổ trưởng bộ môn trong khóa tới thì nổ ra cuộc chia tách lịch sử. Đốp phấn khởi ra mặt. Đốp biết, đây là cơ hội ngàn vàng. Nếu tách khoa ra thành hai đơn vị, cái chức chủ nhiệm khoa mới sẽ trong tầm tay với của Đốp, cho dù không phải là không có đối thủ. Hơn lúc nào hết, lúc này phải lao vào cuộc vận động vòng ngoài, tuyên truyền, kích động làm cho “bước thứ nhất” nhanh chóng hoàn thành. Sau đó việc thâu tóm quyền lực sẽ tính sau.

Cuộc vận động hành lang đối với Bùi An Duy coi như vô hiệu. Lúc quay trở ra, Đốp rủa thầm: "Mẹ kiếp,ông già này cổ hủ, lại rắn đá quá". Chẳng trách đám cán bộ trẻ vẫn gọi ông là “già làng” của “làng Vũ Đại”.

Đốp lên xe, cho xe chạy chầm chậm như muốn cân nhắc xem nên vào tiếp nhà “cụ” nào bây giờ? Sau giây phút suy nghĩ, Đốp quyết định rẽ vào nhà giáo sư Nguyễn.

Nguyễn vốn là cựu chủ nhiệm khoa, mới mãn nhiệm cách đây 5 năm trước. Ông là một trong số cán bộ thuộc lứa lớn tuổi nhất hiện nay trong khoa cũng như trong ngành. Tranh thủ được Nguyễn, coi như tranh thủ được một điểm tựa khá mạnh. Tuy nhiên, Đốp không khỏi băn khoăn khi nghĩ tới chuyện cũ. Chẳng biết Nguyễn có để bụng hay không? Nếu ông để ý thì coi như cuộc viếng thăm của Đốp trở thành một vấn đề không ít rắc rối. Nhưng đời vẫn dạy rằng, không thử không biết. Vả lại, từ các sự kiện cũ, Đốp lờ mờ đoán ra, có lẽ mọi việc cũng không đến nỗi. Bởi xét cho cùng, Nguyễn là một người rất nghệ sĩ. Chắc Nguyễn sẽ chẳng nhớ chuyện cũ làm gì.

Nói thú thực, từ sâu thẳm đáy lòng, Đốp cũng thấy hơi xấu hổ. Giá như ngày xưa, Đốp đừng đấu Nguyễn mạnh tay như thế thì bây giờ vào cuộc sẽ thấy  ngọt ngào hơn. Nhưng khốn nỗi, lúc đó Đốp hăng lắm. Trong tất cả các cuộc họp, Đốp đều là một anh lính xung kích trong việc tấn công Nguyễn. Điều đó đã làm cho bộ môn u ám một thời. Cũng may, Nguyễn là người dễ tính lại rất nhân văn nên mọi sự đâu cũng lại vào đấy. 

Đốp gửi xe và leo lên thang gác. Nhà Nguyễn ở tít tận tầng 5. Đây là căn hộ ông được phân khi ông đang tại chức chủ nhiệm, vừa theo tiêu chuẩn của Tiến sĩ Khoa học, vừa theo tiêu chuẩn của cán bộ tập kết miền Nam nên mới được ưu tiên. Thuở ấy, người ta có tư duy rất kỳ cục: cán bộ cấp cao thì ở tầng cao, cán bộ cấp thấp thì ở tầng thấp. Tầng 1 là chỗ ở của các anh lái xe, cán bộ hành chính. Tầng trên là của giáo sư, tiến sĩ và cấp Bộ, Cục, Vụ. Bước sang nền kinh tế Đổi mới, mọi thứ đảo ngược lại 180 độ. Căn hộ ở tầng dưới đắt như tôm tươi, các tầng cao giá trị tiền chỉ bằng quá nửa. Hóa ra cái anh được ưu tiên bữa trước lại trở nên thiệt thòi…Một thời buổi đang lộn nhào tất cả.

Khi vào nhà giáo sư Nguyễn, Đốp không biết lựa chọn thế nào liền lấy câu chuyện phân nhà làm quà. Giáo sư Nguyễn nghe xong, giọng láu táu:

- Đúng là dạo ấy mình ấu trĩ quá. Nhưng mà thôi, đời chẳng biết thế nào.

Giáo sư Nguyễn phấn chấn rót nước mời Đốp. Đốp chỉ nhấp cho lấy lệ và khen trà rất ngon, rồi thủng thẳng:

- Dạo này anh ăn uống có tốt không?

Giáo sư Nguyễn gật gù:

- Cũng tạm được. Tình hình khoa dạo này thế nào? Có gì mới không?

Chưa hiểu Nguyễn hỏi thăm dò hay có ý gì, Đốp trả lời nước đôi:

- Em cũng không quan tâm lắm. Nghe nói, có chuyện tách tiếc gì đó.

Giáo sư Nguyễn nhiệt thành:

- Giáo sư Trọng từ bên kia cũng điện về nói mình quan tâm đến việc này.

Đốp vờ như chưa biết gì, hỏi:

- Thế ạ. Ý anh thế nào?

Giáo sư Nguyễn thành thật:

- Mình cũng đang suy nghĩ.Ý anh em trẻ thế nào?

Đốp suy nghĩ giây lát rồi quyết định nói liều:

- Ai cũng phấn chấn lắm, nhưng quyết định sự thành bại nhờ là sự ủng hộ của anh.

Giáo sư Nguyễn cười hồn nhiên. Hai má ông gần như tóp lại.

- Mình về hưu rồi, quan trọng gì đâu. Tương lai của ngành thuộc về các cậu.

Đốp ngọt nhạt:

- Sức sống của ngành chính là sự tỏa sáng của các anh. Các anh mới chính là linh hồn.

Giáo sư Nguyễn vô tư:

- Cậu nói câu ấy rất đúng ý của anh Trọng. Từ hôm qua đến nay, anh ấy điện cho mình mấy cuộc rồi.

Đốp không ngờ quyết định rẽ vào nhà giáo sư Nguyễn lại kịp thời đến thế. Giáo sư Trọng quả là người biết lo xa. Dù ở nước ngoài nhưng ông vẫn theo sát mỗi bước đi ở quê nhà. 

 Với lớp cán bộ sau, nhất là những người không thuộc “nhóm” của giáo Trọng thì việc tách hay không tách khoa chẳng có gì hệ trọng. Vẫn đi dạy, vẫn nghiên cứu và viết lách. Mọi thứ dường như chẳng có gì thay đổi, nếu không muốn nói là buồn hơn. Nói cho công bằng, việc chia tách khoa thì đa phần cho là vô bổ, thiếu cơ sở khoa học. Tách ra thành hai đơn vị, khoa mới sẽ đào tạo sinh viên làm gì? Đó là một câu hỏi, nếu có suy nghĩ sâu xa cần phải hết sức thận trọng. Vì rằng, theo cung cách đào tạo hiện tại, sinh viên ra trường đã rất khó kiếm việc làm rồi. Mỗi năm ngành của Đốp chỉ có khoảng chục người tốt nghiệp, dù sao cũng còn dễ thở. Phân nửa, họ có thể làm việc theo đúng nghề hoặc có vẻ tay trái một chút. Bây giờ nếu tách đôi, mỗi năm phải tuyển sinh hàng năm bảy chục người. Tốt nghiệp, họ sẽ về đâu?

Cuộc thảo luận ở bộ môn diễn ra khá căng thẳng. Trước khi ra hội nghị toàn khoa, cần phải có tiếng nói thống nhất. Đó là hướng chỉ đạo của giáo sư Trọng. Ông hiện đang ở nửa bên kia bán cầu nhưng dường như tuần nào ông cũng gọi điện về quê nhà. Cuộc gọi nào ông cũng nhấn mạnh: “Đây là cơ hội ngàn năm có một. Không tách ra lúc này thì không bao giờ có thể tách được nữa”.

Đốp lặp đi lặp lại câu nói của thầy mình như một cái máy đã được ghi âm. Mỗi lần phát ra, nó như dòng nước chảy thao thao bất tuyệt. Tuy nhiên, trong tổ không phải ai cũng mặn mà. Có người còn phân vân, có người phản đối. Nhưng phản đối mạnh nhất là Đỗ Hòa Phát, một tiến sĩ vừa mới được đào tạo từ Nga về. Anh đứng dậy, khẳng khái:

- Tôi cho là việc chia tách khoa là việc làm rất tùy hứng của một số người mà không tính đến hệ quả lịch sử. Thử hỏi, tách khoa xong, chúng ta sẽ đào tạo thế nào? Sinh viên tốt nghiệp sẽ được sử dụng vào đâu? Tôi không tán thành quyết định này.

Sự phản ứng của Phát làm cho mọi người lúng túng. Sau giây lát, Đốp đứng lên:

- Tôi phản đối ý kiến của đồng chí Phát. Tôi cho rằng việc tách khoa là một yêu cầu tất yếu lịch sử.

Phát đốp chát lại ngay:

- Sao lại là tất yếu lịch sử? Có phải chúng ta quá lạm dụng khái niệm không? Trước hết chúng ta hãy trả lời: Sinh viên chúng ta sẽ về đâu ?

Đốp mím môi:

- Sinh viên về đâu, đó là việc của họ, là câu chuyện vĩ mô, ở đây chúng ta không luận bàn. Điều quan trọng, đây là thời cơ lịch sử, toàn thể chúng ta phải đồng lòng. Việc của chúng ta là đào tạo. Chúng ta không lo không có sinh viên vào. Chỉ cần chúng ta hạ thấp điểm chuẩn xuống.

Cả bộ môn không ai nói nữa. Dường như mọi việc đã được quán triệt trong chi bộ, do vậy, các đảng viên không có ai lên tiếng. Mấy ngày nữa sẽ tiến hành hội nghị toàn khoa. Như vậy, xem như mọi việc đã ngã ngũ.

Trên đường từ trường về ký túc, Phát chở Dũ sau xe. Phát hỏi:

- Sao ông không có ý kiến gì?

Dũ đưa tay dụi mắt. Anh có chứng đau mắt hột nên mắt cứ nhập nhòe. Dũ thở dài:

- Thì ông biết đấy. Tôi nói làm sao được? Chi bộ đã biểu quyết.

Phát cười khẩy:

- Đảng của các ông quan trọng thật. Chuyên môn chỉ là cái đinh.

Dũ cao giọng:

- Thì ông cũng xin vào Đảng đi. Bao nhiêu lần Đoàn thanh niên vận động sao ông không chịu? Cuộc họp chi bộ vừa rồi thằng Ngô Đắc Liêu nó bảo ông là người không thích Đảng đấy.

Phát bực tức:

- Bậy, tôi nói không thích Đảng bao giờ? Sao gắp lửa bàn tay vậy.

Chiếc xe Honda bỗng chồm lên con đường khi lao qua chỗ có mấy cái ổ gà. Con đường từ trường về ký túc lổn nhổn đất đá với nhiều đoạn đường được vá víu như chiếc váy đụp. Hoàng hôn hững hờ trôi xuống dưới hàng cây, nơi cánh đồng đang bị cuốc xới bởi những chiếc máy xúc không lồ. Cả một vùng ngoại ô đang chìm trong khói bụi. Những khoảng trống mênh mông mới hôm nào còn ngan ngát lúa xanh nay đã bị gặm nham nhở và lộ ra những khối đất đỏ quạch.

Dũ túm chặt lấy lưng áo Phát+, thủng thẳng:

- Nó nói, ông chưa bao giờ viết đơn tình nguyện vào Đảng, suốt cả 25 cuộc vận động. Nó còn kết luận chi bộ ngành ta năm vừa rồi không được 4 tốt cũng chỉ vì ông có thành tích không viết đơn vào Đảng.

Nghe Nguyễn Thiện Dũ nói đến đấy, Phát đành im lặng. Không thể trách Liêu được. Đúng là trong mấy đợt vận động của Đoàn thanh niên, Phát đã nhất quyết không viết đơn. Nhưng anh không nhớ, sự việc đó đã diễn ra đến lần thứ 25 rồi.

Trong nhóm cán bộ trẻ, Ngô Đắc Liêu tốt nghiệp sau Phát một năm và tốt nghiệp trước Dũ một năm. Đến năm Dũ tốt nghiệp, Nhà nước thay đổi chính sách, cho các sinh viên tốt nghiệp bằng đỏ được làm chuyển tiếp tiến sĩ luôn. Dũ trở thành người may mắn nhất trong số các cán bộ lớp U50. Sau mấy năm, anh hoàn thành luận án phó tiến sĩ đầu tiên của đường lối chính sách này và trở thành anh lính xung kích trong đội ngũ nghiên cứu thuộc nhóm D. Đây là môn nghiên cứu rất khô khan, không mấy ai theo học, nhưng Dũ vẫn kiên trì xây dựng nó.

Có lẽ câu chuyện tách khoa vẫn còn day dứt nên sau một lúc, Phát hỏi Dũ:

- Tôi hỏi thực ông, ông có cho rằng việc tách khoa là đúng đắn, vô tư, không có chút vụ lợi nào không?

Dũ không suy nghĩ, trả lời ngay:

- Thì ông bảo…những việc như thế, tự mỗi người cũng đánh giá được.

Phát gặng:

- Sao trong lúc họp ông không phát biểu ý kiến gì cả.

Dũ e hèm một cái rồi nói:

- Thì ông bảo, ở vào hoàn cảnh tớ bây giờ …cũng khó lắm.

 Dũ bỗng đổi cách xưng hô. Có lúc Dũ xưng tôi và ông, có lúc xưng tớ và cậu. Lúc hứng chí lên còn xưng tớ và mày. Nói chung, cái chất nông dân trong con người Dũ còn khá đậm đặc mặc dù Dũ đã sống ở Hà Nội được mấy chục năm.

Im lặng một lúc, Dũ nói:

- Bây giờ tớ bảo tách khoa là đúng thì bên ngành bạn họ sẽ chửi tớ.Tớ bảo không tách thì ông Đốp, ông Trần Chí Cốt lại bảo tớ là ham cái chức phó chủ nhiệm khoa mới chứ gì! Tốt nhất là tớ im lặng. Mọi sự cứ để chi bộ quyết.

Kể ra Dũ nói cũng có lý. Dạo Đốp mới từ khoa T trở về, trong chi bộ ngành cũng đã diễn ra một cuộc đấu trí rất căng. Khi đó đến kỳ đại hội bầu Ban Chủ nhiệm khoa. Ngành cần phải có một người ra ứng cử để tạo ra thế cân đối trong toàn cục. Chi bộ đưa ra thảo luận. Cùng một lúc, có hai người được đề nghị là Dũ và Đốp. Sau mấy cuộc bầu thử, hai bên đều có số phiếu ngang nhau. Hai phái đối lập chẳng bên nào chịu bên nào. Cuối cùng chi bộ quyết định đưa cả hai lên tranh cử tại khoa.

Sau một cuộc thảo luận khá quyết liệt, cuộc bầu cử đã ngã ngũ với phiếu bầu nghiêng về bên Dũ gần như tuyệt đối. Dũ lên làm phó chủ nhiệm khoa khiến Đốp rất tức tối nhưng không làm gì được. Có đến gần một tháng Đốp mất ngủ, trăn trở tìm hiểu nguyên nhân về sự thất bại của mình. Cuối cùng, Đốp nhận ra một điều mà bấy nay Đốp không nghĩ tới: Dũ được sự ủng hộ tích cực của giáo sư Nguyễn và giáo sư Hà Chi. Bấy giờ Đốp mới hối hận, tại sao trước đây mình cứ hay phê chuyên môn của giáo sư Nguyễn một cách vô lý như thế! Giá như ngày ấy, Đốp tỉnh táo hơn thì không đến nỗi như bây giờ. Nhưng khốn thay, lúc đó Đốp giống như là cái máy, chỉ biết nghe mà không động đậy cái đầu. Trong khối óc bùm sum của Đốp chỉ có cái bóng của giáo sư Trọng. Ông như mặt trời. Ông như đỉnh núi. Nó sừng sững và phủ bóng xuống đời anh.

       

           Sau lần bị trượt chức phó chủ nhiệm khoa trong tư cách là ứng viên cặp đôi với Nguyễn Thiện Dũ,  Trần Văn Đốp chỉ còn mơ ước trở về giành lấy chức tổ trưởng bộ môn. Trong môi trường đại học ở các nước tư bản, chức này khá quan trọng vì nó quản lý các vấn đề chuyên môn. Nhưng ở Việt Nam nó chẳng có nghiã lý gì. Mọi vấn đề nghiệp vụ ở một đất nước còn lạc hậu đều bị hành chính hóa. Tổ bộ môn vì vậy chỉ tồn tại như một hình thể vật vờ. Tuy thế, với Đốp nó vẫn là một mục tiêu vô cùng quan trọng. Sau một khóa làm chủ nhiệm khoa T, Đốp quen với cung cách của  cánh “quan  lại”. Bây giờ về làm “dân đen” Đốp bị hụt hẫng ghê gớm. Sẽ chẳng còn ai để sai phái. Sẽ chẳng còn có quyền để đặt ra chức trợ lý này, chức thư ký kia bao quanh mình. Hàng ngày, cắp sách đi dạy, Đốp thấy mệt mỏi và không mấy hứng thú. Vì Đốp dạy không hay, nói năng hay bị lặp. Một bài giảng của Đốp lặp lại khoảng vài chục lần cái điệp ngữ “cái này rất quan trọng”. Tụi sinh viên vẫn kháo nhau : “ Môn của thấy Đốp, cái nào cũng rất quan trọng, rốt cuộc chẳng cái nào quan trọng cả”. Đau nhất là, có lần một sinh viên nói với Dũ, chê giờ giảng của Đốp buồn tẻ, sinh viên thấy chán ngán hệt như giờ triết học của cô Mai. Mà ở khoa Triết, cô Mai đã từng bị phê phán là dạy theo lối đọc – chép, một kiểu dạy cho trình độ sơ học yếu lược.

Kể như trước đây, Đốp cũng không đến nỗi. Thuở đi học, Đốp cũng thuộc hạng giỏi, vì thế mới được giữ lại trường. Thời ấy, Đốp còn trẻ nên say mê, chịu đọc. Từ khi có cái bằng phó tiến sĩ, Đốp sinh ra chủ quan. Khi được cất nhắc lên làm chủ nhiệm khoa T, Đốp lại càng chủ quan hơn nữa. Có lẽ ngoài sách của thầy mình là giáo sư Lý Quang Trọng, Đốp chẳng đọc ai. Mỗi khi đứng trước sinh viên, Đốp chê tuốt tuột, thậm chí có lúc hứng chí, Đốp nói rất liều. Đốp bảo, học ở đây chỉ cần học Đốp và thầy Trọng là đủ. Những lúc ở trên lớp, học trò chỉ im lặng. Sau đó ra quán xá, chúng dùng đủ mọi lời để bỉ báng thói kênh kiệu vớ vẩn của Đốp. Chúng còn hù nhau, trước mặt thầy cứ bốc thơm để thầy tưởng là chúng phục thật.

Ở môi trường đại học, thầy giỏi hay không thì sinh viên cũng tự đánh giá được chẳng cần người thầy cứ phải tự khoe mẽ mình. Đốp có thói quen, mỗi khi thích nâng mình lên là lại tìm cách dè bỉu đồng nghiệp. Đốp không hiểu rằng, khoa học là mênh mông bể sở, tri thức của mình chỉ là một cõi hữu hạn nào có nghĩa lý gì. Đốp chê Trần Chí Côt vì kém ngoại ngữ nên không được cử đi nghiên cứu ở nước ngoài, chê  giáo sư Nguyễn bảo vệ tiến sĩ ở Đức cũng chưa bằng phó tiến sĩ ở Nga, nên không có chiến lược nghiên cứu. Tóm lại, trong con mắt Đốp, khoa học thực sự chỉ có ở nơi giáo sư Trọng và các học trò cận cánh của ông. Đốp không biết rằng, Đốp đang trượt dốc về chuyên môn. Người bị Đốp dè bỉu là Trần Chí Cốt đang âm thầm viết sách và lần lượt cho công bố những sản phẩm nghiên cứu của mình. Trong khi đó, Đốp vẫn đang ở trong cơn mê mẩn với quyền lực. Trượt làm phó chủ nhiệm khoa trong cuộc chạy đua với Dũ, Đốp quay về định nắm lấy quyền tổ trưởng bộ môn một khi cô Hà Chi về hưu. Nhưng cô Hà Chi vốn chẳng ưa gì lối sống của Đốp nên trong cuộc họp chi bộ lần ấy, cô liền đệ lên một nhân vật khiến Đốp rất sững sờ, đó là Phan Quý Đỗ. Điều mà Đốp bất ngờ nhất là trong cuộc bỏ phiếu thăm dò, Đốp lại thua Đỗ mất hai phiếu. Không phải chỉ có Đốp mà ngay cả giáo sư Trọng cũng lặng đi. Bực bõ vì thua phiếu tín nhiệm, Đốp phàn nàn với đại sư phụ của mình:

- Em không ngờ tổ mình lại phân hóa đến thế.

Giáo sư Trọng, một người gia nua và lão luyện trong đấu trường, gật gù rồi khuyên:

- Lúc này cần phải bình tĩnh. Cậu mất phiếu vì cái vụ nhà ở Kim Liên. Tôi có nghe  mọi người thắc mắc, đó là tiêu chuẩn nhà Nhà nước cấp cho những anh em đã từng phục vụ ở K, mà cậu thì chưa đi K lần nào. Vụ đó lộ liễu quá.

Đốp phân trần:

- Đúng là cái nhà đó trên cấp cho cán bộ đi K thật, nhưng ở khoa T cán bộ đi K lại rất nhiều, nên điều đình mãi cũng không thể phân được cho ai. Mà thầy biết, nhà Nhà nước cho, không sử dụng sẽ bị lấy lại. Do đó, một số anh em mới bàn hay là phân cho em vì lúc đó em đương kim chủ nhiệm. Tình cảnh thực tế thì em là một trong số các cán bộ lớn tuổi hiện đang phải đi ở nhờ.

Giáo sư Trọng rung nhẹ mái đầu tóc đã quá hoa râm, tỏ ra thông cảm:

- Làm thằng lãnh đạo thì thằng nào chả tham. Nhưng tham có năm bảy đường. Sự thể đã rồi, giờ nói lại cũng vô ích. Được cái, giới trí thức tuy kiện cáo tùm lum là thế, nhưng chỉ một thời gian là thôi.

Đốp cúi đầu như một con chiên đang làm lễ tạ tội. Giáo sư Trọng ngừng một lúc nói tiếp:

- Kết quả bầu thăm dò vừa tôi tôi cũng hơi choáng. Thế mới biết bà Hà Chi cũng không vừa đâu. Bà ấy nghỉ, lẽ ra nên ủng hộ cậu, nhưng lại ủng hộ cậu Đỗ là có ý riêng.

Đốp chép miệng:

- Cậu Đỗ làm tổ trưởng thì bê bết lắm. Cùng thế hệ với Dũ, lẽ ra đến nay luận án đã phải hoàn thành được phần cơ bản, nhưng vẫn chưa viết được chút nào. Xem ra cậu này chỉ mải làm ăn kinh tế chứ không chú ý gì đến chuyên môn.

Giáo sư Trọng chép miệng:

- Thực ra cái phần cậu ấy làm cũng khó lắm. Có miếng ngon thì ông Đàm Từ Thụ đã xơi hết rồi. Mà ông Thụ viết được quyển sách cũng hết, chẳng nghiên cứu gì được nữa.

Cắn răng suy nghĩ một lát, Đốp hỏi:

- Theo thầy, chẳng lẽ để cậu Đỗ làm tổ trưởng thật sao?

Giáo sư Trọng trề môi, đỡ lại cặp kính cho khỏi rơi xuống mũi:

- Cái khó là vấn đề bầu. Cậu thất bại vì không được ủng hộ của ông Đắc, ông Nguyễn.

Đốp lại càng hối hận vì có thời mình đã công kích giáo sư Đắc và giáo sư Nguyễn nhiều quá. Hiểu được nỗi lòng Đốp, giáo sư Trọng hé lộ một tin quan trọng:

- Sắp tới có thể có nhiều thay đổi. Trường ta sẽ tách ra. Các khoa cũng sẽ có một số vấn đề tách nhập. Nhân dịp này, nếu ta kiến thiết tốt thì bộ môn ta sẽ trở thành một khoa riêng…

Đốp nhìn thầy mình như bị thôi miên. Anh nghĩ bụng “ông già này về hưu rồi sao mà vẫn nắm được nhiều chuyện cơ mật thế không biết? Không trách ai cũng bảo cụ là đạo diễn tài ba ẩn mình trong bóng tối”.

Cái tin tách trường làm cho Đốp thao thức suốt đêm không ngủ được. Chẳng lẽ có chuyện đó thật sao? Thật không thể nào tin nổi. Một cái trường lớn thuộc bậc nhất nước, được thành lập đã hàng nửa thế kỷ với bao nhiêu kỳ tích lẽ nào sẽ biến mất trong tên gọi các trường đại học? Vô lý quá! Nhưng giáo sư Trọng đã nói thì cấm có bao giờ sai.

Quả nhiên, chỉ vài tuần sau, câu chuyện tách trường đã trở thành vấn đề được bàn luận sôi nổi trong đại hội công nhân viên chức. Nhiều ý kiến phản ứng quyết liệt, nhưng cuối cùng sự sắp đặt từ trên đã như ván bài định mệnh hạ xuống. Cấp trên xuống từng khoa giải thích: Đây là một thế vận hội. Trường tách ra thì kinh phí rót cho ngành xã hội mới nhiều, mới mạnh. Bây giờ trường lớn có qui mô, có quyền hành ngang Bộ. Cán bộ từ nay đi nước ngoài không phải làm thủ tục qua Bộ nữa. Việc đi nước ngoài với cán bộ cũng sẽ dễ hơn, nhiều hơn…Tuy nhiên sự giải thích này vẫn không xua tan đi sự u ám trong không khí quanh trường. Các buổi học bắt đầu trễ nải. Giáo viên túm tụm bàn tán. Họ kháo rằng, cái mô hình xây dựng trường kiểu này chẳng thấy ở đâu trên thế giới mà chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Đúng là thế, Việt Nam khi nào chẳng độc đáo, sáng tạo! Trong một số cuộc họp, có giáo viên còn chất vấn, liệu có phải việc lập ra cái mô hình trường kiểu mới cốt là để có chỗ cho một vị trên Trung ương vừa bị mất chức phải không? Nhưng cán bộ tổ chức phớt lờ, không ai giải thích một lời nào về các cuộc phỏng vấn trực diện với lý do, đó là những phát biểu thiếu ý thức xây dựng.

Ai cũng biết, ở Việt Nam từ mấy chục năm nay đã hình thành ra một thói quen: Người ta không nhìn vào việc để xếp người mà làm ngược lại, nhìn vào người để tìm việc. Một ông cán bộ cấp nào đó bị hạ bệ, không ai nỡ để ông ta phải phải về tay trắng nên phải tạo cho ông ta một cái chức mới, đại để không bằng thì cũng chỉ thua kém cái chức cũ một ít. Nếu không có tài chính thì cũng phải có một cái danh để xã hội thấy ông vẫn được trọng dụng. Cái mẫu hình này nó bắt đầu từ trên, rồi xuống đến các cấp dưới. Thành thử ở rất nhiều trường đại học lớn, hễ các vị trong Ban Giám hiệu đến tuổi 60, người ta phải vội vàng lập ra ngay một số Viện nghiên cứu mang những cái tên bóng bảy và rất kêu để các vị có chỗ lui về. Còn ở các khoa, ông chủ nhiệm mà đến tuổi nghỉ quản lý thì cũng xăm xắn lo mở ngay một cái Trung tâm gi gỉ gì gi nào đó để mãn nhiệm là ngồi ngay vào chức giám đốc. Chí ít trường cũng phải cấp cho cái phòng làm việc, một cái xe ô tô rách, một ít tài chính gọi là…để Trung tâm hoạt động. Trường nào cũng có đến vài chục cái Trung tâm. Trung tâm nào cũng xin kinh phí, phòng ốc…Ban Giám hiệu mới lên không giải quyết không được. Cũng phải nể mặt các vị nguyên lão cũ. Vả lại, tiền lệ đã thế, nay mai còn đến lượt mình, có thiệt đi đằng nào! Chỉ có người đi dạy và đi học là khổ. Phòng ốc vốn đã không đủ lại phải dành cho các Trung tâm. Các lớp học nếu không chồng chéo lên nhau thì cũng bị dồn, bị ép. Có lớp, sinh viên còn ngồi chật hơn cả lớp tiểu học. Mùa đông còn đỡ, mùa hè mới khốn nạn. Thầy trò toàn ngửi mồ hôi nhau. Nồng nặc. Nhớp nhúa. Không có đủ kinh phí để sắm quạt. Có lớp học chỉ có một cái quạt duy nhất. Các ông thầy cứ thao thao trên bảng một lúc lại phải bước đến chỗ có gió để hong tóc cho bớt mồ hôi.

Trong hoàn cảnh ấy, một vài thầy cô cũng tặc lưỡi: Có thể tách trường thì sẽ đỡ khổ hơn. Thực ra, đó chỉ là cách AQ cho đỡ tủi, chứ cán bộ giảng dạy  nào có nghĩa gì. Cuộc bầu bán lần nào họ cũng hội họp, lấy ý kiến thăm dò uy tín, nhưng rốt cuộc, chẳng ai công bố cái kết quả mà suốt bao ngày mỗi cán bộ vì trách nhiệm đã phải trăn trở lắm mới viết lên phiếu bầu. Đấy là một kiểu rất đặc trưng Việt Nam. Thời mồ ma thẩy Khả, ai cũng nhớ cái câu rất hài hước của thầy. Thầy bảo, CBGD ( chữ viết tắt của “cán bộ giảng dạy”) cũng chỉ là chó bò gà dê thôi.

Sự tách hay nhập đối với một trường, một khoa, tốt hay dở thì chưa ai biết được, còn phải kiểm nghiệm trong tương lai. Nhưng nó là thậm chí tốt với những người đang nhăm nhe vào chức này hay chức nọ kiểu như phó tiến sĩ Trần Văn Đốp. Anh đã lỡ tàu mất hai chuyến, còn một chuyến vét ( không kịp thì anh hết tuổi quản lý), nếu anh bỏ lỡ sẽ không còn một cơ hội nào. Đối với anh, tách khoa lúc này là cơ hội ngàn vàng. Anh không ngần ngại nói với cán bộ trẻ trong tổ đó là dịp “ngàn năm có một”. “Để mất cơ hội lúc này là có tội với ngành, có tội với sự phát triển của đất nước”. Nhưng tổ bộ môn của anh có tách ra được để thành một khoa mới hay không còn tùy thuộc vào ý kiến của vị chủ nhiệm khoa đương vị. Đó là phó tiến sĩ Lý Bá. Bằng bất kỳ giá nào cũng phải chọc thủng được cái lô cốt này. Nhưng gặp Lý Bá ở đâu bây giờ? Ở văn phòng khoa thì không tiện rồi. Vậy thì ở đâu? Ra quán nước hay quán cà phê chăng? Đốp vẫn có tiếng là “nghiêm túc”. Anh chưa hề la cà ở quán xá bao giờ.  Chỉ còn cách là gặp Lý Bá ở nhà riêng. Nhưng nhà riêng của Lý Bá ở đâu? À, Đốp nhớ ra rồi. Ở gần lăng Khải Định, sau gò Đống Đa. Lần Lý Bá lên chức chủ nhiệm có gửi thiếp mời Đốp đến uống bia cùng anh em cán bộ trẻ. Hôm đó, Đốp không đến nhưng có gửi hoa chúc mừng, chính vì thế mà Đốp nhớ khá rõ địa chỉ.

Ăn cơm tối xong, Đốp bảnh bao trong bộ quần áo sơ vin là nếp. Trời mới cuối thu, đã chớm cơn gió lạnh đầu mùa. Vì thế, ra khỏi nhà, Đốp lại quay vào mặc thêm chiếc áo blu dông. Anh phóng xe dọc theo đường chùa Bộc. Tới ngã tư, bỗng dòng người ở đâu đổ về như thác lũ. Người xe như ních vào nhau. Phải mất gần một tiếng Đốp mới thoát ra được cái cổ họng như bị nêm cối bốn bề. Tìm được đến nhà của Lý Bá thì trời đã muộn, Đốp dựng xe và tiến đến chiếc cửa xếp. Anh nhìn qua kẽ hở vào phía trong. Đèn trong nhà vẫn sáng. Màn hình trên cái ti vi vẫn thay đổi ánh sáng liên tục. Hình như đang là chương trình sân khấu. Vở cải lương đầy mùi ai oán vẳng lên bởi một giọng ca tài tử có giọng rất trầm. Đốp bấm chuông. Trên gác có tiếng nói vọng xuống nhưng lẫn vào giọng trong ti vi nên không rõ. Đốp lên giọng thật cao:

- Thầy Bá ơi. Tôi đây. Trần Văn Đốp đây.

Tiếng trong nhà vọng xuống:

- Sao bác tới muộn thế?

Đốp vui vẻ:

- Đường tắc quá, mất một tiếng đồng hồ. Mấy bữa nay không có giờ nên không vào trường, nhớ thầy, nhớ khoa quá.

Chủ nhà đã xuống gác, loẹt quẹt đôi dép đi ra mở khóa cửa. Đốp nói vọng vào trong:

- Khu nhà thầy tuyệt quá. Trong khoa bây giờ có lẽ sướng nhất thầy.

Cửa mở, hóa ra Đốp nhầm. Đó là một phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, tóc cắt ngắn, khuôn mặt trái xoan. Thấy Đốp, cô ta vui vẻ chào:

- Em chào thầy.

Đốp hoan hỉ:

- Chào em. Tôi đến hơi muộn vì đường tắc quá.

Nữ chủ nhà nhiệt thành:

- Không sao, thầy đến nhà em là quí rồi. Thầy ngồi xơi nước đợi nhà em một tý. Anh ấy vừa mới đi tắm.

Cô vừa nói vừa nhanh nhẹn pha nước. Để cho bớt trống trải, Đốp liền khen mấy câu như câu chuyện làm qùa:

- Trông em dạo này trẻ và đẹp ra.

Người phụ nữ hơi ngượng:

- Dạ, thầy cứ khen chứ em già rồi. Tết này đã bốn mươi.

Đốp vẫn tấm tắc:

- Bốn mươi được như em là quí lắm.

- Dạ.

- Trường thì không biết, nhưng trong khoa, chả mấy người được như vợ chồng em.

Nữ chủ nhà khiêm nhường:

- Đúng là cũng có một, hai người nói với em như vậy. Nhưng cuộc sống thì biết thế nào hả thầy?

Đốp được thể, hăng hái:

- Nói đến cuộc sống thì vô bờ lắm. Không biết chỗ nào là điểm đỉnh. Nhưng tôi nghĩ cô chú thế này là hạnh phúc quá rồi. Nhà ở trung tâm thành phố. Con cái lại lớn khôn cả. Thằng lớn của cô chú năm nay học lớp mấy nhỉ?

Nữ chủ nhà vủi vẻ:

- Cháu học lớp mười hai. Năm rồi cháu được cái giải ô lem píc tiếng Anh bác ạ.

- Quí lắm! Cô chú phải đầu tư cho nó.

- Chúng em định cho cháu du học ở Anh quốc.

- Anh quốc thì không gì bằng.

Chủ nhà rót nước rồi lấy ra một đĩa nho Mỹ trong tủ lạnh ra mời khách. Họ tỏ ra rất thân tình. Đốp vừa nhấm nháp mấy quả nho tím vừa ngắm nghía những bức tranh treo quanh phòng, vừa gật gù:

- Đúng là vẫn một căn phòng nhưng thay đổi bài trí một chút đã khác ngay. Trang trí thế này rất đẹp mắt.

Người phụ nữ rụt rè:

- Tính nhà em vẫn lãng mạn thế.

- Ở cùng khoa tôi biết. Chồng cô là một người có đầu óc rất lãng mạn.

Họ chuyện vãn được chừng mươi phút thì một người đàn ông mặc bộ quần áo pi za ma kẻ sọc đi từ trên gác xuống. Dáng anh ta hơi cao và gầy. Lúc đầu Đốp tưởng mình hoa mắt, nhưng khi người đó lên tiếng, Đốp mới ngớ ra. Người đó hỏi:

- Bác đến chơi tôi có việc gì ạ.

Đốp ấp úng:

- Tôi muốn gặp anh Lý Bá.

Vị chủ nhà ngạc nhiên:

- Thế anh chưa biết chuyện gì à?

Đốp lắc đầu, rồi hỏi:

- Có chuyện gì thế ạ?

Vị chủ nhà không kịp ngồi xuống ghế, chống hai tay vào hai bên mạng sườn, nét mặt trầm ngâm:

- Anh Bá chuyển nhà đi nơi khác rồi, chúng tôi mới dọn đến đây.

- Trời!- Đốp thốt lên vẻ kinh ngạc. Nhưng trong đáy mắt anh, bỗng lóe lên một tia sáng nhỏ. Nó nhảy nhót một cách kín đáo.

Vị chủ nhà ngắm nhìn Đốp một lúc rồi hỏi:

- Anh là thế nào với anh Lý Bá?

Đốp sực tỉnh:

- Tôi là cán bộ cùng khoa với anh ấy.

- Thế à ?

Vị chủ nhà định thêm “cùng khoa sao anh không biết” nhưng nghĩ thế nào lại thôi. 

Đốp đứng dậy:

- Cảm ơn anh chị. Tôi đã làm phiền.

Cả hai vợ chồng nhà chủ đồng thanh:

- Không có gì đâu ạ.

Trên đường về nhà, Đốp nghĩ bụng: “ Thế hóa ra lại hay. Phải tranh thủ nhanh cơ hội này mới được”.

 



Powered by Froala Editor